Đi Tìm Độc Giả
ạn tôi làm một nghề lạ: anh không ngại xưng mình là nhà văn, chỉ vì có vài hiểu biết tiềm tàng về chính tả, và giờ đây, anh đánh máy những bài tập văn phong hết trang này sang trang khác, cứ được một xấp thì gọi là bản thảo.
Anh đã nhai cỏ gầy của nghệ thuật ấy trên các thảo nguyên văn hóa hàng năm trời mới tìm được một nhà xuất bản. Sách của anh ra được ít lâu, tôi gặp anh trong tâm trạng tuyệt vọng. Thật vậy, nghe anh thuật chuyện, người ta phải đau lòng: theo tính toán của nhà xuất bản, trong vòng một năm, họ đã gởi 350 bản cho các nhà bình luận không thù lao, vài bài phê bình tốt xuất hiện, và 13 bản thật sự bán được - như vậy, phần của bạn tôi là 5 mác 46 xu. Nhưng anh đã được ứng trước 800 mác, vậy nếu lượng sách bán ra không đổi thì khoảng 150 năm, anh mới trả hết tiền ứng trước.
Tuy vậy, nói chung đời người không dài như thế. Ngoại trừ vài người Thổ Nhĩ Kỳ siêu phàm, người ta sống chừng 70 năm, và với những nhọc nhằn đáng kể mà thế hệ vô vọng của chúng ta phải chịu đựng, người ta có thể trừ bớt 10 năm mà không cần e ngại.
Tôi khuyên bạn viết cuốn sách thứ hai. Sách ra, giới chuyên môn hoan nghênh, số bản dành cho việc bình luận vượt quá 400, số lượng bán được sau nửa năm là 29. Tôi vẫn tặng bạn hai điếu thuốc, vỗ vai bạn và đề nghị viết thêm cuốn thứ ba. Nhưng lạ thay, anh ta lại nghĩ là tôi mỉa mai nên bị tổn thương và tránh tiếp xúc với tôi.
Trong khi đó, anh đã vào văn học sử với danh hiệu “Witt Trong Suốt”, và một cuốn sách viết về anh ra đời, bán chạy hơn cả sách của chính anh.
Tôi không gặp anh gần nửa năm: hình như anh lại lang thang trên nhưng miền đất của thiên tài cô đơn. Rồi bất ngờ anh tới nhà tôi, thú nhận đã bắt đầu cuốn sách thứ ba. Tôi đề nghị đưa tác phẩm ấy ra thị trường với số lượng 30 tới 50 bản in keo. Nhưng anh lại thích mực in chính hiệu, hơn nữa, anh đã nhận tiền ứng trước, sắp có đứa con thứ hai và nhất định không muốn phạm tội làm vài thợ sắp chữ, thợ in, mấy bà lo việc đóng gói phải thất nghiệp. (Tính xã hội của anh lúc nào cũng thật mạnh mẽ!)
Lúc đó đã có gần 100 bài phê bình tốt về anh, và cả hai cuốn sách bán được hơn 90 bản. Chủ nhà xuất bản mở chiến dịch được bạn tôi gọi là “Cuộc đi tìm độc giả”. Ông ta gởi giấy bướm tới mọi nhà sách, yêu cầu ghi nhận những người mua sách của Witt và báo ngay cho nhà xuất bản để tìm cách tạo mối liên hệ giữa tác giả và người đọc.
Chẳng bao lâu, chiến dịch ấy có kết quả. Sau khi khởi sự được bốn tuần, ở tận miền bắc xa xôi, một ông xuất đầu lộ diện hỏi mua sách của bạn tôi. Chủ tiệm sách lập tức đánh điện đi: “Người mua sách xuất hiện - làm gì đây?” Trong khi đó, ông giữ khách lại bằng cách trò chuyện với khách, rót cà phê, mời thuốc lá - toàn những hành động khiến khách ngạc nhiên nhưng cũng lặng im chịu đựng. Rồi điện tín trả lời khẩn cấp của nhà xuất bản đến: “Gởi người mua tới tôi - nhận trả mọi chi phí”. May thay, khách hàng là giáo viên trung học đang kỳ nghỉ và không hề phản đối chuyến du lịch miễn phí đến miền nam Đức. Ngày đầu, ông ta đáp xe lửa tới Cologne, nghỉ đêm ở một khách sạn tốt rồi đi dọc sông Rhin xinh đẹp về hướng nam, tận hưởng cuộc hành trình của mình.
Khoảng bốn giờ chiều ngày thứ hai, ông ta tới nơi, đi tắc xi từ ga xe lửa đến nhà xuất bản và trò chuyện một giờ thú vị với bà chủ nhà, vừa uống cà phê, ăn bánh ngọt. Sau đó, ông ta được cấp thêm lộ phí, được chở ra nhà ga rồi đi vé hạng nhì tới cái phố nhỏ yên tĩnh, nơi bạn tôi phục vụ nữ thần Nghệ Thuật. Nơi đó, đứa con thứ hại của anh ra đời tự lúc nào. Vợ anh đã đi xi nê - một thú tiêu khiển không thể thiếu với các bà vợ văn sĩ, dù tài chính có eo hẹp tới đâu đi nữa. Vì vậy, người mua sách gặp bạn tôi đúng lúc anh đang hâm sữa cho con uống ban tối và dỗ chúng bằng bài hát mang một từ dung tục. Từ ấy đã đẩy nền văn học trẻ của Đức xuống bùn nhơ...
Bạn tôi chào độc giả của mình một cách nồng nhiệt, ấn cái cối xây cà phê vào tay ông ta và nhanh chóng làm bổn phận người cha. Chẳng bao lâu, nước cà phê sôi, và đáng lẽ họ đã có thể bắt đầu câu chuyện. Nhưng cả hai đều quá nhút nhát nên ban đầu chỉ nhìn nhau tỏ vẻ khâm phục. Một lúc sau, bạn tôi mới bật tiếng hô:
- Ông thật là một thiên tài, một thiên tài cỡ lớn!
Người khách nhỏ nhẹ nói:
- Không đâu, tôi nghĩ chính ông mới phải.
- Ông lầm rồi, đặc điểm chính của thiên tài là hiếm có, và ông thuộc hạng người hiếm có hơn tôi.
Bạn tôi nói và bấy giờ mới rót cà phê vào tách. Khách cố đưa những lý lẽ khiêm nhường để bác bỏ nhưng lại được bạn tôi giải thích một cách thô thiển:
- Chẳng đúng chút nào, viết một cuốn sách không khó bằng làm ra nó. Tìm nhà xuất bản dễ như chơi, nhưng mua sách - cái đó tôi gọi là hành động phi thường. Ông lấy sữa và đường đi.
Ông khách lấy sữa và đường rồi rụt rè rút từ túi trong áo măng-tô cuốn sách mua tận miền bắc xa xôi ra xin bạn tôi đề tặng. Bạn tôi cứng rắn bảo:
- Nhưng chỉ với điều kiện, chỉ với điều kiện là ông viết lời đề tặng lên bản thảo của tôi!
Anh lấy một tập hồ sơ từ kệ sách, rút ra một chồng giấy viết tay để cạnh tách cà phê của khách rồi nói:
- Xin ông chiều ý tôi!
Khách bối rối lấy viết máy ra, chần chừ một lúc rồi viết phía dưới trang cuối bản thảo: “Với lòng trân trọng - Günther Schlegel.”
Nhưng nửa phút sau, khi bạn tôi đang phe phẩy bản thảo trên lò sưởi cho khô mực, khách rút từ túi trong áo măng-tô ra một xấp giấy đánh máy, yêu cầu bạn tôi đưa cho nhà xuất bản đánh giá tác phẩm được ông ta gọi là một đóng góp nhỏ cho nền văn học trẻ.
Theo lời thuật của bạn tôi, anh đã sững sờ mấy phút vì thất vọng. Anh xót xa lo lắng cho số phận của khách.
Thế rồi họ lại ngồi câm lặng vài phút, cho tới khi bạn tôi bảo nhỏ:
- Tôi cầu xin ông, ông đừng làm vậy - ông sẽ mất đi tính độc đáo của mình!
Người khách im lặng dai dẳng và ôm chặt bản thảo của mình. Bạn tôi nói tiếp:
- Ông sẽ không được trả lộ phí, không được đãi bánh kem nữa. Bà chủ nhà xuất bản sẽ tỏ ra chua cay vô cùng. Vì lợi ích của ông, tôi cầu xin: ông đừng làm vậy!
Nhưng khách lắc đầu bướng bỉnh, và bạn tôi vì hết lòng muốn cứu một người nên không từ cả việc đem giấy tờ thanh toán tiền nong của nhà xuất bản cho ông ta xem. Nhưng tất cả những điều ấy, Schlegel đều không lưu ý tới.
Đến đậy, bạn tôi ngừng kể, và tôi đoán anh chỉ còn nước cãi nhau với khách thôi. Dù sao khi ấy cũng không ai nói gì, bạn tôi trầm ngâm nhìn nắm tay xiết chặt và thì thầm điều gì không rõ. Tôi được biết thêm là Schlegel chỉ chào qua loa rồi bỏ đi, để quên bản thảo ở nhà bạn tôi.
Trong khi đó, cuốn tiểu thuyết “Pénélope [1], khốn thay cho nàng!” của Schlegel, một truyện về những người hồi hương [2] đã gây sự chú ý trong giới chuyên môn một cách chính đáng. Schlegel từ bỏ sự nghiệp giảng dạy, nghĩa là từ bỏ một nghề thật sự để theo đuổi một nghề khác mà tôi vẫn nghĩ đó không phải là một nghề thật sự.
Chú thích:
[1] Trong truyện thần thoại Hy Lạp, Penelope là người vợ trung thành của Odysseus. Khi người anh hùng còn “lạc lối đường xa”, Penelope đã khôn khéo từ khước những kẻ muốn ép nàng làm vợ.
[2] Có lẽ là những tù binh Đức được trả về quê hương.
Đêm Thánh Vô Cùng Đêm Thánh Vô Cùng - Heinrich Böll Đêm Thánh Vô Cùng