Chương 11
ào một đêm, Jesse đã đưa ra một lời bình luận rất ngẫu nhiên; chúng tôi đang đi bộ về nhà sau bữa tối và nán lại đôi chút trước ngôi nhà một tầng ọp ẹp nơi chúng tôi từng sống khi nó vẫn còn là một đứa trẻ con với mái tóc màu tía và một cô bạn gái mảnh khảnh cuối phố.
“Con có bao giờ dừng lại đây không?” tôi hỏi.
“Không. Thực ra con không thích thế vì người khác bắt đầu chuyển vào sống trong nhà này rồi. Nó luôn cảm giác như bị xâm chiếm bố ạ.”
Căn nhà không hề đổi khác - không có góc nào nhìn là đẹp cả, với một đoạn hàng rào cũ nát trước nhà. “Con không hề nghĩ nó nhỏ đến thế này. Hồi con còn bé, căn nhà trông rất lớn.”
Chúng tôi ở lại đó một lúc, nói chuyện về mẹ nó và cái lần nó bị bắt vì xịt sơn lên tường ngôi trường ở bên kia phố, và sau khi được sưởi ấm bởi những ký ức này, chúng tôi đi dần xuống phía nam để về nhà.
Tối hôm đó, vẫn cảm nhận được câu chuyện của chúng tôi, tôi bước thoăn thoắt vào cửa hàng đĩa băng và thuê phim American Graffiti (Hình vẽ Mỹ) (1973). Tôi không nói với nó đó là phim gì - tôi biết nó sẽ phản đối hoặc muốn xem cái đĩa và tìm một thứ gì đó trên vỏ bao mà nó không thích hoặc làm cho bộ phim “quá cổ lỗ.” 20 năm qua, tôi chưa xem lại phim này và sợ rằng sức mê hoặc và sự nhẹ nhàng của bộ phim đã phai đi rất nhiều. Tôi đã sai. Đó là một bộ phim rất cuốn hút, sâu sắc dưới một góc độ mà ban đầu tôi đã không nhận ra. (Những bộ phim hay thường mang nhiều tính trí thức hơn tôi thường nghĩ, ít ra cũng bởi quá trình nó được hình thành.)
American Graffiti không phải chỉ nói về một lũ trẻ con vào một đêm thứ Bảy. Khi một chàng Richard Dreyfuss rất trẻ đột nhiên đến trạm phát thanh địa phương, đã có những tiến triển tuyệt vời trong câu chuyện xảy ra khi cậu bắt gặp Wolfman Jack đang thu âm cái giọng khàn khàn của mình. Dreyfuss chợt hiểu ra rằng trung tâm của vạn vật thực sự nằm ở đâu: đó không phải là một nơi chốn, nó là sự hiện thân của một
nỗi khát khao không bỏ lở bất cứ điều gì - nói cách khác, không phải một nơi nào đó bạn có thể tới được, mà là một nơi bạn muốn được ở đó. Và tôi rất thích đoạn hội thoại của anh chàng sở hữu chiếc xe xịn đó, rằng hồi trước chỉ cần đầy bình xăng là có thể “làm” một vòng quanh thành phố, nhưng giờ chỉ cần năm phút là xăng đã cạn. Thế giới như thu nhỏ lại khi bạn nhìn đi hướng khác. (Như ngôi nhà ọp ẹp đối với Jesse.)
Tôi không muốn làm mất lòng mến khách của mình bằng cách nói về Proust và American Graffiti, nhưng chẳng cách nào khác mà bạn có thể nhìn nhận khác về một cô gái xinh đẹp trên chiến xe Thunderbird luôn xuất hiện và biến mất ở ngoài tầm mắt của Dreyfuss, trừ khi như sự dự tính của Proust rằng sự sở hữu và sự ham muốn đều riêng biệt, rằng để cô gái ấy thực sự là cô gái dành cho mình, cô ấy luôn phải bỏ đi?
“Bố có nghĩ điều đó đúng không, rằng người ta không thể cùng một lúc vừa sở hữu một người phụ nữ và vừa ham muốn có được cô ấy?”, Jesse hỏi.
“Không, bố cho là không. Nhưng bố đã từng như thế khi bằng tuổi con. Suốt một thời gian dài, bố không bao giờ đến với ai đó một cách nghiêm túc nếu họ yêu bố quá nhiều.”
“Điều gì đã thay đổi?”
“Lòng biết ơn mà bố đã học được, từ một người,” tôi nói.
Nó nhìn vào màn hình tivi trống trơn và suy nghĩ với vẻ hết sức u sầu. “Rebecca Ng có giống như cô gái trong chiếc xe Thunderbird không nhỉ?”
“Có, nhưng con phải nhớ hành động đó làm tổn thương tình cảm cả hai phía. Cũng giống như cô bạn gái cũ của con, Claire Brickman, cô bé hay đi giày trượt pa-tanh ấy. Con nghĩ cô ấy sẽ nhìn con như thế nào sau khi đã chia tay?”
“Giống như anh chàng trong chiếc xe Thunderbird?” “Có thể.”
“Nhưng không phải hàm ý đó, bố ạ, rằng nếu con không chia tay với cô ấy thì cô ấy sẽ không thích con nhiều như thế nữa?”
“Nó hàm ý rằng việc con nằm ngoài tầm với có thể khiến con bé thích con rất nhiều, nhiều hơn so với bình thường.”
Thêm một chút trầm tư nữa. “Con không nghĩ rằng Rebecca Ng quan tâm đến việc liệu con có sẵn sàng hay không”“Hãy cứ hy Vọng là không,” tôi nói và hướng sự tập trung sang một chủ đề khác. * * *
Tôi đã hỏi David Cronenberg một lần rằng liệu anh đã từng có bất cứ “niềm vui thú tội lỗi” nào về phim ảnh chưa. Tôi đã sắp đặt cho câu trả lời của anh ra bằng cách thừa nhận một điểm yếu của phim Pretty Woman (Người đàn bà đẹp) (1990) với sự diễn xuất của Julia Roberts. Bộ phim không hề có một giây phút nào đáng tin, nhưng nó lại là một tác phẩm rất có hiệu lực mô tả cốt truyện làm hài lòng người xem, từng cảnh dễ chịu nối tiếp nhau, khiến bạn khó có thể rời mắt khỏi bộ phim.
“Kênh truyên hình Thiên Chúa giáo,” Cronenberg trả lời không chút do dự. Có điều gì đó ở nhà truyền giáo có gương mặt sưng húp đến từ phương nam, hoạt động giữa đám đông, đã mê hoặc anh ta.
Lo sợ rằng câu lạc bộ điện ảnh đang dần trở nên cứng nhắc (chúng tôi đã xem liên tiếp đến năm bộ phim thuộc trào lưu “Làn sóng mới”), tôi soạn ra một danh sách những niềm vui thú tội lỗi cho tuần đầu tiên của chúng tôi trong tháng hai. Tôi cũng muốn hướng Jesse tránh xa sự tầm thường của việc không thể có một khoảng thời gian vui vẻ ở những bộ phim hạng bét. Người ta phải học cách để bản thân mình vượt qua những điều như thế.
Chúng tôi bắt đầu với bộ phim Rocky III (Tay đấm huyền thoại 3) (1982). Tôi điểm ra những kích động rẻ tiền nhưng khó cưỡng lại của ngài T, người nhễ nhại mồ hôi chống đẩy và lên xà trong khoảng không gian sống nhỏ bé và bẩn thỉu của ông ta. Không có những thảm nấm và cà phê sữa chán ngắt cho ông! Tiếp đó là bộ phim tội phạm Night Moves (Âm mưu trong đêm) (1975) của Gene Hackman, trong đó có Melanie Grifith 18 tuổi thủ vai một nữ thần sắc đẹp lẳng lơ. Ðứng nhìn cô từ đằng xa, người bạn trai “lớn tuổi hơn” nói với cô rằng: “Lẽ ra phải có phép tắc.” Hackman đứng bất động và trả lời: “Có đấy.”
Rồi tiếp đến là phim La Femme Nikita (Nikita) (1990), một bộ phim kỳ cục về một kẻ nghiện ngập điển trai, chuyển sang thành một sát thủ của chính phủ. Tuy nhiên vẫn có một điều gì đó về bộ phim này, có thể là do nó quá xuất sắc. Luc Besson là một chàng đạo diễn Pháp trẻ tuổi và
tài năng, người hiểu được trong cả từng tế bào của mình rằng nên đặt máy quay ở đâu, ai nên bắn súng để làm nên hiệu ứng hình ảnh và đã hoàn thành những việc đó hăng hái tới mức người ta bỏ qua cho anh ta sự ngu ngốc và thiếu tính thực tế trong cốt truyện.
Hãy xem bộ phim được bắt đầu như thế nào - ba gã đàn ông đi trên phố, kéo theo một tên đồng bọn nữa. Nó giống như một cảnh ảo giác của Gary Cooper trong phim High Noon (Trưa hè nóng bỏng).
Nhưng La Femme Nikita mới chỉ là màn mở đầu. Giờ chúng tôi đã sẵn sàng cho ông vua của những khoái cảm tội lỗi, một thứ rác rưởi thực sự làm người ta cảm thấy xẩu hổ khi để người khác nhìn thấy trong nhà mình. Ðầy ham muốn, vớ vẩn, và đen tối, Showgirls (Gái nhảy) (1995) là một bộ phim không tha thứ. Nó làm khán giá phải lắc đầu hoài nghi: chúng ta tự hỏi rằng, liệu điều gì có thể xảy ra tiếp theo trong câu truyện của một cô gái trẻ bỏ nhà (và đó quả là một gia đình tồi tệ!) để làm gái nhảy ở Las Vegas. Có rất nhiều điều dành cho những người quan tâm nhưng tới cuối bộ phim, bạn không còn quan tâm nữa. Bạn không thể quan tâm nữa.
“Showgirls,” tôi nói với Jesse, “là một hiện tượng lạ của điện ảnh, một khoái cảm tội lỗi mà không hề có một màn trình diễn nào đáng nói cả.”
Khi Showgirls được trình chiếu, nó đã vấp phải hàng loạt những lời hoài nghi, nhạo báng từ giới phê bình và cả công chúng nữa. Nó đã nhấn chìm sự nghiệp của diễn viên chính trong phim, Elizabeth Berkley, từ trước khi nó bắt đầu; diễn viên gạo cội Kyle MacLachlan Blue Velvet (Nhung xanh) (1986) tự làm ô nhục bản thân bằng vai diễn với những cú liếc mắt đểu giả và mân mê ria mép trong vai “đạo diễn giải trí.” Chỉ qua một đêm Showgirls đã vọt lên đầu của danh sách những-bộ-phim- dở-nhất-của-năm-1995. Những buổi chiếu trở nên tan tác, khi những khán giả lạ mặt chửi bới thậm tệ vào màn hình.
Những lời khen cuối cùng lại đến từ cộng đồng người đồng tính của New York, nơi những người đàn ông mặc trang phục phụ nữ tái dựng lại những cảnh quay của bộ phim, mồm mấp máy theo từng đoạn hội thoại trong khi tuyệt tác nguyên bản đang được chiếu đằng sau họ trên một màn hình rất lớn. Ðó đơn giản là chuyện vui nhất từ bộ phim Mommie Dearest (Bà mẹ tuyệt vời) (1981).
Tôi bảo Jesse đếm số lần Berkley chạy ra từ một căn phòng với vẻ đầy
căm phẫn. Tôi nhắc nó chú ý tới cảnh quay cô ta dí mũi dao bấm vào người lái taxi. Một lối diễn xuất rất đặc biệt.
“Một lối dẫn dắt thật ghê gớm,” Jesse nói. Vốn từ của nó đang tiến bộ dần lên.
“Showgirls,” tôi kết luận, “là một bộ phim làm cho tất cả chúng ta trở thành những bác sĩ chuyên khoa trực tràng. Một số người quả quyết rằng Plan 9 from Outer Space (Kế hoạch số 9 từ ngoài vũ trụ) là bộ phim tệ nhất từng được sản xuất, nhưng đó chỉ là cách nghĩ được mọi người lưu truyền thôi. Bộ phim này mới dành được phiếu bầu của bố.”
Một lúc nào đó gần thời điểm cô Berkley đang liếm cây cột sắt ở quán múa thoát y, tôi nhận ra rằng tôi đã dành cho Showgirls màn giới thiệu còn dài hơn cả The 400 Blows và toàn bộ phần Làn Sóng Mới của Pháp.
Chúng tôi giữ cho đà của sự khoái-cảm-tội-lỗi tiếp tục với phim Under Siege (Bủa vây) (1992), một miếng bánh khoe khoang vô nghĩa ngon lành của hai nhân vật phản diện, Gary Busey và Tommy Lee Jones, cả hai đều là những diễn viên xuất sắc, đều phải gặm nhấm bản thảo của bộ phim. Một đôi dăm bông thực sự. Tôi thừa biết rằng giữa những cảnh quay họ đều bò lăn ra cười. Tôi bảo Jesse để ý cảnh mà Busey, bị cáo buộc là dìm chết thủy thủ đoàn của mình, trả lời rằng: “Đằng nào thì họ cũng không thích tôi.”
Ðể kết thúc, chúng tôi thuê một vài tập đầu của chương trình truyền hình The Waltons (Nhà Walton) (1972-1981). Tôi muốn Jesse nghe những đoạn độc thoại thường xuất hiện ở cuối mỗi chương trình, người dẫn truyện gói ghém câu truyện, theo lối hồi ký, từ góc nhìn của người lớn tuổi. Tôi hỏi nó tại sao những đoạn đó lại có tác dụng đến như thế?
“Sao ạ?”
“Những đoạn độc thoại đó làm con cảm thấy nhớ một cuộc sống con chưa từng có như thế nào?”
“Con không hiểu bố đang nói gì đâu, bố ạ.”
* * *
Việc Jesse và ba đứa bạn thân lái xe đi Montreal xem một chương trình biểu diễn nhạc rap khiến tôi thấy lo lắng. Tôi đưa cho nó một trăm đô-
la, nói yêu nó và nhìn nó xúc động lóng ngóng đi ra khỏi cửa. Tôi gọi với khi nó đang đi qua rào chắn sân nhà, ba đứa bạn kia đã ngồi nghiêm trang trong xe của bố một đứa nào đó trong nhóm.
Tôi không biết mình đã nói gì với nó nhưng điều đó khiến nó quay trở lại từ phía bên kia hàng rào chắn. Tôi chỉ muốn trì hoãn thêm một chút, 15, 20 giây, để nếu nó có bị chết trên đường, nó sẽ nhớ điều đó - những hàng rào chắn, những giây phút - nhưng nhớ là vì một vài khoảnh khắc như thế này.
Tối khuya ngày thứ Hai sau đó, nó trở về nhà cũng với một câu chuyện kỳ lạ. Nhìn nó thật kinh khủng, làn da của nó như sắp bị phát ban. Nó nói: “Một trong những đứa đi cùng với chúng con là bạn của Jack. Gã da đen béo ục ịch. Con chưa bao giờ gặp gã trước đây. Con ngồi ngay bên cạnh gã trên xe ô tô và khi chúng con đi được khoảng một trăm dặm phía ngoài Toronto, điện thoại của gã đổ chuông. Bố có biết người gọi là ai không? Rebecca. Đó là Rebecca Ng. Bây giờ cô ấy sống ở Montreal, đi học đại học ở đó.”
“Chúa ơi.”
“Gã da đen đó bắt đầu nói chuyện với cô ấy, ngay bên cạnh con. Con có đọc sách hoặc nhìn ra ngoài cửa sổ - con không biết phải làm gì. Con không thể suy nghĩ tỉnh táo được. Con đã nghĩ mình sắp lên cơn đột quỵ hay đầu con chuẩn bị nổ tung, y như anh chàng ở trong phim...”
“Scanners (Những kẻ soi não).”
“Rồi hắn nói vào điện thoại, ‘Jesse Gilmour đang ở đây. Cô có muốn nói chuyện với anh ấy không?’ rồi hắn đưa cho con điện thoại. Cô ấy đó. Con đã không gặp cô ấy trong cả năm trời, không có gì khác, nhưng mà cô ấy đang nghe điện thoại. Rebecca. Rebecca của con.”
“Thế con bé nói gì?”
“Cô ấy kể chuyện cười, tán tỉnh và, bố biết đấy, cư xử như Rebecca. Cô ấy nói: ‘Trời, thật là một bất ngờ. Cực kỳ đáng ngạc nhiên ấy.’ Rồi cô ấy hỏi xem con định ở đâu ở Montreal. Con nói ở một khách sạn, và cô ấy bảo: ‘Anh định làm gì tối nay? Mong là không chỉ lượn lờ quanh khách sạn chứ.’
“Rồi con nói: ‘Anh không biết. Tùy thuộc vào mọi người.’ Và cô ấy nói:
‘Ừ, em sẽ ở hộp đêm này - sao anh không qua đây đi?’
“Mất khoảng sáu đến bảy tiếng để tới Montreal. Có lẽ lâu hơn - tuyết đang rơi. Bọn con đến đó và thuê phòng khách sạn; đó là một nơi tồi tàn, như khách sạn Holiday Inn hạng hai nhưng nó ở ngay trung tâm thành phố trong khu sinh viên nghèo.”
“Rồi bọn con đi mua cả một đống bia và mang về khách sạn; bọn con đến ở chung một phòng, một cái giường nhỏ cho gã da đen quen Rebecca. Tầm 10 đến 11 giờ tối hôm đó tất cả bọn con đều đã say.”
“Tất cả đều đã say.”
“Bọn con đi ra quán bar. Hộp đêm mà Rebecca đã nhắc tới. Ở đâu đó dưới phố Saint Catherine. Đâu đâu cũng toàn thấy sinh viên. Lẽ ra con nên hiểu điều đó có nghĩa là gì. Nhưng con đã không hiểu. Bọn con đi vào quán đó và một anh chàng to lớn có cặp ria mép đòi xem chứng minh thư của bọn con. Anh ta đòi chứng minh thư, con thì lại không có. Những đứa khác có mang theo thì được vào trong hết. Anh ta không cho con qua. Con còn nói với anh ta rằng bạn gái cũ của con đang ở trong đó, và rất lâu rồi con chưa được gặp cô ấy. Con nói đủ thứ chuyện. Nhưng tất cả đều không hiệu quả. Con đứng đó, kẹt ở vỉa hè, tất cả bạn bè con ở trong, Rebecca ở trong, và con nghĩ đây là chuyện nhẫn tâm nhất từng xảy ra với mình.”
“Nhưng rồi Rebecca ra cửa chính. Con chưa bao giờ nhìn thấy cô ấy tuyệt vời như thế, nhưng tuyệt một cách kinh tởm. Cô ấy nói với người gác cửa, bố biết không, Rebecca nói: đứng sát người anh ta, nhìn lên, nháy mắt với anh ta rất đưa tình. Và anh chàng đó, người gác cửa, nở một nụ cười thoáng chút ngượng ngịu trên mặt, nhấc dây chặn cửa lên và cho con vào mà không nhìn cả con lẫn cô ấy.”
“Thật tuyệt.” (Người ta còn có thể nói gì được nữa?)
Nó nói tiếp: “Con ngồi trên ghế cạnh Rebecca ở quầy bar, uống rất nhiều và rất nhanh.”
“Con bé có uống nhiều không?”
“Không ạ, nhưng cô ấy có uống. Rebecca uống không giỏi lắm.” “Và?”
“Và con say bí tỉ. Cực kì, cực kì say. Bọn con bắt đầu cãi nhau. Bọn con quát vào mặt nhau. Người phục vụ chặn con lại; người gác cổng qua chỗ con và bảo cả hai đi chỗ khác. Nên bọn con ra ngoài vỉa hè, tuyết đã ngừng rơi nhưng còn rất lạnh, cái lạnh kiểu Montreal, người ta có thể thấy được hơi thở của mình, và bọn con vẫn đang cãi nhau. Và con hỏi cô ấy rằng cô ấy còn yêu con không. Cô ấy nói: ‘Em không thể nói chuyện này với anh được, Jesse à. Em thực sự không thể. Em đang sống với một người khác.’ Cô ấy vẫy một chiếc taxi và lên xe.”
“Con có gặp cô ta nữa không?”
“Còn nhiều chuyện nữa xảy ra cơ, bố đừng lo.” Nó dừng lại và nhìn chằm chằm ra phía con đường, như thể nó đang phải nhớ lại một điều gì đó, giống như bất chợt phát hiện ra có ai đó đang đứng ngay trước mặt nó vậy.
“Chuyện gì cơ?” Tôi nói: lo sợ, kêu lên khổ sở.
“Bố có nghĩ rằng con giống như một kẻ yếu đuối khi hỏi cô ấy điều đó không? Hỏi rằng liệu cô ấy có còn yêu con nữa không?”
“Không. Nhưng con biết không,” Tôi suy nghĩ thêm một chút, làm thế nào để diễn đạt được điều đó.
“Biết cái gì ạ?”, nó hấp tấp dò hỏi.
“Chỉ là điều bố đã từng nói đến hồi năm ngoái hoặc tầm thời gian ấy. Đó là, những cuộc trò chuyện quan trọng không bao giờ có thể được kiểm soát tốt nhất khi người ta uống rượu.” (Tôi nghĩ: Chúa ơi, hãy nghe điều tôi nói xem.)
“Nhưng đó là thời điểm duy nhất người ta thực sự muốn được nói chuyện” nó nói.
“Đúng vậy, đó mới chính là vấn đề. Dù sao thì con cứ kể tiếp đi.”
Nó tiếp tục. “Chúng con quay trở lại khách sạn, bốn đứa bọn con. Có ai đó đã uống một chai rượu Tequila.”
“Chúa ơi.”
“Sáng hôm sau, con tỉnh dậy trong phòng khách sạn với dư vị thật khó
chịu. Vỏ chai bia ngổn ngang khắp nơi, mùi ám vào quần áo con, còn con đã phải trả cho tất cả. Con có nhớ lại lúc hỏi Rebecca xem liệu cô ấy có còn yêu con nữa không và cô ấy nói: ‘Em không thể nói về chuyện này,’ và bước lên xe taxi.”
“Thật quá tệ.”
“Con cố gắng quay lại giường đi ngủ.” “Đúng rồi.”
“Hẳn con đã hàng trăm lần lên kế hoạch về những điều con dự định nói với cô ấy khi chạy đến bên Rebecca, và rồi điều này xảy ra.”
Nó nhìn chằm chằm sang ngôi nhà phía bên kia đường. “Bố đã bao giờ làm việc gì như vậy chưa?”, nó hỏi. “Tiếp theo đó, điều gì đã xảy ra?”, tôi nói.
“Chúng con đi ăn sáng. Hẳn là lúc đó con vẫn còn say rượu, bởi vì khi chúng con quay trở lại khách sạn, con nôn ra hết.”
“Con lấy đâu ra tiền để trả?”
“Con mượn Jack một ít tiền. Bố đừng lo, con sẽ chịu trách nhiệm khoản này.”
Nó dừng lại và châm một điếu thuốc. Miệng nhả khói ra xa. “Con không nhớ nổi ngày tiếp sau đó chúng con đã làm gì - đến núi Mount Royal, con nghĩ thế, nhưng ở đó thời tiết quá lạnh. Con không mang theo áo khoác và cũng không hề có găng tay. Chúng con đi xung quanh đó một lúc - có một số nhóm sinh viên tụ tập ở đó, chúng con cho rằng đây có thể là một nơi lý tưởng để gặp gỡ các cô gái - nhưng gió rít quanh ngọn đồi, thổi vào ống quần của con.
“Chúng con đi xem buổi biểu diễn nhạc rap vào tối hôm đó, buổi biểu diễn rất tuyệt chỉ ngoại trừ một điều, con cứ chăm chăm nhìn xung quanh để tìm kiếm Rebecca. Con có thể cảm nhận được cô ấy xuất hiện trong hội trường ấy, con biết là cô ấy ở đó, nhưng con không thể tìm thấy. Sáng hôm sau, gã béo da đen nói rằng phải đi đến chỗ Rebecca để lấy một thứ, một gói đồ.”
“Con có đi không?”
“Con muốn được gặp cô ấy. Vậy thì tại sao lại phải giả vờ?” (Nó dũng cảm hơn mình, tôi nghĩ.)
“Chúng con đi đến chỗ cô ấy ở. Đó là nơi cô ấy sống cùng với bạn trai. Và chúng con đi vào thang máy, con tự nói với mình: Đây là chiếc thang máy hàng ngày cô ấy vẫn đi; và đây là hành lang mà cô ấy đi lại mỗi ngày; và đây là cánh cửa nhà cô ấy...”
“Chúa ơi, Jesse.”
“Cô ấy không có nhà; gã bạn trai của cô ấy cũng vậy, chỉ có một người bạn cùng phòng, một cô gái nào đó, cho chúng con vào. Nhưng khi con bước vào trong nhà và lén nhìn trộm vào phòng ngủ của cô ấy. Con không thể ngăn được bản thân mình. Con nghĩ: đó là nơi cô ấy ngủ, đó là nơi cô ấy thay quần áo vào mỗi sáng. Và sau đó cô ấy, Rebecca, xuất hiện. Nhìn như thể cô ấy dành hàng giờ đồng hồ trước gương, lựa chọn quần áo.”
“Có thể con bé đã làm như thế.”
“Con ngồi trong góc, quan sát cô ấy nói chuyện với gã da đen. Trở lại là Rebecca, nói chuyện và đùa vui với tất cả mọi người, ngoại trừ con.”
“Và rồi?”
“Rồi con đứng dậy, ra về và chúng con trở về nhà.” “Hẳn đó là một hành trình rất dài.”
Nó lơ đãng gật đầu. Tâm hồn nó đã trở lại với Rebecca trên con đường lạnh giá, hỏi con bé xem liệu có còn yêu nó hay không.
Cha Con Và Những Thước Phim Cha Con Và Những Thước Phim - David Gilmore Cha Con Và Những Thước Phim