Z.28 epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Z.28 Ba Lê… Mắt Biếc Môi Hồng - Chương 1: Đòn Hẹn
ăn Bình áp ống nghe vào tai. Điện thoại kêu ro ro làm chàng đói bụng thêm. Từ lúc đặt chân xuống thành phố Ba Lê mưa rơi lành lạnh đến giờ, chàng chưa có phút nào rỗi rải để phụng sự thần khẩu. Phi cơ vừa hạ cánh thì thót ra tắc-xi, phóng thẳng một mạch về khách sạn. Khách sạn 4 ngôi sao thuộc loại nhất hạng, phòng nào cũng có điện thoại, chỉ nhấc lên là người đẹp quay số giùm, khỏi cần phí phạm sức lao động, nhưng chỉ thị của Sở - những chỉ thị luôn luôn lố bịch một cách đáng ghét - lại không cho phép chàng dùng điện thoại qua tổng đài. Chàng phải đội mưa ra đường, leo tắc-xi đến gần một ngã tư, rẽ vào tiệm bán thuốc lá mua gói Salem và cái giơ-tông.
Một phật-lăng mua được hai giơ-tông (2) té ra Sàigòn đã đắt, Ba Lê lại đắt hơn nhiều. Văn Bình cảm thấy kiêu hãnh khi nghe đường dây câm lặng mấy phút đồng hồ dài đăng đẳng rồi mới phát ra tiếng "cụp" quen thuộc. Chàng vừa kiêu hãnh giùm cho các cô điện thoại ở Sàigòn. Thiên hạ thường chê điện thoại Sàigòn bết bát, sự thật là điện thoại của kinh đô ánh sáng còn bết bát gấp mấy.
Chàng đang mải nhớ Sàigòn, nhớ những cô gái giữ tổng đài trong các đại lữ quán, và công tư sở xinh như mộng, nhưng cô gái làm việc tại tổng nha Bưu Điện có giọng nói ngọt như mía lùi, nên quên bẵng cả alô như thường lệ. Từ đầu dây, người lạ đã alô trước.
Đang bị đàn kiến vô hình rỉa cắn bao tử, Văn Bình bỗng no nê, tinh thần sảng khoái. Vì người lên tiếng trả lời là đàn bà. Giọng nói thánh thót như đàn dương cầm. Và chắc nàng còn trẻ:
- Anh hả? Anh yêu của em hả?
Chết rồi…. chàng mới biết số điện thoại này và mới quay gọi lần đầu tiên, chàng chưa hề gặp người đối thoại, vả lại đương sự là gái Pháp chính cống nên không thể biết được Z.28 là cha căng chú kiết nào. Tại sao giai nhân lại gọi chàng là "anh yêu của em?"
Giọng nói lưu loát tiếp theo:
- Em chờ anh mãi, giờ này anh mới kêu. Anh lấy phòng ở ô-ten nào? Phòng số mấy?
Dĩ nhiên Văn Bình không được phép tiết lộ chỗ ở dầu chỉ là chỗ ở tạm thời. Chàng bèn nói ám ngữ:
- Tôi vừa ở Ba Lan tới, tôi…
Cô gái trong điện thoại đã cắt đứt mật khẩu bằng giọng ưỡn ẹo, cái ưỡn ẹo làm đứng tim của vũ nữ thoát y chuyên nghiệp:
- Anh từ đâu đến, em không cần biết. Hôm nay, trời khá lạnh, lại có mưa lất phất, người sinh trưởng ở Ba Lê cũng chịu không nổi, huống hồ anh là du khách. Nào, đừng ỡm ờ mất thời giờ vô bổ nữa, anh lấy phòng ở ô-ten nào, phòng số mấy?
Chàng đáp bừa:
- Bờ-rít-tôn.
Bờ-rít-tôn là một trong các đại lữ quán ở Ba Lê, tiền phòng từ 130 đến 205 phật-lăng mỗi ngày, phải là ông bự có trương mục gồm từ 6 dêrô trở lên ở ngân hàng Thụy Sĩ mới dám léo hánh tới. Mỗi chuyến ghé Ba Lê, Văn Bình thường đến một khách sạn mới, tuy nhiên chàng khoái đến Bờ-rít-tôn vì nơi này đối với chàng có khá nhiều kỷ niệm. Dĩ nhiên, chàng có kỷ niệm suốt đời không quên với một vài nhân viên mắt biếc, mũi lõ, cặp giò cao tồng ngồng. Nhưng kỷ niệm hằn sâu nhất là những phút, những giờ thần tiên tột đỉnh chàng sống với một nữ bá tước có sức làm tình vô tận tình cờ chàng gặp trên đường thánh Hônôrê, đường của lữ quán thượng thặng Bờ-rít-tôn.
Cô gái điện thoại ré lên cười:
- Ông ơi, ông xạo vừa vừa chứ! Ông biết số điện thoại và gọi cho tôi, tất ông phải biết giá biểu làm việc của tôi. Bọn tôi ở đây có tổ chức đàng hoàng, quận nào ở quận nấy, không xâm nhập giang sơn của người khác. Thời giờ eo hẹp lắm, cứ vờ vỉnh như thế này thì đến nữa đêm vẫn chưa thảo luận xong. Thế nào, hoàng tử của lòng em, 32 phật-lăng chưa kể tiền cuốc tắc-xi, chịu không? Chịu đi, em sẽ đến trong vòng nửa giờ đồng hồ.
Chết rồi, Văn Bình đã quay lầm số. Ở cái thị trấn quốc tế người đông nhung nhúc như kiến cỏ này với hơn năm trăm ngàn máy điện thoại thì quay lầm số là chuyện thường. Định mạng thất đức đã khiến chàng rơi đúng số điện thoại của một côn-gớt (3) gái gọi. Loại gái gọi này có đến cả vạn ở Ba Lê (Sàigòn cũng chẳng hiếm đâu nhé, theo tin tức riêng của Z.28 thì có đến ba trăm, ba trăm có nơi ăn chốn ở chững chạc và số dây nói oai vệ…), giá biểu hành nghề tùy khu vực và tùy sự giới thiệu. Nếu ở khu chợ trung ương hoặc ra đến gần ngoại ô thì giá biểu không cao hơn giá biểu Gò Vấp là mấy, nhưng coi chừng… ở khu hữu ngạn, kế cận đại lộ Champs Elysées, con đường huyết mạch của thành phố thì gấp ba, gấp bốn, hoặc đôi khi cả chục lần là cái chắc.
Lẽ ra, quay lầm số của gái gọi, Văn Bình phải cúp. Một cậu bé cũng biết cách gián đoạn điện đàm. Chỉ đặt máy vào giá rồi đút cái giơ-tông khác vào khe là xong. Nhưng chẳng hiểu sao khi ấy chàng lại quên cả phương pháp cúp giây nói. Chàng cứ thích nghe thêm nửa. Bỗng dưng chàng đâm ra tiếc tiền. Tiếc nửa phật-lăng bỏ ra hồi nãy để mua giơ-tông. Chàng tiếc một số tiền tương đương với ba, bốn chục bạc Việt-Nam, trong khi điệp vụ chàng đang có bổn phận thực hiện có thể mang về cho Sở xoàng ra từ 500 triệu đến 800 triệu.
Nói cho đúng, chàng không hề biết tiếc tiền. Chẳng qua bệnh hảo ngọt bắt chàng tiếc… món quà trời ơi, đất hỡi.
Chàng cũng cười họa theo:
- Tại sao em không đòi 30 hoặc 20 cho nó chẵn mà lại ra giá 32 phật-lăng?
Cô gái đáp ngay:
- Anh cù lần lắm. Sở dĩ em xin anh 32 là vì má em vừa xài hết của em 32 phật-lăng. Bà ấy mới 35, 36 tuổi nên ngày nào cũng đi xi nê và chải tóc. Hên cho anh, chứ có ngày bà ấy tiêu đến trăm phật-lăng. Em có cái tính kỳ lạ, má em cần bao nhiêu thì em làm bấy nhiêu. Tuy chưa giáp mặt anh nhưng em đoán anh đẹp trai nên châm chước cho anh, em mà tính thêm tiền buộc-boa cho bồi phòng nữa thì anh sẽ nghẹn thở. Em đến liền nhé?
Văn Bình thè lưỡi liếm mép. Đúng như lời cô gái gọi, trời teng teng và lất phất mưa rét như thế này, được du dương trong phòng sưởi ấm với người đẹp Ba Lê thì sướng hơn Lưu Nguyễn ngày xưa. Nhưng chàng không thể hẹn hò. Dầu cô gái mới 15, 16 chàng cũng không dám. Vì chỉ thị của Sở đã nói dứt khoát "sau khi đến nơi, phải kêu điện thoại ngay cho giáo sư Nguyễn Phước Bửu Khoa".
Tuy tiếc rẻ, chàng vẫn phải hạ máy. Cửa ca-bin điện thoại mở hé, hơi lạnh sông Sen ùa vào làm da thịt chàng cóng buốt. Kể ra, mùa đông chưa tới, thời tiết chưa có gì là lạnh, bằng chứng là đàn bà sồn sồn - nghĩa là hết khả năng hỏa diệm sơn, cởi trần đi giữa băng tuyết mà da thịt vẫn nóng hôi hổi - còn mặc đồ ngắn tay. Thế mà điệp viên Z.28 mới trên ba mươi lại lạnh phát run.
Xa xa, những cụm hoa đủ màu sặc sở nổi bật trên nền lá xánh dưới bầu trời xế chiều không nắng.
Văn Bình sực nhớ đang ở tả ngạn, ở khu vực cổ xưa nhất thành phố, khu vực Thị-đảo (4) . Những đốm xanh đỏ trắng tím vàng trước mặt chàng là Chợ Hoa (5) . Ba Lê có nhiều nơi bán hoa song đây là chợ hoa lớn nhất. Chàng đến nơi đúng buổi chiều thứ bẩy, nếu là chủ nhật thì trong tiếng xe cộ lưu thông, tiếng rì rầm của giòng sông, tiếng người cười nói, chàng có thể nghe tiếng chim hót, vì ngày chủ nhật, Chợ Hoa biến thành Chợ Chim vào buổi chiều. Và phía sau ca-bin điện thoại là khối nhà ảm đạm xám xịt của bệnh viện thành phố, đi thêm một quãng nữa là đến nhà thờ Chánh Tỏa (6) , giáo đường hùng vĩ và tráng lệ mà bất cứ du khách ngoại quốc nào cũng ráng trèo đủ 387 bậc để lên đỉnh tháp hầu có thể nhìn thấy toàn diện thành phố.
Văn Bình chắc lưỡi, cúi đầu xuống máy điện thoại. Chàng là con người sắt đá nhưng khi cần lại đa sầu đa cảm hơn cả nhà thơ lãng mạn nữa. Chiều thứ bảy là chiều thần tiên nhất trong tuần, thiên hạ chỉ nghĩ đến ái tình trong khi chàng phải lao đầu vào công tác hiểm nghèo, xa quê hương, xa những hình bóng thương mến.
Điện thoại gồm 7 số, lần này chàng quay từ từ, vì chàng chỉ có hai giơ-tông, nếu gọi lộn, chàng phải mất thời giờ đổi tiền mua cái khác. May thay, chàng khỏi phải đợi lâu, chàng vừa vừa hỏi "alô, có phải văn phòng bác sĩ Nguyển Phước Bửu Khoa không" thì có tiếng trả lời ngay. Chàng hỏi bằng tiếng Pháp và cũng được trả lời bằng tiếng Pháp êm ái. Dĩ nhiên, người trả lời là đàn bà. Chàng nói luôn một hơi:
- Tôi vừa ở Ba Lan tới, cách đây 3 tuần tôi đã nhận được thư của giáo sư, hiện tôi đang ở tạm nhà quen ở khu Mông-mác.
Mật khẩu khá dài này gồm 4 chữ "Ba Lan, 3 tuần, thư riêng và Mông-mác". Chàng nghe hai ba tiếng dạ liên tiếp rồi giọng nói êm ái quen thuộc lại cất lên:
- Xin ông chờ một phút, để tôi liên lạc với giáo sư.
Người đẹp dặn một phút nhưng trên thực tế, đường dây câm lặng hơn ba phút dài giằng giặc. Rồi Văn Bình nghe giọng người đàn ông. Người Quảng chính cống. Giọng của giáo sư Bửu Khoa. Và chàng định thần mới nghe được rõ vì giọng nói này quá nhỏ, hơn nữa, một đoàn xe hơi vừa chạy qua rầm rầm.
- Nguyễn Phước Bửu Khoa là tôi đây. Hân hạnh được ông gọi điện thoại. Ông thuộc đường trong thành phố không?
Chàng đáp:
- Cũng khá. Đường nào không biết thì nhờ tài xế tắc-xi.
- Đường tôi sắp hẹn với ông không đến nỗi khó lắm đâu. Tôi chắc ông đã qua đó nhiều lần. Ông biết đường Đồng Hồ dọc tả ngạn không?
Đường Đồng Hồ, quai de l'Horloge chỉ cách ca-bin điện thoại chàng đang nói và Chợ Hoa một quảng đường ngắn. Bửu Khoa lại hỏi:
- Ông cũng biết công trường Đô-phin chứ?
- Biết.
- Bây giờ là 16 giờ 24. Không, tôi lầm, đồng hồ tôi bị chậm 2 phút. Bây giờ là 16 giờ 26 phút. Đúng 17 giờ, nghĩa là đúng 5 giờ chiều nay, sẽ có xe hơi của tôi đến đón ông ở công trường Đô-phin, ông nhớ nhé, công trường Đô-phin nhưng là về phía đường Đồng Hồ. Thôi, chào ông. Ông cần hỏi thêm điều gì nữa không?
- Cần. Đón bằng xe gì?
- À, xin lỗi, tôi đãng trí quên khuấy. Đó bằng xe 204 mui trần, màu đỏ, bảng số… Và người đón là…
- Biết rồi. Là cô thư ký vừa gọi điện thoại cho tôi.
- Ông tài thật. Vâng, tôi có 2 nữ thư ký, một Việt, một Pháp. Cô người Pháp sẽ đích thân lái xe đón ông. Ông phải có mặt đúng giờ đấy, tôi bận lắm.
Văn Bình mở cửa ca-bin điện thoại bước ra đường. Chàng đang dưỡng sức trên bãi biển Busum thì tòa đại sứ từ Bonn gọi đến, yêu cầu về Ba Lê gấp. Busum là một trong hai trung tâm nghỉ mát nổi danh ở Tây Đức. Đặc điểm của Busum là sự hiện diện của những thanh niên khôi ngô sẵn sàng làm bạn với đàn bà cô đơn. Chàng lưu lại ba tuần lễ, và trong thời gian xả hơi này, chàng không bỏ lỡ cơ hội làm quen thật nhiều và hưởng thụ thật nhiều. Nhưng ngày nào cũng ăn một món đàn bà Đức thành nhàm chán, Văn Bình mong được ông Hoàng gọi về. Và ông Hoàng đã nhờ sứ quán liên lạc với chàng (7) …
Mọi lần đã qua, ông Hoàng quái ác chỉ rình những lúc chàng sánh vai với giai nhân mới kêu chàng đến trình diện để nhận điệp vụ. Bởi vậy mọi lần đã qua chàng đều oán ông tổng giám đốc.
Ngoại trừ lần này.
Lệnh của Sở được gởi đến giữa lúc chàng đã ngấy bãi biển Busum. Giá Sở quên gọi, chàng cũng khăn gói quả mướp trèo lên chuyến phi cơ gần nhất để vù tới kinh đô ánh sáng. Chàng không oán, chàng còn phải cám ơn ông tổng giám đốc nữa là khác.
Vả lại, cho dầu ông Hoàng lại giở trò phá đám Văn Bình cũng không dám oán. Vì chàng được tin ông đau nặng. Từ mấy năm nay, ông đau hoài. Hết tim đến ruột. Khỏi khan cổ thì phổi lại réo thuốc. Các bệnh có vi trùng được chữa khỏi thì đến phiên bệnh không vi trùng thi đua hoành hành. Đúng như các vị y sĩ riêng tiên liệu, ông Hoàng khó thể giữ chức tổng giám đốc đến già. Sự lo nghĩ, và những bệnh của thời hoạt động giang hồ xưa kia còn sót lại đã làm ông già trước tuổi. Hai tuần trước, chàng nghe nói ông bị mệt, suýt mê man, phải chở vào bệnh xá đặc biệt của Sở, và nằm 72 giờ đồng hồ trong phòng lạnh dưới sự chăm sóc cẩn mật của một nhóm bác sĩ chuyên khoa. Chàng muốn về thăm ông song không được phép. Công việc ở nhà mà ông Hoàng gọi đùa là "đi chợ và nấu nướng" được giao một phần cho Triệu Dung với sự cộng tác của chàng "sếu vườn" Lê Diệp và nữ bí thư "không bao giờ lấy chồng" Nguyên Hương, còn công việc xông pha hòn tên mũi đạn "công việc kiếm tiền nuôi vợ con" chỉ có Văn Bình mới đảm nhiệm nổi. Ông Hoàng thường dặn chàng "anh phải cố gắng xoay cho thật nhiều tiền", Sở có thật nhiều tiền thì mới đủ khả năng tồn tại và tôi mới có thể bình thản nhắm mắt.
Ông Hoàng muốn ra đi trong sự thoải mái, để công việc lại cho các cộng sự viên mà ông mất bao tâm cơ huấn luyện, chuẩn bị mọi mặt, song họ lại không muốn ông ra đi. Họ muốn ông ở lại với họ. Con người không ai sống mãi, họ biết ông Hoàng sẽ phải ra đi, nên họ tìm cách kéo dài thời gian ông Hoàng còn sống trên cõi thế. Kéo dài bằng thuốc men. Kéo dài bằng những phát minh khoa học kỳ lạ. Gần đây họ dồn nỗ lực vào công cuộc nghiên cứu di truyền học để tiến đến cải lão hoàn đồng.
Trước ngày lên đường chàng không được giáp mặt ông tổng giám đốc. Vì ông còn nằm bệnh viện. Đây là một ngoại lệ, vì sau bao năm hoạt động dưới quyền ông, Văn Bình đều nhận mệnh lệnh của ông, ngay cả những lần ông liệt giường, ông cũng kêu chàng vào tận nơi. Tuy chàng không nói ra, nhưng trong thâm tâm chàng luôn luôn nghĩ rằng sự có mặt của ông Hoàng giúp chàng gia tăng sức mạnh tinh thần và thể chất để hoàn thành công tác. Hôm ấy chàng chỉ đưọc gặp Triệu Dung, người được ông Hoàng chọn để kế chức, Triệu Dung có bộ mặt buồn như đưa đám:
- Ông cụ đang ở phòng mổ không trò truyện được với anh. Nghe nói anh đi, ông cụ yêu cầu y sĩ hoãn lại cuộc giải phẫu song họ không chịu. Chắc anh đã biết tình trạng ông Hoàng mỗi ngày một tệ. Trong thời gian anh đi vắng, chúng tôi đã bàn luận với nhau và đều đồng ý tập trung nỗ lực vào kế hoạch DT-44. DT là chữ di truyền viết tắt, nội dung của kế hoạch này là đẩy mạnh công cuộc khám phá về di truyền học.
Văn Bình thắc mắc về "sự liên quan giữa bệnh già của ông Hoàng và kế hoạch DT-44 nghiên cứu di truyền học" thì "Anh cả" Triệu Dung, cộng sự viên nổi danh chính chắn nhất Sở, nói tiếp:
- Vì di truyền học là con đường ngắn nhất dẫn đến bí quyết cải lão hoàn đồng, trường sinh bất lão. Theo những tin tức xác thực, chúng ta có thể làm ông Hoàng trẻ lại, và nhờ vậy, ông Hoàng sẽ sống ít nhất trên trăm tuổi. Và biết đâu sẽ sống hai, ba trăm tuổi, đồng thời để giữ cho một bộ óc siêu việt độc nhất vô nhị như ông Hoàng khỏi bị mai một oan uổng, chúng ta sẽ tiến tới chế tạo hàng chục, hàng trăm ông Hoàng khác.
Văn Bình khựng người:
- Nghĩa là lấy tinh trùng cấy cho sống rồi nuôi trong ống nghiệm thành hài nhi?
Triệu Dung giải thích:
- Đó là phương pháp cũ. Phương pháp này e không thích hợp với tuổi tác của ông Hoàng nữa. Vì ông cụ đã quá già, chắc… tinh trùng không còn nữa, hoặc nếu còn thì cũng yếu xìu. Phương pháp mới giản dị mà táo bạo hơn nhiều, ấy là lấy một số tế bào tốt của ông cụ đem nuôi, nuôi rồi chích cho người khác. Người chích sẽ thừa hưởng sự thông minh quán thế của ông cụ.
- Úi chao, tôi không đến nỗi ngu dốt, nhưng khi nghe anh nói tôi trở thành đệ nhất ngu dốt.
- Tôi cũng chẳng hơn gì anh. Chẳng qua, mấy ông bác học trong Sở thuyết trình và tôi nghe lỏm được. Sở dĩ tôi nói về kế hoạch di truyền học với anh là vì trong tương lai gần, tôi nghĩ rằng anh sẽ giữ một vai trò quyết định. Hiện nay, các nhà khoa học di truyền của Sở và phòng thí nghiệm tại Gò Vấp, chừng nào anh trở về, tôi sẽ dẫn anh đến thăm. Vì di truyền học là một bộ môn mới, tế nhị và khó khăn nên Sở còn thiếu rất nhiều chuyên viên, và bắt buộc phải thu hút tài năng ngoại quốc.
- Ha ha… tôi sắp được qua Mạc-Tư-Khoa ăn caviar và uống vốt-ka rồi?
- Không, anh sẽ không qua Liên Sô. Tôi biết anh khoái qua đó chẳng phải vì caviar và vốt-ka mà vì đàn bà Nga khá ngon lành. GRU cũng đặt vấn đề khám phá di truyền học lên hàng đầu, nhưng họ chưa có chuyên viên nổi bật. Họ cũng đang lo tìm kiếm chuyên viên di trùng học như Sở mình. Gần đây, nghe nói nước Cộng Sản Nam Tư có một nhà di truyền học cự phách nên thái độ của Liên Sô đối với nước này cũng đổi khác. Tên ông ta là Tôlan.
- Anh muốn tôi chộp Tôlan mang về?
- Khó lắm. Nếu dễ, GRU đã ra tay trước chúng ta. Vả lại, trong trường hợp tóm được Tôlan mà hắn không chịu hợp tác thì cũng vô ích.
- Vậy anh muốn tôi làm gì?
- Thú thật với anh, tôi cũng chưa biết anh phải làm gì, và chúng ta phải làm gì nữa, mặc dầu mục đích của chúng ta là tìm mọi cách chiếm hữu được Tôlan và chiếm hữu được sự hợp tác của hắn. Tôi chỉ biết là ông Hoàng giao cho giáo sư Nguyễn Phước Bửu Khoa, hiện ở Ba Lê công việc móc nối với Tôlan và thuyết phục hắn bỏ sang Tây phương.
- Công việc móc nối và thuyết phục này đã đi tới đâu?
- Anh sẽ tiếp xúc với Bửu Khoa.
- Tại Ba Lê?
- Phải.
- Chừng nào?
- Chưa rõ. Sau khi anh đi, tôi sẽ hỏi ông Hoàng thêm chi tiết.
- Bửu Khoa là thành phần tin cậy?
- Thành phần A. Ông Hoàng rất mến ông ta. Bửu Khoa cũng là chuyên viên hữu hạng về di truyền học. Song vì những lý do mà tôi chưa biết, ông ta không chịu hồi hương. Bửu Khoa chỉ nhận lời thay mặt Sở để mời Tôlan. Hễ có tin tức mới, tôi sẽ yêu cầu tòa đại sứ tại Bonn chuyển cho anh, và như thường lệ bằng mật mã đặc biệt, chỉ riêng anh đọc nổi.
- Nguyễn Phước Bửu Khoa độ bao nhiêu tuổi?
- Hồ sơ về Bửu Khoa nằm trong tủ sắt của ông Hoàng. Nếu anh cần, tôi sẽ gởi sau cho anh.
- Khỏi gửi. Đến đó hãy hay.
"Đến đó hãy hay", Văn Bình đinh ninh phải đợi nhiều tuần, có khi nhiều tháng liền nên không muốn làm mệt trí nhớ. Nhưng tên Nguyễn Phước Bửu Khoa đã xuất hiện trong bức mật điện gửi qua sứ quán. Chàng phải đích thân gặp Bửu Khoa để bàn về việc lôi kéo giáo sư di truyền học Tôlan.
Nguyễn Phước Bửu Khoa?
Văn Bình lui tới Ba Lê như đi chợ và đã quen tên, biết mặt các cộng sự viên của ông Hoàng tại đây, song chưa hề nghe nói đến giáo sư Bửu Khoa. Chàng gặp hắn về vụ Tôlan, nhưng vụ Tôlan diễn tiến tới đâu, chàng hoàn toàn mù tịt. Triệu Dung chỉ đảm bảo với chàng trong bức mật điện là chàng "có thể tin cậy Bửu Khoa trăm phần trăm, tuy nhiên chỉ được phép gặp hắn một lần mà thôi, còn về thực hiện kế hoạch thì phải đơn phương hành động".
Khi ấy Văn Bình đã qua hết Chợ Hoa và quẹo trái sang đường Lutèce. Đường một chiều, xe hơi phóng nhanh mặc dầu sở cảnh sát thành phố và nhà thương ở gần kề mà Văn Bình bước ngơ ngơ nên suýt nữa chàng phải lắp chân gỗ. Môt chiếc xe đua chạy áp bên hông, chàng vội co cẳng nhảy lên lề. Tài xế, một cô gái choai choai, tóc vàng chấm vai giơ tay ra vẫy.
Cuối đường này là một đại lộ, gọi là đường Tòa Án. Trước mặt chàng, một ngôi giáo đường cổ xua đứng sừng sững. Chàng rẽ bên phải ra đường Đồng Hồ. Bên kia đường là sông Sen nước cuộn trong xanh. Và bên này là đề lao cũ. Bất cứ du khách nào đến Ba Lê cũng đều đến khu đề lao cũ vì ngày xửa ngày xưa các tử tù thường bị nhốt bên trong trước khi ra pháp trường. Nhiều đàn bà đẹp đã mất đầu dưới máy chém trong những ngày cách mạng sôi bỏng. Hồi hoạt động cho đồng minh, cuối thế chiến thứ hai, Văn Bình hay đến khu đề lao cũ để lãnh chỉ thị. Người đại diện O.S.S. giao công tác cho chàng là một thiếu phụ mắt biếc, môi hồng. Thiếu phụ, vì nàng có chồng, có con đàng hoàng, chứ không phải vì nàng lớn tuổi. Thật ra nàng lớn hơn chàng một con giáp mà diện mạo và thân hình còn trẻ măng. Giờ hẹn thường diễn ra buổi tối, hai người giả vờ làm đôi tình nhân ôm lưng nhau, mỗi lần qua khu đề lao cũ nàng đều run như cầy sấy. Thoạt tiên chàng tưởng nàng sợ. Mãi sau này chàng mới khám phá ra nàng còn can đảm hơn cả đàn ông, sở dĩ nàng run như cầy sấy vì nàng thấy lờ mờ trong bóng đêm những thủ cấp đàn bà đẹp máu me lênh láng (8) .
Bỗng dưng hôm nay Văn Bình rùng mình. Trời mới ngã chiều, mưa bụi đã hết, thời tiết sang thu khá đẹp, vậy mà khu đề lao cũ lại tiêu điều và bí mật khác thường.
Chàng vội rảo bước. Qua khỏi Tòa Án là đến công trường Đô-phin. Công trường này nằm giữa thành phố, song lại không đông đúc và ồn ào. Chàng liếc cườm tay. Còn 3 phút nữa mới tới 5 giờ. Bửu Khoa đã nhắc đi nhắc lại "đúng 5 giờ, không chậm cũng không nhanh phút nào". Chàng có cảm tưởng Bửu Khoa mắc cái bệnh đúng giờ, đúng phút, đúng giây của giới đi khuya về tắt. Chàng mắc bệnh này từ nhiều năm nay nên lắm lúc cuộc sống nhạt loãng mất thi vị. Đàn bà ghét nhất trong cơn hò hẹn đầy mộng đẹp đàn ông luôn luôn coi giờ. Chàng muốn chừa thói quen coi giờ, song căn bệnh mỗi ngày một ăn sâu vào tiềm thức.
Kém một phút đầy 5 giờ. Đường Đồng Hồ cũng lưu thông một chiều nên cô thơ ký của Nguyễn Phước Bửu Khoa phải lái xe từ Chợ Hoa đến. Nàng lái xe 204 mui trần, màu đò, chàng không thể nào lầm được.
Xe cộ vượt qua mặt chàng nhưng chàng không thấy chiếc nào màu đỏ mui trần, và không chiếc nào dừng lại, đậu vào lề, tuy kim đồng hồ trên cườm tay chàng đã chỉ đúng 5 giờ rồi từ từ nhích sang bên trái, 5 giờ 2 phút. Rồi 5 giờ 5 phút.
Chàng nóng ruột khác thường. Chắc cô gái đã gặp sự trục trặc. Hẹn hò trong những thị trấn lớn thường xảy ra những trở ngại bất ngờ, một giãy đèn lưu thông luôn luôn vàng đỏ, một hồi xíp-lê cảnh sát đòi xét giấy tờ hoặc đòi biên phạt chạy quá tốc độ ấn định, hoặc bể ống dầu thắng, sợi dây cu-roa chờ đến phút chót thì đứt phựt và vỏ lốp mới tinh hảo đột nhiên xẹp lép… Bởi vậy những người làm nghề điệp báo phải đi sớm hơn nửa giờ hoặc cả giờ… Cô gái lái xe 204 chắc cũng đi sớm. Tại sao giờ này nàng chưa tới?
Giác quan thứ sáu của chàng đánh hơi thấy chuyện bất tường. Tuy vậy chàng vẫn phải đợi. Chàng sẽ đợi đến 5 giờ 15 hoặc 20?.. Nếu nàng không tới, chàng sẽ điện thoại lần nữa cho Nguyễn Phước Bửu Khoa.
Nhưng chiếc Pờ-Dô 204 đỏ chói đã từ đường Tòa Án quẹo ra bờ sông. Tài xế phóng nhanh như đang lái xe Hồng Thập Tự chở bệnh nhân cấp cứu. Đến nơi chàng đứng, chiếc 204 mui vải thắng lại. Tuy là xe mui trần nhưng mui lại được kéo lên. Người ta sắm xe mui trần, tốn thêm một mớ tiền, là để hưởng gió sông Sen. Ba Lê đầy nghẹt hơi người và bịu bặm, được thở gió sông không phải là chuyện chơi. Trời chiều tắt náng, cô gái do gián điệp Bửu Khoa cử đến, lại kéo mui kín mít để làm gì?
Văn Bình không cần đặt câu hỏi vì chàng đã hiểu bằng linh tính. Tiếp sau chiếc 204 sơn đỏ là chiếc DS thấp lè tè. Nó đậu sát cốp xe 204, suýt nữa đâm vào càng. Cửa xe DS sơn đen mở tung.
Nhanh như rô-bô điện tử, Văn Bình phóng nhanh ngọn độc cước.
Chú thích
1. Di truyền học là một khoa học lớn, muốn giải thích thông suốt phải mất nhiều thời giờ, mà bạn đọc chỉ có thời giờ đọc truyện giải trí nên tác giả mạn phép không đi vào chi tiết. Tác giả tin rằng bạn đọc sành khoa học đã sẵn sàng lượng thứ.
2. Giơ-tông (jeton) được bán tại bưu điện hoặc trạm xe điện ngầm, 0,40 phật-lăng một cái, ở các tiệm tư nhân, 0,50 phật-lăng. Một đô-la Mỹ tương đương với 5 phật-lăng, nghĩa là theo hối xuất đen hiện thời, một phật-lăng bằng 70 đồng Việt Nam.
3. Call girls.
4. Tức Ile de la Cité, tiểu đảo nên thơ nằm lọt giữa hai nhánh sông.
5. Marché aux Fleurs,
6. Nhà thờ Notre Dame de Paris được đặt móng năm 1163,
7. Những hoạt động của Văn Bình trước khi đến Busum đã được tường thuật trong tác phẩm "Đêm loạn Hăm-Bua" đã xuất bản.
8. Biết bao giai nhân đã bị xử trảm như bà Barry, bà Roland, đáng kể là hoàng hậu Marie Antoinette, vợ vua Lô-Y XVI.
Z.28 Z.28 - Người Thứ Tám Z.28