Xibiri epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 3
ai cô gái về đến Lukianốpca vào lúc chập tối - trời sẫm dần. Đi loanh quanh trên những nẻo đường làng vòng vèo, Kachia ngắm nhìn từng căn nhà một. Chúng giống hệt nhau, đều bằng gỗ, với những chiếc cửa sổ lớn và những khung cửa có chạm trổ xung quanh có hàng rào cao vây kín, các cánh cổng bằng gỗ tốt bào nhẵn bóng và rất chắc chắn, trên những chiếc cột gỗ dựng cổng có cưa những hình trang trí: những quả bá hương, những con chó, con gà, hay chi đơn giản là những đường kẻ ô.
Thoang thoảng mùi nhựa cây cháy, mùi gạch nung, mùi lá bạch dương ẩm ướt.
- Hôm nay là ngày tắm gội. Mai là ngày hội ở Lukianốpca - ngày các thợ săn từ rừng taiga trở về. Ngày này của những năm trước chiến tranh thì vui biết mấy, vui ghê gớm! - Masa giải thích, khi thấy Kachia tò mò xem xét các nẻo đường làng, hít ngửi các mùi hương mà ở thành phố thì có sống đến hàng thế kỷ cũng không bao giờ gặp.
Và đây, ngôi nhà thân quen của Masa đã hiện ra. Nó đứng lánh ở rìa làng. Cách đấy khoảng chừng trăm bước là bờ sông dốc đứng, bên dưới là con sông nhỏ ngoằn ngoèo với những hố nước xoáy, hai bên bờ, các loại cây thông, linh sam, anh đào.
Ngôi nhà có lẽ đã đến vài chục tuổi. Những cột gỗ đã sẫm màu, mái nhà đã xiêu xiêu, cửa gỗ không có khung, hàng rào có nhiều lỗ thủng, cánh cổng đã hỏng nhiều chỗ và mở toang. Có thể thấy ngay được rằng những người sống ở đây không che đậy giấu giếm cuộc sống của mình, mà đồ đạc của họ cũng không có gì thừa thãi - tất cả để gọn trong nhà. Nhà kho không khóa, chuồng nuôi súc vật chẳng có gì. Không thấy có chó buộc dây như ở các nhà khác. Không có gì để phải trông coi.
- Nhà này là ông nội mình khi còn sống đã dựng đấy. Thấy người ta nói ở trên gò gần ngay đây có rừng cây làm nhà được. Thế là ông đi đẵn gỗ, và ông dựng lên nhà kho lớn này đây, - Masa nói, khi nhận thấy Kachia ngắm nghía một cách quá chăm chú nơi ở của gia đình Lukianốp.
- Chắc là ông cụ định làm giàu đấy? - Kachia cười chua chát.
- Chứ sao! Ở đây, ở những cái xóm bên đường ấy, ai mà chẳng mơ đến một quán hàng của riêng mình. Mà thường thường thì cuối cùng nhà nào cũng thành một nhà trọ. Cũng may là số người trọ thừa thãi. Nguyên có đội cảnh sát đôi khi cũng chiếm cả đến nửa làng rồi.
- Thế nhà mình đây cũng đã từng cho người trọ à?
- Những người đi đày thường ở đây. Ông bố mình học được ở họ biết bao điều khôn ngoan. Ừ, mà rồi tự cậu sẽ thấy mọi chuyện thôi, - Masa vội chấm dứt câu chuyện vì hai người đã về đến cổng.
Bà Tachiana Nhicanôrốpna, mẹ của Masa nhìn qua cửa sổ và đã thấy hai cô gái từ lâu rồi. Nhưng bà không vội chạy ra đón con mà cố nhìn cho rõ xem con gái bà đi về cùng với ai. Bà đã từng có dịp sống ở thành phố khá lâu nên đã biết hết các bạn bè của con gái cũng như con trai bà. «Masa có cô bạn nào mới rồi», - bà nghĩ bụng và quàng chiếc khăn vào cổ, bà ra chỗ bậc tam cấp đứng chờ.
- Ôi, con làm sao thế này? - bà Tachiana Nhicanôrốpna rên rỉ khi nhìn thấy một cánh tay của Masa bị băng chặt cứng.
- Chẳng có gì đáng ngại đâu mẹ ạ. Ngón tay của con bị sưng đấy thôi mà, - Masa nói để mẹ yên tâm rồi ghé môi hôn mẹ. - Còn đây là bạn con, tên là Kachia. Bọn con cùng làm ở nhà in. - Masa đứng né sang bên để mẹ cô có thể chào hỏi Kachia.
- Lại Kachia? Thật là may cho con nhé! Nào, cháu Kachia, vào nhà đi, - bà Tachiana Nhicanôrốpna vui vẻ bắt tay và ngắm nghía bạn gái của Masa. - Con bé Kachia Kanđrasina, cầu trời phù hộ cho nó, ngày xưa nó cũng hay về đây chơi lắm. Nó vui tính lắm cơ! Không ai lại nghĩ được rằng nó đã mang sẵn cái chết ở trong lá phổi...
Masa liếc nhìn Kachia như ngầm ra hiệu rồi quay sang nhìn mẹ:
- Mẹ ơi, mẹ có thể tưởng tượng được không, cả Kachia này nữa cũng lại mang họ Kônđrasina đấy mẹ ạ. Chỉ có điều là họ của Kachia trước đây viết hơi khác một chút, sau chữ «k» là chữ «a» chứ không phải chữ «ô»[15] như của Kachia này. Có đúng là trong thẻ của cậu viết thế không Kachia?
- Đúng thế đấy, Masa ạ, đúng đấy, - Kachia khẳng định thêm, vẻ hơi ngượng nghịu, rồi nhìn Masa tỏ ý cám ơn, mặc dù cô vẫn chưa hiểu vì sao bạn lại viện đến giấy tờ và tên họ ghi trong ấy một cách vội vã quá mức như vậy.
Bà Tachiana Nhicanôrốpna mở cửa, nhường hai cô gái vào trước, nhưng rồi lại chạy vượt lên.
Các cô cởi khăn đội đầu, áo lông, và cả ủng lông nữa để cho đôi chân được thoải mái. Bà Tachiana Nhicanôrốpna lấy hai đôi tất len dày từ trên lò sưởi xuống đưa cho con gái và Kachia.
- Dưới sàn nhà lạnh lắm, - bà giải thích.
Kachia ngồi ghé xuống chiếc ghế đẩu bên cạnh lò sưởi đang tỏa hơi nóng rừng rực. Chiếc nồi gang đặt trong hầm lò đang sôi sùng sục. Vung nồi chốc chốc lại rung lên bần bật, và mùi thức ăn thơm ngon bốc lên khắp nhà.
Masa dẫn Kachia đi xem các nơi trong nhà. Tiện thể, cũng cần phải theo sát bà Tachiana Nhicanôrốpna, mà lúc này thì bà đâu có chịu ngồi yên bà cứ chạy hết chỗ này đến chỗ khác.
Mọi nơi trong nhà đều sạch sẽ, dễ chịu, nhưng đồ đạc thì chẳng có gì. Các buồng đều bày biện như nhau: một tủ đứng, một bàn, một ghế dài, một chiếc giường và hai ghế đẩu. Tất cả đều để mộc, nhưng được bào nhẵn và đánh bóng bằng miếng dạ tẩm rượu cồn.
- Bố mình đóng lấy cả đấy. Bằng gỗ bá hương khô đấy, - Masa nói rồi lấy tay vuốt nhẹ lên mặt bàn.
Ở trong buồng cách với bếp một lối đi nhỏ, Kachia ghé lại khoảng tường giữa hai cửa sổ để xem những tấm ảnh nhưng không nhìn thấy gì cả: đã sâm sẩm tối.
Masa thấy bạn cố gắng một cách vô ích bèn nói:
- Thôi không sao, mai tha hồ mà xem, Kachia ạ. Cậu sẽ ngủ ở buồng này đấy. Ở Lukianốpca này cũng như mọi nơi thôi chẳng có gì mà thắp đâu.
Nhưng Masa đã nói sai: bà Tachiana Nhicanôrốpna đã thắp lên một ngọn nến và gọi các cô gái đến ăn tối.
- Nhà ta sạch sẽ quá, bác Tachiana Nhicanôrốpria ạ! Chỗ nào cũng bóng lộn lên! - Kachia khen ngợi bác chủ nhà. - Bác phải mất bao nhiêu thời gian để lau dọn nhà cửa sạch sẽ như thế này ạ?
Đến lúc này Kachia mới nhìn rõ mặt bà Tachiana Nhicanôrốpna, một con người năng động. Có lẽ bà độ gần năm mươi tuổi. Vóc người tầm thước, nước da ngăm ngăm, mắt đen, lông mày rậm và đen. Trên khuôn mặt đẹp đẽ của bà nổi bật lên hai gò má hơi cao, và chính hai gò má ấy làm cho ta có ý nghĩ rằng trong số các ông tổ của người đàn bà này có những gốc gác thuộc các dân tộc vùng Xibiri. Cái làm cho Kachia phải ngạc nhiên là đôi tay của bà - một đôi tay hoàn chỉnh, nói đúng hơn là một đôi tay đẹp theo kiểu nông thôn và vô cùng năng động, chịu khó. Thấy rõ ngay là đôi tay ấy quen làm lụng và không chịu để yên. Bà cọ rửa nồi niêu xoong chảo không ngơi tay rồi bà lại dùng chiếc khăn dài có thêu ở hai đầu, để lau chúng.
Lời khen của cô khách bà không bỏ qua. Chiếc khăn lau lướt qua chiếc đĩa này, rồi chiếc đĩa khác. Bà Tachiana Nhicanôrốpna nhìn Kachia một cách chăm chú, và trong đôi mắt đen của bà ánh lên một tia nghịch ngợm.
- Có ai đâu mà bày rác hả Kachia? Chẳng có ai để mà bày rác cả! Ông già nhà bác thì hầu như không ở nhà, còn lũ trẻ thì mỗi đứa bay một ngả như chim vỡ tổ. Những người đi đày bây giờ cũng không giam giữ ở đây nữa. Chẳng có ai mà cho ở nhờ.
- Thế vì sao mà người ta lại không giam giữ họ ở đây nữa, bác Tachiana Nhicanôrốpna?
- Chính quyền địa phương có phần e ngại. Họ không tin cậy những người đàn ông vùng này nữa. Bây giờ những người đi đày bị đưa đi tận đâu đâu ấy. Khi họ ở đây thì phụ nữ chúng tôi cũng còn có người đỡ đần. Đôi khi họ đi lấy củi về cho, rồi nhà cửa thì chẳng bao giờ hoang vắng... Mà thêm vào đấy bác cũng lại kiếm được đồng ra đồng vào: bác thổi nấu giặt rũ thuê cho họ... Của đáng tội, họ chả có tiền, nhưng họ thật thà. Có khi họ chịu bác đến hàng năm. Nhưng có dịp nào họ làm ra tiền là họ lại trả đủ từng xu một, rồi họ cứ cám ơn xin lỗi mãi.
Lúc ngồi uống nước chè, Masa kể cho mẹ nghe về việc cô đã đến thăm cô Dina, ngủ đêm lại ở đó và hỏi han cô xem cô sống ra sao.
Tachiana Nhicanôrốpna khen con gái:
- Con đến thăm cô Dina thế là tốt đấy Masa ạ! Cô sống đau khổ đã bao nhiêu năm nay rồi, không ra góa chồng cũng chẳng ra có chồng. Có vẻ như chú Kudơma bị bắt làm tù binh thì phải. Nếu chú ấy chết rồi thì thế nào chẳng có tin chính xác rồi. Đâu phải một mình chú ấy ra mặt trận. Các bạn đồng đội thế nào mà chẳng nhìn thấy chú ấy. Đằng này thì cứ như là bỗng dưng biến mất. Chẳng có tin tức gì. Bác thì bác thương cô Dina lắm, cháu Kachia ạ. - Không hiểu tại sao bà Tachiana Nhicanôrốpna lại quay về phía Kachia và giãi bày với cô tình cảm của mình với cô em chồng. - Khi tôi lấy anh Xtêpan cô ấy còn nhỏ lắm - mới độ năm sáu tuổi gì đấy thôi. Tôi đã thấy cô ấy lớn lên. Trước tuổi dậy thì cô ấy người khô khỏng, gầy gò, tóc trắng nhợt, mũi dài ngoẵng, xấu xí. Bác với bà cụ mẹ chồng vẫn thường nói chuyện với nhau về nó. «Không biết cái con Dina xấu xí nó giống ai cơ chứ lỵ?», - bà cụ thường nói. Còn bác thì từ ngày ấy bác đã cảm thấy là đến lúc dậy thì Dina sẽ khỏe mạnh và béo tốt ra. Mà đúng thật. Đến năm mười sáu Dina đầy đặn hẳn ra, đẹp như người trong tranh. Bọn con trai bắt đầu chết mê chết mệt. Còn cô ấy thì từ khi chú ý đến Kudơma là không còn biết đến ai khác nữa... Tôi nhớ cô ấy quá! Tưởng như là đây với đấy thì chẳng xa xôi gì, ấy thế mà rồi công việc bận bịu cũng chả đi thăm đi nom gì được. Cuộc sống của bác nào có yên đâu. Đấy cháu tính một mình bác phải lo ba nhà, Kachia ạ: phải trông nom ở đây, lại phải lo cho các con ở ngoài thành phố, rồi còn bác trai sống ẩn trong rừng taiga nữa, dù sao vẫn không phải người ngoài, vẫn là ông chồng có cưới xin hẳn hoi. Cũng phải lo cho ông ấy ăn uống, sưởi ấm chứ. Ngoài ra lại còn cậu con trai lớn, cái thằng Paven ấy, ở ngoài mặt trận nữa - chẳng có tin tức gì. Thật đau lòng.
Bà Tachiana Nhicanôrốpna rất quý gia đình mình, bà yêu các con bằng một tình yêu nồng nhiệt. Nói đến họ bà không thể kìm lòng được, phải khoe khoang đôi chút:
- Chẳng biết chúng nó có đẹp đẽ thông minh hay không, nhưng không ai bảo chúng là ngu ngốc cả. Bác chưa nghe thấy ai nói vậy. Mà cũng không ai gọi chúng là cái bọn xấu xa đê tiện cả. Bác nuôi chúng nó lớn khôn lên thành người tử tế. Có chân tay đầy đủ. Và chúng nó không đui què mẻ sứt...
- Mẹ ạ, nhưng sao mẹ chẳng đẻ con với chị Đunhia xinh đẹp như cô Dina ấy, - Masa cắt ngang lời mẹ.
Lời phản ứng của con gái không hề làm cho bà Tachiana Nhicanôrốpna tự ái. Dù rất yêu con, bà vẫn rất tỉnh táo trong khi đánh giá con mình:
- Con ơi, người đẹp có mấy đâu. Chắc là ông trời đã ấn định như thế rồi. Nhưng có điều hạnh phúc đâu phải chỉ ở chỗ xấu đẹp, con ơi. Có những người tuy đẹp, nhưng tâm hồn lại khô cạn...
Nghe bà Tachiana Nhicanôrốpna nói chuyện, hình ảnh mẹ chốc chốc lại hiện về trong óc Kachia. Mẹ cô hiện đang ở thành Pêtrôgrát xa tít tắp, nhưng kỳ quặc - cả ngày hôm qua, rồi ngày hôm nay, khi mà cô làm quen một cách rất gần gũi với số phận của người đàn bà này, rồi người đàn bà khác, không lúc nào cô cảm thấy có mong muốn được gặp mặt bà mẹ mình. Mẹ đối với cô xa lạ không phải chỉ vì bà ở xa, mà vì quan niệm về cuộc sống, về cách cư xử với con người và xã hội giữa họ khác nhau. Và sự nhận thức ra điều ấy lúc này làm cho cô cảm thấy khó chịu và trong lòng trống rỗng.
Tachiana Nhicanôrốpna bằng cảm giác của người mẹ nhận ngay ra nét nghĩ ngợi trên khuôn mặt Kachia, bà liền hỏi:
- Kachia ơi, thế bố mẹ cháu hiện giờ ở đâu? Ông bà nhà ta có được khỏe mạnh không?
Kachia bị hỏi đột ngột đến mức đỏ mặt lên. Cô cũng có thể bịa ra ngay được một câu chuyện phù hợp về bố mẹ mình, nhưng sau những lời tâm tình chân thành như vậy lại nói dối, lại bịa đặt ra những điều xằng bậy thì thật là xúc phạm người nói chuyện với mình. Trong đời có những giây phút mà sự cởi mở nhất thiết phải được đáp lại bằng sự cởi mở - chứ không thể bằng gì khác được.
Masa biết rằng Kachia đang khó xử đến mức nào. Định đỡ lời cho bạn, cô kể chuyện gì đó về Đunhia, nhưng câu hỏi của bà Tachiana Nhicanôrốpna không thể dập đi được. Vẻ chờ đợi câu trả lời trên gương mặt của bà còn nguyên vẹn không vội tắt.
- Kể ra thì cháu không phải người ở đây, bác Tachiana Nhicanôrốpna ạ, - Kachia nói, vất vả tìm lời lẽ, - Cha mẹ cháu ở Pêtrôgrát. Cháu đã không ở với cha mẹ cháu từ lâu lắm rồi. Cả anh cháu cũng không sống với bố mẹ cháu. Chúng cháu là những con người khác tính khác nết, bố mẹ cháu cũng vậy...
Masa băn khoăn cựa cậy, cái ghế đẩu nứt ra mà cô ngồi trên kêu lên lắc rắc. Dọc đường đi, qua chuyện trò cô đã biết đôi điều về các quan hệ của Kachia đối với cha mẹ cô ấy và hiểu rằng, trong chuyện này Kachia không thể cởi mở được... Trong gia đình của Kachia những nguyên nhân của sự xung khắc giữa cha mẹ và con cái chỉ cần nói hé ra là ai cũng rõ ngay. «Vậy mà tại sao bạn ấy chẳng bịa ra chuyện gì đó nhỉ. Mà vì sao mẹ mình lại đi hỏi cái câu ấy kia chứ?..» - không biết tiếp tục giúp Kachia thế nào, Masa lo lắng suy nghĩ.
Nhưng chính bác Tachiana Nhicanôrốpna cũng đã cảm thấy cô gái trả lời không dễ gì.
- Không hợp nhau, - bác thở dài, nhìn Kachia như nhìn đứa trẻ côi cút, bằng đôi mắt tràn đầy thương xót và cảm thông - Ở làng quê cũng có chuyện như thế đấy, cháu Kachia thương yêu. Cũng có những người cha người mẹ trọn đời sống với con cái, gia đình đông đúc. Nhưng lại có những người, con trai lấy vợ một cái là lập tức chia cửa chia nhà. Vậy là nuốt cơ nuốt cực! Cùng chung sống một nhà thì một con ngựa - thì thế nào cũng vẫn là con ngựa, còn đây thì chia hai, thậm chí lại chia ba ra.
Bác Tachiana Nhicanôrốpna kể cho Kachia nghe về những chuyện khủng khiếp thường xảy ra mỗi khi có chuyện chia gia tài. Có khi những cuộc cãi cọ nhau khi chia của kéo dài suốt một ngày, hai ngày, rồi biến thành ẩu đả...
- Kể ra thì ở Lukianốpca chúng tôi, mọi chuyện êm đẹp hơn ở các nơi khác, - bác Tachiana Nhicanôrốpna kể tiếp. – Tất cả là do có người phân xử hòa giải, ơn Chúa, hiện nay bà cụ vẫn còn sống. Bà cụ tên là Mamica, già rồi. Nghe nói, sắp tròn trăm tuổi rồi đấy. Vào cái tuổi ấy nhiều người đâm ra lú lẫn, còn bà cụ này thì ngược lại. Người thì gầy guộc, nhưng đầu óc thì minh mẫn, càng già càng minh mẫn thêm.
Kachia rất quan tâm đến bà cụ già, đề nghị với bác Tachiana Nhicanôrốpna có dịp nào đó chỉ cho cô biết.
- Không, cháu Kachia ạ, bác không hứa đâu. Bây giờ thì bà cụ Mamica lên mặt bếp lò nằm sưởi cho tới tận mùa xuân sang năm. Nhưng sưởi ấm cho đến ra xuân, trước lễ phục sinh, bà cụ lại bò lên thành tường đất. Bà cụ sống với người con gái. Mấy người con trai của cụ thì chiến tranh đã ngoạm hết cả rồi. Hai người con trai lớn ngã xuống từ thời đánh nhau với Nhật, còn anh con trai út thì thằng Đức nó hại.
- Thế tại sao lại gọi cụ là Mamica? Đó là tên của cụ ư? - Kachia hỏi.
- Không, biệt danh đấy. Mamica - theo nghĩa quê mùa chúng tôi, đại loại là mẹ của mọi người. Thực ra tên cụ là Xtêpaniđa Xêmênốpna.
- Nhưng mà dù sao đi nữa, bác Tachiana Nhicanôrốpna bác cũng cố làm thế nào cho cháu - dù chỉ ngó một mắt thôi cũng được - thấy cụ. Thấy được con người như vậy thì hẳn thích lắm.
- Thôi được, cháu Kachia, chúng ta sẽ nghĩ ra cái gì đó rồi cùng đến thăm con gái cụ. Thế là cháu sẽ nhìn thấy cụ ở trên mặt bệ bếp lò, - bác Tachiana Nhicanôrốpna hứa hẹn và nói sang chuyện khác: - Nhưng nào, các cô, phải đi ngủ thôi. Ngày mai dù sao đi nữa cũng là ngày hội ở Lukianốpca. Xem đấy, cả bố cũng sẽ về...
Đôi tay nhanh nhẹn của bác Tachiana Nhicanôrốpna vung lên, thế là cái bàn bày cái ấm xamôva và bát đĩa, lại sạch bóng dưới khăn trải bàn trắng rủ xuống gần sát mặt sàn.
o O o
Kachia ngủ rất lâu và say. Mở mắt ra cô không tin: trong nhà đã sáng, mặt trời nhỏ ngó vào cửa sổ, gần như lúc mùa hè, chỉ có điều lạnh lẽo, không sưởi ấm. Kachia ngó ra cửa sổ và suýt nữa thì cô kêu lên vì hoan hỉ. Các ô cửa sổ được tô vẽ các hình hoa văn mà con người thậm chí không mường tượng ra được. Hình hoa văn giống cả linh sam Xibiri bình thường, hào phóng xòe cành lá rườm rà trên mặt đất, giống cả dương xỉ cầu kỳ, cả những loại cây cối nước ngoài nào đó: như dừa, như dứa, chuối. «Không phải ngẫu nhiên mà người ta ví băng giá cũng thể như ông thần tiên», - Kachia suy nghĩ.
Cô mặc váy áo. Từ nửa nhà bên kia qua cánh cửa khép vọng sang tiếng bác Tachiana Nhicanôrốpna và Masa chuyện trò với nhau. «Chà, mình thật là sâu ngủ! Mọi người đã dậy lo công lo việc từ lúc nảo lúc nào rồi», - Kachia tự trách và vội đi tới cửa.
Nhưng bỗng cô dừng bước và quay ngoắt trở lại. «Ôi ôi, phải xem ngay khung ảnh kia». Tại sao ngay giây phút đó cô bỗng lại chú ý những bức ảnh đến thế, chắc bản thân cô cũng không giải thích nổi. Sau này cô cũng suy nghĩ về chuyện này, cô cũng đành chịu: «Linh cảm ư? Nhưng linh cảm là cái gì mới được? Bằng linh cảm có thể cảm thấy trước mối nguy hiểm hay đoán ra một điều gì đó đơn giản và có lôgích hơn. Nhưng đằng này đang đi với một ý định - đột nhiên và một cách vô ý thức thay đổi ý định đó... Bí mật của tình cảm con người... Một bí mật thật to lớn và hiện còn chưa giải đáp được...»
Kachia bước vội đến khoảng tường giữa hai cửa sổ nơi treo mấy khung ảnh, và dường như cô chết lặng đi. Chỉ có cặp mắt cô là làm việc - cặp mắt sinh động, lóe sáng, tràn ngập niềm thích thú da diết, nỗi tò mò, lòng khát khao hiểu biết, nếm trải.
Đôi mắt của Kachia dừng lại trên tấm ảnh khổ lớn nhất. Trên tấm ảnh là hai gia đình lính. Hai ông chồng mặc quân phục, có lon trên cầu vai, ngồi trên ghế tựa, tỳ khuỷu tay xuống mặt chiếc bàn tròn, còn hai người vợ đứng sau tay bế con. Một trong hai người phụ nữ, Kachia nhận ra bác Tachiana Nhicanôrốpna. Chắc hẳn trên tay bác bế anh con cả, hiện nay đang ở ngoài mặt trận. Người lính ngồi gần bác chính là bác Xtêpan Lukianốp. Kachia nhìn kỹ vào gương mặt bác, cố tìm ra nét giông giống dù xa xôi với Masa, nhưng bức ảnh đã quá bạc màu, và gương mặt của cha Masa bị bụi bám trở thành một vết thẫm. Sau đó Kachia chăm chú xem các bức ảnh khác - có khoảng tới mười bức. Nhưng khi cô vừa nhìn vào bức ảnh cuối cùng bên phải, thì trái tim cô dường như ngừng đập. Ivan Akimốp nhìn thẳng vào cô bằng cặp mắt vui vẻ, tươi cười. Akimốp mặc áo mưa dài, đi ủng cao lội đầm lầy, đầu trần, tóc chổng lên tua tủa. Một tay anh cầm rìu, còn tay kia - một con cá măng. Cái đuôi con cá măng quết đất, và nếu như Akimốp có thể nhấc con cá cao hơn, hẳn đầu cá ngang tầm mắt anh. Kachia nhận ra được cả người đứng cạnh Akimốp. Đó là giáo sư Likhatsiốp. Cũng như Akimốp, ông đi ủng cao lội đầm lầy, mặc áo mưa, đội mũ vải bạt rộng vành. Những nếp nhăn trên mặt ông tụ lại cái mũi to, đôi mắt ông liếc nhìn Akimốp, giáo sư làm ra vẻ sợ hãi một cách hài hước.
Khoảnh khắc đầu tiên Kachia không tin vào mắt mình. «Mình tưởng tượng ra chăng? Chắc là tưởng tượng ra... Và tất cả bởi vì mình không phút nào không nghĩ tới anh Akimốp, tới số phận của anh», - ý nghĩ ấy thoáng qua trong đầu Kachia. Cô nhón đầu ngón chân kiễng lên, nghển cổ, và bỗng cô có cảm giác là Akimốp nhìn thẳng vào mắt cô. «Anh ấy! Anh ấy! Nhưng ảnh anh ấy làm sao lại có ở đây? Gió nào thổi bạt ảnh anh ấy tới đây, tới ngôi nhà nông dân ở cái làng Xibiri xa xôi này?» - Kachia tự hỏi.
Cô muốn ngay lập tức chạy ra nhà ngoài nơi vừa vọng vào tiếng của Masa và bác Tachiana Nhicanôrốpna, và hỏi họ về mọi chuyện. Nhưng cô lập tức ghìm mình. Cả với Masa, cũng như với bác Tachiana Nhicanôrốpna cô đều không được phép nói về lý do thực sự của việc cô đến Tômxcơ, cũng như về việc cô quen biết với Akimốp và giáo sư Likhatsiốp. Mọi chuyện này có thể đem lại sự nguy hại không cứu vãn được cho các mối liên lạc bí mật của đảng. «Dần dà tự mình sẽ tìm hiểu ra», - Kachia tự làm mình yên lòng và ngả người ra giường, quyết định lui lại việc ra nhà ngoài, trấn tĩnh nỗi xúc động đang giần giật ở hai bên thái dương.
«Anh Ivan, Ivan... Giá anh biết được là em đã gặp lại anh ở nơi xa xôi và trong những hoàn cảnh lạ lùng không thể tưởng được như thế nào nhỉ», - thầm nói với Akimốp, Kachia suy nghĩ.
Bỗng nghe thấy những bước chân nhẹ nhàng, thận trọng của Masa.
- Kachia, cậu ốm hay sao thế? Mình với mẹ mình cứ đợi cậu mãi. Đến lúc uống trà rồi. - Masa đưa tay vuốt lưng Kachia.
- Mình dậy ngay đây, Masa. Sức khỏe rất tốt, tâm trạng bình thường. Chỉ có đôi chân sau con đường dài ấy là nhức thôi. Nhưng không sao, sẽ khỏi ngay. - Kachia trở dậy và bắt gặp cái nhìn băn khoăn của Masa. Rõ là cô gái thật sự lo lắng.
Nửa tiếng sau bác Tachiana Nhicanôrốpna thết hai cô gái một bữa ăn sáng ngày hội. Đôi tay nhanh nhẹn của bác thoăn thoắt đặt lên bàn bánh nhân phó mát tươi, một cái chảo khoai tây rán, mật ong. Bánh nhân phó mát tươi Kachia cảm thấy thật mê ly. Ở Pêtrôgrát, Kachia đôi khi vẫn mua bánh nhân phó mát tươi để ăn sáng, vì vội vã khi đi đến lớp, khi đi làm những việc người anh giao phó. Nhưng những cái bánh nhân phó mát tươi ấy có thể nói chỉ hình thức là giống những cái bánh nhân phó mát tươi Xibiri này, còn tất cả nội dung đều thua xa.
- Bác Tachiana Nhicanôrốpna, làm sao mà bác khéo làm được những cái bánh ngon thế này? - Kachia hỏi, khoan khoái phập phồng cánh mũi hít mùi bánh của bác Tachiana Nhicanôrốpna.
- Cháu Kachia yêu quý, có gì khôn khéo đâu. Bột nhào với sữa để chua. Sáng ra thêm vào bột nhào ấy một miếng bơ. Sau đó lăn đi lăn lại kỹ, rồi nặn bánh. Đặt chúng vào lò, phủ một chút ít kem chua lên trên. Vì thế mà chúng mới vàng ngậy như thế này. - Bác Tachiana Nhicanôrốpna thích thú kể lại, mỉm cười bao dung nhìn cô gái còn chưa được dậy bảo các bí quyết công việc nội trợ, nhưng nhất thiết muốn học, bởi vì cái phận đàn bà con gái không tránh được và muốn hay không muốn cuộc sống đòi hỏi ở cô công việc ấy.
Kachia không bao giờ là kẻ kén ăn, thậm chí ngược lại: cô ăn gì cũng thấy ngon, và cô cũng không phàm ăn, nhưng cô cảm thấy một điều duy nhất mê thích là mê thích bột nhào tươi. Cô biết là điều mê thích này cánh phụ nữ trí thức ở Pêtrôgrát phê phán, bởi vì nó sẽ làm cho người béo ra. Nhưng tạm thời thì mối đe dọa này đối với Kachia chưa phải là nghiêm trọng. Cơ thể trẻ trung hoạt động của cô giữ vững một cách tuyệt vời ở những tỷ lệ lý tưởng nhất.
Sau bữa ăn sáng hai cô gái bỏ vào buồng và sửa sang để ra đường phố. Kể ra thì Kachia chẳng có gì phải sửa soạn đặc biệt. Trang phục của cô chỉ có những gì ở trên người. Masa còn đôi thứ ở trong hòm gỗ của mẹ: tấm khăn vuông pha len trắng có vẽ hoa lá, đôi bao tay viền xanh lam, đôi tất len đan bằng chỉ len trắng xanh đỏ dòng dọc. Masa diện vào, xoay xở mãi trước gương, và Kachia thầm đoán là Masa không phải đơn giản sửa soạn như vậy. «Hẳn là người nhắn nhe của cô bạn đang sống ở Lukianốpca này», - cô nghĩ thầm, nhưng không nói năng gì để khỏi làm bạn ngượng.
Masa đưa mời Kachia cái lọ tròn đựng phấn hồng, và Kachia không từ chối. Cô gái nào vào cái tuổi ấy chẳng muốn mình có sức hấp dẫn hơn một chút?!
o O o
Đường phố chính của Lukianốpca thẳng tắp như mũi tên, khi hai cô gái theo lối ngõ phủ tuyết đi ra tới giữa làng, trên đường chính ấy đã khá đông người.
Một ngày quang đãng nắng ráo, yên gió, mặc dù không có dấu hiệu gì trở ấm. Kachia và Masa nheo mắt, đưa lòng bàn tay lên che mắt. Tuyết dưới ánh nắng lóe lên như toé lửa, những đốm lửa xanh, lam, biếc đan nhau.
Dân làng kéo cả về cuối làng - đến khúc cầu. Như ở tất cả các làng ven quốc lộ, làng Lukianốpca có một lối vào, một lối ra. Chảy về đây, tới bãi cỏ bằng phẳng được bao bọc bởi rừng bạch dương này, là những con đường xóm đi từ các trại ấp và xóm mới, tựa hồ những dòng suối nhỏ. Những lối mòn mà những người thợ săn từ nơi săn bắn ở những vùng rừng taiga xa xôi trở về, cũng dẫn về đây. Chính ở chỗ này, trên bãi cỏ này, đã diễn ra các cuộc tiễn đưa những người đi nhập ngũ và đón chào những người lính giải ngũ trở về. Nơi đây vào mùa hè thanh niên trai gái tổ chức những cuộc vui chơi có nhẩy vòng tròn, có lửa trại, đua tài can đảm, tháo vát.
Kachia đi bên cạnh Masa, tò mò ngắm nhìn nhà cửa, mọi người đang vượt hai cô, tất cả đều hướng cả tới đó, tới bãi cỏ. Kachia ăn mặc chẳng có gì khác biệt với các cô gái Lukianốpca và chẳng ai chú ý gì đặc biệt tới cô. Masa đi với cô bạn gái - thì cứ đi cho khỏe, bận gì tới ai nào? Lukianốpca không là một làng héo lảnh, nơi mỗi người lạ đến là một chuyện gì ghê gớm, mà là một làng ven quốc lộ có nhà thờ, có quán rượu, hai cửa hàng tạp hóa, mấy quán trọ. Trong những năm chiến tranh, tất nhiên sự nhộn nhạo đường quan có giảm đi ít nhiều, nhưng đâu đã lụi hẳn. Có cả những đoàn xe hàng vẫn qua lại, cả những cỗ xe lẻ, cả những đoàn lưu đày. Người xa lạ tới làng Lukianốpca không phải của hiếm.
Còn ai là người lập tức nhận ra Kachia thì đó lại là các chàng trai làng. Họ đứng ở trên gò đất bên cạnh cây cầu, cách đường chừng ba chục bước chân, vừa nhỏ to chuyện trò, cắn hạt tuyết tùng, vừa nhìn ngắm những người đi qua. Ngay từ khi còn ở xa họ đã để ý thấy hai cô gái, còn các cô cũng nhận ra họ.
- Xem kìa, Kachia, bao nhiêu chàng trai đã tụ tập rồi kia! - Masa cười khẩy nói. Và dù trong giọng nói của cô không có nét gì kính nể đặc biệt, Kachia vẫn nhận ra là gương mặt cô bạn gái ửng hồng lên, cô ta vội vã sửa lại chiếc khăn chéo đội đầu. «Hẳn là cả người cô ấy lựa chọn cũng đứng ở đấy», - Kachia suy nghĩ và bắt đầu chăm chú nhìn kỹ đám con trai.
Bọn họ có khá đông - phải đến mười lăm hai chục anh. Nhìn kỹ vào bộ dạng các chàng trai, Kachia phân họ ra làm hai loại: một số mới chỉ vừa bước vào cái tuổi xuân của mình, mới bước qua cái ngưỡng cửa từ trẻ con sang thanh niên, số khác thì đã từng trải rồi, đã nhìn thấy thế gian đây đó, đã nếm mùi tai họa và khổ đau. Hai người trong số họ chống nạng, một người đứng với ống tay áo rỗng không, giắt vào bên giây lưng, lại còn ba người nữa đứng đổi chân trên chân gỗ. Chân giả đẽo bằng thân bạch dương còn chưa kịp thẫm màu nổi bật lên giữa những đôi ủng lông mầu đen và xám. Các chàng trai mặc áo lông cừu lửng, đội những cái mũ lông lù xù, đi bao tay da lông chó, da lông hươu hoặc cừu. Ba người trong bọn họ còn chưa cởi bỏ áo capốt lính và mũ lông lính màu xám, cũng có thể, sau những nỗi đau đớn ê chề ở quân y viện và về phép thăm nhà họ đã lại chuẩn bị ra đi trở về đơn vị của mình.
Khi hai cô gái tiến đến gần đám trai làng ở khoảng cách ngắn nhất, một trong bọn họ đùa bỡn gọi:
- Chào cô, Masa! Rẽ vào đây. Nhân thể giới thiệu cô bạn của cô với chúng tôi.
- Tôi phải đi đón cha tôi, anh Piốt ạ, - Masa toan thoái thác.
Nhưng các chàng trai liền hành động: họ nhao nhao lên tiếng, đưa tay vẫy, gọi hai cô đến với bọn họ. Masa lưỡng lự dừng bước, đưa mắt nhìn Kachia dò hỏi.
- Nào, nào, lại với chúng tôi, cô Masa thân mến! Đứng trên gò đất của chúng tôi có thể nhìn được xa hơn, - cái anh chàng mà Masa gọi tên là Piốt không chịu thôi.
- Ta đến chỗ họ, Masa ạ! Họ đâu có ăn thịt chúng ta nào, - Kachia nói, cảm thấy rằng trong thâm tâm cô bạn gái mong muốn điều này...
Thấy hai cô gái rời khỏi mặt đường và theo lối tuyết bị giẫm lún đi đến chỗ họ, các chàng trai đột nhiên im tiếng, sửa lại tư thế, phút chốc chuyển thái độ đùa nghịch sang thái độ nghiêm nghị.
- Chào các anh, các bạn! Tôi không bắt tay đâu. Ngón tay của tôi bị đau, - Masa nói và nhận ra là các chàng trai đổ dồn nhìn Kachia, liền giới thiệu: - Còn đây là Kachia Kônđrasina. Chúng tôi cùng làm việc, cùng sống chung. Vì vậy mà bây giờ cùng về thăm Lukianốpca.
- Ờ, mà được, cô bé kháu đấy! Loại như thế này vừa ý chúng tôi. Trai Lukianốpca chúng tôi là mê gái lắm. Có thể vuốt ve mà cũng biết đặt cọc vào đâu! Và cũng biết biến gái tơ thành mụ, - từ dưới cái mũ lông bù xù cặp mắt làm ra bộ trơ tráo lóe lên, một gã trai cười nói khích bác. Nhưng lời lẽ của gã được tiếp nhận khác nhau: bọn trai mới lớn lên bật cười khi khí, còn những thanh niên lớn tuổi cau mặt lại, cho rằng cái thói huênh hoang như vậy không đúng chỗ, đặc biệt trước mặt một cô gái lạ.
Masa thấy xấu hổ trước Kachia vì cái trò tếu của gã trai. Cô đưa đôi mắt giận dữ nhìn gã, cố ghìm cơn tức tối đang dâng lên trong cô, và lên tiếng:
- Hóa ra trong đám trai làng Lukianốpca cũng vẫn gặp cả những thằng ngốc số một là Piốt. Cái lưỡi của anh ta mà ngứa ngáy là tuôn ra tuyền rác rưởi.
Một trận cười vui vẻ vang lên. Lần này cánh thanh niên lớn tuổi không giấu giếm sự tán đồng. Lắc lư trên đôi nạng, anh thanh niên đội mũ lông lính, nhìn anh chàng Piốt ngượng ngùng, bảo:
- Thế nào nhỉ, chú mày nhận được đích đáng chứ?! Bao giờ cũng sẽ như thế đấy, một khi nói rồi sau mới nghĩ.
- Cô em Masa cạo cho một mẻ!
- Các cô thành thị mà lại! Cậu em ạ, các cô ấy không phải như các cô ở làng ta đâu!
- Biết thân nhé, Piốt! Con bài cậu ngả rồi, - các chàng trai cười hô hố.
Chính Masa đã chấm dứt sự huyên náo. Cô khó chịu về chính sự quá khắc nghiệt của mình. Cậu Piốt là người hàng xóm của Masa và trẻ hơn Masa ba tuổi, cậu đã biết nhiều về các mối quan hệ của cô với Timôphây Tsernốp, nhiều lần đã đóng vai trò người đưa thư và tùy phái.
- Thôi, hý thế đủ rồi! Cậu chàng chỉ hơi nhỡ miệng một tý, thế mà các anh đã vội mừng vui, đem cậu ta ra làm trò cười, - Masa nói giọng trách móc.
Các chàng trai dịu đi, còn Piốt nhìn Masa bằng đôi mắt đã hoàn toàn thân ái. «Cô Masa biết ăn nói chuyện trò với các chàng trai. Người chồng tương lai chẳng dễ gì bắt chẹt cô ấy», - Kachia nghĩ thầm, tiếp tục nhìn kỹ các chàng trai. Những người ở mặt trận về đặc biệt làm cô chú ý. Với mọi chuyện xảy ra ở chỗ này, họ đối xử với một thái độ bao dung dè dặt. «Thôi được, các chú mày ạ, thôi được, cứ tếu vui đi, chừng nào giờ khắc của các chú chưa điểm, cơn dông tố chưa rung chuyển trên đầu các chú, số kiếp chưa ném các chú vào địa ngục của chiến tranh». Kachia nhìn thấy chính cái suy nghĩ ấy trong ánh mắt những người ở mặt trận về - những con người đã bị nỗi đau khổ làm tàn héo, u uẩn nỗi buồn thương.
- Masa, tối nay đến dự tối vui đi, - anh thanh niên đi nạng lên tiếng với thái độ lịch thiệp đặc biệt. - Bọn này sẽ tụ tập ở nhà Matrêna Iliukhina. Đưa cả cô bạn gái đến. Cô ấy tên là gì nhỉ? Kachia à? Đừng sợ chúng tôi, cô Kachia, đừng sợ. Trai làng Lukianốpca không để cô phật lòng đâu. Và cũng không phải tất cả đều hay khích bác như Piốt đâu. Khi cần thiết thì chúng tôi cũng có thể bàn luận về cuộc sống, mặc dù chúng tôi chẳng có học hành gì và cũng chẳng có dịp xem báo chí.
Masa nghe, lắng nghe người trai từ mặt trận về với một vẻ thật là trân trọng, ngây ngất. Anh đứng tựa người trên đôi nạng, đầu hơi cúi, nhưng khi cô gái đưa mắt nhìn anh, tâm hồn cô hơn hết thẩy mọi lời lẽ kêu lên: «Anh Timôphây, anh cứ gọi em đi, gọi đi!»
«Chính anh ấy là người con bé lựa chọn. Chính anh ấy, đúng thế», - Kachia thầm nói với mình, đưa mắt nhìn Masa và thấy cô bạn gái của cô đã thay đổi biết chừng nào dưới cơn sóng xô của những tình cảm, mà nếu như thậm chí cô có định giấu đi, vẫn cứ lộ hết ra ngoài.
- Kachia, ta đến dự chứ? - Masa hỏi, giọng sung sướng.
- Sẽ đi, Masa, nhất định đi chứ, - Kachia nói, nhìn chàng trai đi nạng với vẻ biết ơn.
Cao, chững chạc, vẻ mặt cởi mở, đôi mắt to màu xanh nước biển, anh làm người khác nếu muốn gần, khơi dậy niềm tin cậy. Có lẽ anh lớn tuổi hơn tất cả đám trai có mặt. Nhưng có thể, đó chỉ là cảm giác. Chiến tranh có làm cho ai trẻ ra đâu.
- Những người thợ săn về tới nơi kìa! - từ đường cái có người nào đó kêu to.
Các chàng trai nhốn nháo, kéo nhau ra gần cây cầu. Kachia đi theo họ, để lại sau mình Masa và chàng trai đi nạng. Cô nghe thấy hai người ấy lên tiếng thì thào chuyện gì đó, giọng vội vàng và lo lắng. Kachia rảo bước.
o O o
Những người thợ săn ra khỏi rừng taiga... Có gì đó giống như việc những người thủy thủ đi chuyến viễn dương trở về. Ở Pêtrôgrát, Kachia thường hay có dịp thấy cảnh những con tàu đi xa trở về. Đôi khi từ Xtốckhôn thư từ của Đảng gửi về. Kachia hơn bất cứ ai khác biết cách tiếp nhận thư từ ấy. Giả bộ một cô gái đính hôn buồn nhớ người yêu hay một người vợ trẻ, nóng lòng lao theo cầu tàu vào trong tàu, nơi đã có một anh thủy thủ hay một người thợ đốt lò chờ sẵn. Chỉ khoảnh khắc, thế là thư từ đã nằm gọn trong túi bí mật của áo giakét...
Người ta đứng chen chúc trên bờ rất lâu, chờ đợi «người duy nhất», «thân thương» xuống bến. Không phải ai cũng có thể rời vị trí của mình ngay tức khắc. Những cái hôn nhau... ôm nhau... Những lời hỏi han... Xem xét ngắm nghía các món quà nước ngoài... Đám diễu hành sung sướng kéo về nhà, nơi con cái, mẹ già, người yêu đang đợi...
Kachia đứng trong đám đông trên cầu, tỳ tay xuống thành cầu bằng gỗ thẫm mầu vì mưa gió, mắt cố nheo lại vì ánh lấp lánh chói lòa mà tuyết và mặt trời trải khắp khoảng không gian mênh mông ở phía sau làng, suốt từ chân trời đằng này đến chân trời đằng kia.
Từ cổng bãi chăn súc vật bác Mêlêkha Tsuxin cùng với thằng con trai Nikônca - ngốc nghếch tiến về gần. Nhà bác Mêlêkha Tsuxin ở làng Lukianốpca - một trong những nhà nghèo khó nhất. Bác Mêlêkha cùng với bác gái Phêkla có cả tá con cái. Và tất cả đều trứng gà trứng vịt cách nhau năm một. Khi chúng tập họp đông đủ - tất cả đều mắt trắng bệch, tóc sáng, bù xù, thì có cảm giác là có người nào đấy đã dốc chúng từ trong làn ra, như đống nấm, mà quả thực bọn trẻ giống những cái nấm trắng thật. Do chỗ đói ăn thường xuyên, chân tay chúng khẳng khiu, da xanh bủng, áo quần rách rưới che chưa đủ kín những thân hình nhợt nhạt. Cứ có cảm giác là: chiếc lá bạch dương mùa thu quay lượn, quay lượn trong không trung và cuối cùng rơi xuống đất, nhằm trúng vào cái mũ nấm, dính chặt vào đó, như thể lớn lên ở đấy.
Khoảng cách giữa cây cầu với bác Mêlêkha càng ngắn, đám đông càng ồn ào. Những cái miệng ác khẩu sấn lên hàng đầu, trước mặt mọi người. Lời lẽ ném ra như roi quất.
- Hừm, bác Mêlêkha bây giờ sẽ làm cho mọi người ngạc nhiên đây!
- Không khéo cùng với thằng ngốc của mình bác ta đã diệt sạch cả thú trong rừng taiga mất rồi. Anh em ơi, chúng ta biết lấy gì mà sống nữa?
- Mà có thể, ở đấy thằng Nikônca lấy vợ rồi chăng?
- Lấy ai?
- Lấy gấu cái.
Tiếng cười rộn lên. Có tiếng hô hố. Đám đông náo động hẳn lên vì đùa vui. Ở đây không ít những người có khác bác Mêlêkha chỉ ở chỗ số lượng con cái ít hơn, chứ về sự no đủ thì cũng ngang bằng với bác ta. Nhưng ai chẳng muốn quên cái túng thiếu của chính mình, để đùa cợt một cách vô tư lự, ngang tàng như thế này đối với anh nghèo khác trước bàn dân thiên hạ?
Bác Mêlêkha - con người không may, vụng về, cuộc sống bẻ quằn bác ta xuống một cách không thương xót, như ngọn gió thổi ngọn cỏ ngoài đồng. Bác Mêlêkha có bắt tay làm việc gì - việc ấy cũng chẳng đâu vào đâu, công sức và thời gian mất toi. Cả việc săn bắn này cũng vậy... Bác Mêlêkha chưa kịp mở miệng, đám đông đã biết: Chúa hờn giận bác Mêlêkha, bác không thể gặp may. Số phận của bác ta là: buồn rầu, và buồn rầu vì cuộc sống không may mắn, hạnh phúc không rơi vào tay...
Bỏ chiếc mũ lông tàn tạ ra khỏi đầu, bác Mêlêkha cầm tay vẫy, cúi chào làng.
- Xin có lời chào bà con làng xóm! Chúc mọi người yên vui, vinh hiển! - bác nói to với đám đông bằng cái giọng yếu ớt, the thé và bạt tai cho thằng con ngốc nghếch của mình một cái, bắt nó cúi chào dân làng.
Đám đông thoáng một cái nuốt thỏm bác Mêlêkha cùng thằng Nikônca. Họ ở giữa cầu, chung quanh người vây chặt. Nikônca tháo cái túi đựng thú săn được khỏi vai. Bác Mêlêkha mở túi ra, moi ra một túm da lông sóc. Muốn hay không muốn, cứ phải đưa cho mọi người xem là anh đã săn được ngần nào! Đó là phong tục tập quán từ xa xưa trong các làng làm nghề săn này. Nếu anh săn bắn được khá, tiếng đồn về anh sẽ lan đi xứng đáng, sẽ đưa anh vào hàng những tay quả cảm, mà trong trường hợp có công trạng còn gọi anh là anh hùng.
Nghề săn bắn là nghề nghiệp của những người dũng cảm nhất. Ngày đêm ở trong rừng taiga. Bước chân đến chỗ nào cũng gặp mối nguy hiểm. Chỉ ngơ đi một cái là thú đã ở ngay cạnh. Rôxômakha[16] và linh miêu rình anh từ cao trên cành tán cây. Và chưa kịp kêu «ối» lên, là anh đã không còn mắt, cái sọ trơ ra, cái cổ bị cắn nát. Còn dưới mặt đất, từ sau mỗi gốc cây, trong chớp mắt có thể xô ra một con gấu với đôi chân với cao ngang tầm đầu anh.
Còn rừng cây? Nó là bạn anh và cũng là kẻ thù của anh! Nếu không biết ghi nhớ những dấu hiệu đặc biệt, nếu không biết các con suối taiga chảy theo những qui luật nào, nếu không học được cách đọc hiểu trời sao như một cuốn sách trong đó chứa đựng lời khuyên giải chính xác nhất, - rừng sẽ quay tròn anh trong cái đơn điệu không cùng, không tận của nó, và anh sẽ đói lả và rét mướt ngã gục xuống đất, anh trở thành tên tù binh và nạn nhân của nó. Trước đây là một con người, còn bây giờ chỉ còn lại những khúc xương của anh giống những cành khô trăng trắng,.. Rợn gáy đấy, nhưng không thể trốn tránh sự thật được. Ở trong taiga thì nước mắt chẳng giúp gì cho nỗi khổ của anh...
- Bác Mêlêkha kiếm được khí ít đấy! - đám đông nhao nhao nỏi, khi xem cái túm da lông sóc.
- Kể ra thì khí ít, mỗi ngày có một con. Tôi biết, khí ít, - Đôi môi nhão nhợt của bác Mêlêkha run run rầu rĩ, cặp mắt đỏ lên vì bệnh đau mắt hột đưa nhìn ngượng ngập và hối lỗi. Trong đám dân làng không có những tay thợ săn thành thạo, nhưng đám dân làng biết rõ một người thợ săn thực thụ có khả năng đến chừng nào, và không muốn dễ dãi tha thứ cho sự thất bại.
- Này bác Mêlêkha, có lẽ bác với Nikônca trong rừng taiga ngủ nhiều hơn là đi săn? - một giọng nói giễu cợt vang lên.
- Ở đấy ngủ nghê gì được? Tảng sáng một cái là chúng tôi đã đâu vào đấy sẵn sàng. Thưa rằng là, thoạt đầu ở trong rừng taiga gió lộng quá thể. Cái tiết trời như vậy thì, thưa rằng là, loài thú đặc biệt ghét. Thưa rằng là, nó chui vào tổ vào hốc, nó nằm nó ngủ, - sợ sệt đưa mắt nhìn những người cùng làng vây quanh, bác Mêlêkha lúng búng.
- Mà thôi, tha cho bác ta, Inôkenti. Có lẽ Phêkla đã nặn sẵn cho bác ta đứa thứ mười ba: cái chuyện này thì anh ta thật là thiện nghệ, ở đây thì đâu có gió máy gì, - bọn người ác khẩu vẫn không tha.
Đám đông dãn ra. Bác Mêlêkha cho Nikônca đi trước, còng lưng xuống, vụng về đưa chân bước theo sau thằng con, xốc xốc lại cái áo ngắn cũn cỡn của mình. Trái tim Kachia thắt lại vì thương xót. «Trời! Ác nghiệt quá thế! Không, không, chớ hòng chờ đợi ở những con người này lòng độ lượng, bao dung», - cô thầm nghĩ.
Còn đám đông đã quên khuấy ngay bác Mêlêkha, dường như không hề có cuộc gặp gỡ vừa qua. Họ mê mải chờ đợi những người thợ săn mới đang từ bãi chăn nuôi tiến về gần cây cầu.
Xavêli Súpnikốp tập tễnh trên một chân gỗ đi cùng vợ là Naxtaxia. Trước chiến tranh Xavêli là tay thợ săn đáng kể ở làng Lukianốpca này. Chỉ có điều thương tích đã chặt mất đôi cánh của anh. Trên cái chân gỗ, không vướng vào gốc cây, thì lại sa lầy cắm sâu tới cả phần tư xuống đất thụt, đâu có dễ dàng gì lần mò trong các rẻo sâu rừng taiga và đầm lầy ngập ngụa. Cái dây chằng không giữ nổi, cứ tuột xuống, buộc phải lấy hai tay xốc cái chân gỗ. Đôi chân nuôi sống người thợ săn, còn đây thì đâu còn là chuyện đi lại nữa, mà là nỗi khổ hạnh!
Xavêli đã truyền bảo cho người vợ Naxtaxia của anh một số điều khôn khéo của công việc săn bắn. Gầy gò, xương xẩu, dẻo dai khác thường, chị bước đi nhanh nhẹn. Xavêli tự tay đặt các bẫy thú, còn công việc theo dõi những cái bẫy ấy anh giao cho vợ. Sáng sáng chị Naxtaxia chạy khắp cả tuyến bẫy của mình, xem xét các cái cạm, cái bẫy, sửa lại chúng, muốn hay không muốn cũng vỡ lẽ dần các bí mật của nghề săn bẫy này.
Đám dân làng xem xét hai cái túi đeo vải của vợ chồng Xavêli. Một túi đựng đầy những bộ da thú có lông, túi kia đầy chim chóc để nhà ăn. Bọn người ác khẩu hài lòng, khen ngợi vợ chồng anh, chúc Xavêli và chị vợ Naxtaxia gặp may mắn trong vụ săn mùa đông. Sau vài ba tuần, những người thợ săn lại trở vào rừng taiga.
o O o
- Xtêpan Lukianốp cùng với tập đoàn đang về kìa! - át hết tiếng ồn ào của đám dân làng, tiếng ai đó cất lên.
Sự chú ý đến vợ chồng Xavêli tắt ngấm ngay, như thể đốm lửa dưới mưa rào. Xavêli định chia tay với đám dân làng, nhưng không còn ai nghe anh ta nữa. Chậm rãi từng bước từng bước, hai vợ chổng Xavêli rời xa đám đông. Naxtaxia đi trước, Xavêli đi sau chị dăm bước.
Qua tiếng trò chuyện sôi nổi, qua thái độ đợi chờ căng thẳng, Kachia đoán rằng dân làng đợi ở bác Xtêpan Lukianốp một điều gì đó khác thường, đặc biệt. Hẳn là chuyện như thế xảy ra không phải năm đầu. Mọi người đã quen với điều đó. Kachia nghe thấy những lời nhắc lại chuyện cũ. Có lần bác Xtêpan đã làm cho dân làng ngạc nhiên và điều đó đã ăn sâu vào trí nhớ của họ. Năm tấm da gấu bác mang về một lần, còn lần khác - ba con linh miêu.
- Hừm, để rồi xem xem sao, lần này Xtêpan sẽ làm mọi người sửng sốt như thế nào đây! - người ta bàn tán với nhau.
- Kachia, bố mình về kìa. Đấy đấy, đội mũ lông ấy, - Masa thì thào bên tai.
Cô đã bàn lại với Timôphây và giờ đây đang chờ đợi buổi tối. Có thể không cần hỏi Masa về câu chuyện với Timôphây, vì giọng nói của cô đã bộc lộ ra hết. Cô hớn hở, sung sướng. Kachia hơi mỉm cười, trong đầu thoáng nghĩ: «Cô ta về làng với mình không phải vô ích. Thế là họ gặp nhau!»
- Thế những ai đi cùng với bác đấy? Họ là ai vậy? - Kachia hỏi.
Từ lâu cô đã nhận ra là bác Xtêpan không phải đi có một mình. Theo bác, kéo dài một chuỗi xích sống động. Theo dáng dấp, theo bộ điệu đi đứng, Kachia đoán ra là những người đi sau bác Xtêpan không phải những người lớn tuổi, mà còn trẻ măng cả.
- Năm nay bố mình thu nạp vào tập đoàn bọn thiếu niên. Biết làm sao được? Một số các bà mẹ của chúng đến xin, số khác tự bố mình gọi vào. Ngày trước bố mình cũng đã dẫn thanh niên và các bác lớn tuổi vào rừng taiga, nhiều người đã được bố mình dạy cho nghề săn bắt, - Masa giải thích.
Kachia chăm chăm nhìn bác Xtêpan Lukianốp. Bác bước đi theo bên lề đường. Chiếc mũ lông bù sù hất ra sau gáy, chuyện trò với những người cộng sự nhỏ tuổi của mình, dè dặt cười. Bác Xtêpan ăn mặc theo lối ở rừng taiga: đi đôi ủng bằng da mềm có ống cao, quần ống rộng giắt vào đôi ống ủng cao. Áo bằng dạ thô, ngang lưng thắt bao đạn.
Khi bác về tới đám dân làng đợi chờ, Kachia nhìn kỹ gương mặt bác. Bác Xtêpan đẹp với vẻ đẹp đàn ông đứng tuổi. Mái đầu bác kiêu hãnh, hơi hất ra phía trước ngực. Cặp mắt xám chăm chú và vui tươi, Cái mũi thẳng, đôi môi mím chặt, vừng trán rộng mở tạo cho nét mặt vẻ cương nghị. Bộ râu cằm của bác Xtêpan cắt ngắn, màu hung, tóc có những búp loăn xoăn, vẻ mệt nhọc in hằn trong những nếp nhăn dưới mắt. Nước da mặt tươi tắn, hồng hào, lấp sấp đổ mồ hôi.
- Chào bà con làng xóm! - bác Xtêpan lên tiếng không to, nhưng rành rọt.
Bọn người ác khẩu lập tức có mặt ngay. Họ nhao nhao tranh nhau trả lời bác Xtêpan và quây tròn lại quanh bác.
- Thế nào nào, Xtêpan, tập đoàn quả cảm của anh ra sao nào? Làm ăn khấm khá chứ? Nhưng mà các chú đại bàng của anh có gì mà ỉu xìu thế, cánh rũ xuống thế? - trong đám đông có tiếng cất lên.
Và quả thật, bộ dạng của lũ trẻ không khá gì hơn. Cái mệt đã làm chúng muốn quị chân cả. Cả ngày hôm qua và sáng nay chúng đã phải lê bước đi ít ra cũng dăm chục vécxta. Chân quị xuống, túi mang nào hạt tuyết tùng và muông thú săn bắn được nhét đầy - đè nặng như thớt cối. Nhưng về chuyện những đôi cánh rũ xuống - chẳng qua là nói láo, giễu cợt. Các chú bé sung sướng là con đường dài đã chấm dứt, cuộc sống ở rừng taiga đã lùi lại phía sau. Chúng nhìn dân làng có vẻ đắc thắng, chúng được các bà mẹ, anh em, chị em, bạn bè vồ vập. Họ sờ nắn chúng, hỏi han chúng. Cả bác Xtêpan cũng không để cho bọn trẻ bị xúc phạm.
- Các chú bé đã chọn được quả là cừ khôi! Lấy bất cứ người nào cũng đều là một thợ săn thực thụ rồi, - bác nói giọng hãnh diện.
Nhưng đám đông không dễ tin vào lời nói.
- Trong các túi của các người là da lông thú hay lại là nhồi rêu khô vào vậy? - bọn ác khẩu không chịu lép.
- Nào, Xpiriđôn, cháu mở túi ra xem! - bác Xtêpan ra lệnh và giúp cậu bé trong tập đoàn tháo cái túi chứa đầy căng trên vai xuống.
Bác Xtêpan lôi ở trong túi ra một túm bộ da lông, vung vẩy trước mắt đám đông. Những bộ da khô cong duỗi ra và mọi người thấy rõ những cái đuôi sóc, chồn hôi, chồn trắng lủng liểng. Đám đông ngạc nhiên, tiếng thán phục thốt lên, tiếng huýt sáo tán thưởng.
Bác Xtêpan cất túm da thú vào túi, đứng thẳng người, giúp chú bé Xpiriđôn, một chú thiếu niên cao to mặt đầy tàn hương, đeo cái túi lên lưng.
- Thế chia bôi thế nào đây, anh Xtêpan? Có cho bọn con nít ít nhiều hay không? - trong đám đông có tiếng hỏi. Bác Xtêpan qua giọng nói nhận ra ai hỏi. Lão chủ quán Prokhor Sutilin. Trong làng ai chẳng biết lão Prokhor gian giảo cực kỳ. Lão cân gian tính lận. Nhiều lần người ta đã tóm tận tay lão và thậm chí, có bận, còn choảng cho lão một trận nên thân.
- Prokhor, tôi sẽ không đến ông học hỏi đâu. Theo tính toán của ông, thì hai với hai là năm, - bác Xtêpan nói một cách hiền lành.
Tiếng cười ầm ĩ át lời bác Xtêpan.
- Bác thợ săn dáng cho một đòn nghẹn cổ!
- Này ông Prokhor, hỏi bác Xtêpan thêm điều gì nữa đi! - bọn người ác khẩu bồi thêm.
Đám đông hoan hỉ. Lão Prokhor bị mất mặt cụp mắt xuống, làu bàu chửi.
o O o
Bác Xtêpan ôm hôn con gái, đưa tay bắt tay cô bạn gái thành phố của con, nhìn kỹ gương mặt cô.
- Thế nào, cháu Kachia, làng Lukianốpca của chúng tôi có vừa lòng cháu không?
- Một làng sống động, náo nhiệt, bác Xtêpan ạ! - Kachia trả lời và chỉ bây giờ mới nhận ra là một mắt của người thợ săn có ánh xanh lơ, còn mắt kia lại ánh màu nâu. Kachia còn chưa biết rằng ở làng Lukianốpca theo biệt danh đường phố người ta gọi bác Xtêpan là Xtêpan mắt khác nhau và những thành công của bác trong rừng taiga họ giải thích là nhờ có điều đó. «Hai con ngươi mắt của ông ta cũng đặc biệt. Con ngươi sáng nhìn ban ngày, con ngươi tối nhìn đêm. Cứ thử mà đuổi theo ông ta xem», - Kachia nghe có tiếng một người đàn bà trong đám đông nói. Đấy chính là người đàn bà đã đưa chân bác Xtêpan cùng với tập đoàn đến phía xa đầu cầu.
Đám đông cuối cùng lảng ra. Bác Xtêpan quay trở về câu chuyện vừa bắt đầu:
- Trước chiến tranh ở làng ta ngày hội như hôm nay vui lắm. Người ta đi đón những người thợ săn từ sáng sớm, ban ngày có cuộc đua ngựa, thi bắn bia, còn buổi tối vui chơi. Bây giờ thì đâu còn thế. Nay đã là năm thứ ba dân chúng lặng đi rồi. Kiệt quệ cả. Thưa thớt đi. Thế nào nhỉ, Masa, trong báo chí người ta viết gì thế nhỉ. Liệu có sớm yên hàn cho không? Mà có thư từ nơi ấy gửi về không?
Masa đi bên cạnh bố cô. Cô biết tính bố: dù trong cuộc sống có gay go thế nào đi nữa, cũng không được buông tay trước hoạn nạn, phải sống kiên trì, không phơi bày những yếu đuối của mình cho người khác thấy. Nỗi buồn nhớ người con trai đã cắn rứt bác, nhiều lần bác đã nhỏ những giọt nước mắt nhớ thương anh con ấy. Nhưng không ai biết chuyện đó. Kể cả vợ bác.
- Từ đấy, từ chỗ anh con, vẫn như cũ, chẳng có tin tức gì, bố ạ, - Masa nói, linh tính đoán biết là bố cô trước hết chờ đợi câu trả lời điều hỏi cuối cùng, - Còn về chiến tranh, chúng con sẽ kể cho bố nghe. Rồi Kachia nữa sẽ giải thích thêm, chúng con lại còn mang báo về, bố tự đọc sẽ biết...
- Có nghĩa là, cháu cùng làm với con gái bác à? Cũng ở xưởng in? - bác Xtêpan đưa đôi mắt khác màu nhau liếc nhìn Kachia, gương mặt dạn dày nắng gió của bác trở nên niềm nở.
- Cùng làm, bác Xtêpan ạ.
Kachia đưa mắt nhìn Masa, và cả hai cùng hiểu rằng trong câu trả lời của cô chứa đựng ý nghĩa rộng hơn là điều người thợ săn quan niệm. Nhưng, lo ngại rằng bác Xtêpan lại mở rộng đề tài này. Kachia nói trước:
- Cháu lấy làm lạ, bác Xtêpan ạ, là các bác thợ săn không giấu giếm mồi săn được của mình, đem phô cho mọi người thấy. Thói thường người ta vẫn quen giấu giếm của kiếm được, - cô nói.
- Đã thành lệ như vậy, Kachia ạ, từ thời cổ xưa, từ cụ kỵ kia. Mà thành lệ như vậy bởi vì nghề săn bắn đòi hỏi trước hết lòng quả cảm. Theo số lượng thú săn bắn được xác định lòng quả cảm. Người ta đánh giá lòng quả cảm, để không trở thành hèn nhát, vướng bẩn...
- Thế chẳng nhẽ ngày nay, thưa bác Xtêpan, nghề săn không đòi hỏi quả cảm ạ?
- Đòi hỏi chứ nhưng dù sao cũng ít hơn ngày trước. Súng đạn mạnh và chính xác xuất hiện. Còn ở thời trước, cầm chạc cây và rìu đi vào rừng taiga...
- Lý thú thật, - Kachia sôi nổi hẳn lên vì nỗi tò mò. Trong đầu cô đã nảy ra hàng lô câu hỏi. Lịch sử và kinh tế học - đó là niềm say mê thích thú của cô. Mỗi hiện tượng cuộc sống cô sẵn sàng lật đi lật lại để xuyên qua nó theo dõi bước đi của lịch sử, phát hiện ra trong nó sợi giây nối với quá khứ. Và ngay lập tức phác ra trên giấy xem mọi cái đó người ta phải gánh chịu chừng nào, công việc này hay công việc kia chứa đựng những lợi lộc gì, xem nó đã xoay chuyển tất cả bánh xe cuộc sống ra sao...
- Thưa bác Xtêpan, bao nhiêu dân hiện làm nghề này ạ? - Kachia hỏi.
Bác Xtêpan nhìn cô gái. Thật cô gái quá giống những người cách mạng bị lưu đày ở đây! Những người ấy thường vừa vào ở nhà một cái là điều đầu tiên nhất bắt đầu hỏi han đủ chuyện...
- Nghề rừng ở đây có đủ loại, cháu Kachia ạ. Kiếm hạt tuyết tùng thì hầu như tất cả dân các làng rừng taiga đều làm nghề này. Thậm chí người ở thành phố cũng đổ về.
- Nghề có lãi hẳn!
- Có lãi và cũng là thời vụ. Trong hai tuần lấy quả tuyết tùng, một số gia đình, nếu gặp năm được mùa thì kiếm được nhiều hơn cả một năm làm việc. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta gọi hạt tuyết tùng là tiền mặt.
- Vâng... Nhưng ngoài ra, còn có những nghề gì đặc biệt phát triển, thưa bác Xtêpan? - Kachia hỏi vội.
- Nghề săn bẫy thú có lông. Không phải tất cả mọi người làm nghề này. Trong số một trăm hộ cùng lắm cũng chỉ có độ mươi hộ làm nghề săn bẫy...
- Tại sao ạ? Không lẽ không có lãi ạ?
- Có lãi đối với người săn giỏi. Lại thêm nữa, không khớp với thời vụ. Nói tóm lại, tùy tiện. Và có cả may rủi. Nếu công việc nhà nông mà không kịp thời hạn thì cũng xôi hỏng bỏng không. Sự tính toán làm nhiều người chùn bước.
- Có nghĩa là, chỉ những ai tự tin chắc mới đi làm nghề này?
- Có người đi vì tự tin, còn người khác thì lại vì không còn biết đi đâu.
- Và tất nhiên, cả niềm thích thú đối với công việc này, lòng yêu mến rừng taiga nữa - cũng không phải công việc chót cùng. Có đúng thế không, bác Xtêpan?
- Cái đó thì nhất định rồi. Người này thì yêu mến rừng taiga, còn kẻ khác lại sợ nó. Người ta nghĩ về rừng có giống nhau đâu.
Trên đường đi về tới nhà bác Xtêpan, Kachia biết thêm nhiều điều về kinh tế nghề săn bắt: ước lượng trung bình một người thợ săn săn bắt được bao nhiêu? Những người thợ săn bán da lông thú cho bọn nhà buôn và bọn bao buôn giá bao nhiêu? Do đâu mà số đầu thú ở các khu vực khác nhau của rừng taiga lúc tăng lên lúc giảm xuống? Người thợ săn chi phí hết bao nhiêu để mua dự trữ đạn súng và cạm bẫy?
Bác Xtêpan kể lại mọi điều này một cách say sưa và cởi mở, thường để cho được cụ thể, bác biện chính bản thân mình ra làm thí dụ.
- Nói tóm lại, - bác kết luận, miệng cười chua chát, - tôi không được biết có người thợ săn nhà giàu nào. Chính vì thế mà họ chẳng cần phải giấu giếm những thứ kiếm được. Có năm săn bắn được khá, năm khác lại chẳng ra sao. Nhưng chỉ có điều dù thế nào đi nữa anh cũng chỉ là anh vô sản, anh thợ, anh nuôi anh và gia đình anh bằng khẩu súng, bằng lao động của đôi tay mình. Nếu như anh có căn nhà, con ngựa, con bò sữa, thì chẳng qua bởi vì anh còn là một người nông dân nữa và gia đình anh còn có công việc và có cái kế kiếm ăn...
Kachia lắng nghe cặn kẽ câu chuyện của bác Xtêpan. Nếu cô không biết bác Xtêpan là người nông dân, người của rừng taiga, có thể không tin điều bác nói. Bác Xtêpan cứ nói trôi chảy, chính xác như là người thành phố, dùng những từ ngữ sách vở một cách dễ dàng. Thấy rõ rằng bác không chỉ là một người có học, đọc nhiều, mà còn là một người có đầu óc suy nghĩ. «Rõ ràng là sự giao tiếp với những người bị lưu đày chính trị đã không đi qua một cách mất tăm mất tích, cả sự quen biết với giáo sư Likhatsiốp, với Akimốp nữa có thể cũng để lại dấu vết của mình», - Kachia suy nghĩ. Cô lại càng băn khoăn hơn, muốn biết về lai lịch tấm ảnh. Nhưng nếu hỏi xem bác Xtêpan đã chu du với giáo sư bao giờ và ở đâu, bác đã có được tấm ảnh kia như thế nào, bức ảnh mà đang treo trên chỗ trang trọng nhất trong căn nhà của gia đình bác, có nghĩa là hoàn toàn lộ bí mật và có thể đem lại những hậu quả bất ngờ nhất trong tương lai. «Bình tĩnh, Kachia, đừng vội vã. Về mọi chuyện, cần phải tìm hiểu bằng được, nhưng không lộ tung tích», - cô như nghe thấy tiếng nói của anh cô, người anh đã bỏ không ít công sức để chỉ bảo cô công tác bí mật.
Lũ trẻ trong tập đoàn của bác Xtêpan mỗi phút một thưa dần. Các chú thiếu niên được người thân đi theo, rẽ về nhà của mình và biến mất trong các sân nhà. Đi theo bác Xtêpan lâu hơn cả là chú Xpiriđôn có mặt tàn hương mang cái túi sau lưng. Nhưng cả chú chẳng bao lâu sau cũng dừng lại, tháo cái túi đeo vai xuống và trao cho bác Xtêpan.
Bên cạnh nhà, bác gái Tachiana Nhicanôrốpna ra đón bác trai và hai cô gái. Bác gái đứng bên cổng, chân đi ủng lông, mặc áo lông cừu dài, trùm khăn san, và đưa lòng tay lên che mắt, nheo lại vì ánh mặt trời. Khi chỉ còn cách nhau mấy bước, bác gái lao ra đón chồng, ôm bác trai và òa khóc, miệng thổn thức:
- Anh Xtêpan thân yêu, ruột gan em cứ như cào như cấu, linh cảm có chuyện chẳng lành...
Bác Xtêpan không tránh vợ, cũng không lấy làm ngượng vì cơn xúc động của vợ. Cởi bỏ cái túi đựng những bộ da thú săn được, bác để tay ôm lưng bác gái Tachiana Nhicanôrốpna, lên tiếng an ủi vợ:
- Mẹ nó đừng buồn. Không phải chỉ riêng nhà ta là có chuyện chẳng lành như thế này. Nhưng rồi cái thời buổi tao loạn này cũng sẽ kết thúc.
Vợ chồng đứng im lặng một phút. Masa nhìn bố mẹ bằng đôi mắt đỏ hoe, ngấn lệ. Nỗi buồn choán lấy cả tấm lòng Kachia. Cô không cần giải thích cũng hiểu rằng chuyện gì xẩy ra ở đây. Số phận người con trai cả của gia đình Lukianốp làm cả cô cũng xúc động, dường như anh ấy là người thân thuộc hoặc gần gũi đối với cô.
- Thôi, mẹ nó dẫn chúng tôi vào nhà đi chứ, - bác Xtêpan bình tĩnh nói và nương nhẹ xoay người vợ, mặt hướng vào cổng nhà.
Masa nhấc cái túi đựng các bộ da thú khoác lên lưng, vội vã theo mẹ.
Bác Xtêpan ngoái lại, vẫy tay:
- Đừng chậm bước, cháu Kachia! Đừng chậm bước!
Xibiri Xibiri - Ghêorghi Markốp Xibiri