K
hông biết tự bao giờ, tiểu cô nương luôn luôn kéo ống tay áo chàng đã trở thành một cô thiếu nữ. Một ngày kia, lúc chàng đang tỷ thí bắn cung trong vườn cùng Mộ Nguyên, ở xa xa trông thấy nàng cùng a hoàn Cận Hương đang bước dạo trên cầu, xiêm y màu vàng nhạt, tựa như một cảnh sắc xuân tháng hai dịu dàng điềm đạm chưa từng có, đập vào con mắt, thân hình mềm mại lả lướt làm cho lòng người tiếc thương. Con gái vào tuổi cập kê, cơ hội ở chung cùng chàng hầu như chẳng còn, một lần chợt tình cờ gặp gỡ này, nàng theo đúng quy củ hành lễ: “Kính gặp Lục ca.” Trong tay nàng theo lệ cầm chiếc quạt lụa trắng thêu một bức thủy mặc họa cảnh nước đổ sườn núi, che đi hơn phân nửa khuôn mặt, chỉ lộ ra phía một bên vành tay có cài một cây trâm thược dược, đóa hoa kiều diễm khe khẽ rung rinh trong gió xuân, một đôi con mắt vẫn sáng long lanh như trong ký ức ngày nào, ánh mắt đong đưa lúng liếng, phảng phất một ngọn gió xuân vừa khẽ lướt qua gợn lên những làn sóng vô tận. Chàng chỉ thấy con tim mình đánh “thịch” một tiếng, từ sâu trong xúc cảm nổi lên những cơn sóng lòng không dứt, hết đợt này đến đợt khác dồn dập theo đôi con ngươi của nàng... ******************************** Chàng lại đưa tay rót một chén rượu, chậm rãi nuốt cạn. Ánh trăng đầy trời như nước, chiếu vào trong gác, in bóng chính mình lẻ loi trên tấm lông cừu đỏ, đơn độc đến thê lương. Chàng quay mặt lại, trên mặt chợt nở một nụ cười, nói với Mạnh Hành Chi: “Nếu lão Thất đã kiêng kỵ một chiêu sát kia, vậy bổn vương nhất định sẽ giúp hắn đạt được mục đích.” Mạnh Hành Chi nói: “Vương gia, cũng không nên nóng ruột nhất thời, mất bình tĩnh là không tốt.” Trên mặt chàng vẫn là cái kiểu cười tản mạn như thế: “Chúng ta trầm tĩnh được, thế nhưng có người lại không có khả năng trầm tĩnh đươc.” ******************************** Lễ Vạn Thọ của Hoàng Đế là vào ngày mười lăm tháng năm, bởi vì còn đang chịu tang, cho nên hết thảy những loại lễ mừng này đều phải làm cho thật đơn giản. Dù thế, còn mới đang tháng tư mà ban Ti Lễ đã đặc biệt vội vã, sửa soạn sắp xếp đâu đó để bày yến tiệc, trong một hành cung to như vậy, nơi nào dọn tiệc, nơi nào ca múa, nơi nào du ngoạn, đều phải bố trí kỹ càng từng cái một, vội vàng đến nỗi be bét ra cả. Ai dè vừa vào tháng năm, Hoàng Đế thình lình lại thay đổi ý định, muốn đi nghỉ ở Đông Hoa kinh trước dự tính, lại còn quyết định sẽ làm lễ Vạn Thọ ở đó. Ở trong kinh ngày hè nắng nóng thiêu đốt, các vị Hoàng Đế qua bao triều đại, tháng sáu hằng năm may mắn có Đông Hoa kinh để đến nghỉ hè, tới đầu mùa thu mới trở về Tây Trường kinh. Hoàng Đế xưa nay chỉ ưa lạnh ghét nóng, nghĩ đến cái nóng hầm hập dọc đường vào tháng sáu đã thấy sợ, cho nên dời thời gian nghỉ hè lên sớm trước một tháng. Điều này lại làm cho Dự Thân Vương cảm thấy lo lắng, bởi vì chàng là người thống lĩnh đoàn xa giá. Lộ trình mười ngày đi Đông Hoa kinh sắp tới, hoàng thân quốc thích thì vẫn đi thuyền dọc theo dòng Đông Giang quanh co khúc khuỷu như từ trước tới giờ. Còn văn võ bá quan, quân đội ngự vệ, lớp lớp hàng nghìn người đi theo hộ giá, cung điện quán xá trạm ngựa dọc đường để nghỉ chân, cầu cống đường sá, khắp nơi mọi chốn đều phải thăm dò bố trí, hòng sắp xếp phòng ngừa trên đường. “Thời gian quá gấp rút, chỉ sợ sẽ khó mà chuẩn bị, thần đệ thỉnh Hoàng Thượng cân nhắc.” Dự Thân Vương bẩm tấu lúc ở ngự cung. “Xa giá dứt khoát là phải an toàn yên ổn.” Không hiểu sao Hoàng Đế lại vô cùng cố chấp, nói: “Trẫm sẽ cưỡi ngựa đi, như vậy có thể nhanh đến hơn.” Dừng một chút lại nói: “Hoàng thân quốc thích thì ngồi thuyền, đến chậm một chút cũng chẳng sao.” Dự Thân Vương thoáng chần chờ, Hoàng Đế lại nói thêm: “Ý trẫm đã quyết.” Dự Thân Vương chỉ đành khom người lĩnh chỉ, đợi đến sau khi lui ra, lập tức cho người đi kiếm Trình Viễn. Trình Viễn là một tên nội quan nhỏ bé trong cung, từ xa xa vừa nhìn thấy chàng đã vội hành lễ, nói: “Vương gia vạn an.” Thân Vương tư cách tôn quý, đứng trên đủ mọi loại quan, ngay cả sự phụ cũng phải bái lạy, huống chi là một gã quan nho nhỏ trông coi trước ngự cung như gã. Dự Thân Vương chỉ bảo một tiếng: “Đứng lên đi.” Trình Viễn vội vàng đáp: “Tạ ơn Vương gia.” Nhân tiện đứng lên đỡ khuỷu tay chàng tiến đến bên chiếc ghế đá dưới một tàng cây, lại nói: “Vương gia có điều gì sai bảo, xin chỉ cần sai người đi phân phó nô tì là được rồi ạ.” Lại sai người đi châm một tách trà nhỏ, tự tay dâng lên Dự Thân Vương. Dự Thân Vương lúc ở trước sảnh ngự cung đối với chuyện phức tạp rắc rối này đã thấy đau đầu, lúc này ngồi ở dưới tán cây xanh rậm, áo bào đón gió nhẹ thổi, mát mẻ vô cùng, nét mặt còn chưa tỏ vẻ gì, nhấp một ngụm trà, chỉ thấy trong miệng sinh đầy tân dịch, không khỏi nói: “Quả nhiên là kẻ hầu người hạ do một tay lão Triệu dạy dỗ.” Trình Viễn cười cười nói: “Phải nói là nhờ có Vương gia ngày thường chỉ bảo.” Dự Thân Vương nói: “Ta cũng không phải có chuyện gì, chỉ hỏi ngươi, xung quanh Hoàng Thượng đều vẫn ổn cả chứ?” Trình Viễn là một kẻ như thế nào, lập tức nói: “Ý của Vương gia quả thực nỗ tì không rõ.” Dự Thân Vương chợt tắt ý cười, lạnh lùng nói: “Ngay cả sư phụ của ngươi cũng không dám giả bộ trước mặt ta, ngươi đây lại muốn thử?” Trình Viễn vội kêu lên: “Nô tì không dám, nô tì có gan bằng trời cũng không dám lừa dối Vương gia. Đúng thực là sư phụ cấm không được nói huyên thuyên cùng người ngoài, nhưng trước mặt Vương gia nô tì dĩ nhiên tuyệt không dám giấu...” Thanh âm của gã đột nhiên trở nên khẽ khàng: “Vạn Tuế gia cùng Mộ cô nương mấy ngày nay hình như là đang bất hòa.” Dự Thân Vương “ừm” một tiếng, hỏi: “Vì sao?” Trình Viễn nghĩ ngợi, nói: “Nô tì cũng không rõ chuyện gì xảy ra, chỉ e đại bất kính mà nói thì, có vẻ là Mộ cô nương lại giận dỗi, có thái độ không dễ coi với Vạn Tuế gia.” Những lời này thực khó mà tưởng tượng, từ lúc lên ngôi tới nay, chưa một phi tần nào mà dám tỏ thái độ với Hoàng Đế, huống chi là một cô cung nữ thân phận mờ ám. Có điều Dự Thân Vương nhớ lại ngày ấy gặp qua một lần, cả người nàng tựa như băng thanh ngọc khiết tạc thành, trong con người ẩn chứa một loại khí chất ngạo nghễ, rõ ràng là chẳng thèm đem mọi sự thế gian để vào trong mắt. Nói nàng dám kiêu căng với bậc chí tôn, thật ra chàng cũng tin tưởng đôi phần. Trình Viễn thưa: “Vạn Tuế gia đối với Mộ cô nương phải nói là không có chút nào để chê, muốn gì được nấy. Đáng tiếc tính tình Mộ cô nương không được tốt lắm. mấy ngày này kỳ cục lại làm loạn lên, Vạn Tuế gia bực bội, thấy cô ta liền phát giận, mà không thấy được cô lại càng giận.” Gã cau mày một cách đau khổ nói: “Đừng nói là bọn nô tỳ, ngay cả sư phụ cũng phát rầu.” Thì ra là thế, trong lòng Dự Thân Vương buồn lo, nhưng cũng không lộ ra mặt, chỉ hỏi: “Vậy lần đi Đông Hoa kinh này, cô ấy có đi theo hầu hạ hay không?” Trình Viễn thưa: “Nô tì không rõ.” Lại bổ sung: “Nhắc đến Mộ cô nương, sắc mặt Hoàng Thượng lập tức trở nên mất hòa nhã, sư phụ bảo, không ai được chọc Vạn Tuế gia giận, cho nên bọn nô tì cũng chẳng ai dám hỏi đến chuyện này.” Đã gần đến ngày thứ ba đầu tháng năm, ngày thứ hai thì sẽ khởi hành, Triệu Hữu Trí mắt thấy thực sự không thể để tình hình như thế mãi, buổi chiều lúc hầu hạ Hoàng Đế thay quần áo, liều mạng hỏi một câu: “Ngày mai là khởi gia, không biết có phải chúng nô tì đều phải đi theo hầu hạ Vạn Tuế gia?” Hoàng Đế dạo gần đây tính tình hay cáu bẳn, chỉ lạnh nhạt liếc lão một cái, nói: “Ta coi ngươi làm việc quả là có trách nhiệm.” Triệu Hữu Trí mấy ngày qua một lỗi nhỏ cũng chẳng phạm, nhưng lão vốn đã theo Hoàng Đế từ nhỏ tới giờ, hiểu rõ tính tình, vội vàng cung kính nói: “Nô tì đáng chết.” Lại nhân đó hỏi thêm một câu: “Có phải toàn bộ bọn nô tì đều đi theo đại giá?” Hoàng Đế đáp: “Cho nàng ngồi trong mấy cái thuyền râu ria đi.” Rõ ràng là còn đang dỗi, Triệu Hữu Trí cười thầm trong bụng, cung kính thưa: “Vâng.” Hoàng Đế khởi giá đã được nửa ngày, hoàng thân quốc thích mới từ bến phà Thượng Uyển bắt đầu nhổ neo. Thuyền bè chậm rãi nối đuôi nhau, vô số thuyền lầu buồm gấm, đầu nối đuôi, đủ loại lớn nhỏ của nội quan bao xung quanh hộ gia ngự thuyền, quanh co khúc khuỷu hơn mười dặm, chậm rãi dọc theo dòng sông xuôi về phía đông, khung cảnh nguy nga tráng lệ. Thế nước đầu hạ dồi dào, đường sông rộng rãi khoáng đạt, thuyền đi vô cùng ổn định. Hai bên bờ sông, liễu buông cành lả lướt trên đê, xa xa bên trong là những mái nhà, liễu xanh trải rộng về phía thôn làng, như một bức họa đồ vô cùng vô tận, từ trong cửa sổ khoang thuyền dần hiện ra các bài trí bên trong. Như Sương không phải là phi tần, vốn không có tư cách ngồi thuyền riêng, song nội quan tổng quản vẫn biết đối đãi với nàng đặc biệt, chọn một tòa thuyền tầng cho nàng. Hai cô cung nữ chuyên hầu hạ nàng vốn là người của ngự cung, sáng tinh mơ hôm nay đã theo hầu đại gía rồi, cho nên Hoa phi bấy giờ sai hai cung nữ sang bên thuyền này thay thế. Như Sương hôm nay dậy rất sớm đợi lên thuyền, lúc này thuyền đã đi cực vững vàng, ngày dài, sau một buổi trưa đã thấy mệt mỏi, bèn nằm trong khoang thuyền nặng nề ngủ, đến lúc tỉnh lại thì bóng tà đã xế. Nàng cũng không gọi người, tự mình cầm cái quạt lụa che mặt thêu bông hoa thược dược bằng kim tuyến, dùng tay cầm bằng ngà có thắt tua rua màu mận vén hai bên rèm lụa trên song cửa sổ khoang thuyền, hướng tầm mắt nhìn ra xa xa bên ngoài. Nhìn thấy ánh tà dương phản chiếu trên mặt sông, nom như hàng vạn con rắn vằn vàng nhảy múa điên cuồng, lân quang chói lòa cả mắt. Thuyền lầu nối đuôi nhau xuôi dòng, vô số nhứng cánh buồm gấm nghiêng mình đón nhận nắng chiều hoàng hôn, đẹp lộng lẫy chói mắt. Triền đê xanh như vạt áo màu ngọc bích uốn lượn, liễu rủ mềm mại, bao nhiêu cảnh vật nối tiếp, chậm rãi từ trước mắt lùi dần về phía sau, nhìn lâu cũng chóng cả mặt. “Thì ra cô nương đã tỉnh rồi.” Một giọng nói lanh lảnh vang lên, Như Sương miễn cưỡng quay đầu lại nhìn, hóa ra là một trong hai cô cung nữ được cử đến tạm thời, gọi là Kiểm nhi. Kiểm nhi hết sức ân cần vồn vã nói: “Em đem chậu nước đến, để cô nương rửa mặt.” Khuôn mặt trang điểm tỉ mỉ dần dần hiện lên rõ nét trong gương, Kiểm nhi giúp nàng chải qua lại đầu, bàn tay ở phía sau nâng mái tóc óng ánh soi lên gương, xuýt xoa: “Tóc cô nương thật tốt, vừa đen lại vừa dày.” Hồi còn ở nhà, người thường chải đầu cho nàng là Tiểu Hoàn, mỗi lần chải xong, đều nâng lấy tóc giơ lên soi qua gương để cho nàng xem như vậy. Ảnh ảo phản chiếu nơi mặt gương trơn láng như nước, trên dải tóc mây đen dày cài một chiếc thoa bằng vàng ròng, phượng hoàng chín đuôi, trên mỗi đuôi đều đính một hạt minh châu, các hạt minh châu được kết dây vàng nối thành một chuỗi, chuỗi dây vàng đính ngọc công phu đung đưa một bên khuôn mặt. Mái đầu đoan trang, cảm giác như vừa mới say sóng, cũng thấy hơi hoa mắt. Trong tay cầm hai cái hộp bằng gỗ đàn khảm mắt lưới, bên trong đầy ních châu ngọc đá quý. Sau khi vào hậu cung, có dạo nàng yêu thích mấy thứ này, Hoàng Đế bèn mệnh cho trong kho tìm ra hết toàn bộ tinh hoa đá quý, đưa đến cho nàng. Lúc này nàng mở hộp ra, trong khoang thuyền u ám bỗng phát ra những tia sáng, Kiểm nhi lại xuýt xoa: “Hạt châu này thực là đẹp, nô tì dù đã từng hầu hạ cả Hoàng quý phi rồi, cũng chưa bao giờ thấy được một viên ngọc trân châu tròn to như thế.” Như Sương cũng chẳng buồn mở miệng, tay khẽ giơ lên, Kiểm nhi còn chưa kịp mở miệng kêu, chỉ biết mở trừng trừng mắt nhìn nàng ném thẳng viên ngọc ra ngoài cửa sổ. Kiểm nhi muốn lao đến giữ lại, nhưng làm sao mà có thể. Chỉ nghe “tõm” một tiếng nhỏ, trân châu đã rơi vào lòng sông, sóng lăn tăn gợn lên, một điểm ánh sáng viên ngọc trắng xóa nhanh chóng chìm xuống sâu, trong giây lát đã không thấy tăm hơi. Bảo bối hiếm có như vậy, trong cung cũng không có nhiều, ai ngờ nàng lại có thể tiện tay mà ném đi như đồ bỏ đi, không một chút tiếc nuối nào. Kiểm Nhi nhất thời kinh hãi không nói nên lời. Như Sương cũng chẳng bận tâm, trong đám châu báu rực rỡ, tiện tay nhặt ra một khối ngọc bội, xanh màu thạch bích hoàn mỹ, điêu khắc tinh xảo, bên dưới còn kết một dải hoa văn đồng tâm, Kiểm nhi sợ nàng lại muốn ném xuống sông, vội vàng đóng cửa sổ lại. Như Sương thấy nàng đóng cửa đi, cũng không nói gì, chỉ cầm khối ngọc bội trong tay ngắm nghía một lúc, rồi nói: “Cái này thưởng cho em.” Từ lúc lên thuyền tới nay, Kiểm nhi bây giờ mới lần đầu tiên nghe nàng nói chuyện, âm thanh thô rát khó nghe đến nỗi dọa Kiểm nhi nhảy dựng lên, nửa ngày mới hoàn hồn lại, cười cười: “Cảm tạ phần thưởng của cô nương, nhưng cái này quá quý giá, Kiểm nhi không dám nhận.” Như Sương thản nhiên nhìn con bé một lát, cuối cùng từ trong môi phát ra ba chữ: “Mở cửa sổ.” Kiểm nhi hoảng hốt, vội nói: “Cô nương, cô nương, nô tì nhận là được mà.” Nói xong đi qua nhận, hành lễ nói: “Cảm tạ Mộ cô nương.” Như Sương cũng không tỏ vẻ quan tâm, đứng dậy đi đến bên cửa sổ, cách một lớp mành lụa mỏng tang, có thể thấy được phía xa xa bên bờ đê có một đội quân kỵ mã phi nhanh, chính là ngự quân bảo vệ xa giá, từ chỗ tất đạo(đường cấm cho vua) đến tận đây đưa tin tức. Kiểm nhi thấy nàng nhìn đoàn kỵ mã bên bờ sông đến ngẩn ngơ, cười cười nói: “Không biết là đại giá đã đi đến đâu, đã đến trạm thứ bao nhiêu rồi. Có điều cung quyến thì đều đang ở trên thuyền.” Như Sương lười trả lời cô, nói thêm cũng chỉ như vẽ rắn thêm chân, đặt cây quạt kê dưới hàm, chỉ yên lặng ngồi tính toán lộ trình. Nếu đúng mười hai dặm lại dừng một trạm, thì mỗi trạm đều phải chuẩn bị chu đáo nơi ăn chỗ nghỉ, mà cứ cách năm mươi dặm, thì lại có một hành cung. Xung quanh đại giá đều có các văn võ bá quan hộ tống, ngự quân thì cũng phải có mấy nghìn người, cả một đoàn đông đúc như vậy, mỗi ngày cũng chỉ đi được hơn mười dặm, chỉ mong đêm nay có thể kịp đến nghỉ chân tại Nhạc Xương hành cung. Thuyền đi xuôi dòng, nhưng nước sông trôi lờ lững thế này, so với đại giá thì còn cách xa hơn nhiều nữa. Cũng may thuyền lầu thoải mái, buổi tối các thuyền đều đỗ lại, đầu đuôi nối tiếp thành một hàng, đám cung quyến đều ở lại trong thuyền. Mắt thấy trời dần dần tối đen, trên đỉnh cột buồm của chiếc thuyền buồm tiên phong dẫn đường liền treo một chuỗi đèn sáng, rồi một tiếng kèn hiệu lệnh phát ra, âm thanh rất trầm nhưng vang rất xa, chắc cũng phải cả vài dặm. Có một con thuyền phía sau cũng thổi kèn đáp lại, một tiếng truyền đi, lập tức liền có những con thuyền nhỏ của ngự quân đến bảo vệ, tiếng kèn lệnh này cũng chính là báo tin đã hạ neo cập bến đầy đủ. Vô số dây xích sắt được ném ra, mũi thuyền phía sau neo lại với đuôi thuyền phía trước, lại có một cái ván bắc ngang, từng cặp thuyền như vậy được ghép vào một chỗ. Bóng đêm càng lúc càng dày đặc, trong khoang thuyền đền dầu thắp sáng bừng, giống như một cái đèn rồng cực lớn, lẳng lặng nằm yên trên nước. Xa xa trông thấy có một dãy thuyền lầu sáng trưng, tựa như lầu hoa điện ngọc lung linh, từng tầng từng tầng đều tỏa ánh lộng lẫy, ảnh ảo dát vào trên nước, như vô số làn sao băng xẹt qua, cả một vùng lấp lánh diễm lệ. Có một cung nữ cầm chiếc đèn lồng thong thả bước qua trên ván, bóng lửa thật lớn, chập chờn lướt qua một màn tinh tú in trên nước, có ngọn gió thổi qua lại bị tan thành nhiều mảnh nhỏ nhảy nhót trong làn sóng. Như Sương nhờ có một giấc ngủ trưa dài, lúc này cũng không còn mệt mỏi. Hai bên bờ sông giáp con đê cũng tản mác vô số những điểm sáng, gần như tạo thành một triền đuốc uốn lượn kéo dài, đó là ngự quân đi tuần tra ban đêm cùng với các sĩ tốt đưa tin qua lại với đoàn xa giá. Trong tiếng bước chân rầm rầm pha lẫn cả âm thanh tiếng lục lạc lanh lảnh kêu, ở giữa một vùng đồng nội khoáng đạt nghe đặc biệt rõ ràng. Kiểm nhi cùng một cô cung nữ khác gọi Lật nhi sửa soạn lại giường chiếu, trải một tấm mền lụa mỏng, buông tấm màn lụa màu khói như da cá nhám cho nàng, dùng quạt lùa qua trong màn một lần, đảm bảo là không có một con muỗi nào, ém màn thật gọn, đoạn đi ra nói với Như Sương: “Cô nương ngày hôm nay nhất định là rất mệt, hơn nữa đã trống điểm canh một rồi, gió đêm trên sông thổi mạnh, cô nương dù sao cũng nên đi nghỉ sớm.” Như Sương đang nhập tâm phân biệt tiếng chuông thanh thúy giữa những tiếng bước chân, hãy còn say sưa. Kiểm nhi lại thấy tính tình nàng có chút cổ quái, cũng không nói thêm nữa, chỉnh lại đèn cho nàng, rồi cùng Lật nhi lặng lẽ thối lui ra bên ngoài khoang thuyền. Như Sương nghe tiếng chuông ngựa ngày một gần, âm thanh trong trẻo mà xa xăm, cách xa bao nhiêu cũng vẫn nghe được rõ ràng, chỉ có loại chuông đúc bằng đồng đỏ mới có được tiếng vang giòn giã như vậy. Lòng nàng suy nghĩ chồng chất, trong nháy mắt mà đã có biết bao ý nghĩ lướt qua, nghe tiếng lục lạc càng ngày càng gần, rõ ràng là ngay trên bờ đê cách thuyền mình không xa, nàng đã định chủ ý, “phù” một tiếng thổi tắt đèn, nhưng cũng không nhúc nhích, lẳng lặng ngồi ở bên bàn. Đêm nay không trăng, nhưng trên trời chi chít những vì sao, cách một mành lụa mỏng trên song cửa sổ, ánh sao u ám chiếu vào trong khoang thuyền, tất cả chìm trong bóng tối mờ mờ dần hiện ra những góc cạnh. Cao là cái tủ, thấp là cái bàn, ở trên bàn còn có một bình hoa trắng, cắm bên trong là một vài nhành liễu, chính là lúc lên thuyền nàng đã thuận tay ngắt lấy. Hương lá liễu thanh nhã, hòa cùng huân hương trong ống tay áo của chính mình, đạm nhạt đến nỗi suýt không ngửi ra được. Tuy nhiên trong bóng đêm nơi đây, tất cả mọi vật đều êm dịu mà rõ ràng phân minh, kể cả những tâm tư sâu kín nhất từ tận đáy lòng cũng đều trở nên thật rõ nét. Đi con đường nào, nàng cũng không thể làm chủ. Cả cánh đồng bát ngát trời sao vạn dặm, dưới mạn thuyền tiếng sóng vỗ về khẽ rơi vào thính giác, hết thảy giọng người cũng đều trở nên xa xăm, gió sông mát lạnh nồng nàn, mang theo hơi nước, phây phẩy nơi mành lụa mỏng tang, thình lình lớp lụa phất tung lên, chẳng khác nào cánh bướm chớp nhả bay lượn. Chuyện cũ thống thiết kinh hãi, cuối cùng trong khoảnh khắc chợt tan biến hết thảy. Ngay trong nháy mắt nàng như người mất hồn, ngoài cửa sổ bất thình lình có bóng người to lớn nhoáng qua một cái, rõ ràng là thân thể đàn ông. Nội quan thì thường phải đội mũ, mà cái bóng người in một một trên ô cửa sổ bằng giấy ở gian ngoài, thì lại không hề có mũ. Trong đầu nàng lập tức vỡ lẽ, mở miệng kêu to: “Người đâu, có thích khách!”