Chương 10 -
à Nhật Lệ xót xa nhìn gương mặt tiều tụy của Cầm. Gương mặt của một người không còn gì để mất nữa. Con gái cưng của bà đang ở tận cùng nỗi khổ. Nó tuyệt vọng và lạc hồn mất vía vì thằng đàn ông có phần nào tài hoa kia.
Suy đi nghĩ lại bà Lệ thấy giận vô cùng, bà không giận riêng gì Huy, mà hình như bà giận hết mọi người có mặt, lúc Huy dám bỏ con gái cưng của bà lại để về Sài Gòn vì lý do mắc dịch nào đó không ai rõ.
Đầu tiên bà giận Phan, thằng anh trai luôn tỏ vẻ, đối lập với em gái mình. Lẽ ra lúc Huy đòi về nó cũng phải có cách nào giữ bạn lại để... cứu nguy cho Cầm chứ, có đâu lại vô trách nhiệm đến mức chỉ kè kè bên con bé Hoàng Hoa.
Kế đến bà giận bạn gái thân thiết nhất của mình. Tại sao Kim Hằng lại để Huy tự dung tự tác... "Đến trễ, về sớm" theo ý nó như vậy? Ít ra Hằng cũng phải nghĩ tới danh dự của bà, và tự ái của đứa con dâu tương lai một chút chứ!
Rồi bà giận tới Cầm! Sao con bé ngu ngốc đến mức ở gần kề Huy bao nhiêu năm mà vẫn chưa cột được chân nó, để nó bỏ rơi mình trước mặt mọi người, xấu hổ đến thế đấy!
Thở hắt ra một hơi. Bà lại tiếp tục giận. Bà giận bản thân và căm thù khi nghĩ tới ông chồng đã chết. Nếu không vì ông, bà đâu phải lén lén lút lút tìm gặp “thằng” bạn khốn khiếp ấy. Hừ! Rốt cuộc bà mất tiêu một buổi chiều, tốn hơi, hao trí vô ích, đã vậy lại không có mặt để giúp con gái.
Nếu chiều ấy có bà, Huy dễ gì về Sài Gòn được. Hừ! Nó muốn bỏ rơi Cầm, lẽ nào bà mẹ rất biết điều của nó đồng ý?
Thật khó đoán được mẹ con Huy đang tính gì. Từ hôm ở Canada về, Hằng vẫn thường tới nhà bà dùng cơm. Nhưng từ khi ở Đà Lạt về, bà ta mất dạng. Hay là Hằng đã chọn cho cậu con cưng đám khác giàu sang hơn nhà bà.
Hay là Hằng đã nghe “thằng khốn khiếp” ấy nói rõ thực trang của gia đình bà hiện nay nên muốn rút lui không làm xui gia nữa.
Không lý nào Hằng lại gặp “thằng khốn khiếp” ấy, bà ta đã thề rồi mà. Hằng thề không gặp mặt, không gọi tên ông chồng cũ của mình và cái biệt danh “thằng khốn khiếp” là do Hằng đặt vì hận chồng chớ ai.
Lần đầu nghe Hằng gọi như vậy bà buồn cười rồi khó chịu. Mấy chục năm qua bà đã quen nên hầu như không nghĩ tới cái nghĩa của tính từ “khốn khiếp” ấy. Song lần này gặp lại ông Hoài bà không thể nào không thầm rủa “khốn khiếp, khốn khiếp” liên tục cho được.
Chắc là “thằng khốn khiếp” đã kể lể đầu đuôi chuyện chồng bà cho thằng Huy nghe rồi, và nó dễ gì không kể lại cho Hằng nghe.
Nhưng cũng chưa chắc là như vậy. Vì ông Hoài đã thề giữ bí mật việc chồng bà còn một dòng con riêng rồi cơ mà.
Bà Lệ khe khẽ thở dài. Hằng có đời nào ngờ ông Tiến và ông Hoài cùng một giống với nhau, nên bà ta thường khen ông Tiến trước mặt hai cậu con trai và bảo chúng: “Hãy theo gương bác Tiến chớ đừng một dạ hai lòng như cha chúng bây.”
Bỗng dưng bà Lệ muốn cười thật to, cười cho hả những gì dồn nén trong lòng bao nhiêu năm dài. Bà không thể nào như Hằng được. Bà không dại dột buông tha chồng để ông ta sống với người khác và quên bẳng bà đi như Hằng đã bị lãng quên. Bà đau khổ thì ông Tiến và Túy cũng phải thế. Dẫu sao bà cũng may hơn Hằng ở chỗ còn một bà mẹ chồng biết cách kềm giữ con trai nên ông Tiến không dám... noi gương thằng bạn khốn kiếp, để li dị và cưới vợ khác. Bà giữ được phần xác ông, giữ cả cái gia tài đồ sộ, còn bọn bên kia có được gì đâu chớ! Cuối cùng bà vẫn thắng và nhất định sẽ thắng, làm sao bà đồng ý nghe lời ông Hoài cho được. Bởi vậy bằng bất cứ giá nào bà cũng phải tìm cách để Huy cưới Cầm. Ông HOài vì quyền lợi của con trai mình chắc chắn ssẽ làm theo đề nghị của bà.
Nhưng nhìn thái độ chán chường tuyệt vọng của Cầm, bà không khỏi nóng ruột. Cả tuần nay Cầm không đi làm, bà đã điện tới... báo cho Huy biết con bé bệnh nặng lắm, vậy mà nó không thèm tới thăm. Mãi lúc nãy mới có Hạnh Ngộ ghé, không biết con nhỏ mồm mép ấy nói gì nữa.
Bước đến gần Cầm, bà ngọt ngào:
- Sao vậy con!
Như khơi trúng mạch, Cầm òa khóc:
- Con không thể mất anh Huỵ Bao nhiêu năm nay con một lòng vì ảnh, tại sao ảnh bỏ con cái một, để theo con nhỏ đó được.
Vỗ nhè nhẹ vào lưng Cầm, bà Lệ trấn an:
- Sao khéo lo cho khổ vậy con. Nó từng theo rồi bỏ bao nhiêu đứa rồi? Bọn gái bao ấy ngoài phố thiếu gì. Nó còn trẻ cứ để nó ăn chơi, khi lấy vợ sẽ tu tâm dưỡng tánh lại. Lúc ấy ngoài gia đình ra nó không thèm gì khác hơn đâu.
Cầm mếu máo:
- Mẹ không biết gì hết. Lần này ảnh mê thật rồi nên mới bỏ Đà Lạt để về Sài Gòn như vậy.
Rồi như chợt nhớ ra điều gì khủng khiếp lắm, cô gào lên:
- Mà mẹ có biết anh Huy theo đứa nào không?
Bà Lệ vẫn từ tốn, vỗ về:
- Theo đứa nào không quan trọng. Miễn sao vợ của nó phải là con thì được rồi.
- Đứa này quan trọng lắm mẹ à! Con thù nó. Thù nó từ lúc mới gặp mặt ở nhà mình kìa.
Lần này bà Lệ có vẻ ngạc nhiên... Bà hỏi:
- Đứa nào hả Cầm.
Mắt Cầm long lên, cô nhếch môi chua chát:
- Vân Vị Con gái cưng của ba.
Bà Lệ dẫy lên như phải nước sôi:
- Không thể nào. Tại sao thằng Huy quen nó.
Cầm làm thinh. Hít hít mũi, cô nói:
- Nó làm trong xí nghiệp mà!
Bà Lệ ngạc nhiên:
- Từ hồi nào? Sao mẹ không biết?
- Cũng năm tháng rồi. Nó là bạn của Hoa. Chính Hoa xin Huy nhận nó vào. Lần đầu vào nhận việc, nó gặp con và con cố tình phân nó làm tạp vụ với mục đích cho nó nghỉ. Ai ngờ nó lì mặt ra...
Bà Lệ hấp tấp cắt ngang:
- Đáng lẽ con phải cho mẹ biết vụ này từ lâu rồi.
- Mẹ thù bọn nó, con không muốn mẹ mệt tim khi nghe nhắc tới chúng. Với lại không đời nào con ngờ Huy lại... lại...
Giọng Cầm nghẹn lại cô không nói tiếp được mà chỉ khóc. Bà Lệ nóng nảy:
- Tại sao con nghĩ thằng Huy đeo con quỉ đó!
- Người ta thấy suốt đêm Noel ảnh đi với nó.
- Thằng khốn kiếp!
Cầm giật mình khi nghe mẹ mình quát to dữ vậy. Cô len lén nhìn lúc bà để tay lên miệng như muốn lấy lại câu rủa mới gợi ra từ đôi môi tô đỏ của mình. Bà đã mắng ai vậy?
Lúc bối rối bà đã chửi, để bây giờ vẩn nghỉ chưa ra mình vừa chửi thằng cha hay đứa con.
Bà vội vàng hỏi:
- Nó có biết gì về Vi không?
- Chắc không. Trừ phi anh Phan nói. Anh hai có vẻ lo lắng cho chị em Vi lắm.
- Hừ! Thì ra lần con điện thoại về dặn mẹ để ý coi chừng thằng Thanh làm ẩu là có lý do. Vậy mà hôm ấy cũng không chịu nói thật. Nếu biết mọi việc, mẹ đã có cách tống cổ nó từ lâu.
- Trăm sự tại anh Hai. Ảnh nói sao chả biết, mà Huy không để con Vi làm tạp vụ nữa. Ảnh cho nó làm thơ ký riêng. Từ đó mới có chuyện. Rồi cũng anh hai tài trợ cho thằng Thanh vào đội xe đạp của xí nghiệp. Nếu Hạnh Ngộ không nói, đời nào con biết chuyện này.
Bà Lệ lầm bầm:
- Thằng Phan bất hiếu từ lúc còn nằm trong bụng mẹ. Lúc mang bầu, nó hành mẹ tưởng chết được, khi sanh ra, khóc ba tháng mười ngày. Bệnh đau liên tục. Nghĩ tới, mẹ không biết phải kiếp trước mắc nợ nó không nữa. Bây giờ lớn lại phản. Coi như nó đâu tin lời mẹ, vì mẹ từng nói rằng tụi mẹ con Vi là đồ lừa bịp kia mà. Trời ơi! Nó nghĩ gì trong đầu vậy kìa! Chắc mẹ chết vì nó mất. Ai cha!
Thấy mặt mẹ tái xanh, Cầm hết hồn, quên mình đang khóc, cô chạy vội lại kế bên ôm lấy bà:
- Mẹ bình tĩnh. Đừng làm con sợ.
Xua xua tay, bà Lệ gượng gạo:
- Điện thoại gọi nó về đây. Nhớ không nói lý do nghe chưa!
Cầm vội vàng gật đầu. Cô riu ríu làm theo lời mẹ, lòng ngập tràn hy vọng. Cầm biết mẹ sẽ "giải vây" cho mình. Với bà, cô là tất cả cơ mà!
Chưa nhấc điện thoại lên Cầm đã nghe tiếng người giúp việc thưa:
- Bà Hằng đến thăm...
Mắt bà Lệ tươi lại, ra dấu bảo Cầm gọi điện cho Phan, bà đi tới phòng khách với nụ cười kiểu cách trên môi. Bà vồn vã khi gặp bà Hang:
- Vừa định bảo Cầm điện thoại mời chị tới ăn cơm chiều nay, thì chị đã tới rồi.
Bà Hang ngạc nhiên:
- Ủa! Cầm không đi làm sao?
Bà Lệ hơi dài giọng ra:
- Từ hôm ở Đà Lạt về tới nay nó bệnh.
- Chà! Vậy mà thằng Huy không cho tôi biết. Cái thằng thật...
- Thằng Huy có về thăm chị không?
Bà Hằng gật đầu:
- Có ghé một lần, chừng nửa tiếng là đi ngay. Bọn trẻ đời này không cần cha mẹ nữa hay sao ấy, tụi nó lao vào làm ăn thấy mà chóng mặt.
- Tôi cũng nghĩ là Huy rất bận, bận đến mức không hề điện tới hỏi xem sao con Cầm ở nhà...
Nhíu mày đầy bực dọc, bà Hằng buột miệng:
- Nói thật, tôi hết hiểu nổi nó rồi. Bây giờ đường đường là một giám đốc nó coi ai ra gì. Nhưng tôi nghĩ chắc nó và con Cam giận dỗi gì nhau đó thôi. Nếu không, tại sao lại đùng đùng bỏ Da Lat về Sài Gòn ngay hôm Noel kỳ vậy.
Mắc bà Lệ đưa nhanh sang phía bà Hằng, môi bà nhếch lên:
- Việc này chị hỏi thằng Huy sẽ rõ lý do. Tôi biết con Cằm chẳng lỗi chi, nó coi chị hơn cả mẹ ruột, nên dù khổ vì thằng Huy, vẫn không hé nửa lời cho chị biết về nó.
Câu nói của bà Lệ làm bà Hằng bối rối. Thật ra từ hôm ở Da Lat về đến nay bà chỉ gặp Huy một lần, nó không để bà hỏi han gì mà cứ huyên thuyên kể đủ chuyện trên trời dưới đất rồi vội vã đi, vì... bận gặp riêng ai đó rất quan trọng làm bà phát bực lên vì tự ái.
Lẽ ra bà đến nhà bà Lệ lâu rồi, nhưng không hiểu sao cũng từ hôm ở Da Lat về bà như người ốm. Bà thơ thẩn một mình trong ngôi nhà vắng, nhớ những ngày xưa khốn khổ một nách hai con; vất vả biết bao nhiêu. Bây giờ chúng đã lớn khôn nhưng lòng bà vẫn chưa thanh thản. Trái lại càng về già bà càng ghét người chồng cũ. Ông ta đã cướp đi tuổi xuân và để lại trong lòng bà nỗi hận khôn nguôi. Hận ổng một, bà thù người đàn bà đã giật chồng bà gấp hai, gấp ba. Bà không ưa Da Lat nhưng vẫn lên đó để đi dọc theo con phố có nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm nhìn tận mặt người đàn bà ấy. Năm tháng độc ác đi qua. Cả hai đều đã già. Bà nhìn ra được Ngọc Quế vì bà cố tâm tìm để nhìn. Còn cô ta chắc không nhận ra bà là ai giữa muôn nghìn du khách đến Da Lat mỗi năm. Ngày xưa Quế không trẻ, không đẹp hơn bà, già thế lại tầm thuờng học hành lỡ dỡ nhưng chẳng hiểu sao ông Hoài lại mê mệt, đang là một luật sư có nhiều triển vọng ở Sài Gon, ông dám bỏ hết sự nghiệp và vợ con để theo một cô gái chuyên buôn bán đồ rau cải ở chợ Da Lat. Trong khi trước đây, lúc còn là chàng sinh viên trường Luật, ông Hoài đã từng lẽo đẽo đi sau lưng bà trên "Con đường Duy Tân cây dài bóng mát" từ ngày này qua ngày nọ, để làm rung động cho bằng được trái tim vốn kiêu ngạo và lạnh lùng của bà.
Để rồi chỉ năm năm sau đấy, ông dứt khoát đòi ly dị, dù lúc đó bà đang mang thai Huy. Ông thật tàn nhẫn, lẽ nào Huy cũng có tính tàn nhẫn đối với phụ nữ như ông? Và cũng rất đam mê nhưng chóng quên như ông?
Nghiêm nghị nhìn bà Lệ, bà nói:
- Chúng ta biết nhau mấy chục năm rồi, thằng Huy làm gì sai quấy, chị cứ nói. Tôi rất thương Cầm và muốn nó làm dâu con. Nếu không vì cái tang của anh Tiến, có lẽ lần này tôi về sẽ lo cưới xin cho hai đứa rồi.
Mặt bà Lệ ủ dột khác thuờng, bà thở dài rồi than:
- Con cái cứ làm bận lòng cha mẹ. Tại con Cầm nhà này dại dột đèo bồng ông giám đốc, chớ thật ra thằng Huy lúc này có ngó ngàng gì tới nó đâu. Ứ hự! Đàn ông là vậy, có mới nới cũ.
Bà Hằng cau mày đoán:
- Thằng quỉ này lại đeo theo con nào hả chị Lệ?
- Lúc nãy có mấy cô trong xí nghiệp lại thăm con Cầm. Họ kể mình mới biết ấy chứ.
Bà Hằng nóng nảy:
- Họ kể cái gì?
Thừa biết tính của bà bạn thâm niên nên bà Lệ cố ý cà kê cho bà Hang điên tiết lên:
- Đúng ra tôi không nên nhiều chuyện. Nhưng nói thật, tôi thương thằng Huy hơn cả thằng Phan, tôi nhớ cả nó thích ăn món gì nữa cơ mà. Do đó, lòng tôi áy náy thế nào ấy khi nghĩ: lỡ như Huy lại dại dột sa vào bẫy như trưỚc đây nó từng sa vào bẫy của Diễm Chi...
- Nó mê đứa nào, chị nói đại đi -- Bà Hằng cáu kỉnh gắt lên.
Biết bà bạn đang sốt ruột vô cùng, bà Lệ mới buông một câu quyết định:
- Nó chết mê chết mệt con lao công của xí nghiệp mới khổ cho... chị chớ. Ai cha, nếu qua đường cho vui, cũng không ai lựa hạng bần cùng như vậy, lại là... người làm của mình mới là kỳ chớ! Suốt đêm Noël nó với con nhỏ đó tò tí trong phòng giám đốc, công nhân họ đồn ầm lên.
Mặt bà Hằng tái hẳn đi. Người bà nhỏm lên khỏi ghế:
- Trời đất! Thật vậy sao? Thằng này muốn thân bại danh liệt một lần nữa chắc.
Rồi bà nghiến răng rên rỉ:
- Nó y như "thằng khốn khiếp" ấy. Mê gái ngu dại, không biết nghĩ xa trông rộng. Một lần tiêu tan sự nghiệp vẫn chưa khôn ra. Trời ơi là con với cái, của làm ra thì khó, chớ đem vứt, đem đổ chả mấy hồi.
- Chị bình tĩnh lại đi. Đàn ông chưa vợ mà, nó giải trí có lỗ lã gì. Có điều phải khuyên nó chớ sa đà.
Bà Hằng quắt mắt lên:
- Nhưng ít ra nó phải biết nghĩ tới danh dự và uy tín của nó chớ. Rồi Cầm nữa, nó coi con bé không có trăm gờ ram nào hết.
Bà lại hét toáng lên:
- Đồ khốn! Ngay cả tôi nó cũng qua mặt. ¨Một đòi về, hai đòi về ngay hôm Noël Vì đã lỡ hẹn với khách đi ăn Réveillon ở nhà hàng nổi, nhà hàng chìm gì đó.
Bà Lệ ngọt ngào:
- Đừng giận mà chị Hằng. Chị phải thông cảm, làm sao nó dám nói thật chớ! Nó nói dối vì tôn trọng chị đó. Chỉ tội con Cầm...
- Cầm đâu rồi?
- Nằm khóc trong buồng, từ sáng tới giờ có ăn uống chút nào đâu. Nó bị một cú sốc quá mạnh. Phải chi con nhỏ kia hơn nó, Cầm chẳng gì phải tức, đằng này nó thua xa.
Giọng bà Lệ chợt lạnh tanh cay độc:
- Một con nhỏ lao công vô học ham tiền, mẹ nó từng làm bé người ta, bây giờ đi giữ con nít ở đợ cho nhà giàu, thằng em trai là dân lưu manh chính hiệu. Chuyện tụ tập băng nhóm đua xe, giật dọc. Thằng Huy lao vào đó coi chừng hối không kịp ấy chứ?
Lời bà Lệ nói làm bà Hằng lo lắng, bà đứng dậy hầm hầm:
- Tôi phải về hỏi nó cho ra vụ này mới được.
Kéo tay bà Hằng xuống, bà Lệ tỏ vẻ quan trọng:
- Chuyện này không nên làm ầm ầm lên, thằng Huy bây giờ có địa vị, danh phận chớ không lèng xèng như hồi làm ăn chung vốn với ba Diễm Chi. Chị phải hết sức tế nhị mới được. Phải dùng tình cảm nói ngọt nói nhạt với nó.
- Con nhỏ đó tên gì chị biết không?
- Nó tên Vân Vi.
- Vi! Hừ! Cái tên nghe coi bộ không phải dốt. Mặt mũi chắc cũng phải xinh đẹp nên thằng Huy mới mê. Gần 30 tuổi đầu vẫn còn dại gái. Tôi không thể nào chịu nỗi khi biết mẹ con nhỏ đó làm bé người ta. Hừ! Ngữ ấy tốt lành gì! Tôi căm thù hạng đàn bà như mẹ nó nhất trên đời.
Biết là đã đánh trúng tim của bà bạn thân rồi. Bà Lệ thầm thì khiêu khích tiếp:
- Chị nên tìm cách nào đó cho tụi nó đừng có dịp gần gũi nhau, thằng Huy sẽ quên tuốt, chứ nếu cấm đoán, tôi dám chắc nó không nghe lời chị đâu. Từ nhỏ tánh nó đã giống tánh anh Hoài, thích làm trái ý chị, và biết đâu cũng thích hạng làm bé.
Bà Hằng gạt ngang:
- Đừng nhắc thằng khốn kiếp ấy trước mặt tôi. Hừ! Lần này nếu nó cãi lời, tôi sẽ từ luôn, coi như nó chết từ hồi nhỏ. Tôi nói được sẽ làm được mà. Ngày xưa tôi từng bỏ ba nó cái rụp mà.
Nhìn về phía cầu thang, bà dịu giọng:
- Có lẽ tôi phải vào thăm con Cầm nhân tiện tìm hiểu việc làm ăn, điều động nhân sự của xí nghiệp một chút.
Bà Lệ sốt sắng:
- Được được. Thấy chị chắc nó mừng lắm.
Còn lại một mình trong phòng khách, bà Lệ rối rắm với bao lo lắng. Vừa rồi bà đã bắn một mũi tên nhưng bà dấu tay. Con chim se sẽ xấu xí ấy sẽ phải bay đi nơi khác vì mẹ của giám đốc Huy chớ không vì bà.
Nhưng lỡ như Huy đã biết Vi và Cầm có chung một ông bố thì sao? Nó sẽ chọn ai khi ba nó cho nó biết rằng chị em Vi cũng được chia phân nửa tài sản y như anh em Cầm?
Xoa hai tay vào nhau bà tính toán và quyết định phải bám vào Hằng, bà sẽ khích bác sao cho Hằng chê thậm tệ những đứa con gái đeo theo Huy và khen hết lời con gái cưng của bà. Rồi những việc khác bà sẽ tính sau, bà sẽ làm nhiều cách để mẹ con mụ Túy không sơ múi được chút gì tài sản như bao nhiêu năm nay bọn chúng đã cực khổ.
Còn bây giờ bà phải gặp Phan. Nó sẽ biết tay bà, cái thằng con khắc tuổi bà không ưa từ bé ấy, sẽ bị bà cho một trận te tua về tội bất hiếu, dám coi người dưng hơn mẹ ruột.
Thu Hạnh từ văn phòng bước thật nhanh xuống nhà bếp, khác với thái độ rất tỉnh hằng ngày chị khều Thu Hà và nói với giọng bất mãn:
- Con Cầm dựa hơi bà Hằng làm trò khó coi thật.
Đang gọt vỏ trái bí, Hà hỏi ngay:
- Nó làm cái gì?
- Nãy giờ nó đưa thím Hằng đi vòng vòng mấy phân xưởng thăm hỏi thợ, rồi trở về văn phòng họp các tổ trưởng, nhóm trưởng cho thím có nhận xét.
- Bả nhận xét thế nào?
- Dĩ nhiên là khen, nhưng khen hay chê đâu phải là mục đích của bả.
- Vậy chớ ý bả muốn cái gì?
Hạnh cười khẩy. Chị múc một thúng trấu đổ thêm vào bếp rồi lấy thanh sắt cời tro phía dưới ra.
- Thím Hằng đang thể hiện quyền làm mẹ y như trước đây, khi biết Huy si mê Diễm Chi. Chị bảo đảm lần này con bé Vân Vi khó yên thân. Con Cầm ghen độc thiệt. không biết nó lợi dụng lúc Huy đi Hà Nội mượn danh thím Hằng làm gì con Vi đây nữa.
Hà nhún vai:
- Cũng tại Vi đèo bồng mới có chuyện. Mà sao từ sáng giờ em không thấy nó.
Hạnh chặc lưỡi:
- Con nhỏ số xui, bình thường vào sớm quét dọn sạch sẽ mọi thứ trong ngoài, hôm nay chả biết sao lại đi trễ.
Hạnh vừa dứt lời thì Vi xuống tới mặt cô đầy căng thẳng:
- Có chuyện gì vậy chị Hạnh? Ai ngồi trong phòng giám đốc với chị Cầm vậy?
Không trả lời một dọc câu hỏi của Vi, Hạnh lại hỏi:
- Sao em còn ở đây? Người ta gọi em vào văn phòng kìa. Đừng để họ chờ phiền lắm đó.
- Em thấy họ đang nói chuyện với bác Tư bảo vệ mà.
Hà chép miệng:
- Lão bợm ấy cần tiền để nhậu, thế nào chẳng tưởng tượng thêm thắt đủ điều hầu lập công. Hãy chuẩn bị tinh thần đi nhỏ. Phen này hai chị đỡ em không nỗi đâu.
Vi ngơ ngác:
- Là sao chớ?
Hạnh kéo cô ngồi xuống cạnh bếp, giọng nghiêm nghị:
- Người ngồi với Cầm là mẹ của cậu Huy. Bà ấy gọi em vào không phải để hỏi thăm hay coi mắt đâu.
Mặt Vi đỏ bừng lên rồi trắng bệch. Cô ấp úng:
- Em có làm gì không phải đâu? Bác ấy gọi em vào để rầy chuyện gì vậy?
- Có thật em không biết không?
Trái tim Vi đập thình lình, khi nghĩ tới Huy. Khổ nỗi lúc này anh lại quá xa. Chính lúc Vi một mình thì sự sợ hãi vẫn ám ảnh cô từ lúc yêu anh ập đến.
Thấy Vi im lặng, chị Hạnh khe khẽ lắc đầu như thương hại. Ngần ngừ một chút chị dặn nhỏ:
- Nếu bà ta có hỏi gì chuyện tình cảm của hai người, em cứ chối phăng là không có. Nhất là chuyện xảy ra ở đêm Noel. Lão Tư bảo vệ đồn ầm rằng cậu Huy ôm hôn em ngay sân, suốt buổi tối ấy hai người đeo dính với nhau như sam.
Vi run rẩy nói dối:
- Làm gì có chuyện đó.
- Có hay không chị đâu cần biết. Quan trọng là chuyện đến tai bà ta rồi. Em nghĩ cách đối phó đi.
Thở dài sườn sượt, Hạnh bảo:
- Mà cậu Huy cũng dỡ không ý tứ gì cả. Nếu chị biết em có tình ý với cậu ấy, chị đã cản vì lòng dạ cậu Huy chị rõ mà. Đa tình nhưng cũng rất mau quên. Cậu ấy đã quên bao nhiêu cô gái rồi, chắc cậu ấy cũng không rõ. Rốt cuộc nỗi khổ chỉ dành cho ai nhẹ dạ mà thôi.
Thu Hạnh định nói tiếp, thì đã nghe tiếng Hạnh Ngộ vang lên đầy khoái trá:
- Vân Vi đâu. Vào phòng giám đốc uống nước trà kìa. Mau mau dùm đi.
Cô đứng dậy nhìn Thu Hạnh. Chị vỗ nhẹ lên vai Vi và nói nhỏ vào tai:
- Bình tĩnh đi! không sao đâu. Nhớ là đừng có nhận gì hết, và nhớ là đừng có bướng.
Vi lơ ngơ theo sau Hạnh Ngộ. Bước vào phòng, cô thấy khớp trước đôi mắt sắc và lạnh của người đàn bà ngồi sau bàn làm việc của Huy.
Vi rụt rè gật đầu chào rồi đứng im như tượng, cô bối rối cùng cực khi bị soi mói, ngắm nghía một cách lộ liễu.
Cầm ngọt ngào lên tiếng trước:
- Vi ngồi xuống đi. Để chị giới thiệu đây là bác Hằng mẹ của anh Huy...
- Và cũng là mẹ chồng của con, sao con không giới thiệu luôn hả con gái?
Bà Hằng bật cười thoải mái sau khi nói vuốt theo Cầm. Thấy Vi đứng như trời trồng bà phẩy phẩy tay:
- Ngồi xuống đi... chị Vi.
Nuốt nghẹn xuống, Vi ngồi lên ghế như máy, khúc dạo đầu êm dịu của hai người phụ nữ này làm cô mất phương hướng phán đoán. Trong thân xác và cả tâm hồn cô chỉ chứa toàn nỗi đau choáng người.
- Chị Vi làm ở xí nghiệp của chúng tôi được 5 tháng rồi phải không?
- Dạ... thưa bác, cháu còn nhỏ tuổi xin bác xem như con cháu đừng gọi... chị tội nghiệp.
Bà Hằng nhìn vẻ bối rối của Vi rồi thầm so sánh. Con bé quả là xinh! Nó có cái đẹp hồn nhiên trong sáng chứ không sắc sảo già dặn như Cầm. Thằng Huy mê là phải, con trai bà thích làm kẻ chinh phục, và nó luôn chinh phục những con nai vàng ngơ ngác như vầy. Xưa kia Chi cũng mang vẻ nai vàng ra mê hoặc Huy, con bé này biết đâu là bản sao của Chi. Nhớ đến chuyện cũ, bà thấy lửa giận phừng phừng. Giọng bà chợt đanh lại:
- Phải có phần có phước mới nhận con, nhận cháu. Tôi và chị chỉ có quan hệ chủ tớ. Con trai tôi bận đi vắng một tuần. Suối thời gian đó tôi phụ trách toàn bộ xí nghiệp này. Tôi mời chị lên đây là bàn về công việc chớ không phải để nhận bà con.
Thoáng thấy cái bĩu môi thích thú của Cầm. Vi tự ái vô cùng. không dằn được sự nhẫn nhục cần phải có, cô lạnh lùng:
- Thưa bà, tôi đã hiểu.
Ngạc nhiên với câu đám của Vi, bà Hằng buột miệng:
- Tốt!
Rồi tới phiên bà bối rối khi bắt gặp cái nhìn của Vi. Điều gì khiến con bé tự tin đến thế? Hứ! Phải chăng nó chắc chắn rằng đã nắm trái tim thằng Huy torng tay nên dẫu bà có cố tình nhận Cầm làm dâu và cố tình tạo vị trí cao thấy giữa hai người, nó vẩn thản nhiên:
Nhưng đó chỉ là sự ngụy trang thôi. Xem đôi tay vòng trước ngực đang chặc vào nhau như một tấm lá chắn của nó kìa. Con bé đang chống chọi, đang tự bảo vệ mình mà thôi.
Xốc xốc lại đống hồ sơ trên bàn, bà Hằng nói:
- Hôm nay tôi đã xem lại sự phân công nhân sự trong xí nghiệp và nhận thấy một bộ phận thiếu người nhưng cũng có bộ phận thừa người. Ví dụ thiếu tạp vụ...
Ngừng một chút để Vi phải hồi hộp chờ đợi, bà mới nói tiếp:
- Một mình chị vừa ngồi văn phòng vừa làm tạp vụ thì quả là nặng nề. Do đó tôi đã tìm được người làm khác, lớn tuổi, khỏe mạnh và có lẽ chịu khó đến sớm hơn chị. Chị Năm có thể ra vào nhà vệ sinh nam hay vào tận phòng giam đốc dọn dẹp mà không ngại ngùng gì cả. Bắt đầu ngày mai chị khỏi làm việc này nữa.
Vi cắn môi:
- Cám ơn bà! Tôi sẽ làm tốt hơn nữa phần việc còn lại.
Bà Hằng cười cười:
- Chị đã biết ý tôi ra sao đâu mà vội hứa hẹn. Tôi già rồi, khó chấp nhận những lời hứa suông như bọn trẻ lắm. Đã vậy tôi rất dè sẻn trong chi xuất, với tôi một đồng bỏ ra phải thu về bốn,,năm đồng mới được, tôi không lãng phí khi sử dụng nhân công đâu.
Vi đoán không ra ý của câu nói vừa rồi, cô hoang mang nhìn người đàn bà có gương mặt khắc khổ, không nét nào giống Huy và lo lắng khi nghĩ: Bà ta chưa tung đòn chiến lượt ra đâu.
Những lời Hoa kể về bà bác gái bị chồng bỏ của nó, rồi những lời chị Hạnh nghiêm trang dặn lúc nãy làm Vi hốt hoảng... lẽ ra cô không nên tỏ thái độ ngang ngược với bà, vì đó là mẹ của Huy. Bà ta nói xa nói gần nãy giờ để làm gì, nếu không phải để nắm sơ hở của cô và tống cô khỏi đây.
Điều Vi nghĩ quả là không sai. Bà Hằng bắt đầu đi vào mục đích chánh bằng giọng đều đều không tình cảm:
- Hai ngày nay tôi đã tìm hiểu và thấy không cần phải có một thư ký riêng cho giám đốc. Nên rất tiếc, chúng tôi không dùng cô nữa.
Mặt Vi đờ ra, một thoáng hàm cô cứng ngắt. Vi không thốt lên được dù một tiếng ngạc nhiên vì bất ngờ. Cô như đang bị rơi xuống chín tầng địa ngục tối tăm. Vi gượng chống tay lên trán và nghe tiếp lời ngọt ngào của bà Hằng.
- Tôi biết cho chị nghĩ như vầy hơi bất ngờ. Nhưng còn vài hôm nữa là hết tháng, thuận tiện cho xí nghiệp trong việc tính lương... Chúng tôi sẽ cho chị lãnh thêm hai tháng lương công với tháng vừa rồi vị chi là ba tháng. Chiều nay chị sẽ bàn giao những gì chị giữ cho Hạnh Ngộ, và ngày mai chị khỏi phải đến đây nữa, để dành thời gian tìm công việc khác. Chị trẻ, khỏe, lại đẹp nữa thiếu gì nơi cần tuyển người như vầy.
- Nhưng mà cháu có lầm lỗi gì đâu -- Vi ấp úng: Dường như chỉ đợi cô nói câu ngờ nghệch ấy bà Hằng cao giọng:
- Nếu tính theo diện "lầm lỗi" chúng tôi sẽ đuổi và không cho chị hưởng một xu lương nào hết. Tôi đã nói rõ, chị chưa nghe rõ hay sao? Chúng tôi không cần người như chị chớ không hề đuổi. Rất tiếc phải nói là rất tiếc.
Giọng Vi hơi nghẹn lại, cô năn nỉ:
- Bác à! Cháu xin bác cho cháu tiếp tục làm ở đây. Cháu sẽ làm tạp vụ...
- Công việc đó không xứng với chị đâu.
- Trước đây cháu vẫn làm tốt việc này mà!
Bà Hằng mai mỉa:
- Vậy sao chị không làm nữa mà lại làm thơ ký riêng cho giám đốc? Bước nhảy vọt ấy ắt hẳn được trả giá rất đắt?
Vi rưng rưng muốn khóc. Cô biết có nhiều lời năn nỉ cũng vô ích mà thôi, người ta đã tính toán từng câu từng chữ khi đến đây kia mà.
Tất cả tại cô đã nghe lời trái tim để yêu một người không dành cho mình. Bây giờ hậu quả đến rồi đó. Mất việc làm. Bỗng dưng phải đối diện với vấn đề cơm áo gạo tiền, Vi chới với. Tìm được một chân tạp vụ đã khó, bây giờ bị sa thải ngang xương thế này làm sao mà sống. Chắc chắn Huy không biết việc mẹ anh làm. Ví dụ như bây giờ Vi đồng ý nghĩ việc, đến hồi Huy về anh có dám cãi lời mẹ gọi cô trở lại không? Ví dụ anh năn nỉ cô trở lại, cô có dẹp mọi tự ái, để quay về làm thư ký hoặc tạp vụ không?
Chắc là không, vì khi Vi rời khỏi đây, xí nghiệp sẽ đồn ầm lên rằng: Cô bị bà Hằng, mẹ giám đốc Huy đuổi vì tội... Vi mím môi không dám nghĩ tiếp, và chớp mi cho nước mắt đừng trào ra, vì với người đàn bà này, khóc chỉ làm bà ta ghét. Dù lúc này cô thèm khóc cho hả lòng vô cùng.
Thấy Vi im lặng, bà Hằng nói tiếp:
- Chị khỏi suy nghĩ tính toán làm chi vô ích lắm, vì khi làm việc gì tôi đều cân nhắc rất kỹ, chị nghĩ lúc này là hay nhất. Nói thật, có thể chị không tin, nhưng việc này tôi có bàn với giám đốc rồi, và Huy đã đồng ý.
- Cháu không tin đâu.
- Làm sao chị tin được, ví dụ như tôi nói, bây giờ đến Tết tôi sẽ làm lễ hỏi Cầm cho Huy. Nhưng đấy là sự thật. Con trai tôi vốn đa cảm, nó tự dứt tình không nổi nên phải nhờ đến tôi, nếu không làm sao tôi dám lạm quyền chớ! Cầm à! Con ra bảo Hạnh Ngộ tính toán lương cho chị Vi đi con. Rồi mẹ con mình còn phải ra chợ sắm sửa nữa.
Cầm tỏ vẻ thương người:
- Bác à! Hoàn cảnh Vi rất khó khăn, con xin bác cho cô ấy thêm tiền quà Tết, vì dù sao cũng hơn tháng nữa là Tết rồi.
Bà Hằng gật gù:
- Con tốt bụng lắm! Mẹ nào có hẹp hồi gì khi làm phúc cho người khác.
- Vậy con sẽ nói Ngộ cộng thêm tiền Tết vào.
Đợi Cầm khuất sau cửa, Vi mới nghẹn ngào:
- Bác ơi! Xin bác tội nghiệp cháu.
- Chính vì tội nghiệp cháu, tôi mới làm thế. Thằng Huy không thật lòng với cháu đâu, tôi biết con trai tôi rõ hơn ai hết. Tôi nghĩ chắc cháu cũng nghe Hoa kể về Huy rồi nên không dấu làm chi, kể từ khi bị Chi gạt tình lẫn gạt tiền đến nay, Huy xem đàn bà như trò đùa. Đùa ở đâu mặc xác nó, tôi kỵ nhất việc đùa cợt, lăng nhăng với nhân viên. Nó không cần một tình yêu nhưng cần một người vợ, chỉ có Cầm, mới có thể chịu đựng được thói trăng hoa của nó, gia đình Cầm gia giáo, giàu có, xứng với gia đình tôi. Xin cháu thông cảm cho tôi Vi à! Cháu còn trẻ, còn có tương lai. Tôi sẽ giới thiệu cho cháu vài nơi làm mới, cháu đừng sợ thất nghiệp.
Bà Hằng chuyển "tông" đột ngột làm Vi hẫng. Bà khôn khéo quá làm sao cô đối chọi nổi. Vi lơ ngơ như con chim con mới tập bay đã bị bão. Cô ngồi trên ghế mặc cho bà Hằng nhè nhẹ vỗ lên vai mình và khuyên rất ư thật tình:
- Quên nó đi! một cô gái dễ thương và ngây thơ như cháu không nên vướng vào con trai bác.
Tình Như Sương Khói Tình Như Sương Khói - Trần Thị Bảo Châu Tình Như Sương Khói