Tiếng Sóng epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 10
m trai Shinji đã trở về tới đảo. Các bà mẹ ra chờ đón con ở ngay tận đầu bến. Mưa bụi lất phất và biển rộng mờ sương. Chiếc tàu liên lạc chỉ còn cách đầu bến chừng một trăm thước, đã bắt đầu hiện hình mờ mịt qua lớp sương mù. Các bà mẹ nhất loạt réo gọi tên con mình. Bây giờ thì các bà đã trông thấy rõ những cái mũ và những chiếc khăn tay đang phất phất trên boong.
Tàu đã cập bến, tuy nhiên khi đã lên bờ, giáp mặt mẹ rồi, những cậu học sinh trung học vẫn chỉ mỉm cười rồi lại tiếp tục đùa giỡn với nhau. Không cậu nào muốn bộc lộ niềm âu yếm đối với mẹ mình trước mặt các bạn.
Ngay khi đã về đến nhà rồi, Hiroshi vẫn còn náo nức. Kể lại cuộc du ngoạn, nó chỉ nói toàn những chuyện không đâu đại khái như buổi sáng nó buồn ngủ quá vì ban đêm một thằng bạn sợ hãi không dám dậy đi tiểu một mình nên đánh thức nó dậy giữa đêm để cùng đi xuống nhà xí; còn những cảnh lịch sử mà bọn nó đã đến thăm thì nó lại chẳng nói đến một câu nào.
Tất nhiên, chuyến du ngoạn đã để lại những ấn tượng sâu xa mạnh mẽ trong lòng Hiroshi song nó không biết làm thế nào mà nói ra được. Nó cố gắng nhớ lại một câu chuyện gì để thuật lại cho cả nhà nghe nhưng nó chỉ nhớ lại những chuyện lăng nhăng như chuyện cách đây khoảng một năm, nó đã tinh nghịch đem sáp mà miết xuống sàn hành lang nhà trường khiến một bà giáo sư trượt chân ngã lăn kềnh ra. Còn đâu nữa những toa xe điện sáng rực ánh đèn, những chiếc xe hơi bóng lộn vụt hiện vụt biến ngay trước mắt; những nhà nhiều tầng cao ngất, những bảng hiệu bằng đèn nê-ông chói chang rực sáng, tất cả những cái đã từng làm nó sững sờ kinh ngạc, thích thú bây giờ đã đi đâu mất hết cả rồi.
Trong căn nhà này, tất cả mọi thứ vẫn y hệt như ngày nó đi, vẫn cái trạn đựng bát đĩa cũ kỹ, vẫn cái đồng hồ treo trên tường, cái bàn thơ Phật, cái bàn ăn, cái tủ gương - và cũng vẫn bà mẹ già nua ấy. Lại còn cái bếp lò và những tấm chiếu bẩn thỉu. Tất cả những thứ này vẫn có thể hiểu nó mà nó chẳng cần nói năng gì. Ấy thế mà tất cả, kể cả mẹ nó nữa lại cứ nằng nặc đòi nó kể lại cuộc du ngoạn cho họ nghe.
Lúc Shinji về đến nhà sau một ngày ra biển đánh cá thì Hiroshi đã dần dần bình thản trở lại. Sau bữa ăn tối, nó mới mở cuốn sổ tay ra mà kể hết đầu cua tai nheo cho mẹ và anh nghe những chuyện trong chuyến du ngoạn vừa qua. Nghe kể xong rồi, hai người thấy đầy đủ, không còn hỏi thêm gì nữa. Tất cả lại quay về múc độ bình thường. Nó cũng quay về cuộc sống bình thường trong đó chẳng cần nói năng gì mà ai ai cũng hiểu hết mọi việc. Cái trạn đựng bát đĩa, chiếc đồng hồ treo trên tường, bà mẹ, người anh, cái bếp lò cũ kỹ ám khói, tiếng sóng biển thét gầm... Đắm mình trong khung cảnh quen thuộc này, Hiroshi ngủ thẳng một giấc thực ngon lành.
Những ngày nghỉ đầu xuân sắp hết nên hàng ngày từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ, Hiroshi mặc sức nô đùa. Trên đảo có thực nhiều chỗ để vui chơi. Từ trước đến khi đi du ngoạn, Hiroshi cùng lũ bạn chỉ được nghe kể chuyện những phim ảnh về miền Viễn Tây nhưng bây giờ thì chính chúng đã được xem những phim thuộc loại đó ở Tokyo và Osaka rồi nên trò chơi những anh chăn bò với mọi da đỏ đã trở thành trò chơi mới lạ và thích ý nhất của bọn chúng. Làn khói bốc lên từ một ngọn lửa rừng quanh vùng Motoura trên bán đảo Shima phía bên kia bờ biển đã làm chúng tưởng chừng như là làn khói “lang yên” bốc lên từ một câu trại của người mọi da đỏ.
Những con chim đề chỉ đến nghỉ chân trên đảo Ulta một thời gian rồi lại bay đi; mỗi năm cứ đến dạo này người ta lại không thấy bóng dáng chúng ở đâu nữa. Bây giờ trên khắp đảo chỉ con nghe thấy tiếng hót của chim oanh. Cái ngọn đèo dốc tuột dẫn xuống trường trang học vẫn được người ta gọi là “Đèo đỏ mũi” vì về mùa đông khi gió thổi mạnh ai đi qua đó mũ cũng đỏ sẫm nhưng bây giờ dù trời mát đến đâu những làn gió nhẹ cũng chẳng làm cho mũi người ta ửng hồng.
Mỏm Benten ở cực nam hòn đảo đã trở nên một vũ đài cho lũ nhóc con chơi trò Mọi Da Đỏ Chăn Bò. Phía tây mỏm này, có toàn những đá hôi thạch, dẫn thẳng tới một cái hang; đây là một trong những nơi thần bí nhất trên đảo Ulta. Cửa hang nhỏ hẹp chỉ chừng một thước rưỡi và cao chừng bảy tám mươi phân, nhưng vào tới bên trong lối đi ngoằn ngoèo lại tỏa rộng ra thành một cái hang động ba tầng. Đến chỗ này lối đi tối om nhưng có một thứ ánh sáng lạ kỳ, mờ mịt le lói bên trong hang động. Ấy là vì hang này chạy suốt qua mỏm đá tới một cửa huyệt phía đông nơi nước biển tràn vào, khi dâng cao khi xuống thấp trong một hầm đá sâu dựng đứng.
Tay cầm nến, lũ nhóc con nghịch ngạm kéo nhau lần vào hang, miệng gọi nhau ơi ới:
“Coi chừng! Nguy hiểm!”
Chúng bò rạp người trong huyệt động tối om nhìn mặt nhau thập tho nhấp nhô trong bóng tối, trông đầy vẻ dữ dằn dưới ánh nến lung linh và chúng ước gì có được mấy bộ rậu thì thực hay tuyệt.
Bọn nhóc gồm có ba thằng Hiroshi, Sochan và Katchan. Chúng đang đi tìm kho báu của người da đỏ chôn sâu trong đáy huyệt động. Sochan dẫn đầu, lúc bò ra khỏi đường hầm trước khi tiến vào động, nơi chúng có thể đứng thắng người, đầu thằng này đã vướng đầy mạng nhện trông thật vui mắt.
“Ê! Nhìn kìa!” Hiroshi và Katchan cùng nói. “Tóc mày có bao nhiêu đồ trang sức đẹp thực là đẹp. Thôi, cho mày làm tù trưởng đi”.
Chúng cắm cả ba cây nến dưới tấm bia chữ Phạn không biết ai đó đã khắc lên từ lâu trên vách đá phủ kín rong rêu. Từ bờ phía đông cái huyệt động dựng đứng, tiếng sóng gầm thét thực dữ dội khi đập vào vách đá. Tiếng gầm thét của những đợt sóng triều cao ngút này thực khác hắn tiếng sóng vỗ quen thuộc ở bên ngoài. Tiếng gầm thét sôi sục đập mạnh vào bốn bề vách động đá vôi, vang âm chồng chất lên nhau làm cho toàn thể hang động ầm ầm ngửa nghiêng như sắp sụp đổ. Run rẩy, sợ hãi, chúng chợt nhớ đến một truyền thuyết đại để là giữa những ngày mười sáu và mười tám tháng sáu âm lịch, sẽ có bảy con cá giao trắng toát không biết từ đâu xuất hiện trong hầm sâu này rồi đi ra biển.
Trong cái trò du hí này, lũ nhóc con tha hồ mà thay đổi các vai trò, đổi từ thù địch sang bạn bè hết sức tự nhiên. Sochan đã được phong làm Tù trưởng vì đám mạng nhện vướng trên mái tóc, còn hai thằng kia thì đóng vai đội viên đạo cảnh bị biên phong, những kẻ thù không đội trời chung của tất cả những người da đỏ; nhưng đến lúc này, vì muốn hỏi Tù trưởng xem vì sao sóng triều lại thét gầm khủng khiếp như vậy, chúng bèn đổi sang vai trò hai kẻ tùy tòng của viên Tù trưởng.
Sochan hiểu ý cũng tức khắc đổi ngay vai trò, thế là nó chễm chệ, uy nghi ngồi lên một hòn đá dưới mấy ngọn nến.
“Thưa Tù trưởng, cái âm thanh khủng khiếp mà chúng ta đang nghe thấy đây là tiếng gì vậy?”.
Sochan trịnh trọng đáp:
“Các ngươi nên biết, đó là tiếng giận dữ của thần linh”.
“Vậy phải làm thế nào cho thần linh nguôi giận?” Hiroshi hỏi.
“Ừ, à, xem nào... Phải rồi, chỉ cần dâng đồ lễ rồi cầu nguyện mà thôi”.
Thế là chúng lấy ra cơm nắm và bánh đậu xanh mà chúng đã xin xỏ hoặc ăn trộm của mẹ, đem bày la liệt trên một tờ giấy báo rồi trịnh trọng đặt lên mặt đá ngay trước hầm nước.
Tù trưởng Sochan đi giữa hai tên tùy tòng uy nghi tiến tới trước tế đàn. Sau khi phủ phục trên nền đá vôi, nó giơ cao hai tay, đọc ngay tại chỗ một bài thần chú thực là kỳ lạ rồi lẩm bẩm khấn vái, nửa người phía trên nhỏm lên, cúi xuống liên hồi. Đằng sau vị Tù trưởng, Hiroshi va Katchan cũng quỳ gối làm lễ và thì thầm khấn vái như vậy. Hơi lạnh từ mặt đá thấm qua quần vào tận đầu gối nhưng trong suốt thời gian ấy Hiroshi và hai thằng bạn đều cảm thấy mình đúng là những nhân vật trong phim chiếu bóng.
May thay, cơn giận dữ của thần linh hình như đã nguôi, và tiếng sóng gầm cũng êm dịu hơn một chút. Do đó, ba thằng mới ngồi quay lại, hạ đồ cúng trên tế đàn xuống mà đớp. Miếng ăn ngon hơn thường lệ đến cả chục lần.
Đúng vào lúc ấy trong huyệt động chợt vang ầm một tiếng gầm khủng khiếp rồi nước bắn tứ tung. Trong bóng tối mịt mờ, làn nước bất thần vọt cao trông như một bóng ma trắng toát; nước tung tóe làm động đá rung chuyển ầm ầm, lắc lư nghiêng ngửa y như thể biển cả đang trông tìm cơ hội nuốt chửng cả ba tên da đỏ đang ngồi quây tròn trong động đá rồi cuốn chúng xuống dưới đáy biển sâu. Quả thực, cả ba thằng Hiroshi, Sochan và Katchan đều sợ điếng cả người và khi một luồng gió không biết từ đâu lùa tới làm những ngọn nến dưới tấm bia chữ Phạn lay động rập rờn thổi tắt một ngọn thì chúng lại càng sợ hết hồn. Tuy nhiên, cả ba ông lỏi đều đua nhau tỏ ra là mình cứng bóng vía; chẳng mấy chốc, với bản năng hồn nhiên của lũ trẻ, chúng lại chơi đùa để che giấu sợ hãi.
Hiroshi và Katchan lại đóng vai hai tên tùy tùng nhút nhát, run rẩy vì khiếp đảm.
“Ôi! Thưa tù trưởng, chúng tôi sợ quá chừng! Chúng tôi sợ quá chừng! Thần linh đang giận dữ kinh khủng. Vì cơn cớ gì mà thần linh giận dữ đến thế, xin Tù trưởng chỉ bảo cho chúng tôi hay”.
Sochan ngồi trên ngọc tọa, lắc lư nghiêng ngả một cách oai vệ trông y hệt một viên Tù trưởng thực sự. Rồi bị bó buộc phải tìm một câu trả lời, nó chợt nhớ lại những lời thì thào đồn đại trên khắp hòn đảo hai ba hôm trước đây và không một chút ác ý, nó quyết định đưa những lời này để mà trả lời. Nó húng hắng lấy giọng rồi nói:
“Đó là vì có thể làm điều bất nghĩa. Đó là vì có kẻ làm điều bất chính”.
“Mày muốn nói bất nghĩa là thế nào?” Hiroshi hỏi.
“Mày không biết sao, hở Hiroshi? Tao muốn nói đến điều anh mày là Shinji đã làm với Hatsue - con gái ông Miyata - Tao muốn nói đến ‘Omeko’, đến việc ‘giao cấu’. Đó là điều làm thần linh giận dữ đấy”.
Nghe thấy có thằng động đến anh mình và cảm thấy có một điều gì không được vẻ vang cho anh mình Hiroshi giận điên lên, hầm hầm nhảy chồm lên tên Tù trưởng.
“Mày nói anh tao làm cái gì với chị Hatsue hả? Mày nói ‘Omeko’, mày nói ‘giao cấu’ là ý nghĩa gì hả?”.
“Thế ra mày không biết thực ư? ‘Giao cấu’, nghĩa là con trai và con gái ăn nằm vói nhau!”
Thực ra chính thằng Sochan cũng chẳng hiểu gì mấy về ý nghĩa tiếng này. Nhưng nó biết dùng những hình ảnh mười phần táo bạo để giải thích một cách rành rẽ, nhục nhã, nhơ nhuốc khiến Hiroshi nóng mặt nhào tới đánh loạn cả lên.
Chưa chi Sochan đã bị nó nắm lấy tai và tát bốp ngay vào má nhưng cuộc đánh lộn chấm dứt ngay trong khi cả hai thằng vẫn còn hậm hực: lúc Sochan bị đánh bật vào vách đá, hai cây nến còn lại đã đổ ngay xuống đất và tắt ngúm cả hai.
Trong huyệt động chỉ còn một ánh sáng mịt mờ vừa đủ cho chúng nó nhìn thấy mặt nhau. Hiroshi và Sochan vẫn còn mặt đối mặt, thở chẳng ra hơi, tuy nhiên cả hai thằng cùng ý thức được mối nguy hiểm khi hạ thủ choảng nhau ở một chỗ như thế này.
Katchan làm trọng tài, can thiệp:
“Thôi đừng làm ầm ĩ lên nữa, chúng mày không thấy là nguy hiểm lắm sao?”
Thế rồi mấy ông lỏi đánh diêm thắp nến và khom mình bò ra khỏi cửa hang, không đứa nào nói năng gì nữa.
Đến khi trèo lên vách đá tràn ngập ánh sáng rồi tới sườn núi thì chúng lại vui vẻ với nhau như cũ, y như đã quên hắn cuộc đánh lộn hồi nãy. Vừa men theo con đường mòn dọc lưng gò núi chúng vừa chạy vừa hát:
“Dọc theo bãi bể Kori
Tới bến Nitva ở Bmten Hachijo...”
Bãi Kori này chạy dọc theo phía tây gò núi là bãi biển đẹp nhất trên đảo. Giữa bãi biển có một tảng đá khổng lồ gọi là đảo Hachijo, nhô cao bằng cả một căn nhà hai tầng và trong lúc này đang có bốn năm đứa trẻ chơi đùa, vẫy tay la hét giữa đám cây gà tùng, cành lá xum xuê trước mình ở trên đỉnh.
Ba thằng nhóc vẫy đáp lại rồi tiếp tục đi theo con đường nhỏ. Đó đây trên đám cỏ lau giữa mấy hàng thông, thấy có những luống dã uyển đậu đang nở hoa đỏ rực.
“Kìa! kìa! Những chiếc thuyền đang giăng lưới kìa”, Katchan vừa nói vừa chỉ tay ra biển phía ngoài mặt đông gò núi.
Tại bờ biển này bãi Niwa chạy vòng ôm lấy một cửa bể đẹp đẽ xinh xinh, ở nơi đó đang có ba chiếc thuyền giăng lưới, bất động chờ nước triều dâng cao. Đó là những chiếc thuyền kéo lưới trong khi những chiếc tàu lớn hơn thì giăng lưới ngoài xa.
Hiroshi cũng kêu lên “Kìa” rồi quay ra nheo mắt nhìn mặt biển chói chang ánh nắng, tuy vậy những lời nói của Sochan trước đó vẫn còn đè nặng lên tâm trí nó và dường như mỗi lúc một đè nặng hơn lên.
Đến giờ ăn tối, Hiroshi mới bò về tới nhà bụng rỗng đói meo. Shinji, anh nó vẫn chưa về, chỉ có mẹ nó đang nhóm củi vào bếp lò. Từ bếp lò vọng ra tiếng củi nổ lách tách và tiếng lửa reo vi vu như gió thổi; thật chỉ vào những lúc như lúc này mùi hôi hám của nhà xí mới bị đánh bạt đi khỏi nhà.
Hiroshi vừa nói vừa nằm xoạc cẳng ra trên chiếu:
“Mẹ này!”
“Gì thế, con?”
“Omeko (giao cấu) nghĩa là gì hả mẹ? Có đứa nói anh Shinji đã làm việc ấy với chị Hatsue. Nói thế là ý gì?”
Chưa trả lời vội, mẹ nó rời khỏi bếp lò đến ngồi ngay chỗ Hiroshi đang nằm. Mắt bà rực lửa một cách lạ lùng qua mấy lọn tóc lòa xòa trước mặt khiến bà trông càng có vẻ đáng sợ hơn.
“Hiroshi này, con nghe thấy tiếng đó ở đâu vậy? Ai bảo thế”.
“Sochan đó”.
“Từ rày trở đi, chớ bao giờ nhắc lại tiếng đó nữa con nhé. Con đừng có nói tiếng đó với anh con nhé. Hễ mà con nói nữa thì mẹ sẽ bắt con nhịn đói nhiều ngày cho mà xem. Con có nghe rõ những lời mẹ nói không, con?”
Người mẹ vẫn có một lối nhìn rất rộng rãi đối với những chuyện yêu đương của bọn trẻ tuổi. Ngay trong mùa lặn, lúc mọi người xúm xít quanh ngọn lửa vừa sưởi ấm vừa trò chuyện dông dài, bà vẫn không hé răng góp vào một câu. Nhưng bây giờ những lời rì rầm đồn đại ác ý của thế gian lại liên can đến chính con trai bà thì bà thấy mình có bổn phận phải làm tròn nghĩa vụ của một người mẹ.
Đêm ấy sau khi Hiroshi đã ngủ ngon, bà mẹ mới ghé sát vào tai Shinji và nói với giọng nhỏ nhẹ nhưng đanh thép:
“Con có biết người ta đang phao đồn những chuyện xấu xa giũa con và Hatsue hay không?”
Shinji đỏ bừng mày mặt, lắc đầu. Mẹ anh cũng thấy bối rối nhưng bà hỏi dồn ngay tức khắc:
“Con có ngủ với nó hay không?”
Shinji lại lắc đầu.
“Như vậy ra con chưa làm cái điều xấu xa mà bọn ác khẩu đang phao đồn? Con nói thực với mẹ đấy chứ?”
“Vâng, con nói thực”.
“Thế thì được. Vậy thì mẹ chẳng cần phải nói năng gì hết. Nhưng con phải cẩn thận nhé. Thế gian hay thối mồm xía vào chuyện của người khác ghê gớm lắm đấy!”
Tuy nhiên câu chuyện vẫn không xoay theo một chiều hướng tốt đẹp. Tối hôm sau, mẹ Shinji đi dự buổi họp của hội Canh Thân - hội duy nhất của đàn bà con gái trên đảo - lúc bà vừa tới nơi thì bao nhiêu người rì rào bỗng nhiên nín bặt. Thì ra họ đang bàn ra tán vào ngồi lê đôi mách.
Tối hôm sau, Shinji tới họp ở trụ sở Thanh niên hội sở. Mở cửa bước vào, anh chàng thấy một nhóm người đang xúm quanh một cái bàn giấy, bàn cãi sôi nổi dưới ánh một ngọn đèn không có chụp. Thoáng thấy mặt anh, họ liền ngậm miệng, lặng im. Ngoài tiếng sóng biển rì rào căn phòng lạnh lẽo chợt im lặng như tờ chứ không có một ai.
Như thường lệ, Shinji ngồi dựa lưng vào tường, hai tay khoanh lại ôm lấy đầu gối và lặng lẽ không nói một lời. Sau đó mọi người lại tiếp tục chuyện trò ầm ĩ như thường nhưng rõ ràng là họ đã xoay sang một câu chuyện khác. Và thực lạ lùng. Chi bộ trưởng Yasuo hôm nay lại đến sớm và vui vẻ chào hỏi Shinji. Anh chàng nhoẻn nụ cười cởi mở mà đáp lại.
Vài hôm sau, trong lúc đang ăn cơm trưa trên chiếc Tathei-maru và dừng tay nghỉ ngoi, dường như tức không chịu nổi, Ryuji đã nói tướng lên:
“Anh Shinji này, cái thằng Yasuo cứ nói xấu anh mãi nghe mà tức đến sôi máu”.
“Thế hả?” Shinji mỉm cười, vẫn giữ vẻ im lặng tự nhiên.
Con thuyền lắc lư nhè nhẹ trên mặt biển mùa xuân gạn sóng lăn tăn. Bỗng dưng ông Jukichi thường ngay vốn lầm lì ít nói, bấy giờ mới hé miệng bàn góp:
“Ta biết, ta biết mà. Cái thằng Yasuo ấy nó ghen đấy. Cái thằng nhãi con ấy chỉ là một thằng ngu, dựa hơi bố mà cứ vênh vang lên mặt. Thấy mà muốn lợm giọng buồn nôn. Ai chẳng biết chú Shinji bây giờ đã ra dáng nam nhi được nhiều cô để ý, vì thế thằng Yasuo mới ấm ức ghen lồng ghen lộn cả lên. Shinji này, đừng có thèm để ý đến những điều nó nói. Có chuyện gì, ta đây sẽ giúp chú một tay”.
Thế là những lời đồn đại do Yasuo loan ra cứ theo gió mà lan tràn khắp thôn, tuy nhiên vẫn chưa bay đến tai ông bố Hatsue. Rồi một đêm xảy ra cái biến cố mà cả thôn làng còn bàn tán trong suốt năm trời. Biến cố đó xảy ra tại nhà tắm công cộng.
Trong thôn, ngay cả những nhà giàu có nhất cũng không có phòng tắm riêng trong nhà nên tối hôm đó ông Miyata Terukichi cũng đi đến nhà tắm công cộng. Ngạo mạn lách đầu chui qua tấm mành treo nơi cửa ra vào, ông ta cởi hết áo quần y như người ta làm lông gà rồi ném vào một cái sọt mây. Chiếc áo lót và cái thắt lưng không lọt vào trong sọt mà rơi tứ tán trên nền nhà. Chặc lưỡi ầm ĩ, ông ta lấy ngón chân quặp mấy thứ đó lên mà hất vào sọt. Nhìn thấy vậy, ai ai cũng ngán ngẩm, tuy nhiên đó là cơ hội hiếm có để ông Terukichi chứng tỏ trước công chúng là mặc dù đã già rồi ông ta vẫn không hề suy giảm khí lực bao nhiêu.
Ngắm ông già này khỏa thân thực là một điều thích mắt. Tứ chi ông ta màu đồng đỏ trông thực gân guốc, và phía trên đôi mắt sắc sảo cùng vầng trán bướng bỉnh, mái tóc trắng phất phơ y hệt cái bờm sư tử. Lồng ngực đỏ sẫm vì ngấm rượu lâu ngày tạo thành một sự đối chiếu khôi vĩ với mái tóc bạc phơ. Những bắp thịt nở nang lâu ngày không được dùng đến đã se cứng lại càng làm tăng thêm cái ấn tượng của một con cua dựng đứng trước sức dội của sóng triều.
Có lẽ phải nói rằng ông Tarukichi là hiện thân của lao động ý chí, tham vọng cùng sức mạnh của hòn đảo Uta. Chứa đầy mình cái tinh lực có vẻ thô lậu của một người đã tự tay gây nên cơ nghiệp chỉ trong một đời, ông đã tỏ ra là người khó tính đến cái độ không bao giờ chịu nhận một chức vụ gì hết, điều đó khiến cho các viên chức trong thôn lại càng kính nể ông hơn. Cái tài tiên đoán thơi tiết thực chính xác, những kinh nghiệm về ngư nghiệp và hàng hải không ai sánh kịp, sự tự phụ vì đã hiểu biết tường tận về lịch sử và các truyền thông trong thôn - tất cả những cái đó lắm khi không đủ bù lại cái tính ngang bướng cố chấp, cái thói huênh hoang tức cười và cái tính ngang tàng hung hăn chẳng hề suy giảm lấy mảy may theo năm tháng. Tuy vậy, dù sao, ông vẫn là một ông già ngay trong lúc còn sống, vẫn có thể xử sự như là một pho tượng đồng dựng lên để ghi công chính mình mà vẫn không hề có vẻ lố bịch.
Ông lách qua cánh cửa kính dẫn vào phòng tắm.
Phòng tắm lúc đó có khá đông người, những bóng người lờ mờ đi đi lại lại ẩn hiện qua làn hơi nước bốc lên như mây như khói. Tiếng nước dội rào rào, tiếng thùng gỗ lách cách và tiếng cười cười nói nói vang dội lên tận trần nhà. Căn phòng đầy hơi nước nóng làm cho người ta có cảm giác thoải mái sau một ngày làm việc vất vả nhọc nhằn.
Trước khi ngâm người trong bể tắm, chẳng bao giờ ông Terukichi chịu kỳ cọ thân mình cả. Lần này cũng như những lần trước, ông chững chạc đường đường sải bước đi thẳng từ cửa vào tới bể tắm rồi cứ thế chọc chân xuống dù nước có nóng đến đâu cũng mặc. Ông Terukichi chẳng quan tâm gì đến những chuyện như tác dụng của nước nóng tới tim óc, tạng phủ hay mạch máu của mình cho bằng nước hoa hay cà vạt chẳng hạn.
Mặc dù bị nước bắn tung tóe lên mặt, những người đến trước khi nhìn thấy ông Terukichi cũng không dám tỏ vẻ bực mình, ai nấy đều cúi đầu chào ông một cách nhã nhặn. Ông Terukichi ngâm mình trong nước ngập đến tận cái cằm ngạo mạn của ông.
Gần đó có hai chàng ngư phủ trẻ tuổi đang tắm không nhìn thấy ông Terukichi bước vào. Cả hai vẫn tiếp tục oang oang trò chuyện ba hoa về lão Terukichi.
“Cái lão Miyata Terukichi hẳn đang trở lại thời con trẻ nên chẳng biết là con gái mình đã hư hỏng mất rồi”.
“Con nhà Kubo Shinji thế mà hay. Ai cũng bảo nó chỉ là thằng nhóc con ấy thế mà nó đã cuỗm được êm ru cô con gái ngay trước mắt ông bố”.
Mọi người đang tắm đều ngơ ngác khó chịu, quay mặt đi không nhìn đến ông Terukichi nữa. Ông Terukichi uất điếng người, mặt mày đỏ gay đỏ gắt, tuy nhiên bề ngoài trông vẫn có vẻ bình tĩnh. Hai tay xách hai cái thùng ông đi múc đầy nước lạnh, rồi chẳng nói chẳng rằng, dội ào ngay xuống đầu hai chàng kia, đoạn đá vào lưng mỗi anh mấy cái.
Hai chàng thanh niên mắt cay sè vì bọt xà phòng tức thì vung tay đánh lại. Nhưng khi biết là ông Terukichi thì đớ người ra vội rút tay về.
Ông già liền nắm gáy hai chàng và mặc dù da họ dính bọt xà phòng cứ trơn tuồn tuột, ông già vẫn lôi cổ cả hai cu cậu đến thành bể tắm vít đầu họ và nhận chìm xuống nước nóng. Tay vẫn nắm chặt cổ hai người, ông già lắc thực mạnh rồi đập đầu cậu nọ với cậu kia làm như thể đang dập quần áo giặt. Thế rồi trước con mắt sững sờ của mọi người, mặc dù chưa tắm sạch, ông Terukichi rời bể tắm đứng dậy, xoạc cẳng bước dài, chẳng thèm quay lại nhìn thiên hạ đang trố mắt ngó theo.
Tiếng Sóng Tiếng Sóng - Mishima Yukio Tiếng Sóng