Chương 9 - Tổ Quốc
ộ trưởng bộ thuộc địa Xa-rô đội mũ dạ, đứng dưới chân thang tàu Poóc-tốt, đưa tay ra đỡ Khải Định. Khải Định tâng bốc: “Nước Pháp là người thầy của chúng tôi. Nước Pháp cầm tay dắt chúng tôi đến tương lai. Từ sự tiếp chạm hai bàn tay đó nẩy ra mối thiện cảm và hai chúng ta cúng bước chung nhẹ nhàng trên cùng một con đường”.
Đấy là con đường thực dân và phong kiến ra sức bóc lột nhân dân ta. Triển lãm thuộc địa Mác-xây sắp đóng cửa sau sáu tháng hoạt động thì Xa-rô cũng vừa viết xong cuốn sách dày 675 trang nhan đề “Khai thác các thuộc địa Pháp”. Đấy là cương lĩnh của thực dân Pháp vơ vét kinh tế, bòn rút tài nguyên, tiền của trên quy mô lớn ở tất cả các thuộc địa sau chiến tranh thế giới. tập sách dáy ấy kèm theo 15 bản đồ thuộc địa đề ra kế hoạch khai thác triệt để từng thuộc địa và con số cụ thể về lợi nhuận cần thu về Pháp. Xa-rô nói rõ cuốn sách ấy nhằm “thu hút sự quan tâm của mọi người dân Pháp đến những tài sản kỳ diệu ở nơi xa xôi, ở đây, thiên tài có đầu óc thực tế vủa nòi giống Pháp, vì hạnh vận và vinh quang cho Tổ quốc, sẽ đem lại một sáng tạo đẹp nhất của loài người mà truyền thống dân tộc Pháp có thể tự hào”. Xa-rô nói với Ăng-đơ-rê, một tay thuộc địa cáo già khác, bạn chí cốt của Xa-rô và là người giúp Xa-rô sưu tầm tài liệu, số liệu để viết cuốn sách nói trên:
“Dưới bầu trời của nước Pháp ở châu Á, cố gắng của anh giúp đỡ cố gắng của tôi, và hai chúng ta, vì vinh quang và sự giàu mạnh của nước Pháp, chúng ta đã nghĩ ra một kế hoạch khai thác mạnh mẽ nguồn của cải thuộc địa. Mong rằng tập sách này sẽ giúp vào việc thúc đẩy các giai đoạn khai thác đó. Đối với tôi, đấy là tham vọng duy nhất muốn thực hiện vào cuối đời tôi, với tư cách là một người thực dân khiêm tốn, tôi mang công sức cuối cùng của mình vào việc trông nom trang trại mà tôi mơ ước có ở đất nước kia, trước mắt Thái Bình Dương, giữa những đồng cỏ ngát hương thơm ngây ngất của Chăm-pa”.
Một người bạn đưa cho anh Nguyễn mượn đọc cuốn “Khai thác các thuộc địa Pháp” của Xa-rô để nghiên cứu. trong buổi họp của ban biên tập báo Người cùng khổ, anh Nguyễn báo tin này, mọi người đề nghị anh Nguyễn ra phố đi mua ngay cuốn đó về để anh giới thiệu, phân tích cho ban biên tập hiểu ý đồ của bọn thực dân. Anh Nguyễn đến tiệm sách đường Xanh Giéc-manh mua về một cuốn, và sau những nhận xét của anh về kế hoạch của Xa-rô, ban biên tập quyết định báo Người cùng khổ từ số tới phê phán nhiều hơn chính sách kinh tế của thực dân tại các nước thuộc địa.
Báo bắt dầu bán chạy hơn. Blông-cua bàn với anh Nguyễn nên mở rông báo từ hai trang thành bốn trang và từ một tháng ra một kỳ thành một tháng ra hai kỳ. Blông-cua là bạn thân ý hợp tâm đầu của anh Nguyễn. Hơn anh Nguyễn ba tuổi, người đảo Gu-a-đơ-lúp, Blông-cua làm nghề luật sư, có hai con, gia đình ở một khu buồng rộng trên gác sau nhà số 10B. phố Po Roay-an. Blông-cua có nhiều cảm tình với Việt Nam, cho đấy là một nước thuộc địa khổ nhất trong các nước thuộc địa của Pháp. Hai người thường trao đổi ý kiến, bàn bạc công việc chung, chuẩn bị những dự kiến lớn cho Hội liên hiệp thuộc địa và cho tờ báo. Gia đình Blông-cua coi anh Nguyễn như người nhà thân thiết. mỗi lần anh đến chơi, cả nhà vui hẳn lên, cháu gái Ê-li-an tám tuổi trèo lên đùi chú Nguyễn bắt chú dạy toán, dạy chữ La-tinh, và chị An-béc-tin, vợ Blông-cua, vội vã làm món xúp khoai mà anh Nguyễn ưa thích.
Blông-cua gợi ý với anh Nguyễn lúc này tờ báo đang phát triển, nên đi tìm thuê một chỗ làm trụ sở riêng cho tờ báo, không nên nhờ mãi hội Clác-tê. Anh Nguyễn dựa vào kiều bào sống rất đông trong khu la-tinh tìm được một ngôi nhà, nói đúng hơn là một nhà kho chật hẹp trong phố Mác-sê-đê Pa-tơ-ri-ac-sơ, quận 5, Pa-ri, một phố hẹp, hầu như không có cửa hàng buôn bán. Tầng một ngôi nhà số 3 mà anh Nguyễn thuê được gồm một buồng ngoài giáp phố mỗi bề khoảng ba mét, thông với một buồng xép ở phía trong chỉ đủ kê một cái bàn con. Buồng ngoài có một cầu thang gỗ gắn gần như dựng đứng dẫn xuống một buồng con dưới hầm. Nhà không có nước, không có lò sưởi và không cầu tiêu, thuê mất 100 phrăng một tháng, vừa túi tiền của Người cùng khổ giữa Pa-ri.
Tòa soạn báo Người cùng khổ chuyển từ Giắc-cơ Ca-lô về số 3. phố Mác-sê-đê Pa-tơ-ri-ác-sơ. Nhà ày cũng trở thành trự sở của Hội liên hiệp thuộc địa. Buồng ngoài dùng làm bàn giấy tiếp khách, buồng trong là chỗ làm việc, có khi là chỗ ngủ lại đêm của người thường trực cơ quan báo. Buồng dưới hầm làm nơi phân phối báo và hội họp cho được kín đáo vì suốt ngày đêm trước cửa nhà có cảnh sát, mật thám đi đi lại lại nhòm ngó và nhất là tướng Vây-găng, chỉ huy lính Pháp ở Bắc Phi vừa mới đề nghị chính phủ Pháp phải xóa bỏ sự tuyên truyền chủ nghĩ cộng sản ở thuộc địa từ gốc của nó là tòa soạn báo Người cùng khổ.
Buổi họp đầu tiên của ban phụ trách báo ở trụ sở mới vào ngày 20-9-1922 có anh Nguyễn dự bàn nhiều công tác mới, duyệt dự toán chi tiêu cho việc mắc ba ngọn điện ở ba buồng hết 250 phrăng và tán thành đề nghị của anh Nguyễn định lại giờ giấc thường trực tiếp khách tại trụ sở như sau: chủ nhật từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa, thứ ba và thứ năm từ 20 giờ đến 22 giờ, vì tối thứ tư nhiều đồng chí mắc bận, anh Nguyễn đi họp chi bộ Đảng hàng tuần ở quận 17, Môn-néc-vin đi học tiếng Anh. Sáu người được chỉ định thay phiên nhau thưởng trực gồm: Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Văn Ái, Blông-cua, Xtê-pha-ni, Môn-néc-vin và La-pô-lô-nhơ.
Hầu hết các ngày trong tuần anh Nguyễn có mặt ở tòa soạn, kể cả những hôm không phải phiên trực của anh. Trong ngôi nhà bé nhỏ và ẩm thấp này, đã diễn ra nhiều cuộc họp lịch sử, đã đi tới nhiều quyết định quan trọng và đã nghe, đã thấy anh Nguyễn tổ chức tài tình những hoạt động muôn màu, muôn vẻ của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Ở đây, anh Nguyễn đã trình bày bản báo cáo sửa đổi điều lệ của Hội liên hiệp thuộc địa: giới thiệu và phân tích biên bản cuộc thảo luận ở quốc hội Pháp về ngân sách thuộc địa để mọi người hiểu rõ âm mưu của thực dân; đề nghị được thông qua việc lập một văn phòng lo tìm việc làm cho người thuộc địa ở Pa-ri; đọc bản dự thảo diễn văn tại lễ tang những người dân Mác-ti-ních bị tàn sát; đọc những bài báo anh viết để tập thể góp ý kiến; nhận xét công tác của Hội, của báo hàng tháng; nhắc nhở các đồng chí người thuộc địa trong lời ăn tiếng nói bất cứ đâu phải theo đúng nguyên tắc và cương lĩnh củ Quốc tế cộng sản; phê phán một vài đồng chí chỉ quan tâm đến diễn văn ở quốc hội mà không chú ý đến hoạt động thực tế và phong trào quần chúng.
Duy trì một tờ báo ở Pa-ri không phải là việc dễ và đến nỗi mỗi cuộc họp của Hội, của tòa soạn báo, mọi người lại quyên góp tiến cho số báo sau. Vốn không có, giá cả ngày một đắt đỏ, chính quyền gây áp lực và khó khăn, anh Nguyễn cùng các đồng chí của mình lo chạy từng số báo. Trên cương vị phụ trách cơ quan và ban trị sự, với tác phong chính xác và cụ thể, anh Nguyễn làm tờ báo cáo gửi ban biên tập về hoạt đông của Người cùng khổ. bản báo cáo này của anh do chính tay anh đánh máy:
“Dự án ban đầu là trước hết thành lập một hợp tác xã xuất bản. Dự án đó không thực hiện được do các đồng chí chưa hăng hái đóng góp, mặc dù chúng ta đã kêu gọi nhiều lần và việc này làm chúng ta tốn kém 120 phrăng.
Một nhóm nhỏ tám đồng chí cam kết dù sao cũng phải cho xuất bản ngay tở Người cùng khổ. Đã có những lới hứa như sau: Blông-cua cho 100 phrăng mỗi tháng, Hát-gia-li: 50, Môn-néc-vin: 50, Xtê-pha-ni: 25, Nguyễn Ái Quốc: 25, Ô-nô-ri-ơ: 10, Ra-lai-mông-gô: 10, Phuốc-ni-rê: 10. Tổng cộng là 280 phrăng. Người cùng khổ bắt đầu ra mắt ngày 1-4-1922, cho đến ngày 31-12-1922, ngân sách của nó chia ra như sau:
Thu:
A.- Tiền quyên góp của các đồng chí nói trên: Ra-lai—mông-gô: 50 phrăng, Nguyễn Ái Quốc: 175, Môn-néc-vin: 100, Blông-cua: 0, Ô-nô-ri-ơ: 10, Hát-gia-li: 200, Xtê-pha-ni: 50, Phuốc-ni-rê: 0. Tổng cộng là 585 phrăng.
B.- Ủng hô báo từ 1-4 đến 31-12-1922: 593 phrăng.
C.- Tiến bán báo dài hạn: 141 x 3 = 423 phrăng,
D.- Tiền bán báo lẻ từ số 1 đến số 9 = 170 phrăng 40.
Tổng số thu là: 1.771 phrăng
Chi:- Chi phí ban đầu (kể cả số tiền 120 phrăng nói ở trên): 170 phrăng
– Đồ dùng: 34,80.
– Cước phí bưu điện: 156,80.
– Chi phí tiền in: 2.483,80.
Tổng số chi là: 2.845,40.
Ngoài số chi nói trên còn ba quý tiền thuê nhà hết 900 phrăng do sự ủng hộ của các đồng chí đài thọ, đặc biệt do số tiền 450 phrăng đồng chí Blông-cua nhận được tử Đa-hô-mây.
… Xin nhận xét rằng trong chín tháng qua, trong chín tháng qua, trong số tám đồng chí hứa cho tiền hằng tháng thì có: 1 đồng chí đi vắng không đóng xu nào, 1 chưa đóng, 1 mới đóng 1 tháng, 2 đóng 2 tháng, 1 đóng năm tháng, 1 đồng chí đóng dầy đủ (anh Nguyễn).
Để trả được số nợ cũ cho chủ nhà in và tìm một nhà in khác với điều kiện thuận lợi hơn cho báo, thì các đồng chí cần giữ đúng những lời đã hứa góp tiền.
Từ 1-1-1923, quyết định ra báo hai kỳ một tháng và ra bốn trang, trang bốn dành đăng quảng cáo d963 tờ báo có thể sống được. Nhân dịp này, các đồng chí quyết định nộp tiền trả ngay tiền in số 10 là là 535 phrăng.
Từ 1-2, việc cho đăng quảng cáo phải mang lại một số tiền đủ co việc ra báo. Đồng chí Xtê-pha-ni được giao tổ chức việc lấy quảng cáo.
Mặc dù việc quảng cáo mới được đặt ra và do đó chưa được hưởng ứng nhiều, mới đem lại cho các số báo 10, 11 và 12 một số tiền ít ỏi, đồng chí Xtê-pha-ni bảo dảm với chúng ta rằng, với các số tới, ngân sách 1923 sẽ được cân đối, do đó Xtê-pha-ni hứa rằng từ số 13 sẽ không yêu cầu các đồng chí đóng góp nữa. Xtê-pha-ni tin chắc rằng, trong tương lai rất gần, việc nhận đăng quảng cáo không những giúp trang trải tiền thuê in báo mà còn có thể trả công cho một số đồng chí chuyên trách gánh mọi công việc của tờ báo như gửi thư đi, kiểm soát, giữ thường trực, v,v… và còn trả được tiền thuê nhà. Trong khi chờ đợi, các đồng chí phải chịu bỏ tiền ra để trả tiền thuê nhà.
Hãy dũng cảm, có nghị lực và bắt tay vào việc.
Nguyễn Ái Quốc”.
Rất nghiêm túc và có ý thức tổ chức, trong phiên họp ban thường vụ Hội liên hiệp thuộc địa chủ nhật 8-10-1922, anh Nguyễn xin phép không dự cuộc họp hàng tháng của Hội vào chủ nhật 8-10-1922 vì anh được cử làm đại biểu Ban nghiên cứu thuộc địa đi dự Đại hội Đảng cộng sản khai mạc tại Pa-ri vào ngày 15-10. Mọi người quyết định chờ khi nào anh Nguyễn đi dự đại hội Đảng về mới họp vì anh là cán bộ phụ trách chính, vắng anh khó thảo luận. Anh cũng báo cáo với tập thể những anh bận việc khác như anh đến nói chuyện tại Hội nghị đại biểu toàn quốc Đoàn thanh niên cộng sản, đi dự đại hội của Đoàn thanh niên quận 17, đi tham gia cuộc biểu tình của thanh niên chống đế quốc và chống chiến tranh ở quảng trường Cộng hòa, trong cuộc này, Nguyễn Thế Truyền cùng đi với anh Nguyễn vừa thấy lực lượng cảnh sát xuất hiện. Truyền đã bỏ chạy về nhà.
Đại hội Đảng Cộng sản Pháp lần thứ hai họp tại hội trường số nhà 33, phố Grăng-giơ Ô Ben, một nơi quen thuộc với anh Nguyễn vì là trụ sở của Đảng bộ tỉnh Xen mà anh là đảng viên thường đến họp ở đấy. Đại hội mở màn tưởng nhớ đến bốn công nhân ở cảng Lơ Ha-vrơ vừa hy sinh trong một cuộc đấu tranh, phẫn nộ khi nghe tin đại biểu Đảng Ý đến đại hội bị bắt. Và đại hội đứng dậy hát Quốc tế ca chào mừng Ma-nuyn-xki, thay mặt Thường vụ Quốc tế cộng sản đến dự đại hội Ma-nuyn-xki gặp trên đoàn chủ tịch đại hội một người châu Á thông minh và nói sôi nổi về công tác Đảng Cộng sản đối với các thuộc địa. Người ấy chính là Nguyễn Ái Quốc. Anh Nguyễn đến đại hội này ngồi suốt mấy ngày nghe tranh luận rất găng mới thấy hết vị trí quan trọng của ý thức tổ chức và kỷ luật trong Đảng Cộng sản. Và đại hội Pa-ri là đại hội đấu tranh quyết liệt chống bọn cơ hội hữu huynh, bọn chia rẽ và vô kỷ luật trong Đảng, Đại hội của sự thanh lọc mới trên bước đường tiến lên của Đảng. Nhưng đối với anh Nguyễn, vấn đề bức thiết vẫn là giải phóng các nước thuộc địa. Trên diễn đàn đại hội, anh lại một lần nữa phê phán Đảng chưa quan tâm đúng mức công tác ở các nước thuộc địa, nêu lên ý chí của người cộng sản đưa cuộc đấu tranh của nhân dân thuộc địa đến thắng lợi hoàn toàn. Anh Nguyễn cùng một số đảng viên khác người thuộc địa đưa ra trước đại hội kiến nghị sau đây:
“Nhận thấy rằng đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ tư sắp tới bàn đến vấn đề thuộc địa và việc đó phải là công tác hàng đầu của những người cộng sản Pháp, trong khi giai cấp tư sản hãm trong vòng áp bức rất nhiều nhân dân thuộc địa.
Quyết định rằng vấn đề thuộc địa sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị toàn quốc của Đảng.
Trong khi chờ đợi, thông qua lời kêu gọi nhân dân thuộc địa do Ban nghiên cứu thuộc địa thảo và đề nghị đăng lời kêu gọi đó trên báo Nhân đạo.
Yêu cầu các đảng bộ cộng sản ở thuộc địa tăng cường công tác tuyên truyền và kết nạp đảng viên trong số người bản xứ và yêu câu cử càng nhiều càng tốt những người bản xứ đi dự Hội nghị toàn quốc”.
Đại hội thông qua kiến nghị nói trên và chủ tịch đại hội Phéc-đi-năng Pho thay mặt đại hội hứa với anh Nguyễn rằng toàn Đảng sẽ quan tăm nhiều hơn nữa đến công tác Đảng đối với các thuộc địa.
Anh Nguyễn đã thấy sự bức thiết phải có sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, của Đảng Cộng sản mới giành được thắng lợi trong cách mạng giải phóng dân tộc.
Trang báo Người cùng khổ của anh dạt dào niềm tin ở lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và triển vọng giành lại độc lập cho nhân dân dưới sự dẫn đường của đảng cách mạng theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin.
Dịp kỷ niệm Công xã Pa-ri vào đầu năm 1923, anh Nguyễn đến nghĩa trang Pe La-se-dơ yên tĩnh như một cánh rừng và trồng tỉa như một công viên. Anh đứng phát cho từng người đến viếng mộ các chiến sĩ công xã tờ truyền đơn do chính anh viết:
“Dự kiến những sự kiện nghiêm trọng có thể xảy ra ngày một ngày hai, bạn đừng đợi gì mà chưa mua báo Người cùng khổ và hô hào bạn bè mua nó. Tờ báo này là tờ báo của bạn, giúp bạn thoát khỏi cảnh nô lệ và sẽ phát hành rộng rãi trong tất cả các thuộc địa, nhằm dắt dẫn mọi người bị bóc lột thuộc mọi màu da đoàn kết lại dưới nếp cờ đỏ búa liềm để trong một phong trào cách mạng quốc tế rộng lớn quét sạch mọi kẻ bóc lột mà chúng ta là những Người cùng khổ.
Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng,bác ái, đoàn kết, ấm no tên quả đất, việc làm cho mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hòa thế giới chân chính, xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dày ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau.
Tất cả mọi người hãy đứng lên quanh lá cờ đỏ để chinh phục thế giới.
Lao động tất cả các nước hãy đoàn kết lại!”
Trước mộ các chiến sĩ Công xã Pa-ri bằng đá xám, thếp chữ vàng, anh thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc kêu gọi vùng lên tiến theo lá cờ của Đảng Cộng sản, lá cờ duy nhất sẽ giúp anh và dân tộc anh thực hiện lý tưởng cao quý: giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Đối với bà con kiều bào ta ở Pa-ri, tết đến là dịp gặp lại nhau và cũng là lúc nhớ nhiều đến Tổ quốc. Ngày 17-2-1923, anh Nguyễn đến vui tết âm lịch với kiều bào yêu nước, mừng rỡ thấy đội ngũ của mình đã đông lên. Giữa buổi vui, anh nói với mọi người về việc củng cố phong trào và gây tình đoàn kết. Dạo ấy, cụ Phan Chu Trinh đang ở Ca-xtơ-rơ, miền Nam nước Pháp, tai nhà ông Nguyễn Duyên, hiệu ảnh. Anh Nguyễn ngỏ ý với ông Phan Văn Trường nên mời cụ Phan về Pa-ri ở để cụ giúp thêm tay cho phong trào của kiều bào. Ông Phan Văn Trường không tán thành, cho rằng cụ Phan biết rất ít tiếng Pháp, cụ về Pa-ri không có gì để nuôi cụ, hơn nữa ông Phan không muốn làm việc gì chung với cụ Phan. Anh Nguyễn thấy đã đến lúc cần ra một tờ báo tiếng Việt để tuyên truyền cách mạng trong kiều bào và đồng bào trong nước.
Nhưng báo Người cùng khổ của anh cũng đang gặp những khó khăn mới. Ban biên tập họp bàn việc chấn chỉnh phát hành báo và Blông-cua đề nghị mọi người theo gương tốt của Nguyễn Ái Quốc. Anh Nguyễn chịu khó mang báo Người cùng khổ đến bán ở các nơi hội họp của Đảng cộng sản, của công đoàn, ở các phố ngõ chung quanh nhà anh ở và mỗi kỳ bán được một số lượng báo nhiều nhất. Anh báo cáo tình hình tài chính với tờ báo và nói: “Chúng ta phải, bằng bất cứ giá nào, làm cho tờ báo sống. Nó mất đi thì sẽ là một thiệt hại tôi lớn đối với tổ chức của chúng ta và nhất là đối với công tác tuyên truyền lúc này cần thiết hơn lúc nào hết của giai cấp vô sản thế giới chống lại giai cấp vô sản bóc lột”.
Anh Nguyễn đưa ra một đề nghị với tập thể: để cơ quan báo có thêm tiền và để tiện làm việc, anh sẽ dọn về nhà số 9, ngõ Công-poanh đến ở buồng trong nhà số 3, phố Mác-sê đề Pa-tơ-ri-ác-sơ, trụ sở báo, và sẽ nộp vào quỹ công số tiền phải thuê ở nhà số 9. Ngày 14-3-1923, anh dọn về ở ngay trong trụ sở báo Người cùng khổ, mang theo một cái giường cá nhân và cái va ly mà mật thám Pháp đến khám chỉ thấy toàn sách ở trong. Mang lưới mật thám theo dõi anh tại Pa-ri tăng lên từ khi bộ thuộc địa lập một tổ chức mới chuyên theo dõi những người Đông Dương ở Pháp. Bọn chúng đến khám xét cả những người nước ngoài sống ở Pa-ri hay liên lạc bằng thư từ hoặc đi lại chơi bời với anh Nguyễn. Trong số những người đó có các sinh viên Nga Mi-khai-lớp-xki, Pê-tô-rốp ở nhà số 6, phố Gay Luy-xắc, có nhà yêu nước Ấn Độ A-li-ta-ba Gô-dơ, mấy nhà yêu nước Ai-rơ-len ở gác ba số nhà 12, phố Ca-puy-xin, nhà văn Nhật Bản Ki-ô-si Cô-mát-xư ở trọ nhà họa sĩ Xa-ca-mô-tô… Trong một bức thư ngỏ gửi bộ trưởng thuộc địa Xa-rô đăng trên báo chí Pa-ri, anh Nguyễn công kích khá sâu cay cái bộ máy mật thám to lớn ấy như sau: “Trở thành người cầm đầu tối cao của các thuộc địa, sự quan tâm đặc biệt của ngài đối với những người Đông Dương chỉ tăng thêm với uy quyền của ngài. Ngài đã lập ở ngay Pa-ri một cơ quan đặc biệt chuyên theo dõi những người bản xứ – nhất là người Đông Dương, theo một tờ báo thuộc địa – sống ở Pháp.
Nhưng “theo dõi” có lẽ chưa đủ đối với lòng yêu thương cha con của ngài và ngài đã muốn làm hơn thế. Ngài đã ban cho mỗi người Việt Nam – người Việt Nam yêu quý như ngài nói – những quan hầu đặc biệt. Tuy còn rất sơ đằng trong nghề trinh thám của Séc-lốc Hôm, những người đó rất tận tâm và đặc biệt là nhã nhặn… Chúng tôi thành thật xúc động về vinh dự mà ngài có lòng tốt ban cho chúng tôi, chúng tôi nhận nó với sự biết ơn tốt đẹp nhất nếu nó không phải là việc thừa và không gây ra những ham muốn và sự ghen tị.
… Chúng tôi trân trọng khước từ sự chiếu cố đầy khích lệ đó đối với chúng tôi nhưng lại quá tốn kém cho đất nước.
Nếu ngài muốn biết chúng tôi làm gì hằng ngày thì không có gì dễ bằng: mỗi sáng chúng tôi sẽ công bố một bản tin hoạt động và ngài chỉ có việc chịu khó đọc nó.
Vả lại thời khóa biểu của chúng tôi rất đơn giản và hầu như không thay đổi:
Sáng: từ 8 đến 12 giờ, làm ở xưởng thợ.
Trưa: ở bàn giấy các tòa báo (phe tả, lẽ dĩ nhiên) hoặc đến các thư viện.
Tối: trong buồng của chúng tôi hoặc trong những cuộc họp có tính giáo dục.
Chủ nhật và ngày lễ: thăm viện bảo tang hoặc những nơi thú vị khác.
Chỉ có thế! Hy vọng rằng phương pháp thuận tiện và hợp lý đó sẽ làm ngài hài lòng”.
Ra-lai-mông-gô, một người nước ngoài thuộc địa Ma-đa-gát-xca, cho anh Nguyễn biết Sa-nen, một quan chức cấp cao ở bộ thuộc địa vừa có giấy gọi Ra-lai-mông-gô cùng mọi người Ma-đa-gát-xca sống ở Pa-ri đến bộ nghe hắn dọa nạt đủ điều. Anh Nguyễn cho viết ngay một bài trên báo Người cùng khổ tố cáo vụ này. Ít ngày sau đó, Ra-lai-mông-gô báo cáo với Hội liên hiệp thuộc địa xin trở về nước hoạt động. Buổi chia tay, anh Nguyễn giúp Ra-lai-mông-gô 15 phrăng để thêm tiền đi tàu vì anh nói rồi cũng sẽ đến lượt anh về nước vì đấy là tiếng gọi của nhân dân và Tổ quốc.
Nghĩ đến đồng bào ruột thịt của mình và công tác đầu tiên để thức tỉnh họ là tuyên truyền, giáo dục, anh Nguyễn quyết định ra một tờ báo tiếng Việt lấy tên là Việt Nam Hồn. Anh cũng tự tay viết tờ truyền đơn cổ động mua báo và cũng chính tay anh đi phát ở nhiều nơi trong các giới kiều bào ở Pa-ri. Lời văn của truyền đơn mộc mạc và dễ hiểu, thể viết cũng rất thích hợp với người Việt Nam thới bấy giờ:
“Ở trong thế giới, ống nói tàu bay, việc lạ tin hay, ngày ngày thường có. Nào ai muốn rõ, phải có nhật trình. Mình ở gia đình, mắt soi vạn lý. Á, Âu, Úc, Mỹ, rút lại một tờ. con trẻ đàn bà, ai ai cũng biết.
Mình người nước Việt, khách địa làm ăn. Chẳng đọc Hán văn, không xem Pháp tự. Việc đời hay dở, lành dữ mặc ai, tuy có mắt tai, cũng không nghe thấy, vận nước thế nào, anh chị đồng bào, có hay chăng nhẽ. Cũng vì nghĩ thế, tôi muốn làm ra, một báo tiếng ta, cho đồng bòa đọc. Chẳng nài khó nhọc, giám kể công trình. Mong mỗi người mình, mở mày mở mặt.
Báo này sẽ đặt tên Việt Nam Hồn. Một tháng hai lần, mỗi lần trăm bản. Xin anh em bạn, ai có muốn coi, cắt gửi cho tôi, cái toa mãi chỉ.
Mấy lời chung thủy, thư bất tận ngôn.
Chúc Việt Nam Hồn.
Vạn tuế, vạn tuế.
Cắt gửi toa này cho ông Nguyễn Ái Quốc số nhà 3, phố Mác-sê-đề Pa-tơ-ri-ác-sơ, Pa-ri, quận 5:
Tôi tên là:....
Ở số nhà:....
Tỉnh:....
Gửi lại 12 quan để mua báo Việt Nam Hồn 6 tháng.
Anh Nguyễn đi khảo giá nhiều nhà in để tìm nơi cho thuê in rẻ nhất. Một nhà in viết thư trả lời anh:
“Thành phố Tua, ngày 22-5-1923.
Nhà in Hội hợp tác công nhân số 10, phố Mét gửi đồng chí Nguyễn Ái Quốc số 3, phố Mác-se-đề Pa-tơ-ri-ác-sơ, Pa-ri.
Đồng chí thân mến,
Tiếp theo yêu cầu của đồng chí, chúng tôi xin báo để đồng chí rõ: in một tờ báo xuất bản tháng một lần trên giấy báo nhẵn, với khoảng 45 – 50.000 tờ, kiểu báo Người cùng khổ thì giá một nghìn tờ đầu là 280 phrăng, nghì thứ hai: 50 phrăng. Chúng tôi có thể giúp cho đồng chí một người quản lý. Để làm tờ báo, chúng tôi phải có bản thảo bài tám ngày trước khi ra báo. Về các bản kẽm thì giá tùy theo kích thước và loại hình (bản kẽm hai cột giá 40 phrăng). Giá các thứ nói trên sẽ lên xuống tùy theo giá nguyên liệu và lương công nhân viên chức.
Tôi xin sẵn sàng trả lời những điều đồng chí cần biết rõ thêm và xin gửi lời chào đồng chí.
Giám đốc
Bê-ti-nát”
Giữa lúc ấy, ở báo Người cùng khổ xảy ra vụ Xtê-pha-ni tham ô 1.500 phrăng, tiền các nơi thuê đăng quảng cáo. Ban biên tập báo họp quyết định không nhận đăng quảng cáo nữa, cách chúc Xtê-pha-ni và buộc trao trả toàn bộ sổ sách, tiền nong lại cho anh Nguyễn Ái Quốc. Giấy chuyển giao viết như sau:
“Sở bưu điện, giấy số 776.
Giấy cho phép nhận hoặc rút những thư bảo đảm và lĩnh thư chuyển tiền.
Tôi là Xa-mu-en Xtê-pha-ni hiện ở Pa-ri, số nhà 9, phố Clốt Bác-na và sẽ dọn đến ở Cla-ma, cho phép ông Nguyễn Ái Quốc ngụ tại Pa-ri, quận 5, số nhà 3, phố Mác-se-đề Pa-tơ-ri-ác-sơ, được nhận tại nhà tôi hoặc lấy ra ở hòm thư bưu điện số 29, Pa-ri, tất cả những thư bảo đảm đề gửi tên tôi, đồng thời được lĩnh những thư và điện chuyển tiền các mơi gửi cho tôi, do đó được ký mọi sổ sách và giấy tờ, và nói chung được là mọi việc cần thiết
Làm tại Pa-ri ngày 28-3-1923
Người có thẩm quyền ký:
NGUYỄN ÁI QUỐC
Giám đốc sở bưu điện ký
Người giao lại trách nhiệm ký:
XTÊ-PHA-NI
Chứng nhận chữ ký của
Xtê-pha-ni
Giám đốc sở cảnh sát ký”
Dù sao báo Người cùng khổ cũng đã trưởng thành và bước sang năm hoạt động thứ hai, còn Hội liên hiệp thuộc địa thì sắp bước sang năm thứ ba. Trong một phiên hop, Ban thường vụ Hội liên hiệp thuộc địa tán thành sáng kiến do anh Nguyễn đề ra: để đánh dấu bước phát triển của Hội, tuyên truyền ảnh hưởng của Hội và có thêm tiền giúp báo Người cùng khổ, sẽ có một buổi tối biểu diễn nghệ thuật ở Pa-ri lấy danh nghĩ Hội liên hiệp thuộc địa đứng ra làm. Cuộc họp giao trách nhiệm cho anh Nguyễn tổ chức tối liên hoan ấy vì anh quen nhiều nghệ sĩ có thể đến giúp biểu diễn.
Dao ấy ở Pa-ri có một nhóm nghệ sĩ cách mạng ở phố Brơ-ta-nhơ lấy tên là Nàng thơ đỏ. Nhiều báo chí Pa-ri lúc đó thường xuyên quảng cáo:
“Mỗi chủ nhật, vào 20 giờ 30 Nàng thơ đỏ phân phát tiếng hát và tiếng cười”
“Nàng thơ đỏ sẵn sàng phục vụ các tổ chức tiến bộ bằng cách tham gia toàn bộ hoặc từng phần vào các cuộc vui của họ. Liên hệ tại trụ sở: 49, phố Brơ-ta-nhơ. Thường trực vào các buổi tối, lúc 18 giờ 30”.
Khi sống ở Pa-ri, Lê-nin có vài lần nhờ đến sự cộng tác của nhóm này. Anh Nguyễn cũng quen thân với nhóm nghệ sĩ này và họ sốt sắng đáp lại lời mời của anh trong bức thư sau đây:
“Nàng thơ đỏ
Nhóm nhà thơ, ca sĩ và nghệ sĩ cách mạng thành lập từ năm 1901.
Tạp chí tuyên truyền cách mạng bằng nghệ thuât.
Trụ sở số nhà 49, phố Bra-ta-nhơ.
Pa-ri, ngày 15-5-1923
Gửi đồng chí Nguyễn Ái Quốc thân mến,
Tôi đã nhận được thư của Hội liên hiệp thuộc địa đề ngày 10-5 vừa rồi.
Tôi đã ghi nhận buổi tối liên hoan của đồng chí sẽ tổ chức vào thứ bảy 26-5 tới, tại hội trường Thanh niên cộng hòa, số nhà 10, phố Pơ-ti Tu-a. Ba nghệ sĩ của Nàng thơ đỏ sẽ đến giúp đồng chí và không lấy tiền. Nhân dịp này, tôi nói để đồng chí rõ là chúng tôi không muốn quảng cáo tên từng người và nếu thông báo cho đồng chí thì chỉ nên nói: có sự tham gia của đồng chí ca sĩ và nghệ sĩ nhóm Nàng thơ đỏ.
Chúc đồng chí thành công và xin gửi đồng chí những tình cảm anh em”.
Anh Nguyễn cho in thiếp mời gửi đến nhiều người ở các nước thuộc địa và anh lo mọi công việc chuẩn bị. Tối 26-5, ở hội trường Thanh niên cộng hòa thật là một buổi hội lớn, một buổi hội cách mạng và kêu gọi đấu tranh.
Rất đông Việt kiều ở nội, ngoại thành Pa-ri tới dự và đông nhất là những kiều bào ở Bô-bi-nhi và Bu-lô-nhơ. Anh Nguyễn khai mạc đêm văn nghệ bằng những lời lên án chủ nghĩa thực dân và ca ngợi tinh thần đấu tranh của nhân dân các thuộc địa cùng thành tích của Hội liên hiệp thuộc địa. Câu chuyện của anh được minh họa bằng một số bộ phim quay về đời sống nhân dân thuộc địa. Anh công nhân người da đen Ma-rơ-pô lên đọc bài thơ ngụ ngôn “Con quạ và con cáo” của La Phông-ten rồi anh lại đọc một bài thơ dân gian của đất nước anh. Các nghệ sĩ Nàng thơ đỏ lên hát nhiều bài ca cách mạng trong tiếng nhạc sôi nổi ý chí đấu tranh. Cả phòng họp vui nhộn lên khi anh Nguyễn mang lên sân khấu một đồ gốm Việt Nam, những cái quạt giấy Việt Nam và mấy quyển sách để quay xổ số lấy thưởng. Trước khi kết thúc đêm liên hoan, Anh Nguyễn đứng dậy thay mặt Hội liên hiệp thuộc địa cảm ơn các nghệ sĩ đã đến giúp vui và anh chúc mọi người hăng hái ủng hộ Hội và báo Người cùng khổ để năm tới sẽ có những tối liên hoan đông vui hơn.
Nhưng ngày hẹn ấy có bao giờ đến với anh Nguyễn? Ngày 20-6-1923, một ngày đáng ghi nhớ đối với anh Nguyễn, trong phiên họp Ban biên tập báo Người cùng khổ, anh báo cáo xin nghỉ việc một thời gian để đi dưỡng bệnh ở một nơi xa Pa-ri. Người duy nhất biết lý do thực sự anh Nguyễn nghỉ là Blông-cua. Và Blông-cua người đồng chí cộng sản thân tín của anh, lúc đó điều khiển buổi họp, thay mặt Ban biên tập chúc anh đi may mắn và giao lại công việc của anh cho Môn-néc-vin tiếp tục.
Tháng 7-1923, mật thám Pháp mất hút anh Nguyễn, liền báo cáo với bộ thuộc địa:
“Nguyễn Ái Quốc tuyên bố đi nghỉ hè chừng 10 ngày mà đến cuối tháng 7 vẫn chưa thấy về. Người bản xứ An Nam ấy giữ vai trò chủ chốt của phong trào cộng sản ở thuộc địa cho nên khi Nguyễn không có nhà thì các đồng chí của Nguyễn hình như lúng túng.
Nguyễn đi vắng lâu, cuối cùng Hội liên hiệp thuộc địa và báo Người cùng khổ quyết định báo lại tiếp tục ra ngày 20-7 không có Nguyễn phụ trách và ngày 29-7, Hội liên hiệp thuộc địa lại tiếp tục họp không có Nguyễn”.
Công văn mật số 3.555 của sở mật thám Pháp viết như sau:
“Pa-ri, ngày 8-10-1923.
Kính gửi ông bộ trưởng thuộc địa.
Trong điện số 832 ngày 30-8 vừa qua, ông có báo cho chúng tôi biết về việc mất tích Nguyễn Ái Quốc, người cách mạng An Nam có chân trong tổ chức cộng sản và là chủ bút báo Người cùng khổ, ngụ tại số nhà 3, phố Mác-sê đề Pa-tơ-ri-ác-sơ.
Tôi hân hạnh báo để ông biết là Nguyễn Tất Thành, quen biết dưới tên gọi Nguyễn Ái Quốc, cho đến nay được lung tìm ráo riết nhưng không có kết quả.
Hơn nữa, không có nguồn tin nào trong các giới cộng sản mà Nguyễn Ái Quốc thường lui tới, nhất là ở Câu lạc bộ Phô-bua, cho phép các cuộc tìm hiểu được dễ dàng.
Các nhân viên của tôi đang ra sức dò tìm Nguyễn Ái Quốc và nếu Nguyễn bị phát hiện thì tôi sẽ báo ngay lập tức để ông biết.
Thay mặt bộ trưởng nội vụ
Giám đốc sở an ninh Pháp
L. Ma-sanh”
Tháng sau lại thêm một công văn mật khác số 4.116, đề ngày 24-11-1923:
“Tiếp theo điện số 822 ngày 30-8 của ông về việc mất tích Nguyễn Ái Quốc, người cách mạng An Nam, có chân trong các tổ chức cộng sản, chủ bút báo Người cùng khổ, ngụ tại số nhà 3, phố Mác-sê đề Pa-tơ-ri-ác-sơ, tôi hân hạnh báo để ông rõ là chúng tôi đang lung tìm Nguyễn Ái Quốc ở Hốt Xa-voa (Miền núi phía Đông nước Pháp), có thể là nơi Nguyễn nghỉ dưỡng sức, nhưng cho đến nay, chưa có kết quã.
Thay mặt bộ trưởng nội vụ
Giám đốc sở an ninh Pháp
L. Ma-sanh”
Toàn bộ mạng lưới mật thám Pháp đã thua anh Nguyễn. Sự thật là, sau đêm liên hoan ở hội trường Thanh niên cộng hòa, anh Nguyễn đến nhà Blông-cua tâm sự với bạn nguyện vọng thiết tha của anh trở về nước, huấn luyện và tổ chức nhân dân, tổ chức cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do ngay trên mảnh đất của Tổ quốc mình.
Từ cách đấy hai năm anh đã viết trên Tạp chí cộng sản ở Pa-ri: “Người Đông Dương che giấu một cái gì đang sôi sục, đang gầm thét và khi thời cơ đến nó sẽ bùng nổ mãnh liệt. Những người tiên phong phải thúc đẩy cho thời cơ mau đến. Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất, chủ nghĩa xã hội chỉ việc gieo hạt giống giải phóng”.
Ngày đêm anh nghĩ về Tổ quốc và lúc này, sau hơn mười năm lao động, học tập, rèn luyện và đấu tranh, xuất phát từ lòng yêu nước nồng cháy và lòng giác ngộ triệt để chủ nghĩa Mác – Lê-nin, anh đã tìm ra một con đường cách mạng cho nhân dân anh, một con đường tuyệt đối đúng mà anh tin tưởng sẽ giải phóng đồng bào anh. Giữa lúc anh mong muốn trở về nước và đã nói điều đó với Đảng Pháp thì một hôm Trung Ương Đảng mời anh đến và báo tin anh được cử đi dự Đại hội lần thứ năm của Quốc tế cộng sản với danh nghĩa là “đại biểu nhân dân thuộc địa”. Ma-nuyn-xki, trong Ban chấp hành Quốc tế cộng sản, người sẽ đọc báo cáo chính về vấn đề dân tộc và thuộc địa ở Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ năm, người đã thấy sự hoạt động xuất sắc của anh Nguyễn tại Đại hội Đảng Pháp năm 1922, Ma-nuyn-xki đề nghị Quốc tế cộng sản mời đích danh anh Nguyễn Ái Quốc.
Buổi anh Nguyễn chia tay gia đình Blông-cua trên gác nhà số 10B, phố Po Roay-an cảm động không nói lên lời, chỉ có tiếng khóc của chị An-béc-tin. Ví phải giữ bí mật, anh gửi lại Blông-cua tất cả giấy tờ, sổ sách, hồ sơ và quỹ báo của cơ quan và anh nhờ Blông-cua chuyển lại lời chào anh em đồng chí trong Hội liên hiệp thuộc địa và báo Người cùng khổ, những người cùng hội, cùng thuyền và cùng cảnh ngộ với anh mà trong buổi gặp mặt cuối cùng ngày 20-6 anh không được phép nói rõ mục đích anh đi và anh cũng không có điều kiện để ôm hôn từng người.
Sa-rốt cùng làm ở báo, còn gửi thư cho anh giữa lúc anh chuẩn bị cuộc ra đi:
“Đồng chí Nguyễn Ái Quốc thân mến,
Blông-cua báo tôi biết anh sẽ đi về nông thôn nghỉ vài tuần vì sức khỏe,
Nếu anh chưa đi ngay, tôi muốn nhờ anh phóng đại hộ tôi một tấm ảnh. Xin gửi kèm đây bản gốc. Tôi muốn phóng ra khổ 40 x 30 cen-ti-mét. Nếu anh làm xong thì gửi trả ngay lại cho tôi bản gốc mà anh rất cần vì tôi đã bóc tấm ảnh ấy ra ở sổ lương hưu và tôi phải dán lại ngay”.
Anh Nguyễn vẫn dành thời giờ phóng đại ảnh giúp cho Sa-rốt và trả lại đầy đủ bản gốc.
Hồi đó từ Pháp đi Nga là một việc rất khó khăn và nguy hiểm, nhất là đối với một người dân thuộc địa của Pháp. Anh Nguyễn đã từng dự nhiều cuộc mít tinh ở Pa-ri phản đối bọn đế quốc giết đồng chí Ray-mông Lơ-phe-vrơ và nhiều đảng viên cộng sản Pháp khác trên đường đi Nga hoặc từ Nga về. Nhiều người bị chúng bắt hoặc thủ tiêu một cách dã man vì chúng quá khiếp sợ ảnh hưởng tôi lớn của cách mạng Nga. Tất cả những nguy hiểm ấy và sự canh gác ráo riết của bọn mật thám Pháp không làm anh Nguyễn chùn bước. Anh đi tìm kiếm trong anh em công nhân Pa-ri một đồng chí làm ở đầu máy xe lửa nhận giúp đưa anh từ Pa-ri đến Bá-linh và sẽ nói với anh em công nhân xe lửa Đức giúp anh Nguyễn đi tiếp.
Để che mắt bọn mật thám, anh Nguyễn làm ra vẻ không còn hoạt động chính trị nữa. Suốt mấy ngày liền, cứ sáng đi làm, chiều vào thư viện, tối đi xem chiếu bóng, anh lừa được bọn mật thám và dần dần chúng không kiểm soát anh chặt chẽ như trước nữa. Một buổi tối đầu tháng bảy, anh đi xem chiếu bóng và giữa chừng anh ra khỏi rạp bằng một cửa khác, rồi anh đi nhanh thẳng đến ga Đuy No. Một đồng chí công nhân chờ sẵn đưa cho anh một cái va-li con và một cái vé hạng nhất. Ga Đuy No với vòm mái rất cao và rất rộng, ở đó một đồng chí người Pháp đã đón sẵn đưa anh lên tàu. Đúng 12 năm sau ngày rời Tổ quốc và gần sáu năm sau ngày đến Pa-ri, anh Nguyễn từ giã nước Pháp, nơi anh gửi lại nhiều kỷ niệm thân thiết và là nơi chứng kiến cả một thời thanh niên sôi nổi mà cũng là một thời hoạt động oanh liệt của anh. Nhiệm vụ lịch sử của anh trên đất Pháp đã hoàn thành và lúc này những nhiệm vụ mới của Tổ quốc đặt ra đang chờ đợi anh.
Đến tận tháng 10-1924, chính phủ Pháp mới nhận được bức điện sau đây gửi từ Mát-xcơ-va về của đại sứ quán Pháp mới lập tại Liên Xô:
“Mật điện. Xin báo: từ tháng 1-1924, xuất hiện tại tại Mát-xcơ-va người cộng sản gây rối Nguyễn Ái Quốc”.
Anh Nguyễn an toàn đặt chân lên đất nước của Lê-nin trên chặng đường vạn dặm trở về Tổ quốc! Một thời kỳ hoạt động mới đến với anh và cùng với anh, cách mạng Việt Nam cũng sang trang mới.
Thời Thanh Niên Của Bác Hồ Thời Thanh Niên Của Bác Hồ - Hồng Hà Thời Thanh Niên Của Bác Hồ