Chín
eo ủng, đóng cương, lên ngựa, và đi!
BROWNING
“Cái gì sau đại học cơ?”
Cô gái thật đẹp, kiểu đẹp làm người ta sững sờ, và tôi tự hỏi cô ta sẽ làm công việc này trong bao lâu nữa. Tôi dám chắc rằng công việc lễ tân cho Đại sứ quán Mỹ ở Quảng trường Grosvenor mang lại cho anh mức lương kha khá và đủ các thứ bỏ miệng, nhưng nó hẳn phải buồn chán hơn cả bài diễn văn của Bộ Ngân khố năm ngoái.
“Nghiên cứu Sau Đại học,” tôi nói. “Ông Russell Barnes.”
“Ông ấy có biết ông tới không?”
Cô ta sẽ không trụ lại được đến sáu tháng, chắc chắn thế. Cô ta buồn chán vì tôi, buồn chán vì tòa nhà, buồn chán vì thế giới này.
“Hiển nhiên tôi hy vọng thế,” tôi đáp. “Sớm nay văn phòng của tôi đã gọi điện để bảo đảm chắc chắn về cuộc gặp. Họ được trả lời là sẽ có người ở đó gặp tôi.”
“Solomon, đúng không?”
“Đúng.” Cô ta nhìn qua một số danh sách. “Một chữ M,”tôi nói, vẻ xăng xái.
“Và văn phòng của ông là...?”
“Là văn phòng đã gọi điện tới sáng nay. Tôi xin lỗi, tôi cứ nghĩ đã nhắc tới nó rồi cơ mà.”
Cô ta chán ngán quá không buồn hỏi lại. Cô ta nhún vai và bắt đầu điền vào một cái thẻ khách tham quan cho tôi.
“Carl ơi?”
Carl không chỉ là Carl. Anh ta là CARL. Anh ta cao hơn tôi bốn phân, và thường nâng tạ vào thời gian rảnh rỗi, thứ mà hiển nhiên anh ta có rất nhiều. Anh ta cũng là lính thủy quân lục chiến Mỹ, mặc bộ quân phục mới tinh tới nỗi tôi gần như tưởng mình nhìn thấy người nào đó đang khâu nốt đường viền ống quần ở mắt cá chân anh ta.
“Ông Solomon,” cô lễ tân nói. “Phòng 5910. Gặp ôngBarnes, Russell.”
“Russell Barnes,” tôi chữa, nhưng chẳng ai để ý.
Carl đưa tôi qua một loạt chốt kiểm tra an ninh đắt tiền, nơi những Carl khác quét máy dò tìm kim loại khắp người tôi và sờ nắn đến nhàu quần áo tôi. Họ đặc biệt thích thú với cặp xách tay của tôi, và lo lắng vì trong đó chỉ đựng một tờ Daily Mirror.
“Tôi chỉ dùng nó làm đồ trang trí thôi,” tôi diễn giải mộtcách vui vẻ, nhưng nghe vậy dường như phần nào họ cũng thỏa mãn. Có lẽ nếu như tôi bảo họ tôi chỉ dùng nó để đưa tài liệu mật ra khỏi một đại sứ quán nước ngoài thì có thể họ sẽ vỗ vỗ lưng tôi và đề nghị mang giúp tôi không chừng.
Carl đưa tôi tới thang máy và đứng sang một bên trong khi tôi bước vào. Tiếng nhạc có âm lượng nhỏ đến độ khó chịu vọng vào, và nếu như đây không phải là đại sứ quán, tôi dám thề rằng đó là giọng Jonny Mathis hát lại bài Bat Out of Hell. Carl theo tôi vào và quẹt một cái thẻ nhựa qua đầu đọc điện tử, rồi bấm số vào cái bàn phím bên dưới bằng ngón tay đi găng trắng tinh.
Khi thang máy vút lên trên, tôi trấn an mình để chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn chắc là sẽ lắm trò. Tôi liên tục tự nhắc thầm rằng tôi chỉ đang làm những gì người ta khuyên làm khi mình bị một dòng triều mạnh cuốn ra biển. Hãy bơi theo chiều nó, đừng chống lại nó, họ bảo thế. Cuối cùng thì anh sẽ tới được đất liền. Ra tới tầng năm, tôi bước theo sau Carl dọc một hành lang bóng loáng tới phòng 5910 - Phó Giám đốc Ban Nghiên cứu châu Âu, Barnes, Russell P.
Carl chờ đợi trong khi tôi gõ cửa, và khi cửa mở ra, suýt tí nữa thì tôi dúi vào bàn tay đeo găng của anh ta vài bảng tiền xu và yêu cầu anh ta đặt cho tôi một bàn ở L’Epicure. May mắn thay, anh ta đã ngăn tôi làm việc đó bằng cách chào với vẻ dữ dằn rồi quay gót bước đi về phía hành lang với tốc độ một trăm mười bước một phút.
Russell P. Barnes đã đi kha khá vòng quanh thế giới. Có thể tôi không phải là người xuất sắc trong việc đọc vị người khác, nhưng tôi biết rằng anh sẽ không thể trở nên giống Russell P. Barnes chỉ bằng cách ngồi sau bàn suốt nửa cuộc đời, nửa đời còn lại thì bét nhè trong những tiệc cocktail chiêu đãi của đại sứ quán. Ông ta chừng năm mươi, cao gầy, với một đám sẹo và những vết nhăn đang đánh nhau để giành quyền kiểm soát cái khuôn mặt sạm nắng. Tôi chỉ có thể nghĩ rằng ông ta là tất cả những gì mà O’Neal đang cố gắng tột bậc để trở thành.
Dù đã nhìn tôi qua cặp kính bán nguyệt lúc tôi bước vào nhưng ông ta vẫn tiếp tục đọc, rà đầu cây bút máy đắt tiền trên lề theo dòng chữ. Mỗi một thớ thịt trên người ông ta nói rằng những Việt Cộng bị giết, những đối thủ vũ trang hạng nặng và Tướng Schwarzkopf thảy đều gọi tôi là Cau Có.
Ông ta giở một trang và quát về phía tôi. “Vâng!”
“Ông Barnes,” tôi nói, đặt chiếc cặp xuống chân ghế đối diện ông ta và chìa tay ra.
“Trên cửa ghi gì?” Ông ta vẫn tiếp tục đọc. Tôi vẫn chìa tay ra.
“Xin chào ngài.”
Im lặng một chút. Tôi biết tiếng “ngài” sẽ làm ông ta chú ý. Ông ta đánh hơi không khí, khám phá mùi vị của một đồng chí sĩ quan, rồi chậm rãi ngẩng mặt về phía tôi. Sau đó ông ta nhìn xuống tay tôi một lúc trước khi chìa tay ra. Khô như ngói.
Ông ta chuyển cái nhìn xuống ghế thế là tôi ngồi xuống, và khi làm điều đó, tôi bắt gặp một bức ảnh treo trên tường. Gần như chắc chắn đó là Norman bão tố, mặc bộ rằn ri, với lời đề tặng viết tay bên dưới khuôn mặt. Dòng chữ quá nhỏ không đọc được, nhưng tôi dám cá tất tật mọi thứ tôi có rằng nó bao gồm chữ “đá” và “đít”. Gần đấy là một bức hình lớn hơn của Barnes mặc đồ kiểu như lính dù, mũ bảo hộ ôm trên tay.
“Anh quốc?” Ông ta gỡ cặp kính ra thả xuống bàn.
“Chính tông, thưa ông Barnes,” tôi nói. “Chính tông.” Tôi biết thừa ông ta có ý nói Quân đội Anh quốc. Chúng tôi trao cho nhau những cái cười quân sự gượng gạo để nói với nhau rằng chúng tôi ghét ba cái thứ cứt đái ruồi bâu đã trói tay những người đàn ông lịch lãm và gọi đó là chính trị. Khi thứ đó đã đủ với chúng tôi rồi, tôi nói: “David Solomon.”
“Tôi có thể làm gì cho ông, ông Solomon?”
“Tôi nghĩ là thư ký của ngài đã có nhắc, tôi từ Bộ của ông O’Neal tới. Ông O’Neal có một vài câu hỏi và ông ấy hy vọng ông có thể trả lời được.”
“Cứ nói.” Lời thốt ra thật dễ dàng trên môi ông ta, và tôi tự hỏi đã bao nhiêu lần và trong bao nhiêu hoàn cảnh khác nhau ông ta đã nói điều đó.
“Nó liên quan đến Nghiên cứu Sau Đại học, thưa ông Barnes.”
“Ừ.”
Thế đấy. Ừ. Không phải “ông đang nói tới cái âm mưu của một nhóm người giấu mặt hòng hậu thuẫn cho hoạt động khủng bố với mục tiêu làm tăng doanh số các thiết bị quân sự chống khủng bố?” Điều mà, tôi phải thừa nhận, tôi đã tin là đúng. Nếu không phải thế thì một khởi đầu không đâu vào đâu là cũng đủ rồi. Nhưng cái tiếng “Ừ” tự thân nó chẳng có ích một chút nào.
“Ông O’Neal hy vọng ông có thể làm chúng tôi sáng tỏ bằng những suy nghĩ mới nhất của ông về vấn đề này.”
“Giờ ông ấy vẫn đang hy vọng sao?”
“Chắc chắn rồi,” tôi nói chắc nịch. “Ông ấy hy vọng ông có thể sẵn lòng làm sáng tỏ giúp chúng tôi bằng lý giải của ông về các sự kiện gần đây.”
“Những sự kiện gần đây nào thế?”
“Có lẽ ở điểm này tôi không nên đi vào chi tiết, thưa ông Barnes. Tôi tin chắc là ông hiểu.”
Ông ta cười, và có ánh vàng lấp lóe đâu đó trong miệng ông ta.
“Ông có liên quan gì tới việc đặt hàng không, ông Solomon?”
“Hiển nhiên là không, thưa ông Barnes.” Tôi cố tỏ vẻ thảm thương. “Vợ tôi còn không tin tôi khi đi mua sắm ở siêu thị cơ mà.”
Nụ cười của ông ta tắt ngấm. Trong vòng tròn mà Russell P. Barnes bước vào, hôn nhân là một việc mà những người chinh chiến có phẩm giá chỉ làm ở chốn riêng tư. Nếu như họ có làm.
Điện thoại trên bàn ông ta kêu khe khẽ, ông ta liền giật ống nghe đưa lên tai.
“Barnes.” Ông ta lấy bút ra, ấn cái nắp lên xuống vài lần trong khi lắng nghe. Ông ta gật đầu và nói vâng vài lần rồi gác máy. Ông ta cứ nhìn cây bút, và dường như đã đến lượt tôi nói.
“Tuy vậy, tôi nghĩ có thể nói rằng điều chúng tôi quan tâm là sự an toàn,” tôi ngừng lại một chút để báo trước lời nói giảm, “của hai công dân Mỹ hiện đang cư trú trên đất Anh. Tên của họ là Woolf. Ông O’Neal băn khoăn không biết liệu ông có thông tin nào có thể giúp Bộ chúng tôi đảm bảo rằng họ sẽ được bảo vệ thường trực hay không.”
Ông ta khoanh tay trước ngực và ngả người ra ghế.
“Chết tiệt.”
“Xin lỗi, ngài nói gì?”
“Người ta nói rằng nếu anh ngồi yên lâu quá thì sẽ bị cả thế giới qua mặt.”
Tôi cố ra vẻ bối rối.
“Tôi vô cùng xin lỗi, thưa ông Barnes, nhưng e tôi không hiểu ý ông là gì.”
“Đã lâu lắm rồi kể từ khi tôi phải nốc chừng ấy thứ rác rưởi trong một cái cốc.”
Một cái đồng hồ tích tắc đâu đó. Khá nhanh. Dường như quá nhanh đối với tôi, trong khi nó đếm từng giây.
Nhưng mà đây là một tòa nhà Mỹ, và có lẽ người Mỹ đã quyết định rằng một giây như thế là quá chậm, nên họ bèn nghĩ về một cái đồng hồ có thể chạy được một phút trong vòng hai mươi giây. Bằng cách đó, họ có nhiều giờ chết tiệt hơn trong một ngày chết tiệt hơn so với những tên người Anh chết tiệt này.
“Ông có thông tin gì không, thưa ông Barnes?” Tôi hỏi, vẻ lì lợm.
Nhưng ông ta không tỏ ra vội vã chút nào.
“Sao mà tôi biết cái thông tin đó được, hả ông Solomon? Ông cũng từng là lính. Tôi mới nghe ông O’Neal nói thôi.”
“Chà,” tôi nói, “tôi băn khoăn không biết điều đó có thực sự đúng không.”
“Thế à?”
Có gì đó không ổn. Tôi không biết là gì, nhưng chắc chắn có điều gì đó rất không ổn ở đây.
“Hãy dẹp điều đó sang một bên, thưa ông Barnes,” tôi nói, “chúng ta hãy cùng giả sử rằng Bộ của tôi đang hơi thiếu lính tráng vào lúc này. Nhiều người cảm cúm. Nghỉ hè. Hãy giả thiết rằng lính tráng của chúng tôi, do sự thiếu hụt về số lượng, đã tạm thời mất dấu hai người này.”
Barnes bẻ vài đốt ngón tay và vươn người về phía trước bàn.
“Chà, tôi không cho là chuyện đó có thể xảy ra được, thưa ông Solomon.”
“Tôi không nói là nó đã xảy ra,” tôi nói. “Tôi chỉ đưa ra như một giả định thôi.”
“Cũng thế cả, tôi không đồng ý với giả thiết của ông. Đối với tôi thì có vẻ ngay bây giờ các ông đang thừa người.”
“Tôi xin lỗi, tôi không hiểu ý ông.”
“Đối với tôi dường như nhân viên của ông đang ở khắp nơi, theo đuôi chính ông.”
Đồng hồ tích tắc.
“Thật sự thì ông muốn nói gì?”
“Điều tôi thật sự muốn nói là nếu như bộ phận của ông có thể tuyển mộ hai David Solomon để làm cùng một việc thì hẳn các ông có một ngân quỹ mà tôi ước gì mình có.”
Ôi thôi.
Ông ta đứng lên và bắt đầu đi vòng quanh bàn. Chẳng đe dọa hay gì, chỉ để co duỗi chân một chút.
“Có thể các ông có nhiều hơn? Có thể các ông có cả một sư đoàn David Solomon. Phải thế không?” Ông ta ngừng lại. “Tôi đã gọi cho ông O’Neal. David Solomon giờ này đang trên một chuyến bay tới Praha, và dường như O’Neal nghĩ đó là David Solomon duy nhất mà ông ta có. Bởi vậy có lẽ tất cả David Solomon các ông cùng lĩnh lương chung chăng?” Ông ta với tay về phía cửa, mở ra. “Mike, gọi đội E tới đây. Ngay bây giờ.”
Ông ta quay lại, dựa người vào khung cửa, hai tay khoanh lại, nhìn tôi.
“Ông có khoảng bốn mươi giây.”
“Được thôi,” tôi nói. “Tên tôi không phải là Solomon.”
Đội E gồm có hai Carl, mỗi người đứng một bên ghế tôi. Mike đã thế chỗ ở cửa còn Barnes quay lại ngồi vào ghế sau bàn. Tôi đang đóng vai kẻ bại trận buồn chán.
“Tên tôi là Glass. Terence Glass.” Tôi cố sao cho cái tên đó nghe càng nhạt thếch càng tốt. Nhạt đến mức sẽ không ai nghĩ tới chuyện bịa ra nó. “Tôi quản lý một phòng tranh ở đường Cork.” Tôi thò tay vào trong túi ngực và tìm thấy tấm danh thiếp mà cô tóc vàng được nuôi dưỡng tốt kia đã đưa cho. Tôiđưa lại cho Barnes. “Đây. Cái cuối cùng. Tiện thể, Sarah làm việc cho tôi. Từng làm việc cho tôi.” Tôi thở dài và sụp người thấp xuống một chút. Một người đã đánh cược và đã mất mọi thứ. “Cách đây vài tuần, cô ấy đã xử sự... Tôi không biết nữa. Có vẻ cô ấy lo lắng. Thậm chí là sợ hãi. Cô ấy bắt đầu nói về những điều lạ lùng. Rồi một hôm cô ấy không tới làm việc nữa. Biến mất. Tôi gọi điện. Không ai thưa. Tôi thử gọi cho bố cô ấy vài lần, nhưng dường như ông ấy cũng biến mất. Tôi đã xem qua một số thứ trên bàn của cô ấy, những thứ vặt vãnh, và tôi thấy một bộ hồ sơ.”
Đến đó Barnes khẽ khịt mũi, bởi thế tôi nghĩ cứ thử nói thêm chút nữa.
“Nghiên cứu Sau Đại học. Ghi ở ngoài bìa. Lúc đầu tôi nghĩ nó là thứ gì đó về Lịch sử Mỹ thuật, nhưng hóa ra không phải. Thực tình mà nói, tôi không hiểu nó là gì. Kinh doanh. Sản xuất hay gì đó. Cô ấy có để lại vài dòng ghi chú. Một người đàn ông tên Solomon. Và tên của ông. Đại sứ quán Mỹ. Tôi... Tôi có thể trải lòng với ông được không?”
Barnes nhìn lại tôi. Chẳng có gì trên mặt ông ta ngoài sẹo và những nếp nhăn.
“Đừng nói với cô ấy điều này,” tôi nói. “Ý tôi là cô ấy không biết điều này, nhưng... Tôi yêu cô ấy. Đã vài tháng rồi. Thực sự đó là lý do tại sao tôi cho cô ấy công việc đó. Tôi không cần thêm người làm ở phòng tranh, nhưng tôi muốn được ở gần cô ấy hơn. Tôi chỉ nghĩ đến mỗi chuyện đó. Tôi biết nói thế nghe có vẻ yếu đuối, nhưng... ông có biết cô ấy không? Ý tôi là ông đã từng gặp cô ấy chưa?”
Barnes không trả lời. Ông ta chỉ kẹp tấm danh thiếp tôi đưa giữa các ngón tay, và nhướng lông mày nhìn lên Mike. Tôi không quay lại, nhưng Mike hẳn là đang bận rộn.
“Glass,” một giọng nói. “Đã kiểm tra.”
Barnes hít hơi qua kẽ răng một lúc rồi nhìn ra ngoài cửa sổ. Ngoại trừ cái đồng hồ, căn phòng yên tĩnh đến đáng kinh ngạc. Không tiếng điện thoại, không tiếng máy chữ, không tiếng xe cộ ngoài đường. Cửa sổ chắc hẳn phải bốn lớp kính.
“O’Neal ấy à?”
Tôi làm ra vẻ thảm bại hết sức.
“Có chuyện gì về ông ta?”
“Tại sao ông biết được những thứ đó về O’Neal?”
“Trong hồ sơ,” tôi nhún vai. “Tôi đã nói với ông rồi, tôi đã đọc hồ sơ của cô ấy. Tôi muốn biết điều gì đã xảy ra với cô ấy.”
“Tại sao ông không nói với tôi điều này ngay từ đầu? Tại sao lại nói toàn ba chuyện vớ vẩn kia?”
Tôi cười to và liếc nhìn mấy tay Carl.
“Ông không phải là người dễ gì gặp được, ông Barnes. Tôi đã cố gọi điện cho ông mấy ngày liền. Người ta cứ chuyển cuộc gọi của tôi sang bộ phận làm visa. Chắc họ cho rằng tôi đang giở trò để cố lấy Thẻ Xanh. Bằng cách thông qua một người Mỹ.”
Một khoảng lặng dài.
Đó là câu chuyện ngớ ngẩn nhất tôi đã từng kể; nhưng tôi đang đánh cược - một cách đầy may rủi, phải thừa nhận thế - vào lòng tự tôn nam nhi của Barnes. Tôi đọc thấy ông ta là hạng người kiêu ngạo bị mắc kẹt ở xứ người, và tôi hy vọng rằng phần lớn trong ông ta muốn tin rằng mọi câu chuyện mà ông ta gặp đều ngớ ngẩn như câu chuyện của tôi. Nếu như không ngớ ngẩn hơn.
“Ông đã thử nói điều này với O’Neal chưa?”
“Theo Bộ Quốc phòng thì không có người nào có tên như thế làm việc ở đó, nên tôi đành trình báo về người mất tích với đồn cảnh sát nơi tôi cư trú.”
“Ông đã làm thế?”
“Tôi đã thử làm thế.”
“Đồn nào?”
“Bayswater.” Tôi biết họ sẽ không hỏi đồn ấy để kiểm tra đâu. Ông ta chỉ muốn xem tôi trả lời nhanh đến mức nào. “Cảnh sát bảo hãy chờ một vài tuần. Dường như họ nghĩ là có thể cô ấy đã tìm được một người tình khác.”
Tôi thấy hài lòng. Tôi biết ông ta sẽ tin.
“Một người tình ‘khác’?”
“Ồ...” Tôi cố đỏ mặt. “ Vâng. Một người tình.”
Barnes cắn môi. Tôi đang có vẻ thảm thương tới nỗi ông ta không còn cách nào khác ngoài tin tôi. Nếu là tôi, tôi cũng sẽ tin, mà tôi thì vốn là người không dễ vừa lòng với một cái gì.
Ông ta đi tới một quyết định.
“Hồ sơ đó bây giờ ở đâu?”
Tôi ngước nhìn lên, ngạc nhiên, lại có người quan tâm đến hồ sơ đó cơ đấy.
“Vẫn ở phòng tranh. Thì sao?”
“Miêu tả xem nào?”
“Ồ, nó kiểu như là... phòng tranh, đúng vậy. Nghệ thuật.”
Barnes hít một hơi sâu. Ông ta thực sự ghét phải nói chuyện với tôi.
“Tập hồ sơ nhìn thế nào?”
“Giống tập hồ sơ. Bìa các tông...”
“Lạy Jesus lạy đức Mẹ Đồng trinh,” Barnes nói. “Màu gì?”
Tôi nghĩ một lát.
“Màu vàng, chắc thế. Đúng rồi. Màu vàng.”
“Mike. Chuẩn bị đi.”
“Chờ một phút...” Tôi dợm đứng dậy, nhưng một trong mấy Carl đè vào vai tôi nên tôi quyết định lại ngồi xuống. “Các ông định làm gì?”
Barnes đã quay lại với đống giấy tờ. Ông ta không nhìn tôi. “Ông sẽ đi cùng với ông Lucas tới nơi làm việc của ông và chuyển hồ sơ đó cho ông ấy. Ông hiểu chưa?”
“Nhưng vì cái quái gì tôi phải làm chuyện đó?” Tôi không biết những người chủ phòng tranh nên nói giọng thế nào trong tình huống này nhưng tôi đã chọn vẻ hờn dỗi. “Tôi tới đây để tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra với một trong các nhân viên của tôi, chứ không phải để các ông xen vào những thứ riêng tư của cô ấy.”
Có vẻ như ông ta vừa đột nhiên nhìn xuống và thấy mục cuối cùng trong nhật trình của mình là “để người ta thấy tôi làm việc cần mẫn thế nào”, cho dù Mike đã ra khỏi cửa và các Carl đã bắt đầu quay trở ra.
“Nghe đây, tay đồng dâm kia,” ông ta nói. Thực sự tôi nghĩ như thế là quá đáng. Các Carl dừng lại theo bổn phận để ngưỡng mộ cái chất nam tính đó. “Hai điểm. Một. Phải tới khi tận mắt nhìn thấy tập hồ sơ đó chúng tôi mới biết nó là của riêng cô ta hay là của chúng tôi. Hai. Càng nghe theo lời tôi, ông càng có cơ hội gặp lại con đĩ đồng bóng đó. Rõ chưa nào?”
Mike là một anh chàng tương đối tử tế. Khoảng gần ba mươi, dáng thể thao, và rất sắc sảo. Tôi nhận thấy anh ta không thoải mái với những thứ nặng đô này, vì thế mà tôi thích anh ta hơn.
Chúng tôi đi về hướng Nam xuống đường Park Lane trên một chiếc Lincoln Ngoại giao màu xanh nhạt, được chọn từ ba mươi chiếc giống nhau trong bãi đậu xe của đại sứ quán. Đối với tôi thì là điều hiển nhiên các nhà ngoại giao sử dụng loại xe tên Ngoại giao, nhưng cũng có thể là người Mỹ vốn thích các loại xe mang thông tin chỉ dẫn thế này. Theo tôi biết thì một tay bán bảo hiểm người Mỹ bình thường sẽ lái một chiếc gọi là Chevrolet Người Bán Bảo hiểm. Tôi cho rằng đó là điều không đáng phải bận tâm trong cuộc đời một con người.
Tôi ngồi ở ghế sau, nghịch mấy cái gạt tàn, trong khi tay Carl mặc thường phục ngồi bên cạnh Mike ở ghế trước. Tay Carl đó đeo tai nghe với sợi dây khuất vào trong áo sơ mi. Có Chúa biết là nó dẫn đi đâu.
“Ông Barnes ấy quả là người tử tế,” sau cùng tôi nói.
Mike nhìn tôi qua gương chiếu hậu. Carl quay đầu khoảng ba phần và biểu lộ sự tán thành bằng kích cỡ cái cổ của anh ta, đó là tất cả những gì anh ta có thể làm được. Tôi muốn xin lỗi vì đã làm gián đoạn giờ tập tạ của anh ta. “Tôi nghĩ là ông ấy giỏi trong cả công việc nữa. Ông Barnes ấy. Làm việc hiệu quả thật.”
Mike liếc nhìn sang phía Carl, vẻ như đang hỏi có nên trả lời tôi không.
“Ông Barnes thực sự là một người đặc biệt,” anh ta nói.
Tôi nghĩ rằng có lẽ Mike ghét Barnes. Tôi khá chắc chắn rằng nếu phải làm việc cho ông ta thì tôi cũng sẽ như thế. Nhưng Mike là người tử tế, đáng nể trọng và chuyên nghiệp, người đang cố hết sức tỏ ra trung thành và tôi nghĩ sẽ không công bằng chút nào nếu cứ cố ép anh ta phải thể hiện nhiều hơn trong khi có mặt Carl. Bởi vậy tôi quay lại giết thì giờ với những chiếc cửa sổ điều khiển điện.
Về cơ bản, chiếc xe không được trang bị để làm nhiệm vụ của nó - nó chỉ có loại khóa thông thường ở cửa sau, cho nên tôi có thể bước ra ngoài ở bất cứ chỗ đèn giao thông nào nếu muốn. Nhưng tôi đã không làm điều đó, thậm chí còn chẳng muốn làm. Tôi không biết tại sao, nhưng đột nhiên cảm thấy rất hứng thú.
“Đúng, quả là đặc biệt,” tôi nói. “Đó cũng là từ tôi sẽ dùng. Chà, không, đó là từ anh đã dùng, nhưng anh không phiền nếu như tôi cũng dùng chứ?”
Tôi thực sự đang thích thú với bản thân mình. Chuyện này không thường xuyên xảy ra.
Chúng tôi rẽ vào Piccadilly, rồi ngược phố Cork. Mike kéo tấm che nắng thấp xuống, gài tấm danh thiếp của Glass ở đấy, và đọc to số nhà. Tôi thấy hết sức nhẹ nhõm bởi vì anh ta đã không hỏi tôi về chuyện đó.
Chúng tôi đỗ bên ngoài căn nhà số bốn mươi tám, và Carl mở cửa xe bước ra ngoài trước khi xe dừng hẳn. Anh ta giật mở cửa sau và nhìn ngược nhìn xuôi trên phố trong khi tôi bước ra ngoài. Tôi thấy mình như một vị tổng thống vậy.
“Số bốn mươi tám, đúng không?” Mike hỏi.
“Đúng,” tôi đáp.
Tôi nhấn chuông và ba chúng tôi đứng đợi. Một lúc sau,một người lùn lùn, dáng vẻ nhanh nhẹn xuất hiện, bận rộn với những chốt và khóa trên cánh cửa.
“Chúc buổi sáng tốt lành, thưa quý ông,” ông ta nói. Một giọng vọng ra từ sâu bên trong.
“Chào buổi sáng, Vince. Cái chân thế nào rồi?” Tôi nói và bước vào phòng tranh.
Người đàn ông nhanh nhẹn có vẻ quá nhiều chất Anh nên sẽ không hỏi Vince là ai? Chân nào? Và tiện thể, ông đang nói cái gì thế? Thay vào đó ông ta đứng lùi lại, với một nụ cười lịch thiệp, cứ để Mike và Carl theo sau tôi.
Bốn chúng tôi đi vào giữa phòng tranh và nhìn quanh các bức vẽ lem nhem. Thật sự là chẳng ra gì. Tôi sẽ lấy làm ngạc nhiên nếu như ông ta bán được mỗi năm một bức.
“Nếu anh thấy thích bức nào, tôi sẽ hạ giá mười phần trăm cho anh,” tôi nói với Carl, anh ta đang chậm rãi chớp mắt.
Cô tóc vàng xinh đẹp lần này diện bộ màu đỏ, tươi cười rạng rỡ từ phía sau nhà bước ra. Khi cô ta nhìn thấy tôi, cái cằm tốt giống của cô ta liền hạ xuống trước bộ ngực thậm chí còn tốt giống hơn.
“Ông là ai?” Mike đang hướng về người đàn ông nhanh nhẹn. Tay Carl thì đang mải ngắm tranh.
“Tôi là Terence Glass,” người đàn ông nhanh nhẹn đáp.
Thật là một khoảnh khắc tuyệt vời. Giây phút mà tôi sẽ nhớ mãi. Năm người chúng tôi cứ đứng đó, chỉ có Glass và tôi là đủ sức để giữ miệng mình đừng há hốc ra. Mike là người đầu tiên lên tiếng.
“Chờ một phút,” anh ta nói. “Ông là Glass.” Anh ta quay sang tôi với vẻ dữ dằn trên mặt. Sự nghiệp bốn mươi năm với lương hưu và cơ số lần đi nghỉ ở Seychelles bắt đầu vụt qua trước mắt anh ta.
“Xin lỗi,” tôi nói. “Không hoàn toàn đúng đâu.” Tôi nhìn xuống dưới sàn xem có tìm được vết máu đọng của mình không, nhưng ở đó không có gì hết. Glass đã rất nhanh tay dùng nước tẩy Vim hoặc giả mạo một vụ đòi bồi thường tài sản.
“Có gì hiểu lầm ở đây chăng, thưa quý ngài?” Glass đã cảm nhận được sự hiểu lầm đâu đây. Thật tệ vì chúng tôi không phải là những hoàng tử Ả-rập. Giờ có vẻ như chúng tôi không giống những người mua tranh chút nào.
“Ông là... kẻ giết người. Người này...” Cô tóc vàng đang vật lộn tìm từ.
“Tôi cũng rất vui được gặp cô,” tôi nói.
“Chúa ơi,” Mike nói, và anh ta quay sang Carl, anh này thì quay về phía tôi.
Anh ta là một tay to con.
“Chà, xin lỗi vì có sự hiểu lầm nho nhỏ,” tôi nói. “Nhưng đã tới đây rồi, sao các ông không đi đi?” Tay Carl bắt đầu di chuyển về phía tôi. Mike túm lấy tay anh ta, rồi nhìn tôi, nhăn mặt.
“Đợi đã nào. Nếu như ông không phải... Ý tôi là, ông có biết mình vừa làm gì không?” Tôi nghĩ anh ta thực sự không tìm được từ để diễn đạt. “Chúa ơi.”
Tôi quay về phía Glass và cô tóc vàng.
“Hãy bình tâm lại, bởi vì tôi biết hẳn các vị đang hơi băn khoăn không biết chuyện gì đang diễn ra ở đây. Tôi không phải người như các vị nghĩ cũng chẳng phải loại như họ tưởng. Ông,” tôi nắm lấy ngón tay của Glass, “ông là người mà họ tưởng là tôi, và cô,” tôi nói với cô tóc vàng, “cô là người tôi muốn nói chuyện sau khi mọi người đã đi hết khỏi đây. Rõ rồi chứ?”
Không ai giơ tay lên. Tôi đi về phía cửa và làm cử chỉ tiễn khách.
“Chúng tôi muốn tập hồ sơ,” Mike nói.
“Hồ sơ nào?” Tôi hỏi.
“Nghiên cứu Sau Đại học.” Anh ta vẫn còn chưa bắt nhịp được với tình huống này. Tôi không thể trách anh ta vì điều đó.
“Xin lỗi vì đã làm ông thất vọng, nhưng không có hồ sơ nào cả. Tên ‘Nghiên cứu Sau Đại học’ hay bất cứ tên nào khác.”
Mặt Mike xị xuống, và tôi thực lòng thấy thương cho anh ta. “Nghe này,” tôi nói, cố làm cho sự việc diễn ra dễ dàng hơn, “tôi đã ở tầng năm, các cửa sổ có hai lớp kính, đó là lãnh thổ Mỹ, và cách duy nhất tôi có thể nghĩ ra để thoát khỏi đó là nói về tập hồ sơ. Tôi nghĩ nó có thể dụ được tất cả các ông.”
Im lặng một lúc lâu. Glass bắt đầu nghiến răng, như thể những phiền toái kiểu này xảy ra quá thường xuyên trong những ngày gần đây. Tay Carl quay lại phía Mike.
“Tôi bắt ông ta chứ?” Giọng anh ta đột nhiên cao chói, gần như the thé.
Mike cắn môi.
“Thực ra đó không hẳn là quyết định của Mike,” tôi nói. Cả hai người đều nhìn tôi. “Ý tôi là, tôi có bị bắt theo như các ông nói hay không là tùy thuộc vào tôi.”
Tay Carl chằm chằm nhìn tôi, đánh giá đối thủ.
“Này,” tôi nói, “tôi sẽ nói thật với ông. Ông là một tay to con, và tôi chắc chắn rằng ông có thể hít đất nhiều hơn tôi. Tôi ngưỡng mộ ông vì điều đó. Thế giới này cần những người có thể hít đất. Điều đó quan trọng mà.” Anh ta hất cằm lên đầy vẻ đe dọa. Cứ tiếp tục nói đi, ông bạn. Bởi thế tôi tiếp tục. “Nhưng đánh đấm là chuyện khác. Một chuyện rất khác, mà ngẫu nhiên tôi lại rất giỏi món đó. Không có nghĩa là tôi mạnh hơn hay rắn rỏi hơn ông hay gì gì. Chỉ là tôi giỏi đánh nhau, thế thôi.”
Tôi thấy rằng Carl không mấy thoải mái với kiểu nói chuyện này. Dường như anh ta được dạy dỗ ở trường theo kiểu “Tao sẽ moi tim mày ra vân vân” và biết phản ứng lại với kiểu đó, chỉ kiểu đó thôi.
“Điều tôi muốn nói là,” tôi nói, ở mức tử tế nhất trong khả năng mình, “nếu như ông muốn bản thân mình tránh được vô số sự hổ thẹn thì hãy ra khỏi đây ngay bây giờ mà đi ăn trưa ở chỗ nào đó.”
Đó là điều mà cuối cùng họ đã làm, sau một hồi lầm rầm và nhìn nhau.
Một giờ sau tôi ngồi trong quán cà phê Ý với cô tóc vàng, người mà từ rày trở đi sẽ được gọi là Ronnie bởi vì đó là cái tên bạn bè vẫn gọi cô, và có vẻ như tôi vừa trở thành một trong bọn họ.
Mike đã cụp đuôi ra đi, còn tay Carl mang cái vẻ “một ngày tệ hại, anh bạn à” trên mặt. Tôi sẽ hân hoan vẫy tay đón chào anh ta trở lại, nhưng tôi biết nếu như không nhìn thấy anh ta lần nữa thì đời tôi cũng chẳng vì vậy mà thành thảm họa.
Ronnie ngồi đó tròn xoe mắt nghe câu chuyện đã được rút gọn bớt sự kiện của tôi, bỏ qua đoạn những người chết, nhìn chung cô đã thay đổi cách nhìn và giờ đây có vẻ cô nghĩ tôi là một anh chàng ra trò; thật là một sự thay đổi tốt đẹp. Tôi gọi thêm một chầu cà phê nữa và tựa lưng về phía sau để đắm mình trong sự ngưỡng mộ của cô.
Cô hơi cau mày một chút.
“Thế anh không biết hiện giờ Sarah ở đâu à?” Cô hỏi.
“Không biết gì hết. Có thể cô ấy vẫn ổn, đang tạm ẩn nấp,hoặc có thể đang gặp rất nhiều rắc rối cũng nên.”
Ronnie dựa lưng vào ghế, nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi biết cô quý Sarah, bởi vì cô thực sự lo lắng. Rồi đột nhiên cô nhún vai và nhấp một ngụm cà phê.
“Ít nhất thì anh đã không đưa tập hồ sơ cho họ,” cô nói. “Đó là một điều tốt.”
Nói dối ai đó hiển nhiên là có hại. Họ bắt đầu thấy rối trí vì không biết điều gì là thật điều gì là giả. Tôi nghĩ như vậy cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
“Không, cô không hiểu,” tôi nhẹ nhàng giải thích. “Không có hồ sơ nào cả. Tôi đã nói với họ rằng có một cái, bởi vì tôi biết họ sẽ phải tới kiểm tra nó trước khi họ bắt tôi mà ném xuống sông hay bất cứ cách gì vẫn làm với những người như tôi. Cô thấy đấy, những người làm việc trong văn phòng thường tin vào các tập hồ sơ. Các tập hồ sơ quan trọng đối với họ. Nếu như cô nói với họ rằng cô có một tập hồ sơ, họ sẽ muốn tin vào điều đó,bởi vì họ có nhiều phòng để lưu trữ những thứ đó.” Tôi đúng là một nhà tâm lý học vĩ đại. “Nhưng tôi e rằng cái tập hồ sơ này đơn giản là chưa từng tồn tại.”
Ronnie ngồi thẳng dậy và tôi thấy cô đột nhiên phấn khích. Hai đốm nhỏ màu đỏ xuất hiện trên hai má cô nhìn thật dễ thương.
“Nhưng mà có tập hồ sơ thật đấy,” cô nói.
Tôi lắc đầu một cái để kiểm tra xem tai của mình có còn ở nguyên chỗ cũ không.
“Xin lỗi, cô nói gì?”
“Nghiên cứu Sau Đại học,” cô nói. “Hồ sơ của Sarah. Tôi đã nhìn thấy nó rồi.”
Tay Lái Súng Đa Cảm Tay Lái Súng Đa Cảm - Hugh Laurie Tay Lái Súng Đa Cảm