Rừng Xưa Xanh Lá epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 10: Thời Trai Trẻ Đã Qua
iữa năm 1994 Vũ Tín mở triển lãm ảnh cá nhân. Ðây là triển lãm cá nhân đầu tiên của anh khi anh đã ngoài sáu mươi tuổi.
Báo Lao Ðộng: Những tấm ảnh đó là những khoảnh khắc một đi không trở lại, là chứng nhân trước những sự kiện lịch sử dân tộc và thấm vào lòng người xem bằng cái tinh tế mượt mà của ánh sáng, của đường nét tạo hình qua con mắt và trái tim của một nghệ sĩ, chiến sĩ.
Báo Nhân Dân: 21 năm không cầm máy, nhưng vẫn không nguôi nỗi khát khao được đi lại đó đây để ghi lại những hình ảnh đẹp của đất nước. Trước khi về hưu, với tấm lòng yêu nghề và phấn đấu cao, Vũ Tín đã vượt lên sự nghiệt ngã của thương tật. Ðược sự giúp đỡ của cơ quan Thông Tấn xã Việt Nam và của vợ anh, Vũ Tín đã đi một cung đường dài dọc theo đất nước để thể hiện ý đồ từng ấp ủ.
Báo Quân Ðội Nhân Dân: Phòng triển lãm lần đầu của Vũ Tín tại bảo tàng Quân đội có hai mảng rõ rệt. Mảng thứ nhất là những tư liệu khá đắt thời ông chưa bị thương kể cho đến bức ảnh chụp nam nữ giao liên Trường Sơn trước ngày ông lao vào thành cổ Quảng Trị năm 1972. Phần thứ hai là phong cảnh, hội hè, là đất nước, con người mới chụp gần đây. Xem phần này thấy rõ là bác yêu đời và say sưa cầm máy đến thế nào. Lạng Sơn, Bát Tràng, Hà Nội, Sóc Trăng, Bến Tre...Cuộc hành quân nghệ thuật của bác sau này là trên đôi nạng gỗ, và luôn luôn có bác gái đi cùng.
Báo Thời trang trẻ: Trở về TTXVN, Vũ Tín làm công tác biên tập. Dạo ấy ông ít đi sáng tác và có vẻ buồn. Một thời gian sau, máu nghề nghiệp đã chiến thắng sự khủng hoảng tâm lý. Vũ Tín lại vác máy lên đường. Ông mất một chân chứ đâu mất cái đầu nghệ sĩ.
Báo Tuổi trẻ Thủ Ðô: Xem triển lãm ảnh nghệ thuật của Vũ Tín ta thấy mỗi bức ảnh là một tác phẩm nghệ thuật xứng đáng. Trong mỗi tác phẩm của anh, người xem như nghe thấy âm thanh của thiên nhiên, tiếng nói của cuộc đời, nó như hướng về mọi điều thiện ở thế gian.
Còn nhiều báo nữa. Gần như tất cả các báo trong Nam ngoài Bắc đều nói đến anh và triển lãm của anh. Tôi cũng quen Vũ Tín. Nói vậy là nói sự thật chứ không phải một kiểu thấy người sang bắc quàng làm họ...
Tôi quen anh từ đầu thập niên 60, chính xác hơn là vào năm 1960, khi tôi chuyển từ báo Tiền Phong về báo Hải Phòng, một sự thuyên chuyển công tác chẳng biết là may hay rủi, bởi vì nói theo kiểu Tái ông mất ngựa, trong cái may có cái rủi, trong cái rủi có cái may, hoạ phúc khôn lường.
Thời ấy xã hội được quản lý theo kiểu bao cấp. Khẩu phần tinh thần, khẩu phần vật chất đều được tiêu chuẩn hoá và phân phối. Phim này những ai được xem. Tin này loại lương bao nhiêu, chức vụ gì được biết. Ai được mua mỗi tháng mấy lạng thịt, bao nhiêu gạo, bao nhiêu muối, nước mắm, mua vào những ngày nào. Tôi còn nhớ những tối đi chơi phố (ở Hải Phòng và cả ở Hà Nội) khắp ngang cùng ngõ hẻm, đầu thành phố cuối thành phố, đến đâu cũng ngửi thấy mùi cá tầu. Cả thành phố được mua cá. Cả thành phố ướp trong mùi ngào ngạt ấy. Dù kho dưa. Dù rán hay nấu riêu, nghĩa là dù có những "biến tấu" khác nhau, vẫn nhận ra ngay cái vị ung ủng cơ bản của con cá vỡ bụng, con cá ướp đá sóng dồn lắc lâu ngày.
Giờ đây khi cuộc sống đã có những chuyển biến quan trọng sang nền kinh tế thị trường, nhớ lại những ngày ấy, nhiều nhà văn còn bảo nhau: Sao chưa thấy ai viết về thời bao cấp cả nhỉ?
Ðúng là chưa có ai viết về thời này. Một thời mà mỗi khi nhớ lại, bỗng nhiên thấy mình đã là những người anh hùng, đã vượt qua một quãng đời tưởng như là bịa đặt, không thế nào tin được. Và thế hệ hôm nay càng chẳng thể quan niệm nổi.
Ký ức của tôi còn lưu giữ những lần theo Vũ Tín đi mua thịt tiếp khách. Nhà tôi nhiều khách. Căn buồng của chúng tôi ở Hải Phòng như một cái túi đón khách, đón bạn bè.
Phải nói thật rằng ngày ấy thấy bố mẹ ở quê ra chơi cũng đã lo rồi. Lo và cả sợ. (Kính mong bố mẹ tha thứ cho con.) Tôi nghĩ không chỉ mình tôi có mối lo này. Nên cũng cứ mạnh dạn thú thật bằng mực đen giấy trắng. Tất nhiên là vui nhưng không thể không lo. Bởi vì vợ chồng con cái chen chúc trong một căn buồng rộng trên dưới hai mươi mét vuông. Bởi vì gạo sang kỳ cứ lùi lại mãi. Bởi vì mỡ hết cả tuần rồi. Bởi vì rau mậu dịch ôi dập thật đấy nhưng cũng không đến lượt chúng tôi. Xe rau vừa hạ xuống ven đường, người không biết từ đâu đã vòng trong vòng ngoài đen đặc như một cuộc mít-tinh. Chen lấn xô đẩy vào được sát xe mỗi người cũng chỉ được mua hai mớ. Nhưng cũng có những người ôm từng ôm bê từng sảo. Các vị ấy là người nhà, hay đã móc ngoặc với mậu dịch viên. Các vị ấy ngả rau ra vỉa hè cạnh đó mà bán lại. Các vị ấy đem rau về nhà băm nuôi lợn...
Cũng may tôi có Vũ Tín. Khiến có thể tự an ủi rằng mình cũng không đến nỗi thiệt, vẫn còn gỡ gạc được tí chút trong chế độ phân phối theo tem phiếu này. Ngược lại, còn có lúc cảm thấy hơn người. Hình như cảm giác hơn người này ai cũng có, ai cũng cảm thấy dù chỉ một lần, nếu không, thật là khó sống.
Ngày ấy Vũ Tín là phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Hải Phòng. Trong tay anh có hai máy ảnh. Một Rolley. Một Exakta. Hai máy ảnh cùng với chức năng chụp hoạt động các ngành kinh tế văn hoá xã hội và chiến đấu khiến anh có thể quen mọi người cần quen. Tất nhiên có cả các cô mậu dịch viên, từ cô bán gạo tới cô bán thịt, cô bán than, cô bán dầu hoả, bán công nghệ phẩm mà anh và vợ anh gọi bằng cái tên chung đầy âu yếm: Dì Hai. Ngày ấy ảnh còn là một mặt hàng quý giá cao cấp dù chỉ là ảnh đen trắng. Mấy ai có tiền đi chụp ảnh. Mà ngắm nhìn ảnh của mình bao giờ cũng là điều thích thú. Huống hồ lại là của độc: ảnh chụp mình ngay nơi làm việc! Một anh thợ mộc ở một xí nghiệp gỗ quốc doanh cảm động vì tấm hình anh đang cưa bào trong xí nghiệp do Vũ Tín chụp được đăng trên báo Nhân Dân, đã kỳ công dùng những mảnh gỗ vụn mà mỗi lần đạp xe từ xí nghiệp về nhà, anh lại buộc vào pooc ba-ga một mảnh để qua mắt bảo vệ (thời ấy không ai có thể có gỗ tấm -nó quý gần ngang với ngà voi) đem về nhà ghép lại, đóng cho Vũ Tín một cái tủ buýp-phê mà mỗi khi đóng cánh cửa tủ, Tín lại bắt tất cả những ai có mặt trong thời khắc thiêng liêng đó phải im lặng lắng nghe. Rồi anh quay lại hỏi mọi người:
- Có nghe thấy tiếng phooòm không?
Anh cả quyết có tiếng phooòm ấy. Ðó là tiếng của không khí bị nén thành gió trào ra ngoài khi cánh tủ đóng lại. Cái tủ của anh mộng mẹo khít như vậy đấy.
Vũ Tín đã giúp tôi rất nhiều trong khâu hậu cần tiếp khách. Cả những khi không có khách như những lúc vợ đau con ốm. Tín có rất nhiều Dì Hai. Anh cười hề hề giảng cho tôi về quy trình chụp ảnh và mua thịt của anh. Hôm chụp ảnh. Một lần mua. Tất nhiên rồi. Mấy hôm sau cho xem phim. Cầm phim soi soi lên giời. Một lần mua. Lần thứ ba. Xem ảnh in thử, khổ 3x4. Lại mua. Lần thứ tư là lần đem tấm ảnh 6x9 nghiêm chỉnh đến. Và nếu khéo tán tỉnh, Dì Hai bốc lên đồng ý: Phóng to cỡ 13x18 hay 18x24 (Dì Hai hoàn toàn không phải trả tiền) để làm một cái xú ve thì được mua đến lần thứ năm. Riêng lần này có thể mua mông sấn hay mỡ lá, những thứ cực kỳ quý hiếm.
Mỗi khi bí quá tôi lại cầu cứu Vũ Tín. Anh vui vẻ dắt xe đi ngay. Tôi đạp xe theo anh, rụt rè theo anh tiến vào sát quầy. Những câu chào hỏi thân mật, nhạt nhẽo tuỳ theo tình thân của anh với các cô mậu, tuỳ theo tấm ảnh anh chụp đã đến công đoạn nào. Bà bán thịt chợ Sắt chào anh một câu mới khiếp. Bà reo to giữa chốn chợ búa đông vui:
- Chào ông thông gia chó đéo!
Tôi phục anh. Thương anh. ái ngại cho anh. Còn anh thông cảm với khó khăn của tôi.
Ðể tạo thuận lợi cho tôi, để tôi khỏi lẵng nhẵng bám theo anh, anh quyết định bàn giao cho tôi cô bán thịt cửa hàng Mi sô, cửa hàng cung cấp đặc biệt, một Dì Hai thân nhất, quan trọng nhất của anh. (Trước đó anh cứ đe là sẽ nhượng lại bà bán thịt Chợ Sắt thông gia làm tôi sợ hết hồn.) Cô mậu dịch viên Mi sô xinh đẹp thuỳ mị này đã đến nhà Vũ Tín và được con anh chào bằng cái tên chung vẫn dùng sau lưng các cô:
- Cháu chào Dì Hai!
Ôi! Những tiếng chim non! Chủ khách cùng ngượng. Nhưng không sao. Chuyện con trẻ ấy mà. Càng chứng tỏ cô được cả nhà quý mến. Cô mậu dịch viên Mi sô cùng Vũ Tín đến nhà tôi. Cô rất đáng yêu. Trông giống những cô gái ngoại thành con nhà nền nếp trong tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng vậy. Thật khác hẳn những cô bán thịt khác. Tôi pha cà-phê. Ba người uống. Vũ Tín cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mối mai. Nhưng ngay lúc đó tôi hiểu rằng cái ý định tốt đẹp muốn tác thành Dì Hai của anh cho tôi không thực hiện được, dù đó là cô bán thịt Mi sô, một cửa hàng chuyên bán cho phiếu C và những người ở chuồng dê, nghĩa là những người có phiếu loại D (riêng chuồng dê này lại còn chia ra dê non, dê cụ, là hai loại phiếu D khác nhau của hai bậc lương khác nhau) thuộc những bậc lương cao nhất thành phố. Chỉ Vũ Tín thao thao. Còn chúng tôi không biết nói gì với nhau. Cô là khách. Lại là con gái. Im lặng đã hẳn. Còn tôi. Muốn nói lắm. Nhưng nói cái gì? Chả lẽ lại nói với cô về các yếu tố của tin tức, về báo chí vô sản, về hiện thực xã hội chủ nghĩa, về tính Ðảng, tính giai cấp, tính nhân dân trong văn học? Hay quầy hàng sạch sẽ? Vui lòng khách đến vừa lòng khách đi? Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng? Ðể rồi hôm sau ra cửa hàng tới quầy thịt thì thầm: "Chị ơi. Nhà có khách. Bí quá... Chị linh động..."
Những câu như vậy tôi chỉ có thể nói với Vũ Tín để Vũ Tín tái bản với các cô mậu dịch. Quả thật Vũ Tín là người dũng cảm tuyệt vời. Anh có khả năng nói to rất tự nhiên những câu tôi chỉ dám đỏ mặt thì thầm. Và đối với tôi, anh mới tốt làm sao!
Bởi vậy nên tôi cực kỳ hoang mang khi một lần sang anh nhăn nhó nhờ anh mua cho tý thịt hay chỉ vài bìa đậu thôi cũng được, có bà mẹ vợ từ Hà Ðông xuống chơi thì anh từ chối thẳng thừng: Ðang chết đây. Thằng Minh Trường xuống cũng chỉ có rau muống tần thôi đây. Không dám vác mặt đi gặp Dì Hai nữa đây.
Mãi sau tôi mới vỡ lẽ ra rằng Dì Hai ở cửa hàng Mi sô, nguồn thực phẩm chủ lực mà cứ có gì đột xuất anh lại tới đó, Dì Hai xinh đẹp thuỳ mị mà anh có ý định tác thành cho tôi đã đi lấy chồng. Dì Hai lấy chồng thì Vũ Tín phải đi chụp ảnh trong ngày cưới rồi. Một cơ hội lập công tuyệt vời không thể bỏ qua. Cũng như có Vũ Tín, Dì Hai hoàn toàn yên tâm về phần ảnh, dành tâm trí tập trung lo những việc khác.
Hôm ấy Vũ Tín chụp thì khiếp lắm. Chụp trước, trong và sau lễ cưới ở cả hai họ, nhưng chủ yếu ở họ nhà gái, tất nhiên. Cô dâu trang điểm. Cô dâu đứng một mình trước bàn thờ. Cô dâu cùng chú rể đứng trước bàn thờ. Tiệc cưới mặn. Cô dâu cùng chú rể đi các bàn chào hỏi. Cô dâu cùng chú rể lên xe hoa. Rồi hội trường. Phông cưới có hai con chim câu tung cánh trên một nền lô nhô những tháp Ai Cập, xứ sở của A-la-đanh và cây đèn thần, của người thuỷ thủ Xin-bát, nổi lên là hai chữ đầu tên hai người lồng vào nhau. Ông chủ hôn cầm mi-cờ-rô. Rồi cha mẹ đôi bên. Lại cô dâu chú rể đi chào từng bàn tiệc trà. Gia đình chụp với cô dâu ở hội trường (riêng chủ đề này đã có bao nhiêu kiểu rồi). Rồi cũng như vậy nhưng thay bằng bè bạn. Ðều là đứng trước những ngọn tháp Ai Cập, những chim câu tung cánh, những chữ cái lồng vào nhau. Lại theo về nhà giai. Vào tận phòng tân hôn dàn dựng những pha trong buồng the... Không tiếc phim. Không tính toán. Hết cuộn này tới cuộn khác.
Ðám cưới kết thúc. Vũ Tín lao ngay vào buồng tối tráng phim. Cuộn đầu tiên giơ lên soi thử. Trắng toát. Không được một pô nào. Hoảng quá. Hoang mang cực kỳ. Phim còn tốt. Còn đát. Ðã để đúng số đin. Vì sao? Làm vội cuộn thứ hai. Không khác gì cuộn đầu. Trắng toát. Và những cuộn sau. Cũng đều như vậy. Vẫn là trắng toát. Không thể diễn đạt được sự thất vọng hoảng loạn của anh. Phim tốt. Máy tốt. Thôi chết rồi! Giết người rồi! Khốn nạn rồi! Trong lúc phấn khởi vì được lập công dâng Dì Hai, anh đã cắm ắc-quy vào lỗ đèn ma-nhê trong khi lẽ ra phải cắm vào đèn flash. Cả lễ cưới, trước, trong và sau không được một pô! Còn mặt mũi nào gặp Dì Hai nữa! Gặp cũng không dám chứ đừng nói đến chuyện mua thịt!
Vũ Tín thành thật đau đớn ân hận nhận hết tội lỗi của mình. Dì Hai khóc. Khóc ghê quá. Dì Hai không thể tưởng tượng nổi. Một phóng viên nhiếp ảnh nhà nghề, có hạng, được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế mà chụp ảnh đám cưới của cô cũng không xong. Không có một tấm nào ghi lại ngày trọng đại ấy của cuộc đời cô. Mà đời người chỉ cưới có một lần!
Vũ Tín đau khổ không kém cô, nếu không nói là hơn. Nhiều tuần, nhiều tháng anh không dám bén mảng tới Mi sô. Không dám gặp Dì Hai. Thất thu. Thất thu đến cả tôi. Tôi rất mong Tín sớm lập công chuộc tội. Nhưng là công gì? Chờ Dì Hai li dị, lấy chồng khác ư? Chờ đám cưới lần thứ hai của Dì Hai để chụp ảnh và nhớ không lắp ắc-quy vào lỗ đèn ma-nhê ư? Thật là bế tắc.
Nhưng rồi một cơ hội cũng đến. (Không phải Dì Hai lấy chồng mới. Dì sống rất hạnh phúc.) Ðinh Thuý, phó chủ nhiệm phân xã nhiếp ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, sếp của anh xuống Hải Phòng làm việc. Ðinh Thuý có mang theo máy ảnh mầu và phim mầu -một thứ cực kỳ sang trọng quý hiếm thời đó, một công cụ sáng tác và cũng là một thứ vũ khí huỷ diệt tuỳ thân.
Vũ Tín thú thật với cấp trên của mình tất cả. Anh nhờ thủ trưởng cứu vãn tình thế. Ông phó chủ tịch phân xã nhiếp ảnh nhận thức được tình hình là nghiêm trọng: Không thể chụp hỏng ảnh đám cưới một cô mậu dịch viên bán thịt được!
Thế là Vũ Tín đạp xe đến cửa hàng Mi sô. Lâu lắm mới dám vác mặt đến cửa hàng. Ðã quen rồi nỗi thất vọng vì ảnh đám cưới hỏng hoàn toàn, Di Hai nhìn Vũ Tĩn nhăn nhăn nhở nhở từ xa đến mà thấy thương thương:
- Anh Tín cần gì không?
Chao! Những miếng thịt lợn để trên quầy trông đế hoa cả mắt. Nhưng anh lắc đầu:
- Em có muốn chụp ảnh mầu không?
Dì Hai còn chưa hiểu. Vũ Tín trợn mắt:
- Ðẹp lắm. Em không hình dung được đâu.
Và anh giảng cho Dì Hai về sự cực kỳ quý hiếm của máy ảnh mầu, phim mầu, về kỹ nghệ tráng rửa, in phóng ảnh mầu. Cả Thông tấn xã chỉ có vài người được chụp. Mỗi khi chụp phải lên nội dung, thuyết minh để lãnh đạo duyệt. Phần lớn là chụp ảnh lãnh tụ, những hội nghị, những buổi tiếp khách quan trọng của Ðảng và Nhà Nước. Cả nước cũng chỉ có một nơi in phóng được ảnh mầu là Thông tấn xã... Khó khăn như thế nhưng lần này vẫn có thể chụp cho Dì Hai vì đích thân ông phó chủ nhiệm phân xã nhiếp ảnh xuống làm việc với anh và sẵn sàng chụp...
Lời đề nghị có vẻ li kỳ hấp dẫn. Thái độ chân thành của một người muốn chuộc lại lỗi lầm. Dì Hai bằng lòng.
Thế là những tấm ảnh mầu chụp Dì Hai áo dài quần trắng tha thướt đứng giữa vườn hoa Hạ Lũng ra đời. Cả ảnh chồng Dì Hai đại cán tề chỉnh tặng hoa Dì Hai... Nhận thư của Ðinh Thuý, Vũ Tín lên ngay Hà Nội mang ảnh về. Chúng được lồng khung treo ở nhà Dì Hai. Ai đến cũng phải trầm trồ xuýt xoa. Dì Hai không khóc nữa. Dì Hai lại còn cười. Và những lúc khó khăn, Vũ Tín lại có thể đến Mi sô mua thịt hay đậu, hoặc vừng lạc, đỗ tương... Cho mình và cho bè bạn.
Ngay trong những năm 60 ấy, Vũ Tín đã là một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng. Bức ảnh Bên dòng Tam Bạc của anh đã được giải nhất trong cuộc triển lãm ảnh toàn quốc. Ðó là toàn cảnh nhà máy xi-măng nằm ở vị trí hợp lưu của hai dòng sông Tam Bạc và sông Cấm chụp từ góc độ cao.
Khi đặt chân về Hải Phòng, ngay lập tức nhà máy xi-măng đã cuốn hút, ám ảnh anh. Anh đã được xem nhiều bức ảnh bạn bè chụp nó. Nhưng đứng trước một nhà máy xi-măng "bằng xương bằng thịt" anh thấy những bức ảnh ấy chưa nói được vẻ đẹp hùng vĩ nên thơ, lại thấm đẫm mồ hôi nhọc nhằn vất vả của cảnh và người, một đặc trưng của Hải Phòng, thành phố công nghiệp lâu đời, thành phố lớn thứ hai miền Bắc đang bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Anh đã nghĩ nhiều về nó. Anh đã đạp xe quanh nó nhiều lần. Và anh đã chọn cho mình một vị trí tuyệt vời để bấm máy. Ðó là tháp nước của nhà máy bê tông đúc sẵn mới xây dựng bên này cầu treo xi-măng.
Toàn cảnh đã hiện ra trong ống kính Rolley. Bắt đầu là chiếc cầu bắc qua sông Tam Bạc đang cất lên nhịp giữa cho tầu thuyền xuôi ngược. Giữa dòng, chiếc tầu kéo đang đạp nước kéo theo những chiếc xà-lan rằm mạn. Phía cuối dòng, trên bờ sông, cần cẩu vàng trên bệ cao há miệng gầu khổng lồ vục xuống một chiếc sà-lan đỗ bến, cạnh đó là băng chuyền đá. Phía trong là ngang dọc đường đi lối lại, với ô-tô, xe goòng, với biết bao nhà xưởng. Nhà máy điện, công trình xi-lô, nhà tháo. Và lò nung với những ống khói vươn lên toả khói trắng trên nền trời xanh. Xa hơn nữa dòng sông Cấm xoai xoải hội với dòng Tam Bạc ở một vị thế gần như vuông góc, mang nước ra khơi...
Ðứng trên tháp nước nhà máy bê-tông đúc sẵn, anh tin rằng sẽ có một bức ảnh đẹp, diễn đạt đúng những suy nghĩ của anh về cuộc sống. Tất cả chờ anh bấm máy. Nhưng anh còn phải trèo lên trèo xuống tháp nước nhiều lần. Bởi vì vẫn chưa hội tụ đủ điều kiện. Lúc có thuỷ triều lại không có ánh sáng. Lúc ánh sáng đẹp lại không có thuỷ triều. Khi thuỷ triều và ánh sáng đều như ý thì gió lại thổi ngược khói xi-măng về phía ống kính.
Khi bức ảnh được đăng báo lần đầu tiên (một bức ảnh nói được không khí của đất nước sau thời gian khôi phục kinh tế đang bước vào giai đoạn công nghiệp hoá, vừa trữ tình lại vừa mang vẻ hùng tráng của sự nghiệp công nghiệp hoá trên một mảnh đất ven sông của tổ quốc ta tươi đẹp) đồng chí Hoàng Hữu Nhân, bí thư thành uỷ kiêm chủ tịch uỷ ban hành chính thành phố mời anh tới gặp. Ðồng chí khen bức ảnh và tặng anh mấy bao thuốc lá:
- Anh mới về Hải Phòng thôi nhưng anh hiểu Hải Phòng đấy. Người Hải Phòng có câu Hải Phòng có bến Sáu Kho. Có sông Tam Bạc có lò xi-măng. Ba đặc điểm tượng trưng cho Hải Phòng anh đã chụp được hai. Còn bến Sáu Kho nữa thôi.
Lời khen của đồng chí bí thư kiêm chủ tịch thành phố đã khích lệ anh. Ðồng chí chỉ nói vậy nhưng anh hiểu rằng anh có trách nhiệm chụp nốt đặc trưng thứ ba của Hải Phòng: Bến Sáu Kho.
Vũ Tín suy nghĩ về bức ảnh anh sẽ thể hiện. Cũng như nhà máy xi-măng, Cảng đã có nhiều người chụp. Nhưng đều chụp từ phía trong ra, phía cầu ra. Có những bức ảnh đẹp. Nhưng gợi và gây ấn tượng thì không được là bao. Anh quyết định chọn góc độ chụp khác: Chụp từ phía sông vào. Mấy ngày liền anh qua phà Bính, đạp xe về mãi Tân Dương. Ở đó từ chiều đến đêm và nhìn ngược trở lại. Ban đêm bến Cảng nhìn từ phía Thuỷ Nguyên mới đẹp làm sao. Một thành phố nổi trên mặt nước. Ðiện. Một rừng điện chi chít. Ðiện trên những cần cẩu cao ngất. Ðiện trên boong. Ðiện sáng trong các ô cửa ca-bin tầng tầng lớp lớp. Và điện in thành một dải vàng nhẫy trên dòng sông Cấm gờn gợn sóng. Anh đã đi đến một quyết định. Tấm ảnh về bến Sáu Kho của anh sẽ có hình bóng những con tầu tưng bừng ánh điện. Những con tầu chỉ còn là những cái bóng không có chiều dầy nổi lên trong ánh chiều tà. Và trên cái bóng của những con tầu trong giờ khắc giữa ngày và đêm giao nhau ấy là những ánh đèn. Ánh điện từ thân tầu, từ đằng mũi đằng lái, từ trên cần cẩu và trong các ô tròn, vuông, chữ nhật của các cửa ca-bin tầu nọ nối tiếp tầu kia như những người anh em, bên dưới là dòng sông lấp lánh ánh vàng mài miệt trôi... Phải hai lần bấm máy. Lần thứ nhất vào lúc hoàng hôn. Lần thứ hai khi trời tối hẳn, khi ánh điện trên các tầu là độc tôn trên nền trời. Anh đã làm như vậy. Lắp trépied (chân chống), tính khẩu độ. Bấm máy. Rồi chờ. Ðể nguyên máy trên chân chống. Chờ. Chờ trời tối hẳn như đã định trước. Lại bấm. Chụp những ngọn đèn. Chụp ngày hội ánh sáng trên những con tầu mờ mờ trải dọc bến cảng.
Ngay lúc bấm máy lần thứ hai anh đã biết rằng thất bại rồi. Trong hai tiếng đồng hồ chờ trời tối hẳn để ánh sáng điện là độc tôn trên trời ấy, triều đã xuống. Dẫy tầu đậu san sát ở cầu ấy đã xuống thấp rồi. Ðèn ấy đâu phải của những con tầu anh đã chụp.
Tấm ảnh đầu tư nhiều công sức, nhiều suy nghĩ thất bại. Mãi mãi anh không chụp được đặc điểm thứ ba của Hải Phòng, hoàn chỉnh bộ sưu tập của anh.
Cuộc đời là như vậy. Có những sáng tác công phu vất vả, đặt vào đó rất nhiều hy vọng lại thất bại. Ngược lại có sáng tác không hề lường trước, không hề nghĩ đến, như trên trời rơi xuống, như vớ được lại thành công.
Những năm 60 ấy Vũ Tín hay đi xa. Nông thôn, nông nghiệp vừa nằm trong lĩnh vực công tác của anh, vừa hấp dẫn anh. Không chỉ đi các huyện ngoại thành, anh còn lang thang tới cả các làng xã thuộc Hải Dương, Hưng Yên. Trong một chuyến đi như vậy, anh đã bắt gặp ở Hưng Yên một cảnh đập lúa trên một sân kho hợp tác rộng gần như là mênh mông. Ðó là một chiều mùa Ðông không có nắng. Người, thóc, lúa, rơm đầy sân. Bụi thóc, bụi rơm rạ mờ mờ. Tất cả chăm chú vào công việc, vào khâu lao động cuối cùng trong thu hoạch, kết thúc những ngày tháng chân cứng đá mềm, cầy bừa, cấy hái, chăm bón, trông đợi, hy vọng..., khâu lao động cuối cùng để mồ hôi thành lúa gạo, để rơm lên đống thóc vào bồ. Không ai chú ý đến anh. Không trông thấy mặt một ai. Chỉ có những người đang làm việc. Chỉ có những chiếc nón quây tròn. Anh bấm máy. Rất nhanh. Như một thứ ảnh tân văn. (Sau này khi tấm ảnh gửi đi dự thi ảnh quốc tế, ban giám khảo phân tích: Tác giả đã sử dụng kỹ thuật vòng tròn. Những người đập lúa đội nón tròn, quây lại thành những vòng tròn, những đống lúa tròn, những đống thóc tròn, những đống rơm tròn...Tôi không phải là nhà nhiếp ảnh, nên không nhận ra cách bố cục ấy. Nhìn tấm ảnh của bạn tôi Vũ Tín, tôi chỉ ngửi thấy mùi rơm tươi dập nát, mùi thơm cơm mới. Tôi nghe thấy tiếng lửa reo trong bếp. Và tôi nhìn thấy đất đai...)
Ít ngày sau đó, qua ngôi đình một làng thuộc tỉnh Hải Dương, anh lại chụp được một tấm ảnh khác: Một lớp bình dân học vụ. Lớp học ban ngày cho những bà mẹ những người chị sau những giờ lao động trên đồng ruộng.
Hai bức ảnh cùng với nhiều bức ảnh khác được chọn đi dự thi ảnh của tổ chức Nhà báo quốc tế OIJ. Kết quả thật tuyệt vời! Tuyệt vời cho Vũ Tín và tuyệt vời cho cả Việt Nam nữa. Bức ảnh Ngày mùa trên sân hợp tác của anh đoạt giải nhì. Còn bức ảnh Xoá nạn mù chữ đoạt giải ba. Một cuộc thi Việt Nam chiếm liền hai giải, Vũ Tín chiếm liền hai giải.
Giải thưởng là một chiếc cúp pha lê có khắc hình một phụ nữ ở trần đựng trong một cái hộp lót nhung, có cánh mở ra mở vào như cánh tủ. Không có tiền kèm theo. Hơi gay là vậy. Bạn bè trong thành phố chúc mừng. Bạn từ các tỉnh khác đến chúc mừng. Ðoạt hai giải thưởng quốc tế cùng một lúc, Vũ Tín không thể đón bạn chỉ bằng chè cám và thuốc là Trường Sơn. Phải làm một bữa liên hoan. Phải đi ăn hiệu. Nhưng tiền đâu? May sao gặp Tạ Ðình Ðề khi đó đã chuyển về Tổng cục Ðường sắt, phụ trách thể dục thể thao. Ngắm cái cúp, ông Tạ Ðình Ðề mê tít.
- Bán cho tao. Tao mang về làm cúp thể thao luân lưu cho ngành đường sắt.
Bên cần bán. Bên muốn mua. Ngã giá 150 đồng. Một món tiền kha khá ngày ấy. Bữa liên hoan đầu tiên đã hết 35 đồng. Chị Tuy, vợ Tín đòi giữ số tiền còn lại. Tín dùng dằng không đưa ngay. Chị Tuy dỗi. Tín... thua.
Từ Hà Nội, Vũ Tín biệt phái xuống Hải Phòng. Vợ chồng anh tá túc trong một gian buồng xép gần nhà bếp cơ quan tôi khi ấy có tên gọi là báo Hải Phòng kiến thiết. Nhưng chỉ một mình Vũ Tín có hộ khẩu, nghĩa là có các tiêu chuẩn, các định lượng được quy định bằng tem phiếu để có thể duy trì cuộc sống. Vợ anh và hai cháu bé thì không. Nhập hộ khẩu thành phố hoàn toàn không đơn giản.
Dễ hình dung những khó khăn về kinh tế, sinh hoạt, cơm áo gạo tiền của gia đình anh. Thế nhưng anh vẫn lao vào công việc, lao vào sáng tác. Thế nhưng anh vẫn cưu mang tôi khi cần phải đến với các dì hai.
Ngày ấy Vũ Tín sống được một phần nhờ các dì hai và một phần nhờ Ð.H. Ð.H. lo cho anh từ cái hòm đựng quần áo, cái thùng đựng gạo và cả gạo, thịt, đường, sữa nữa. Ð.H. thì gần như không quen ai ở các cửa hàng, nhưng lại công tác ở sở Thể dục Thể thao. Mỗi năm thế nào chả có vài lớp tập huấn vận động viên, người đến trước, người đến sau, người học dở chừng, các tiêu chuẩn thế nào chẳng còn thừa lại. Ð.H. chịu khó xin những tem gạo, tem thịt, đường sữa còn thừa ấy và đưa cho Vũ Tín.
Ngày ấy sống mới nhẹ nhõm làm sao! Con người không bị những tiện nghi, những vật chất níu kéo. Vũ Tín với cái xe đạp Alfa de luxe Tube Peugeot tòng tọc mọi bộ phận đều kêu trừ có cái chuông lang thang khắp nơi. Anh đã tổ chức thành công triển lãm ảnh đầu tiên của thành phố sau giải phóng khi trong tay không có lấy một cái khung ảnh, một đồng kinh phí. Không hiệu ảnh nào thoát khỏi cuộc viếng thăm của anh. Và không hiệu ảnh nào không cho anh mượn khung ảnh để làm triển lãm.
Tài sản giá trị nhất của anh ngày đó -một tài sản mà chúng tôi đều thèm muốn -là chiếc áo va-li-de trắng của anh. Cái áo va-li-de thật thần kỳ biết bao. Chúng tôi xúm lại xem anh biểu diễn với cái áo. Anh cởi cái áo va-li-de đang mặc trên người. Ngâm nước. Vò xà-phòng. Giũ. Rồi cứ cầm cái áo ướt đẫm ấy mà quay vun vút. Vừa quay vừa cười hề hề:
- Có muốn vắt cũng không vắt được. Cứ quay thế này là khô.
Quay một lúc anh lại mặc cái áo vừa cởi ra giặt trước con mắt thán phục thèm thuồng của chúng tôi.
Trong những ngày lang thang các miền rừng núi, tôi hay nhớ đến Vũ Tín với khuôn mặt xương xương, hai má hóp, với cái áo va-li-de của anh.
Rồi được đọc báo, xem ảnh đăng trên báo, biết anh đã đi B. Mãi đến khi ra tù mới biết anh đã để lại một chân trên chiến trường Quảng Trị. Bè bạn kể cho tôi nghe về anh như sau: Không thuốc men, tải thương khiêng anh vượt bom đạn, nằm hầm, lội suối, vượt sông sang bờ Bắc. Tới bệnh viện dã chiến đầu tiên, bác sĩ tháo băng cho anh, không tin ở mắt mình: Vết thương của anh đã lên da non. Anh được bà chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Cộng hoà dân chủ Ðức mời sang lắp chân giả. Người anh hùng nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam ấy là thượng khách ở Béc-linh. Trước khi ra sân bay về nước, anh vô cùng hồi hộp và cảm động khi thấy bà chủ tịch đến trao tặng anh một va-li to đùng. Anh đỡ cái va-li. Nặng. Lòng anh rộn lên. Một va-li tặng phẩm nặng. Tặng phẩm cho anh chắc chắn là những gì liên quan đến nghề nghiệp. Một chiếc máy ảnh tối tân kèm theo những phụ tùng, những ống kính chụp xa, những ống kính chụp gần, có thể chụp được từ con vi trùng bé tí tới sao Bắc Ðẩu, và những trépied, những đèn flash, những trang bị buồng tối. Toàn những thứ anh ao ước. Anh sẽ có những phương tiện nghề nghiệp không ai có để mà sáng tác, để mà kiếm sống trị giá không biết bao nhiêu là tiền bạc. Anh sẽ đổi đời từ đây. Nên người từ đây. Từ cái va-li này. Chờ bà chủ tịch ra về, anh cài trái cửa, cố nén hồi hộp mở va-li. Thật bất ngờ. Không máy ảnh. Không ống kính tê-lê, không máy phóng. Không giấy ảnh, thuốc ảnh. Trong va-li là một cái chân giả giống hệt cái chân vừa lắp. Một cái chân giả xơ-cua!
Chuyện thật li kì và cười ra nước mắt. Nhưng hoá ra không phải thế. Ðó chỉ là tin vịt. Ðó chỉ là huyền thoại của những người yêu anh bịa đặt về anh. Bởi vì chính tôi đã gặp Vũ Tín và hỏi chuyện anh.
Biết tôi đã trở về, Vũ Tín xuống Hải Phòng thăm tôi. Với một cái chân giả, anh đã đèo chị Tuy từ Hà Nội về Hải Phòng thăm tôi trên một chiếc xe Java, không phải loại Java to đùng kềng càng, mà là loại xe bé hơn cả xe Babetta, loại xe Nguyên Bình đã được thưởng khi đoạt giải nhất văn học viết cho công nhân của Tổng Công đoàn và Hội Nhà văn, Bình đã không dám đổ xăng vào mà cứ thế dắt thẳng ra chợ giời để bán được với cái giá xe chưa đổ xăng. Cái chân giả của Vũ Tín lên thang kêu cót két cót két ghê người. Anh cười hề hề, điệu cười quen thuộc, lâu lắm mới lại được nghe tiếng cười ấy.
- Bao nhiêu năm rồi. Sắt thép cũng phải mòn chứ. Chỉ có xương người là chịu được thôi ông ạ.
- Nhưng mà ông có một cái chân xơ-cua cơ mà.
- Ai bảo? Ai bảo?
Vũ Tín hỏi gần như sừng sộ. Rồi lại cười hề hề. Tiếng cười của anh lúc nào cũng hồn nhiên quyến rũ. Rồi anh kể cho tôi nghe chuyện đi B của anh. Khi đó anh đã về Hà Nội và được đề bạt phó trưởng ban nông nghiệp của Thông tấn xã Việt Nam. Lương 96 đồng, nghĩa là còn thiếu 6 đồng nữa thì được vào Việt Xô chữa bệnh. (Vũ Tín nhấn mạnh với tôi như vậy. Và cười. Gặp nhau dù hoàn cảnh như thế nào chúng tôi cũng vẫn cứ cười.) Thì một hôm Ðỗ Phượng, phó tổng giám đốc Thông tấn xã mời lên bảo:
- Tôi biết đồng chí sức yếu, các cháu lại còn nhỏ. Nhưng phải có người đủ năng lực vào trong B để tập hợp, tổ chức chuyển ảnh chiến trường về Hà Nội. Ðồng chí có đi được không?
Vũ Tín thuộc diện sức khoẻ yếu ở cơ quan, lúc đó cháu Hà, đứa con gái lớn của anh lại đang ốm. Nhưng anh đáp không ngần ngại:
- Tôi sẵn sàng.
Thế là được phát ngay ba-lô, quần áo giải phóng, mũ tai bèo. Ba hôm sau anh từ biệt vợ con, từ biệt cơ quan lên đường. Nhìn Vũ Tín khoác ba-lô vào B, Minh Trường tuyên bố: Trong cơ quan này Vũ Tín đi B được thì không ai không đi B được.
Bắt đầu những cuộc hành quân. Vượt hàng rào điện tử Mac Na-ma-ra. Những trận bom toạ độ.
Trong chiến trường Vũ Tín ở với ban chỉ huy mặt trận B5. Anh nhận phim của các phóng viên mặt trận, tổ chức tráng phim, soi phim làm ảnh, duyệt và phát tê-lê-phô-tô về Hà Nội. Ðịa điểm đặt máy phát thay đổi hàng ngày để tránh máy bay địch phát hiện. Nhiệm vụ cuả anh là như vậy. Nhưng anh không thể không chụp ảnh. Ðã vào chiến trường mà không có ảnh chiến trường của mình còn ra làm sao nữa. Anh báo cáo với cục chính trị mặt trận xin được làm thêm nhiệm vụ chụp ảnh ngoài trận địa. Lãnh đạo mặt trận đồng ý. Thế là Vũ Tín với chiếc máy ảnh có mặt khắp nơi. Máy bay địch bay vè vè trên đầu. Pháo nổ không dứt. Tai ù đi. Ðiếc đặc. Quen rồi. Chỉ những lúc im tiếng súng, im tiếng máy bay mới làm mình bỡ ngỡ. Vũ Tín len lỏi trong Trường Sơn "theo bước chân giao liên" 1. Gặp "Trung đoàn 56 nguỵ phản chiến" 1 và ghi lại phút lịch sử của chính phủ Cách Mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tiếp nhận những người con lầm đường lạc lối quay về với cách mạng. 2 Vào thành cố Quảng Trị chụp các chiến sĩ ta chốt trong thành cổ. Ðến nhà thờ Ái Tử chụp trận đánh vừa kết thúc còn nồng mùi thuốc đạn và mùi máu. Ðó là giai đoạn quân đội Sài gòn mở chiến dịch tái chiếm Quảng Trị, những ngày đẫm máu nhất trong quá trình cuộc chiến 30 năm của dân tộc. Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ của người phụ trách trạm truyền phát ảnh, sáng nào Vũ Tín cũng chuẩn bị máy, phim và mặt nạ lên đường.
Buổi sáng hôm ấy đang đánh răng, tự nhiên thấy họng khô khốc và loa loá trước mắt như chớp lửa hàn, anh vội chụp mặt nạ phòng hơi độc và chui xuống hầm. Không thấy người chỉ huy mặt trận, người luôn cùng anh bên nhau, ăn ngủ nằm hầm, người vừa cùng anh chui ra sau giấc ngủ ban đêm, anh gọi to:
- Anh Ðồng ơi!
Có tiếng gì như tiếng rít, tiếng khoan vào gió và lại loa loá như chớp lửa hàn. Trời nhợt ra theo từng nhịp co giật của không khí và hình như cát trên trần hầm rơi xuống. Lại thấy nhói ở chân. Anh lao ra cửa tìm Ðồng. Còn nghe người cần vụ của Ðồng hét lên:
- Anh Tín!
Sau đó là hỗn mang. Không còn không gian. Không còn thời gian. Ngực bị gió đập mạnh. Lưng bị đẩy ép ngược trở lại. Sáng loà. Rồi tối sầm. Khói. Cát bụi. Mù mịt. Anh ngã quật xuống. Hình như anh đã vùng đứng lên ngay. Và nhìn chung quanh. Tất cả thành bình địa. Nhìn lại mình: Không một mảnh vải che thân. Anh sờ nắn các bộ phận thân thể. Tất cả bình thường. Nhưng cào gót chân thấy đau...
Hàng chục năm sau, ôn lại cái ngày ghê gớm ấy, Tín bảo tôi:
- Cũng còn may ông ạ. Cái hầm của bọn tôi phủ ba bao cát, nhưng bom rơi đạn nổ nhiều nó tụt đi đâu mất một bao nên chỉ còn hai. Nếu là ba lớp bao cát thì tôi chết rồi. Bởi vì ba lớp bao cát thì sẽ có độ dầy 80 phân. Hai lớp bao chỉ dầy chưa đến 60 phân. Mà bom bi phải khoan 80 xăng-ti-mét thì kim hoả mới chạm vào ngòi nổ. Mới khoan 60 xăng-ti-mét nên gặp gót chân tôi nó tiếp tục khoan, khoan thêm trên 20 xăng ti mét nữa mới nổ. Thì tôi đã ra đến ngoài cửa hầm rồi.
Vũ Tín dần dần cảm thấy đau. Trần như nhộng, anh lò cò qua những hàng rào dây thép gai mà những người dân Quảng Trị căng như một thứ bờ rào. Cái chân có gót bị bom khoan vướng vào một khúc thép gai nhọn. Ðứng vững trên một chân, anh xoay người lại, gỡ chân ra. Anh thấy có người đỡ lấy anh, buộc giây cao su vào chân làm ga-rô cho anh. Còn nghe thấy nói Ðồng đã hy sinh. Rồi ngất đi.
Khi tỉnh lại thấy mình đang nằm trên một chiếc giát giường đặt trong một vườn ổi. Anh biết tất cả thương binh đều không được vào nhà dân. Anh cử động chân tay và chỉ đến lúc ấy mới biết rằng tứ chi mình đã bị trói chặt. Nhìn lên lại thấy trên cành ổi treo hai túi ni-lông đựng thứ nước gì mầu vàng nhạt, có những ống nhỏ dòng xuống người mình. Rồi có những người đến. Anh nhận ra là các bác sĩ và y tá. Họ tiêm thuốc tê (nô-vô-ca-in) cho anh. Tiêm chung quanh đầu gối và tháo khớp. Thuốc tê không đủ ngăn chặn cái đau. Mỗi nhát dao, anh gào lên những tiếng không phải là tiếng người nữa. Một người không biết từ đâu nhẩy ra đứng sững trước mặt, chỉ tay vào anh, quát to:
- Không được kêu! Không được làm ảnh hưởng tới những thương binh khác! Ðồng chí hãy giữ vững khí tiết quân nhân! Hãy nêu cao tinh thần gương mẫu của người đảng viên cộng sản!!
Tín nghiến chặt răng. Quai hàm bạnh ra. Không kêu. Không kêu nửa lời. Chỉ có tiếng phì phì của hơi thở trào qua hàm răng nghiến chặt. Mắt như lồi ra. Và lại ngất đi.
Tỉnh dậy anh thấy mình đã mất một chân, từ đầu gối trở xuống. Người ta tháo khớp cho anh để đề phòng hoại thư. Nước thấm qua bông băng nhớt như dầu luyn.
Vũ Tín được khiêng ra Bắc. Các o nữ dân công Thanh Hoá khiêng anh thỉnh thoảng lại cười rộ lên. Anh không hiểu họ cười gì. Mà làm sao lại có thể cười hồn nhiên như vậy. Bởi vì OV 10 bay liên tục trên trời. Các cô đặt cáng xuống đất chạy nấp. Nằm ngửa, anh thấy nó ném lựu đạn khói gần chỗ anh. Ngay sau đó là máy bay ném bom đến. Thả nhiều bom. Nhìn thấy bom dài là sống. Bom tròn là chết. May. Anh chỉ thấy bom dài.
Yên máy bay, các cô dân công trở lại. Vừa thấy anh họ đã xô chúi vào nhau, cười rúc rích. Bây giờ thì anh hiểu. Nằm trên cáng, anh hoàn toàn trần truồng, chỉ đắp một mảnh vải tăng. Khi có gió (gió giời hoặc gió bom) mảnh tăng lại bay tốc lên, làm sao các em gái tỉnh Thanh không cười cho được.
Ðến Vĩnh Mốc, một trạm quân y tiền phương, bác sĩ giữ anh lại để chuyển anh về bằng đường biển cho an toàn. Bệnh viện 48 làm nhiệm vụ tiếp nhận chỉ thấy tên anh trong danh sách mà không thấy người, tưởng anh đã chết dọc đường. Tin đó bay về Hà Nội. Cả Hà Nội ầm lên tin Vũ Tín hy sinh. May sao Minh Trường, lại Minh Trường, tới Vĩnh Mốc, phát hiện anh đang nằm dưới hầm chữ A trên trảng cát. Trường bế xốc Vũ Tín lên khỏi hầm. Nằm trong tay bạn, Vũ Tín nhìn trời, một bầu trời xanh với bao quyến rũ bởi vì không có những OV 10, những F 4U, những AD 6 đang lượn vòng ném lựu đạn khói, cắt bom hay nhả đạn.
Ngay ngày hôm sau một chiếc U-át chở anh về Hà Nội có một y sĩ đi kèm.
Tôi ngồi im nghe anh kẻ. Như mê đi. Và hỏi:
- Còn chuyện ông sang Ðức lắp chân giả?
- Ở Hà Nội tiêu chuẩn của mình là nạng. Mình nhớ một hôm mặc quần áo giải phóng, đội mũ tai bèo, chống nạng đi cạnh bà xã dắt cái xe Java bẹp lốp trên bờ hồ. Một chiêc xe ô-tô chở đầy tân binh đi qua. Họ đồng thanh reo lên: "Vẫn đẹp! Vẫn đẹp!" Thế rồi một hôm...
Vũ Tín cười. Anh đang chìm đắm vào những ngày đã qua ấy. Những ngày gọi là gian khổ khó khăn cũng được, vui tươi quyết liệt cũng được. Thế rồi một hôm anh đang chống nạng đứng trước cửa cơ quan thì một phóng viên Thông tấn xã Cộng hoà dân chủ Ðức (ADN) tới. Anh ta biết anh. Hai người biết nhau. Và ít ngày sau ông Ðào Tùng tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nhận được thư của bà tổng giám đốc ADN mời Vũ Tín sang lắp chân giả.
Vũ Tín không nằm trong số những người có tiêu chuẩn ra nước ngoài chữa bệnh. Thoạt đầu anh không được đi. Nhưng đã có một suy nghĩ lại. Một quyết định lại. Ông Hoàng Tùng người phụ trách cả khối báo chí tuyên truyền ngày ấy đồng ý cho Vũ Tín sang Cộng hoà dân chủ Ðức lắp chân giả "nhưng phải đi với tư thế của người chiến thắng, không được chống nạng!" Thực hiện ý kiến cấp trên, người ta cấp tốc làm cho anh một cái chân giả. Trong một tháng anh đã làm quen với chiếc chân giả nội hoá. Anh đã đi với tư thế của người chiến thắng mà không phải dùng nạng.
Vừa sang đến Bec-linh, các đồng chí bạn đã vất chiếc chân giả ấy đi:
- Cái chân này làm đồng chí hỏng xương sống đấy!
Vũ Tín lại đi nạng. Và chờ. Chờ lâu. Không hiểu ra sao. Sốt ruột quá. Không ngủ được. Không ăn được. Mãi sau mới biết thì ra thiếu mất chai rượu Lúa Mới.
Vũ Tín lại cười. Anh chìa cái chân giả ra:
- Có mỗi cái này thôi. Làm gì có cái xơ-cua. Chỉ khéo bịa.
Anh biểu diễn cặp chân vừa giả vừa thật của anh trong căn buồng hẹp sàn lát gỗ của tôi. Và cười. Rất tươi.
Nhìn Vũ Tín tôi lại nhớ đến Nguyễn Thụ một thời làm cục trưởng Cục Ðiện ảnh. Nhìn Thụ đi trên đường ít ai biết anh có một chân giả. Cái chân giả rất tốt tuy chẳng thế nào bằng được cái chân giả sau này Giên Phôn-đa tặng anh. Dạo mới tiếp quản Hà Nội, Thụ may một bộ quần áo nhung kẻ mầu đỏ. Chẳng biết dựa vào luận cứ khoa học nào, anh tuyên bố rất hùng hồn:
- Loại vải này muốn giặt cũng không giặt được. Hỏng ngay.
(Thật giống Vũ Tín tuyên bố về cái áo va-li-de có muốn vắt cũng không vắt được.)
Cứ khoảng nửa tháng Thụ lại cởi bộ quần áo nhung đang mặc ra, lấy hết sức quật vào các trụ, các cột. Bụi mù mịt. Ngày ấy Nguyễn Thụ hay ngủ lang ở cơ quan báo Tiền Phong chúng tôi. Anh cởi quần dài, tháo chân giả dựa vào tường, lên giường nằm. Chúng tôi đều biết anh bị cắt chân trong chiến dịch Ðiện Biên nhưng không biết cắt đến đâu. Không ngờ anh bị cắt cao đến thế. Tất Vinh, trùm ở bẩn báo Tiền Phong nhưng lại có nhiều sách in ở nhà xuất bản Y học và Thể dục Thể thao từ giường bên nhổm dậy, bước tới ngắm nghía cái chân cụt của Thụ đầy vẻ thèm thuồng:
- Thằng này sướng thật. Khi tắm mày chỉ phải kỳ có một chân thôi.
Hôm nay tôi muốn ôn lại cùng Tín câu chuyện ấy, nhắc lại với Tín câu nói ấy. Nhưng không được. Cái thời trai trẻ đã qua rồi! Cái thời lãng mạn đã qua rồi!
15-4-1999
--------------------------------
1 Tên các bức ảnh của Vũ Tín
2 Báo Sài gòn giải phóng 18-4-1994 (Vũ Tín-ảnh và đời)
Rừng Xưa Xanh Lá Rừng Xưa Xanh Lá - Bùi Ngọc Tấn Rừng Xưa Xanh Lá