Chương 10
ái hàng ba rộng dài mát rợi trong tư thất của ông chủ trại Ngọc-San bữa đó vui vẻ tưng bừng như mở hội. Những tàu lá dừa tươi, hàng rào dâm bụt lá xanh ngắt điểm hoa đỏ rực rỡ. Qua trận mưa lúc rạng đông, tất cả như được gội rửa hết bụi bậm, lả ngọn, đùa với làn gió sớm đưa nhè nhẹ. Trên hai chiếc bàn dài trải khăn trắng nõn, những chiếc tách kiểu men Nhật Bản sáng loáng bên những cái ấm tích bằng sứ Giang tây. Cha con ông Ngọc-San vui vẻ chờ đón giáo sư Phúc và cậu trai tên Hinh, con ông Mộng Bảo.
Năm dài trên ghế xích đu, người cha có vẻ nóng ruột:
- Ba chỉ mong hai người khách quý đừng có hoãn lại buổi họp mặt này.
Cúc chẩu môi:
- Ba cứ nghĩ thế! Anh Hinh con bác Mộng Bảo rất thú vị khi được mời đến dự cuộc vui này. Còn giáo sư Phúc, thì… con cũng chưa biết sao đây!
Đột nhiên, cô bé đứng phắt dậy, khẽ reo:
- Kìa, khách tới rồi kìa!
Quả nhiên, tiếng đá cuội trên đuờng đi từ cổng lớn vào tới hàng ba kêu rào rạo dưới chân người bước. Cánh cửa bật mở. Hinh và một thanh niên trẻ tuổi, khoảng hai mươi bốn, hai mươi lăm, mái tóc đen nhánh dợn sóng tự nhiên, nét mặt đều đặn, thanh tú, bước vào. Cả hai ngả nón chào chủ nhân và bốn cô con gái.
Ông Ngọc-San cười thật tươi, sốt sắng chìa tay cho người thanh niên mà ông tin chắc là Phúc, giáo sư dạy môn Sử Địa tại Liên Khương.
- Hân hạnh được biết ông! Bốn cháu con gái tôi có nói chuyện về ông nhiều lắm. Còn cháu Hinh! Bác đã được biết cháu từ lâu! Cháu ngồi đi!... Xin mời giáo sư ngồi chơi!
Hinh tươi hẳn nét mặt nói lời cám ơn. Rồi quay sang nhìn bốn cô “nữ tứ tử” đang đứng xếp một hàng dọc do thói quen, theo thứ tự từ cao đến thấp, trông như bốn nữ sĩ quan đang trình diện trước mặt vị chỉ huy.
- Thưa, đây là giáo sư Phúc!... Và thưa giáo sư, đây là cô Huệ, cô Trà, Mai và em Cúc con bác Ngọc-San. Mai, Cúc, bạn đồng học với em.
Có tiếng ông Ngọc-San:
- Xin mời tất cả cùng ngồi! Cha con tôi mong mỏi khách đến để chúng ta cùng uống nước trà, thưởng thức bánh đậu xanh. Rồi, tôi đề nghị, ta vừa uống nước, vừa ăn bánh cho ngọt giọng và nói ngay vào chuyện. Chắc cháu Hinh cũng đã thưa để giáo sư Phúc biết qua sự việc rồi chứ?
- Dạ có! Em Hinh cũng đã nói rõ nội vụ cho tôi biết. Và thực tình, tôi cũng thấy vấn đề này có một cái gì ly kỳ lắm. Một kho tàng cất giấu từ lâu trong khu vực đất đai của ông chủ. Sự kiện đó là một việc không thể xem thường được.
Ông Ngọc-San vui vẻ:
- Nói cho đúng hơn thì là đất đai của tổ tiên, ông bà của chúng tôi để lại. Sở mía này, từ đời nọ tới đời kia của giòng họ Nguyễn Ngọc, nối tiếp nhau duy trì, khai thác kể từ năm 1890 kia đấy, thưa giáo sư… Theo ý giáo sư thì phiến đá hoa cương, có thể nói thẳng là bản thông tin bí mật của vị hải khấu họ Lầm, do hai cháu Mai, Cúc con gái tôi và cháu Hinh phát giác được đó, là điều có thật? Một kho tàng chôn sáu bộ dưới đất sạu, chuyện đó, giáo sư tin là có thật không?
- Dạ tin lắm chứ ạ! Nhất là điểm ghi tháng năm: tháng 3 năm 1916. Thời đó, đúng là thời kỳ “tướng giặc bể” họ Lầm giong buồm từ ngoài khơi Bắc Việt, lênh đênh trên mặt biển vào mãi tận tới bờ biển Vũng Tàu. Sở dĩ cụ Lầm mò vào tới mãi bờ biển Vũng Tàu vì trong số bộ hạ của cụ có người quê hương xứ sở tại đây. Họ biết rõ đường đi nước bước tại vùng này. Rồi cũng vì lý do giới chức cai trị đương thời kiểm soát gắt gao các thuyền bè vượt biển, cụ Lầm đã khôn khéo không cho đoàn hải thuyền cập bến mà chỉ đậu lơ lửng xa tít ngoài khơi. Đêm đêm, cùng các bộ hạ, cụ chuyển dần vàng, báu vật lên bộ, chia cho mỗi người một số. Còn lại một số lớn, với sự vui lòng thỏa thuận của các thuộc hạ, cụ phụ trách lưu giữ để chờ một ngày nào đó, thời cơ thuận tiện, sẽ đem ra xử dụng làm phương tiện hoạt động. Vì đã ở biển lâu ngày, cụ thấy chán nản, chỉ ưa thích tìm về vùng núi non rừng rú, bạn với cây cỏ, dã thú chim muông. Lầm Chí Khả giả dạng lái buôn gánh đôi bồ thuốc lá từ miệt Vũng tàu thả bước lần hồi trên con đường luân lạc. Hai bồ thuốc rất lớn, mỗi bồ có hai đáy. Dước lớp đáy giả xếp đầy thoi vàng và bảo vật trân châu. Một ngày kia, cụ dừng gót giang hồ tại vùng Đức Trọng…
Giáo sư Phúc nhấp một ngụm nước trà, hắng giọng nói tiếp:
- Thế rồi khi được biết gia đình ông chủ có họ hàng bà con xa với vị hải khấu anh hùng, chúng tôi mạo muội xin đưa ra giả thuết: khi tới Đức Trọng, một phần do cảnh vật nơi đây lôi cuốn, mặt khác, cụ Lầm đã gặp được thân nhân giòng họ tại chốn này. Cụ liền định cư tại đây. Ở yên chỗ rồi, việc đầu tiên cần làm là chôn giấu kho tàng báu vật. Nhưng rồi, sau một thời gian ngắn, có người về rủ, cụ lại lên đường du ngoạn hoặc với mục đích gì không rõ. Chỉ biết Lầm Chí Khả lại ra đi. Và để khỏi quên chỗ chôn giấu kho tàng, cụ mới dùng phiến đá hoa cương ghi cách thức tìm lại địa điểm bí mật…
Cúc sung sướng vỗ tay reo:
- Đó! Chính chúng tôi cũng đã nghĩ như thế. Có lý nào cụ Lầm lại mất công khắc chữ vào đá, chôn dấu công phu dưới gốc cây xoài cổ thụ khơi khơi như vậy để giỡn chơi. Nhất định là phải có cái gì rồi. Chúng ta nên tổ chức đào gấp mới được!
Vị giáo sư trẻ tuổi nhìn cô gái con út của nhà điền chủ, cười vui vẻ:
- Khoan đã! Làm gấp không được đâu cô Cúc à! Em Hinh đã nói chuyện với tôi về “cây phượng hoa vàng”. Thực ra cái cây thần bí này tôi cũng đã biết từ lâu. Chúng ta cần phải biết chắc chắn đã mới khỏi bỏ công đụng chạm vào tín ngưỡng của đồng bào. Nếu quả thật có một kho tàng chôn giấu ở đó, nhất định bên ngoài phải là một cái thùng hay hộp, hoặc két sắt gì đó chớ không đâu. Về thời ấy, những người giàu có thường hay dùng loại hộp hay két làm bằng sắt dầy có khóa rất chắc chắn. Với thời gian, nằm mãi dưới đất ẩm, hộp hay két đó bị rỉ sét đi. Chất ốc-xít-sắt từ đó mà ra, thấm dần vào đất lan tràn chung quanh chỗ chôn dấu. Việc cần làm trước là phải thám sát đất ở chỗ đó đã, lấy một ít đem về phân tích rồi mới có thể chắc chắn được.
Ông Ngọc-San gật đầu tán thành:
- Đúng! Lý luận rất đúng!
- Quanh vùng Đức Trọng này, tôi cũng đã dự vào nhiều cuộc đào tìm cổ vật của các vị tiền nhân để lại. Nhưng rốt cuộc không đem lại kết quả gì hết.
Mai, sắc mặt đỏ bừng:
- Riêng lần nầy, chúng tôi tin là thế nào cũng phải có một cái gì. Tôi linh cảm thấy chắc chắn như thế.
Cúc với Hinh đồng thanh:
- Đúng như thế! Thế nào cũng phải có một cái gì chớ không không được!
Nhà trồng tỉa nhè nhẹ gật đầu ngó vị giáo sư:
- Vậy thì chúng ta cứ thử thời vận một phen xem sao. Giáo sư Phúc có thể giúp chúng tôi việc thám sát đất đai trong khu vực khả nghi đó chứ?
- Dĩ nhiên là phải thế rồi, thưa ông chủ! Tôi sẽ bắt tay vào việc ngay. Tôi sẽ đích thân mời một người chuyên viên địa chất giúp cho một tay. Và chúng tôi sẽ tiến hành công việc về ban đêm, tiện hơn. Em Hinh làm hướng đạo vì biết địa điểm rõ lắm.
Cúc phùng má, chẩu môi:
- Thế còn chúng tôi? Tôi và chị Mai lại bị gạt ra rìa sao? Thử hỏi ai đã tìm ra phiến đá ấy chứ?
Ông Ngọc-San lại phải nói cười vui vẻ để khỏa lấp những lời oán giận của cô con gái út. Người cha chỉ e ngại ông khách quý mếch lòng:
- Không, Cúc, Mai không thể đi được đâu, các con! Nếu ba để cho các con, ban đêm lần mò ra khỏi nhà, chị Dung nó lại làm ồn lên thì đổ bể tùm lum, đến tai mọi người, phiền lắm!
Mai tỏ vẻ hiểu biết hơn em:
- Ba nói đúng! Chúng mình đừng đi, Cúc ạ! Hinh thay thế chị em mình cũng đủ rồi.
Cậu con trai ông Mộng Bảo nhìn hai bạn thân cười ròn rã:
- Mai, Cúc cứ yên tâm. Tôi sẽ cố gắng làm việc thật cẩn thận, thật kín đáo, không sợ xẩy ra rắc rối như mấy lần trước đâu.
Huệ vui vẻ bảo mọi người:
- Trong khi chờ đợi đoàn người thám hiểm trong đêm tối, bây giờ xin hãy uống nước trà thơm, thưởng thức bánh đậu xanh đã, kẻo nguội hết, mất ngon.
Giáo sư Phúc tính tình vui vẻ cởi mở, đã chinh phục được cảm tình của toàn thể gia đình ông Ngọc-San. Rồi đây công việc trinh sát, phân tích mẫu đất nơi nghi ngờ có kho tàng sẽ khiến ông năng lui tới trại mía. Mối cảm tình liên lạc lại càng thêm thắm thiết. Cha con nhà trồng tỉa, mỗi khi nghĩ đến điều đó lại cảm thấy vui vẻ ấm áp trong lòng.
Ông Ngọc-San đưa tay bắt tay giáo sư Phúc thật nồng nhiệt:
- May mắn nhờ cháu Hinh con ông Mộng Bảo mà cha con tôi mới được biết giáo sư. Phiến đá kỳ lạ mấy cháu nhỏ phát giác được khiến chúng tôi sẽ được dịp tiếp xúc với giáo sư luôn luôn. Vậy, có tin tức gì hay, cửa nhà chúng tôi lúc nào cũng rộng mở giáo sư cứ tùy tiện đến bất cứ lúc nào.
Giáo sư Phúc cười tươi:
- Thưa vâng! Ông chủ cứ an tâm nằm tĩnh dưỡng. Công việc kết quả ra sao, chúng tôi xin sẽ chạy tới báo tin ngay.
Tất cả mọi người bên trại mía Ngọc-San đều hết sức quan tâm đến việc thám sát đất đai nơi gốc cây phượng hoa vàng. Sau mấy ngày sốt ruột đợi chờ, một buổi sáng sớm, cả nhà chưa ai thức giấc, Cúc, Mai đã sồng sộc chạy vào phòng cha reo mừng ầm ĩ. Huệ, Trà ngủ phòng bên, cũng giật mình thức giấc.
Cúc chạy lại ghé vào tai cha:
- Ba ơi! Dậy, dậy đi ba! Bản đá thông tin đã nói thật rồi ba ơi! Đất tại gốc cây phượng hoa vàng quả có nhiều chất ốc-xít-sắt, ba à! Việc thám sát, phân tích cho biết như thế. Nhất định ở dưới đất phải có két sắt rồi, ba ơi!
Ông Ngọc-San dụi nhanh đôi mắt ngái ngủ:
- Thật không con? Chắc chắn chứ?
- Chắc chắn rồi ba! Hinh vừa mới cho con biết và giáo sư Phúc chút nữa thế nào cũng tới nói rõ cho ba hay đó. Trời ơi! Thú quá!
- Được rồi! Để ba đợi ông Phúc. Và rồi ba sẽ thảo luận với ông ấy cách thức đào bới sao cho chu đáo mọi bề. Chỉ mong sao các ông ấy không bị “bé cái lầm”! Biết đâu chất ốc-xít-sắt lại chẳng do một cái soong hay cái nồi nát của ai liệng bỏ ở đó từ lâu.
Cúc phụng phịu:
- Ba kỳ quá hà! Ba nói vậy làm con cụt hứng hết trơn rồi!
- Ừ thì thôi! Đừng có nặng mặt ra thế kia, đi cưng! Thật tình ba cũng tin lời di ngôn của cụ Lầm lắm và dưới gốc cây phượng kia chắc thế nào cũng phải có một cái gì.
Cúc sung sướng nhẩy tưng tưng:
- Chị Mai ơi! Thế là ba đã về phe với tụi mình rồi đó, thấy chưa? Bây giờ chỉ còn chờ giáo sư Phúc tới nữa thôi. Chà! Giáo sư Phúc, ông vua Sử Địa, cháu cưng của hai nhà sản xuất ‘’bánh cuốn chả lụa’’!
Mai bật cười sằng sặc:
- Cúc ồn quá hà! Coi chừng! Mọi người còn ngủ, làm ồn lên thế chị Dung ‘’bà chằn’’ lại hùng hục xuất hiện la toáng lên bây giờ.
Người cha cũng vui lây cái vui của các con. Ông trợn mắt, lắc đầu, le lưỡi:
- Ấy! Ấy! Cái gì chớ ‘’bà chằn lửa’’ thì ngay cả ba cũng phải ớn luôn đó!
Mãi đến xế chiều, giáo sư Phúc mới tới. Anh Giang đưa nhà mô phạm trẻ tuổi vào hàng ba. Ở đó, mọi người trong gia đình đã tề tựu đông đủ. Ông chủ cũng đã được gia nhân bồng xuống đặt nghỉ trên tấm ghế ngựa. Thấy khách bước vào, ông vui vẻ giơ tay:
- Kính chào giáo sư Phúc! Các con tôi đã được biết tin vui! Cuộc thám sát, phân tích chỗ đất khả nghi có kết quả tốt rồi, phải vậy chăng, thưa giáo sư?
- Dạ, đúng như thế, thưa ông chủ! Dưới đất chỗ ấy, quả có một loại hộp hay thùng gì đó bắng kim khí, chôn lâu ngày, tan rã biến thành chất ốc-xít-sắt. Bây giờ chỉ còn lo tính việc đào bới tìm tòi mà thôi. Ấn định ngày giờ bắt tay vào việc, xin để ông chủ ra lệnh!
Giọng nói ông Ngọc-San chợt run run:
- Dạ được, để tôi nghĩ kỹ chút coi!
Sắc diện ông chủ đột nhiên biến đổi khác thường. Từ lúc giáo sư Phúc bước vào nhà, ông chủ đã có một cảm giác rất lạ. Cái cảm giác kỳ quái ấy cứ tăng dần cường độ để đến giây phút này khiến ông xúc động đến mức đầu váng mắt hoa.
- Dạ… giáo sư miễn chấp cho sự bất thường của một người đau nặng mới khỏi. Đột nhiên, chẳng hiểu sao, tôi bỗng thấy xây xẩm cả mặt mày, không còn đủ hơi sức để bàn soạn công việc nữa. Cảm phiền giáo sư hãy thảo luận cùng các cháu, con gái tôi. Các cháu cũng biết được nhiều điều, và tụi nó rất thích thú khi hầu chuyện giáo sư.
Huệ cô chị cả lo ngại vì cơn mệt đột ngột của cha:
- Ba tôi nói rất đúng! Xin mời giáo sư tới đầu kia để chúng tôi được hầu chuyện. Chị em chúng tôi còn nhiều điểm chi tiết liên hệ tới phiến đá bí mật cần được phân tích rõ rệt. Hai em Mai và Cúc đây đã trình bày để giáo sư giải thích dùm cho.
Cúc reo lên:
- Có thế chứ! Chúng em cũng có quyền phát biểu ý kiến chứ bộ! Bây giờ xin giáo sư Phúc cho chúng tôi biết những công việc gì đã được tiến hành hồi đêm qua.
Thế là cuộc đối thoại giữa giáo sư Phúc và ”nữ tứ tử”, cứ đà ấy, nổ như bắp rang. Tiếng nói, tiếng cười vang lên rộn ràng, náo nhiệt. Ai nấy hứng trí, không chịu ngồi mà cứ đứng cả lên. Kẻ nói, người nghe đều chăm chú vào đề tài câu chuyện. Giáo sư Phúc vừa nói vừa khoa chân múa tay. Ngôn ngữ, cử chỉ rất hùng biện, lôi cuốn người nghe hết sức.
Đôi lúc, ông ta vô tình đứng sát bên Huệ, cô gái đầu đàn, giơ tay vẽ phác sơ đồ, giải thích từng công việc đào bới sẽ thực hiện. Hai khuôn mặt giáo sư Phúc và Huệ, có nhiều nét giống nhau như tạc, lọt vào tia nhìn sắc bén của cô “tiểu kỹ sư” Trà, khiến em phải giật mình thảng thốt.
Trà bước nhanh về phía ghế ngựa nơi ông Ngọc-San đang nằm nghỉ. Em chộp vào cổ tay cha, chỉ về phía bọn người đang mải mê nói chuyện:
- Ba ơi! Ba để ý mà coi! Chị Huệ và giáo sư Phúc sao nét mặt có nhiều điểm giống nhau quá hả ba? Đặc biệt, nơi sống mũi chỗ cách ngăn hai con mắt, và khi cười, vành môi nhếch nhẹ một bên đó ba. Ba thấy không? Nhất là đôi mắt khì quắc lên. Trời ơi! ba thấy không ba?
Tiếng nói người cha đã yếu ớt, bây giờ lại run rẩy nhiều hơn:
- Trà, cưng của ba! Thấy, thấy rồi! Ba đã cảm thấy rõ rệt có một cái gì lạ lắm kể từ khi giáo sư Phúc đặt chân vào nhà ta lần đầu tiên. Chỉ có con là tinh ý đoán ra được niềm băn khoăn thầm kín nơi nội tâm ba mà thôi! Để ba hỏi thẳng vị giáo sư trẻ tuổi này coi thử…
Ba chị em Huệ, Mai, Cúc thấy hai cha con xầm xì vội chạy ùa đến. Huệ hốt hoảng:
- Cái gì thế, ba? Ba đột nhiên thấy mệt hả Ba? Trà, ba làm sao vậy?
Ông Ngọc-San và Trà không trả lời. Người cha chỉ đưa tay gạt nhẹ các con ra, khẽ vẫy vẫy mời giáo sư Phúc tới gần:
- Giáo sư cảm phiền, thứ lỗi cho tôi nhé! Một kẻ mới ốm dậy, đôi khi thường có những cử chỉ hơi kỳ quái… Nếu không có điều gì trở ngại, xin giáo sư cho phép… được chăng? Giáo sư làm ơn… vén dùm lọn tóc phía sau tai bên phải của giáo sư chút xíu!
Chàng thanh niên hơi sửng sốt ngạc nhiên, nhưng theo phép lịch sự, cũng mỉm cười, tiến lại gần người bệnh, nhẹ nhàng quỳ thấp một bên đầu gối, khẽ ngả đầu:
- Dạ có gì đâu. Xin ông chủ cứ tự tiện!
Ông Ngọc-San đưa bàn tay run rẩy vén cao thêm mới tóc đen mượt bên cạnh vành tai mé phải của giáo sư Phúc, mắt nhìn chăm chú. Sắc diện ông ngây ra tới mấy giây, đầu ngả vật xuống mặt gối êm, nét mặt giao động thật kỳ lạ. Đôi môi ông mấp máy chỉ để lọt những tiếng lắp bắp rất khẽ:
- Vết sẹo! Vết sẹo! Giống vết sẹo của bé Trung y hệt…! Vết sẹo sau khi nó mổ cái nhọt bọc. Trời ơi! Có thể thế được chăng?
Huệ thính tai lắm. Em ghé sát mặt hỏi cha:
- Ba nói gì hả ba? Trung, Trung nào? Ba nhắc tới anh Trung bị sóng biển cuốn đi mất tích hồi mới lên một ấy hả ba?
- Hồi đó nghe mọi người nói thế thì ba và má con cũng chỉ biết thế. Còn bằng chứng cụ thể thì lại chẳng có gì hết.
- Vậy để con hỏi lại giáo sư Phúc nghe ba! Thưa giáo sư, xin giáo sư miễn chấp cho sự bất thường của ba tôi. Trong người còn yếu thành thử đôi khi chợt có những cử chỉ hơi lạ. Lại nữa, ngày xưa ba tôi cũng có một người con trai sanh trước tôi bị mất tích. Anh ấy cũng có một vết sẹo sau vành tai bên tay phải… Thưa, thế… thế, giáo sư thật là cháu đích tôn của cụ đồ Khải?
Giáo sư Phúc đột nhiên tái xanh sắc mặt:
- Dạ… dạ… Tôi chỉ là cháu nuôi của hai cụ đồ Khải mà thôi. Hai cụ kể rằng đã lượm được tôi nhân một cuộc dạo chơi ngoài bãi biển. Hồi đó tôi mới được hơn một năm. Không hiểu đã bị ai vất bỏ bơ vơ ngoài đó. Hai cụ thấy vậy thương tình, đem về nuôi, rồi nhận làm cháu…
Ông Ngọc-San run run cất tiếng hỏi; giọng ông nghẹn ngào, hình như khó khăn lắm mới thoát ra khỏi cuống họng:
- Và năm nay giáo sư được bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?
- Dạ… hai mươi bốn, thêm hai tháng!
Ông chỉ mía đưa bàn tay trắng xanh lên ôm trán. Miệng ông lẩm bẩm:
- Ta mơ chăng, hay đây đang là sự thật? Cháu Trung, con tôi, nếu còn cũng đồng tuổi với giáo sư. Cách đây hai mươi ba năm, sau khi bị mổ cái ung nhọt, cháu nó cũng mang một vết sẹo sau vành tai bên phải y như của ông. Sau đó, chị vú người Thượng tên Tô-Lách nuôi nó, được tôi cho bồng em xuống Nha-Trang ở ít lâu để thay đổi không khí, có lợi cho sức khỏe của cháu. Thế rồi… thế rồi, một ngày kia, chị vú đặt em nằm hóng mát ngoài bãi biển, sơ ý thế nào để em bị sóng biển cuốn đi mất tích. Có thật thế chăng hay mụ ấy đã nói gạt chúng tôi. Và để làm gì chứ?
Trà cúi xuống cầm tay cha:
- Có lần ba nói với tụi con rằng hiện thời Tô-Lách đang mở tiệm bán vải trên Đà-Lạt, phải không ba? Vậy bây giờ đi tìm chị ta, hỏi kỹ lại, buộc chị ta phải nói sự thật xem thế nào?
Giáo sư Phúc sốt sắng:
- Tôi xin đi tìm Tô-Lách. Nhiều sự kiện trùng hợp kỳ quái khiến ông chủ nghi ngờ cho rằng cái chết của cậu Trung là giả tạo. Những điểm ấy cũng khiến tôi thắc mắc chẳng yên lòng. Hiện thời, chị ta bán hàng vải tại Đà-Lạt phải chăng, thưa ông chủ?
- Đúng như thế đó, giáo sư. Cách đây mấy tháng, anh ruột của Tô-Lách, trồng rau tại đường ta chợ Đức Trọng, gặp tôi, có nói chuyện cho hay số nhà 1444 đường Hàm Nghi, Đà-Lạt.
- Ông chủ và các cô cho phép tôi ra về. Ngay tối nay, bẩy giờ, còn chuyến xe chót lên Đà-Lạt, tôi sẽ đáp chuyến đó lên luôn. Sáng sớm mai là đã có thể đi tìm gặp chị ta được rồi. Khi về, xin sẽ đến ngay báo tin để ông chủ và các cô biết kết quả rõ rệt.
Ông Ngọc-San cảm động không nói nên lời, chỉ giơ tay nắm chặt bàn tay giáo sư Phúc. Chàng thanh niên mô phạm giữ tay người bệnh trong tay mình một lúc lâu. Ông chủ mía nhân đức, nhưng chẳng may mắc phải bạo bệnh này biết đâu lại chẳng là cha đẻ ra mình. Ý nghĩ ấm lòng ấy khiến giáo sư Phúc cảm thấy một niềm thương yêu tràn ngập nội tâm đối với người nằm dài trên giường bệnh. Tia mắt chàng tra chợt bắt gặp bóng hình bốn cô gái con ông chủ mía đang đứng im lặng, ngây người ngạc nhiên. Nhãn quang của Huệ, Trà, Mai, Cúc ngắm nhìn người con trai, giây phút này, ánh lên những tia sáng rất lạ, thắm đượm nhiều tình cảm mới mẻ, thiêng liêng không tả được bằng lới. Giáo sư Phúc vội vàng ngả đầu, quay phắt ra, bước nhanh như người chạy trốn. Phút sau, bóng ông giáo sư trẻ đã khuất sau rặng dừa cao, bóng lá rủ buông trên con đường trải đá mờ mờ màu tím thẫm.
Khách đi khỏi rồi, bốn chị em chạy lại bên cha. Tất cả đồng thanh cất tiếng lao xao:
- Ba ơi! Có thể thế được không, hả ba?
Ông Ngọc-San thở một hơi nhẹ, thật dái:
- Chưa biết đâu được, các con à! … Trăm sự xin để nhờ trời!
Đà-Lạt, sáng hôm sau. Lúc đó, mới vào khoảng chín giờ. Giáo sư Phúc đã đứng trước cửa tiệm vải số 1444 đường Hàm Nghi. Một thiếu phụ khoảng năm chục tuổi, ăn mặc sang trọng, theo lối người Kinh, nhưng khuôn mặt vẫn còn sót lại ít nét ngây thơ chất phác của đồng bào Thượng, đang đứng xếp lại những xấp vải ngoại quốc đắt tiền trong tủ kính.
Vừa bước vào, chàng trai đã hỏi ngay:
- Xin lỗi, bà là Tô-Lách?
Thiếu phụ nghiêng người, khẽ gật đầu xác nhận:
- Tôi có một việc rất quan trọng muốn nói với bà. Bà có nơi nào kín đáo một chút để nói chuyện mà không ngại ai làm phiền không?
- Dạ, xin mời ông vào trong nhà!
Dứt lời, thiếu phụ đưa tay mở một cánh cửa gỗ bọc mủ, vân xanh rất đẹp. Giáo sư Phúc bước vào. Thiếu phụ chỉ chiếc ghế bành mời khách ngồi. Rồi bà kéo một chiếc gỗ cẩm lai lại gần, ngồi xuống đối diện:
- Có việc gì ông cứ cho biết. Tôi xin nghe.
Giáo sư Phúc, hàm răng khẽ cắn viền môi dưới, nhẹ nhàng điều hòa hơi thở, xong, đi thẳng ngay vào vấn đề:
- Tôi muốn biết: bà sẽ nói sao nếu tôi bảo thẳng cho bà hay rằng tôi là thằng nhỏ tên Nguyễn Ngọc Trung mà cách đây hai mươi ba năm bà đã liệng bỏ trong hốc đá ngoài bãi biển Nha-Trang rồi về nói gạt cha mẹ nó rằng thằng bé đã bị sóng biển cuốn đi mất tích?
Sắc mặt thiếu phụ chợt nhợt ra không khác sáp ong, toàn thân như bị điện giựt, đứng phắt lên, rời khỏi ghế ngồi. Sắc diện lộ vẻ kinh hoàng đến cực điểm, bà ta trợn mắt nhìn chàng trai không chớp, đôi chân run lẩy bẩy tự động lùi, lùi mãi cho tới khi sau lưng đụng phải mặt tường. Đôi môi bà ta run lên, tiếng nói thoát ra nghe líu ríu như người nói ngọng:
- Tôi nói… nói… nói rằng… không… không thể như thế được! Vô lý! Sóng biển đã cuốn nó đi mất tích. Gia đình nhà nó, cha mẹ nó cũng đã biết thế rồi mà!
Giáo sư Phúc quát lên, nắm chặt cổ tay người đàn bà, đồng thời đổi cách xưng hô:
- Khốn nạn! Mụ nói dối! Đứa bé đó chưa chết! Nó hãy còn sống, biết chưa? Và… và nó đã lớn rồi, trưởng thành rồi! Hiện nó đang đứng trước mặt mụ, đang nói chuyện với mụ đây này. Tóm lại, tôi muốn biết sự thực, trăm phần trăm sự thực! Nếu mụ nói hết sự thực ra, mụ sẽ khỏi lo gì cả. Tôi hứa danh dự với mụ như vậy. Nhưng, nếu mụ nói dối thì…
Mụ Tô-Lách vội vàng:
- Không, không! Tôi không dám nói dối đâu! Cậu thương hại dùm tôi. Tôi sẽ nói thật, nói tất cả sự thật, không giấu diếm mảy may! Nói được ra như thế, có lẽ tôi sẽ hết được hối hận ray rứt lương tâm từ bấy đến nay. Cậu hãy bỏ tay tôi ra…
- Không! Mụ phải nói hết sự thật đã! Tại sao mụ lại hành động như vậy chứ, hả?
- Trăm điều cũng do con mụ Rát-Gia mà ra cả. Con mụ điên, con mụ cuồng tín u mê ấy. Hồi đó, tôi còn trẻ, dại khờ và ngu dốt lắm. Mụ điên đã thuyết phục được tôi, nói láo rằng muốn trừ bỏ được mọi tai họa do cây phượng hoa vàng thiêng liêng kia giáng xuống trại mía Ngọc-San thì phải cúng thần linh một đứa trẻ con. Mụ đã bắt buộc tôi phải thốt lời thể: “Sẽ liệng thằng bé tên Trung, con ông Ngọc-San xuống biển”. Tôi khóc lóc, van xin, vô cùng đau khổ, nhưng vẫn phải cất lời thề nguyện.
Chàng trai nghiến răng:
- Khốn nạn!
- Thế rồi mụ Rát cứ đeo dính lấy tôi. Năm ngày, bẩy ngày lại tới dòm chừng, hối thúc tôi phải thi hành lời ước thệ. Một hôm, tôi cho mụ biết là tôi đã làm việc đó rồi. Và để mụ “phù thủy” khỏi bắt gặp thằng bé người Kinh tại nhà, tôi đã bồng nó ra ngoài bãi biển xa, thật xa, đem giấu vào một hốc đá trên bờ biển. Cũng hôm đó, vào lúc đêm khuya, tôi trở lại, mò ra hốc đá: đứa nhỏ không còn ở đấy nữa. Chắc hẳn ai đó, tình cờ bắt gặp, đã bế đi rồi?
Chàng thanh niên buông cổ tay thiếu phụ:
- Thế rồi mụ còn nhẫn tâm thông báo láo khoét cho cha mẹ đứa con nít ấy là nó đã chết rồi. Mụ không thấy thương tâm khi đứng trước một người mẹ rơi nước mắt khóc đứa con yêu? Mặt mũi mụ thế kia, mắt miệng mụ như vậy mà mụ lại có thể nói dối trắng trợn đến cỡ đó?
Mụ Tô-Lách úp mặt vào hai bàn tay. Âm thanh giọng nói nghẹn ngào đầy nước mắt:
- Tôi sợ mụ Rát-Gai quá đi! Và sợ hãi cả thần linh nữa!
Giáo sư Phúc cũng nghẹn ngào:
- Thành ra chỉ tại mụ mà tôi không được biết mặt mẹ. Chỉ do mụ mà cha tôi phải nhớ thương buồn khổ suốt từng ấy năm trời. Tội lỗi của mụ thật là kinh tởm tuy mụ đã không nỡ xuống tay giết tôi chết thật.
Thiếu phụ nức nở:
- Cậu tha tội cho tôi, nghe cậu! Mụ Rát-Gia mà còn sống, sự thật ghê gớm ấy tôi vẫn phải giữ kín mãi mãi trong lòng. Mụ mà biết được tôi chỉ còn một chết mà thôi. Vả lại, làm sao tôi biết được là đã có kẻ nào lượm được đứa con nít ấy? Hoặc biết đâu nó đã chẳng bị sóng biển cuốn đi mất tiêu thật rồi?
- Thôi được! Thế là đủ! Như tôi đã hứa, chị sẽ không bị pháp luật truy tố gì hết, nhưng chị phải thú thật tất cả trước mặt ông Ngọc-San. Tôi muốn ông được nghe chính miệng chị kể lại câu chuyện vừa mới nói với tôi, nghe chưa?
Tô-Lách gật đầu lia lịa:
- Dạ, dạ! Tôi xin nghe lời cậu. Hôm nào cần xuống trại Ngọc-San, cậu nhớ báo trước cho tôi biết!
Giáo sư Phúc bước ra khỏi tiệm vải, tâm tư vô cùng giao động. Sự thật đã quá rõ ràng. Không còn nghi ngờ gì nữa. Ngày tháng năm, bối cảnh, vết sẹo nơi vành tai bên phải, nét mặt giống nhau y hệt… tất cả những chi tiết ấy chứng minh rõ rệt chàng đúng là đứa con trai đầu lòng của ông Ngọc-San. Đứa con mà mọi người vẫn đinh ninh là đã làm mồi cho cá biển. Vậy, chàng trai tên Phúc,… giáo sư Phúc dạy môn Sử Địa giỏi có tiếng tại trường Trung Học Liên Khương vẫn có một người cha ruột lúc nào cũng nhớ thương đứa con mất tích.
Niềm cảm thương tràn ngập trong lòng, hân hoan dâng lên khóe mắt, biến thành hai giọt nước nóng hổi. Hai giọt nước ấy to dần, to dần, trào ra, lăn dài xuống má. Đã bao lần, chàng trai phân vân, thắc mắc về bí mật xuất xứ của mình. Cha mẹ ruột chàng là ai? Các người còn sống hay đã chết? Rồi lại niềm tri ân sâu xa đối với ông bà nuôi, săn sóc dưỡng dục từ lúc mình còn ẵm ngữa nằm nôi. Đến khi lớn cho ăn, đi học, để rồi có được ngày nay.
“Ba…! Các em gái!” Những danh từ thiêng liêng ấy, chàng lẩm bẩm với niềm hân hoan tuyệt đỉnh. Xen lẫn vào đó là sự ngạc nhiên bỡ ngỡ nhưng thích thú vô cùng. Giáo sư Phúc bỡ ngỡ vì những tiếng: Ba! Các em gái! Những tiếng gọi êm dịu, chưa được miệng chàng thốt ra một lần nào. “Phải báo tin cho “ba” yên trí! Cho các “em gái” vui mừng mới được."
Nhà bưu điện ở ngay phía bên kia đường. Chàng trai nhảy vọt sang. Hai bàn chân như có lò xo đẩy, bước nhẹ như tên.
Một tiếng đồng hồ sau, tại tư thất của ông Ngọc-San, anh Giang đã đem vào cho chủ nhân bức điện tín màu xanh nhạt. Bên ngoài in rõ ba chữ Nguyễn-Ngọc-San. ‘’ Nữ tứ tử’’xúm lại bên giuờng cha. Năm cha con châu đầu trên mảnh giấy nhỏ bé nhưng gói ghém cả một niềm hồi hộp vô bờ. Ông Ngọc-San tay run run bóc tờ giấy. Trà hắng giọng đọc to:
“Tô-Lách đã thú thật, xác nhận đứa bé không bị sóng biển cuốn đi. Bỏ trong hốc đá cao, được đôi vợ chồng đi tắm biển lượm về nuôi. Hiện nay là ông bà nuôi của đứa bé đã trưởng thành. Giáo sư Phúc chính là đứa bé đó. Hạnh phúc vô biên của cha con, anh em chúng ta. Sáng mai con sẽ ở trong vòng tay ba và các em gái.
Nguyễn-Ngọc-Trung”
Ông Ngọc-San xúc động, nói chẳng nên lời:
- Nguyễn-Ngọc-Trung! Trung! Con trai yêu quý của ba!
Cúc reo hò ầm ĩ, đồng thời nhẩy quẩn lên như con dê con xổng chuồng.
Huệ, nét mặt hân hoan, rạng rỡ:
- Anh trai! Chúng ta có anh trai! Trời ơi! Thú quá! Không còn ‘’nữ tứ tử’’ nữa nghe! Bây giờ ba có tới ‘’ngũ tử’’!
Cúc hét lên:
- Tứ tử trình làng! Ngũ tử cướp cái! Hí, hí!
Mai nói lớn:
- Phải ăn mừng mới được, ba ơi! Cúc bảo chị Dung đem bình rượu dâu của chị ấy ra uống mừng đi. Lẹ lên! Chị Dung làm được một bình rượu dâu ngon lắm, dấu ở dưới bếp ấy!
Trà nghiêm nghị mắng các em:
- Mai, Cúc làm ồn quá! Các em ích kỷ thật! Chẳng ai dòm nom gì tới ba hết trơn. Ba vui sướng trong lòng, nhưng ốm đau bệnh tật nên không thể nhẩy múa vui đùa như các em được. Coi kìa! Ba vui mừng quá nên chảy nước mắt khóc kìa, thấy không?
Chớp mắt, bốn cô gái đã xúm lại bên tấm ghế ngựa. Cả bốn đồng lên tiếng thành thử không nhận ra giọng nói của ai:
- Ba vui mừng đón rước con trai như vậy hả ba? Phải vui lên chứ, hả ba! Ba phải hết sức tươi cười với chúng con chứ! Sáng mai khi về tới nhà, thấy mắt ba đỏ hoe thế kia, không biết anh Trung sẽ nói sao đây chứ!
Người cha dang hai tay ôm lấy tay của bốn con gái. Nét mặt ông tươi trẻ hẳn ra với nụ cười rạng rỡ điểm trên đôi môi đã nhuộm sắc hồng tươi.
- Anh Trung các con sẽ nói gì hả? Ồ, anh các con sẽ nói rằng: những giọt nước mắt sung sướng là những liều thuốc bổ gột rửa cho người ta hết được mọi nỗi đau khổ triền miên và khiến người ta mau chóng làm quen với hạnh phúc mới. Ba đánh cá với các con: khi được ba ôm trong vòng tay ấm áp, thằng Trung thế nào cũng sẽ ứa nước mắt khóc vì sung sướng. Rồi đó các con coi!
Phiến Đá Hoa Cương Phiến Đá Hoa Cương - Nam Quân Phiến Đá Hoa Cương