Chương 10
GUYỄN ĐẠM MÓC TIỀN TRẢ, NGƯỜI TÀI XẾ tắc xi hất đầu:
- Có phỉnh này mới vô nghề thơm lắm, cậu hai xài không?
Nguyễn Đạm nhún vai:
- Ở đâu?
Người tài xế đáp:
- Ở chỗ khác chứ không phải ở đây. Phỉnh Lăng Cha Cả là phỉnh hạng mấy choạc. Không mang áo mưa cậu hai “bị” à!
Nguyễn Đạm cười thầm. Nó đã có Mừng lác, muốn “giải buồn” Mừng lác có thể đem về, tận bin đinh cho nó hàng chục phỉnh một lúc bằng cái búng tay. Mà toàn là hoa hậu trong làng cả. Nhưng Nguyễn Đạm đã không muốn giải “buồn” hay chưa muốn “giải buồn” bằng gái điếm. Nó mở cửa xe rồi. Nghĩ sao nán lại, giả vờ ngây thơ:
- Bị gì hả?
Người tài xế nhe những hàm răng vàng:
- Bị ấy mà...
- Bị gì?
- Thì bị bệnh hoa liễu chứ còn bị gì nữa.
Người tài xế bỗng nhiên nghiêm nét mặt:
- Lần đầu xuống đây hả?
- Phải.
- Hèn chi ngây thơ như nai sở thú vậy. Trông cậu tôi thương lắm, hết muốn kiếm địa còm. Thôi để tôi chở về Sàigon nhé.
- Không được.
- Ham lắm à?
- Tàm tạm vậy thôi.
- Tôi dắt cậu đi chỗ khác, chịu không.
- Chỗ nào.
- Sang Chợ Lớn.
- Xa quá.
- Chạy xe mấy hồi.
Nguyễn Đạm đã bước một chân xuống đường. Người tài xế gọi:
- Nè cậu!
- Gì thế?
- Mang nhiều tiền không?
- Khá.
- Cẩn thận nhé
- Cẩn thận sao?
- Cẩn thận kẻo tụi nó thấy cậu là mòng nó lột cậu không còn tiền về xe nữa đó.
Nguyễn Đạm đóng cửa xe, cảm ơn người tài xế tắc xi rối rít. Một nỗi buồn dâng lên bàng bạc quanh Nguyễn Đạm. Nó nghĩ tới nơi ở của Thu Thủy nó cảm thấy nghẹn ngào.
Đúng như Mừng lác đã nhận xét đêm nó hỏi thăm chỗ cư ngụ của Thủy. Những lời nói đó còn vang vang trong tâm tưởng Nguyễn Đạm.
- Thế em ở đâu?
- Ở Lăng Cha Cả!
- Ai bảo em ở Lăng Cha Cả. Sao không ở Catinat, Bonard?
- Tại bố tôi nghèo!
- Ai bảo bố cô nghèo, nghèo thì phải ở Lăng Cha Cả và mang tiếng là điếm nghe chưa?
Nguyễn Đạm mới nhận ra cái nỗi tê tái của một người con gái lương thiện chỉ vì nghèo mà phải ở xóm điếm và mang tiếng là điếm luôn. Người tài xế tắc xi vừa chứng minh điều đó. Tại sao cứ xuống Lăng Cha Cả là người ta nghĩ ngay đến chuyện tìm đĩ điếm giải buồn.
Nguyễn Đạm muốn quay gót về Sài Gòn, muốn trở về ngay, đợi cái ý nghĩ bẩn thỉu được xóa tan trong đầu óc, nó mới tới kiếm Thủy. Nghĩ vậy, nhưng chân nó vẫn bước.
Buổi chiều xuống nhuộm xám cả không gian. Nguyễn Đạm thọc hai tay vào túi quần, cúi gầm mặt bước vào ngõ. Người cảnh sát đứng gác đầu ngõ vẫy tay:
- Lại đây!
Nguyễn Đạm hơi chột dạ. Nó bước gần người cảnh sát:
- Thầy hỏi tôi?
Người cảnh sát hỏi:
- Đi đâu?
- Tôi vào thăm người quen.
Người cảnh sát cười khinh khỉnh:
- Người quen hả? Có bao nhiêu người quen tất cả?
- Một.
- Nhớ kỹ xem.
- Tôi mới quen một người thôi.
- Con gái hả?
- Dạ.
- Cho xem căn cước.
Người cảnh sát vẩy vẩy hai ngón tay. Nguyễn Đạm muốn nổi giận. Nó muốn hạ người cảnh sát vì mắt nó vừa hiện ra những tên Chà và khốn kiếp. Song nó nín. Nguyễn Đạm ngoan ngoãn móc căn cước đưa người cảnh sát. Người cảnh sát đón bằng hai ngón tay. Không cần xem, anh ta hất hàm:
- Tên gì?
- Nguyễn Đạm.
- Mấy tuổi?
- Có ghi ở trong đó, thầy chịu khó coi dùm.
Người cảnh sát sửng cổ:
- Mày nói chi vậy?
Nguyễn Đạm nhún vai:
- Nói thầy chịu khó coi dùm.
Người cảnh sát nạt nộ:
- Muốn vô tù không?
- Không muốn, vì tôi đã từng ở tù.
- Vậy muốn gì mà ăn nói ngỗ ngược thế?
- Muốn thầy coi thẻ nhanh dùm để tôi vào sớm kiếm người quen.
Người cảnh sát ném trả Đạm chiếc căn cước:
- Không đi “chơi bời” chứ?
Nguyễn Đạm mím môi:
- Người bà con tôi ở trong xóm.
Người cảnh sát lạnh lùng đến tàn nhẫn:
- Vô đi, hễ bắt được quả tang đừng có trách.
Nguyễn Đạm khinh khỉnh nhét chiếc thẻ căn cước vào túi quần sau.
Nó lầm lũi bước vào ngõ hẹp. Tiếng một ả điếm mời nó:
- Vô đây mí em anh hai...
Nguyễn Đạm muốn nôn mữa. Nó giả vờ điếc, bước đi, bước đi. Nhưng tiếng ả điếm đuổi theo như con chó săn đã đánh hơi đích xác con mồi:
- Vô đây “yêu” lắm mà anh hai...
Con điếm chạy ra nắm cánh tay Đạm. Con điếm khác ở nhà khác gần đó cũng chạy ra. Hai con níu kéo một “khứa” không ham “giải buồn”. Nguyễn Đạm bỗng trở thành nạn nhân của sự tranh giành. Nó giật tay thật mạnh. Hai con điếm ngã chúi vào nhau. Ngay lúc đó, xuất hiện một tên ma cô bằng tuổi Đạm. Tên ma cô vỗ vai Đạm:
- Anh hai đi với em.
Đạm xẵng giọng:
- Đi đâu?
- Thì anh hai đi với em.
Nguyễn Đạm mặc kệ tên ma cô dắt mình đi.
Hai con điếm bị “khứa” chê, hằn học chửi đổng. Nguyễn Đạm quay lại. Tên ma cô buông lời:
- Thây mặc nó, anh hai. Hơi đâu chấp nhặt với bọn đĩ điếm.
- Chú mầy định dắt tao đi đâu?
Tên ma cô nham nhở:
- Đi tới chỗ anh hai khoái!
- Sao mày biết tao khoái?
- Thì các anh vô đây tìm khoái lạc chứ tìm gì nữa...
Nguyễn Đạm nhìn thẳng vào mắt tên cô ma:
- Tao không khoái.
Tên ma cô kiên nhẫn:
- Bọn đượi điêu luyện sẽ làm anh khoái. Có “thuốc” đây.
Nguyễn Đạm hất cánh tay tên “ma cô” khỏi tay mình:
- Tao không đi tìm đĩ đâu, mày nghe rõ chưa?
Tên “ma cô” nham nhở hơn:
- Xóm này toàn đĩ, anh không tìm đĩ thì tìm ai?
Nguyễn Đạm lại đau nhói tim phổi. Nó muốn vung tay đấm vỡ mặt kẻ đối diện. Nhưng tay nó chùn lại khi nó chợt nhớ rằng từ người tài xế tắc xi, người cảnh sát kiểm tục đến thằng “ma cô” đều có ý nghĩ như nhau. Nghĩ là đàn bà con gái sống chung với bọn điếm ở Lăng Cha Cả đều là đĩ điếm hết.
Nó dịu giọng:
- Tao đi tìm một người quen. Nhưng thôi, mày muốn đưa tao đi đâu thì đi.
Tên ma cô sáng mắt lên:
- Anh “chịu” rồi hả?
- Chịu gì?
- Chịu chơi.
- Mày câm mồm mày lại, đừng nói năng gì nữa.
Nguyễn Đạm móc túi lôi ra tấm giấy hai trăm nhét vào tay tên ma cô:
- Chịu câm hồn không?
Tên ma cô lặng người một lát:
- Dạ, đàn em xin câm miệng, nhưng chẳng lẽ đàn anh không hỏi gì.
Nguyễn Đạm búng ngón tay:
- Khi nào tao hỏi mày hãy nói.
- Dạ.
Mừng lác đã dạy Nguyễn Đạm cái tác phong đàn anh đó. Bây giờ nó đã quen cuộc sống đàng hoàng của những thằng thanh niên vô lý tưởng. Vô lý tưởng nhưng may mắn hơn những thằng vô lý tưởng khác. Là chúng nó còn có nghề để kiếm ra tiền để sống phè phỡn, chứ không đến nỗi phải vác dao đi đánh mướn hoặc thổi xế hoặc đi hiu hoặc bớm xếch lấy tiền độ nhật.
Ba đứa sống chung một căn phòng ở bin đinh bằng tiền làm nghề ma cô của Mừng lác. Mừng lác, đối với xã hội là một tên khốn nạn song đối với các em điếm sống cơ cực ở các ngõ hẻm ngoại ô bùn lầy nước đọng thì lại là vị anh hùng, là một ân nhân đã đưa bọn điếm sạch nước cản từ trong bóng tối ra ánh sáng, từ bọn điếm năm choạc lên giai cấp điếm quý phái làm ít ăn nhiều.
Từ dạo bỏ nghề chém giết, Mừng lác đã tạo cho nó một khoảng đất đứng tương đối vững chắc. Nếu xã hội còn nghề làm điếm lén lút, Mừng lác còn sống phong lưu tới khi nó nhắm mắt. Nó đã nghĩ ra một lối thoát, đã làm một cuộc cách mạng cho cuộc đời du đãng của nó.
Mừng lác đi chơi bời khắp các xóm nhỏ ở ngoại ô Sàigòn, Chợ Lớn.
Như một tên đạo diễn đi tìm một đào chính cho cuốn phim mới, Mừng lác cũng đi tìm hoa hậu... điếm. Nó nhặt các em điếm đẹp nhất của xóm nhỏ. Không nhiều đâu, mỗi xóm có một em là chuyện phi thường rồi. Mừng lác lôi các em khỏi xóm nhỏ, đưa về sống chung với mình.
Nó đã kiên nhẫn dạy dỗ các em ăn nói đủ các thứ giọng. Nó dạy dỗ cac em nhỏ để có thể chìu chuộng được đủ các loại “khứa”. Những anh già ham nũng nịu, ham ngây thơ, Mừng lác chường ngay các em “nữ sinh” của nó ra. Và những anh già híp mặt lại, tình nguyện làm những con mồi ngon của em “nữ sinh” và công ty của Mừng lác “thịt”. Các em “nữ sinh” õng ẹo; nũng nịu hay quá. Đến nỗi những anh già “bắt” luôn làm vợ bé, thuê nhà riêng hoặc mua hẳn một căn nhà nuôi nấng em út.
Em út sống với chồng già ít lâu, đổi chiều cuộc sống, em tìm một chàng trai lý tưởng hơn, đá vèo anh chồng già một cái và “lập sổ gia đình” với chồng chính thức. Cuộc đời em từ đó hết sóng gió. Em có thể quên dĩ vãng, quên xóm nhỏ, quên những đêm bố ráp. Nhưng em không thể quên Mừng lác. Vì Mừng lác đã ròng cái dây xuống vực thẳm kéo các nàng lên.
Với những em không thích cuộc sống gia đình, cuộc sống rước khách của các em cũng sáng sủa lắm. Các em ở bin đinh tiếp toàn khách sang. Các em ăn tiêu như phá của.
Gần đây, người Mỹ sang Việt Nam khá đông. Mừng lác bèn tung các đàn em của nó tới Hội Việt Mỹ, tới các English Courses trau dồi Anh ngữ. Ba bảy tuần lễ “học tập” các em nhỏ của Mừng lác đã đủ khả năng bắt “khứa” Mỹ và ba, bảy tháng sau, nhiều em đã đến Tòa đại sứ Mỹ để hỏi han thủ tục xin gia nhập Mỹ tịch để được theo chồng Mỹ về Mỹ sống với tổ quốc Mỹ.
Đền đáp lại công ơn đó, các em nhỏ chia quyền lợi cho Mừng lác rất xứng đáng. Nó vung tiền như các công tử triệu phú. Nó quyết định củng cố nghề nghiệp cho tới khi nó chết. Dưới trướng nó, luôn luôn có mười em sáng nước. Khi một em đi lấy Mỹ hoặc đi lấy chồng, Mừng lác lại làm cuộc “kinh lý” các xó điếm. Và nó cố tìm hoa hậu mới, thần tượng mới để sống. Sống vất vả vô cùng. Không tranh đấu, khám phá thì chỉ còn nước trở về nghề đâm chém. Mừng lác bị cảnh sát vồ, bị nhốt vào phòng tạm giữ rồi bị cạo trọc đầu và phơi ở giữa lộ cùng với Nguyễn Đạm, Lâm sùi không phải vì tội đâm chém. Rất tình cờ, nó bị bắt cũng như rất tình cờ nó trở thành du đãng. Không một thanh niên nào muốn mình trở thành du đãng cả. Ai cũng muốn mình trở thành vĩ nhân, anh hùng trong lịch sử. Thành thử nhiều người đã tình cờ trở nên du đãng.
Nguyễn Đạm đã sống với du đãng Mừng lác. Nó đã từng nếm đòn cảnh sát của chế độ Ngô Đình Diệm, đã từng chịu nỗi nhục cân nặng bằng cái thể xác nó. Nỗi thù hằn một sớm một chiều thay đổi hẳn tâm tính của cậu học sinh Nguyễn Đạm. Nó đâm ra muốn hách dịch để trả thù những lần bị cảnh sát hách dịch át giọng.
Tên ma cô tinh ý, biết đụng phải tay tổ, cười xòa:
- Đàn anh bảo sao, đàn em nghe vậy.
- Mày.
- Dạ!
- Mày biết nhiều chuyện ở đây phải không?
- Dạ.
Nguyễn Đạm móc túi lôi ra một mảnh giấy có ghi lăng nhăng vài chữ trao cho tên ma cô:
- Biết số nhà này không?
Tên ma cô coi qua, đáp luôn:
- Dạ biết.
- Nhà ai.
- Ông Thuận làm trong phi trường.
- Có cô con gái tên Thủy phải không?
- Dạ.
Tên ma cô nhìn Nguyễn Đạm soi bói:
- Đàn anh muốn “sài” thứ đó?
Đạm vung tay tát tên ma cô một cái:
- Im mồm mày lại.
Tên ma cô toan chống đối, Nguyễn Đạm chỉ vào mặt nó:
- Biết tao là ai không mà định giở trò.
Không thấy nó đáp ngay, Nguyễn Đạm hỏi:
- Nghe tên Mừng lác không?
Tên ma cô biến sắc ấp úng:
- Dạ... có... ạ!
- Tao là bạn của Mừng lác
- Thưa anh tên gì?
- Đạm.
- Thưa anh tìm cô Thủy ạ. Cô ấy dọn nhà ra khỏi xóm này rồi.
Nguyễn Đạm thộn mặt ra. Lúc lâu mới thở dài, chán nản:
- Dọn lâu chưa?
- Hôm qua.
- Sao lại dọn đi?
- Em không biết. Thưa anh, người lương thiện sống ở đây riết rồi cũng hóa hư hỏng. Chắc vì thế mà cô Thủy dọn nhà.
Nguyễn Đạm thân mật khoác vai tên ma cô:
- Chú mày tên chi?
- Dạ, Mạnh.
- Này chú Mạnh!
- Dạ.
- Chú đưa anh tới chỗ ngon nhất của chú đi! Tao cần say, cần giải buồn, cần tìm lý tưởng. Mày biết Mừng lác nó bảo sao không?
- Dạ không.
- Nó bảo mày có lý tưởng.
- Em chẳng hiểu gì?
- Thì mày có nghề ma cô. Có nghề là lý tưởng. Chứ long nhong, lang thang như tao là vô lý tưởng, Mạnh ạ!
Mạnh nhe răng cười:
- Em có lý tưởng à?
- Ừ.
Nguyễn Đạm dìu Mạnh đi:
- Nhớ đưa tao tới chỗ ngon nhất nghe.
- Đàn anh tin em đi.
- Tao tin chú mày lắm.
Mạnh dẫn Nguyễn Đạm tới một căn nhà sáng sủa hơn những căn nhà trong xóm hẹp này. Nó gõ cửa ba tiếng. Một thằng ôn chừng mười tuổi hé cửa, ló đầu ra. Mạnh hỏi:
- Có con Mậu ở trỏng không?
Thằng ôn nheo mắt, y hệt cái nheo mắt của tên ma cô Mạnh:
- Chị đang bận.
Mạnh mím môi tỏ vẻ bực tức:
- Khứa nào?
- Mẽo anh ạ!
Mạnh nhổ bãi nước miếng, nhưng khuôn mặt nó tươi hẳn lên. Nó vỗ vai Nguyễn Đạm:
- Thưa anh.
- Gì?
- Em thưa thật với anh em rất sợ Mừng lác và em sợ luôn cả anh nữa.
Nguyễn Đạm ngạc nhiên nó chưa hiểu ma cô Mạnh muốn nói gì thì Mạnh đã tiếp:
- Anh cho đàn em nửa tiếng nữa, đàn em sẽ dẫn anh tới chỗ giải buồn khác.
Đạm nhún vai:
- Ở đây sao?
Mạnh liếm mép:
- Ở đây là chỗ kiếm ăn chứ không phải là chỗ giải buồn anh ạ! Đượi xóm này nghèo mạt, bệnh tật tứ tung...
Nguyễn Đạm gật gù như một tay chơi sành điệu:
- Bộ chú mày chê anh sao?
Mạnh đáp:
- Đâu dám
Nguyễn Đạm nhìn Mạnh không chớp mắt:
- Mày nói thật với tao lần chót đi!
Mạnh cúi mặt:
- Nói thật với anh là con mồi đã sa bẫy. Xin anh nửa tiếng để em “làm lông” nó.
Nguyễn Đạm búng ngón tay:
- Thằng Mẽo hả?
Mạnh gãi tai xun xoe:
- Dạ.
- Mày sẽ làm gì nó?
- Nhiều trò lắm.
- Nói tao nghe.
- Không nói được, anh vô coi tụi em “biểu diễn nghệ thuật” sẽ biết.
Nguyễn Đạm đang chán nản không biết thì giờ bằng cách nào. Nó có định đi “giải buồn” đâu. Thâm tâm nó, nó chỉ định đi kiếm nhà Thủy. Từ đêm gặp Thủy ở phòng tạm giữ, chứng kiến nỗi đau thương của Thủy, nó đâm ra thương nhớ Thủy.
Mừng lác đã đem mọi thứ kinh nghiệm ra “giáo dục” Đạm. Nhưng Đạm vẫn lo lắng. Nó lo lắng cho số phận Thủy. Con bồ câu bùn vấy nhơ chắc sẽ dầm mình luôn xuống bùn cho nhơ một thể? Rồi cuộc đời của người con gái ấy sẽ ra sao?
- Cô Thủy dọn nhà đi đâu mày biết không?
- Dạ không, thưa anh...
- Mày muốn gì?
- Mời anh vô nhà chơi. Rồi lát nữa em đi hỏi thăm giùm anh.
Nguyễn Đạm nghe xuôi ta. Nó theo Mạnh vào nhà. Căn nhà chia làm hai phòng. Bên ngoài là phòng khách. Một đứa con gái nhỏ canh ở cửa sổ phòng trong. Đứa con trai lai trông rất kháu khỉnh. Nó mới độ tám, chín tuổi. Da trắng mịn, mũi dọc dừa không cao lắm. Đôi mắt nó sâu và dường như đã chứa đựng cả một trời u ẩn. Nó mặc quần áo Việt Nam, ngồi co ro dựa lưng vào vách ván. Một tay mân mê tấm ri đô, một tay cầm bắp ngô nướng đưa lên miệng ngoạm ngấu nghiến.
Cánh cửa đã khép kín, Mạnh hỏi thằng bé:
- Khui rượu chưa?
Thằng bé lễ phép:
- Thưa anh còn có nửa chai thôi.
Mạnh vụt rối rít:
- Mầy ra Lăng lụm nửa chai đế nữa đi. Bọn thằng Giăng, thằng Bỏ đứng đâu?
- Chúng nó canh gác kỹ lắm rồi ạ!
Thằng bé đẩy cửa bước ra ngoài. Mạnh hất hàm hỏi con bé lai:
- Gia nin, mầy ngó xem thằng Mẽo đang làm gì?
Con bé lai hé tấm ri đô nhìn vào. Nó quay đầu lại trả lời:
- Đang rỡn với chị Mậu.
Một lát sau, thằng bé đã đem một chai rượu đế về. Mạnh rót rượu để thứ cháy xé cổ vào nửa chai rượu vang. Nó lắc thật kỹ và bảo con Gia nin đem vào cho thằng Mẽo. Thằng Mẽo “thank you” rối rít, cười nói ầm ĩ. Ánh đèn trong nhà là ánh đèn dầu leo lét... Bên ngoài xóm nhỏ đã xuống đêm.
Nguyễn Đạm móc thuốc lá hút. Đôi mắt nó chăm chăm ngó con Gia nin và thằng bé. Nó vẫy tay gọi thằng bé lại gần mình. Thằng bé đưa mắt hỏi Mạnh, Mạnh gật đầu. Thằng bé mới dám tới chỗ Đạm. Nguyễn Đạm chìa thanh kẹo cao su. Thằng bé chộp luôn. Đạm nắm cánh tay nó:
- Tên em là gì?
- Rớt.
- Tên chi kỳ vậy?
- Người ta bảo em rớt ở đường mương đem về nuôi đặt tên em là Rớt.
- Em không có bố mẹ à?
Mạnh trả lời dùm nó:
- Mẹ nó là bọn điếm, bố là khách “giải buồn”. Nó là hình ảnh thuở nhỏ của em đó, đàn anh ạ!
Nguyễn Đạm chớp mắt. Dường như con muỗi vừa sa vào mắt nó. Mạnh nói thêm:
- Sinh trong xóm này, lớn lên con gái làm điếm, con trai làm ma cô, đàn anh biết không?
Đạm buông hai tay cộc lốc:
- Thế à!
Nhưng hai tiếng cộc lốc đó mang một âm hưởng não nề, khiến Mạnh phải bộc lộ tâm sự:
- Làm điếm nhục như ma cô. Không ai muốn nhục cả, nhưng trời bắt thì đành chịu vậy thôi. Đàn anh nghĩ coi có cách nào mang tụi này ra ngoài lộ sống nghề khác chăng?
Đạm lắc đầu:
- Tao đâu dám nghĩ chuyện to tát ấy. Tao cũng đang sống trong nghề của mầy. Chỉ khác tao chưa thực hiện thôi. Ốc mang mình ốc chưa nổi, mang cọc đầy rêu sao được.
Mạnh dụi một điếu thuốc hút dở vào tường:
- Anh nói sao?
- Mầy bảo mầy biết Mừng lác mà mày còn ngạc nhiên à?
- Em chỉ biết Mừng lác, vua du đãng Phú Thọ thôi.
Đạm nhả khói thuốc:
- Có lẽ mầy nên gặp Mừng lác đi, nó sẽ đưa mầy ngoài lộ được đó.
- Bằng nghề gì hả anh?
- Bằng nghề ma cô.
- Nghĩa là vẫn sợ cảnh sát, vẫn sợ lo ngày bị súc vô Chí Hòa.
Phòng trong, tên Mỹ bắt đầu cười nói to lớn. Ý chừng rượu đã thấm tim phổi nó. Mạnh nhếch mép cười:
- Con mồi lọt bẫy rồi, nó đang giẫy giụa.
Đạm hỏi:
- Chúng mầy định “làm lông” thằng Mẽo bằng cách nào?
Mạnh vỗ con muỗi đậu trên má mình:
- Như thường lệ anh ạ!
- Tao chưa hiểu.
- Chúng em có tổ chức “làm lông”. Tài xế tắc xi dụ mồi xuống đây, dẫn mồi vào ổ. Gái điếm chìu chuộng con mồi bằng mọi thủ đoạn và nghệ thuật của nó. Nó cũng biết khuyến khích con mồi uống rượu. Con mồi không biết rượu chát pha rượu đế và bốn viên thuốc ngủ. Con mồi được “mái súy” tu rượu vang ừng ực. Tu xong, đấu hót một hồi thì con mồi gục, chúng em bèn xoay con mồi ra “làm lông”. Đồng hồ, bút máy, lắc, nhẫn, đô-la chúng em lột trơ trụi. Lột xong, chúng em khiêng con mồi vất một xó để lúc nào tỉnh thì nó về nước, nó nghiền ngẫm kinh nghiệm. Mà nó chết thì mặc cha nó.
Nguyễn Đạm ớn xương sống:
- Nhỡ nó không gục thì sao?
Mạnh đứng dậy:
- Dễ ợt, cái chai rượu đập vào gáy nó.
- Nó không báo cảnh sát à?
- Đưa nó vào đây vòng vèo hàng trăm ngõ, nó biết ngõ nào mà báo.
- Không gặp cảnh sát kiểm tục hả?
Mạnh xoa tay:
- Chỉ sợ quân cảnh và cảnh sát thôi. Nhưng chúng em đã có sợi dây báo động do bọn lỏi đảm nhận. Lính mới bước vào, trong này đã có tin. Còn cảnh sát kiểm tục, xin lỗi anh, bọn nó cũng “ăn có” với tụi em.
Mạnh tiếp:
- Đấy đàn anh xem, xã hội Lăng Cha Cả sống cũng biết đoàn kết chặt chẽ lắm chứ bỡn sao. Thời buổi này ăn mảnh đâu được. Đứa nọ nhờ đứa kia để có cơm mà ăn, áo mà mặc.
Đạm đã đốt thuốc mới. Nó ném cho Mạnh một điếu:
- Có vụ phản phé không?
Mạnh rút con dao, bấm tách một cái. Lưỡi dao bật ra. Nó phóng con dao vô vách ván:
- Có chứ, nhưng đã có cách trừng trị kẻ phá đổ niêu cơm của mình.
Nguyễn Đạm chép miệng:
- Cực quá nhỉ?
- Dạ cực lắm!
Đạm ngập ngừng giây lát, rồi nói:
- Tao sống với Mừng lác nhiều khi cô đơn quá. Mầy cho tao con Gia nin tao đem về làm em nuôi được không?
Mạnh hỏi hơi sỗ sàng:
- Anh có mục đích hả?
Nguyễn Đạm không giận, nó thản nhiên đáp:
- Tao không muốn nó trở thành điếm, tao sẽ nuôi nó, cho nó đi học. Rồi lớn lên nó sẽ có chồng con đàng hoàng.
- Anh giải quyết vấn đề xã hội y hệt phim Ấn Độ và tiểu thuyết ở báo Saigon Mới. Anh biết ở Saigon có bao nhiêu xóm điếm không? Và bao nhiêu đứa trẻ như con Gia nin, như thằng Rớt? Anh dắt một con Gia nin, nỡ bỏ bao nhiêu đứa ở lại xóm điếm sao? Không được? Anh có tâm hồn lắm nhưng cái lối giải quyết của anh là lối giải quyết của mấy tay đạo đức giả. Anh phải làm cái gì khác hơn, phải đem hết bọn trẻ thơ ra khỏi vũng bùn nhơ này, phải xây nhà cho chúng nó ở, xây trường cho chúng nó học, xây đường cho chúng nó đi vào tương lai...
Nguyễn Đạm ngắt lời Mạnh:
- Thôi, tao chán nghe mầy quá rồi. Mầy đi tìm giúp tao địa chỉ mới của cô Thủy.
- Anh yên chí, nếu ông Thuận còn làm trong phi trường thì chuyện này dễ dàng.
- Còn thằng Mỹ, lột xong chưa?
- Chưa vội.
Nguyễn Đạm móc tiền cho con Gia nin và thằng Rớt mỗi đứa một trăm khiến Mạnh nhớ ra nó co cầm nhẹ của Đạm hai trăm bạc. Nó cười thành tiếng:
- Anh là “khứa” hào hoa.
Nguyễn Đạm hơi ngượng:
- Vì tao buồn quá thì đúng hơn. Có lẽ tao nên về.
Mạnh trả lại Đạm hai trăm. Đạm cho luôn Gia nin và Rớt. Nó xoa đầu Gia nin:
- Chia cho bọn thằng Bỏ, thằng Giăng nữa nghe không.
Rớt mở cửa. Đạm theo sau Mạnh bước ra ngõ. Tới con lộ sáng trưng đèn điện. Mạnh bắt tay Đạm:
- Anh quen cô Thủy trong tù hả?
- Ừa, sao mầy biết.
- Tối cô bị bắt lầm, đàn em hay chuyện.
- Chúng nó làm nhục cô ấy.
- Đàn em cũng đoán thế, anh thấy làm người khổ không? Nhưng nếu cảm thấy không thể làm được gì thì nên nghiến răng mà chịu nhục.
- Tao không nghiến răng đâu.
Mạnh buông tay Đạm. Nó nhìn Đạm không chớp mắt. Mạnh xoay lưng và biến vào trong ngõ tối. Nguyễn Đạm trông theo. Nhưng bóng tối đã nhốt mất thằng ma cô.
Nước Mắt Lưng Tròng Nước Mắt Lưng Tròng - Duyên Anh Nước Mắt Lưng Tròng