Núi Thần epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần 3 - Trò Đùa, Phép Xức Dầu Thánh Niềm Vui Bị Gián Đoạn
“Ông ta vui tính quá nhỉ”, Hans Castorp lên tiếng, sau khi hai người niềm nở chào lão gác cổng khập khiễng đang ngồi soạn thư ở quầy tiếp tân và bước qua cổng viện ra ngoài. Cánh cổng sừng sững nhô cao hơn một tầng lầu, ở chính giữa mặt đông nam của dãy nhà dài quét vôi trắng xóa, bên trên chĩnh chện một cái tháp đồng hồ lợp thép tấm màu xám. Đi lối này người ta không qua khoảng vườn có hàng rào bao quanh mà bước ngay ra sườn núi dốc phủ thảm cỏ dày, đây đó điểm xuyết một cây tùng cao nhơ nhỡ và những cây thông móc câu cành cong queo la đà sát đất. Con đường mòn họ chọn - thực ra đó là con đường duy nhất, nếu không kể đường xe ngựa chạy xuống thung lũng - hơi thoai thoải dốc, tạt sang bên trái đi qua mặt sau viện an dưỡng, nhà bếp và khu hành chính với những thùng rác bằng sắt đứng cạnh chấn song bậc thang dẫn xuống hầm, theo hướng này một đỗi rồi đột ngột rẽ ngoặt sang bên phải hướng về phía sườn núi dốc đứng cây cối lưa thưa. Mặt đường rắn đanh nhuốm màu nâu đỏ vẫn còn âm ẩm sương đêm, hai bên lề đường rải rác những khối đá nằm lăn lóc. Hai anh em họ không sợ cô đơn trên con đường đi dạo. Những người khách an dưỡng cũng vừa kết thúc bữa điểm tâm lũ lượt bám theo gót họ, và có nhiều người đã trên đường quay về, đi thành nhiều nhóm ngược chiều rầm rập xuống dốc.
“Ông ấy vui tính ghê!”, Hans Castorp lặp lại. “Rất lộng ngôn, thật sướng tai khi nghe ông ta nói. ‘Điếu xì gà thủy ngân’ thay cho ‘cây nhiệt kế’, tuyệt thật, tớ hiểu ngay lập tức… Nhưng bây giờ tớ phải châm một điếu xì gà thật”, chàng bảo và dừng lại, “tớ không nhịn được nữa! Từ trưa hôm qua đến giờ tớ không hút rồi… Đợi chút xíu!” Và chàng rút từ trong cái túi da đựng thuốc trên khảm bạc mấy chữ cái đầu tên chàng ra một điếu Maria Mancini, một điếu xì gà thon thon loại hảo hạng, dẹp một cạnh đúng như sở thích của chàng, cắt bỏ đầu xì gà bằng một dụng cụ nhỏ mà sắc móc ở sợi dây đeo cái đồng hồ quả quít, bật cái hộp quẹt bỏ túi lên châm vào đầu bên kia rồi say sưa bập vài hơi cho điếu thuốc cháy đỏ. “Được rồi!” chàng bảo. “Giờ thì chúng mình có thể tiếp tục nhiệm vụ dạo chơi. Cậu không hăng lên mà hút một điếu hay sao?”
“Tớ có hút thuốc bao giờ đâu”, Joachim trả lời. “Tại sao lên đến đây tớ lại phải tập hút.”
“Tớ không thể hiểu nổi!” Hans Castorp bảo. “Tớ không hiểu tại sao người ta có thể không hút thuốc được, phải nói là cậu đã bỏ lỡ mất thú vui lớn nhất ở đời, một phần của cuộc sống! Mỗi khi thức giấc mở mắt ra tớ đã sung sướng vì ngày hôm ấy sẽ được hút thuốc, và trong khi ăn tớ đã hạnh phúc nghĩ đến điếu thuốc tráng miệng, nếu bảo tớ chỉ ăn để sau đấy được hút một điếu thì tất nhiên là quá cường điệu, nhưng không phải không có phần sự thật trong đó. Một ngày không có khói thuốc là một ngày nhạt nhẽo vô vị, hoàn toàn tối tăm ảm đạm đối với tớ, và nếu như buổi sáng tớ phải tự nhủ: ngày hôm nay mình không được hút thuốc, thì sợ rằng tớ sẽ không đủ can đảm để mà bò dậy, thật đấy, tớ sẽ nằm bẹp trên giường. Cậu thấy không: nếu người ta có một điếu xì gà cháy đỏ - tất nhiên nó không được hở để khí vào không đều hoặc là cuốn chặt đến nỗi khó rít, bị thế thì bực mình lắm - ý tớ nói là nếu người ta được hút một điếu xì gà loại tốt, người ta sẽ tự động cảm thấy yên tâm, không phải lo sợ điều gì. Giống hệt như khi nằm trên bãi biển, người ta biết rằng mình đang nằm trên bãi biển, phải không nào, và chẳng cần bận tâm đến điều gì khác, chẳng cần lo làm việc hay giải trí… Đội ơn Chúa khắp thế giới đều có người hút thuốc, cho dù có bị trôi dạt đến xó xỉnh nào cũng khỏi lo, theo như tớ được biết thì không đâu không có thuốc lá. Thậm chí các nhà thám hiểm Bắc cực cũng chuẩn bị một lượng thuốc lá dự trữ phong phú cho chuyến đi vất vả của mình, thực tình tớ rất xúc động và thông cảm khi đọc về điều đó. Bởi vì người ta có thể rơi vào những tình huống rất khó khăn, nói giả sử, tớ ở vào một hoàn cảnh tuyệt vọng; nhưng chừng nào tớ còn có xì gà để hút thì tớ vẫn chịu đựng được, tớ biết chắc là nó sẽ giúp tớ vượt qua.”
“Theo tớ thì nghiện thuốc là một biểu hiện nhu nhược”, Joachim bảo, “vì cậu bị phụ thuộc vào nó. Behrens nói rất chí lý: cậu là người dân sự, dĩ nhiên ông ấy nói thế với ý khen ngợi, có điều cậu dân sự một cách vô phương cứu chữa, thế đấy. Nhưng xét cho cùng cậu là người mạnh khỏe và muốn làm gì cũng được”, chàng nói thêm và đôi mắt bỗng trở nên buồn rười rượi.
“Ừ, mạnh khỏe nhưng mà thiếu máu”, Hans Castorp bảo. “Ông ta vừa mới miêu tả nét mặt xanh xao của tớ một cách rất văn hoa. Thực ra ông ấy nói đúng, tự tớ cũng thấy, so với các cậu ở trên này thì tớ đúng là mặt xanh nanh vàng thật, ở nhà tớ không nhận ra điều đó. Mà ông ấy còn tử tế cho tớ mấy lời khuyên, hoàn toàn miễn phí, theo cách diễn đạt của ông ấy. Tớ rất sẵn lòng làm theo những lời khuyên đó và bắt chước nếp sinh hoạt của cậu, ở trên này tớ còn biết làm gì khác nữa, và nhân danh Chúa, nếu bổ sung thêm được protein thì cũng không có gì hại cả, mặc dù chắc cậu cũng đồng ý với tớ là nói như vậy nghe khiếp quá.”
Joachim vừa đi vừa húng hắng ho, quãng dốc cao có vẻ làm chàng đuối sức. Lúc cơn ho dồn lên đến lần thứ ba thì chàng đứng lại chau mày. “Cậu đi trước đi”, chàng bảo. Hans Castorp vội vàng đi vượt lên trước và không quay đầu nhìn lại. Rồi chàng dần dần chậm bước và cuối cùng gần như dừng hẳn lại đợi, vì chàng cảm thấy mình đã bỏ cách Joachim một đoạn khá xa. Nhưng chàng vẫn không ngoảnh lại.
Một nhóm khách an dưỡng cả hai giới tính đi ngược về phía chàng, lúc nãy chàng đã nhìn thấy họ đi dọc khúc đường bằng ở lưng chừng sườn núi, giờ họ bước dồn xuống dốc đi thẳng tới chỗ chàng, vừa đi vừa líu lo trò chuyện. Cả nhóm có khoảng sáu hay bảy người thuộc mọi lứa tuổi, một cô gái còn trẻ măng, vài người đã xồn xồn. Chàng đứng nghiêng đầu nhìn bọn họ, trong khi vẫn mải nghĩ đến Joachim. Tất cả nhóm đều để đầu trần và có nước da rám nắng, những người phụ nữ mặc áo sweater sặc sỡ đủ màu, đám đàn ông đa số không mặc áo khoác và thậm chí không cầm batoong, như thể họ chỉ định thọc tay vào túi đi tàn tàn vài bước trước cửa nhà. Vì đang xuống núi nên họ không phải khó nhọc chút nào, chỉ cần kìm bước để khỏi chuyển thành chạy và khỏi vấp, đúng ra là chỉ cần thả cho người theo đà lao xuống, nên bước đi của họ có một vẻ nhún nhảy rất vô tư, điều đó thể hiện rõ trên nét mặt và dáng điệu, đến nỗi người ta bất giác mong được nhập bọn với họ.
Giờ họ đã tới chỗ chàng, Hans Castorp có thể nhìn rõ mặt từng người. Không phải ai cũng có nước da nâu, hai người phụ nữ nổi bật lên vì làn da xanh bủng: một người dẹp lép như con mắm với gương mặt màu ngà voi, người kia lùn xủn và mập ú, mặt đầy tàn nhang. Tất cả đều giương mắt nhìn chàng với nụ cười đồng lõa tinh quái. Một cô gái trẻ dài thườn thượt mặc áo len xanh lá cây với mái tóc chải dối và cặp mắt đần độn lim dim đi sát qua mặt Hans Castorp, gần đến nỗi cánh tay suýt chạm vào người chàng. Vừa đi cô ta vừa huýt gió… Không, không thể thế được! Cô ta huýt sáo khi đi ngang qua chàng, nhưng không phải bằng miệng, vì cô ta không hề chúm mỏ mà ngược lại cặp môi vẫn mím chặt. Tiếng huýt gió thoát ra từ người cô ta, trong lúc cô ta chăm chăm nhìn chàng bằng cặp mắt lờ đờ nửa khép nửa mở, một tiếng huýt gió đặc biệt khó chịu, rít lên chói tai nhưng lại hơi âm u lùng nhùng và về cuối xìu dần, làm cho người ta nhớ đến tiếng con heo bong bóng cao su ở chợ phiên lúc đột ngột bị xì hết hơi bơm trong ruột và ủ rũ teo lại, tiếng động không hiểu bằng cách nào thoát ra từ ngực cô ta, và rồi cả nhóm đi qua chỗ chàng.
Hans Castorp đứng như trời trồng mắt tròn như cái chén. Rồi chàng hấp tấp quay phắt lại và hiểu ra rằng đó là một trò đùa của đám người kia, một kiểu họ ngầm thỏa thuận với nhau để chọc quê chàng, vì nhìn sau lưng những người đi xuống chàng thấy họ đang cười rung vai, và một cậu thiếu niên lùn tịt có cặp môi mọng vều lên, hai tay thọc trong túi quần nâng vạt áo khoác một cách khiếm nhã, thậm chí còn lén lút quay đầu lại nhìn chàng cười nhăn nhở… Joachim cũng vừa lên tới nơi. Chàng lên tiếng chào mấy người kia, theo thói quen khép sát hai gót chân và nghiêng người rất đỗi hào hoa, rồi bước lại gần đưa cặp mắt hiền hậu nhìn người em họ.
“Sao mặt cậu đần ra thế?” Chàng hỏi.
“Cô ta huýt sáo!” Hans Castorp ngơ ngác đáp. “Lúc đi ngang qua chỗ tớ cô ta huýt sáo bằng bụng mà không cần mở miệng, thế là thế nào?”
“À”, Joachim vừa cười vừa phẩy tay. “Không phải bằng bụng, vớ vẩn. Đấy là con nhỏ Kleefeld, Hermine Kleefeld, nó biết huýt sáo bằng pneumothorax[18].”
“Bằng cái gì?” Hans Castorp hỏi lại. Chàng cảm thấy tinh thần bị kích động cao độ, bối rối dở cười dở khóc. Chàng nói thêm như phân trần: “Cậu không thể đòi hỏi tớ hiểu được cái thứ tiếng lóng chết tiệt ở đây.”
“Thôi mình đi tiếp chứ!” Joachim bảo. “Trong lúc đi tớ sẽ giải thích. Cậu đứng cứ như trời trồng ấy! Đấy là một biện pháp phẫu thuật, chắc cậu cũng đoán ra rồi, một can thiệp khá phổ biến ở đây. Behrens rất lành nghề trong vụ này… Nếu một lá phổi bị hư hại nặng, cậu hiểu không, trong khi lá bên kia còn khỏe hoặc là tương đối khỏe, thì người ta tìm cách cho lá phổi bệnh nghỉ một thời gian để nó hồi phục…
Tức là, người ta rạch bên mạn sườn ra, đâu đó chỗ này này, tớ không biết rõ chỗ nào, nhưng Behrens có thể nhắm mắt vẫn rạch đúng chỗ được. Rồi người ta sẽ bơm khí vào đó, khí nitơ, cậu hiểu không, và thế là lá phổi bã đậu ngừng hoạt động. Tất nhiên khí không đọng lại trong đó được lâu, khoảng nửa tháng người ta phải bơm thêm một lần, cậu phải hiểu là cứ đều đều như vậy. Và sau khoảng một năm hoặc lâu hơn, nếu mọi việc tốt đẹp cả thì lá phổi được nghỉ ngơi có thể hồi phục chức năng trở lại. Không phải lúc nào cũng được thế, dĩ nhiên rồi, đây là một can thiệp táo bạo. Nhưng nghe nói đã có nhiều ca điều trị rất thành công bằng pneumothorax. Tất cả những người cậu gặp vừa rồi đều chứa khí trơ trong phổi. Bà Iltis cũng ở trong số họ, đấy là cái bà nhiều tàn nhang, cả cô Levi nữa, cô bé ốm ròm như bộ xương, cậu có để ý không, cô ta nằm liệt giường khá lâu. Họ kết thân với nhau, vì tất nhiên pneumothorax là một số phận chung khiến người ta trở nên gắn bó, họ tự đặt tên cho nhóm mình là ‘Hội nửa phổi’, và được tất cả biết đến với cái tên này. Nhưng niềm tự hào của cả hội là Hermine Kleefeld, vì cô ta biết huýt sáo bằng pneumothorax, đấy là một năng khiếu trời phú cho cô ta, không phải ai có pneumothorax cũng làm được. Cô ta làm thế nào thì tớ không thể giải thích được, vì bản thân cô ta cũng chẳng biết cách diễn đạt cho rõ ràng. Chỉ biết là khi đi nhanh cô ta có thể xì hơi trong người thành tiếng rít như tiếng huýt sáo, và tất nhiên cô ta lợi dụng năng khiếu này để dọa cho mọi người giật mình, nhất là những bệnh nhân mới đến chưa biết đầu cua tai nheo ra sao. Nhưng tớ tin rằng kiểu đùa ấy làm cô ta bị mất khí nitơ khá nhanh, vì cứ tám ngày cô ta lại phải bơm thêm khí một lần.”
Giờ thì Hans Castorp phá ra cười; sau khi nghe Joachim giải thích đầu đuôi hệ thần kinh căng như dây đàn của chàng đã ngả hẳn sang chiều hướng vui vẻ, và vừa tiếp tục đi chàng vừa đưa tay che trên mắt, đôi vai rung lên từng chặp theo tiếng cười dồn dập.
“Hội của họ có đăng ký chính thức không?” chàng hỏi, khó khăn lắm mới cất tiếng được; nhưng tràng cười bị nén lại làm cho giọng chàng lạc đi và hơi nức nở. “Họ có điều lệ hội không? Tiếc quá cậu lại không phải phẫu thuật để được vào hội, nếu cậu là hội viên thì tớ có thể được nhận là thành viên danh dự… hay là hội viên không chính thức… Cậu phải nói chuyện với Behrens để ông ấy cho phổi cậu ngừng hoạt động một thời gian. Biết đâu cậu sẽ huýt sáo được thì sao, nếu cố gắng có khi cũng học được đấy… Trong đời tớ chưa thấy cái gì tức cười đến thế!” chàng nói và thở ra một hơi dài. “Xin lỗi cậu, vì tớ nói đến bệnh tật bằng giọng cười cợt như thế, nhưng mà bản thân họ cũng tỏ ra cao hứng lắm cơ, những người bạn pneumo của cậu! Cứ nhìn cái cách họ đi xuống núi… Với lại, họ còn tự xưng là ‘Hội nửa phổi’ nữa chứ! Cô ta huýt gió vào mặt tớ nghe ‘chíuuu’, - hay thật! Nhưng mà đùa như thế thật quá quắt, này cậu, tại sao họ đùa giỡn quá hạn lệ như vậy, cậu có thể bảo cho tớ biết được không?”
Joachim cố tìm kiếm một câu trả lời. “Chúa ơi”, chàng bảo, “họ ở không quá mà… Ý tớ muốn nói, họ còn trẻ lắm, thời gian đối với họ chưa có ý nghĩa gì, nhưng cũng có thể họ chẳng còn sống được bao lâu. Việc gì phải mang bộ mặt ủ rũ cả ngày. Thỉnh thoảng tớ cũng nghĩ: bệnh tật và chết chóc thực ra chẳng có gì là nghiêm trọng cả mà chỉ là một dạng rong chơi, nghiêm trọng là cuộc đời ở dưới kia kìa. Tớ tin rằng cậu cứ ở đây lâu hơn chút nữa thì dần dần sẽ hiểu được thôi!”
“Tất nhiên rồi”, Hans Castorp bảo. “Tớ tin chắc là như vậy. Cuộc sống của các cậu trên này làm tớ tò mò lắm rồi, và một khi người ta muốn tìm hiểu thì quan tâm và thông cảm là chuyện đương nhiên… Nhưng sao hôm nay hút nó dở ẹc thế này!” chàng kinh ngạc nhìn điếu xì gà của mình. “Từ nãy tới giờ tớ cứ thấy người làm sao ấy, giờ mới phát hiện ra là tại hút Maria Mancini không ngon miệng như mọi khi. Hôm nay hút nó như đốt mùn cưa, thề với cậu, nó làm tớ phát buồn nôn. Thật không thể hiểu nổi! Lúc nãy tớ ăn điểm tâm nhiều lắm, nhưng nhất định không phải tại ăn nhiều, vì bình thường càng ăn no hút thuốc càng phải thấy ngon chứ. Theo cậu thì có phải tại tớ ngủ kém không? Có lẽ vì thế mà tớ bị mất thăng bằng chăng? Thật tình, thế này thì tớ đến phải vứt nó đi mất thôi!” chàng kêu lên sau khi thử kéo thêm một hơi nữa. “Càng hút lại càng thêm thất vọng; có cố nữa cũng chẳng ích gì.” Và sau một thoáng ngần ngừ chàng vứt điếu xì gà xuống sườn dốc giữa đám cây lá kim ướt nhẹp. “Cậu biết sao không?” chàng hỏi… “Tớ tin rằng tình trạng này liên quan đến cơn nóng bừng bừng chết tiệt trên mặt tớ từ sau khi ngủ dậy tới giờ. Quỷ tha ma bắt nó đi, tớ có cảm giác mặt tớ lúc nào cũng đỏ bừng như bị bắt quả tang làm điều gì xấu hổ… Hồi mới lên đây cậu có bị thế không?”
“Có”, Joachim đáp. “Lúc đầu tớ cũng thấy người kỳ lắm. Nhưng cậu đừng lo! Tớ đã bảo rằng hội nhập vào đời sống trên này không dễ tí nào mà. Rồi cậu cũng sẽ quen thôi. Nhìn kìa, chỗ cái ghế đằng kia đẹp không. Mình nghỉ chân ở đấy một lát rồi quay trở lại nhé, sắp tới giờ tớ phải nằm nghỉ rồi.”
Con đường đã trở nên bằng phẳng. Từ đây nó rẽ về hướng Phố Davos nằm cheo leo lưng chừng sườn núi, đằng sau những thân cây thông gầy mọc lơ thơ xiêu vẹo vì gió bấc đã thấy thấp thoáng nhà cửa nổi lên trắng xóa trong nắng sớm. Chiếc ghế gỗ mộc đơn sơ nơi họ ngồi nghỉ chân tựa lưng vào sườn núi dốc đứng. Bên cạnh đấy là một dòng nước chảy róc rách trong máng gỗ đổ xuống thung lũng.
Joachim muốn giới thiệu những ngọn núi đầy mây phủ của dãy Alps vây quanh mạn phía nam thung lũng, và vừa gọi tên từng đỉnh vừa đưa đầu cây gậy leo núi của mình lên chỉ. Nhưng Hans Castorp chỉ lơ đãng nhìn thoáng qua, chàng ngồi cúi người về phía trước đưa mũi cây batoong bịt bạc vẽ lăng nhăng lên cát và muốn biết những điều hoàn toàn khác.
“Tớ muốn hỏi cậu điều này”, chàng mở lời… “Trường hợp cô bệnh nhân ở phòng tớ ấy mà, cô ấy vừa mới qua đời lúc tớ đến đây. Thế từ khi cậu lên trên này đến giờ có nhiều ca tử vong không?”
“Chắc chắn là không ít đâu”, Joachim trả lời. “Nhưng họ lo liệu rất kín đáo, cậu hiểu không, những người khác hoặc là không hay biết gì hoặc mãi sau này mới biết, mà cũng chỉ do tình cờ thôi. Người ta giữ kín bưng mỗi khi ai đó qua đời, để khỏi ảnh hưởng đến các bệnh nhân khác, nhất là các bà hơi tí thì lăn ra ngất. Nếu có người chết ở ngay bên cạnh cậu cũng chẳng thể nào ngờ được. Cỗ quan tài được chở đến từ sớm tinh mơ, khi cậu còn đang ngủ, và được đưa đi vào những lúc vắng người, ví dụ như giờ ăn chẳng hạn.”
“Hừm”, Hans Castorp bảo và tiếp tục vạch vạch xuống đất. “Tức là mọi việc diễn ra hoàn toàn đằng sau cánh gà sân khấu.”
“Ừ, nói thế cũng được. Nhưng mới đây, xem nào, khoảng tám tuần trước…”
“Thế thì làm sao còn gọi là mới đây được nữa”, Hans Castorp cảnh giác nhận xét giọng khô khốc.
“Hả? Ừ thì không mới nữa. Cậu bắt bẻ khiếp quá. Tớ chỉ áng chừng thôi mà. Vậy là trước đây ít lâu, tớ có dịp được nhìn vào đằng sau cánh gà sân khấu, hoàn toàn tình cờ thôi, tớ còn nhớ rõ như chuyện mới xảy ra ngày hôm nay. Đấy là trường hợp cô bé Hujus, Barbara Hujus, nó là người Công giáo nên có linh mục đến làm phép xức dầu, bí tích cuối cùng trước lúc lâm chung, cậu biết đấy. Lúc tớ đến đây cô bé vẫn còn chạy lăng xăng, vui đùa thả cửa nhiều khi quá lố nữa, đúng là một thiếu nữ tinh nghịch. Nhưng rồi nó xuống dốc rất nhanh, nằm liệt giường không dậy nổi, phòng nó cách phòng tớ ba gian, và cha mẹ nó tới, và rồi vị linh mục. Ông ta đến vào giờ uống trà buổi chiều, dãy phòng ở vắng tanh không còn một ai. Nhưng cậu tưởng tượng xem, hôm ấy tớ lại ngủ quên. Lúc nằm nghỉ sau bữa trưa tớ ngủ thiếp đi nên không nghe thấy tiếng cồng, và tỉnh dậy trễ mất mười lăm phút. Thế nên vào giờ phút quyết định tớ không ở dưới phòng ăn như tất cả mọi người mà lạc vào sau cánh gà sân khấu, theo cách nói của cậu, và lúc tớ đi dọc hành lang thì gặp họ đi ngược lại, mặc áo trùm đăng ten rước một cây thánh giá trên đầu, một người vác cây thánh giá mạ vàng treo đèn lồng đi trước như người ta vác cây xúc xắc trước đội kèn diễu binh.”
“Đừng có so sánh thế”, Hans Castorp nói giọng thoáng bất bình.
“Thì tớ thấy giống thế. Cảnh ấy làm tớ bất giác phải liên tưởng đến cảnh kia. Nhưng cậu cứ bình tĩnh nghe tiếp đã. Thế là họ đi về phía tớ, bước phăm phăm, nếu tớ không nhầm thì ba người cả thảy, trước tiên là người đàn ông rước cây thánh giá, rồi đến vị linh mục đeo kính trễ xuống mũi, và một cậu thiếu niên xách bình hương. Vị linh mục ôm thánh thể đậy kín trước ngực, đầu cúi xuống một cách kính cẩn, đây chả là bí tích thiêng liêng nhất của họ mà.”
“Chính thế”, Hans Castorp bảo. “Chính vì thế nên tớ thấy lạ là cậu lại nói đến cây xúc xắc.”
“Hiểu rồi, hiểu rồi. Nhưng cứ đợi đấy, nếu cậu có mặt ở đó thì cậu cũng không biết tả thế nào khi nhớ lại đâu. Đại loại nó không khác gì một giấc mơ…”
“Giống ở khía cạnh nào?”
“Thế này này. Tớ luống cuống không biết cư xử ra sao trong tình huống ấy. Cũng không thể ngả mũ ra được vì tớ có đội mũ đâu…”
“Cậu thấy chưa!” Hans Castorp sôi nổi ngắt lời Joachim lần nữa. “Cậu thấy chưa, đi đâu cũng phải có cái mũ trên đầu! Tớ đã thấy là các cậu trên này không ai đội mũ cả, nhưng người ta đội mũ không phải chỉ để che mưa nắng mà còn để ngả ra trong những tình huống bắt buộc. Rồi sao nữa?”
“Tớ đứng dán lưng vào tường”, Joachim bảo, “chọn một tư thế nghiêm trang nhất, và hơi cúi đầu khi họ trờ tới chỗ tớ, đúng ngay trước cửa phòng cô bé Hujus, số hai mươi tám. Tớ cho rằng vị linh mục vui lòng thấy tớ cúi chào, ông ta đáp lại rất lịch sự và nhấc chiếc mũ tròn lên. Nhưng đồng thời họ cũng dừng cả lại, và cậu bé phụ lễ xách bình hương gõ cửa, vặn tay nắm mở cửa rồi đứng tránh ra nhường chỗ cho vị chủ tế bước vào. Cậu thử tưởng tượng xem lúc bấy giờ tớ kinh hoàng và bối rối đến mức độ nào! Vừa đúng lúc vị linh mục đặt chân bước qua ngưỡng cửa thì trong phòng vang lên một tiếng kêu thảm thiết, một tiếng gào mà trong đời chắc chắn cậu chưa phải nghe lần nào đâu, lặp lại ba bốn lần rồi chuyển thành tiếng thét không dứt, the thé như xé vải, từ cổ họng mở to hết cỡ, ahhh, trong đó có cả nỗi khiếp sợ và sự chống đối, hãi hùng không lời nào tả xiết, giữa chừng còn xen lẫn nức nở van xin, rồi đột nhiên tiếng kêu ấy nghẹt đi, trở nên âm u như bị đào sâu chôn chặt và vọng lên từ dưới lòng đất.”
Hans Castorp quay phắt sang nhìn người anh họ. “Đấy là cô bé Hujus à?” Chàng hỏi giọng xúc động. “Thế tại sao lại ‘vọng lên từ dưới lòng đất’?”
“Nó chui vào trốn dưới tấm chăn!” Joachim trả lời. “Cậu có hình dung được tâm trạng tớ lúc bấy giờ thế nào không! Vị linh mục vẫn đứng sát bên cánh cửa lựa lời an ủi, tớ còn nhìn thấy ông ta, ông ấy cứ liên tục gật gật cái đầu trong lúc nói. Người vác thánh giá và người phụ lễ còn kẹt lại trên ngưỡng cửa chưa bước vào phòng được. Tớ có thể nhìn qua họ vào tận trong phòng. Đấy cũng là một phòng bệnh hệt như phòng cậu hay phòng tớ, cái giường kê sát bức tường bên trái cửa, phía chân giường có mấy người chắc là thân nhân và cha mẹ cô bé đứng nhìn xuống khuyên nhủ đống chăn thù lù, vì trên giường chỉ thấy cái chăn cuộn lại không ra hình thù gì, nhưng vẫn nghe được tiếng van xin thê thảm và phản đối dữ dội, lại còn đạp chân lia lịa nữa chứ.”
“Cậu bảo sao, cô ta còn đạp chân nữa à?”
“Nó đạp thục mạng! Nhưng cưỡng lại sao nổi, trước khi chết nó phải được nhận phép thánh. Ông linh mục bước về phía giường, rồi hai người đi theo cũng có thể bước vào phòng, và cửa được đóng lại. Nhưng trước đấy tớ vẫn còn kịp nhìn thấy cái đầu cô bé Hujus thò ra khỏi chăn trong một giây, mớ tóc vàng rối tung xõa xượi, trừng trừng nhìn vị linh mục bằng cặp mắt kinh hoàng mở to hết cỡ, con ngươi nhạt màu đến nỗi cặp mắt gần như trong suốt, rồi lại thụt vào dưới chăn trong tiếng nức nở.”
“Thế sao mãi bây giờ cậu mới kể cho tớ nghe?” Hans Castorp trách sau một lúc im lặng. “Tớ không hiểu tại sao cậu lại không kể chuyện này ngay từ tối hôm qua. Nhưng mà, lạy Chúa, cô bé phải còn nhiều sức lắm mới có thể chống cự được dữ dội như thế. Phải có sức mới kêu khóc giãy giụa được chứ. Lẽ ra người ta không nên mời linh mục đến chừng nào người bệnh còn chưa yếu hẳn.”
“Cô ta yếu lắm rồi”, Joachim đáp lại. “… Ôi, có bao nhiêu chuyện để kể; biết chọn cái nào bỏ cái nào… Thực ra cô bé đã yếu lắm rồi, nhưng nỗi sợ tiếp thêm sức lực cho nó. Nó sợ đến phát cuồng lên khi biết rằng mình sắp chết. Nó còn trẻ lắm, người ta phải thông cảm cho nó. Tệ cái là đôi khi có cả những nam bệnh nhân cũng đớn hèn đến mức không thể tha thứ được. Nhưng Behrens rất biết cách xử lý những trường hợp ấy, ông ấy chỉ cần nói một câu là đủ.”
“Câu gì?” Hans Castorp chau mày hỏi.
“’Ông có thôi ngay đi không!’ Behrens bảo thế”, Joachim trả lời. “Chí ít thì gần đây ông ấy vừa mới quát một bệnh nhân như vậy, chuyện loang ra từ miệng bà y tá trưởng, bà ta có mặt lúc bấy giờ và phải giúp ghì chặt người hấp hối. Đó là một ông tới phút chót còn bày ra một cảnh nhu nhược không thể tưởng tượng được và nhất định không chịu chết. Đến lúc Behrens quát lên: ‘Ông có thôi ngay đi không!’, và thế là ông kia lập tức ngoan ngoãn nằm im rồi lặng lẽ nhắm mắt xuôi tay.”
Hans Castorp đập tay xuống đùi và đổ vật người vào lưng ghế, mắt ngước lên trời.
“Ôi, nghe kìa, thật quá quắt!” chàng kêu lên. “Có đời thủa nào lại quát lên một cách đơn giản: ‘Ông có thôi ngay đi không!’ với một người sắp chết bao giờ! Thật không thể chấp nhận được! Một người sắp chết phải được kính trọng một cách đặc biệt chứ. Đâu thể ăn nói bỗ bã như vậy… Theo ý tớ giờ phút lâm chung là một khoảnh khắc thiêng liêng!”
“Thì tớ cũng có chối cãi đâu”, Joachim bảo. “Nhưng nếu ông kia hèn nhát đến mức bày ra những trò hề…”
“Không!” Hans Castorp cãi lại một cách quyết liệt, gay gắt quá mức cần thiết. “Đối với tớ một người sắp chết đáng trân trọng hơn nhiều so với một kẻ phàm phu tục tử chỉ biết nhởn nhơ cười cợt, kiếm tiền và ních cho căng bụng! Không thể nào…” và giọng chàng lạc đi một cách kỳ lạ. “Không thể nào tỉnh bơ bảo người ta…” và câu nói của chàng tắc nghẹn trong tràng cười khùng khục, tiếng cười giống như ngày hôm qua, dội lên từ trong gan ruột, làm rung chuyển cả người, mãi không chịu dứt khiến chàng hai mắt nhắm nghiền, nước mắt trào ra giàn giụa.
“Psss!” thình lình Joachim bấm tay chàng.”Yên nào!” anh chàng vừa thì thầm vừa kín đáo huých vào mạng sườn kẻ đang cười ngặt nghẽo. Hans Castorp gạt nước mắt nhìn lên.
Trên đường có một người lạ đang đi từ phía trái lại, một người đàn ông nhỏ nhắn tóc nâu có bộ ria mép đen đỏm dáng vuốt lên cong vút, mặc quần màu sáng kẻ carô, vừa bước tới ông ta vừa cất tiếng chào Joachim bằng giọng nói rành rọt êm tai và đứng lại trước mặt họ, dáng điệu duyên dáng vô cùng, chân bắt tréo, tựa người lên cây gậy.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần