Chương 9 - Việc Hải Phòng
ôi vừa nói đến việc Hải Phòng.
Vào khoảng tháng tám năm 1927, ở Hải Phòng không hiểu tại vì sao, xảy ra Việt - Hoa xung đột, người ta kéo bè đánh người Tầu ở ngoài phố, rồi đến sấn vào phá phách các cửa hàng.
Có người cho đó là thủ đoạn của nhóm thực dân Pháp. Họ bỏ tiền ra thuê bọn du côn gây sự lôi thôi. Nếu người mình giết kiều dân Tầu ở bên này, thì chính phủ Tầu hoài hơi đâu mà giúp đỡ cho bọn cách mệnh Việt Nam ở bên ấy!
Biết cái mưu cay độc ấy, anh em Việt Nam thanh niên cách mệnh đồng chí ở Tổng bộ đặt ở Quảng Châu, liền rải truyền đơn vào đêm 22 tháng Tám, trong truyền đơn nói rõ các tình tệ. Cuổi cùng khuyên người mình, người Tầu cùng giống da vàng, không nên mắc mưu mà làm những việc vô ý thức như thế! Trái lại, nên đồng tâm hiệp lực mà tẩy uế chế độ thực dân là mối hại chung.
Truyền đơn ấy rải ra, người Hải Phòng bị bắt lung tung. Ng. M. B., một văn sĩ kiêm y sĩ, liền tâu với sở Mật thám là có lẽ do Phạm Tuấn Tài rải…
Nguyên chúng tôi khi ấy thấy việc Việt Hoa xung đột cũng sốt ruột. Sợ nó lan lên đến Hà Nội, nên phải tìm phương đối phó. Một mặt, nhờ các anh em du côn lảng vảng cạnh các phố Khách, nhất là các hiệu ăn.
Nếu kẻ nào đến tìm cách sinh sự với người Khách, anh em thẳng tay trừng trị ngay. Một mặt, đến bảo các ông Bang trưởng thông tri cho các người Tầu: “Nếu gặp người Việt Nam nào sinh sự thì đừng đối đáp lại một cách nóng nẩy quá! Tự nhiên sẽ có đồng bào chúng tôi đến can thiệp và hoà giải”. Nhưng còn muốn điều tra cho thật rõ nguyên nhân, chúng tôi liền cắt anh Học và Tài xuống Cảng xem xét tận chỗ. Nhân thể đi tuyên truyền hai hạt Hải Phòng, Hải Dương.
Các anh đi hôm 24 về hôm 26, đến 28 thì mật thám đến khám Nam đồng thư xã và bắt anh Tài đem đi.
Đó là kết quả về lời trình của B. Mà B. chỉ quen có Tài, nên không tâu gì về Học. Nếu không, Học cũng bị bắt rồi, còn chi?
Nhưng khi giải đến Cảng hỏi, thì họ biết là truyền đơn chẳng rải từ tay Tài: Việc đã xảy ra từ ngày 22, nghĩa là là hai ngày trước khi Tài có mặt ở đây. Vả lại khi khám Thư xã cũng không bắt được tang vật gì khả nghi cả. Họ liền tha Tài về. Tuy vậy, từ đấy anh cũng bị chú ý nhiều hơn trước. Họ cho việc để anh dậy học ở trường Đỗ Hữu Vỵ, một trường tập sự của các viên giáo lập là khá bề lợi hại! Họ rắp tâm đổi anh đi xa hẳn đất Thăng Long.
Nguyễn Thái Học (1902-1930) Nguyễn Thái Học (1902-1930) - Nhượng Tống Nguyễn Thái Học (1902-1930)