Chương 10: Con Gái Của Cha
gày trước tôi không muốn làm con gái của cha, nên cứ cố tìm trên khuôn mặt mình những nét của mẹ tôi. Tôi ngó chằm chằm vào gương và chỉ thấy những mảnh nhỏ tí xíu của mẹ. Một bản nháp không ra hình thù gì và dang dở.
Tôi thèm sống mũi thẳng và đôi mắt có mí to của mẹ vì mắt tôi phẳng lì, một mí. Tôi bóp hai bên sống mũi để mũi thon lại: cách thức mà mẹ tôi dạy tôi, theo lời khuyên của bà ngoại[36] mẹ của mẹ tôi. Tôi dán những miếng băng dính nhỏ lên mí mắt để tạo mí to, tròn như mí người phương Tây. Mắt tôi xếch giống mắt cha, mũi tẹt giống mũi cha: người Á châu không chệch đi đâu. Tôi nghiên cứu ảnh của mẹ tôi và bà ngoại tôi. Ở họ, sắc đẹp dường như được truyền từ mẹ sang con. “Cái gì đã xảy ra thế? Tại sao con lại giống mẹ ít thế?” – tôi thắc mắc và mẹ tôi thở dài.
Mỗi khi người ngoài ném cho tôi cái câu “Con bé này giống cha quá” là tôi lại phật lòng. Ðó là do tôi và cha cùng đeo kính, tôi tự nhủ. Ðôi kính quỷ quái kia đã khiến khuôn mặt tôi giống khuôn mặt cha và mang lại cho tôi biệt danh không thú vị lắm: “Chuột chũi”. Tôi bị cận thị như cha. Khi bé, mẹ mang tôi đến gặp bác sĩ mắt. Ðối diện tấm bảng có bảng chữ cái, tôi câm như hến. Tôi định đọc bừa vài chữ để che mắt bác sĩ, nhưng các chữ cái nhảy nhót trước mắt tôi. Ông bác sĩ liền nhét đầu tôi vào máy, đeo lên mũi tôi một gọng kính kim loại giống hệt một dụng cụ tra tấn. Tiếp theo, ông ấy liên tiếp thay các mắt kính, thở dài mỗi khi phải đổi số cao hơn. Mẹ tôi ngồi cạnh, quan sát, lo lắng, cũng đồng thanh thở dài. Hai mẹ con tôi rời phòng khám trong im lặng tang tóc. Sau đó, mẹ mang tôi tới cửa hàng kính. “Cháu bé cận quá nặng so với tuổi”, ông bán kính nói. Tôi ra khỏi cửa hàng với hai mắt kính dày như đít chai. Trời ơi tôi mới xấu làm sao!
Và xung quanh tôi tất cả cũng đều trở nên xấu. Các màu bỗng dưng dữ dội hơn, các đường nét như sắc hơn. Tôi ao ước được quay lại quả bong bóng của kẻ cận thị, giữa những đám mây êm dịu và mềm mại quen thuộc. Tôi dường như bị vỡ mộng về thế giới này. Thật là khủng khiếp khi nhìn thấy tất cả những chi tiết của nó. Tôi thích tưởng tượng rằng cái cây đằng xa kia là một cây thần có trăm tay tua tủa hơn, hay chiếc cần cẩu máy xúc ở góc phố là chiếc rô-bốt của Goldorak, còn khu công nghiệp với chi chít bóng đèn nê-ông là một lễ hội vui chơi khổng lồ có những con đom đóm và đèn nhấp nháy. Tôi muốn được ở lại trong sương mù mịn màng của những giấc mơ. Tôi tháo kính ra.
Khi tôi quay lại khám bác sĩ mắt một năm sau đó, thị lực của tôi còn tụt hơn nữa. Ông ấy nói oang oang: “Cháu sẽ mù mất!”. Câu cảnh báo của ông theo tôi về nhà. “Con sẽ mù mất”, mẹ tôi lải nhải mỗi khi tôi đọc sách. “Nó vẫn cứ đọc. Chẳng lạ gì nếu thị lực của nó tụt thêm.” Nhưng tôi tiếp tục ngấu nghiến tất cả những gì rơi vào tay mình, với cảm giác rằng đọc là một môn thể thao có phần nguy hiểm. Những cuốn sách gắn liền với bóng tối ban đêm, với ánh sáng run rẩy của ngọn đèn pin. Thị lực của tôi giảm không ngừng. Và mẹ tôi lại thở dài: “Ấy thế mà mắt của mẹ thì lại rất tinh!”. Ðôi mắt “như Tây” của mẹ, không xếch, mới đây đã phải mổ thủy tinh thể. “Nói chung, mắt người châu Á rất khó mổ vì có mỗi một mí. Nhưng với mắt của mẹ, các bác sĩ không vất vả gì!”.
Mắt của tôi sẽ không mổ được. Mắt tôi sẽ yếu mãi. Mắt tôi sẽ giống mắt của cha tôi. Nhưng chỉ cần một động tác là tôi có thể cắt đứt khỏi thế giới này: Tháo kính. Khi đó tất cả các khuôn mặt của những người xung quanh sẽ trộn lẫn thành một, một khuôn mặt nhân từ, bao dung. Khuôn mặt của tôi trong gương sẽ trở thành khuôn mặt của mẹ tôi và các chị em gái tôi. Tôi nhìn mình và không hiểu tôi là ai nữa. Tôi thấy trong gương Bùi 2 và Bùi 3. Tôi quay đầu, ở một góc khác, tôi lại thấy Bùi 5, rồi cuối cùng là mẹ tôi. Tôi 25 hay là 70 tuổi.
Lúc ấy tôi nhớ lại khuôn mặt của cha tôi khi không đeo kính, mắt một mí phẳng lì, nét mặt ngơ ngác, hoảng hốt. Cha biết phép màu kia. Tháo kính có nghĩa là không nhận ra những người xung quanh, thậm chí không nhận ra cả bản thân, quên mình trong đám sương mù. Lạc lối.
Trong tiểu thuyết Sụp đổ của Albert Camus, một người đàn ông xưng tội giữa sự thật và dối trá. Ông ta nói: “Sự thật, như ánh sáng, chọc vào mắt người ta. Ngược lại, dối trá như ánh hoàng hôn đẹp đẽ, khiến mọi vật lung linh”. Cha tôi và tôi luôn lẩn tránh ánh sáng sống sượng tàn nhẫn của mùa hè, chúng tôi thích thứ ánh sáng nhờ nhờ êm dịu của mùa thu. Những lời nói sắc như dao làm chúng tôi hoảng sợ, và tất cả những ngôn từ mà người ta không thể làm cho nhẹ nhàng hơn. Sự im lặng luôn khiến chúng tôi yên lòng.
Ðáng ghét thay những ai mở miệng. Nữ tiểu thuyết gia Yôko Ogawa nghĩ ra một cách trừng phạt khủng khiếp với những người theo chủ thuyết im lặng nhưng lại không thực hiện được mong muốn của mình. “Họ phải đặt lưỡi lên băng lạnh và bắt nó phải câm lặng và làm đông lại thành đá những ngôn từ mà nó đã lỡ phát ra”. Những mẩu nhỏ của cái lưỡi mềm, nóng và ẩm đó, dính chặt vào băng, sẽ bị xé rách trong đớn đau. Khi còn nhỏ, tôi nhớ là có lần từng đặt một bàn tay lên đường ống dẫn nước bị biến thành băng. Và lúc nhấc ra, tôi đã sợ nó sẽ đứt rời khỏi cơ thể mình như thế nào.
Tôi đã im lặng. Và từ sự im lặng của tôi đã xuất hiện một âm thanh: Tiếng ho hen của cha tôi. Tôi nghe âm thanh ồ ồ vang vọng trong khắp lồng ngực tôi. Tôi trở thành cha tôi: Tôi phát ra tiếng động như cha. “Bệnh hen của cô có từ lâu rồi”, bác sĩ nói với tôi sau khi nghe tôi kể về những cơn viêm phế quản liên miên của tôi, “nhưng nó đã không được chẩn đoán thôi”. Ngày bé, tôi thường ho suốt cả mùa xuân, mẹ tôi lôi tôi đi chụp phổi và lo lắng – “Con giống ai mà ho nhiều vậy, mẹ có ho đâu?!”; tôi uống hàng lít si-rô chống ho, nhưng vô ích. Ngay cả cha tôi cũng nhắc đi nhắc lại: “Không đâu, con không bị hen đâu”, cha bướng bỉnh chối cãi sự thật hiển nhiên ấy, món quà bất hạnh của di truyền.
Khi còn nhỏ, tôi luôn tự hỏi những chai xịt Ventoline mà cha lúc nào cũng giữ bên mình có tác dụng gì. Tôi chưa bao giờ dám thử dùng chúng. Ðó là thuốc của cha. Trong tôi, chai xịt Ventoline đầu tiên để lại nhiều kỷ niệm hơn điếu thuốc đầu tiên. Tôi ấn nút, hít lấy hít để, lặp lại những động tác của cha. Tôi cảm thấy cuối cùng phế quản cũng mở ra như được giải thoát.
Ngày hôm nay, tôi vẫn giữ chai xịt Ventoline bên mình. Trong túi xách tay, hay ở đầu giường ngủ. Tôi là con gái của cha tôi.
Người Cha Im Lặng Người Cha Im Lặng - Doan Bui Người Cha Im Lặng