Chương 10
ấy hôm trước tôi không quan tâm lắm đến đề nghị của James đưa tôi đi xem kịch Hamlet. Những ngày đêm tôi ở bên James, giữa những bệnh nhân của anh, cùng tham gia các nghiên cứu của anh, đối với tôi cũng có vẻ tuyệt vời và đầy biến đổi chẳng kém chi những vở kịch hay nhất. Nhưng sau cuộc nói chuyện với Digby thì đương nhiên trong tôi lại bừng bừng mong muốn được gặp mặt Edith Philipps, và tôi nhắc cho James nhớ lời hứa của anh. Anh nói sẽ đặt vé ngay buổi tối đầu tiên được rảnh rang.
Trên đường đến nhà hát, anh giải thích rằng kịch đoàn này thuộc một nhà hát ở khu vực dân lao động. Các nhà phê bình đã hết lời khen ngợi chàng diễn viên trẻ đóng vai Hamlet, cùng vai Polonius của một diễn viên vô danh, và trên hết là vai Ophelia của cô Philipps, tới mức một ông bầu ở khu Tây London đã chuẩn bị một nhà hát mời các diễn viên này đến diễn. Thế là cả London bèn đổ xô tới xem. Shakespeare trở thành mốt thời thượng, và nhiều người bước ra tuyên bố là lần đầu tiên họ mới biết đến Hamlet. James nói điều này chắc chắn là đúng với đa số, nhưng cứ năm mươi năm một lần là nước Anh lại “khám phá” ra Hamlet theo kiểu đó. Cha của cô bạn anh, ông Gerald Philipps, nửa thế kỷ trước cũng đã nổi tiếng trong vai chính của nhân vật được đặt tên cho vở kịch, và đã “tiết lộ” cho dân Anh thời 1875 biết đến William Shakespeare, tác giả vô danh của vở kịch này.
Với riêng tôi tối hôm đó, cũng giống như với đám khán giả mà James đã cười nhạo, Hamlet là một vở kịch mới. Các diễn viên đã thể hiện một cách diễn hết sức hiếm thấy là thận trọng không lược bỏ một câu văn nào. Chàng trai thủ vai vị Hoàng tử Đan Mạch ấy đã diễn một cách chân phương và đầy cảm xúc. Khi anh ta xướng lên câu:
Mỏi mòn, tẻ nhạt, vô duyên và vô nghĩa quá
Mọi sự trên đời này đối với ta...
thì hình ảnh Hamlet có vẻ rất gần với cái bản ngã của người Pháp chúng tôi chẳng kém hình ảnh trẻ trung của Barrès hay Benjamin Constant. Đó là người thanh niên của mọi thời đại. Và cả cô Philipps cũng thế. Ngay từ lúc cô bước ra sân khấu, tôi có thể thấy ngay cô chính là hình ảnh người thiếu nữ của mọi thời đại. Trong cảnh mở đầu với Polonius, cô thể hiện một sự pha trộn vừa bẽn lẽn, vừa sốt sắng ngây thơ, vừa ngoan ngoãn trẻ con, khiến tôi thấy cuốn hút vô cùng.
– James ơi, - tôi nói với anh lúc nghỉ giữa hai màn kịch, - cô bạn của anh thật đáng yêu!
Trông anh có vẻ vui. James nói:
– Chốc nữa anh có thể nói thẳng với cô ấy. Tôi đã nói cô ấy là chúng ta sẽ cùng ăn tối... Anh có chịu không?
– Hay quá! Diễn xuất sắc... Tôi chỉ chê có một chỗ thôi... là vai Hồn Ma. Hồn ma này khiến tôi thất vọng. Sao lại cho nhân vật này nói ở sau cánh gà chứ? Hồn ma của cha Hamlet phải ở dưới những thanh kiếm mà kêu lên “Thề đi! Thề đi!” mới đúng. Anh còn nhớ Goethe đã nhận xét về điểm đó trong Wilhelm Meister không? Goethe nghĩ rằng hồn ma này phải biến mất dưới lòng đất, và một ngọn lửa phải từ mặt đất bốc lên để cho biết hồn ma đang ở đâu.
– Như “chất od lung linh” phải không? - James vừa nói vừa liếc nhìn tôi với nụ cười mơ hồ. - Không biết lúc này.... hồn ma của William Slutter đang làm gì nhỉ?
– Tôi cũng thắc mắc nữa! Ông ấy vẫn còn trong chuông thủy tinh đấy chứ?
– Phải, tối qua tôi thấy ông ta vẫn ở đó; cái nhà tù thủy tinh ấy vẫn trung thành nhốt giữ William Slutter cho chúng ta.
– Anh không muốn trả lại tự do cho ông ấy sao, James?
James đưa một ngón tay lên môi. Trước mặt chúng tôi là một người phục vụ đang mời mua kem và các hộp kẹo sô-cô-la. Chuông reo báo hiệu hết giờ nghỉ giải lao. Chúng tôi một lần nữa lại chìm đắm trong thế giới của Shakespeare.
Chắc chắn quý độc giả sẽ rất ngạc nhiên khi thấy tôi lại nói rất chi tiết về một buổi diễn vở Hamlet ngay giữa một câu chuyện hoàn toàn khác biệt về đề tài. Nhưng tôi có hai lý do để nêu ra chuyện đó. Thứ nhất, đây chính là buổi tối mà tôi được làm quen với cô Philipps, như quý vị sẽ thấy, đây là người đóng một vai trò quan trọng trong câu chuyện bí mật mà tôi muốn tiết lộ qua những trang sách này. Và thêm nữa, tôi không biết tại sao, bầu không khí của vở Hamlet cứ mãi khiến tôi liên tưởng đến bác sĩ James. Đó là dịp duy nhất tôi có thể đo lường được độ sâu của tình cảm tuyệt vọng chôn giấu bên dưới chiếc mặt nạ bi thương nhưng đáng kính nể này. Vào cái lúc trên sân khấu đang diễn tới cảnh đoàn tuồng giúp vui trong hoàng cung, đoạn Hamlet cảm thấy hổ thẹn vì sự bình thản của chính mình trước những cảm xúc giả tạo của anh kép hát,
... sắc mặt xanh xao,
Nước mắt rưng rưng, dung mạo thất thần...
... Y sẽ diễn thế nào,
Nếu trong lòng đầy căn cớ để nổi giận,
Như ta?
tôi thấy James chồm tới và há miệng ra như thể chính anh sắp thét lên những câu ấy. Suốt cảnh điên loạn của nàng Ophelia, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong suốt những gì tôi cùng trải qua với James, tôi mới thấy một giọt lệ lăn dài trên má anh. Và trên sân khấu, phải nói là Edith Philipps diễn hết sức xúc động. Ánh mắt cô dõi nhìn theo một thế giới trong suốt. Giọng cô ngân nga đều đều nửa như hát nửa như nói, với sự dịu dàng tột cùng, và cô chìa ra những đoá hoa vô hình. “Này là hoa hương thảo, hoa này dành cho ký ức; xin tình yêu nhớ cho...” Cô khiến tâm trí tôi cũng quay cuồng với bao điều tốt đẹp đã đi qua đời mình.
– Anh có biết đâu là điểm đáng ngưỡng một nhất trong lối diễn xuất của cô ấy không? - James hỏi tôi lúc nghỉ giải lao kế tiếp. - Chính là điểm này... cô ấy đã thành công trong việc tạo được cái ấn tượng mà những người phụ nữ điên trong đời thực thường khiến ta chú ý, đó là sự điên loạn gần như là chỗ trú ẩn của ý thức... Ophelia không còn muốn nhìn thấy cái thế giới kinh khủng này nữa; nàng đã tạo ra một cái khác, cái thế giới của hoa, và của ký ức nàng, và nàng sẽ cứ mãi nói về những điều đó bằng cái giọng khe khẽ, khôn nguôi cho tới tận cùng... Quả thật, trong kho kịch Shakespeare không có chỗ nào đầy tính nhân văn sâu sắc bằng chỗ này!
Khi trên sân khấu đầy xác chết nằm dài, và chàng Fortinbras đã đặt xác Hoàng tử Hamlet lên vai của bốn thủ lĩnh, và công chúng đã vỗ tay rền vang không dứt, và dàn nhạc trỗi bài quốc thiều, hai chúng tôi im lặng đi ra ngoài.
– Xác chết nhiều quá! - Cuối cùng tôi lên tiếng.
– Như trong cuộc sống vậy, - James đáp. - Anh đi với tôi vòng ra phía sau nhà hát để đón Edith ở cửa khác được không? Lúc này chắc đã sửa soạn xong, vì ở màn cuối cô ấy đã có thời gian thay trang phục.
Chúng tôi thấy Edith Philipps đã sẵn sàng, và đang đứng chờ cùng với người gác cửa lối ra vào của diễn viên. Là một cô gái hết sức đơn giản, cô ấy thật sự vui sướng vì mấy lời khen của tôi, cứ như chưa từng được nghe mọi nhà phê bình kịch nghệ ở London gọi cô là một nữ diễn viên thiên tài. James đưa chúng tôi đến một nhà hàng Pháp nhỏ bé. Ở đó, dưới ánh đèn, tôi được nhìn rõ cô Philipps hơn. Cô ấy đẹp y hệt như trong các ảnh chụp, nhưng xanh xao lạ thường. Trong bữa ăn tối cô ấy rất vui vẻ. Tôi hơi thất vọng vì những câu nói bình thường của cô; nhưng thử hỏi có ai mà không thất vọng với một nữ diễn viên mà ta vừa được xem diễn một kiệt tác chứ? Trong vô thức, ta đã gán cho cô tinh thần của Shakespeare hay Musset; ta đã ao ước, gần như mong đợi, là trong đời thực nữ diễn viên ấy sẽ tỏ ra là một nàng Juliet, hay Desdemona, hay Camille. Và ta chỉ thấy... một đứa trẻ. Lúc đó tôi chưa đủ khả năng sâu sắc để có thể nhìn thấy được chất thơ mà cô ấy thật sự hàm chứa ở bản thân. Bây giờ tôi mới nhận ra được là Edith Philipps có những điểm khiến cô đẩy chất Shakespeare đến tuyệt vời. Riêng James thì đã nhận biết điều đó từ lâu. Tôi đã cảm động trước lòng ái mộ tế nhị mà anh đã thể hiện với cô. Và chúng tôi chia tay khi ra khỏi nhà hàng vì anh muốn đưa Philipps về nhà cha cô trước khi anh quay lại bệnh viện.
Người Cân Linh Hồn Người Cân Linh Hồn - André Maurois Người Cân Linh Hồn