Chương 9 - Bọn Đức Và Bọn Germani
ãy nghe đây, đồng chí công nhân,
Chiến tranh đã bắt đầu!
Hãy tạm hoãn công việc
Và sẵn sàng chiến đấu!
1
Tôi thức dậy và nhớ ngay đến nước hoa. Trong nhà yên ắng. Những tia nắng mặt trời lách qua những khe cửa sổ đóng kín. Con gà mái cục tác ầm ĩ đâu đó trong sân. Bên ngoài cửa sổ có một chiếc xe bò đi kêu cót két và một giọng lanh lảnh cất lên:
- Các bà ơi, đất sét, đất sét đây!
Tôi nằm suy nghĩ, có lẽ thím Matrena, Vaska và chú Anisim Ivanovich đã ra chợ rồi, dưới gối tôi đã có sẵn bánh khô ăn dở và tôi đã dự định làm nước hoa từ sáng.
Tôi dậy, lấy bánh khô ra nhúng vào xô nước, rồi bắt đầu gặm. Hóa ra cửa bị đóng phía ngoài. Tôi rót nước vào những lọ con, rồi chui qua cửa sổ, bám vào thân cây keo leo lên mái nhà để làm nước hoa.
Cánh đồng cỏ mênh mông vô tận trải ra trước mắt tôi thành một tấm thảm màu xanh sẫm kéo dài qua các khe hẻm và những ngọn đồi đến tận chân trời, và ở đó, sau vùng mỏ xanh xanh, cánh đồng cỏ kết liền lại với bầu trời. Gần ngay đây, trên núi hiện rõ mỏ Pastukhovska với ụ than đen sì hình chóp. Tôi còn nhìn thấy rõ cả đường phố gập ghềnh của chúng tôi.
Những con chó lông xù sưởi ấm dưới ánh mặt trời bên sân nhà và những chú chim sẻ tắm mình trong bụi trên đường đất.
Làn khói vàng ánh không còn cuộn tròn trên núi than hình chóp của nhà máy nữa, tiếng còi không còn vang lên vào những buổi sớm mai. Tất cả đã ra mặt trận và nhà máy lại ngừng việc. Quang cảnh trong thành phố trở nên ghê rợn. Tin đồn lan ra: “Bọn Đức đang kéo tới”.
Tôi ngồi trầm ngâm suy nghĩ bên mép mái nhà đối diện với cây keo nở đầy hoa. Những cành lá trĩu nặng mọc tua tủa từ thân cây cong queo vươn dài những chùm hoa trắng ngát thơm lên mái nhà. Cây keo trắng xóa như phủ tuyết.
Tôi ngắt một chùm và bắt đầu nhét hoa vào miệng lọ. Nếu nhét hoa được đầy lọ người ta bảo sẽ được nước hoa thơm.
Phía bên kia đường là ngôi nhà cũ của tôi với những ô cửa sổ đóng bắt chéo. Kể từ ngày cha tôi hy sinh và mẹ tôi mất tích, chưa được một năm. Tôi nhìn lên những cánh cửa chớp quen thuộc mà ứa nước mắt. Tôi nhớ lại bàn tay âu yếm của mẹ, nhớ cái nhìn thương xót của hàng xóm và càng thấy cay đắng hơn. Và chỉ có nghĩ đến Vaska và tình bạn của chúng tôi mới làm tôi đỡ đau khổ…
Ngồi trên mái nhà, bỗng tôi nghe thấy ré lên tiếng huýt sáo của ai đó gần đây. Thằng Ilyukha đang ngồi trên mái nhà nó, cách chỗ tôi ba nhà, nó cúi lom khom và gân cổ huýt sáo. Thỉnh thoảng nó lại giơ cao cái sào dài có buộc phơ phất ống quần rách với những chiếc túi lộn trái ra của bố nó và vung chiếc sào lên trên đầu. Thấy tôi nó cắm sào vào ống rồi bắc loa tay lấy hết sức bình sinh hét:
- Le-en-ka…a…a!
Khoảng cách giữa chúng tôi cho phép nói chuyện thoải mái không cần phải lên giọng, nhưng tôi hiểu Ilyukha: thật thú vị khi được hít đầy lồng ngực gió mát ngoài đồng cỏ rồi hét lên để nghe tiếng vang vọng lại! Tôi cũng lấy hết sức, đáp lại to đến nỗi những chú gà trong sân bay tán loạn lên.
- Bọn Germani đã đến đây rồi-ồi-ồi! – thằng Ilyukha hét lên. – Đi xem đi!
Bọn Germani đã đến… Tôi nhớ ngay đến lời chú Anisim Ivanovich. Hôm qua chú về muộn, im lặng nhìn chúng tôi rồi bảo:
- Nào các chú bé, lại đây!
Chú ôm hôn chúng tôi, rồi thì thầm:
- Khi nào bọn Đức tới, chớ nói lộ gì về hầm chứa đồ nhé. Các con bây giờ không còn bé bỏng nữa đâu, phải tự hiểu lấy.
Sau đó tôi nghe thấy chú bảo thím Matrena:
- Có thể sẽ có cán bộ bí mật về đây. Nếu anh không có nhà, em hãy giấu vào hầm chứa đồ, cho ăn uống và sắp xếp giường chiếu. Nhưng phải cẩn thận…
Đến đêm Vaska giải thích cho tôi rằng cán bộ bí mật sẽ tổ chức công nhân chống lại bọn Đức hiện đang tiến công để lật đổ Chính quyền Xô-viết và lập tên thủ lĩnh Skoropadsky lên.
- Thế thằng thủ lĩnh ấy là ai? – tôi hỏi.
- Quỷ biết được nó! Vua ở Ukraina. Tóm lại là một tên tư sản, – Vaska kết luận với vẻ bực bội và giận dữ khôn tả.
Nhìn xem bọn lính Germani như thế nào vừa thích lại vừa sợ. Tôi nhảy từ trên mái nhà xuống, chạy tới chỗ Ilyukha.
Chỉ sau một phút chúng tôi đã phóng về phía trung tâm thành phố, từ đó vọng ra tiếng ồn ào văng vẳng.
- Mà tớ biết nói tiếng Germani cơ, – thằng Ilyukha khoe, với vẻ quan trọng rút từ trước ngực ra một nắm quả keo làm còi rồi lại giấu chúng vào túi, có lẽ nó sợ tôi xin thổi. – Mà cậu biết không, bọn Germani ấy, ái chà, rất ác, chỉ có một mắt trên trán, và nói không như chúng ta đâu.
- Cậu bịa!
- Nếu không tin, cậu sẽ được nghe.
- Thế thì cậu thử nói cái gì bằng tiếng Germani xem.
- Tớ có nói, cậu cũng chả hiểu nổi. Đây này, ví như: “Đrai-xích-đvai-xích, khu-đư-mu-đư, ti-rim-bi-rim sốc”. Tớ nói gì vậy?
- Không biết.
- Tớ nói là: “Chúng ta đi về nhà, tớ sẽ cho cậu ăn bánh”.
Trước kia tôi đã thấy những người nói không như chúng tôi, đó là bọn tù binh Đức. Còn bọn Germani bây giờ thế nào nhỉ?
- Hôm qua có một lão mời tớ, – thằng Ilyukha kể tiếp. – “Lại chơi ta sẽ cho thanh gươm”. Sao, không tin à?
- Tớ tin, – tôi đáp, mặc dù biết là Ilyukha nói dối: hôm qua bọn Germani chưa vào thành phố.
Tôi bước trên đường phố, sốt ruột liếc nhìn chung quanh. Bỗng tôi thấy trên hàng rào một bản thông cáo lớn. Một nửa viết không phải bằng tiếng Nga, còn nửa kia tôi đọc được:
THÔNG CÁO
Ai bắt nộp cho bộ tư lệnh Germani bọn cán bộ tuyên truyền bôn-sê-vích thì cứ mỗi tên sẽ được thưởng:
1. Một trăm rúp về tin báo.
2. Hai trăm rúp, nếu nộp cho chúng tôi được một tên.
3. Một ngàn rúp và một con bò cái, nếu bắt được tên cầm đầu có bí danh là “bác Mityai”.
Tư lệnh trưởng thành phố, thiếu tá Hein-Hauptmann.
Mãi gần hiệu bánh mì chúng tôi mới thấy thằng lính Germani đầu tiên. Không dám lại gần, chúng tôi dừng lại từ xa và bắt đầu ngắm nghía nó. Thằng Germani mặc áo giu-pan* xanh và quần rộng ống dắt vào ủng. Chiếc mũ lông cừu xám trên đầu nó có cái “chỏm tóc” dài, ngoài đầu mút phơ phất một cái ngù. Khẩu súng trường nhô ra sau lưng hắn, ở thắt lưng treo một quả lựu đạn, còn bên sườn kéo lê dưới đất một thanh gươm cong tròn hệt bánh xe.
Thằng lính Germani đi đi lại lại cạnh hiệu bánh mì, có lẽ nó gác cửa hiệu.
- Bây giờ tớ sẽ hỏi nó bằng tiếng Germani xem nó làm gì ở đây, – thằng Ilyukha nói và tiến lại gần tên lính.
Tôi lại gần hơn để nghe bọn họ nói chuyện. Thằng Ilyukha đút tay vào túi quần, dừng lại trước tên lính. Chúng im lặng ngắm nhìn nhau một phút.
- Đrai-xích, – thằng Ilyukha bỗng thốt lên song lúng túng, nhăn nhó nhìn tôi. – Cậu nhìn gì? Tưởng tớ không biết nói hẳn?
Rồi nó quay lại phía tên lính. Nhưng tên này bỗng nói tiếng Ukraina rất sõi:
- Làm gì mà giương mắt ếch lên thế? Tao có phải là thằng hề ở rạp xiếc đâu? – Nói rồi hắn nện cho thằng Ilyukha một cái làm mũ của nó bay khỏi đầu, lăn lông lốc xuống dưới đường.
Thằng Ilyukha nấc lên, nhặt mũ rồi bỏ chạy.
- Nó điên đấy, – thằng Ilyukha vừa nói vừa thở hổn hển. – Cậu thấy mắt nó không? Mắt người điên thường bao giờ cũng vậy.
- Thế tại sao nó lại nói tiếng Ukraina?
- Đã bảo cậu, nó điên mà.
Ilyukha kéo tay áo tôi:
- Nhìn kìa, cái gì thế?
Một đám đông từ thành phố ùa ra, một bà già hoảng hốt chạy tất bật qua chỗ chúng tôi. Bà ta làm dấu và thì thầm nhắc đi nhắc lại:
- Giê-xu, lạy Chúa, làm sao lại thế! Đức Chúa lòng lành!
Mọi người ngăn bà ta lại, hỏi cái gì đó, nhưng bà ta chỉ lắc đầu và nhắc đi nhắc lại mãi câu nói trên.
2
Trên đường phố chính không sao có thể lách người qua được. Không khí đầy tiếng ồn ào lo âu. Một người bị treo cổ trên cột điện báo đối diện với tòa nhà trắng có hàng cột nửa hình trụ cao. Một chiếc thòng lọng thít chặt quanh cổ đè lên trên cái bao tải trùm kín đầu. Một chân người bị treo đi một chiếc giày, còn chiếc ở chân kia đã bị tháo mất. Trên ngực lủng lẳng một miếng gỗ đề “Tên bôn-sê-vích”.
Một người đàn bà đứng than khóc phía bên. Bốn tên lính đội mũ sắt tròn gác không cho mọi người sán lại gần cột.
Bọn lính này mặc áo khoác ngắn màu xanh xám, thắt dây lưng có khóa bằng đồng, trên đó vẽ con đại bàng lông đâm tua tủa ra tứ phía như những con dao găm nhọn sắc. Mỗi thằng đeo sau lưng một túi dết. Cứ theo bộ dạng bọn chúng im lặng nhìn mọi người như thế, tôi hiểu là bọn này không biết một từ tiếng Nga nào hết. Tôi đoán ngay ra đó là bọn Đức. Tôi thấy ghê sợ. Trên đầu thằng chỉ huy lấp lánh cái mũ sắt đen có vấu nhọn bằng đồng, hắn ngồi chễm chệ trên mình ngựa, hét lớn:
- Tưa các ngài! Quân đội Đức đến bang trợ các ngài. Quân đội bảo vệ các ngài khỏi bọn bôn-sê-vích và yêu cầu giải tán về mọi nhà. Quân Đức coi Xô-viết là lộn xộn. Mọi người không được sống như thế. Mọi người phải sống không thành Xô-viết, không thành công xã. Hoàng đế Wilhelm giúp đỡ vua Nga thiết lập trật tự ở nước Nga. Tôi yêu cầu giải tán, tưa các ngài.
- Các ngài ở nước chúng tao đã bị quét sạch từ năm mười bảy rồi, – có tiếng phản đối trong đám đông.
- Không ai gọi chúng mày đến đây cả, xéo đi! – một người khác đứng sau tôi nói lớn.
Tôi quay lại và suýt kêu lên vì mừng rỡ. Đó là chú Fedya, thợ quai búa.
Lão hàng giò Tsybulya hai tay túm chặt lấy chú Fedya và kêu toáng lên:
- Các ông Đức ơi, bắt lấy, nó là thằng bôn-sê-vích!
Chú Fedya huých cùi tay vào mặt lão ta.
- Cứu tôi với!... – lão Tsybulya hét lên, ngồi thụp xuống. – Bắt lấy nó!
Chú Fedya lao vút vào đám đông, suýt làm tôi ngã, vừa chạy vừa nhặt đá trên đường rồi hô lớn:
- Các đồng chí, đánh chết bọn xâm lược đi! – Và chú ném đá vào bọn lính gác.
Đám đông uất hận siết chặt quanh người cầm đầu. Mọi người tự vũ trang bằng bất cứ thứ gì có trong tay. Đến bây giờ tôi mới nhận thấy là ở đây tập trung nhiều thợ mỏ. Còn thấy được cả nhiều người giấu cái gì đó dưới áo nữa. Một người lôi dưới vạt áo ra chiếc cuốc chim thợ mỏ và hô lớn:
- Đánh chết chúng nó đi!...
Tên Đức đội mũ sắt có vấu bằng đồng giơ tay và nghiêm khắc ra lệnh không phải bằng tiếng Nga.
Lập tức một đội kỵ binh Đức vung cao kiếm lao từ góc phố vào đám đông. Đá ném vào chúng tới tấp. Nhưng bọn Đức bắt đầu chém vào mọi người và đám đông ùa chạy tán loạn.
Thằng Ilyukha lủi đi đằng nào ấy và tôi mất hút nó.
Tôi chạy không dám ngoảnh lại. Từ phía sau vọng lại tiếng vó ngựa, tiếng ngựa hí, tiếng rên rỉ, chửi rủa. Tôi nhảy vào sân một nhà, ngồi nấp sau thùng rác. Qua khe rào tôi thấy một công nhân giáng liên hồi vào mặt thằng lính Đức những cú đấm chắc nịch, sau cụ dùng hai tay ghì chặt lấy cổ hắn và bổ nhào xuống cùng với nó. Một thằng Đức khác nhảy từ phía bên tới, xọc lưỡi lê vào lưng ông cụ.
Sau đó tôi nhìn thấy chú Fedya. Thằng Đức đội mũ sắt lấy hết sức bổ thanh kiếm xuống đầu chú. Chú Fedya loạng choạng, gục đầu, hai tay chới với như muốn nắm lấy thanh kiếm. Rồi chú ngã vật xuống đường, người đẫm máu.
Đầu óc tôi quay cuồng.
Khi trận đánh đã lắng xuống tôi mới bước ra khỏi cổng.
Bọn kỵ binh đi lại dọc đường phố, rải rác trên mặt đất còn in rõ những vết máu. Một chiếc giày đàn bà long gót lăn lóc giữa đường. Một mảnh áo trắng đẫm máu mắc trên chiếc đinh gỉ ở hàng rào.
Chung quanh vắng lặng như thành phố đã chết.
Tôi loạng choạng lê bước về phía ngoại ô, lòng tràn đầy căm thù và khiếp sợ bọn ngoại bang không mời mà đến ấy.
3
Khi tôi về tới nhà, thím Matrena đang giặt quần áo. Vaska đang đẽo guốc gỗ. Cậu cau có nhìn tôi hỏi:
- Cậu vừa ở trong thành phố phải không?
- Ừ.
- Có thấy chú Mosya không?
- Mosya nào?
- Mosya của chúng ta ấy. Bọn chúng nó đã treo cổ chú rồi.
Tôi sửng sốt.
- Chả lẽ đấy là chú Mosya à?
- Đúng, chú ấy đấy, – Vaska trả lời, mặt nghiêm lại. – Và còn lệnh của bọn Đức là người nào có vũ khí phải đem nộp. Cậu coi chừng đấy… – Cậu ta liếc nhìn mẹ rồi thì thầm: – Tớ coi cậu như người thân mới nói, hãy coi chừng. Chúng sẽ treo cổ tất cả chúng ta, nếu chúng biết.
Cậu im bặt và lại tiếp tục đẽo.
Còn tôi nhớ lại chú Mosya, cái mũ nhàu nát và bộ râu rậm hung đỏ của chú. Tôi nhớ lại hồi chú vẫn đến nhà chú Anisim Ivanovich dạy nghề đóng giày, đùa với chúng tôi như thế nào và vẫn gấp những chiếc tàu bằng giấy cho chúng tôi. Thật thương tiếc chú Mosya…
Tôi đứng dậy và nhìn ra cửa sổ. Mặt trời chói chang trên đường phố, những con gà mái đi lại trên bãi cỏ, bầu trời in hình trong vũng nước trên đường. Thảo nguyên nơi có những chú dế kêu ri rỉ mỗi khi đung đưa trên thân cỏ, có mùi ngải cứu thơm ngát và những chú chim sơn ca bay lượn trên khoảng trời xanh trong không một gợn mây, thảo nguyên ấy đang vẫy gọi. Tôi muốn ra bờ sông, tại đó trong những bụi cói thấp thoáng những chú chuồn chuồn xanh mà ta có thể lấy tay chộp được, những con cá bống ánh bạc bơi lượn dưới đáy cát. Tôi liếc nhìn Vaska. Cậu ngồi gập người trên bàn đóng giày, gầy còm và vàng vọt.
Giá mà gọi cậu ra cánh đồng cỏ chơi nhỉ. Nhưng tôi biết Vaska sẽ không đi. Gần đây tôi lại nhận ra một sự thay đổi của cậu: cậu thôi không chơi đùa với chúng tôi nữa, ít nói chuyện, hay chạy đi đâu đó, thì thầm với người lớn. Bọn trẻ con ngoài phố buồn nhớ người chỉ huy của mình. Tôi bèn dùng mưu:
- Vaska, chúng mình ra phố đi, Tonka gọi gì cậu kia kìa.
Vaska ngẩng đầu lên, nhưng không nói gì. Có lẽ chính cậu cũng muốn ra cánh đồng cỏ và chơi đùa với tôi, nhưng còn phải làm để nuôi cha mẹ và cả tôi nữa. Vaska nhìn hộp đinh gỗ, im lặng. Và lúc đó tôi thấy trong đôi mắt xanh của cậu một sự suy nghĩ căng thẳng thường thấy ở người lớn, khi họ lo lắng một điều gì đó.
- Không sao, Lenka ạ, – cậu ta nói nhưng không rời mắt khỏi hộp đinh. – Chúng ta sẽ đuổi cổ bọn Đức đi. Chỉ cần… – Vaska chưa nói hết câu, ngoài cửa sổ vang lên tiếng súng, còn ngoài sân chó sủa ran.
Chúng tôi nhảy ra khỏi cổng rào. Một người mặc áo khoác đen đang vừa chạy lom khom ngoài phố vừa bắn trở lại. Tôi thấy tay áo của người ấy dính đầy phấn. Bọn Đức đuổi theo người đang chạy. Giữa bọn chúng có cả thằng đội mũ sắt đen có vấu.
Qua hàng giậu thưa tôi thấy người ấy lao vút tới sân nhà Abdulka, nhảy qua bức tường không cao lắm xếp bằng những tảng đá phẳng vào sân nhà tôi.
Vaska lao ra đón đầu người đó. Lũ chó xổ tới bọn Đức. Bọn này lấy chân xua chúng, nhưng chỉ làm cho những con chó càng hung dữ hơn.
Vaska chạy ra khỏi sân nhà tôi, bí mật vẫy bọn Đức sang sân mọc cỏ tân lê bên nhà thằng Ilyukha.
- Ở đây, – Vaska thì thầm chỉ vào nhà kho chứa than.
Bọn Đức chĩa súng vào cửa. Thằng chỉ huy lại gần hơn và quát:
- Ra!
Cửa vẫn đóng kín.
- Ra ngay! Tao bắng! – hắn ta nhắc lại.
Trong nhà kho vẫn im ắng.
- Chú ý! – Thằng Đức hạ lệnh. – Chuẩn bị!
Tên Đức giằng mạnh chiếc móc sắt. Cánh cửa cũ kỹ kêu rít lên mở tung ra, tên Đức chĩa luôn súng lục vào đó, nhưng rồi hạ xuống ngay. Mẹ thằng Ilyukha xách thùng than đứng ở bậc cửa, bà run lên vì sợ. Bà cố nói cái gì đó, nhưng chỉ tròn xoe mắt ngây đờ ra.
- Ồ, đồ quỷ tha ma bắt! – thằng Đức kêu lên, nhổ toét một cái và quay lại chỗ Vaska đứng.
Nhưng cậu đã không còn ở đấy nữa.
- Hừm, đồ con “tró”! – tên Đức chửi rủa và gầm lên với đồng bọn: – Bắt ngay thằng nhãi ranh!
Trong lúc lộn xộn chính tôi cũng không để ý Vaska đã chuồn đi đâu lúc nào.
Chẳng bao lâu bọn gai-đa-mắc Germani mặc áo khoác giu-pan đã ùa tới phố chúng tôi.
Bọn Đức quát mắng chúng, thế mà chúng nó đứng thẳng trước bọn Đức và đáp: “Tôi nghe đây, ngài ra lệnh gì ạ?”
Bọn Đức và bọn gai-đa-mắc tản ra thành hàng dọc suốt dãy phố, đuổi mọi người ra khỏi nhà ở, xọc lưỡi lê vào đệm, vào những đống than trong những nhà kho tìm kẻ chạy trốn.
Tên Đức đội mũ sắt nắm lấy tay áo mẹ thằng Ilyukha dẫn đi và la hét:
- Thằng bôn-sê-vích đâu? Chúng mày dám che giấu thằng bôn-sê-vích hả?
Mẹ thằng Ilyukha làm dấu thánh, còn bố nó, một người lao công ở nhà tắm, tóc hung đỏ, lẽo đẽo theo sau tên Đức và nói chĩa vào lưng hắn:
- Đraixích-vaixích, chúng tôi không biết, quả thực, không biết mà. Chúng tôi sẽ tự tay bắt lấy nó, nếu biết được nó trốn ở đâu.
Bọn Đức chui cả xuống những kho và hầm chứa đồ, làm gà qué sợ nháo nhác, vẫn không tìm ra kẻ chạy trốn.
Lúc bấy giờ bọn xâm lược bắt đầu cướp bóc của dân, chúng lôi các bọc, bị ra khỏi nhà. Đường phố rền vang những tiếng khóc than.
4
Tôi quay về nhà khi trời đã bắt đầu tối. Đến phố Bẩn còn cách nhà không xa có ai đó khẽ gọi tên tôi.
Tôi quay lại và nhìn thấy Vaska. Cậu nằm trong bụi cỏ tân lê cao, chỉ trông thấy cái đầu tóc vàng hoe.
- Bọn Đức cút rồi chứ? – cậu hỏi.
- Cút rồi.
Vaska hào hứng thì thầm vào tai tôi:
- Cậu có muốn gặp bác cán bộ bí mật không? Tớ cất giấu bác ấy đấy. – Vaska tinh quái nhìn tôi hỏi: – Cậu có biết đấy là ai không?
- Ai đấy?
- Tớ không nói đâu, tự cậu sẽ thấy.
- Nói đi, Vaska.
- Xì… khẽ chứ.
Ánh trăng mờ mờ chiếu trên ngõ hẻm mọc đầy cỏ sơn giới… Vaska lặng lẽ men theo hàng rào, kéo theo cái bóng của mình.
Chúng tôi lẻn vào sân nhà tôi, trèo qua mái nhà bếp dùng mùa hè và bò vào căn gác xép. Những tia ánh sáng nhỏ màu đục tựa màn mưa lọt qua một lỗ nhỏ ở viên ngói. Chúng tôi dừng lại bên lối vào. Một bầu không khí vắng lặng ghê rợn lẩn quất khắp nơi. Có cảm giác như có một con quái vật xù xì, có móng nhọn đang cựa quậy trong bóng tối. Nhưng bên tôi đã có Vaska, nên tôi chả sợ gì.
- Bác ơi, – Vaska gọi trong bóng tối.
Im lặng.
- Đừng sợ, cháu đây, – Vaska nhắc lại và tiến thêm vào trong gác.
Một bộ mặt thoáng hiện trong vệt ánh sáng trăng chiếu rọi qua lỗ hổng trên mái nhà rồi lại biến mất.
- Á à, anh chàng tóc trắng, – một giọng đáp lại trong bóng tối. – Thế ai đi với cháu đấy?
- Lenka.
- À, ra thế… Thế, còn cháu tên là gì nhỉ?
Vaska cười phá lên.
- Bác biết cháu, mà cháu cũng biết bác là ai và tên bác là…
- Hãy khoan đã, – một giọng trầm trầm ngắt ngang lời Vaska dường như sợ cậu gọi tên mình ra. – Sao cháu lại biết được tên bác, trong khi chính bác cũng không biết được?
Còn Vaska vẫn cười:
- Bác là bác Mityai Arsentiev, – Vaska nói.
“Không lẽ đây là bác Mityai của chúng tôi?” – tôi nghĩ.
- Bác không đánh lừa được cháu đâu, bác là bác Mityai, chỉ có khác bây giờ bác là cán bộ hoạt động bí mật, cán bộ đỏ.
- Hãy thử nói xem, thế bác đỏ như thế nào? Nhìn xem – quần đen, áo cũng đen.
Thật khó tin rằng đây là bác Mityai, chính tôi đã thấy bác đi khỏi thành phố cùng với chú Sirotka rồi cơ mà. Vậy thì bác ở đâu ra thế này? Có lẽ chúng tôi đã nhầm chăng.
- Nếu bác không phải là cán bộ đỏ, – Vaska vẫn chưa chịu thua, – thì sao vừa rồi bọn Đức lại đuổi theo bác?
- Đó là một câu chuyện thú vị. Kể chứ?
- Kể đi bác!
Bác quờ quạng tìm chúng tôi trong bóng tối rồi đặt tay lên vai chúng tôi.
- Chuyện này xảy ra khi tối. Chả có việc gì làm bèn đi nướng khoai, đánh thằng Mít-xoài*. Mít-xoài kêu tướng lên: “Ôi!” Tên cảnh sát nghe tiếng kêu chạy tới: “Có chuyện gì thế?” Chuyện này xảy ra khi tối. Chả có việc gì làm… Hay không?
- Hay, – chúng tôi đồng thanh hưởng ứng.
Bác xích lại gần chúng tôi thì thào:
- Các chú bé, thế này nhé: nếu các cháu biết bác thì tuyệt đối im đấy nhé. Còn bây giờ các cháu nghe đây: gần đây có một người thợ giày cụt chân tên là Anisim Ivanovich Rudnev…
- Cháu đã bảo bác rồi mà, – Vaska ngắt lời. – Người cụt chân là bố cháu, còn cháu là Vaska… Sao, bác quên cháu rồi ư? – Giọng Vaska giận dỗi. – Hiện giờ cháu vẫn đang mặc chiếc áo sơ-mi được phát ở trường ấy, bác nhớ không… Còn đây là Lenka Ustinov, bố cậu ta bị bọn Cozak thiêu sống trong lò than cốc ấy…
Tôi cảm thấy bác Mityai lấy tay kéo tôi vào lòng và hỏi âu yếm:
- Lenka, cậu con trai bé bỏng, lớn thế này cơ à?
- Lớn rồi bác Mityai ạ, – tôi mừng rỡ trả lời, – cháu vẫn còn giữ được chiếc quần bông, còn áo gi-lê cháu cho lại chú Anisim Ivanovich rồi.
- Thôi được, các chú bé ạ, chúng ta sẽ nói chuyện sau, còn bây giờ hãy chạy về bảo với bố là đêm nay bác Mityai sẽ đến.
Suốt dọc đường Vaska cứ ngạc nhiên mãi:
- Chúng mình đã cứu được một người như vậy đấy! Bây giờ thì bọn Đức cứ gọi là hết vía.
Nằm trên hòm cạnh Vaska, tôi chờ mãi đến lúc bác Mityai tới. Cuối cùng dưới cửa sổ nghe thấy tiếng chân bước rón rén.
Vaska bật choàng dậy và ra mở cửa không thắp đèn. Một người bước vào, Vaska buông rèm cửa xuống.
Tôi nghe thấy bác Mityai nói nhỏ với chú Anisim Ivanovich:
- Ủy ban cách mạng đã rời đi lúc đêm. Nhưng tôi và Mosya nán lại, còn thế nào về sau thì anh biết đấy… May mà cháu Vaska của anh tới kịp, không có tôi cũng đã bị treo lủng lẳng trên dây rồi. Thôi được, thế là chiến tranh với bọn Đức đã lan tràn khắp Ukraina. Công nhân vùng mỏ Donbass đang đánh nhau với bọn Đức gần Kharkov. Ở đó có Artem. Đội quân thứ năm đang được hình thành ở Lugansk… Tôi có bức thư của Lenin đây. Phải thắp đèn lên.
- Vaska, đèn đâu con? – chú Anisim Ivanovich hỏi.
Vaska đốt đèn.
Bác Mityai xé lần lót áo, rút ra một tờ giấy, đưa lên gần đèn và khẽ đọc:
- “…2) Tất cả các Xô-viết và các tổ chức cách mạng phải có trách nhiệm bảo vệ từng vị trí đến giọt máu cuối cùng. 3) Các cơ quan đường sắt và những Xô-viết có liên quan tới chúng phải ra sức ngăn cản không cho quân thù sử dụng hệ thống bộ máy giao thông. Khi rút lui phải phá hủy tất cả các tuyến đường, giật đổ và thiêu hết các tòa nhà thuộc cơ quan đường sắt; tất cả các đoàn tàu gồm toa và đầu máy – phải chuyển ngay sang miền Đông, vào sâu trong nội địa. 4) Tất cả các kho lúa mì và nói chung những nguồn dự trữ thực phẩm cũng như bất kỳ tài sản có giá trị nào có nguy cơ rơi vào tay kẻ địch thì phải tiêu hủy hoàn toàn. Việc này giao cho các Xô-viết địa phương do các chủ tịch chịu trách nhiệm. 5) Công nhân và nông dân Petrograd, Kiev và tất cả các thành phố, thị trấn, làng mạc nằm dọc theo trận tuyến mới phải tổ chức thành những tiểu đoàn để đào công sự dưới sự chỉ đạo của các chuyên gia quân sự. 6) Những tiểu đoàn đó phải thu hút cả những phần tử thuộc giai cấp tư sản có khả năng lao động, tất cả đàn ông và đàn bà dưới sự kiểm soát của các chiến sĩ cận vệ đỏ; ai chống lại thì đem xử bắn!...
Tổ quốc xã hội chủ nghĩa lâm nguy! Tổ quốc xã hội chủ nghĩa muôn năm!...”
Bác Mityai gấp tờ giấy lại.
Mọi người im lặng.
- Bọn Đức vũ trang tốt lắm, – bác Mityai nói. – Tôi có nhiệm vụ tổ chức một chi đội ở đây. Các anh có bao nhiêu súng?
Chú Anisim Ivanovich trả lời rất khẽ.
5
Hôm sau chú Anisim Ivanovich đưa cho chúng tôi hai bắp ngô luộc, bảo mang lên gác xép cho bác Mityai. Chúng tôi bí mật leo lên trên đó.
Sàn gác xép bằng gỗ ghép nối liền với xà nhà dài và kéo dốc sang hai bên. Mạng nhện phủ đầy bụi giăng ngang phía trên. Bác Mityai nằm nghiêng trên đống rơm, đang viết cái gì đó. Khẩu súng lục trong bao gỗ của bác đặt sát cạnh, ngay bên ống khói.
Thấy chúng tôi, bác nhổm dậy làm ván lát trần kêu cót két dưới cùi tay bác.
- Những chú đại bàng con đã tới.
- Bác Mityai, râu của bác đâu rồi? – tôi hỏi.
- Cháu biết không, gió đã thổi mất rồi. Bác không kịp giữ lại, thế là gió dứt ra và cuốn đi mất. Chán thế chứ…
Bác Mityai rắc muối lên bắp ngô vàng và gặm ngấu nghiến. Bác đói đến nỗi cứ mải ăn và chỉ “ậm ừ” trả lời các câu hỏi của chúng tôi. Sau đó bác quăng lõi ngô vào góc sàn rồi nói:
- Điểm tâm ngon quá. Bây giờ được chén một bữa thì vừa khéo! – Và bác xoa xoa bụng. – Thôi đành phải đợi bữa ăn đến lúc khác. Đúng không hả Lenka?
- Bác Mityai, chúng ta cần thằng thủ lĩnh Skoropadsky làm gì? – tôi hỏi.
- Chúng ta sẽ lật đổ.
- Các chú thợ mỏ bảo là thằng Skoropadsky như là người Đức, có đúng không hả bác? – Vaska hỏi.
- Điều ấy có thể lắm. Nếu nó đã dâng Ukraina cho bọn Đức có nghĩa chính nó là người Đức hoặc làm cho bọn Đức. Cháu biết người ta chế nhạo nó thế nào không? – Bác Mityai cất tiếng hát làm chúng tôi sửng sốt:
Ukraina vẫn sống,
Bọn gai-đa-mắc cậy trông:
Từ Kiev đến Berlin
Chưa chịu hạ vũ khí đầu hàng,
Đức quốc, Đức quốc thật cao sang!
Chữ nghĩa ở đấy đến một nửa chúng tôi không hiểu, nhưng bài hát vẫn thật là hay. Tôi học thuộc ngay tại đây.
Bác Mityai cho chúng tôi xem khẩu súng lục, giải thích cách bắn thế nào và tại sao phải đựng nó trong bao gỗ.
Buổi tối chúng tôi mang cơm lên cho bác, bác kể cho chúng tôi nghe về Lenin, về chuyện trước Cách mạng bác đã cùng bị đi đày với Lenin ở một làng tại Sibir ra sao và Lenin đã làm sân băng cho trẻ trong làng và cùng trượt băng với chúng như thế nào. Thật thú vị được nghe những chuyện như vậy, tưởng chừng như có thể nghe suốt đêm mà không hề buồn ngủ.
Hôm sau, lúc trời chưa sáng chúng tôi đã tới chỗ bác Mityai. Tôi không nhận ra ngay một cô gái ngồi ôm gối ở trong góc, mỉm cười nhìn chúng tôi.
- Đây là con gái bác, tên là Nadya. Chị ấy cũng không ưa Skoropadsky đâu và đang đấu tranh chống lại bọn Đức. Nadya, làm quen với các em đi.
Chị Nadya âu yếm kéo tôi vào lòng. Tay chị mềm mại và ấm áp như tay mẹ tôi.
- Bọn trẻ buồn khổ vì tụi Đức đã đóng cửa trường học, – bác Mityai mỉm cười nói với chị.
- Bố này, con có thể dạy các em học được. Em có muốn chị dạy em học không? – Nadya hỏi tôi. Chị khẽ thở vào mặt tôi và trong bóng tối tôi thấy cả đôi mắt hiền dịu của chị.
Chị Nadya thật sự bắt đầu dạy chúng tôi học. Hôm sau chị còn mang đến cả hai cái bút chì và chúng tôi dùng nó viết trên giấy. Vaska tiếp thu rất nhanh tất cả những điều chị Nadya dạy chúng tôi. Chị khen ngợi cậu làm tôi phát ghen lên. Đặc biệt cậu rất thích tô chữ Lenin, những lúc đó cậu rất sung sướng.
Qua chị Nadya chúng tôi được biết chính chị từ thành phố Lugansk tới, ở đó chị đang theo học trường trung học và bị tù vì đã tham gia bãi khóa.
Một hôm chúng tôi bắt gặp Nadya đang làm một việc khác thường. Trước mặt chị là một cái lập là đầy tràn đến mép một thứ gì đó giống như thịt đông. Chị đặt một tờ giấy trắng lên trên chiếc lập là, rồi lấy quả lăn một lượt, trên mặt giấy liền hiện lên chữ in. Chị phơi những tờ giấy đó lên một sợi dây căng ngang. Chị đưa cho tôi xem một tờ.
“Giờ lâm nguy đã điểm! – tôi đọc. – Bọn bạch vệ Đức trong tiếng reo hoan hỉ của lũ tư sản Nga đã tấn công nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết Liên bang Nga yêu quý và đẫm máu của chúng ta…”
Chị Nadya nghiêm khắc dặn dò chúng tôi, đừng có dại dột mà nói với ai về những tờ truyền đơn.
Tôi đã thề và chị cho phép tôi in thử trên chiếc lập là. Công việc thật là thích thú: chỉ cần áp tờ giấy hoặc lòng bàn tay vào, và thế là chữ hiện lên. Vì lòng bàn tay mà tôi bị phiền phức. Chị Nadya tẩy xóa những vết trên tay tôi rất lâu và bảo là vì cái đó tôi có thể làm lộ chị và bác Mityai.
Tôi yêu quý chị Nadya như người chị ruột, nhưng chị tin Vaska hơn. Chị đưa cho cậu hàng xếp truyền đơn và cậu mang biến đi đâu mất.
Ngày tháng trôi qua. Vào một buổi sáng tháng Chín ấm áp chúng tôi bắt gặp chị Nadya đầm đìa nước mắt. Chị ngồi in truyền đơn và lặng lẽ khóc.
- Chị Nadya, chị làm sao thế? – Vaska lo lắng hỏi.
Chị Nadya không trả lời ngay. Chị lấy cùi tay quệt nước mắt, rồi nói:
- Chúng ta gặp nỗi đau buồn lớn, các em ạ. Kẻ thù của giai cấp công nhân ở Moskva đã bắn vào đồng chí Lenin. Người bị thương nặng…
Tin buồn làm chúng tôi choáng váng. Chị Nadya bỏ quả lăn xuống và kể tỉ mỉ hơn. Một mụ tư sản tên là Kaplan đã bắn đạn tẩm thuốc độc vào đồng chí Lenin.
Lenin, bác Lenin của chúng tôi! Thà bọn tư sản bắn vào tôi, giết tôi đi còn hơn là để bây giờ tất cả công nhân bị mất Lenin.
6
Bọn Đức vẫn tiếp tục hoành hành trong thành phố chúng tôi. Chúng lùng sục các nhà, bỏ tù công nhân và ăn hết những trái anh đào và dưa của chúng tôi. Chúng tháo dỡ cầu trên các con sông nhỏ, phá các hàng rào trong thành phố, lấy những tấm ván tốt gửi về Đức. Bọn gai-đa-mắc chất lên các toa ở nhà ga những bao bột mì, than đá, than cốc và hàng núi gang vụn. Chúng chở đi hàng đoàn tàu, còn dân chúng thì cay đắng nhìn theo và nói:
- Tài sản của chúng ta bị đưa sang Đức rồi.
- Chúng cướp bóc hết, rồi đến chết đói thôi…
Không còn mảy may dấu vết cuộc sống tốt đẹp trước kia nữa. Bọn Đức tàn phá tất cả các Xô-viết. Chúng biến trường học trước kia của chúng tôi thành chuồng ngựa. Hiện nay chẳng còn các “ủy viên tài chính” lẫn “Ủy ban đấu tranh chống bọn phản cách mạng” nữa. Ngay cả Nhà bảo tàng cách mạng, nơi trưng bày chiếc xích của chúng tôi dưới mặt tủ kính cũng bị đóng cửa, còn cái xích đã bị ai đó đánh cắp mất…
Hai tiếng “đồng chí” lại phải nói bí mật. Nếu nói “đồng chí”, lập tức bị đẩy ngay vào tường: điều đó có nghĩa mày là bôn-sê-vích và xơi đạn luôn. Thay vào hai tiếng “đồng chí” lại phải xưng hô “thưa ngài”, “tâu bà”, “bẩm ông”.
Chúng tôi hát giễu bọn gai-đa-mắc của thủ lĩnh Skoropadsky:
Bọn gai-đa-mắc
Chưa chịu hạ vũ khí đầu hàng,
Đức quốc, Đức quốc thật cao sang!
Tôi cũng trả thù bọn Đức. Tôi cứ đi giữa bọn chúng và nói: “Ê, tên vua Đức, này cho mày một quả thụi”, – và cười khi thấy chúng nó không hiểu tôi.
Còn một việc là phải đánh vỡ mặt thằng Ilyukha, chúng tôi giễu nó là “thằng Germani” vì tội nó đã tự xưng “chúng ta là người Germani” và bắt chước giọng nói theo kiểu của bọn nó.
Hôm sau tôi lại gần hàng giậu quen thuộc và nhìn thấy thằng Ilyukha qua khe rào. Nó ngồi trên cái ghế băng con cạnh kho chứa đồ và đang soi vào mảng gương đặt trên chiếc ghế đẩu cùng với chiếc đĩa con, xà-phòng, chổi cạo râu. Thằng Ilyukha xoa xà-phòng lên má rồi lấy dao ăn, liếc vào dây lưng da đóng chặt vào hàng rào, nhìn vào gương, đưa lưỡi dao quét sạch xà-phòng trên mặt.
Tôi áp miệng vào khe, gọi to:
- Ilyukha, ra đây!
Hắn giật mình, sau bình thản quay cái mặt xát đầy xà-phòng lại phía tôi.
- Tao không phải là Ilyukha của mày nữa, và có thể đừng gọi tao là Ilyukha nữa.
Tôi cảm thấy có thêm một cái gì kỳ quặc nữa của thằng hàng xóm và liền hỏi:
- Thế gọi mày là gì?
- Fritz Adolfovich, – thằng Ilyukha đáp rồi quay đi.
- Ái chà chà, Fritzadolf, – tôi nhạo lại, – chúng tao sẽ cho bọn Đức lẫn gai-đa-mắc Germani chúng mày một trận để bọn chúng mày cút khỏi nơi đây, chừng nào còn sống sót.
- Chúng mày? Dám đánh chúng tao cơ à? – Ilyukha rít lên và giơ nắm đấm nói tiếp: – Đừng có hòng.
Tôi bị chạm nọc.
- Thế mà vẫn cứ hòng đấy. Chúng tao có cả vũ khí cơ.
Vừa nói xong tôi chợt hiểu, nhưng đã muộn… “Mình đã nói lộ, hỏng hết cả rồi…” – tôi hoảng sợ nghĩ thầm. Nhưng may thay, thằng Ilyukha không để ý và nó tự khoe khoang khoác lác:
- Chúng tao cũng có súng hai nòng và dao găm kia.
Bố thằng Ilyukha cầm chổi đi qua sân. Trông lão ta có cái vẻ băn khoăn, dường như vừa mất cái gì đó. “Có thể lão đi tìm dao cạo râu chăng?” – tôi nghĩ và cố không báo trước cho Ilyukha điều nguy hiểm. Ilyukha, vẫn tiếp tục kể lể một cách say sưa:
- Chúng tao, những người Đức còn có súng máy này, đại bác này, ừ mà chúng tao sẽ đánh lìa hồn chúng bay ra, còn ruột thì quăng lên cột…
Bố thằng Ilyukha lấy chổi nện cho nó một cái nên thân, làm mảnh gương văng vào hàng rào kêu loảng xoảng.
Thằng Ilyukha ngã lăn ra, nó vội vàng bật dậy và bỏ chạy.
Bố nó cầm chổi đuổi theo miệng hét: “Ông thì giết chết!”
Từ đó bọn trẻ ngoài phố bắt đầu gọi thằng Ilyukha là “Fritzadolf”, sau tên lóng đó rút ngắn thành “Fritz” và cuối cùng thành “Mokritsa”*.
Cái tên nhạo báng cuối cùng này gắn chặt với thằng Ilyukha. Thậm chí chúng tôi còn đặt ra bài vè và trêu nó:
Giòi biển tóc đỏ
Bò ra ngoài ngõ!
Chúng tao dạy cho
Tiếng Đức líu lo.
Nhưng thế vẫn chưa xong. Một hôm bọn trẻ dần cho thằng Ilyukha một trận tơi bời để nó khỏi làm phản. Nó xin tha tội và để chứng tỏ lòng trung thành của mình nó đã đánh cắp chiếc lưỡi lê của tên lính Đức. Tôi hài lòng đã trị tội thằng Ilyukha, nhưng bỗng niềm hoan hỉ của tôi biến thành nỗi đau khổ.
7
Một đêm Vaska mang truyền đơn đi và không trở về. Thím Matrena khóc. Bác Mityai đã biết là Vaska bị bắt. Chiều tối bác và chị Nadya biến đi đâu mất. Trên gác xép vắng tanh.
Chờ lúc tối mịt tôi lần ra cổng rào lắng nghe tiếng loạt soạt xem có phải Vaska về không.
Sáng ra thằng Ucha chạy tới, với vẻ bí ẩn báo rằng có ai đó nghe thấy hình như Vaska la hét và kêu cứu trong nhà lao.
Tôi quyết định ra tay cứu bạn. Tôi lấy thanh gươm bằng đai thùng trong kho ra, mài trên gạch cho thật sắc, như dao cạo râu, và quyết định dứt khoát: chết vì viên đạn Đức hay giải phóng Vaska. Không thể để chúng hành hạ Vaska được.
Nhưng khi tới nhà tù, trông thấy bọn lính Đức đeo dao găm, tôi lại sợ đến gần và suýt òa lên khóc vì bực tức.
Một tên lính gác đứng ở cửa nhà tù. Một tên nữa đội mũ dạ viền đỏ đang đi đi lại lại. Tôi đã nhận thấy từ lâu là tên này hay nhìn tôi mỉm cười.
“Cứ cười đi, cứ cười đi, quân khốn nạn, cho mày một nhát kiếm thì biết tay”, – tôi thì thào nức nở.
Tên Đức giơ tay vẫy tôi:
- Chú bé, lại đây.
- Xéo, quân khốn kiếp ăn hiếp trẻ con, ăn bòn ăn cướp, ăn rác ăn rưởi mà vẫn khen ngon.
- Lại đây, lại đây chú bé, – tên Đức vẫn cứ gọi tôi. Hắn ta cười thật hiền hậu. Thế là nghĩa làm sao?
Tôi rụt rè lại gần. Tên Đức xoa đầu tôi, lục lọi trong túi rồi đặt vào tay tôi một vật gì đó nằng nặng âm ấm. Tôi liếc nhìn và chết lặng sững sờ: một con dao nhíp mới nhiều lưỡi, có cái tua-vít và cả cái mở nút chai ánh lên trong lòng bàn tay.
Tôi đã ước mơ có một con dao như vậy từ bao lâu nay! Tôi đã chờ đợi bố cho, đã định cướp của thằng Vitka Bác sĩ. Thế mà giờ đây tôi đang nắm con dao trong tay! Tôi nắm chặt vật quý và liếc nhìn tên lính Đức: có phải hắn đùa với tôi không đây?
Nhưng tên Đức vẫn mỉm cười như trước và nháy mắt với tôi: bạo lên, cầm lấy, đừng ngượng. Nhưng dù hắn có cười thế nào đi nữa, hắn vẫn là một tên Đức. “Trả lại con dao hay không? – tôi đắn đo. – Bọn chúng đã bỏ tù Vaska. Vứt trả con dao hay lấy? Có thể bọn chúng nó đã xích Vaska? Vứt trả con dao hay là lấy?” Và tôi đã vứt trả lại.
- Này, dao của mày đây, cầm lấy nó mà tử tiệt, – tôi nói và hết sức ngán ngẩm trở về nhà. Có tin là vua Wilhelm thoái ngôi và cách mạng đã bắt đầu ở bên Đức.
Bọn Đức vẫn tiếp tục cướp bóc trong thành phố của chúng tôi, mặc dù chúng đã cảm thấy phải chuẩn bị “cuốn gói”. Ngày càng hay tìm thấy ngoài đồng có những tên sĩ quan Đức bị giết. Bọn gai-đa-mắc mặc quần áo dân thường chạy trốn về các làng.
Hai ngày sau, vào lúc đêm khuya có người đến gõ cửa sổ nhà chúng tôi. Thím Matrena mở cửa, nhưng kinh hãi lùi lại ngay. Vaska, bác Mityai và lính Đức mang súng trường bước vào và, thật kỳ lạ đó chính là tên Đức đã định cho tôi con dao.
Căn nhà tràn ngập tiếng nói chuyện thì thầm mừng rỡ. Tôi nhìn Vaska và không nhận ra cậu ta. Mặt cậu ta đầy vết thâm tím, môi trên sưng phồng như chiếc bánh rán tròn và che khuất cả môi dưới. Tôi chưa hiểu điều gì đã xảy ra, Vaska lại gần tôi.
- Chào cậu, – Vaska nói và trìu mến nắm tay tôi, dường như không tin đó là tôi.
- Vaska, tên Đức lại đây làm gì thế?
- Đừng sợ, đó là một người Đức tốt. Bọn chúng nó giao cho anh ta xử bắn tớ, nhưng anh ta đã giơ tay bảo tớ chạy đi. Thế là tớ bỏ chạy, còn anh ta bắn chỉ thiên để bọn chúng nó tưởng anh đã bắn chết tớ rồi. Cậu có thương tớ không? – cậu hỏi, không buông tay tôi ra. Cậu ta nhắc lại và tôi đã hiểu ra Vaska buồn nhớ tôi.
- Tớ định cứu cậu. Nhưng… không tìm được vũ khí.
Vaska nhếch mép bị đánh sưng vù cười chua chát thở phào và nói:
- Bọn Đức đã đánh tớ, chà, chúng nó đánh…
- Vì sao hả Vaska?
- Chúng bắt được tớ mang bó truyền đơn. Chúng muốn tra xem tớ lấy ở đâu ra. Tớ mà thèm khai cho chúng nó à! Chúng nó lấy que thông nòng súng đánh tớ.
Vaska nhăn mặt và kéo áo lên. Sẹo đỏ và đen ngang dọc khắp lưng cậu. Tim tôi thắt lại vì xót xa.
- Chúng bắt được tớ và hỏi: “Lấy truyền đơn ở đâu ra?” – “Tôi không biết gì hết”. – “Nói đi! Nếu không sẽ được nếm mùi đau đớn”. Chúng xé sơ-mi của tớ, trói hai tay tớ vào ghế và lấy roi đánh. “Mày sẽ khai chứ?” Tớ nheo mắt lại, nghiến chặt răng, im lặng. “Mày sẽ khai chứ?” Tớ ráng chịu, ráng chịu và nói: “Dẫu sao tao không thấy đau!” Cố nhiên, tớ nói chọc tức thế thôi. Đau đến mức… Mà phải chịu đựng thôi. Nếu tớ khóc chúng nó sẽ nghĩ là tớ sợ… chỉ cần dấn thêm một chút nữa thôi là tớ không chịu được nữa…
- Nhét sâu nữa vào, sâu nữa vào, – tôi nghe thấy tiếng bác Mityai, quay sang và thấy bác đang đưa cho người lính Đức những xấp truyền đơn, còn anh thì cố nhét chúng vào ngực áo.
Người lính Đức hoa hoa tay liến thoắng cái gì đó bằng tiếng mình. Tất cả im lặng lắng nghe anh ta, nhưng không một ai hiểu gì cả. Chỉ có bác Mityai gật gật đầu nói:
- Đúng, đúng.
- Tôi cũng là công nhân, – người lính Đức hô lên và giơ cho xem đôi tay thô kệch đầy chai sạn và cứ nói, nói mãi…
Bác Mityai vẫn gật gật đầu.
- Đúng, đồng chí nói đúng, đồng chí ạ.
- Đồng chí, tốt! – người lính Đức bỗng nói, rồi giơ tay hô: – Cách mạng muôn năm!
Anh lính lại gần tôi. Không biết anh ta đã nhận ra tôi hay chỉ do bản tính hiền lành như vậy, nhưng anh ta lại rút con dao trong túi ra đưa cho tôi và âu yếm xoa đầu tôi.
Tôi không biết lấy gì tạ ơn anh ta về món quà đó. Tôi lục hòm lấy ra một lọ nước hoa.
- Này, anh cầm lấy thay con dao nhé, – tôi nói.
Anh lính Đức mỉm cười đút lọ nước hoa của tôi vào túi áo va-rơi.
- Tạm biệt! – ra đến cửa, anh ta giơ giơ nắm tay kiêu hãnh nói: – Lenin!
Hai hôm sau công nhân trong thành phố nổi dậy. Quân Đức bỏ chạy. Công nhân truy đuổi chúng. Tôi cũng cầm đá trong tay rượt theo bọn Đức. Nhưng tôi chỉ sợ nhỡ vô tình ném trúng người lính Đức hiền lành đã tặng tôi con dao díp.
Người Bạn Kiên Nghị Người Bạn Kiên Nghị - Leonid Zharikov Người Bạn Kiên Nghị