Mưa Thu Nhớ Tằm epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Kẻ Đào Ngũ
rước một ngả ba đường kia, Trung-úy Đạt ra lịnh cho đại đội đứng lại. Họ đã gặp hằng trăm ngã ba như thế nầy từ một tuần lễ nay và đã luôn luôn rẽ vào ngã không phải lối, y như có ma đưa đường, khiến mỗi lần gặp chỗ rẽ là họ đâm ra sợ.
Ngày đầu, đại đội còn tự hỏi và hỏi nhau xem phải theo đường bên trái hay bên phải, còn nhìn gốc cây thăm hỏi rễ cây để cố nhớ mình đã từ phía tả hay phía hữu mà tiến vào đây, nhưng mãi rồi họ chỉ còn trông cậy nơi trực giác của họ thôi.
Cây rừng đông gấp mười lần một thành phố to, mà cây nào cũng giống cây nào, đối với người không sống thân mật với nó, và ngã ba nào cũng y hệt ngã ba nào, thì còn làm sao mà tìm được cái lối đúng phải theo.
Viên đại đội trưởng chỉ huy đoàn quân tuần tiểu ấy ngơ ngác giây lâu rồi day lại hỏi bằng một giọng bông đùa thượng sĩ Hùng:
- Thượng sĩ có khiếu nhắm hướng may mắn hơn tôi. Ta theo ngã nào bây giờ nè?
- Thưa trung úy, cứ nhắm Đông Nam mà đi xuống thì sẽ về tới đồn.
Trung úy Đạt bật cười. Họ đang ở trong một tình thế khôi hài, và ông đã hỏi một câu hơi khôi hài, thế mà viên thượng sĩ cứ trả lời nghiêm trang thì thật là buồn cười.
Phải, họ phải tiến về hướng Đông Nam, vì cách đây tám hôm, họ đã ra khỏi đồn, một đồn tiền ải ở Cao Nguyên và đi về hướng Tây Bắc. Đó là một cuộc tuần la thường lệ, mở ra vào sáng mỗi hôm. Nhưng hôm ấy rủi ro thế nào mà họ lạc bước trên đường về đồn và cứ đi quanh quẩn mãi trong rừng sâu cho đến hôm nay.
Chưa chắc gì vị trí của họ bây giờ là Tây Bắc đối với đồn của họ, và có thể họ cứ tiến sâu vào hướng đó, mà cũng có thể họ lạc qua hướng khác từ lâu rồi.
Cứ cho là họ vẫn lẩn quẩn phía Tây Bắc của đồn đi nữa, thì cũng không làm sao xuôi Đông Nam được. Nếu vạch đường thẳng mà đi, thì việc ấy là trò trẻ con, nhưng làm sao mà rẽ được khối cây lá dày mịch kia?
Hổm nay họ chỉ biết "lần theo dấu thỏ" mà trong rừng sâu, có những đường mòn kỳ dị dễ gạt gẫm kẻ lạc đường, nó quanh lộn, uốn éo một cách vô lý rồi lắm khi lại đưa ta về đúng cái điểm khởi hành.
Từ tám hôm nay, đại đội sống bằng thịt rừng, trái dại và nước suối. Tuy nhiên tinh thần toàn đội vẫn vững vì viên trung úy yêu đời lắm và truyền lạc quan qua khắp mọi người.
Ngày nào, vào giấc sáng, họ cũng thấy một phi cơ bay lượn rất thấp, chừng như tìm họ. Họ đã đốt lửa, đã tìm thung lũng trống trải để ra hiệu gọi phi cơ, nhưng đều vô hiệu quả và từ hai hôm nay chừng như những người tìm kiếm đã bỏ cuộc rồi, nên họ không thấy bóng máy bay nữa.
Trung úy Đạt vừa toan pha trò thêm một câu thì bỗng ngây người ra. Ông vừa nghe gì khua lá trên cây và ngước lên nhìn thì thấy một anh chàng Tạc-Dăng nhe răng mà cười.
Trong giây phút, Đạt có cảm tưởng rằng mình đang ngồi trong rạp chiếu bóng, vào thời chàng ta còn thơ dại, và trên màn bạc, Tạc-Dăng sắp sửa níu rễ thòng của một cây cổ thụ khổng-lồ để đột ngột rơi xuống trên đầu địch thủ.
Mộng tuổi thơ quên đi từ lâu bỗng dưng được thực hiện, mộng gặp Tạc-Dăng ấy, nên chi Đạt đứng đó mà ngẩn ngơ rất lâu, không ý thức rõ rệt về khoảng thời gian chàng đang sống: đây chỉ là ảo mộng của thời thơ ấu, hay là cảnh thực khó tin?
Binh sĩ của đại đội, toàn thể là nông dân, chưa hề biết chiếu bóng và Tạc-Dăng là gì, chỉ kinh ngạc thôi mà không có ý nghĩ gì cả.
Nhưng qua những phút bối rối đầu, Đạt nhìn kỹ lại thì thấy người ấy là người rừng chớ không phải anh chàng Tạc-Dăng văn minh, tuy vào rừng nhưng còn mang đủ phong-cách của người thành phố.
Hắn trần như nhộng, chỉ đóng một chiếc khố nhỏ. Tóc hắn bồm xồm và dài phủ cả lưng hắn, còn râu thì chảy xuống tới ngực hắn. Nhưng da hắn sao lại trắng? Ở đây nếu có người rừng thì da nâu, da đen hay da vàng kia chớ?
Đạt đưa súng lên, chĩa ngay vào hắn, không phải vì sợ hắn, mà để hâm dọa kẻo hắn chạy trốn. Đoạn chàng hét to, bằng tiếng Pháp, không mong hắn hiểu được câu hỏi của chàng:
- Mi là ai, và mi làm gì ở đây? Xuống coi nào!
Người rừng tiếp tục nhe răng cười một cách bình thản, rồi lạ lùng thay, hắn đáp bằng tiếng Pháp:
- Xin trung úy hạ súng, ta bồ nhau mà!
Đạt ngạc nhiên vô cùng. Té ra hắn là người Pháp. Đành rằng người Pháp còn ở xứ nầy, nhưng làm sao lại có một ngoại kiều biến thành người rừng được vì ngoại kiều nào đến nước nào, cũng không phải để mà ẩn trốn trong rừng.
Bây giờ người rừng đã tuột cây, xuống tới đất. Hắn bước đến trước mặt Đạt rồi tự giới thiệu:
- Bác sĩ Dar Hé Bang. Nhưng muốn gọi tôi là giáo sư Dar Hé Bang cũng được. Hoặc cha sở "Bonhomme" càng tốt. Tôi kiêm rất nhiều chức, và mang rất nhiều tên.
- Hân hạnh! Còn tôi là trung úy Đạt, trong quân đội Cộng-Hòa Việt-Nam, đại đội trưởng hôm nay trong đoàn tuần tiểu nầy.
Người rừng đứng thẳng người lên, và chào Đạt theo lối chào của quân nhân Pháp, rồi nói:
- Kể ra trung úy là thượng cấp của tôi, vì tôi chỉ là thượng sĩ Dupont thôi.
- Anh rắc rối lắm với mớ tên và mớ nghề nghiệp dị kỳ của anh. Anh nên nói thật đi, có phải anh sống ngoài vòng kiểm soát hay không?
- Thưa trung úy, phải. Nhưng tôi không muốn thế. Chỉ vì người văn minh không bao giờ để chơn đến nơi hiểm trở nầy thì tôi biết khai báo với ai.
- Ở đây xa lắm à?
- Xa ghê hồn, cách Cheo Reo đến tám ngày đường. Có phải đoàn tuần la của trung úy đi lạc hay không trung úy?
- Phải, nhưng sao anh biết?
- Tôi chỉ đoàn thế thôi, căn cứ theo những yếu tố sau đây. Có phải đồn của trung úy là đồn Cheo Reo?
- Đúng thế.
- Quanh đây, trong vòng mười lăm ngày đường, không có đồn nào khác cả. Ngày xưa tôi cũng ở trong đồn đó và không bao giờ một đoàn tuần tiểu xuất phát từ đồn Cheo Reo lại đi đến đây, trừ phi rủi ro lạc lối như chúng tôi ngày xưa và như trung úy bây giờ đây.
- Té ra...
- Vâng, năm xưa, chúng tôi đã đi lạc một lần đến đây. Tôi có thể kể rõ lại bước lạc đường của đại đội nầy. Trên đường về đồn, trung úy đã theo lòng một cái man-khê trở thành khô cạn vào mùa nắng nầy để xuôi Đông Nam cho tiện, vì lòng man-khê dễ đi hơn là theo đường rừng.
- Đúng y như vậy.
- Nhưng đến một chỗ kia, man-khê lại chia ra làm hai nhánh. Chính cái nhánh mình thấy là đổ xuống Đông Nam, cách một quãng sau đó, lại quẹo lên Tây-Bắc, quẹo lơi lơi đến đỗi ta không chú ý, và vì thế mà bị đưa lần lên nguồn của nó. Nếu chỉ có thế thì ta lại lui bước và cứ xuôi theo lòng suối cạn mà trở về ngả ba, nhưng rắc rối là lòng man-khê lại dắt ta đến một con đường mòn trông rất có vẻ là đường được qua lại thường và rất có vẻ là đường dẫn về đồn. Con đường ấy khi ta tiến vào đó độ một tiếng đồng hồ thì biến thành mê-đạo không còn tìm được lối ra nữa.
- Quả đúng y như anh nói. Anh ở trong đạo binh viễn chinh của Pháp năm xưa chắc?
- Vâng.
- Đạo diễn chinh đã rút đi từ lâu rồi, giờ thì chúng tôi đã độc lập. Tuy nhiên, nếu anh muốn, chúng tôi sẽ giúp đỡ anh về.
- Cám ơn trung úy! Tôi cũng hay biết những biến cố mà trung úy vừa nói, Nhưng tôi là kẻ đào ngũ.
- Vậy à? Có hối hận chăng? Có sợ lắm chăng? Nhưng xét kỹ thì cũng chẳng sao. Anh về trình diện với tòa đại sứ của anh ở Sàigòn, rồi lãnh vài năm tù là xong. Phải về với vợ con, với quê hương chớ.
- Không phải thế, trung úy à! Tôi không đào ngũ vì hèn nhát hoặc vì bất mãn. Tôi có lý do riêng của tôi nên không muốn trở về. Tôi cần ở đây để làm xong sứ mạng con người...
- Đừng có nói lớn lối. Tôi nhờm quân nhân đào ngũ lắm! Tôi chỉ hứa giúp anh vì thương xót thôi.
Người rừng đột ngột nói:
- Trung úy cho xin điếu thuốc.
Đạt do dự giây lâu rồi lấy ra gói thuốc bao xanh và cái quẹt máy trao cho hắn, hắn rước lấy rồi cười nói:
- Thật ra trung úy không nhờm tôi lắm, vì trung ủy chỉ do dự có mấy giây thôi, và vì trung úy trao luôn cả bao thuốc trong khi tôi chỉ xin có một điếu thôi. Trung úy không nhờm lắm vì trung úy hơi đoán được tôi có một tâm sự gì không xấu xa lắm.
Đạt chỉ làm thinh, con người nầy sẽ chỉ đường cho đoàn tuần tiểu về được tới đồn, thì chẳng nên mích lòng hắn làm gì. Chắc đây chỉ là một gã gàn gàn như ta thường gặp trên đường đời thôi.
Người rừng châm thuốc, hút và phà khói một cách khoái trá vô cùng.
Hắn nói:
- Không có gì thú bằng chiều chiều nằm trên chiếc ghế dài trước nhà, cạnh vợ con và hút một điếu thuốc ngon như vầy, sau bữa ăn. Hoặc trong quân ngũ, trước giờ kèn thổi tắt đèn, quây quần cùng vài người bạn đồng đội quanh một bàn cờ, phì phà điếu thuốc lá.
Tiếng kèn! Từ lâu rồi tôi nhớ tiếng kền quá, và cứ như vẫn nghe tiếng kèn chiều vàng lên từ thung lũng dưới kia.
Hắn say sưa nhìn cả đại đội như thèm bộ quân phục của họ mà hắn đã cổi bỏ từ lâu.
Hắn hít một hơi thật dài, nhả khói mù mịt. Hai lỗ mũi hắn như hai ống khói nhà máy, hoặc hai ống khói tàu. Đoạn hắn kể:
- Năm xưa, hôm ấy đoàn tuần la của chúng tôi cũng lạc vào đây, y như trung úy hôm nay. Ngoài sau khối xanh nầy, cách đây lối năm trăm thước là làng Dom Hia.
Chúng tôi vào sóc giữa lúc dịch sốt rận 1 sắp sửa lui. Dân sóc đông đến bảy trăm nhân khẩu mà chỉ có năm mươi người sống sót thôi, mà trong năm mươi người tốt phước ấy, hết hai mươi người mắc bịnh cùi.
Dốt nát đã dìm họ vào một sự khốn khổ không thể tưởng tượng được. Cả đoàn tuần tiểu của chúng tôi ai cũng thương xót họ, nhưng không ai nghĩ được cách gì để giúp đỡ họ cả, vì ở đây xa biệt mù, văn minh không đi tới được, chỉ có những làng tương đối nằm gần các đồn bót nới hưởng được hiểu biết của chúng ta thôi, mà đồn bót thì không thể nhơn ra cho nhiều khắp chốn rừng sâu nầy.
Mấy lúc sau nầy chánh quyền Việt-Nam có thực hiện chương trình khai hóa rộng lớn ở xứ nầy, nhưng làng ấy vẫn còn xa quá.
Người trong làng và chúng tôi nói chuyện với nhau bằng cách ra dấu và hiểu nhau được đôi chút. Họ đãi ăn chúng tôi và vui lòng cho người đưa chúng tôi về Cheo Reo và chúng tôi lên đường sau bốn tiếng đồng hồ nghỉ tại làng.
Năm ấy tôi mới hăm lăm tuổi thôi và lòng đang tràn ứ cái thứ phấn khởi của thanh niên về cuộc đời, về xã hội, về nhân loại.
Lòng tôi xao xuyến vô cùng trên bước đường về. Tôi đã thao thức suốt ba đêm dài cắm trại giữa rừng và khi đến ngả ba của cái man-khê gạt gẫm ta đó, thì tôi quyết định được thái độ.
Ngoài thế giới văn minh, thiếu tôi, nhân loại vẫn tiến tới như thường, tôi chỉ là chiếc bánh xe thứ ba nghìn sáu trăm trong bộ máy xã hội văn minh thôi.
Ở đây thêm tôi, người bán khai sẽ đỡ khổ biết bao nhiêu!
Sáng hôm đó, chỉ còn một ngày đường nữa là về tới đồn để hưởng thịt, bánh, cà-phê, la-ve, thuốc lá mà chúng tôi thèm từ hơn nửa tháng rồi và biết đâu lại không mãn hạn đồn thú, về Sài-gòn để gần gái đẹp, chiếu bóng, ca vũ nhạc.
Nhưng khi dở trại, tôi giả đò có việc cần, phải vào rừng giây lát, rồi lẩn luôn.
Đoàn của tôi ngỡ tôi lạc bước nên kêu gọi tôi và đổ ra đi tìm tôi khắp nơi quanh đó, mãi cho đến xế chiều. Nghe tiếng của bạn đồng đội, nghe tiếng kèn thân mến từ bao năm rồi, tôi thật khổ sở. Lòng tôi bị chèo kéo giữa tiếng gọi của đoàn, và tiếng gọi khác thảm thiết vô cùng, tiếng cầu cứu của những kẻ ở rừng sâu, nên tới một phút kia, tôi không muốn trở về thế giới văn minh của ta nữa.
Đến chiều tối, đoàn của tôi bắn nhiều loạt súng và ném lựu đạn, tiếng nổ vang rền cả rừng sâu. Tôi đã đi xa rồi nhưng còn nghe được cố gắng cuối cùng và tuyệt vọng của các bạn, mong tôi nghe thấy họ, tìm theo hướng nổ mà về. Tôi đau xót không xiết kể, nhưng không có gan lui bước.
Sau đó mấy năm, viên tù trưởng của bộ lạc chúng tôi có cho biết rằng người Pháp muốn tìm dấu vết của một quân nhân da trắng đi lạc trong rừng. Bấy giờ sóc chúng tôi và mấy mươi sóc khác quanh đây đều mến tôi và thấy cần tôi lắm. Tôi cũng thương mến họ như người trong gia tộc nên dặn họ im đi. Họ tùng đảng với tôi, nín lặng và đoàn viễn chinh sắp rút lui, kể như là tôi đã sa chơn xuống một hố sâu từ lâu rồi.
Thượng-sĩ Dupont, kể tới đây, lại xin một điếu thuốc nữa vì khi nãy hắn đã trả gói thuốc lại cho trung-úy Đạt.
Thấy anh ta phà khói một cách sung sướng vô cùng, trung-úy Đạt hỏi đùa:
- Thuốc của người văn-minh có ngon không?
- Ngon nhứt trần đời, Dupont đáp. Nhưng trung-úy không thể dùng thuốc nầy hoặc rượu ngon, gái đẹp hay gì gì khác để quyến rủ tôi được. Tôi quyết ở đây đến ngày cuối cùng của tôi.
- Không ai qnyến rủ anh làm gì. Tôi ngỡ anh khổ nên đề nghị giúp anh thôi. Nầy, anh đã làm được những gì ở đây?
- Công việc của tôi rất là khiêm tốn. Tôi chỉ dạy họ chút it vệ sinh, chút ít hiểu biết về mây mưa, sấm sét và nhứt là lòng tin nơi một đấng tối cao duy nhứt. Họ thì họ thờ đủ thứ là thần; thứ gì họ sợ mà cắt nghĩa không được là họ tôn lên làm thần để mà thờ: thần rừng, thần núi, thần sấm sét, thần rắn, thần hổ, thần vực sâu, thần thác nước.
Trước kia, tôi không phải là ngoan đạo. Nhưng đấng tối cao duy nhứt, tôi khuyên họ tin, khuyên bằng tất cả lòng tin của tôi vì tôi thấy đó là một kỷ luật tinh thần nó giúp họ thôi tin nhảm, thôi sợ hãi vô lối, và thôi đánh giết nhau giữa sóc nầy và sóc khác, bộ lạc nầy và bộ lạc khác, chỉ vi họ mích lòng nhau khi ngỡ rằng kẻ nầy xúc phạm đến thần kẻ kia.
- Cũng khá đấy!
- Trung úy nghĩ sao, tôi có thể được hưởng trường hợp giảm khinh về tội đào ngũ hay không?
Đạt vẫn làm thinh không đáp. Chàng nhìn con người kỳ khôi râu tóc bồm xồm ấy rồi nghĩ miên man đến những thanh niên đầy nhựa sống đang vùi đầu trong những cuộc truy hoan ở vài xã hội văn minh. Bọn nầy cũng là một bọn đào ngũ nhưng không bị pháp luật truy nã.
Lâu lắm, Đạt mới hỏi:
- Anh không nhận sự giúp đỡ của chúng tôi, sẵn sàng đưa anh trở về thế giới văn minh, chúng tôi không nài nỉ, cũng không có phận sự bắt anh. Nhưng anh có vui lòng chỉ nẻo cho chúng tôi về đồn hay chăng?
- Thưa trung úy, điều đó thì đã hẳn! Nhưng tôi xin mời đại đội dùng một bữa ăn nghèo.
Thấy Đạt làm thinh, Dupont tiếp:
- Tôi biết trung úy không thể nhận lời mời của một tên đào ngũ, nhưng đây là sóc tôi mời. Thế nào họ cũng hay biết sự có mặt của đại đội ở đây vì ngoài sau đám lá dày nầy đang có ít lắm là bốn mắt đang rình đại đội. Họ sẽ nhận quí vị là bạn hay là thù, và sẽ có thái độ thích ứng. Một khi họ mời mà quí vị từ chối là quí vị tự biến thành kẻ thù của họ rồi vậy. Nào, xin mời trung úy và cả anh em trong đại đội.
Nói xong, hắn quay lưng đi trước trên nẻo đường mà hắn đã thuộc lòng từng rễ cây, cọng cỏ. Cả đại đội đều điều động nối gót theo hắn, nhìn cái lưng từng đã bị nắng ăn sạm đen của hắn, ngạc nhiên vì đôi bàn chơn quen mang giày từ thuở lọt lòng mẹ, lại đạp gai rừng một cách không e dè.
Đó là một kẻ đã trốn loài người để đi theo loài người, cái loài người thứ nhì không rượt kịp loài người thứ nhất trên đường tiến bộ, và bị một kẻ của loài người thứ nhất nắm tay cố kéo lên để cho họ chạy theo cho kịp bạn đồng thời.
Rục rục rùng, rục rục rùng, rục rục rùng!
Đây là giống trống liên hoan của người sơn cước, đánh lên để đón rước thượng khách mà bạn của họ đưa về.
Rục rục rùng, rục rục rùng, rục rục rùng!
Cả đại đội dừng bước lại trước đầu làng nhìn điệu vũ man rợ đánh nhịp bằng tiếng trống da trâu, đây là những người của mấy mươi ngàn năm trước, chưa ra khỏi thời kỳ săn bắn.
Xem ra, họ sung sướng trong cảnh hội hè của họ, và trước khi con người kỳ dị là tên Dupont nầy đến, chắc họ cũng sung sướng y như thế.
Trung úy Đạt nói to ra ý nghĩ của chàng:
- Anh Dupont nè, họ khổ mà không biết, thì cũng như là không khổ, vậy có cần gì làm cho họ ý thức về cái khổ của họ, làm cho họ hết an phận an tâm hay không?
- Trung úy quan niệm như vậy sao?
- Không, tôi chỉ tự hỏi thế thôi mà chưa trả lời được. Nay tôi hỏi anh cho biết ý nghĩ của anh.
- Tôi đã nghĩ thật kỹ trong những đêm trằn trọc trên đường về của đoàn tuần tiểu của tôi. Không biết mình khổ, không cỏ nghĩa là không khổ, và cái hạnh phúc tạm bợ của họ không phải là hạnh phúc thật.
- Tôi nói những lời sau đây, cũng chỉ là đưa ra vài ý nghĩ dọc đường thôi, chớ chưa phải là ý nghĩ cuối cùng về nhân sinh quan của tôi. Về vụ thật hay không thật thì còn tùy. Cái gì cũng thật cả, nếu ta không biết các sự thật khác.
Như anh chẳng hạn, anh đã tìm được hạnh phúc thật, thật theo anh, khi thực hiện lý tưởng của anh là chạy trước thế giời văn minh, mong giành với họ đầu công khai-hóa sớm những người nầy. Nhưng người thân yêu của anh bên kia trời, nếu biết anh trần và lạnh như thế nầy, chắc cho là khốn khổ lắm.
Tôi đâm ngờ rằng chỉ có một sự thật, một sự thật vĩnh viễn.
Nói tới đây, Đạt nhìn lên ngọn cây, làm thinh ngậm ngùi giây lát rồi như tự nói riêng với chính minh: "Tôi yêu nàng, nàng yêu tôi, thật biết bao nhiêu và tôi sung sướng biết bao nhiêu. Bỗng đùng một cái vì nàng sơ hở nên tôi mới biết được rằng nàng chỉ giả dối thôi. Nhưng những ngày hạnh phúc của tôi có thật, và mối tình của tôi thật cho đến đỗi tôi biết nàng lừa mà nó vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Nhưng biết đâu ngày kia tôi lại không yêu một nàng nào khác và vẫn yêu thật như thường".
(Dựa theo một câu chuyên thật ở Cheo Reo (Phú-bổn) do Đại úy Nguyễn-Đat-Thình kể cho nghe).
Chú thích
1.Ở các xứ lạnh người dân hay mắc phải một chứng sốt rất nguy hiểm và rất truyền nhiễm mà người Pháp đặt tên là Typhus. Chứng sốt nầy do một thứ vi trùng mà loài rận truyền từ máu người nầy qua máu người khác.
Mưa Thu Nhớ Tằm Mưa Thu Nhớ Tằm - Bình Nguyên Lộc Mưa Thu Nhớ Tằm