N
hững người ít đi xa, mỗi lần ra biển sẽ còn thấy yên tâm chừng nào đất liền trong tầm mắt. A-lanh ngạc nhiên thấy mình mặc dù rất quyết tâm và không phải là ít dày dạn với sóng nước, vẫn không phải lo âu khi biết rằng từ phút này đất liền sẽ mất hút. Xuồng tiếp tục đi theo hướng nam -tây nam. Với hướng này, theo sự chỉ dẫn của bản đồ hàng hải, sẽ gặp một dòng hải lưu đẩy nó hơi chệch về hướng tây một ít. Điều hơi buồn là phần nửa con mê-ru để dành, hai chàng đã xơi gọn mà vẫn chưa đánh bắt thêm được gì. Đành nhịn, biết làm sao! Không hiểu sao một con cá đã cắn câu, mà những con khác lại không. Mỗi bữa lại đành uống nước mặn và lót dạ vài thìa tảo thay... bánh mì. Về chuyện uống, dù sao cũng không còn đáng lo nhiều lắm, vì Giắc đã tiếp tục dùng nước biển một cách bình thường. Ngày 29 tháng năm, Ngược đời gặp hai tàu chở hàng, một kéo cờ Hy Lạp, một cờ Anh, đi sát bên cạnh. Cả hai tàu đều rúc còi chào. Đó là điều đặc biệt, vì mấy ngày trước, cũng như những ngày sau đó, các tàu khác đều tỏ ra như tuyệt nhiên không biết chút gì về chuyện thực nghiệm của hai người. Vô tình hay cố ý? Có thể vì chiếc xuồng cao su quá thấp, là là dưới ngọn sóng, các tàu khác không nhận ra chăng? Với lại làm sao tất cả mọi người biết có hai chàng trai đang tự nguyện làm những người bị nạn đắm tàu?
Dù sao đi nữa, kết luận rút ra từ thực tế ấy là những người đắm tàu bao giờ cũng chỉ nên trông cậy trước hết vào sức mình. Phải chủ động đón tìm sự cấp cứu, chứ đừng khoanh tay ngồi chờ những người khác đến cứu mình. Đêm ấy gió tiếp tục thuận. Xuồng tiếp tục đi theo hướng đã định. Cái đói giày vò dữ hai chàng. A-lanh trực ca đầu. Có lẽ vì đói, mọi giác quan của anh rất tỉnh táo. Khoảng mười một giờ đêm, giữa sự im lặng mênh mông, chợt anh nghe có tiếng rì rầm lạ lùng từ biển vọng lên. Phải chăng chỉ là ảo giác? Tự nhiên cảm thấy lo âu, anh biện luận: người trên bờ thì xa, quá xa. Và vào giờ này, trừ một vài người thân yêu, có ai nghĩ tới hai chàng đắm tàu? Những tiếng kỳ lạ tiếp tục vọng lên từ biển kia là thế nào? Phải chăng đấy là tiếng những con cá heo thỉnh thoảng vẫn lượn lờ quanh chiếc xuồng con mảnh mai? Nghĩ vậy, nhưng anh vẫn không sao bớt ngạc nhiên vì tiếng rì rào không những tiếp tục, đều đặn như lúc đầu, mà hơn nữa còn rõ rệt hơn. Nỗi băn khoăn cũng như sự hiếu kỳ làm cho anh tỉnh táo suốt cả đêm, những mong trời chóng sáng. ánh sáng bình minh vừa rạng đủ cho A-lanh nhìn thấy quanh chiếc xuồng con của mình nhiều hình ma đồ sộ màu xám nhạt, lấp lánh như kim loại. Anh nắm tay lay Giắc:
-Cá voi! Giắc cũng đã dậy. Hai người đếm được chừng một chục con. Chúng chậm chạp lượn quanh chiếc xuồng theo hình những vòng tròn đều đặn. Thân chúng dài chừng hai mươi đến ba mươi mét. Thỉnh thoảng một con bơi thẳng đến, khi chỉ còn cách xuồng có mấy mét, mới chịu ngụp xuống sâu. A-lanh và Giắc nom rất rõ hình dáng đuôi con vật ở phía bên này chiếc Ngược đời trong khi đầu nó đã ngoi lên phía bên kia. Trông chúng bình yên, ngoan ngoãn, như có thiện ý đối với kẻ đắm tàu. Tuy vậy, là một người đi biển nhiều kinh nghiệm, Giắc hết sức lo âu trước sự xuất hiện bất ngờ này. Anh sợ chẳng may một con quá hứng chí hoặc vì vụng về mà ngoi lên hơi sớm, hoặc quệt đuôi vào chiếc xuồng. Mặt trời lên, đám cá voi mới tản đi. Cả ngày 30 tháng năm, chẳng có gì lạ xảy ra, nghĩa là hai nhà đi biển vẫn chưa câu thêm được con cá nào. Họ gần như đã quen với lối sống không bình thường. Chỉ còn một ẩn số: nếu xảy ra bão, chiếc Ngược đời liệu có chịu nổi không ? A-lanh cho là được, vì anh đã gặp bão trên chiếc xuồng tương tự ở biển Măng-sơ trong chuyến đi từ Anh trở về Pháp mùa thu năm ngoái, Giắc kém tin hơn, song vẫn mong chờ cơ hội xảy ra để chấp nhận cuộc thử thách. Dù sao, trải qua hiểm nghèo giữa Địa Trung Hải thường xuyên có rất đông tàu bè đi lại, còn hơn là sau này bất thần gặp bão giữa Đại Tây Dương, khi đã cách xa đất liền hàng nghìn hải lý.