Lửa Hòa Bình epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 10 -
à Laura McCoy đọc đi đọc lại lá thư vừa được chồng trao cho. Hết đọc thư, bà lại ngắm nghía tấm hình gửi kèm với thư. Một thiếu nữ với mái tóc nâu dài, khuôn mặt thanh tú và đôi mắt màu hạt dẻ sáng long lanh pha trộn bóng sắc Đông Tây.
Bà McCoy reo lớn trong nỗi xúc động:
- Ồ, Bill, coi này. Cái miệng nó cười giống hệt thằng John.
Ông William McCoy chậm chạp bước tới bên cạnh vợ, cầm tấm hình nhìn chăm chú và bâng khuâng đáp nhỏ:
- John có nói đến một người đàn bà Việt Nam nhưng không bao giờ cho biết có một đứa con.
Bà McCoy lại cầm lá thư lên, sửa lại kính và dán mắt đọc rồi nói:
- Đây này, honey. Nó viết rằng mẹ nó nói John đã chết mà không biết vợ đang có thai.
- Con bé tên là gì nhỉ?
- Lisa. Ồ, con bé thật dễ thương và tuyệt vời. Nó sang đây được ba năm sau một cuộc vượt biển kinh hoàng với nhiều người chết vì hết nước uống và thực phẩm, và bây giờ nó tốt nghiệp trung học với điểm cao nhất trường, và mời mình tới dự lễ phát bằng. Thật là không thể tưởng tượng được.
- Tại sao tới Mỹ ba năm mà bây giờ nó mới liên lạc với mình?
- Ồ, Bill. Người ta tới đây tị nạn chứ có phải đi du lịch đâu! Họ phải vượt qua biết bao nhiêu khó khăn. Nhưng, đây này, nó có cho biết lý do là vì không biết địa chỉ của mình, phải mất mấy năm tìm kiếm...
Đó là điều duy nhất không đúng sự thật mà Lisa đã viết cho ông bà William McCoy, ông bà nội của mình.
Nhàn đã tìm được địa chỉ ông bà McCoy từ lâu, và cũng muốn cho Lisa liên lạc, thăm viếng nhưng nghĩ rằng việc ấy không gấp và cần dè dặt để không bị hiểu lầm và tránh mặc cảm thua kém. Nay, đời sống của mấy mẹ con đã ổn định và Lisa tốt nghiệp trung học tối ưu, Nhàn nghĩ đã đến lúc liên lạc với gia đình người Mỹ mà xuýt nữa cô đã trở thành con dâu.
Lá thư của Lisa là một bất ngờ lớn với ông bà McCoy và đã khơi dậy trong họ những cảm nghĩ pha trộn giữa đau đớn và vui mừng. Cái chết của đứa con trai tại một đất nước xa xôi ở nửa bên kia trái đất hai mươi năm trước như một vết thương nằm sâu trong tâm não họ lại có dịp gây cho họ những đau nhức, đồng thời sự xuất hiện bất ngờ của đứa cháu không mong đợi đã đến với họ như một món quà quý vào lúc tuổi già.
Ông McCoy lấy trong tập ảnh cũ ra một tấm hình John McCoy chụp chung với Nhàn ở Pleiku mà anh ta đã gửi về nhà không bao lâu trước khi tử trận. Ông đưa tấm hình đã phai màu cho vợ và nói:
- Hình như Thượng-đế muốn mình còn phải ràng buộc với cái đất nước xa xôi này. Laura, phải chăng đây là một sự đền bù cho mất mát của mình hay chỉ đem lại thêm những phiền hà?
Bà Laura im lặng nhìn tấm hình, trầm ngâm suy nghĩ, chớp mắt để làm tan những giọt lệ rồi nói với chồng:
- Bill, tôi nghĩ rằng có thể con bé này sẽ giúp mình tìm được sự trả lời cho câu hỏi đã dày vò mình bao nhiêu năm nay. John đã sang Việt Nam và đã chết tại đó vì cái gì? - Bà xúc động nấc lên mấy tiếng và nói tiếp trong nước mắt - Tôi cứ bị ám ảnh là John đã phạm một tội ác. Đứa con yêu quý của tôi... Bill, ông biết nỗi đau của tôi... Nó chết hai chục năm rồi nhưng tôi vẫn có cảm giác như mới nhận được tin, và đôi lúc còn không tin là nó đã chết tại Việt Nam trong sự nguyền rủa của dân Mỹ...
Ông McCoy quàng một cánh tay ôm vợ, lặng lẽ chia sẻ cảm xúc. Cũng như vợ, Bill McCoy đã bị cái bóng đen Việt Nam ám ảnh. Ông tự hỏi tại sao ông không cảm thấy hãnh diện đã có một đứa con hy sinh cho nước Mỹ. Chiến tranh Việt Nam đã làm cho nước Mỹ và cả gia đình ông chia rẽ sâu xa. McCoy đã bị giằng co ở giữa cuộc tranh luận, và ông đã tránh không nghĩ đến nó, không nói đến nó, và cũng không muốn nghe đến nó. Nhưng bây giờ "nó" đang ở trước mặt ông, xuất hiện trong đời sống của ông một cách bất ngờ mà ông không bao giờ nghĩ tới.
Từng tham dự cuộc Thế Chiến II ở Âu Châu và nay là một y sĩ hối hưu, Bill McCoy sống tuổi già bình yên với bà vợ trong ngôi nhà sang trọng ở Vienna, Virginia. Ngoài John McCoy, ông bà còn hai người con khác - David, con trai lớn, và Jane, con gái út. Họ ở xa, thỉnh thoảng đến thăm cha mẹ và tránh không nhắc gì đến chuyện Việt Nam vì hai người có hai lập trường khác nhau. David ghét cộng sản và ủng hộ việc Mỹ can thiệp vào chiến tranh Việt Nam. Jane, ngược lại, đã nhiều lần xuống đường hò hét trong những cuộc biểu tình phản chiến từ khi còn là sinh viên, và nay nằm trong một nhóm đang vận động để chính phủ Mỹ bình thường hoá bang giao với Việt Nam.
Bill McCoy tôn trọng quyền tự do của hai người con và chỉ yêu cầu họ đừng bàn đến chuyện Việt Nam trước mặt ông, để ông được yên sống phần đời còn lại. Nay, Lisa như từ trên trời rơi xuống giữa nhà, ông không có cách nào trốn tránh. Sau khi đọc lá thư của Lisa, ông bàn với vợ và ngày hôm sau, bà gọi điện thoại để hai vợ chồng nói chuyện với Lisa và Nhàn, hẹn ngày đi California dự lễ phát bằng của đứa cháu mang dòng máu Việt Nam.
Cuộc điện đàm làm cho ông bà McCoy rất hài lòng và cảm động về những lời lẽ chứa chan tình cảm và hiểu biết của mẹ con Nhàn. Nhưng chuyến đi California mới thực sự làm cho họ xúc động. Bà McCoy đã khóc khi ngồi nghe Lisa thay mặt học sinh toàn trường để đọc diễn văn tốt nghiệp. Cô đã nói đến những kinh nghiệm khổ đau trong những năm ở Việt Nam, đến cuộc vượt biển kinh hoàng và những ngày đầu tiên khó khăn trên đất Mỹ. Cô cảm ơn người mẹ kính yêu, cảm ơn những người Mỹ đã đổ máu vì tự do trên đất Việt Nam trong đó có cha cô, và cảm ơn nước Mỹ đã đón nhận và cho gia đình cô cơ hội sống trong tự do và nhân phẩm. Cô hứa sẽ tiếp tục cố gắng học và đền đáp lại những gì cô đã nhận để có được ngày hôm nay.
- Thật tuyệt vời! - Bà McCoy vừa chấm nước mắt vừa nói với chồng. - Tôi không thể tin được những gì diễn ra trước mắt. Tôi đang nghĩ đến John và cảm thấy tự hào. Tôi sẽ không bao giờ quên được ngày hôm nay. Cám ơn Thượng-đế.
Ông bà McCoy cũng ngạc nhiên khi tới thăm ngôi nhà khang trang của mẹ con Nhàn đang làm việc tại một văn phòng luật sư trong lúc tiếp tục học luật. Họ cũng đi thăm khu phố Little Saigon để thấy sinh hoạt phồn thịnh của hàng trăm ngàn người Việt tị nạn tại vùng Nam California.
Ngày Lễ Tạ Ơn năm ấy, ông bà McCoy đã mời Nhàn và hai con tới thâm Virginia. Nhân dịp này, họ đã cùng đi viếng mộ John McCoy trong Nghĩa trang Quốc gia Arlington và thăm Bức Tường Việt Nam ở Washington, nơi khắc tên gần 57,000 người Mỹ đã hy sinh trong Chiến tranh Việt Nam. Mấy ngày sống chung trong ngôi nhà ở Vienna đã xoá tất cả ngăn cách giữa những người khác chủng tộc, màu da, khác lục địa, mà cuộc Chiến tranh Việt nam đã đem họ lại với nhau trong những mối liên hệ đầy ngộ nhận và thành kiến.
Trước khi chia tay, bà McCoy nói với Nhàn:
- Nhờ you, chúng tôi đã thoát khỏi sự ám ảnh của "con ma Việt Nam". Chúng tôi tin rằng John đã yên nghỉ với lương tâm trong sáng của một người đã chiến đấu vì chính nghĩa. Chúng tôi rất đau buồn vì cái chết của con chúng tôi và cũng thấu hiểu nõi đau buồn của you. Chúng tôi nghĩ rằng Lisa là niềm an ủi cho you và nay cũng là niềm an ủi cho chúng tôi.
Bà ta mỉm cười, và Nhàn cũng mỉm cười trong nước mắt long lanh. Cô biết từ nay ông bà McCoy có thể bình yên sống với những năm tháng còn lại, nhưng với mình thì cuộc hành trình đi tìm kiếm lại linh hồn đã mất vẫn còn tiếp tục.
Ngoài bốn mươi tuổi, Nhàn không còn trẻ nữa nhưng cũng chưa già, và còn cả một quãng đời dài để sống. Khi còn ở Việt Nam, Nhàn chỉ tìm mọi cách để thoát ra khỏi một cuộc sống không còn chịu đựng nổi. Nay, đã yên ổn trên một đất nước tự do, cô thấy không dễ dàng để chọn một cách sống.
Sống buông trôi và tạm bợ trên đất khách quê người để chờ ngày trở về Việt Nam hay chết già trên nước Mỹ như một kẻ lưu vong mãn kiếp?
Hay quên Việt Nam đi để nhận nơi này làm quê hương, hội nhập vào xã hội Mỹ?
Cả hai con đường trên đều có vẻ không phù hợp với Nhàn. Cô không muốn đóng vai kẻ lưu vong mãn kiếp nhưng cũng không muốn tự xem mình như một người Mỹ da vàng.
Những ràng buộc chằng chịt với hạnh phúc và thảm kịch trong nửa đời người trên mảnh đất ở bên kia bời biển Thái Bình khiến Nhàn rất khó mà gỡ bỏ, và có vẻ cũng đã quá muộn để hội nhập vào quê hương mới, nhưng Nhàn cũng không muốn nối tiếp cuộc sống bị đứt đoạn bởi ngày 30-4-1975 với những hoài thưởng, chắp nối, mộng mị trong những ốc đảo tị nạn. Và như thế Nhàn đã trở thành kẻ cô đơn giữa hai con đường mà hầu hết người Việt Nam ly hương đã chọn.
Ngoài những giờ đi làm và đi học, Nhàn quanh quẩn ở nhà. Lisa được học bổng của Đại học Harvard đã đi Boston để học y khoa, trong nhà chỉ còn Tuấn và Phượng. Một ngày không xa lắm, Tuấn cũng sẽ rời nhà để vào đại học, Phượng đang có người yêu, và không bao lâu nữa sẽ theo chồng. Mọi người đều có đời sống riêng, và Nhàn sẽ đứng lại trong nỗi cô đơn.
Văn phòng luật sư nơi Nhàn làm việc ở gần khu phố Bolsa, trung tâm thương mại nhộn nhịp nhất của người Việt tị nạn. Hàng ngày, Nhàn nhìn sinh hoạt của cộng đồng người Việt mà cảm thấy như đang sống trong những cơn mê giữa ban ngày, vừa nghe ấm trong lòng vừa xót xa trong nỗi chán chường.
Thấy Nhàn có nhan sắc và sống độc thân, nhiều người đàn ông đã xáp lại như những tay thợ săn nhìn thấy bóng nai. Những người đàn ông tuổi trung niên, phần đông đã ra đi một mình, nhưng cũng có người đang sống với vợ con và nghĩ rằng săn đàn bà cũng dễ như săn nai. Sau một thời gian theo đuổi, những người này đã bỏ cuộc trước sự lạnh nhạt, đôi khi tàn nhẫn của người đàn bà mang dáng vẻ nhu mì lịch lãm nhưng tâm hồn thì đã đóng băng. Không có người đàn ông nào đủ sống lay động và làm tan khối băng trong tâm hồn Nhàn.
Nhưng không phải tất cả đàn ông tị nạn đều là thợ săn. Có những người đàn ông trung thành mà Nhàn đã tiếp ở văn phòng luật sư. Họ tới để nhờ làm hồ sơ bảo lãnh cho vợ con ở Việt Nam. Họ tỏ ra đứng đắn và nôn nóng được đoàn tụ gia đình. Có người được toại nguyện, có người không.
Một buổi trưa, Nhàn tiếp một người khách quen bước vào văn phòng với gương mặt buồn bã.
- Chào ông Thông. - Nhàn lễ phép đứng dậy chào khách và mỉm cười nhưng đôi môi đã chợt đọng lại trước vẻ buồn trên gương mặt người đàn ông. - Mời ông ngồi ạ.
Thông ngồi xuống chiếc ghế trước bàn của Nhàn và cúi đầu im lặng. Nhàn ngồi xuống, nhìn người khách, bối rối trước thái độ kỳ lạ của anh ta.
- Ông có tin gì của gia đình bên nhà không? - Nhàn dè dặt lên tiếng. - Chúng tôi hy vọng bà và các cháu sẽ được phỏng vấn trong năm nay.
Người khách từ từ ngẩng đầu lên, vẫn với vẻ buồn trên mặt, và nói chậm chạp:
- Tôi tới đây để xin cô lại hồ sơ bảo lãnh.
- Tại sao vậy? - Nhàn ngạc nhiên hỏi.
Thông khẽ lắc đầu, nén một tiếng thở dài, trả lời:
- Họ không cần bảo lãnh nữa.
- Ồ, vì sao vậy? - Nhàn càng ngạc nhiên.
Thông không trả lời, và lại cúi đầu, chớp mắt vài cái, đôi môi mím lại trên gương mặt cương nghị. Nhàn đoán có chuyện gì quan trọng nên không dám nói gì thêm. Khi Thông ngước lên nhìn Nhàn, đôi mắt anh ta đỏ và rơm rớm ướt. Nhàn nói nhỏ vừa đủ cho Thông nghe:
- Chúng tôi sẽ trả lại hồ sơ cho ông cùng với một phần lệ phí.
- Không. Xin cô giữ lại tiền.
- Ông Thông, ông có thể cho tôi biết có chuyện gì không?
Thông nhìn vào mắt Nhàn ngập ngừng:
- Có lẽ tôi cũng cần nói với cô... nhưng ở một nơi thích hợp hơn...
- Hay mời ông tới nhà tôi... sau giờ làm việc? - Nhàn buột miệng nhanh nhẩu.
Nhàn đề nghị như vậy vì trước đây Thông đã đến nhà Nhàn vài lần để đưa các giấy tờ cần gấp và hai người coi nhau như bạn, tuy không thân. Vũ Quang Thông cùng xấp xỉ tuổi Nhàn, cựu trung úy Hải Quân, đã theo tàu di tản ngày 30-4-1975 không kịp về đón vợ và hai con. Nay là một kỹ sư điện tử, một người thương nhớ vợ con đặc biệt trong những người khách của Nhàn.
- Tôi vừa được tin hôm qua. Chờ đợi lâu quá, vợ tôi đã đưa hai đứa nhỏ đi vượt biên. Tàu chìm vì gặp bão, chỉ có vài người sống sót.
Nói xong, Thông ngồi ôm đầu bất động như một pho tượng trong phòng khánh nhà Nhàn. Cô hiểu vì sao Thông không muốn nói ra những lời ấy tại văn phòng trước mặt nhiều người. Anh ta như bị đè nặng dưới một khối đá ngàn cân sau khi thuật lại thảm kịch của vợ con.
Nhàn không tìm được lời nào để an ủi Thông. Cô cũng đã sống qua cảnh ấy, và không phải chỉ một lần. Cô lặng lẽ ngồi nhìn Thông hồi lâu rồi nhẹ nhàng đứng lên đi vào bếp, đem ra một tách trà nóng đặt xuống trước mặt Thông. Bỗng, cô thấy bàn tay mình đặt trên vai Thông. Để an ủi anh ta hay an ủi chính mình? Nhàn tự hỏi.
Từ đó, thỉnh thoảng Thông tới thăm hay gọi cho Nhàn, để nói vài câu chuyện, không liên quan đến ai. Nhàn cảm thấy bớt cô đơn mỗi khi nói chuyện với Thông, vì người đàn ông tị nạn này không giống những người đàn ông tị nạn khác - thường chỉ làm cho Nhàn cảm thấy cô đơn hơn mỗi khi tiếp xúc.
Có lần Thông hỏi Nhàn:
- Tại sao cô không làm nhà văn, hay nhà thơ?
- Tại sao anh không làm văn sĩ hay thi sĩ? - Nhàn cười hỏi lại.
- Tại tôi không có tài văn chương. Bài thơ cô làm ở trại Bidong thật hay. Tôi đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần và đã thuộc lòng.
- Đó không phải là thơ mà chỉ là những xúc cảm tôi không đè nén được. Anh là người duy nhất đã đọc bài ấy.
- Và đó chính là thơ khi nó làm người khác xúc cảm. Tôi đọc nhiều sách nhiều thơ của các văn sĩ thi sĩ mà không thấy xúc cảm gì cả. Chỉ phí thì giờ. Họ viết những điều không dính dáng gì đến mình.
- Nhưng họ là văn sĩ và thi sĩ. Cũng như anh là kỹ sư, là sĩ quan...
- Bởi vì vậy Cộng sản mới chiếm được miền Nam...
- Anh muốn nói gì vậy?
- Tôi muốn nói về những người đã không làm đúng với vai trò của mình. Đáng lẽ tôi không nên có mặt tại đây. Một người lính bỏ chạy trước quân thù, bỏ quê hương để đi tị nạn nơi nước khác.
- Ồ, việc ấy không đơn giản như vậy. Hơn nữa, anh có phải là người quyết định đâu.
- Vâng, tôi có thể lý luận như vậy để tự bào chữa. Nhưng tôi không muốn tự bào chữa.
- Anh tự buộc tội để làm gì?
- Tôi chỉ muốn thành thật với chính mình. Tôi không muốn lừa dối lương tâm mình.
- Vậy thì anh sẽ không bao giờ hết cô đơn và hết khổ.
Một ngày nọ, Nhàn bị một tai nạn xe hơi và bị thương nhẹ. Thông vào bệnh viện thăm với một bó hoa. Anh ngồi rất lâu bên cạnh giường bệnh và nói rất ít. Mấy ngày sau, anh đều tới thăm Nhàn cho đến ngày cô xuất viện. Nhàn nghe ấm trong lòng mỗi khi Thông tới và thấy mình vẫn còn là kẻ may mắn. "Nếu Thông bị như mình, biết có ai vào bệnh viện thăm anh ta?", Nhàn nghĩ và linh cảm mối quan hệ giữa hai người đã đi tới chỗ rất thân thiết dưới một bề ngoài bình thường. Nhàn cũng không biết mình sẽ phản ứng ra sao nếu Thông tỏ tình.
Nhưng Thông không bao giờ bước khỏi ranh giới tình bạn, mà Nhàn lại nhận được sự tỏ tình bất ngờ của một người Mỹ, Tom Blake, một trong mấy luật sư nơi Nhàn làm việc. Blake rất lịch sự, đã hai lần ly dị, thường hỏi thăm về đời sống của Nhàn và nói đến gia cảnh của mình. Vì giao dịch cần thiết trong nghề nghiệp, Nhàn nhận lời đi ăn trưa ăn tối với anh ta vài lần. Lần ăn tối sau cùng tại một nhà hàng sang trọng, Blake nhìn vào mắt Nhàn một cách say đắm và nói:
- I love you.
Nhàn bàng hoàng. Cô nghe như tiếng nói của John McCoy hai mươi năm trước, nhưng không còn rung động như được nghe lần đầu. Biết bao biến động và thảm kịch đã xảy ra trong thời gian hai mươi năm ấy. Thanh Nhàn ngày nay cũng không còn phải là cô sinh viên ngây thơ bồng bột muốn làm cách mạng của hai mươi năm trước. Sau giây phút bất ngờ, Nhàn lấy lại bình tĩnh và trả lời:
- Tom, hãy giũ mối liên hệ giữa hai chúng ta ở trong phạm vi tình bạn. Hạnh phúc của tôi bây giờ là hai đứa con, và tôi không muốn thay đổi cuộc sống hiện tại.
Tom thở dài:
- Tôi không thất vọng, và mong you sẽ đổi ý...
Blake là một người Mỹ trí thức, và dịu dàng. Anh ta có vẻ thích văn hóa Á Đông, đồ ăn Á Đông, và dĩ nhiên, đàn bà Á Đông. Nhàn không biết rõ lý do hai lần ly dị của Tom nhưng nghĩ một người vợ Á Đông có thể sống với anh ta lâu dài.
Tom không bao giờ nhắc lại lời tỏ tình và thỉnh thoảng vẫn mời Nhàn đi ăn. Nhàn miễn cưỡng nhận lời nhưng nghĩ rằng tình trạng này nên chấm dứt. Và có vài lý do khác khiến Nhàn nghĩ đên thay đổi. Cô đã học xong luật và nhập quốc tịch Mỹ, đồng thời công việc ở văn phòng luật sư ngày càng trở nên nặng nề, không thích hợp với bản tính chân thật của Nhàn. Nhàn thấy đã đến lúc phải làm một sự lựa chọn: nhận làm vợ Tom và quên chuyện Việt Nam, hay giã từ văn phòng luật sư và trở thành một công chức của Sở Xã hội mà công việc là giúp đỡ người tị nạn. Nhàn đã đủ điều kiện để xin việc này và có nhiều triển vọng được tuyển dụng.
Một hôm Nhàn gọi cho Thông:
- Tôi có một việc quan trọng muốn hỏi ý kiến anh.
- Việc gì vậy?
- Không thể nói trong điện thoại.
- Hay là Thứ Bảy này mời cô tới nhà tôi. Tôi sẽ nấu phở đãi cô ăn trưa.
Nhà Thông là một condo nhìn ra một chiếc hồ nên thơ tại thành phố Lake Forest. Thông đã nấu xong phở khi Nhàn đến. Anh vừa dọn phở ra vừa nói:
- Mời cô thưởng thức phở của tôi đã rồi mới có thể nói chuyện quan trọng sau.
Họ vừa ăn vừa nói về cách nấu phở. Ăn xong, Thông bưng ra hai tách trà nóng và nói:
- Nghe cô nói có việc quan trọng muốn hỏi ý kiến, tôi đâm lo. Chuyện của mình còn tối mò, biết chỉ đường cho ai?
Nhàn cầm tách trà lên uống và đứng dậy nói:
- Có lẽ tôi cũng không nên hỏi anh nữa. Không phải vì không cần ý kiến của anh mà vì có lẽ cũng chẳng có gì quan trọng. Từ lâu rồi, tôi không còn thấy có chuyện gì quan trọng. Có gì còn là quan trọng đối với những mảnh đời đã tan nát?
Nhàn đi lại đứng bên cửa sổ, nhìn ra chiếc hồ có những con vịt trời đang bình thản bơi lội. Không khí thật yên tĩnh và gợi cảm vào một buổi trưa mùa thu. Thông vẫn ngồi trước bàn ăn lặng lẽ nhìn Nhàn, và chợt nhận ra đây là lần đầu tiên có một người đàn bà trong căn nhà này, và Nhàn chưa bao giờ nói gì về mình với anh. Nhàn quay lại, khẽ cười và nói:
- Cám ơn anh đã cho ăn một tô phở ngon. Nếu anh mở tiệm bán phở chắc không tệ như nghề đánh giặc. Tôi cũng chẳng có điều gì quan trọng để phải làm phiền anh.
Và Nhàn bước ra cửa với vẻ hờn giận. Thông vội đứng lên, để một tay lên chặn cánh cửa, lúng túng:
- Tôi là một tên đàn ông vụng về và ngốc, nhưng không phải là không có một trái tim.
- Ai không có một trái tim?
- Tôi yêu cô. Nhàn, anh yêu em.
- Làm gì có chuyện yêu thương ở đây?
Nhàn kín đáo mỉm cười, hai gò má ửng lên, bước trở lại, ngồi xuống chiếc sofa. Cô ngạc nhiên thấy mình vẫn còn yêu được một người đàn ông và đã làm tình say đắm với Thong một cách dễ dàng.
Lửa Hòa Bình Lửa Hòa Bình - Nguyễn Minh Trân