Chương 9
ho tôi các chi tiết.
Cúi mình trên chiếc kính hiển vi hai tròng, bác sĩ Joseph Pearson nói nhát gừng với Roger Mc Neil.
Bác sĩ tập sự xét nghiệm nhìn vào biên bản:
- Bốn mươi tuổi, đàn ông, nhập viện vì bệnh viêm ruột thừa.
Mc Neil ngồi đối diện với Pearson tại bàn làm việc trong phòng xét nghiệm.
Pearson gỡ bỏ bản lam mẫu đang xem và thế vào một bản khác. Ông hỏi:
- Hôm làm sinh thiết lạnh, chỗ mô bệnh trông thế nào?
Mc Neil đã làm xét nghiệm lạnh khi khúc ruột thừa được chuyển xuống từ phòng mổ. Anh đáp:
- Tôi thấy nó rất bình thường.
- Ừm - Pearson xoay xoay bản lam mẫu - Đợi tôi một chút, có gì đây này! Ngừng một lát ông gỡ bỏ bản lam mẫu thứ hai và lựa bản thứ ba- Đây rồi... Viêm ruột thừa cấp tính. Bệnh mới phát ở chỗ này. Ai mổ đấy?
- Bác sĩ Bartlett - Mc Neil đáp.
Pearson gật đầu:
- Ông ta chẩn đoán đúng và ra tay rất kịp thời. Anh xem - ông nhường chỗ trước kính hiển vi cho Mc Neil.
Làm việc với bác sĩ tập sự theo yêu cầu của chương trình đào tạo trong bệnh viện. Pearson đang ra sức đẩy nhanh việc hoàn thành các báo cáo kết quả của khoa Xét nghiệm.
Tuy ông dồn hết mọi nỗ lực, cả hai người vẫn biết rằng công việc của họ còn rất chậm trễ. Bản lam mẫu đang làm dưới kính hiển vi là mô ruột thừa của một bệnh nhân được mổ nhiều tuần trước. Bệnh nhân đã xuất viện từ lâu, do đó báo cáo kết quả xét nghiệm chỉ để xác nhận hoặc phủ nhận sự chẩn đoán của bác sĩ phẫu thuật. Trong ca bệnh này, Gill Bartlett đã hoàn toàn chính xác vì anh nắm bắt đúng căn bệnh ở giai đoạn đầu, cứu bệnh nhân thoát khỏi cơn đau đớn cùng cực sau này.
- Ca kế tiếp- Bác sĩ Pearson quay lại kính hiển vi khi Mc Neil trở về vị trí của anh ở cạnh bàn bên kia. Bác sĩ tập sự đẩy sang một tấm bìa kép các bản lam mẫu. Trong lúc Pearson mở tấm bìa ra Mc Nil cúi xem tập bệnh án mới. Hai người đang mải mê làm việc thì Bannister nhẹ chân bước vào phòng. Ông liếc nhìn họ rồi bước đến xếp hồ sơ vào tủ.
- Đây là ca bệnh đang điều trị - Mc Neil nói - Người ta chuyển giao cách đây năm hôm và đang đợi nghe ý kiến của chúng ta.
- Đáng lý anh phải đưa diện này ra trước cho tôi - Pearson cằn nhằn - nếu không lại phải nghe thêm lắm lời ỉ eo từ trên ấy.
Mc Neil toan cãi lại rằng mấy tuần trước anh đã đề nghị thay đổi trình tự làm việc theo đúng kiểu đó, nhưng Pearson cứ khăng khăng ra lệnh xét nghiệm các mẫu vật theo thứ tự thời gian chúng được chuyển giao xuống khoa.
Anh định nói nhưng kìm lại được. Cứ ngậm tăm cho khỏe cái thân, tội gì. Anh báo cáo:
- Năm mươi sáu tuổi, phụ nữ, tổn thương da, nhìn thoáng như nốt ruồi. Vấn đề: phải chăng đây là u hắc bào ác tính? ([18]) Pearson lắp bản lam mẫu thứ nhất rồi xoay đi xoay lại.
Sau đó ông thay vào các thấu kính mạnh nhất và điều chỉnh lỗ ngắm...
- Có thể lắm - ông lẩm bẩm rồi cầm lấy bản lam mẫu thứ hai. Sau khi xem bản lam mẫu thứ tư, ông ngả người ra sau, giọng trầm ngâm:
- Trái lại. Rất có thể là nê vi xanh ([19]). Anh nghĩ sao?
Mc Neil bước đến kính hiển vi. Anh biết đây là trường hợp rất quan trọng. Các tế bào của u hắc bào ác tính lan tràn trong cơ thể một cách nhanh chóng và cực kỳ nguy hiểm. Dựa vào một chút mô được cắt rời, nếu lời chẩn đoán là u hắc bào ác tính, người phụ nữ này phải lên bàn đại phẫu ngay tức khắc. Nhưng nê vi xanh thì hoàn toàn vô hại. Nó có thể nằm yên trong cơ thể, không quấy phá, đến hết đời người bệnh.
Qua học tập riêng, Mc Neil biết rằng u hắc bào ác tính không mấy khi gặp được, và nê vi xanh thì cực kỳ hiếm hoi. Theo xác suất toán học, đây ắt phải là u ác tính. Nhưng xét nghiệm bệnh lý học không phải là toán học.
Theo thói quen, Mc Neil thầm đối chiếu ngoại hình của hai loại u này. Chúng giống nhau đến mức nản lòng.
Cả hai đều vừa có xơ, vừa có tổ chức tế bào, đồng thời mang rất nhiều sắc tố. Cấu trúc tế bào của cả hai loại đều rất rõ ràng. Nghề thuốc cũng đã dạy anh phải biết thành thật. Xem xong tất cả các bản lam mẫu, anh nói với Pearson:
- Tôi không biết. Những ca trước kia thế nào..? Ta có thể lấy ra để so sánh hay không?
- Bây giờ mà tìm lại thì phải mất cả năm trời. Tôi không nhớ đã gặp trường hợp nê vi xanh lần cuối cùng vào lúc nào - Ông cau mày - Nói giọng nặng nề - Nay mai chúng ta phải sắp xếp kho hồ sơ tham khảo để có chỗ mà đối chiếu mỗi khi gặp trường hợp nghi ngờ như thế này.
- Ông bàn chuyện ấy cả năm năm nay rồi - giọng nói khô khan của Barnister vang lên ở phía sau. Pearson xoay ghế lại:
- Ông làm gì ở đây thế hử?
- Sắp hồ sơ - ông kỹ thuật viên già trả lời gọn lỏn - Nếu được dòm ngó đến đôi chút thì chúng ta đã có nhân viên lo việc này.
Và có lẽ công việc ở phòng xét nghiệm đã khá hơn rất nhiều. Mc Neil nghĩ thầm. Anh biết khoa Xét nghiệm đang khao khát có thêm một ban văn thư. Các phương pháp lưu trữ hồ sơ hiện được áp dụng đã quá lỗi thời. Anh thấy đây là một lỗ hổng trong hệ thống quản trị. Các bệnh viện đàng hoàng thường phải có kho hồ sơ đối chiếu ở khoa Xét nghiệm. Có người gọi đó là hồ sơ “Thịt xương”, nhưng gọi thế nào thì gọi, một trong nhưng mục đích của nó là góp phần giải quyết những vấn đề như vấn đề họ đang phải đương đầu lúc này đây.
Pearson xem kỹ các bản lam mẫu một lần nữa. Theo thói quen của nhiều nhà bệnh lý học, miệng ông lẩm bẩm theo dòng suy nghĩ. Mc Neil nghe thấy: “Hơi nhỏ... không xuất huyết... không hoại tử mô... âm tính nhưng không có dấu hiệu rõ ràng... phải rồi, không còn nghi ngờ gì nữa!” Pearson bỏ kính hiển vi, ngồi thẳng lên, gỡ bản lam mẫu cuối cùng và gấp tấm bìa kẹp. Ra hiệu cho bác sĩ tập sự cầm bút, ông đọc: “Chẩn đoán - nê vi xanh!”
Nhờ công lao của khoa Xét nghiệm, bệnh nhân thoát khỏi cực hình bàn mổ.
Theo thói quen làm việc có phương pháp và vì ích lợi của Mc Neil, bác sĩ Pearson rà lại các lý do đưa đến quyết định chẩn đoán cuối cùng. Trao lại cho Mc Neil các bản lam mẫu, ông nói thêm:
- Anh nên nghiên cứu mấy cái này. Không dễ gì gặp lại đâu. Mc Neil tin chắc đều phát hiện của vị bác sĩ già là đúng. Đây là một dịp cho thấy rõ giá trị của biết bao năm kinh nghiệm. Anh thầm cảm phục tài phán đoán của Pearson trong lãnh vực giải phẫu bệnh học. Nhưng một mai ông không còn nữa - anh nhìn ông cụ và nghĩ thầm - nơi này cần phải có kho hồ sơ tham khảo, rất cần!
Họ xem thêm hai ca bệnh nữa, công việc tương đối dễ dàng, sang ca bệnh kế tiếp, Pearson lắp bản mẫu thứ nhất, ghé mắt vào lỗ ngắm, chỉnh thẳng ống kính và quát bảo Mc Neil:
- Gọi Bannister vào ngay!
- Tôi vẫn ở đây - Giọng Bannister điềm nhiên vọng đến từ tủ hồ sơ.
Pearson xoay ghế lại:
- Mở mắt mà coi này! - ông la lối om xòm. Tôi đã dặn không biết là bao nhiêu lần rồi phải làm lam mẫu như thế nào. Đám kỹ thuật viên bên phòng xử lý mô bị làm sao hử? Điên hay là điếc đặc.
Đã từng chứng kiến cơn thịnh nộ như thế này rồi, Mc Neil lẳng lặng ngồi nhìn.
- Có gì không ổn? - Bannister hỏi.
- Rồi tôi nói cho mà nghe. - Pearson rút soạt bản lam mẫu ra khỏi kính hiển vi và ném lên mặt bàn - Phẫu thức như thế thì chẩn đoán chính xác làm sau được cơ chứ!
Bannister nhặt bản lam mẫu lên soi ra ánh sáng.
- Dầy quá phải không?
- Chứ còn gì nữa!- Pearson rút bản mẫu thứ hai của cùng một bọc. Xem này! Bốc miếng thịt ra kẹp vào bánh mì ăn được đấy.
Bannister cười cười:
- Tôi sẽ xem lại máy vi phẫu. Ít lâu nay cứ bị trục trặc luôn. Ông chỉ vào tấm bìa kẹp các bản lam mẫu - Tôi đem chỗ đó đi nhé?
- Cứ để đấy dùng tạm vậy - Tiếng quát tháo dịu xuống thành mấy lời càu nhàu: - Ông chịu khó trông chừng phòng xử lý mô nhiều hơn một chút cho tôi.
Lần này Bannister cũng bực mình. Ông vừa đi ra cửa vừa càu nhàu:
- Nếu tôi không bận trăm nghìn chuyện khác thì...
Pearson quát lớn phía sau:
- Biết rồi. Cứ quay đi quay lại cái dĩa hát ấy hoài.
Khi Bannister ra đến cửa, có tiếng gõ nhè nhẹ và bác sĩ Dornberger xuất hiện.
- Tôi vào được không, Joe?
- Tất nhiên - Pearson cười cười - ông vào đây mà học cũng được mà.
- Bác sĩ phụ sản lịch sự gật đầu chào Mc Neil và nói với Pearson:
- Tôi hẹn xuống chỗ ông sáng nay. Quên à?
- Ơ, quên - Pearson đẩy các bản lam mẫu sang một bên và hỏi bác sĩ tập sự:
- Còn mấy ca nữa?
Mc Neil đếm các tấm bìa còn lai:
- Tám.
- Để làm sau. Mc Neil thu xếp các biên bản đã hoàn tất.
Dornbeger lấy dọc tẩu ra ung dung nhồi thuốc. Đưa mắt nhìn khắp gian phòng rộng và ảm đạm, ông rùng mình nói:
- Joe, ở đây ẩm thấp quá. Mỗi lần đặt chân đến là tôi muốn phát ớn lên được.
Pearson cười khục khặc:
- Chúng tôi vẩy vi trùng cảm cúm khắp chốn, sáng nào cũng vậy. Khách ghé thăm tha hồ mà khiếp hãi - ông nhìn theo Mc Neil khuất bóng ngoài cửa ra vào rồi hỏi: - Có chuyện gì thế?
Dornberger vào đề ngay:
- Tôi được cử đến đây. Người ta cho rằng tôi có thể lo xong chuyện này một cách êm thắm - ông gắn dọc tẩu lên môi, những sợi thuốc buông xuống lòng thòng.
Pearson nhìn lên:
- Chuyện gì? Lại rắc rối nữa hả?
Mắt họ gập nhau. Dornberger nói giọng thản nhiên:
- Còn tùy - Im lặng một chút, ông nói tiếp: - Xem ra ông có thể có được một bác sĩ xét nghiệm phụ tá đấy. Dornberger chờ đợi cơn thịnh nộ, nhưng lạ thay Pearson rất điềm tĩnh. Giọng ông trầm ngâm:
- Dù muốn dù không ư?
- Đúng thế - Dornberger nói thẳng thừng. Quanh co chẳng ích lợi gì. Từ sau buổi họp cách đây mấy hôm, ông đã suy nghĩ rất nhiều.
- Ở phía sau là O’Donnell có phải không? - Giọng Pearson có vẻ cay cú nhưng vẫn điềm tĩnh. Bao giờ cũng thế, không thể nào đoán trước được tình trạng của ông.
Dornberger đáp:
- Một phần nào thôi, không phải hoàn toàn.
Câu nói tiếp theo của Pearson lại là một điều ngạc nhiên cho Dornberger:
- Ông thấy tôi phải làm gì bây giờ?- Một câu hỏi chân tình giữa hai người bạn.
Dornberger đặt chiếc dọc tẩu chưa mồi lửa xuống chiếc gạt tàn trên bàn giấy của Pearson. Ông nghĩ thầm: “Kể cũng đáng mừng vì ông ta đón nhận vấn đề một cách êm ái. Có nghĩa là mình đã xử sự đúng. Mình có thể giúp ông ta chấp nhận lời đề nghị và thích nghi với nó. Ông nói to:
- Tôi thấy ông không có quyền lựa chọn nhiều nữa đâu. Các bản báo cáo kết quả xét nghiệm chậm trễ quá, có đúng không? Còn dăm ba chuyện khác nữa.
Chợt ông cảm thấy mình đã đi quá xa. Đây là chuyện hết sức tế nhị. Ông thấy bạn cố nén, không biết cơn bão sẽ nổ ra lúc nào. Nhưng rồi cơn bão vẫn không đến. Giọng Pearson gằng hơn, nhưng nghe ra vẫn phải chăng:
- Phải. Có mấy chỗ cần sắp xếp lại. Tôi xin nhận là đúng. Nhưng một tay tôi đủ sức lo tất cả rồi, miễn là có thời giờ.
Ông ta nhận lời rồi. Dornberger nghĩ thầm. “Tuy nói thế xong ông ta đã đồng ý rồi đấy”. Ông nói ỡm ờ:
- Nếu có người phụ tá ông sẽ được thong thả hơn.
Vẫn giữ vẻ ỡm ờ, ông móc túi lấy ra tờ giấy mà viên quản trị đã trao cho ở phòng họp.
- Gì thế?- Pearson hỏi.
- Chưa có gì rõ ràng. Đó chỉ là một cái tên mà Tomaselli mới nhận được, một tay trẻ muốn đến đây làm việc.
Peason cầm tờ giấy.
- Họ không chần chừ gì nữa cả!
- Dornberger nói nhẹ nhàng:
-Ông quản trị của chúng ta là người ưa bắt tay vào việc ngay. Pearson đọc lướt qua trang giấy rồi lên giọng:
- Bác sĩ Coleman - ông ngừng một chút rồi nói tiếp bằng giọng bực bội, cay đắng và ghen tỵ - Ba mươi mốt tuổi.
o O o
Mười hai giờ mười lăm, nhà ăn của bệnh viện đang ở lúc náo nhiệt nhất. Hầu hết các bác sĩ, y tá và nhân viên của bệnh viện thường ăn trưa vào giờ này. Những người mới đến đang bắt đầu xếp hàng ở chỗ lấy khay trước khi bước đến quày nhận khẩu phần.
Như lệ thường vào giờ này, Straughan để ý theo dõi tiến trình công việc; sao cho khẩu phần phát ra và khẩu phần đem lên từ nhà bếp nối tiếp nhau liên tục để hàng người khỏi bị lộn xộn. Thực đơn hôm nay gồm có thịt hầm Ái nhĩ-lan, thịt cừu băm và cá bơn nướng. Bà trưởng ban cấp dưỡng nhận thấy món thịt cừu băm ít được chiếu cố.
Bà quyết định trong chốc lát nữa sẽ đến nếm thử cho biết lý do tại sao. Có lẽ nhà bếp nấu chưa được ngon và những người ăn xong đã mách lại cho những người mới đến. Bà Straugham nhìn các chồng đĩa trên quày phục vụ và nhận thấy một chiếc nằm trên cùng như có vết bẩn. Bà bước tới, nhanh tay cất bỏ chiếc đĩa ấy - Đúng vậy, trên đó còn dính lại thức ăn cũ. Mấy cái máy rửa chén đĩa lại giở trò nữa rồi.
Sức làm việc yếu kém của chúng là một vấn đề cứ lặp đi lặp lại hoài. Bà quyết định sẽ đề cập ngay chuyện này với ông quản trị.
Ở dãy bàn dành riêngcho hội đồng thầy thuốc vang lên tiếng nói cười ầm ĩ. Câu chuyện đang xoay quanh bác sĩ X-quang Ralph Bell.
Gill Bartlett vừa rời quầy phục vụ, đặt khay thức ăn xuống mặt bàn rồi bước tới chìa tay ra.
- Chúc mừng ông “Kinh Coong”. Tôi mới được tin.
- Tin gì vậy?- Tiếng của bác sĩ nội khoa Lewis Toynbee, cũng đang cầm khay thức ăn ở phía sau.
Bell hớn hở mời Bartlett hút thuốc. Toynbee thét lên:
- Trời đất ơi. Không phải nữa hả?
- Nữa chứ. Không thế nào được. Bác sĩ X-quang chìa một điếu xì-gà nữa - Ngồi đây, Lewis. Vừa tròn tám cái chuông đấy nhé.
- Tám cơ à. Hồi nào thế?
Bell đáp tỉnh khô:
- Mới sáng nay. Thêm một chú nhóc nữa vào đội bóng.
Bill Rufus chen vào:
- Lewis, cậu đừng có mà dèm pha. ông Bell đương ráng hết hơi đấy. Kể ra thì cưới vợ mới được tám năm.
Lewis Toynbee chìa tay ra:
- Đừng bóp mạnh tay quá nghe, “Kinh Coong” kẻo cái giống mắn đẻ mòn bớt đi mất.
- Cậu nào ghen tớ cũng phớt lờ - Bell nói giọng hồn hậu: ông vốn bị trêu chọc nhiều lần về chuyện này rồi.
- Chị ấy thế nào? Lucy Grainger hỏi.
- Cám ơn, khỏe lắm.
- Ngủ riết với vợ thì không biết nó ra làm sao nhỉ? - Câu hỏi của Harvey Chandler, trưởng khoa dược: từ cuối dãy bàn.
- Không đâu, ở nhà chúng tôi ngủ với nhau mỗi năm chỉ đúng một lần. Tớ bắn phát nào trúng phát đó.
Lucy Grainger cùng cười ồ với tất cả mọi người.
- Ông Ralph này - Cô nói - chiều nay tôi gửi bệnh nhân cho ông nhé. Một cô y sinh tên là Vivian Loburton.
Tiếng cười đã lắng xuống.
- Chị tìm bệnh gì?- Bell hỏi.
- Nhờ ông chụp cho mấy tấm phim ở đầu gối chân trái. Có một khối u trông không thích tí nào.
o O o
Trở về phòng làm việc của mình, bác sĩ Charles Dornberger gọi điện thoại cho Kent O’Donnell để báo cáo kết quả cuộc trao đổi với Pearson. Cuối cùng ông nói thêm:
- Tôi có cho Joe biết về người mà anh đã liên hệ.
- Phản ứng của ông ta thế nào? – O’Donnell hỏi.
- Không hồ hởi. Theo tôi, nếu anh muốn cho người này... tên gì nhỉ... Coleman phải không?... nếu anh muốn cho người này đến gặp mặt, Joe sẽ không phản đối đâu. Nhưng đề nghị với anh nên cho Joe biết tất cả mọi việc anh làm từ nay trở đi.
- Ông có thể yên tâm về điều ấy. Cám ơn Charlie, cám ơn nhiều lắm.
Sau đó Dornberger gọi một cú điện thoại nữa. Lần này cho Mrs. John Alexander. Hồi sáng sớm cô ta đã gọi đến ông và xin nhắn lại. Trước khi nhấc máy ông xem lại phiếu ghi và nhận ra đó là vợ của anh kỹ thuật viên phòng xét nghiệm do Pearson giới thiệu. Nói chuyện với Mrs. Alexander, ông biết cô mới đến thành phố để ở với chồng. Ông hẹn cô tuần sau hãy đến phòng khám riêng của ông tại trung tâm thành phố. Trong lúc Alexander nói chuyện với bác sĩ Dornberger thì chồng cô nhận được một tràng rủa đầu tiên của bác sĩ Joseph Pearson. Chuyện xảy ra như sau.
Sáng hôm sau cơn thịnh nộ của Pearson về những bản lam màu kém chất lượng. Bannister trở lại phòng huyết thanh nơi John Alexander đang làm việc và kể lại cho anh nghe từ đầu đến cuối. Lúc này giọng ông đã sôi sục lắm rồi.
Lát sau ông trút những lời hậm hực lên đầu hai cô kỹ thuật viên và ông giúp việc bên phòng xét nghiệm mô. Alexnder nghe thấy rõ hết qua khung cửa mà Bannister đã quên đóng sau khi bước ra.
Alexander biết phần lỗi không hoàn toàn thuộc về nhóm kỹ thuật viên xử lý mô. Tuy mới chân ướt chân ráo vào nhận việc, anh đã nắm bắt được vấn đề thật sự. Và sau anh đã nói với Banniter:
- Carl, ông biết đấy, tôi thấy khuyết điểm không nằm ở cả phía họ. Công việc nhiều quá mà. Bannister chua chát:
- Mọi người đều nhiều việc – Rồi ông nói thêm bằng giọng mỉa mai thô lỗ: - Biết như thế thì anh ráng làm xong việc của anh đi rồi phụ với họ một tay.
Alexander không giận:
- Không phải thế. Tôi nghĩ rằng công việc sẽ chạy hơn nhiều nếu có máy nghiệm mô thay vì làm tất cả bằng tay, phương pháp xưa quá rồi.
- Quên nó đi cậu ơi. Không phải vấn đi của cậu đâu - Bannister đã hạ mình. - vả lại, ở đây, chuyện gì liên quan đến kinh phí đầu bị bóp vỡ ngay từ trong trứng.
Alexander không muốn tranh cãi. Anh tự nhủ sẽ nêu vấn đề ngay khi gặp lại bác sĩ Pearson.
Chiều hôm ấy anh vào phòng làm việc của Pearson để xin chữ ký các biên bản xét nghiệm. Anh thấy nhà bệnh lý học đang hấp tấp đọc lướt qua cả một đống thư từ. Hơi nhướng mắt lên, ông ra hiệu cho anh để giấy tờ lên bàn rồi tiếp tục đọc thư. Alexander ngập ngừng, ông cụ gầm lên ngay:
- Gì thế hử?
- Thưa bác sĩ Pearson. Tôi xin có lời đề nghị.
- Lúc này ấy à?
Khi nào có kinh nghiệm thì biết ngay giọng nói ấy có nghĩa là để tôi yên!
- Thưa vâng! Alexander trả lời.
Cố nén, Pearson nói:
- Thế nào?
Hơi hồi hộp, Alexander bắt đầu:
- Thưa bác sĩ, tôi muốn nói đến việc đẩy nhanh tốc độ hoàn thành các báo cáo kết quả xét nghiệm.
Nghe nhắc đến báo cáo kết quả xét nghiệm, Pearson buông rơi lá thư và nhìn lên xoi xói. Alexander nói tiếp:
- Tôi tự hỏi không biết có bao giờ bác sĩ nghĩ đến việc sắm máy nghiệm mô chưa.
- Như anh thì biết gì về máy nghiệm mô?- Giọng Pearson vang lên điềm chẳng lành - Vả lại, chúng tôi phân công anh vào phòng huyết thanh kia mà. Alexander nhắc cho ông nhớ:
- Tôi đã học trọn vẹn giáo trình mô học tại trường công nghệ y học, thưa bác sĩ - Im lặng, Pearson cũng không nói gì, Alexander bên tiếp tục:
-Tôi đã có dịp sử dụng máy nghiệm mô và thấy máy làm việc rất tốt. Có khâu chuẩn bị các bản lam mẫu ta sẽ lợi được ít nhất một ngày. Thay vì phân loại mô bằng tay với đủ mọi loại dung dịch, ta chỉ việc cho máy chạy tự động suốt đêm và sáng ra...
Pearson cắt ngang:
- Biết rồi. Tôi đã xem chúng làm việc.
- Vậy thì tại sao bác sĩ không...
- Đã bảo tôi có xem rồi và không ưa được mấy cái máy gọi là nghiệm mô nghiệm miếc gì đó. Giọng Pearson the thé, chói tai -Phương pháp thủ công tuy cũ kỹ nhưng cung cấp được các bản lam mẫu đúng chất lượng. Hơn nữa, máy móc tốn kém lắm. Anh thấy mớ này đây chứ? - ông lùa tay vào xấp đơn đánh máy đã ố vàng trong một chiếc khay để trên bàn.
- Dạ thấy ạ.
- Đơn xin cấp kinh phí đó. Nhiều thứ cần thiết cho hoạt động của khoa. Cứ mỗi làn tôi đưa ra một xấp đơn là y như rằng có cãi cọ với tay quản trị viên. Hắn bảo khoa này tiêu xài lắm tiền quá đa!
Lỗi lầm thứ nhất của Alexander là đưa ra đề nghị nhằm ngay lúc Pearson chẳng muốn nghe. Lúc này anh đi đến lỗi lầm thứ hai. Anh tưởng Pearson nói như thế là muốn mời anh tiếp tục bàn bạc.
Anh nói giọng xoa dịu:
- Nhưng tất nhiên, nếu có máy để được lợi thêm một ngày, có thể là hai ngày... - Anh trở nên hăng say hơn - Thưa bác sĩ Pearson, tôi đã được xem nhưng bản lam mẫu do máy làm ra. Tốt lắm. Có lẽ chiếc máy ông đã thấy chưa được sử dụng đúng cách.
Pearson đứng bật dậy. Không cần biết sự khiêu khích đã tới mức nào, điều rõ ràng là Alexander đã bước quá ranh giới giữa bác sĩ và kỹ thuật viên. Đầu vươn ra phía trước, Pearson quát lên:
- Đủ rồi! Đã bảo tôi không ưa máy nghiệm mô là không ưa mà. Đừng bàn bạc gì nữa.- Ông đi vòng ra khỏi bàn cho đến khi mặt đối mặt với Alexander - Còn một điều nữa anh phải nhớ cho, ở đây tôi là bác sĩ bệnh lý học trông coi công việc của khoa. Đề nghị thì cứ việc đề nghị nhưng phải hợp lý. Đừng đi quá giới hạn. Hiểu chưa?
- Vâng, thưa bác sĩ, tôi hiểu.
Bàng hoàng, đau khổ và không hiểu gì, John Alexander lui về nơi làm việc trong phòng xét nghiệm.
o O o
Suốt ngày hôm ấy Mike Seddons không ngớt suy nghĩ vẩn vơ. Nhiều lần anh phải gắng gượng đưa tâm trí trở lại với công việc đang làm. Trong ca mổ xét nghiệm tử thi có lúc Mc Neil buộc lòng phải lên tiếng cảnh giác anh:
- Bàn tay cậu thò ra một miếng ở dưới chỗ sắp cắt kia kìa. Vào đây có bao nhiêu ngón tay thì ráng giữ cho đủ mà về.
Seddons vội vàng sửa lại thế nắm. Đã từng có những học viên thiếu kinh nghiệm tự cắt cụt một ngón tay mang găng bằng lưỡi dao cực bén của phòng mổ xét nghiệm. Trong lúc đó tâm trí anh vẫn phiêu diêu tận đâu đâu. Vẫn câu hỏi ấy: Vivian có cái gì làm xao động lòng anh đến thế? Nàng xinh đẹp, quyến rũ, và anh sốt ruột muốn đưa nàng lên giường càng sớm càng tốt -Về điểm này anh không hề có một chút ảo tưởng nào. Dường như nàng đã khỏe lại rồi. Tuy cơn đau ở đầu gối đêm hôm trước anh tin là có thật. Không có gì để bảo đảm nhưng anh hy vọng nàng vẫn giữ được tâm trạng say mê. Một số các cô bây giờ chóng thay đổi lắm. Mới hôm trước ta tha hồ âu yếm họ, thế mà hôm sau họ đã gạt bỏ hết ngay cả những bước tiến quan trọng, giả bộ cứ y như là chuyện hôm trước không hề có.
Nhưng giữa hai người chỉ có mỗi chuyện xác thịt thôi sao? Mike Seddons bắt đầu tự hỏi. Anh đã từng chung chạ với nhiều người, nhưng chưa lần nào sự việc khiến anh nghĩ ngợi bằng một lần này. Chợt một ý tưởng mới nảy ra: nếu tách rời được chuyện xác thịt ra khỏi hệ thống, có lẽ các mặt khác sẽ trở nên rõ ràng hơn. Anh quyết định sẽ ngỏ ý gặp lại Vivian. Tối nay - nếu nàng rảnh rỗi - cũng là một dịp tốt..
o O o
Tan giờ học cuối cùng trong ngày, Vivian nhận được mảnh giấy của Seddons và lui về khu nhà ở của y sinh. Mảnh giấy được chuyển bằng tay rồi nằm chờ nàng tại hộp thư “ L”. Seddons nhắn nàng lên tầng lầu thứ tư gần khoa Nhi vào lúc 9 giờ 45 tối nay. Thoạt tiên nàng không muốn đi vì biết mình không có nhiệm vụ chính thức trong bệnh viện vào giờ đó. Chẳng may chạm trán với một bà giám thị y sinh nào đó thì rõ khổ. Nhưng rồi cầm lòng chẳng đậu, lúc 9 giờ 40 nàng bước qua lối đi bắc ván gỗ giữa khu nhà y tá và tòa nhà chính của bệnh viện.
Mike đang chờ. Anh đi đi lại lại trên hành lang, lộ rõ vẻ băn khoăn. Nhác trông thấy nàng, anh chỉ tay vào một khung cửa và cả hai bước vào. Cửa ấy dẫn đến một cầu thang hình xoắn ốc bên trong với những bậc cấp bằng kim loại. Vào giờ này khung cảnh yên tĩnh, vắng vẻ và rất có thể gặp người xuất hiện. Mike nắm tay nàng đi hết nửa cầu thang dẫn xuống tầng bên dưới. Chợt anh quay lại, điều tự nhiên nhất trên đời là nàng ngã vào vòng tay anh.
Khi họ hôn nhau, nàng cảm thấy vòng tay Mikc xiết chặt và nỗi đê mê của đêm hôm trước tràn về. Lúc này nàng hiểu tại sao mình lại muốn đến đây quá đỗi. Chàng trai tóc đỏ man dại này bỗng nhiên trở thành điều không thề thiếu vắng được đối với nàng. Nàng ham muốn anh về mọi mặt - được kế cận bên anh, chuyện trò và ân ái với anh. Trạng thái bị kích thích này như luồng điện chạy, nàng chưa bao giờ cảm thấy được. Anh hôn nàng trên má, trên mắt, trên tai. Mặt anh áp vào mái tóc nàng. “Vivian em yêu. Suốt ngày hôm nay anh nghĩ đến em hoài. Không sao cho hết nhớ” - anh thì thầm và đưa cả hai bàn tay ôm lấy khuôn mặt nàng -”Em có biết em đang làm gì không?”- Nàng lắc đầu. “ Em đang làm hao mòn anh đó”.
Nàng lại ôm siết lấy anh:
- Ôi Mike, anh yêu.
Cầu thang nóng bức, Vivian cảm thấy thân thể hừng hực của Mike ép sát vào lò lửa thân thể nàng. Đôi bàn tay anh dò hỏi, tìm tòi. Giọng nàng run run, thì thầm:
- Mike ơi không có chỗ nào khác hay sao?
Nàng cảm thấy hai bàn tay anh dừng lại và biết anh đang suy nghĩ.
Anh ở chung phòng với Frank Worth bên khu nhà dành cho các bác sĩ tập sự. Tối này cậu ta đi vắng, khuya mới về. Hay là em sang đó với anh nhé?
Nàng do dự:
- Lỡ ra người ta bắt gặp thì sao?
- Thì cả hai đứa bị ném ra khỏi bệnh viện - Anh lại hôn nàng - Lúc này anh bất cần - Anh nắm tay nàng - Ta đi thôi.
Họ xuống mấy cầu thang rồi bước dọc theo hành lang. Một bác sĩ tập sự trông thấy họ nhưng chỉ nhoẻn miệng cười không nói gì. Lại mấy cầu thang nữa, lại hành lang. Lần này tại khung cửa ngay trước mặt xuất hiện một cái bóng trắng.
Vivian muốn đứng tim khi nhận ra đó là bà giám thị y tá ban đêm. Nhưng bà ta không quay mặt lại và bước vào một khung cửa khác. Hai người tiến vào một hành lang hẹp và yên tĩnh hơn, hai bên san sát những cánh cửa khép kín. Ở một vài khe cửa vẫn còn ánh sáng hắt ra, và từ sau một cánh cửa nào đó vẳng đưa tiếng nhạc. Nàng nhận ra đó là bản Prélude dạo đầu cung Mi thứ của Chopin. Dàn nhạc giao hưởng Burlington đã diễn tấu nhạc phẩm này cách đây một, hai tháng.
- Vào đây. - Mike mở một cánh cửa và hai người nhanh chân bước vào. Phòng tối như mực nhưng Vivian vẫn trông thấy lờ mờ hai chiếc giường gắn chặt vào tường và một chiếc ghế dựa. Nàng nghe thấy tiếng Mike khóa cửa sau lưng.
Hai người ôm chầm lấy nhau hăm hở, vội vàng. Ngón tay Mike lần trên hàng nút áo đồng phục của nàng. Khi chúng ngập ngừng, nàng tiếp tay với anh. Trên người nàng chỉ còn áo lót. Trong khoảnh khắc anh ôm nàng thật chật, say sưa tận hưởng cái thú đau thương của sự đợi chờ. Và rồi đôi bàn tay anh đi chuyển nhẹ nhàng, êm ái. Với sự hứa hẹn tinh tế, anh nhắc chiếc áo ngực qua khỏi đầu nàng. Trong lúc đến bên giường, nàng hất bỏ đôi giày. Chỉ một cái vút nhanh, anh đã ở bên nàng, đôi bàn tay lại giúp nàng những việc cuối cùng.
- Vivian...
Nàng không nghe thấy gì nữa.
- Mike, mau lên. Đừng chần chờ nữa.
Nàng cảm thấy những đường viền của thân thể anh ép sát điên cuồng, buông thả vào bên trong nàng. Nàng đáp lại man dại và rướn mạnh để đưa anh đến sát hơn, gần hơn, sâu hơn. Và bỗng nhiên trên đời này chẳng còn gì nữa ngoài một đợt sóng thần là cơn ngất say bão tố đang ùa ấp sục sôi, tràn dâng... tiến lại gần hơn, gần hơn, gần hơn.
Sau đó, khi họ nằm lặng lẽ bên nhau, Vivian, lại nghe thấy tiếng nhạc mơ hồ từ cuối hành lang vẳng đến, vẫn là Chopin, lần này bản Étude cung Mi trưởng nghe ra kỳ lạ quá, rõ là một tác phẩm âm nhạc nhưng giai điệu như nước chảy và đầy ám ảnh của nó trỗi nhẹ trong bóng đêm rất ăn ý với tâm trạng vui thỏa của nàng.
Mike chồm lên dịu dàng hôn nàng.
- Vivian yêu dấu, anh muốn cưới cưng làm vợ.
- Chắc không, hở Mike?- Nàng hỏi nhỏ.
Nói ra những lời bốc đồng, chính Mike cũng cảm thấy ngạc nhiên. Tuy chỉ là những lời buột miệng, nhưng bỗng nhiên trong thâm tâm anh biết đó là sự thật. Chủ trương tránh dan díu xem ra bông lông và nông cạn. Khác hẳn những lần trước, đây là cuộc dan díu mà anh ham thích.
Lúc này anh hiểu ra điều gì đã làm anh xao xuyến suốt ngày hôm nay và bao ngày trước đó. Lúc này điều ấy không còn làm anh xao xuyến nữa. Anh trả lời câu hỏi của Vivan với một chút dí dỏm theo đúng tính chất của anh:
- Chắc là cái chắc rồi. Còn em?
Vòng tay ôm lấy anh, nàng thì thầm:
- Không có gì chắc hơn nữa.
- À, Mike buông nàng ra và chống khuỷu tay nhổm dậy nhìn vào mặt nàng. Cứ nghĩ đến chuyện này mãi mà quên mất, đầu gối em thế nào rồi?
Vivian mỉm cười tinh nghịch:
- Đêm nay nó không phá chúng ta nữa, phải không?
Anh lại hôn nàng rồi hỏi:
- Bác sĩ Lucy Grainger nói sao?
- Không nói gì cả. Cô ấy nhờ bác sĩ Bell chiều nay chụp X quang và hai hôm nữa sẽ gọi em lại.
- Chừng nào thật rõ, anh mới mừng lắm.
- Đừng nói vớ vẩn cưng ạ. Chỗ xưng nhỏ như thế có gì mà phải lo.
Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng - Arthur Hailey Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng