Quê Hương Đất Nước Muôn Năm!
ăm tôi mười hai tuổi mới biết rằng tôi không tồn tại trên thế gian này: Sự việc là như thế này. Vùng tôi từ trước đến nay không có trường công lập.
Vào năm công bố bảng chữ cái mới thì trường tiểu học công lập được mở. Những người tân tiến trong thị xã chúng tôi quyết định cho con cái mình vào học ở đó. Cha tôi coi mình là người tân tiến nên cũng muốn đăng ký cho tôi vào học trường này. Hôm ấy, người đã dẫn tôi đến trường xin học. Hiệu trưởng nhà trường yêu cầu cha tôi nộp giấy khai sinh của tôi.
- Chúng tôi chưa được cấp giấy khai sinh của cháu. Có thể dùng giấy khai sinh của tôi được không? Cha tôi trả lời ông hiệu trưởng như thế.
Hoá ra không thể thay thế bằng giấy khai sinh của cha tôi được. Trong khi đó, ở trường Davuda Khodgi cũng ở vùng chúng tôi, thì học sinh vào học không cần phải có giấy khai sinh. Có điều là trường đó học theo mẫu chữ cũ, nhưng cha tôi lại muốn cho tôi học ở trường mới...
Chúng tôi buộc phải nhờ người thảo đơn rồi mang đơn đến phòng hộ tịch thị xã để xin giấy khai sinh. Viên thư ký đọc đơn xong, rút ra mấy quyển sách gì đó, tìm phần ghi chép hồ sơ về bố tôi.
- Ông có phải là Resit? – Viên thư ký hỏi cha tôi.
- Vâng.- Cha tôi trả lời.
Viên thư ký đọc phần hồ sơ của cha tôi:
- Năm sinh 1897... khu phố Degirmentepe, phố Tavusbagw số nhà cũ 51, số mới 28... Năm 1911 cưới vợ là Khadgier. Có một con trai tên là Emin. Đúng không?
- Đúng, - Cha tôi đáp – Tôi muốn xin giấy khai sinh cho con trai tôi để nộp cho nhà trường công lập. Trước kia, tôi không cần đến thứ giấy tờ này.
Viên thư ký nhìn cha tôi, vẻ nghi ngờ.
- Này ông, ông muốn xin giấy khai sinh cho ai? Con ông chết từ tám đời rồi, giấy má làm gì?
- Xin ông, ông nói gì vậy! – Cha tôi hết sức bối rối. – Con trai tôi đang đứng đây mà.
Viên thư ký đọc lại lần nữa hồ sơ về cha tôi.
- Ông là Resit?
- Vâng, Resit.
- Bố ông là Meced?
- Vâng, đúng thế.
- Vợ ông là Khadgier. Ông bà có một con trai là Emin?
- Hoàn toàn chính xác. Giờ tôi muốn xin giấy khai sinh cho chính cháu Emin đây.
- Sao lại thế nhỉ? Tất cả các số liệu đều chính xác riêng Emin chết thì không. Trong sổ đăng ký nhân khẩu ghi rõ là Emin đã chết. Mà đã chết thì chúng tôi không cấp giấy khai sinh.
Tôi khóc thút thít.
- Có im đi không, - cha tôi thét khe khẽ – chả lẽ người ta phải chết bởi vì trong sổ nhân khẩu liệt vào danh sách người đã chết ư?
Viên thư ký nói với hai cha con tôi:
- Sổ sách không bao giờ ghi sai. Thực tế thế nào thì ghi thế ấy. Hay ông có mẹo gì chăng. Chứ tôi thì chịu. Không ai cấp giấy khai sinh cho người chết rồi.
- Mẹo gì là thế nào? – cha tôi ngờ ngợ hỏi.
- Bố con ông rắc rối lắm - viên thư ký đáp, - ông mặc cả để đổi người chết ra người sống à? Đừng có hòng mà đánh lừa được ta.
- Lạ nhỉ, vậy con trai tôi chết khi nào? – Cha tôi hỏi.
Viên thư ký lại ngó vào sổ.
Trong thời gian chiến tranh thứ nhất Emin đã được gọi vào quân đội. Năm 1915 tử trận ở vùng ngoại ô Tranakale, theo giấy báo tử số 331 gạch ngang 85 của phòng quân dịch.
Cha tôi nói giọng bực bội:
- Thưa ông, ông xem lại trong sổ, có phải tôi lấy vợ năm 1911 không?
- Đúng, - anh ta trả lời.
- Vậy thì, nếu con trai tôi sinh vào ngày tôi cưới bà ấy, thì năm 1915 mới có bốn tuổi mà nó đã tham gia quân đội và tử trận ở chiến trường?
Viên thư ký bối rối. Hết nhìn vào tôi rồi lại nhìn vào quyển sổ, sau đó quay sang nhìn cha tôi rồi lại nhìn vào sổ. Cuối cùng anh ta mới lên tiếng.
- Con ông sinh năm 1986. Nghĩa là khi tử trận nó mười chín tuổi.
- Con trai tôi sinh năm 1986? – Cha tôi hỏi lại. Lạy Thánh Ala, vậy tôi sinh năm nào, ông nhìn lại sổ đi.
Viên thư ký liếc mắt vào sổ:
- Ông sinh năm 1987, - anh ta đáp.
- Này, ông đừng nói xiên thế. Hoá ra tôi sinh sau con tôi một năm? Phải thế không?
Những viên chức khác cùng phòng thấy lạ cũng kéo đến chỗ chúng tôi, nhưng không thể gỡ rối được.
- Sổ sách đã ghi thế thì biết làm thế nào, - viên thư ký lặp lại. – Tất nhiên ở đây có sự lầm lẫn nào đó, nhưng lầm ở chỗ nào thì chịu.
Cha tôi hướng về các viên chức trong phòng nói:
- Thưa các ngài, có ai trong số các ngài sinh trước cụ thân sinh nhà không?
Viên thư ký nổi nóng:
- Đừng đem chuyện người khác đến đây để nói. Không cấp giấy cho người chết, thế thôi!
Hai cha con tôi liền đến gặp ngài đổng lý văn phòng, kể lại đầu đuôi câu chuyện. Ngài đổng lý cùng chúng tôi xuống tầng dưới, đến chỗ để sổ sách. Ông và viên thư ký xem lại mọi ghi chép về gia đình tôi trong sổ.
- Đúng cả, - ông nói. – Trong sổ ghi rành rành ra đây. Con ông tử trận năm 1915. Cũng có thể thế này, - ông đổng lý bỗng cả quyết. – Vợ ông già hơn ông. Ông đã lấy phải bà goá. Emin là con chồng trước của bà ta. Đứa con riêng của vợ ông hơn ông một tuổi. Trong sổ chỉ ghi chung rằng ông là bố Emin.
Nghe vậy tôi rống lên khóc nức nở.
- Mày có im đi không! – Cha tôi giận dữ nói.
- Ai biết rõ hơn mày là con ai, bố đẻ mày hay quyển sổ.
Viên thư ký nói hùa theo ngài đổng lý:
- Làm thế nào mà ngài nghĩ ra được điều đó, đúng là như thế, không thể khác được.
Mặc dù cha tôi là người mù chữ nhưng người không dễ đầu hàng.
- Nghĩa là, theo các ông, - cha tôi nói, - vợ tôi sinh năm 1904, còn đứa con riêng Emin của bà sinh năm 1896 phải không ạ? Có đời thuở nào con lại sinh trước mẹ đẻ tám năm!
Theo sổ sách hoá ra tôi sinh trước cha tôi một năm và mẹ tôi tám năm. Tiếp theo, mẹ tôi lấy cha tôi khi người mới có tám tuổi. Và sinh ra tôi trước khi cưới mười lăm năm.
Ngài đổng lý và các cộng sự lại xúm quanh vào quyển sổ, đăm chiêu suy nghĩ. Bỗng ngài đổng lý nẩy ra ý mới:
- Chắc chắn là như thế này: Bà Khadgier đã có một đời chồng. Người chồng thứ nhất này có con riêng, đó là Emin. Emin già hơn mẹ kế tám tuổi. Khi chồng chết, bà Khadgier không bỏ con riêng của chồng, bà vẫn nuôi nó rồi đi bước nữa với ông Resit. Emin hơn mẹ kế tám tuổi và hơn bố dượng một tuổi là phải thôi.
- Phải, chí phải, - Viên thư ký nói hồ hởi, - không có cách giải thích nào khác.
- Hay thật! – Cha tôi tức tối. – Các ngài tưởng tượng ra đủ điều. Hoá ra bà ấy lấy tôi năm lên bảy tuổi và trước đó đã có một đời chồng?
- Nếu không phải thế, - ngài đổng lý nói. – thì ông có cách giải thích nào khác cho hợp lý thì xin mời.
Tôi tiếp tục khóc.
- Mày đừng gào mãi lên thế, - cha tôi an ủi. – Sang trường Davuda Khodgi mà học cho xong chuyện.
Câu chuyện trên xảy ra đã lâu lắm rồi. Nay tôi đã trở thành người lớn.
Đến lúc này người ta vẫn coi tôi đã chết trận ở Tranakale. Nhưng đến lượt bắt lính, tôi vẫn bị lôi đề phòng quân dịch. Cha tôi đi theo, tìm cách trì hoãn:
- Thưa các ngài, trong sổ đăng ký hộ tịch ghi rằng con tôi đã chết. Nó không còn tồn tại trên thế gian này. Nếu nó còn sống thì đã được cấp giấy khai sinh rồi.
Ông chưa kịp nói hết câu, viên trưởng phòng quân dịch đã nổi xung, thét to:
- Nhà ngươi che giấu tên cò hom này để trốn tránh quân dịch hả?
Sau đó tôi lập tức bị đưa về đơn vị. Quả thật tôi thấy vui sướng trong lòng. Thế là tôi vẫn còn sống. Rất tốt. Hết hạn lính, trong khi bạn bè được giải ngũ cả, riêng tôi ở lại đơn vị vì không được cấp giấy giải ngũ. Muốn có giấy giải ngũ, phải có giấy chứng nhận đăng lính. Mà thứ giấy này tôi lại không có. Đơn vị nơi tôi phục vụ đề nghị phòng quân dịch cấp giấy chứng nhận đăng lính cho tôi. Gần tháng sau phòng quân dịch đánh giấy trả lời "Quân nhân mà các ngài yêu cầu cấp giấy chứng nhận đã tử trận năm 1938 khi thi hành nhiệm vụ quân sự trong chiến dịch Dersim".
Tôi nói với ngài đại đội trưởng:
- Ở đây có sự nhầm lẫn rồi. Tôi tử trận ở Tranakale chứ không phải ở Dersim. Tốt hơn hết là các ông nên hỏi phòng hộ tịch thị xã, ở đấy họ sẽ cung cấp đầy đủ tài liệu hơn.
Tôi đã bỏ ra biết bao nhiêu công sức để chứng minh rằng mình còn sống. Không chứng minh được điều này thì tôi không được giải ngũ. Cuối cùng thì người ta cung cấp cho tôi một cái giấy có con dấu. Trong giấy ghi rõ tôi đã hoàn thành nghĩa vụ quân dịch này được hồi hương.
Về đến nhà, mới hay rằng cha tôi đã mất. Người mất đi để lại hai khoản nợ: năm ngàn lia vay nhà băng và hai ngàn lia nợ thuế nhà nước. Vì là người thừa kế duy nhất nên tôi phải có trách nhiệm trả hai khoản nợ này. Các quan chức tài chính ngày đêm thúc giục không để tôi yên thân lấy một phút.
- Thưa các ngài, tôi không còn sống! Không tin các ngài hãy hỏi phòng quân dịch. Nếu vẫn chưa chắc thì xin hỏi tiếp phòng hộ tịch thị xã. Người đã chết thì làm sao trả nợ được cho cha mình.
- Vậy ra anh không phải con trai ông Resit? Anh định không trả nợ cho cha mình?
- Không, tôi không nói thế. Chỉ có điều là tôi không còn sống...
A! Thằng này bướng, nói thế nào nó cũng không chịu nghe. "Kiểu gì thì mày vẫn phải trả nợ cho cha mày!". Tôi đã định chây ì không trả nợ, nhưng họ bảo rằng: nếu vậy tôi sẽ mất quyền thừa kế ruộng đất đồng cỏ, nhà cửa, cửa hàng cha tôi để lại. Tôi đành đi vay tiền để trả nợ, vì nghĩ rằng, có tài sản trong tay rồi, sẽ trả được món nợ ấy. Thậm chí tôi còn cảm thấy vui sướng trong lòng: trả được nợ, nghĩa là tôi còn sống. Nhưng khi làm thủ tục nhận quyền thừa kế thì lại nảy sinh rắc rối. Làm thế nào để chứng minh được rằng: tôi là con ông Resit? Cần phải có giấy khai sinh! "Anh có còn sống đâu mà đòi quyền thừa kế? Anh đã chết trước bố anh rồi cơ mà" – Các nhà chức trách tuyên bố chắc nịch. Thế là tôi lại tắc tịt không thể chứng minh nổi rằng tôi còn sống. Tôi nói với họ: "Thôi được, vậy thì có phải tôi đang đứng trước các ông hay không? Các ông có nhìn thấy tôi, hay không nhìn thấy. Hay tôi là bức tượng. Thử hỏi ai đã đi lính? Ai đã trả nợ thuế và nợ nhà băng?".
- Điều đó chẳng có ý nghĩa gì hết, - họ trả lời. – chính thức là anh không còn sống.
- Khổ lắm, tôi có chết đâu, - tôi một mực khẳng định.
- Anh nằm trong danh sách người đã chết.
Tôi thuê luật sư làm đơn ra toà. Tại phiên toà, luật sư bộ tài chính, đại diện cho quyền lợi quốc gia, khẳng định rằng, vì cha tôi không có người thừa kế, nên tài sản của ông sẽ chuyển vào ngân khố nhà nước. Ông ta lặp đi lặp lại rằng, người thừa kế đã chết. Luật sư của tôi thì nói tôi còn sống, ông ta bảo đã chết. Cứ thế hai bên ra sức mà tranh luận.
Vụ án kéo dài đã hai năm vẫn chưa có hồi kết. Không có giấy khai sinh, tôi không tìm được việc làm, nợ như lông lươn. Quá quẫn bách, đôi lúc tôi như người mất trí, nói năng bậy bạ. Một lần, không còn nhớ tôi đã nói gì không phải, cảnh sát bắt tôi tống giam. Ô hay, sao lại bắt tôi. Tôi chết rồi cơ mà? Chẳng lẽ lại bắt cả người chết?
- Này, chàng trai, người chết mà nói được à? Đang sống khoẻ mạnh sờ sờ ra đấy mà cứ một khẳng định rằng chết rồi là sao?
Phải ngồi tù nhưng tôi lại thấy vui sướng trong lòng. Ít nhất là trong tôi lại thức dậy niềm tin rằng tôi vẫn còn sống.
Ra tù sao mà chán ngán thế. Tài sản thừa kế không được nhận, nợ nần mỗi ngày mỗi tăng, chủ nợ bắt đầu thúc ép. Tôi phớt lờ hết, bỏ đi Stambul. Ở thủ đô tôi vẫn không kiếm được việc làm. Gặp một cô gái, chúng tôi yêu nhau. Tôi quyết định cưới nàng. Nhưng không có giấy khai sinh, tôi không thể đăng ký kết hôn được. Đành sống với nhau ngoài giá thú vậy.
Để có thể sống được, tôi quyết định mượn tên người khác mở cửa hàng. Tôi không thể làm chủ cửa hàng, bởi theo giấy tờ, chính thức tôi là người đã chết. Công việc làm ăn suôn sẻ được một năm, thì người đứng tên cửa hàng đã thu vén hết tiền nong bỏ túi rồi trốn. Bao nhiêu nợ nần tôi phải trả hết. Tôi là người đã chết, tôi nói với mọi người như thế, nhưng nào ai nghe tôi.
Chẳng còn biết làm gì nữa, quá cùng quẫn, tôi sinh ra trộm cắp. Lần ấy, tôi bị bắt. "Tôi không tồn tại ở trên đời này", - tôi lại nói với mọi người thế, nhưng nào có ai quan tâm đến điều này. Người chết cũng có thể ăn cắp. Thì ra khi mi muốn đi học trường công lập – người ta bảo mi chết. Để bắt mi đi lính – người ta bảo mi còn sống. Đến lúc được giải ngũ – mi lại thành người chết. Khi trả nợ mi lại hồi sinh. Nói đến thừa kế – mi không còn tồn tại. Nhưng khi cần bỏ tù thì mi bỗng sống lại.
Tôi thấy trong lòng sung sướng, bởi lại được vào tù. Dù thế nào chăng nữa thì tôi vẫn đang sống sờ sờ trước mắt mọi người, trong khi về mặt hình thức tôi đã chết. Chỉ ác một nỗi: bốn đứa con tôi chịu cảnh sống dở, chết dở, vì chúng không được công nhận chính thức rằng đã sinh ra trên đời này. Bố chúng đã chết rồi thì làm sao sinh ra được chúng?... Sau ba ngày ở tù, tôi sẽ được thả, nghĩa là tôi sẽ không còn tồn tại chính thức nữa.
Viên cai tù đưa chiếc còi lên miệng. Giờ dạo chơi ngoài sân đã hết. Tù nhân lũ lượt theo nhau trở về phòng giam.
Pháp luật coi tôi đã chết, nhưng như ta đang sống liệu đã có ích gì?
Cái chính là làm sao để đất nước hưng thịnh mãi mãi. Có phải thế không ạ?
Quê hương, đất nước muôn năm! Còn chúng ta, chúng ta không tồn tại cũng chẳng sao!
Leo Lên Và Tụt Xuống Leo Lên Và Tụt Xuống - Azit Nêxin Leo Lên Và Tụt Xuống