Ký Ức Phiên Lãng epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Thành Phố Lê-Nin
UỔI SÁNG ẤY, tôi từ vùng ngoại ô Lê-nin-grát, ở phía bể Ban Tích, đi trở vào thành phố. Luôn mấy hôm này tôi mê mải đi xem những thành phố lâu đài, những trang lầu cung điện, có nhiều công trình kiến trúc mang những sắc thái kiến trúc của cả châu Âu do nhiều đời các vua chúa Nga đã xây dựng nên mà ngót nửa thế kỷ nay cách mạng vẫn giữ gìn nguyên đẹp như ngày xưa.
Bây giờ đương là mùa đông. Từ quê nhà mà đi, tôi cũng không hề lúc nào có ý tính trước rằng đến đây tôi sẽ được làm quen với mùa đông - một thứ mùa đông phương bắc của trái đất rất xa lạ không bao giờ có thể thấy ở nước tôi. Trước kia, đọc sách, tôi mê những đêm trắng Lê-nin-grát lạ lùng trong truyện của Đôt-tôi-ep-sky. Tôi cũng nghe rằng những đêm trắng ấy là những đêm tuyệt đẹp của Lê-nin-grát vốn dĩ đã trang nghiêm mà cũng lại cực kì tình tứ. Ngày tháng năm, tháng sáu ở đây qua rất nhanh, chỉ trong khoảnh khắc hoàng hôn đã xuống rồi đêm tới, đêm không trăng sao, mà đêm cứ lồng lộng như trong trăng, đêm bằng chiêm bao đẹp nhất, không thể nào tả được. Thế nhưng tôi đến Lê-nin-grát cũng không phải chỉ ao ước xem đêm trắng, như thường người ta mong. Mà tôi lại tưởng như được đến Lê-nin-grát vào mùa đông này, nó còn gợi trong lòng ta xiết bao cảm nghĩ, chẳng phải chỉ do những thấy viết vì ngày đông tháng giá ở đây xa lạ với mùa đông ở quê nhà tôi, mà chính vì những ngày mùa đông ở đây đã từng mang nhiều ý nghĩa rất lịch sử mà mỗi khi nhắc tới những sự kiện ấy, dù ai chẳng hề đặt chân đến Lê-nin-grát bao giờ cũng hình dung ra được một kinh thành trắng xóa mà ở đấy lịch sử nước Nga đã mở những trang vĩ đại. Đó là ý nghĩa lớn lao của một mùa đông trong Cách mạng tháng Mười và ý nghĩa lớn lao của những mùa đông trong cuộc chiến tranh ái quốc chống phát xít của nhân dân Lê-nin-grát vừa qua. Thành phố vô cùng tráng lệ hôm nay đã hiện lên từ những đám mây mù của thời tiết và thời thế vô cùng khủng khiếp. Người ta đến đây không thể nào chỉ thấy những ngày hoa mộng hôm nay mà không nghĩ đến những ngày đã qua. Tôi là một người Việt Nam từ cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ đến đây mà cuộc gian khổ trường kỳ này dân tộc tôi vẫn còn đương trăm cay nghìn đắng trải qua ở nửa nước miền Nam chúng tôi ngày nay. Sao tôi đi bên những tường thành lịch sử cao vòi vọi này, tôi và Lê-nin-grát xiết bao gần gụi!
Trong rừng thưa, vùng di tích lịch sử Pê-trô-vô-ret nguy nga trên bờ vịnh Phần Lan. Nơi đây, vua Pi-e thứ nhất đã cho xây lâu đài kỉ niệm chiến thắng khi quân Nga tới được bờ bể Ban Tích, nước Nga từ đấy đã trổ được cửa ra biển phía bắc nối liền đường nước với châu Âu. Tôi đi trong những vùng ngoại ô Lê-nin-grát, một buổi sớm mùa đông lạnh đột ngột. Không một người du lịch nào ra khỏi thành phố vào giờ này. Chân tôi đặt trên bờ cát mỏng ven biển Ban Tích hoang vắng. Mùa đông đã bắt đầu, thông thường, vào mùa này thì người du lịch không mấy ai còn đi những cuộc đường trường. Con đường ngược lên hồ La-đô-ga, tuyết bắt đầu đóng băng, các thứ xe du lịch kiểu cách không thể trườn trên những dặm đường trơn băng được. Trong gió, cuồn cuộn lẫn từng mảng trời xám đương đùng đùng nổi. Trên mặt bể, mây và nước vần vũ một màu đen xỉn, màu xám thôi đồng lăn tăn những gợn sóng nho nhỏ lớp nhớp bên bờ, lăn lóc, tơi tả, quanh mấy hòn đá chơ vơ. Trên cây sồi, mà những chiếc lá sồi cuối cùng thì gió tuyết đã táp xuống từ lâu rồi, chỉ còn chơ ra những cành cây đen thủi, khẳng khiu. Nhưng trước những tiêu sơ lúc chuyển mùa ấy, tôi đã thấy trên những tàn phá, biết bao sự sống mà con người và thiên nhiên đương chiến đấu để bảo vệ, để phát triển. Kìa những con chim nho nhỏ bảng lảng bay trong gió tuyết. Trước gió tuyết tơi bời của một mùa đông dữ dội sắp ập đến, những con chim én và những loài chim lớn thì đã trốn về phương nam cả. Người ở đây nói rằng những loài chim đó, năm nào cũng vậy, hễ mùa ấm thì tìm lên phương bắc kiếm ăn, hễ mùa lạnh tới phương bắc thì chim lại xuống đậu quanh Địa Trung Hải, quanh vùng Ai Cập và sông Nin có mặt trời. Thế nhưng, còn có những con chim nhỏ, cánh mỏng không đủ sức xoải bay nghìn dặm như thế. Nếu vậy thì mai kia, mưa tuyết xuống đóng băng sâu hàng thước trên mặt đất, những con chim nhỏ bé khốn khổ sẽ bị vùi vào trong đất, như những chiếc lá khô. Không, những con chim nhỏ không chết. Người ta ở đây đã thương những con chim nhỏ. Tôi đã trông, không phải chỉ có ở đây mà ở nhiều nơi, ở U-cờ-ren cũng như lên tới những cánh rừng thưa phương bắc này, cũng như ở các vùng đồng hoang Xi-bê-ri, trước cửa nhà người ở, trên cành cây đầu vườn, trong rừng thông vắng đều thường thấy có treo những chiếc thùng gỗ, xinh như chiếc thùng bỏ thư. Đấy là những cái tổ mà người ta đã làm hộ những con chim yếu đuối, cho chúng cứ tự nhiên, tự do mà đến ở. Sức của chúng thì không thể làm được một cái tổ trên cành có thể chịu nổi mưa tuyết. Người ta đã làm cho chim những cái nhà con con để chim tránh rét. Dường như chim cũng biết cái lòng yêu ấy và thường vào nương náu ở những căn nhà gỗ vững chãi nọ. Vì thế những con chim nhỏ có thể vượt qua mùa đông ghê gớm, những con chim nhỏ mà người Xô Viết chuộng đẹp rất cần cho nó vui chân nhảy nhót, rất muốn nghe những tiếng chiêm chiếp rơn rớn thân yêu, không biết nghe để làm gì, không cần nghe để làm gì, nhưng rất cần nghe. Người Xô Viết và xã hội Xô Viết là những người trong một xã hội có lòng yêu và tôn trọng những cái đẹp cao quí và thơ mộng. Đúng như thế. Sớm nay, dạo trên bờ bể khuất vắng, cái chỗ thừa lương mà lúc này không một ai dạo mát, tôi không thấy những con chim tuyết bù xù nho nhỏ trắng như một nắm tuyết mới, những con chim xanh cánh vàng bụng trắng, thoăn thoắt như những con chim bạc má, con chim vành khuyên ở vườn cây nước ta. Chim nhảy vui trong cành cây trụi, bên những tổ hộp xinh xinh. Con chim cũng biết yên tâm!
Tôi ngước lên những cành cây trụi, đen, trơ khâng khấc. Mới mấy hôm trước đây, có một buổi sáng, tôi theo đường bờ kênh Rửa Mặt ra sông Nê-va. Ngay từ hôm ấy, mùa đông đã bắt đầu về cả trên dọc hàng cây sến nghiêng mình xuống bờ nước. Kể ra thì cả đến cái vỏ cây dày cộp ở thành phố phương bắc này cũng rất khác với cái vỏ cây cát-stan mỏng mảnh ở thành Ô-đét-xa phía nam xa xôi kia. Các cây xứ lạnh ở đây cũng phải khoác một lần da chống rét. Ấy thế mà những trận tuyết và gió đầu đông cũng đã làm da cây sến nứt từng mảng dài như có vệt dao chém toác ra. Tôi thương những chòm lá sến già còn sót lại trên cành cao. Những cành lá sến cứng cáp không chịu rụng, hôm qua vẫn còn phơi màu xanh già. Vậy mà chỉ một cơn tuyết xuống hồi hôm đã làm cho những chòm lá nọ chết tươi ngay. Gió tuyết mù mịt đã quét lên đầy trời, thổi luồng hơi buốt ướp nốt những chiếc lá già, bắt chết rụi ngay trên cành cây. Vỏ cây sến nứt nẻ, lá sến khô quăn ngay đầu cành, như một cái cây chết đứng giữa trời tuyết sa. Hôm nay, trên bờ biển, cùng sóng bước với tôi, cũng là những hàng cây nứt nẻ như thế, cũng những chiếc lá sến như cánh lá cải cúc đương chiếc rụng chiếc rơi âu sầu trên bờ sông Nê-va. Tôi với tay vít một cành nhỏ là là xuống trên đầu một chiếc ghế xanh kề bên biển. Chiếc ghế tình tứ ở nơi thanh vắng mà những đêm trắng cuối xuân, gợi cho đôi người yêu ngồi ngả người xuống mà đắm đuối hôn nhau, đã có lá sến lót êm một nạm ngay trên đầu đấy. Tôi đã tưởng cành sến vít trong tay là một cành sến khô, một cành sến của một mùa xuân đã qua rồi. Không phải, trong nách cành cây nhỏ tưởng đã chết đen thui, nách cành nào cũng nhô một chiếc mầm nhu nhú. Trông khắp trong cây, cành nào cũng thế. Những cành cây tưởng chết, thực ra vẫn sống, mà sống sinh sôi, mầm nụ đương giương ra đợi tháng ba sang xuân. Tôi đã tìm ra ý nghĩa một sức sống quật khởi của thiên nhiên trong mùa băng tuyết. Phải, tôi thấy được rằng, kể cả cỏ cây ở đây, nếu cỏ cây không biết dữ dội chống lại, thì đến màu sắc thiên nhiên cũng sẽ tiêu tan hết. Không, chẳng những sự sống vẫn còn mà còn tiềm tàng mạnh hơn nữa. Biết rồi, mùa đông khủng khiếp không phải là mùa chết, nhánh cỏ cũng biết giữ mình cho khỏi chết, con người giúp cho con chim biết chống đỡ cho khỏi chết. Người đương tạo ra những sức quật cường. Trông ra trước mặt, tôi kính cẩn chào những người công nhân làm vườn đương dỡ trên xe vận tải xuống từng tấm ván mỏng đã đánh số, chỉ còn việc lắp thành những cái hộp như những tòa nhà tí tẹo cho những luống hoa hồng, hoa cúc và trăm thứ hoa lạ khác, và cho những pho tượng đá trắng tạm biệt ngày đêm vào đứng náu mình trong cái nhà gỗ kín đáo đó suốt mùa đông sắp tới. Khắp vườn, mấy trăm pho tượng đá trắng đương lần lượt được người ta cho đứng vào trong hộp tránh rét. Tôi chào những người rất yêu đời mới biết có lòng thương mà làm cái tổ cho con chim nhỏ ở, và những người công nhân đã làm những việc tôn trọng, quí báu giữ gìn từng li từng tí mọi công trình nghệ thuật. Tôi chào những bà công nhân già, tay xách thùng nước vôi và hắc ín, mỗi buổi sáng lại đi xem xét từng cái cây, động thấy, cây có một vết da nứt nẻ, bà ta lại nhanh nhẹn bôi “thuốc” cho nó, động thấy một cành khô, bà lại cưa xuống, rồi gọt tròn chỗ thịt cây thối và đóng một miếng sắt mỏng lên, như ta ngăn cho xương thịt cái cây khỏi thối mòn thêm. Tôi kính chào những người có sức mạnh và rất yêu đời mới biết yêu quí mình, yêu quí những công trình của đời sống và thiên nhiên quanh mình.
Nhưng không phải những công trình ta đến ngắm nghía hôm nay là từ bao năm xưa vẫn thế. Nếu không có Cách mạng tháng Mười, không thể một ai khác bọn vua chúa được đem làm của riêng chơi những công trình tuyệt xảo của người kỹ sư và người thợ Nga. Và nếu không có Cách mạng tháng Mười, những báu ngọc này cũng không thể còn. Trong trận bao vây Lê-nin-grát, tới trước khi phải rút lui, quân phát xít Đức đã phá hết, lấy hết. Lâu đài cung điện lớn của nữ hoàng Ca-tê-rin thứ hai đã phải làm lại ròng rã sáu năm nay thế mà phải đến hai năm nữa mới xong. Ngay bên đường vào thành phố Pus-kin - trước kia là vườn chơi của nhà vua, tòa lâu đài đồ sộ Thành Trắng vẫn đỏ rực màu gạch nằm trơ trụi trong cỏ, chưa cất lên được. Đến một cái cầu sắt nhỏ bắc qua dòng nước cũng bị phá. Quân phát xít phá tất cả 129 cái vòi và suối nước, phá tất cả các pho tượng và nhà cửa. Đến một cái cây cũng bị chặt đổ. Chúng đã chặt đổ trên 10 vạn cây cổ thụ. Người ta chẳng thế tưởng tượng ra được một cơn hung ác điên cuồng đến như vậy, khi cơn khát máu của phát xít nổi lên đến thèm hạ thủ cả một cái cây, một khu vườn. Vườn trên ở thành phố cung điện của vua Pi-e thứ nhất, giờ chỉ còn mênh mang những thân cây chết mà người ta vẫn chỉ biết rào lại đấy, chưa khôi phục lại được. Chỉ một khu vườn dưới này còn sống sót. Chúng không kịp phá. Hôm nay, bước vào khu vườn vắng mà chân ta nhè nhẹ bước, tưởng như ở nơi vắng vẻ ấy không còn gì nữa, nhưng rồi ta lại gặp trí tuệ của con người đã đặt vào nơi tịch mịch một pho tượng đương trầm ngâm đứng. Trí thông minh của con người yêu đẹp, yêu đời cứ đứng suy nghĩ khắp mọi nơi. Khách đi sâu vào sau cánh rừng thưa, xuống hết một bậc đá trắng tinh, nhìn hai bên trụ lớn thấy hai pho tượng đồng cực to, đó là bức tượng của thần Đất và tượng thần Ec-quyn. Đáng lẽ hôm nay thì những pho tượng khổng lồ này không thể còn đây. Khi Hồng quân tiến vào đất Đức, giải phóng tới thành Gut-tăng-be, thì gặp lại được thần Đất và thần Éc-quyn này, đã đem về đây nằm trong cái kho đồng kho sắt với rất nhiều pho tượng mà quân phát xít đã đánh cắp, khuân về từ khắp các nước trên châu Âu, chúng sắp đem quẳng cả vào lò nấu để làm vỏ đạn! Hồng quân Liên Xô đã cứu được thần Đất và thần Ec- quyn, lại đem hai thần cho về ngồi suy nghĩ trên hai bên thành đá này. Chúng ta đã không thể tưởng tượng trước ra được những sự man rợ của quân phát xít, cũng như trông những nguy nga rực rỡ hôm nay của các vườn chơi, người ta khó lòng mà đoán được rằng cả cái thành phố đẹp này vừa mới chìm qua một cơn bão táp chiến tranh khủng khiếp.
Thành phố Lê-nin-grát bị quân phát xít Đức vây hãm từ tháng mười một 1941 cho tới tháng giêng 1943. Suốt chín trăm ngày đêm bị vây đánh, hơn hai năm trời đói rét! Đại bác và bom phát xít Đức đã phá hủy mất hơn năm triệu thước vuông diện tích nhà ở và dinh thự. Ấy là, đã ngừa trước sự phá phách, người ta đã đem hết tất cả các pho tượng ở các công viên trong thành phố chôn vào trong lòng đất và những nóc mái vàng của các tòa lầu và cái kim vàng trên nóc tháp nhà Hải quân phải bọc lại, khiến bọn phát xít mất phương hướng ném bom. Thế nhưng các nhà máy thì vẫn hoạt động. Súng đạn của Lê-nin-grát vẫn có thể tự túc được. Ở các nhà máy phía bắc thành phố, nơi mà bọn phát xít Đức tỏa vòng vây vào ngay sát cửa ô, công nhân đi làm đều phải đeo súng. Suốt hơn hai năm trời, lương thực phải phân phối theo quyết định của ban chỉ huy mặt trận. Quân đội và công nhân mỗi ngày được chia 250 gram bánh, cán bộ, nhân viên các cơ quan và nhân dân, mỗi người mỗi ngày được 125 gram. Ai ốm hoặc bị thương thì chỉ cần có 75 gram. Người Lê-nin-grát nói: Bấy giờ chúng tôi ăn bánh như chim nhặt ruột bánh ăn!
Tôi thường hỏi và có được nghe kể nhiều, nhiều chuyện của Lê-nin-grát trong hơn hai năm trời bị bao vây. Mỗi người Lê-nin-grát bây giờ, dù là tôi gặp người ấy lên công tác trên nông trường khai hoang ở vùng Trung Á, dù là tôi gặp người ấy sang làm chuyên gia các nước anh em trên đường đi Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam..., mỗi người đều có và đều muốn nói rất thiết tha về những kỉ niệm và vinh dự của cuộc chiến đấu Lê-nin-grát của mình.
Kể tình cờ một vài câu chuyện chị Pê-rên-man Jêc-na là một cán bộ nghiên cứu hóa chất. Chị đã đứng tuổi, người gầy khô. Chị ở một mình cũng không một lần nào tôi đã hỏi - dù là hỏi xa xôi, bóng gió vì sao chị lại ở một mình. Tôi không hỏi, bởi vì chỉ một việc tưởng lại thấy cái quãng tuổi hơn hai mươi của chị Jêc-na cũng là quãng thời gian Lê-nin-grát đương bị bao vây, thì biết rằng mùa xuân chín của đời người con gái ấy đã thui đi trong cuộc chiến tranh tàn khốc rồi. Chính một thời xuân đã qua trong cái thành phố bị bao vây, đã là một nguyên nhân sinh ra những đau khổ tình cảm mà có khi không bao giờ có thể chữa khỏi được. Tôi không hỏi, nhưng tôi cứ nghĩ như thế. Và tôi đã biết như thế, ở chị Jêc-na, ở nhiều chị khác, mà tôi gặp ở nhiều nơi, rất nhiều nơi...
Chị Jêc-na kể rằng: Trong chiến tranh, hầu như khắp thành phố không bóng người qua lại. Đại lộ Nin-ki vắng tanh, giữa đường phố chết đứng ngổn ngang những chiếc tàu điện, những ô tô vận tải bị trúng bom mà mảnh đạn thì bừa bãi khắp mặt đường như mảnh thủy tinh. Chiếc tháp nhọn bằng vàng trên nóc lầu Hải quân đã phải đắp rêu lên, thế mà khu lầu Hải quân cũng bị tới 18 quả bom và 58 phát đại bác. Quảng trường Cung điện Mùa Đông, cỏ mọc như rừng, nơi lui tới của cầy cáo. Không bao giờ người ta có thể tưởng trong thành phố lại có cái quang cảnh trái ngược ấy. Quảng trường Mác-xơ và tất cả các quảng trường khác đã biến thành những ruộng trồng khoai tây. Phần khoai tây thỉnh thoảng có được cho mình ăn đúng là nhờ phần tăng gia sản xuất ngay trong thành phố. Có khi tới ba ngày năm ngày không có một miếng ăn, mà luôn như thế. Có người đói quá, đến khi được một miếng bánh, chưa ăn buông miệng đã ngã lăn ra. Không có lò sưởi, đêm mù mịt không một vụn ánh sáng. Cứ từng ngõ, từng phố, lâu lâu người ta lại rủ nhau đi kiếm được một buổi lửa đốt sưởi công cộng. Thấy lửa như thấy sự sống, để rồi lại đi làm việc! Người Lê-nin-grát chống giữ vững các mặt trận quanh thành trong hơn hai năm trời và nghĩ rằng vẫn có thể chống giữ được nữa. Bởi vì, lòng tin của những con người trong cái thành phố anh hùng ấy vẫn là cao cả hơn hết thảy. Nhân dân còn lại ở các khu phố làm đủ mọi việc, từ việc đi đào hầm hố đến việc khuân vác tất cả các pho tượng đem chôn giấu vào vườn hoa A-nit-kô để tránh bom... Tuy nhiên những buổi đốt sưởi công cộng như vậy cũng là rất hiếm. Quanh những đám lửa sưởi ấy, mỗi lần người ta có dịp trông thấy nhau, bộ đội cũng như người thợ, người dân, bấy giờ mới biết nhau lại hãy còn sống, rồi người ta hát, người ta cười, cho quên tất cả. Nhưng cũng ở những đám lửa sưởi ấy có khi xảy ra những cuộc xô xát kịch liệt. Người ta mắng chửi, có khi xúm lại đánh đến chết một người nào đã nói những điều chán nản. Thật là đau đớn. Suốt ngày đêm, đại bác của quân phát xít Đức cứ từ bốn phía nã vào. Cái mà làm khủng khiếp tinh thần người ta, ấy là những quả đại bác mà bất cứ lúc nào cũng có thể rơi xuống đầu. Người Lê-nin-grát đặc biệt căm thù đại bác của phát xít Đức. Có lẽ vì vậy mà khi Hồng quân phản công, khi hàng nghìn hàng vạn đại bác của Hồng quân kéo đến nện xuống quân phát xít, cũng trước nhất là nện vào những cỗ đại bác của quân phát xít Đức. Rồi cũng trước nhất, quân và dân Lê-nin-grát mở đợt phản công đầu tiên đã diệt tan tành tất cả những đơn vị pháo binh của địch.
Chị Jêc-Na mỉm cười:
- Bấy giờ chúng tôi thật hăng hái, nhưng chúng tôi cũng gầy yếu quá. Giờ nghĩ lại, không biết vì sao có thể chịu đựng được đến như vậy? Ừ, vì sao...
Không phải là không hiểu vì sao. Nhưng ở đời, có những việc, có những cảm xúc, rõ ràng thấy đấy, biết đấy, nhưng người ta cứ thông cảm những ý nghĩa lớn mà không bao giờ muốn và cần hiểu, cần biết cho rõ hơn. Có phải không, thưa chị Jêc-Na?
Tôi đã gặp trên một chuyến tàu quốc tế liên vận một người kỹ sư cùng với vợ và hai con gái đã đổi công tác từ Ki-ep đi sang Cáp Nhĩ Tân. Đó là một người kỹ sư điện đem gia đình sang nước bạn ở làm việc. Người ấy, trong chiến tranh, là một chiến sĩ đã chiến đấu ở Lê-nin-grát trong đội du kích trên hồ La-đô-ga - “con đường sống” duy nhất của cái thành phố bị vây, con đường qua mặt băng hồ La-đô-ga suốt những mùa đông đã là mạch máu tiếp tế cho nội thành các thứ súng đạn, lương thực, thư từ, tin tức từ khắp nơi trong toàn quốc gửi tới và lại từ trong thành phố đưa ra những người bị thương nặng, những người già yếu. Mặt hồ La-đô-ga dài trên năm mươi cây số. Hôm nọ, tôi rất nóng ruột đến hồ La-đô-ga. Tôi muốn tận mắt trông thấy “con đường sống” nổi tiếng của người Lê-nin-grát, con đường đã cứu cả thành phố, cứu sống tất cả những công trình nguy nga hùng vĩ của Lê-nin-grát hôm nay và tôi cũng muốn trông thấy tận mắt nơi đã xảy ra những cảnh khủng khiếp mà Kuyếc-di-ô Ma-la-pac đã miêu tả trong tiểu thuyết phóng sự Kapput nổi tiếng [1]. Nhưng những chiếc xe du lịch mỹ miều mà đẹp đẽ đài các của khách sạn At-tô-ri-a đã không tài nào chiều tôi đem tôi đi tới bờ hồ La-đô-ga những ngày như thế này được. Bởi lẽ giản dị: đường mùa đông đã bắt đầu đóng băng. Tuyết đã bắt đầu đóng băng, xe nhẹ không đi nổi, mà đành chỉ trượt trên mặt băng trơn. Mặc dầu, đồng chí lái xe cho tôi, vốn là một chiến sĩ lái xe đã từng lăn lộn trên mặt hồ La-đô-ga, đồng chí ấy rất muốn đưa tôi đi ngay đến La-đô-ga giữa cơn mưa tuyết. Nhưng cũng đồng chí ấy đã lại cười mà nói rằng: “Bây giờ không phải là lúc chiến tranh, mà thời hòa bình thì xưa nay không một người du lịch nào lại đi chơi hồ La-đô-ga về mùa đông cả”.
Đồng chí lái xe Vôn-cốp kể chuyện:
- Từ Sa-kit cứ băng qua mặt hồ trên cả năm mươi cây số thì đến thị trấn La-gô-đa. Mỗi năm, thời gian từ cuối tháng chạp cho tới hết tháng tư là những tháng đi lại được nhiều nhất, còn gian khổ thì gian khổ nhất vào những lúc băng mới đóng và những lúc băng tan. Những lúc ấy cả trên mặt hồ và mặt băng đều có nước, không thể biết đâu là đường băng, đâu chỉ là nước. Xe thụt và người chết, có ngày chết đuối đến hàng nghìn người! Trên suốt mặt băng dọc đường đều có trạm cứu thương hoặc tải thương. Mùa đông năm 1942 là một mùa đông dữ nhất trong suốt cuộc bao vây; đến khi băng đóng và băng tan, bọn phát xít đã nắm được qui luật thiên nhiên ấy, đại bác và máy bay chúng cứ dồn dập xuống mặt hồ. Không phải chúng đi tìm ném bom xe chúng tôi, dù xe chúng tôi bò trên tuyết rất dễ thấy, vì chúng đã có cách phá chúng tôi dã man một cách dễ dàng hiệu nghiệm mà lặng lẽ hơn, đó là chúng chỉ cứ việc ném bom và bắn đại bác dọc dài cả ngày cả đêm xuống đường băng, phá ra hàng nghìn hàng vạn lỗ thủng thành những cái giếng ngầm dưới mặt nước. Rồi tuyết lại phủ lên, xe và người, đi không tài nào trông thấy, mà nếu bị lọt xuống đấy thì chỉ còn có chết chìm nghỉm. Bao nhiêu người và xe của chúng tôi đã phải chết đuối hàng ngày như thế. Lại nữa, lúc bấy giờ thiếu thốn, xe vận tải rách hết lốp. Chúng tôi phải đem nhồi rơm vào lốp rồi cứ lốp nhồi rơm như thế, những chiếc xe vận tải năm tấn, tám tấn liên tiếp ba mùa đông trong hơn hai năm trời bò suốt ngày đêm qua mặt băng hồ La-đô-ga, cái thì sa hố chết chìm dưới nước, cái thì bò qua được, và không lúc nào ngừng...
Những chuyện cũ của Lê-nin-grát thấm thía ý nghĩa, và khích lệ lòng người, làm cho tôi cứ tưởng như ở mỗi di tích lịch sử, mỗi pho tượng cánh tiên, mỗi chiếc ngựa đều là những chứng cứ vẫn sống vẫn đứng trên tường, bên đường phố thành Lê-nin-grát đứng để nhìn xuống người đi, âm thầm hỏi người đi đường xem đến đấy có biết gì, có nghĩ ngợi gì khi qua thành phố anh hùng [2] này của đất nước Xô Viết chăng?
Tôi vẫn từ ngoại ô đi trở vào Lê-nin-grát. Nói ngoại ô theo thói quen, thực ra, đã từ lâu thành phố Lê-nin-grát không còn có ngoại ô. Mà ngoại ô cũng nguy nga những tòa ngang dãy dọc dính liền với rừng cỏ, rừng thông và hồ nước ngoài kia. Sức xâm lấn của thành phố đã đuổi dần những cảnh thiên nhiên này xa đi. Không kể những thành phố, những thị trấn không ngoại ô hoàn toàn mới dựng ở Liên Xô đột ngột nổi lên giữa các vùng khai hoang hay trên miền Bắc và ở Trung Á, còn thì người ta vẫn thấy, thông thường mỗi khi vào một thành phố, bất cứ thành phố nào trên thế giới này, ta vẫn phải qua những vùng nhà cửa thưa thớt hoặc tồi tàn rồi mới dần dần tới những khu đông đúc đẹp đẽ hơn. Nhưng, Lê-nin-grát, một thành phố cổ kính mà lại đã biến mất cái thường lệ ấy từ lâu. Phải vì ngoại ô Lê-nin-grát huy hoàng như những đóa hoa cúc rất hiếm nở giữa mùa đông ở đây. Tôi đi từ phía bắc trở lại, qua một đường phố tên là Mát-xcơ-va. Đại lộ Mát-xcơ-va ở Lê-nin-grát dài mười cây số, bề ngang, rất rộng, có chỗ tới hơn 60 thước. Lại khi nói đến một con đường dài rộng như thế ở vùng ngoại ô, chúng ta dễ tưởng nó có thể na ná đường phố ngoại ô của Hà Nội, Sài Gòn chẳng hạn. Nghĩa nó là những con đường cứ dài thườn ra cho những người thành phố ở chật đất thì cứ bám lầu, bám lầu leo ra ở hai bên mép đường, còn sau lưng phố, thôi thì đủ thứ rãnh, cống, ao, ruộng ngổn ngang. Không, ở đây, phố chạy dài, xòe liên tiếp ra hai bên đường những tòa nhà đồ sộ, sau lưng nhà là những nhà máy lớn, sau lưng những nhà máy lớn lại là công trường. Nhà máy lẫn với những công trường lớn, những công trường lớn từ bốn phía, tám phía ngoại ô cứ mở rộng mãi ra, như những cánh hoa quỳnh nở, rồi tới lúc nào đó, những cánh hoa đó sát liền nhau, và cái thành phố lại to lớn lên một độ nữa, ngoại ô lại lan ra xa nữa, dài nữa - điều mà tôi đã trông thấy ở khắp đất nước Liên Xô, từ ở những thành phố lớn như Mát-xcơ-va, Ki-ep hay Ô-đét-xa cho đến những thị trấn nho nhỏ giữa cánh đồng khai hoang ở Ca-dắc-xtan cũng đều thấy rực rỡ phát triển theo một nhịp độ nhanh như vậy.
Đường Mát-xcơ-va dài vút như một mũi tên bắn vào thành phố. Đoạn đầu đường của nó bắt đầu từ vùng chợ Sa-nai-a - bây giờ là quảng trường Hòa Bình, khi thành phố bị bao vây, quân phát xít Đức đã đóng vào tận đấy. Vùng chợ Sa-nai-a đã có từ trên hai thế kỷ trước. Muốn dễ hiểu, bạn đọc cứ tưởng tượng những phong cảnh và cuộc sống tối tăm, tiều tụy, thê thảm của phố phường Pê-trô-gờ-rat trong tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt của Đôt-tôi-ep-sky chính là những sự thật quanh chợ Sa-nai-a mà nhà văn đã đưa vào sáng tác. Nhưng bây giờ đây là một quảng trường thênh thang. Con đường Mát-xcơ-va bắt đầu ở đấy, hai bên đường kéo lên những chiếc cột đội từng chùm đèn bóng mọng, đường Mát-xcơ-va đẹp như một đại lộ giữa thành phố với những cây đèn bóng tròn liên tiếp như chuỗi búp hoa lan với từng dãy nhà mới viền thẳng tắp. Trong nhà đầy đủ tiện nghi: ánh sáng, sưởi hơi và cứ vài bước ta lại gặp một bến xe “buýt”, không kể xe “tắc xi” thì suốt đến cả đêm lượn lờ đón khách chạy nối đuôi nhau. Làm cho người ta không sao phân biệt được cái cảm tưởng phố này là phố ngoại ô và không thể biết được là ta đương đi từ ngoài vào lòng thành phố nữa.
Ở đây, cũng như khu đồi Lê-nin ở Mát-xcơ-va, tôi đã vào thăm những khu nhà mới mọc. Mới trông vào đã rối cả mắt, nhưng dần dần cũng nhận ra được từng ngôi nhà, mỗi cái dài chừng vài trăm thước, cao tám hoặc mười tầng. Mỗi tòa nhà thường ngồi giữa một vườn hoa có bóng cây xòe che quanh chân. Mỗi ngôi nhà, ngôi chị kề ngôi em, cứ nối nhau như thế kéo vào đến tận trong thành phố. Lê-nin-grát không xây những nhà chọc trời, không có nhà chọc trời. Tôi thú vị nhất điều đó. Bởi vì chẳng những những tòa nhà vài chục tầng ấy không thích hợp với khung cảnh thành phố cố đô Lê-nin-grát, mà riêng cái cảm tính của tôi, tôi chẳng ưa gì những công trình khoe xi măng cốt sắt ấy. Bấy giờ ở các thành phố lớn Liên Xô, người ta cũng không xây dựng lối hơi hướng nhà chọc trời nữa, nhất là trong các khu xây dựng nhà ở thì các kiến trúc bây giờ rất thích nghi và khác hẳn. Bây giờ, các khu xây dựng nhà ở là những ngôi chị ngôi em tám chín tầng liên tiếp. Mỗi ngôi nhà vừa gọn trong một cái phố nhỏ, một cái làng nhỏ. Ở đấy ai cũng thấy đều đặn, đầy đủ như nhau, ở bất cứ ngôi nhà nào. Sáu, bảy tầng trên là nhà ở. Hai tầng dưới là nơi làm những công việc của một làng; đó là cửa hàng thực phẩm, bách hóa, là hiệu ăn uống, tiệm cà phê có khiêu vũ, là nhà hát và nhà chiếu bóng. Tất cả thỏa mãn sự cần dùng cho một làng, một xóm, mà người ta đã tính ra sẵn từ trước. Rồi cứ cách quãng vài tòa nhà, lại thấy một trường học, một nhà thương. Ở đây, và ở nhiều nơi đương xây dựng khác, từng khu phố, đầy đủ kiểu mới nhất như thế đương được dựng lên hàng loạt.
Lê-nin-grát to lớn, đồ sộ, nhưng gọn, không mênh mông, miên man như Mát-xcơ-va. Lê-nin-grát, bằng phong cảnh và bóng dáng của nó, người du lịch thật dễ dàng quen chỉ vài lần dạo chơi sẽ nhận ra như vậy. Đã nhiều lần, chúng tôi - Ma-rích với tôi và Bô-rít, một anh bạn mới của Ma-rích, là một nhà nghiên cứu vật lý nguyên tử rất trẻ, thường đi bộ trong thành phố. Thủng thỉnh đi chân mới nhận ra rất rõ là hễ ngẩng lên, nhìn vào chỗ nào cũng thấy những lâu đài và tượng. Những tảng đá xám và những tượng người đội đá khắc khổ trầm ngâm soi bóng xuống đầu người đi, soi bóng xuống dòng sông Nê-va và những kênh lạch của nó chi chít đan lưới khắp thành phố. Những tượng đá, những thành đá uy nghiêm, cổ kính, bí mật và mênh mang một màu xám ngắt đương thì thầm những gì ghê gớm và dữ dội của những công trình sáng tạo đó, của lịch sử, của sức mạnh dân tộc Nga. Gô-gôn đã đặt tên cho những lâu đài dinh thự ở Lê-nin-grát là những niên hiệu lịch sử bằng đá. Thật vậy, mỗi thành phố, mỗi công trường, mỗi tòa nhà ở Lê-nin-grát đều có thể là những người làm chứng im lặng của những sự kiện lịch sử lớn lao của nước Nga.
Kỳ lạ thay người kỵ mã trong sương
Bao sức mạnh của tinh thần tư tưởng
Bao nghị lực tiềm tàng trong ấy
Trong ngựa kia bao vẻ say hăng
Chồm đến đâu hỡi con tuấn mã
Đặt xuống đâu đôi vó nhịp nhàng
Ôi người nắm trong tay số mệnh
Như thế kia trên vực thẳm bao la
Bàn tay sắt ghì cương chắc chắn
Người làm cho lồng dậy nước Nga [3]
Trong đường phố, lịch sử thâm thúy như dạy tôi bắt chước và học đòi suy nghĩ. Đã nhiều bước chân tôi cứ thong thả trầm ngâm đi dưới những bóng thành đá, những bóng tượng. Cái không khí thành kính đã tạo cho tôi cái cảm tưởng ấy chẳng phải chỉ mình tôi có. Không phải một mình tôi, mà tôi đã gặp những người ở khắp nước Nga, cứ hằng năm, vài năm, thế nào cũng lại đến chơi và xem Lê-nin-grát một lần, như thành một cái lệ quen trong đời sống của người Xô Viết. Và mấy hôm nay còn gặp nhiều người du lịch trên thế giới đến Lê-nin-grát. Tuần này, ở Lê-nin-grát đương chiếu một Tuần lễ phim Anh, những người du lịch Ăng-lê đã sang chơi rất nhiều. Buổi tối, trong khách sạn Át-tô-ri-a và khách sạn Châu Âu tiếng nhạc khiêu vũ còn rầm rập quá 12 giờ đêm, khuya hơn thường lệ. Vâng, không phải chỉ mình tôi đã có cái sáng kiến đi lắng tai suy nghĩ về cái thành phố xanh đen cổ kính trên phương bắc này, mà đó cũng là lòng thành kính tự nhiên đứng trước di tích lịch sử và cách mạng vĩ đại của người Nga, của nhiều dân tộc trên các lục địa ở trái đất này, đã hằng có.
Những di vật, những trang lịch sử, những chuyện kỉ niệm ở Lê-nin-grát. Thành phố vàng đeo ngọc dát, mang biết bao của báu trên đời. Đã sống ở đây những nhà văn nổi tiếng của dân tộc Nga, của Liên Xô, như Pus-kin, Gô-gôn, như Đôt-tôi-ep-sky, Goóc-ky, Mai-a-kôp-sky... Ở góc phố Gô-gôn, phía đông bắc quảng trường nhà thờ thánh I-sắc, tại nhà số 23, là nơi Đôt-tôi-ep-sky từng ở và chính ở đấy Đốt đã viết truyện ngắn Đêm trắng và nhiều truyện ngắn khác. Cái phố lớn tên là đại lộ Goóc-ky bây giờ là nơi mà Goóc-ky đã ngụ ở đấy từ năm 1914 tới 1921 ở nhà số 23. Tại nhà số 12, đầu kênh Môi-ka là nhà ở của Pus-kin. Nhiều khi, tôi đã cứ đi đi lại lại nhiều lần quanh quẩn trên cao vùng từ quảng trường thánh I-sắc về kênh Rửa Mặt, đi mà nhìn, tưởng như đương thấy lại những nơi, những việc, những hình dáng mà Pus-kin, mà Đôt-tôi-ep-sky đã từng nhìn, từng nghĩ...trong lòng chan chứa, mênh mang cảm kích...
Lê-nin-grát đã mang trong mình cả thảy 67 nhà bảo tàng và triển lãm - con số kỷ lục quốc tế! Không một thành phố nào trên thế giới có thể có được nhiều bảo tàng quí báu hơn mà tôi không thể kể hết ở đây. Làm sao mà kể hết được! Có một bà bác sĩ quê ở Ô-đét-xa, cứ vài năm lại “phải” lên chơi Lê-nin-grát xem nhà bảo tàng Ở ẩn một lần, bà bác sĩ ấy đã đi chơi Lê-nin-grát từ thuở trẻ đã hơn ba mươi năm nay, bây giờ đã già và năm ngoái, chồng bà mất, năm nay đến lệ chơi Lê-nin-grát, bà đi một mình, vào xem bảo tàng Ở ẩn, bà phàn nàn với chúng tôi rằng: năm nay đi xem một mình, cứ hay lạc đường. Mỗi một nhà bảo tàng Ở ẩn mà đã phong phú như vậy!
Đi nhà bảo tàng Ở ẩn, tôi chỉ đi lướt, mà đã xem bốn ngày liền. Nhà bảo tàng Ở ẩn có hơn hai triệu hiện vật trưng bày trong 322 gian phòng lớn mà người ta ước lượng rằng tính theo bước chân thì đi cho hết sẽ dài hơn bốn mươi cây số... Từng ngày, tôi tha thẩn miên man trong tòa nhà bảo tàng vĩ đại, tôi chỉ như một con kiến bò giữa rừng. Con kiến bò trong rừng thì làm sao mà thấy cho thấu đáo được tinh hoa bao nền văn hóa cổ kim đông tây, của nước Nga ngày trước cũng như của Liên Xô ngày nay, từ hội họa của nước Pháp thế kỷ mười ba cho tới những bức tranh mới nhất của Pa-blô Pi-cat-xô bây giờ, từ những hiện vật của thời cổ La-Hy trên bờ Địa Trung Hải cho tới một bức thêu, một cái đốc kiếm của Trung Quốc tận phía Thái Bình Dương.
Mỗi bước đi, ngước mắt đã đem lại cho người xem một suy nghĩ, một học tập...
Cái xác người Ai Cập Pê-tê-xa trên ba nghìn năm vẫn nằm nguyên, khô đét, một tay để trên bụng, một tay duỗi. Người của thời ba nghìn năm trước đã biết cách giữ xác không thối giỏi đến như thế là cùng.
Những chiếc áo quan của người Ai Cập, người Hy Lạp, cái thì bằng gỗ, cái bằng đá, áo quan của nhà vua, của thày tu thì to, áo quan của lái buôn thì nhỏ. Dù to hay nhỏ, cái áo quan nào người ta cũng làm cho chắc chắn không hỏng và ở cái nào cũng khắc chữ kể tiểu sử người chết. Thì ra từ ba nghìn năm trước và cả đến từ khi có loài người, người ta đều không ai muốn chết, nếu có phải chết thì cũng phải lưu lại một cái gì. Cái nhân tính đó là muôn thuở, mà cái tính giết người của bọn phát xít mới ở Mỹ ngày nay sao mà nó hủ lậu già nua đến như vậy!
Từ thời cổ Hy Lạp, ba nghìn năm trước, người ta đã nghĩ nhiều lắm rồi. Những pho tượng tuyệt mỹ kia đã làm cho tôi tự ti như vậy. Ông thần Rượu cầm cái bát và cành nho; thần Tình Yêu tình tứ bước ra, tay che trên tay che dưới và biết bao nhiêu thứ thần Gió, thần Rừng... Những pho tượng đá tuyệt vời ấy đúng là đã biểu hiện được một đỉnh cao nhất của suy tưởng, đã đem thời gian từ ba nghìn năm trước trở lại mới mẻ, gần gũi như ngày nay.
Và mỗi bước đi cứ đem lại một suy nghĩ, một học tập... Kia là một mảng tím kỳ lạ trên bức tranh sơn dầu của Tây Ban Nha thế kỷ mười tám. Những nét mờ biến thành ảo của hội họa Hà Lan trong bút Răm-bờ-lăng. Cả một nền văn minh châu Âu đã được Cách mạng tháng Mười bảo vệ và giữ hình giữ bóng nó lại ở đây. Xem từng hiện vật của bảo tàng Ở ẩn, lòng ta chan chứa biết ơn người, khi ta nhớ lại rằng cách đây bốn mươi hai năm, đúng hai giờ sáng ngày 26 tháng mười năm 1917, bọn chính phủ phản động Kê-ren-xki vừa tan vỡ, ngay ở trong tòa lầu bên kia, thì lập tức theo lệnh của Lê-nin, những đội tự vệ đỏ tỏa chặt ngay quanh cả Cung điện Mùa Đông, trước nhất để bảo vệ cái kho tàng văn minh này cho cách mạng, cho nhân dân, cho thế giới. Lại khi ta nhớ rằng hơn hai mươi năm sau Cách mạng tháng Mười, thành phố của Lê-nin bị bọn phát xít Đức vây hãm và cố tình xông vào đập phá tất cả. Nhưng Lê-nin-grát đã hơn hai năm trời ròng rã chặn chân bọn giết người lại ở ngoài kia. Và cái kho tàng báu ngọc của văn minh thế giới này, Cách mạng vẫn giữ cho loài người được hưởng.
Tôi vẫn như con kiến giữa rừng, mới chỉ lướt xem vài bảo tàng trong số 67 cái bảo tàng và triển lãm kỳ thú của Lê-nin-grát!
Chúng tôi đương đi ngoài phố. Che trên đầu chúng tôi vẫn là những bóng tượng và bóng tường đá xanh đặc biệt của thành phố quê hương cách mạng. Tuyết xuống nhẹ nhẹ... Rạp xi-nê Ban-ti-ca bên kia bờ sông Nê-va hôm nay chiếu một phim Anh, người chen vào lấy vé đông chật cả ra đường cái. Trong một công viên gần đấy, tuyết mới xuống trắng xóa, trẻ con đi học về qua đã giỡn chơi lăn trên tuyết, nhai từng vốc tuyết mới rồi vừa ném tuyết vừa cười giòn trông như những ánh tuyết mỏng.
Chúng tôi đi tìm một tiệm ăn. “Đi tìm” - bởi vì chọn hàng ăn cũng là một thú vị đặc biệt ở các thành phố Liên Xô.
Cao lâu Xa-kat-ki mà chúng tôi tới là một cao lâu chuyên các món ăn vùng Cô-ca. Lên tận phương bắc giá lạnh này, người ta vẫn được thưởng thức món thịt cừu nướng ngon lành của phương nam ấm áp. Tôi muốn nói cái thú vị sâu sắc ấy mà không phải là những so sánh lặt vặt. Mặc dầu tôi bỉ nó coi là lặt vặt, nhưng cũng chưa hề được thấy những cái thú vị bình dị khi vào hàng ăn uống ở nước ta, nó chưa thật đúng với nghĩa của việc đi ăn là một việc vui, việc thoải mái. Còn gì thảnh thơi bằng khi trong túi có tiền thì ung dung vào một tiệm ăn, chiếm một cái bàn, người phục vụ bàn ấy đưa thực đơn tới, chúng ta gọi thức ăn, thức uống thỏa thuê cho tới khi tà tà thì đứng dậy, trả tiền, khách và người nhà hàng chào nhau rồi đi ra. Cái thói quen của việc đi ăn bình thường ấy tôi đã được gặp dễ dàng ở đây. Không, đó quả là những việc lặt vặt tối thiểu nhưng vô cùng ý vị mà trong các quán ăn ở Liên Xô, đâu cũng thế khiến người đi ăn vừa bước vào đã cảm thấy thân mật ngay. Khó lòng mà ví được, khi trông thấy những chị phục vụ bưng những khay thức ăn cả những chai, cốc trắng tinh chạy lướt trong phòng ăn rất đông, chỉ còn cách ví đó là những đóa hoa bay. Đây thực không phải là điều nhỏ nhặt, mà là một nghệ thuật điêu luyện và người ta chỉ có thể làm được những công việc điêu luyện ấy khi việc phục vụ ăn uống đã thành nghề đối với những người làm công tác ấy.
Trong các thành phố lớn ở Liên Xô, từ Mát-xcơ-va, Lê-nin-grát tới Ô-đét-xa, đều rất chú trọng làm công tác tuyên truyền giới thiệu đất nước bằng các hàng ăn uống; thật là một nghệ thuật tuyên truyền tuyệt diệu. Đúng như thế, bây giờ khách đến Mát-xcơ-va, ngoài những khách sạn và cao lâu lớn, rất lớn, như khách sạn U-cờ-ren, khách sạn Quốc-gia hay khách sạn Mát-xcơ-va, ta còn có thể ra vào nhiều hiệu cao lâu, tiệm cà phê và khiêu vũ của các nước cộng hòa trong Liên bang Xô Viết mở ngay ở Mát-xcơ-va. Các nước cộng hòa đứng ra quản lý các nơi ăn uống vui chơi ấy. Làm cho người ta chỉ vào mỗi hiệu cao lâu cũng có cái cảm tưởng như được đến chơi một nước cộng hòa, ngay ở giữa Thủ đô. Đến cao lâu A-ra-cat thì có bếp Ac-mê-ni, bạn có thể gọi những thức đặc biệt thổ sản Ac-mê-ni như uống vang và cô-nhắc nổi tiếng của đồng nho Ac-mê-ni, cao lâu A-ra-ghi có nhà bếp làm các món Giê-ooc-gi... Hàng loạt cao lâu nữa: Si-nan-đa-li, Mou-ku-gia-ni, Ti-bi-a-ni, Khơ-van Ka-ra, Vi-chi… Rồi cao lâu “Ba-ku” nấu nướng theo các món A-dec-bai-gan, cao lâu Ki-ep làm lối U-cờ-ren, cao lâu U-dơ-bê-ki-xtan, trong thực đơn bao giờ cũng ghi lên chỗ nổi nhất món thịt cừu nướng đã có tiếng thế giới. Và ngoài những hàng ăn của các nước cộng hòa trong liên bang Xô Viết, khách còn vào những hiệu ăn đặc biệt của những nước có món ăn nổi tiếng. Mời bạn vào khách sạn và cao lâu “Bá-linh”, cao lâu “Pra-ha” đã lừng tên vì món dồi thịt Tiệp Khắc, khách sạn và cao lâu “Bắc Kinh” có vịt quay và rượu Mao Đài, những thú ăn uống đã làm vinh dự cho Trung Quốc, chẳng phải đến Bắc Kinh mà ở ngay Mát-xcơ-va cũng khá dồi dào.
Thật là những cái triển lãm thú vị toàn bằng tiệm ăn và nhất định bao giờ cũng làm cho khách vào phải mê ly. Hôm ấy, ở Mát-xcơ-va, tôi đến cao lâu của nước cộng hòa U-dơ-bê-ki-xtan. Chưa bao giờ tôi đã tới U-dơ-bê-ki-xtan. Nhưng ở đây tôi uống rượu vang và ăn thịt cừu nướng, uống nước chè bằng những cái ấm màu nâu như ấm đất của đồng ruộng U-dơ-bếch; trước mặt tôi, những trang trí lối dân tộc, tai tôi nghe âm nhạc dân tộc, những người phục vụ, những khách ăn - các cụ già cũng như người trẻ, mắt hơi xếch, da ngăm đỏ, đội mũ thêu - mà khi họ khiêu vũ, tôi tưởng như nghe tiếng vỗ của thanh kiếm dài đeo bên hông. Màu sắc, người và vật phẩm của đất nước U-dơ-bê-ki-xtan đương tô một bức tranh sinh hoạt cực kỳ sinh động trước mắt tôi. Tôi chạnh nghĩ ở thủ đô Hà Nội của nước Việt Nam tiến lên xã hội chủ nghĩa chúng ta đương ngày một dồi dào phồn vinh rồi tất phải học thêm, học nhanh lấy cái lối gây không khí cho có được phong vị đáng yêu đó. Hà Nội đã có và sẽ có càng ngày càng nhiều những khách sạn những cao lâu quốc doanh, công tư hợp doanh nấu món ăn theo lối Âu, lối Á, lại cũng có những hiệu phở toàn quốc! - những hiệu thịt bò bảy món Sài Gòn, những hiệu nem nướng Sông Hương, những hiệu chả cá, chả rán, bún chả, bún riêu Hà Nội... - tất cả những tiệm ăn sang trọng, lịch sử tốt đẹp mà ở đấy rượu uống là những thứ rượu tăm cất theo công thức cổ truyền của các vùng Hà Đông, Bắc Ninh, của Quảng Nam và của Đồng Tháp Mười quê ta. Có những hiệu ăn phong phú màu sắc ấy, đất nước như tụ hội cả ở Hà Nội. Cho người cán bộ hướng dẫn của công ty du lịch Việt Nam có thể tóm tắt giới thiệu đất nước ta giàu đẹp, xinh tươi bằng cách đưa khách nước ngoài đi chơi thêm vài hiệu cao lâu ở Hà Nội!
Trong hàng ăn Ka-kat-ki ở Lê-nin-grát. Món ăn đặc biệt của hiệu này là thịt cừu nướng theo lối nướng thịt cừu tươi vùng Cô-ca nổi tiếng. Người ăn rất đông, khách vào đây đều gọi những xiên thịt cừu nướng làm đầu vị. Những người phục vụ đã già, giản dị mà trịnh trọng, dường như họ chuyên môn dọn ăn ở những kiểu cao lâu quen thuộc cho những người khách từ phương nam lên chơi Lê-nin-grát, đã hàng mấy chục năm nay rồi.
Chiều đã xế xế thì chúng tôi cũng đánh chén xong, ngà ngà ra đường. Trên thinh không, một mảng trời nhỏ, mây cuồn cuộn bay nhanh. Vừa ngớt tuyết mà trời đã hửng ngay. Nhưng, trước mặt tôi vẫn là những tường đá xanh trầm mặc, vẫn là bóng những pho tượng đội đá lực lưỡng mà cứ mỗi khi trông lên, bao giờ cũng trông thấy, chỗ nào cũng thấy. Bất giác, tôi nhớ những chuyện đã qua. Bao giờ cũng vậy, lúc vui thì người ta hay chạnh nhớ chuyện đã qua. Trong thành phố ánh sáng Lê-nin-grát bây giờ không còn đâu chút bụi của dấu vết chiến tranh tàn phá, nhưng ta cứ tưởng tượng như nếu không có Cách mạng tháng Mười và nếu trong cuộc chiến tranh chống phát xít vừa qua, nhân dân Lê-nin-grát không anh dũng chiến đấu giữ được thành phố lịch sử này thì hôm nay, ở đây sẽ như thế nào...
Lê-nin-grát vào một khoảnh khắc hoàng hôn đầu đông này đẹp một vẻ lạ kỳ. Trên sông Nê-va lặng lẽ và trang nghiêm trôi từng mảng ráng trời đỏ ửng, lẫn lộn giữa những mảng sương mù cũng cứ vùn vụt qua.
Tôi vào thăm ngôi nhà của nhà thơ Pus-kin. Nơi ở của nhà thơ lớn đã giữ nguyên thành một bảo tàng. Cái điếu hút thuốc bên chiếc ghế nằm mà Pus-kin đã tắt thở ở đấy, trên thành ghế còn vắt chiếc ghi-lê trắng mà nhà thơ đã mặc hôm đi đấu kiếm bị tử thương. Chiếc đồng hồ treo trong phòng vẫn chạy đều từ năm 1837 tới giờ, và trên bàn đọc sách của nhà thơ, vẫn ngọn nến cháy dở tắt từ đêm hôm ấy. Lúc tôi vào nhà đã gần tối, mà người vẫn đến xem đông. Người ta kính cẩn thì thầm. Tôi trông người xem, không thể đoán được những lớp người nào yêu Pus-kin: một sĩ quan hải quân, một bà nạ dòng, một cô bé học sinh và nhiều người khác nhau. Tôi không thể đoán được lớp người nào yêu Pus-kin, bởi vì tôi đã không biết rằng tất cả mọi người, mọi lớp người, mọi lứa tuổi - như những người đương tỉ mỉ xem xét từng li từng tí mọi di tích của Pus-kin trước mặt tôi đây, đều đã kính yêu nhà thơ của cố đô và của cả dân tộc Nga.
Ra khỏi nhà Pus-kin, Lê-nin-grát đã bừng sáng trong ánh đèn. Bờ kênh Rửa Mặt ngay trước cửa trông ra sông Nê-va nổi hình lên một hàng sầu đông đen sì, dài vút. Xa kia, chói lọi cái kim vàng trên tháp lầu Hải quân. Cũng như ở mọi phương trời bình yên khác, đêm nay đột nhiên trời Lê-nin-grát tạnh tuyết, mọc sao li ti. Trong trời đêm vút lên những chiếc kim vàng, những tháp vàng, những mái vàng rực rỡ của các lâu đài, cung điện - những cảnh đặc sắc riêng của Lê-nin-grát, đã thấy thì không bao giờ quên được. Và những cánh cầu khổng lồ, nửa đêm mở cất cao trên trời sông Nê-va cũng làm cho người ta nếu một lần đã thấy thì không bao giờ quên Lê-nin-grát. Buổi sáng bên sông Nê-va đẹp, chiều Lê-nin-grát ráng đỏ, đêm Lê-nin-grát vẫn biểu hiện lịch sử trong ánh sáng, đầm ấm: từng hòn đá dài viền bờ Nê-va, những tảng đá lớn sù sì xanh đen trên những tường nhà trong phố, đêm đêm trông thấy ở đâu cũng những bóng tượng đứng trầm ngâm. Lê-nin-grát khác hẳn lịch sử rực rỡ, Lê-nin-grát trầm ngâm trong kỉ niệm, hãnh diện trong kỉ niệm. Bao nhiêu kỉ niệm của lịch sử dân tộc Nga và nhiều lịch sử thế giới, Lê-nin-grát đương ôm ấp cả trong lòng.
Thơ Pus-kin đương rắc bay trong những hoa tuyết vẫn còn lơ thơ và hoa ánh sáng dài như những “chiếc kim vàng” tỏa khắp kinh thành:
Ta yêu thành phố công trình Pi-e đại đế
Nguy nga trang nhã tuyệt vời
Sông Nê-va một dòng đường bệ
Đá hoa cương phủ khắp hai bờ
Con tiện hoa đường triệu uốn muôn vòng
Trong vắt ánh tà dương
Của những đêm thơ mộng không trăng
Mỗi lần ta cầm bút
Phòng văn không dong đèn
Mà trông ra vẫn hiển hiện
Những phố lầu thênh thang và lấp lánh
Đài Hải quân vút ngọn tháp [4]
Dọc theo bờ sông Nê-va, vào giờ đây đã vắng. Rồi tuyết lại xuống. Tuyết lại xối xuống với những cơn gió đột ngột quét ở đâu đến. Tuyết xuống đã thu gọn những người chơi đêm vào trong các phố ấm. Nhưng bước tôi vẫn đếm trên bờ sông, đi ngược lên phía nhà bảo tàng Sit-môn-ny. Vâng, tôi không tiếc gì những đêm trắng của Lê-nin-grát mà thế giới biết tiếng, hằng nô nức đến thưởng thức. Mà tôi còn cảm ơn một sự tình cờ - quả là một sự tình cờ, đã cho tôi đến thành phố của Lê-nin vào những ngày, dù bây giờ đã là mấy chục năm qua, nhưng thời tiết và đất trời vẫn đầu mùa đông ấy, vẫn thay đổi, chuyển động dữ dội như khi Cách mạng tháng Mười, như những ngày Lê-nin-grát gian khổ còn bị vây hãm.
Tôi đến trước nhà bảo tàng Sit-môn-ny. Ở đấy, Lê-nin đã chỉ huy Cách mạng tháng Mười. Bốn mươi hai năm đã qua rồi mà đứng đây trước đại bản doanh của cách mạng, tôi thấy một trang phóng sự Mười ngày chấn động thế giới của Giôn Rit vẫn mở ra cảnh đêm đầu tiên của những ngày đêm sôi sục Cách mạng tháng Mười:
Trên những bậc thềm Sit-môn-ny, trong bóng đêm mát lạnh, lần đầu tiên tôi trông thấy những chiến sĩ tự vệ đỏ, họ là những người rất trẻ, mặc quần áo công nhân, đeo súng, lưỡi lê cắm đầu súng, đương đứng xúm xít và tranh luận với nhau rất hăng.
Qua mái nhà trông về phía tây, bỗng vang tiếng súng nổ: đó là tiếng súng của những chiến sĩ thủy quân đương muốn đóng liền cái cầu sông Nê-va mà bọn bạch quân đã mở cầu lên để ngăn đường không cho những toán công nhân và quân đội từ phía Vi-bo tiến sang phối hợp chiến đấu với những lực lượng cách mạng ở giữa thành phố.
Sau lưng tôi, những tòa nhà Sit-môn-ny đương rực sáng, ầm vang như một tổ ong khổng lồ...
Lê-nin có trong đó.
Sit-môn-ny đã rực sáng từ đêm ấy cho tới đêm nay và mãi mãi, như thấy Lê-nin vẫn còn trong đó. Và trong bóng đêm huyền ảo, những chiếc cầu mở trên sông Nê-va đêm nay đã mở dựng lên cho tàu thủy qua lại, dựng ngược hai cánh tay khổng lồ vào nền sáng điện đỏ rực của thành phố. Tôi tưởng đấy là những cánh tay mãnh liệt, những cánh tay của cách mạng đã vươn lên bảo vệ lịch sử, bảo vệ đời sống - như tôi đã thấy trong những ngày Lê-nin-grát này.
[1] Nhà văn tiến bộ Ý (1898 - 1958) trong Cuộc chiến tranh Thế giới, có viết nhiều phóng sự giá trị về các mặt trận phía trong châu Âu.
[2] Trong cuộc chiến tranh ái quốc chống phát xít Đức, Lê-nin-grát là một trong năm thành phố ở Liên Xô được phong tặng danh hiệu thành phố anh hùng Lê-nin-grát.
[3] Thơ của Pus-kin - Tế Hanh dịch.
[4] Thơ của Pus-kin - Nguyễn Tuân dịch.
Ký Ức Phiên Lãng Ký Ức Phiên Lãng - Tô Hoài Ký Ức Phiên Lãng