Gỗ Mun epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Zanzibar
ôi đi xe từ hướng Tây – từ Nairobi đến Kampala. Ban mai ngày chủ nhât vừa bắt đầu, con đường vắng tanh chạy qua vùng đất đồi núi gồ ghề. Trước mặt tôi ánh mặt trời tạo nên trên đường nhựa những cái hồ ánh sáng, lóng lánh, rung rinh. Khi tôi chạy đến gần, ánh sáng biến mất, mặt đường nhựa có màu xám trong một thoáng, rồi chuyển sang màu đen, nhưng chỉ một lát sau là cái hồ tiếp theo lại sáng lên và lát sau nữa – lại một cái hồ khác. Chuyến đi biến thành một cuộc đi thuyền qua xứ sở của các hồ nước sáng rực, chúng cháy lên và tắt đi trong chớp mắt như ánh đèn của những quả cầu xoay trong một sàn nhảy disco điên loạn. Hai bên đường cây cối xanh tươi um tùm, những cánh rừng bạch đàn, đồn điền mênh mông của “Tea and Bond Co.”, thấp thoáng tùng bách trong trang viên màu trắng của điền chủ người Anh. Đột nhiên từ xa, rất xa, tận cuối con đường, tôi nhìn thấy một quả cầu sáng rực, nó lớn lên rất nhanh và tiến lại gần tôi. Tôi chỉ vừa kịp dẹp vào bên lề thì một đoàn xe máy và ô tô vụt qua cạnh mình, ở giữa là một chiếc Mercedes màu đen, tôi nhìn thấy Jomo Kenyatta ngồi trong. Kenyatta hiếm khi có mặt ở văn phòng thủ tướng của mình ở Nairobi, phần lớn thời gian ông sống ở Gatundu – dinh thự riêng cách thủ đo 160 cây số. Thú tiêu khiển ưa thích của ông là xem các nhóm múa dân tộc khác nhau của Kenya, họ thường đến để làm cho vị lãnh đạo của mình qua ngày một cách dễ chịu hơn. Mặc tiếng ồn của chúng, tiếng huýt gió và tiếng hét của các vũ công, Kenyatta ngồi trên ghế, dựa vào cái gậy và chìm vào giấc ngủ. Ông chỉ tỉnh dậy khi màn biểu diễn đã kết thúc, các vũ công rón rén đi ra và im lặng buông xuôi.
Nhưng Kenyatta làm gì ở đây, lúc này? Vào buổi sáng Chủ nhật? Sao những chiếc xe của ông ta lại lao đi với tốc độ điên cuồng như thế? Phải có chuyện gì đó bất thường đã xảy ra!
Không suy nghĩ, tôi quay lại và đuổi theo đoàn xe. Mười lăm phút sau chúng tôi đã ở trong đoàn xe. Những chiếc xe chạy vào tòa nhà phủ thủ tướng – tòa nhà mười hai tầng hiện đại trên City Square ở trung tâm Nairobi; nhưng cảnh sát chặn đường và tôi phải dừng lại. Tôi còn lại một mình, trên đường phố vắng hoe, không có một ai để hỏi han. Dù sao đi nữa thì cũng không có vẻ như có chuyện đang xảy ra ở ngay Nairobi: thành phố còn đang ngái ngủ, ngày Chủ nhật vắng lặng và trễ nải.
Tôi nghĩ có lẽ nên ghé qua chỗ Felix – chắc anh ta sẽ biết được điều gì đó. Felix Naggar là sếp của văn phòng AFP (Hãng Thông tấn Pháp) tại Đông Phi. Anh sống trong biệt thự ở Ridgeways, một khu riêng biệt cực kỳ thanh lịch của Nairobi. Felix là cả một cơ quan. Anh biết tất, mạng lưới những người đưa tin của anh trải rộng từ Mozambique đến Sudan, từ Công đến Madagascar. Chính anh thì hiếm khi ra khỏi nhà. Hoặc là anh chỉ đạo đám đầu bếp của mình – anh có nhà bếp nấu ăn ngon nhất châu Phi – hoặc anh ngồi trên ghế bành trong sảnh, trước lò sưởi và đọc truyện trinh thám. Lúc nào cũng có điếu xì gà trên môi. Không bao giờ anh bỏ nó ra, ngoại trừ trong giây lát để nuốt miếng tôm hùm nướng hay thử chút kem hồ trăn. Thỉnh thoảng chuông điên thoại lại reo. Naggar nhấc ống nghe, ghi gì đó ra mẩu giấy và đi tít ra đầu nhà đằng kia, nơi các phụ tá của anh đang ngồi bên máy telex (đó là những chàng người Ấn điển trai nhất mà anh có thể tìm được ở châu Phi). Anh đọc cho họ nội dung bản tin một cách trôi chảy, liền mạch, không sửa một chữ nào. Rồi anh trở về bếp – để quấy mấy cái nồi, hoặc về trước lò sưởi – để đọc truyện trinh thám.
Bấy giờ, tôi tìm thấy anh đang ngồi trên ghế bành, như moi khi – với điếu xì gà và quyển sách trinh thám.
- Felix – tôi gọi to từ bậc cửa – có chuyện gì đó đang xảy ra, vì Kenyatta vừa quay về từ Nairobi! Rồi tôi kể anh nghe về đoàn xe chính phủ mà tôi gặp trên đường đi Uganda.
Naggar chạy đến bên điện thoại và bắt đầu gọi đi khắp nơi. Còn tôi thì bật đài lên. Đó là chiếc Zenith, đài bắt sóng huyền thoại mà tôi hằng ước mơ từ bao năm nay. Nó bắt được vài trăm kênh, thậm chí cả các đài của tàu thủy. Lúc đầu, tôi bắt được toàn những chương trình phát thanh từ các buổi thánh lễ, các bài thuyết giảng ngày Chủ nhật và tiếng nhạc đàn organ. Quảng cáo, các chương trình bằng những thứ tiếng không thể hiểu được, lời gọi của các muezzin (1). Rồi thình lình, giữa tiếng ồn và nhiễu, một giọng nói phải khó khăn lắm mới nghe thấy được xuyên qua: …chính thể chuyên chế của sultan (2) Zanzibar đã kết thúc vĩnh viễn … chính phủ của những con đỉa hút máu mà … bộ tổng tham mưu của cách mạng đã ký, đại nguyên soái…
Lại những tiếng ồn và nhiễu khác, những lời hát và nhịp điệu tuôn chảy phóng túng của nhóm Mount Kenya đang thịnh hành ở đây. Tất cả chỉ có thế, nhưng chúng tôi đã biết được điều quan trọng nhất – đảo chính ở Zanzibar! Chắc chắn nó phải xảy ra vào đêm qua. Bây giờ thì đã rõ tai sao Kenyatta phải vội vã quay về Nairobi. Cuộc nổi dậy có thể lan đến Kenya và cả Đông Phi. Nó có thể trở thành Algeria thứ hai, Congo thứ hai. Nhưng trng thời điểm đó, đối với chúng tôi – Felix và tôi – chỉ có một điều là quan trọng: đến được Zanzibar.
Chúng tôi bắt đầu từ việc gọi điện cho East African Airways. Họ nói rằng chuyến bay gần nhất đến Zanzibar sẽ cất cánh vào thứ Hai. Chúng tôi đặt chỗ. Nhưng một giờ sau, họ gọi lại báo rằng sân bay ở Zanzibar vừa bị đóng cửa và các chuyến bay đều bị hoãn. Phải làm gì đây, làm sao đến được Zanzibar? Có một chuyến bay đến Dar es Salaam vào buổi tối. Từ đó ra đảo không xa – bốn mươi cây số đường biển. Không còn lựa chọn nào khác, chúng tôi quyết định bay đến Dar và từ đó ra đảo. Trong lúc đó, số thông tín viên nước ngoài còn lại tại Nairobi đã đến nhà Felix. Chúng tôi có mười bốn người. Người Mỹ, Anh, Đức, Nga, Ý. Tất cả đều quyết định cùng bay chuyến bay này.
Ở Dar es Salaam chúng tôi đóng tại khách sạn Imperial. Khách sạn cũ kỹ có hàng hiên lớn, từ đó có thể nhìn thấy vịnh. Chiếc du thuyền màu trắng của sultan Zanzibar đang đung đưa trên mặt nước. Vị sultan trẻ tuổi – đã trốn chạy bằng chiếc du thuyền này, bỏ lại cung điện, kho báu và chiếc xe Rolls-Royce màu đỏ. Những người phục vụ trên du thuyền kể cho chúng tôi nghe về cuộc tàn sát khủng khiếp trên đảo. Người bị giết nằm la liệt khắp nơi. Máu chảy thành sông trên các đường phố. Đám tiện dân cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ, đốt nhà. Chẳng có ai thoát.
Hiện thời Zanzibar đang bị cắt đứt với thế giới. Đài phát thanh của họ thông báo hàng giờ, rằng bất cứ chiếc máy bay nào muốn hạ cánh xuống đảo cũng sẽ bị bắn hạ. Rằng họ sẽ đánh chìm tàu hay thuyền nào tiến đến gần. Họ cảnh báo như thế, chắc hẳn vì sợ bị can thiệp. Chúng tôi lắng nghe các thông cáo bắt phải liên tục chờ đợi và án binh bất động ấy. Sáng hôm sau, chúng tôi được tin các tàu quân sự của Anh sẽ đi về hướng Zanzibar. Tom, người của Reuters, xoa tay hi vọng, chắc hẳn người ta sẽ đưa anh lên tàu bằng máu bay trực thăng và anh sẽ đổ bộ xuống đảo cùng với sư đoàn lính thủy đánh bộ đầu tiên. Tất cả chúng tôi cùng nghĩ một điều: làm thế nào lên được đảo? Tôi ở trong tình cảnh tồi tệ nhất, vì không có tiền. Trong trường hợp những cuộc cách mạng, đảo chính hay chiến tranh như thế này, các hãng thông tấn lớn không tính toán chi phí. Cần bao nhiêu họ cũng chi để có được thông tin trực tiếp. Thông tín viên AP, AFP hay BBC thuê máy bay, thuê tàu thủy, mau xe ô tô chỉ để dùng trong vài giờ - tất cả, miễn sao đến được nơi xảy ra sự việc. Trong cuộc cạnh tranh này tôi không có chút cơ hội nào, tôi chỉ có thể trông mong vào thời cơ, vào một dịp may hiếm hoi.
Buổi trưa, một chiếc thuyền đánh cá bơi đến gần khách sạn. Thuyền chở đến vài nhà báo Mỹ, mặt họ đỏ lựng như tôm hùm luộc vì nắng. Buổi sáng, họ thử đi bằng chiếc thuyền này ra đảo, họ đã tới gần, nhưng người trong bờ bắt đầu bắn họ tới tấp, khiến họ phải bỏ cuộc và quay về: đường biển đã bị cắt.
Sau bữa trưa, tôi ra sân bay xem có chuyện gì đang xảy ra. Ở sảnh sân bay đầy ngập các nhà báo, hàng đống máy quay và vali nằm la liệt. Phần lớn các phóng viên đang chợp mắt trong ghế bành, những người khác uống bia trong quầy bar, đẫm mồ hôi, kiệt sức vì nóng, nhếch nhác đúng chất nhiệt đới. Chiếc máy bay đi Cairo đã cất cánh và xung quanh trở nên yên ắng. Một đàn bò đi ngang qua đường băng. Ngoài ra, chẳng có một dấu vết nào của sự sống trong khoảng không gian nóng hầm hập và chết choc này, trong cái trống rỗng không người ở tận cùng trái đất này.
Tôi đã định quay về thành phố thì bỗng nhiên Naggar xuất hiện, anh giữ tôi lại và dẫn ra bên ngoài. Anh thận trọng nhìn quanh xem có ai nghe thấy không, và mặc dù ở đó chỉ có mình chúng tôi, anh vẫn nói thầm, một cách rất bí mật, rằng anh cùng Arnold (nhà quay phim của NBC) đã thuê một chiếc máy bay nhỏ và trả tiền cho người phi công đồngý bay đến Zanzibar, nhưng họ không nhúc nhích được, vì sân bay ở đó vẫn đóng cửa. Họ vừa lên tháp điều khiển không lưu và nói chuyện được với sân bay Zanzibar, hỏi xem có bay đến được không, nhưng phía bên kia trả lời là không và dọa sẽ nổ sung.
Khi nói tất cả những điều này, Naggar rất bồn chồn, vì tôi để ý thấy anh vứt điếu xì gà vừa mới châm xong rồi lại vội vã rút điếu mới.
- Cậu nghĩ sao? – anh hỏi – có thể làm được gì?
- Đó là máy bay gì?
- Cesna – anh đáp – bốn chỗ.
- Felix – tôi nói – nếu tôi xin phép hạ cánh được, anh sẽ cho tôi đi cùng miễn phí chứ?
- Tất nhiên rồi! – anh đồng ý ngay.
- Được. Tôi cần một giờ đồng hồ.
Khi nói vậy, tôi biết là mình đang nói dóc. Nhưng sau đó hóa ra cũng không phải dóc hoàn toàn. Tôi nhảy xe và phóng vào thành phố.
Ngay chính trung tâm, ở đoạn giữa đại lộ Independence Avenue, có một tòa nhà bê tong bốn tầng được bao quanh bằng những ban công mắt cáo râm mát – New Africa Hotel. Trên mái khách sạn là một sân thượng lớn. Ở đó có quầy bar dài và vài cái ghế. Đây chính là nơi cả châu Phi ngày nay quy tụ. Những người lánh nạn, tị nạn và dân nhập cư từ khắp nơi trên châu lục gặp gỡ nhau ở đây. Bên một chiếc bàn thường có Mondlane người Mozambique, Kaunda người Zambia, Mugabe người Rhodesia ngồi. Ở một bàn khác – Karume người Zanzibar, Chisiza người Malawi, Nujoma người Namibia, v.v… Tanganyika là quốc gia độc lập đầu tiên ở vùng này, do đó người từ tất cả các thuộc địa kéo về đây.
Buổi tối, khi trời trở nên mát mẻ hơn và gió trong lành từ biển thổi vào, sân thượng đầy ngập người, họ tranh luận, lập kế hoạch hành động, tính toán lực lượng và cơ hội. Nó trở thành trung tâm tư lệnh, đài chỉ huy lâm thời. Chúng tôi, các thông tín viên, thường đến đây để lấy tin. Chúng tôi biết rõ các thủ lĩnh, biết nên ngồi xuống cạnh ai. Chúng tôi biết rằng Mondlane cởi mở và dễ tính sẽ sẵn lòng trò chuyện, còn Chisiza khép kín và bí ẩn thì thậm chí sẽ không hé môi.
Trên sân thượng luôn nghe được tiếng nhạc vọng lên từ bên dưới. Dưới đó hai tầng, ông Henryk Subotnik người Lodz (3) làm chủ hộp đêm Paradise. Khi chiến tranh nổ ra, Subotnik đang ở Liên bang Xô Viết, rồi sau đó, qua Iran, ông đến được Mombasa bằng tàu thủy. Ở đó ông bị sốt rét và thay vì gia nhập quân đội của tướng Wladyslaw Andres rồi đổ bộ lên châu Âu, ông ở lại Tanganyika.
Hộp đêm của ông lúc nào cũng đông người, chen chúc và ồn ào. Khách bị cuốn hút bởi nhan sắc của Miriam da sô cô la, vũ nữ thoát y xinh đẹp người đảo Seychelles xa xôi. Món tủ của cô là bóc và ăn chuối, theo cách đặc biệt.
- Bác Henryk – tôi hỏi ông Subotnik mà tôi vừa tình cờ gặp ở bar – bác có biết ở Zanzibar đang rối ren không?
- Tôi có biết không à? – ông ngạc nhiên. Tôi biết hết!
- Bác Henryk – tôi lại hỏi – thế bác có nghĩ là Karume đang ở đó không?
Abeid Karume là thủ lĩnh Đảng Afro-Shirazi ở Zanzibar. Mặc dù đảng này, đại diện cho dân châu Phi da đen, chiếm được đa số phiếu trong các cuộc bầu cử gần nhất, chính phủ lại do Đang Quốc gia Zanzibar – một đảng của dân thiểu số Ả Rập được London ủng hộ - thành lập. Đó chính là những gì xảy ra trên đảo hai ngày trước.
- Karume có ở đó không ư? – Subotnik phá lên cười theo cái kiểu khiến tôi biết chắc chắn một điều: anh ta đang ở đó.
Và tôi chỉ cần có thế.
Tôi quay lại sân bay. Tôi và Felix lẩn lút vừa đi vừa nấp để không ai nhìn thấy. Chúng tôi đến được tháp điều khiển không lưu. Fexlix đề nghị một người trực tại đó nối điện thoại với trạm điều khiển không lưu ở Zanzibar. Khi đầu dây bên kia có tiếng ai đó trả lời, tôi cầm lấy ống nghe và xin nói chuyện với Karume. Anh không ở gần quanh đó, nhưng anh sắp đến ngay. Tôi đặt máy và chúng tôi quyết định chờ. Mười lăm phút sau chuông điện thoại reo. Tôi nhận ra giọng nói khàn khàn và vang rền như sấm của anh. Suốt hai mươi năm trời, Karume đã đi thuyền khắp thế giới như một thủy thủ bình thường và giờ đây, ngay cả khi nói vào tai ai đó, anh cũng oang oang như đang át đi tiếng gầm gào của biển trong giông bão.
- Abeid – tôi nói – chúng tôi có một chiếc máy bay nhỏ và ba người: một người Mỹ, một người Pháp và tôi. Chúng tôi muốn bay đến chỗ các anh. Chúng tôi sẽ không viết bất cứ thứ rác rưởi nào, tôi hứa. Tôi xin thề - không một sự dối trá nào. Anh có thể làm sao để họ không bắn khi chúng tôi hạ cánh không?
Im lặng kéo dài trước khi tôi lại nghe thấy tiếng anh. Anh nói chúng tôi đã đươc phép và họ sẽ chờ ở sân bay. Chúng tôi chạy ra máy bay và giây lát sau đã ở trên không, bay trên biển. Tôi ngồi cạnh phi công, còn phía sau – Felix và Arnold. Trong ca bin im lặng bao trùm. Chắc chắn là chúng tôi vui mừng vì đã qua được vòng phong tỏa và sẽ là những người đầu tiên trên đảo, nhưng đồng thời thực sự chúng tôi cũng không biết điều gì đang chờ đợi mình.
Một mặt, kinh nghiệm dạy tôi rằng trong những hoàn cảnh khủng hoảng như thế này, tình hình nhìn từ xa có vẻ tồi tệ và nguy hiểm hơn là khi ở gần. Bởi trí tưởng tượng của chúng ta luôn thèm thuồng và tham lam hút lấy từng mẩu tin giật gân nhỏ nhất, từng tín hiệu cảnh báo yếu ớt nhất và từng chút mùi thuốc súng nhẹ nhàng nhất và ngay lập tức nhân các dấu hiệu này lên tới mức khủng khiếp, làm người ta tê liệt. Nhưng mặt khác, tất cả các cuộc bùng nổ xã hội như thế này, những thời điểm khi mặt nước sâu và yên tĩnh bắt đầu nổi bão và sôi sục, đó là thời điểm hỗn loạn toàn thể, rối ren và lộn xộn điên cuồng. Khi đó người ta có thể dễ dàng chết vì sự mất trật tự, vì nhầm lẫn, vì ai đó nghe không rõ hoặc không phát hiện ra điều gì đó kịp thời. Trong những ngày như thế, sự ngẫu nhiên trải qua những khoảng khắc lớn lao, nó trở thành ông vua và chúa tể thực thụ của lịch sử.
Mấy chục phút bay và chúng tôi tiến đến gần sân bay. Zanzibar: thành phố Ả rập cổ như một chiếc trâm cài bằng đá trắng được chạm trổ tinh xảo, xa hơn là những rừng dừa, những cây đinh hương khổng lồ cành chằng chịt và những đồng ngô, đồng sắn, tất cả được viền bằng bãi biển cát sáng lấp lánh điểm xuyết những vịn nhỏ màu xanh ngọc, nơi các cụm thuyền đánh cá đang bập bềnh đu đưa.
Khi đã gần tiếp đất, chúng tôi nhìn thấy những người có vũ trang đứng sẵn hai bên đường băng. Cảm giác nhẹ nhõm, vì họ không nhắm chúng tôi, họ không bắn. Họ có vài chục người và có thể thấy ngay là họ ăn mặc tồi tàn, cẩu thả, mình trần. Phi công cho máy bay chạy đến tòa nhà chính. Không có Karume, nhưng có những người tự giới thiệu là phụ tá của anh. Họ nói sẽ đưa chúng tôi đến khách sạn và yêu cầu máy bay đi ngay.
Chúng tôi đi trên hai chiếc xe cảnh sát vào thành phố. Đường trống trơn, thấy rất ít người, chúng tôi đi qua những ngôi nhà bị tàn phá, một cửa tiệm nhỏ bị đập vỡ và moi rỗng. Người ta vào thành phố qua một cổng thành đồ sộ và tráng lệ, ngay sau nó là bắt đầu các con phố hẹp, hẹp đến nỗi chỉ vừa lọt một thân xe ô tô. Nếu ai đó đi ngược chiều, họ phải tạt vào một cái cổng và đợi cho đến khi chúng tôi đi qua.
Nhưng trong thời điểm ấy thành phố im lìm, cánh cửa các căn nhà bị đóng chặt hoặc bị giật khỏi khung, cửa chớp sập kín. Tấm biển với hàng chữ “Maganlal Yejchand Shah” bị giật xuống, tủ kính bày hàng của cửa hiệu Noorbhai Aladin and Sons bị đập vỡ. Tương tự, cửa tiệm M.M. Bhagat and Sons, Agents for Favre Leuba-Geveva bị bỏ không và tan hoang bên cạnh.
Mấy cậu con trai chân đất đi qua, một trong số họ mang súng cạc bin.
- Đây là vấn đề của chúng tôi – một người dẫn đường nói. Anh ta tên là Ali. Anh từng làm việc ở đồng điền đinh hương. Chúng tôi chỉ có mấy chục khẩu cạc bin cũ lấy được từ cảnh sát. Rất ít súng máy. Vũ khí chính là rựa, dao, dùi cui, gậy, rìu, búa. Mà tự các anh sẽ thấy.
Chúng tôi nhận phòng trong khách sạn Zanzibar Hotel ở khu Ả rập đã bị bỏ hoang. Ngôi nhà được xây sao cho luôn luôn mát mẻ và râm mát. Chúng tôi ngồi xuống bên quầy bar để thở lấy sức. Những người không quen lại gần để nhìn và chào hỏi chúng tôi. Đột nhiên, một bà cụ nhanh nhẹn và nhỏ nhắn bước vào. Bà bắt đầu hỏi chúng tôi: làm gì ở đây, đến để làm gì, từ đâu đến? Khi bà đến chỗ tôi và tôi nói cho bà biết mình là người nước nào, ngừng lại, rồi bắt đầu đọc một mạch:
Khoảng rừng thưa long lanh ban sớm.
Thinh lặng mơn man ve vuốt dáng cây gầy
Run rẩy tan trong xào xạc lá cây
Làn gió thoảng khẽ nghiêng nhành cỏ nội.
Naggar, Arnold, đoàn hộ tống chúng tôi, tất cả những quân nhân chân đất đã kịp tràn ngập trong sảnh khách sạn lúc đó lặng đi vì ngạc nhiên.
Yên tĩnh quá, ngọt ngào dâng muôn lối
Lạ kỳ sao thế giới khắp xung quanh,
Như qua đây em vừa dạo gót thanh,
Nơi cỏ biếc vừa nhẹ vương tà áo.
- Staff? – tôi phân vân hỏi
- Tất nhiên là Staff rồi. Leopold Staff (4)! – bà trả lời đắc thắng – tôi là Helena Trembecka, đến từ Podole (5). Tôi có một khách sạn ở bên cạnh. Khách sạn Pigalle. Mời anh đến. Anh sẽ gặp Karume và tất cả các quân của anh ấy ở đấy, vì tôi phục vụ bia miễn phí!
Chuyện gì đã xảy ra ở Zanzibar? Tại sao chúng tôi lại ở đây, trong khách sạn, bị mấy kẻ quá khích chân đất mang rựa canh giữ? (Thực ra thủ lĩnh của họ cũng có súng cạc bin, nhưng tôi không chắc trong súng có đạn).
Nếu ai đó xem bản đồ chi tiết của châu Phi một cách kỹ càng, anh ta sẽ nhận thấy châu lục này được rất nhiều đảo bao quanh. Một số đảo nhỏ đến mức chỉ có trên các bản đồ hàng hải chuyên dụng, nhưng có những đảo khác đủ lớn để xuất hiện trên các bản đồ thông thường. Bên phía Tây của châu lục có Dzalita và Kerkenna, Lampione và Lampedusa, quần đảo Canary và Cape Verde, Goree và Fernando Po, Principe và São Tome, Tristan da Cunha và Annobon; còn phía Đông là Shaduan và Gifatun, Suakin và Dahlak, Socotra, Pemba và Zanzibar, Mafia và quần đảo Amirante, Comoros, Madagascar và quần đảo Mascarene. Trên thực tế các đảo này nhiều hơn rất nhiều, có thể kể đến hàng chục, nếu không nói là hàng trăm, bởi nhiều đảo trong số đó tách ra thành cả quần đảo, những đảo khác được bao bọc bới thế giới kỳ dị của những lớp san hô và các bãi cạn mịn cát, thế giới chỉ vào những lúc chiều xuống mới phô bày cho chúng ta toàn bộ sự phong nhiêu đến lóa mắt của màu sắc và hình dạng. Các hòn đảo và mỏm đất này nhiều đến mức người ta có thể tưởng tượng rằng khi tạo ra châu Phi, công việc dường như bị ngắt quãng, bị bỏ dở. Lục địa ta thấy được rõ ràng ngày nay chỉ là phần nổi lên của châu Phi địa chất mà phần còn lại vẫn nằm dưới đáy biển và các hòn đảo kia chính là những đỉnh chop của nó nổi lên khỏi mặt nước.
Hiện tượng địa chất này có các hệ quả lịch sử của nó. Bởi vì từ xa xưa châu Phi đã vừa là nỗi kinh hoàng, vừa là sự cám dỗ. Một mặt, nó khiến những kẻ ngoại bang sợ hãi, nó còn chưa được thám hiểm và chưa bị chinh phục. Hàng thế kỷ, nội địa châu Phi được phòng thủ hữu hiệu nhờ khí hậu nhiệt đới nặng nề, những căn bệnh chết người xưa kia là vô phương cứu chữa (sốt rét, đậu mùa, bệnh ngủ lịm, bệnh phong, v.v…), không có đường sá và giao thông, cũng như sự kháng cự dữ dội thường gặp của người dân ở đây. Sự bất khả xâm phạm này sinh ra huyền thoại về sự bí ẩn của châu Phi: Tâm bóng tối của Conrad đã bắt đầu từ bờ biển ngập nắng của lục địa, ngay khi người ta bước từ thuyền lên bờ.
Nhưng đồng thời châu Phi cũng quyến rũ, lôi cuốn bằng giấc mơ chiến lợi phẩm dồi dào và những đồ cướp bóc nhiều vô kể.
Ai lên đường tiến vào bờ biển châu Phi, người đó đã tham gia một cuộc dạo chơi mạo hiểm nhất, cuộc chơi quyết định, sống còn: vào nửa đầu thế kỷ XIX vẫn còn hơn một nửa người châu Âu đến đây chết vì sốt rét, nhưng đồng thời nhiều người trong số những kẻ sống sót đã trở về như chủ nhân của những gia tài bất ngờ và kếch sù: những đống vàng, ngà voi và trước hết là nô lệ da đen.
Và ở đây, chính hàng tá đảo rải rác ven bờ biển lục địa đã trợ giúp các thủy thủ, thương gia và đám kẻ cướp quốc tế. Chúng trở thành các điểm thả neo, bến tàu, thương điếm. Trước hết, chúng rất an toàn: chúng nằm đủ xa để người châu Phi không thể bơi tới được trên những chiếc xuồng mộc ọp ẹp đục từ thân cây, nhưng cũng đủ gần để thiết lập và duy trì giao dịch với đất liền.
Vài trò của các đảo này đặc biệt lớn mạnh trong thời kỳ buôn bán nô lệ - nhiều đảo trong số chúng biến thành các trại tập trung nô lệ được đưa tới để chờ tàu chở họ sang châu Mỹ, châu Âu và châu Á.
Việc buôn bán nô lệ kéo dài bốn trăm năm, bắt đầu từ giữa thế kỳ XV, còn kết thúc khi nào? Chính thức – là vào nửa sau thế kỳ XIX, nhưng cũng có các trường hợp muộn hơn, ví dụ ở Bắc Nigeria, tới mãi tận năm 1936. Thương nghiệp này chiếm vị trí trung tâm trong lịch sử châu Phi. Hàng triệu (người ta ước tính khác nhau, từ 15 đến 30 triệu người) bị bắt và chuyên chở trong các điều kiện kinh khủng qua Đại Tây Dương. Ước tính rằng trong các chuyến đi ấy (kéo dài từ hai đến ba tháng) gần một nửa số nô lệ đã chết vì đói, ngạt và khát, đôi khi cả tàu chết hết. Những người sống sót sau này sẽ làm việc tại các đồn điền mía và bông ở Braxin, vùng Caribe, ở Mỹ, xây dựng sự phồn vinh cho bán cầu này. Những kẻ buôn nô lệ (chủ yếu là người Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Mỹ, Ả rập và các cộng sự người châu Phi của họ) đã làm sụt giảm dân số chây lục và kết cho giới thực vật bản án phải rơi vào tình trạng ngủ quên: đến tận ngày nay nhiều dải đất vẫn còn hoang vắng và biến thành sa mạc. Cho đến bây giờ, châu Phi vẫn chưa gượng dậy được từ nỗi bất hạnh này, từ cơn ác mộng này.
Nhưng việc buôn bán nô lệ còn gây ra những hậu quả tâm lý thảm khốc khác nữa. Nó đã đầu độc mối quan hệ giữa người với người trong các cư dân châu Phi, nó lan truyền lòng hận thù, khích động chiến tranh. Những kẻ mạnh hơn cố gắng khuất phục kẻ yếu và bán họ ngoài chợ, các ông vua buôn bán thần dân, những kẻ chiến thắng buôn bán tù binh, các tòa án buôn bán những kẻ bị kết tội.
Và thương nghiệp này để lại trong tâm thức người châu Phi một vết thương lâu bền và có lẽ là sâu nhất và đau đớn nhất – mặc cảm về sự thấp kém: tôi, người da đen, có nghĩa là người mà gã lái buôn da trắng, kẻ chiếm đóng, kẻ tra tấn có thể bắt cóc từ nhà hay từ cánh đồng, xích lại, lùa lên tàu, bày bán, sau đó quất roi thúc làm các công việc cực nhọc khủng khiếp.
Tư tưởng của những kẻ buôn bán nô lệ là quan điểm rằng người da đen không phải là con người, rằng nhân loại phân chia ra thành người và dưới – người, và rằng với loại thứ hai người ta có thể làm tất cả những gì mình muốn, tốt nhất là lợi dụng sức lao động của họ, sau đó trừ khử họ. Nhưng cuốn sổ và ghi chép của các gã lái buôn này phơi bày ra (dù là trong hình thức cổ sơ) toàn bộ tư tưởng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa chuyên chế về sau, với luận điểm cốt lõi rằng Người Khác là kẻ thù, hơn thế nữa – là không-phải-con-người. Toàn bộ triết lý của sự khinh miệt đầy ám ảnh và của hận thù, của sự đê hèn và tàn bạo này, trước khi truyền cảm hứng cho việc xây dựng Kolyma (5) và Auschwitz (6), đã được hình thành và ghi lại từ hàng thế kỷ trước bởi các thuyền trưởng của những con tàu Martha và Progresso, Mary Ann hay Rainbow trong ca bin của chúng, khi họ nhìn những rừng cọ và bãi biển ngập nắng qua cửa sổ trong khi chờ bốc những đợt hàng nô lệ da đen tiếp theo lên con tàu đang thả neo trên các đảo Sherbro, Kwale hay Zanzibar.
Chú thích:
1. Các thầy tu báo giờ gọi các tín đồ Hồi giáo đi cầu nguyện
2. Tước hiệu chỉ định nhà vua được dùng ở các xứ nơi Hồi giáo là quốc đạo.
3. Một thành phố của Ba Lan
4: Leopold Staff (1878-1957): nhà thơ, dịch giả và nhà văn viết tiểu luận người Ba Lan
5. Một vùng đất lịch sử, nay thuộc Ukraine
6. tên gọi không chính thức của nhóm trại tù lao động khổ sai (các gulag) nằm ở Đông Bắc Liên Xô cũ
7. Trại tập trung lớn nhất của Đức Quốc xã, nằm trên lãnh thổ Ba Lan.
Gỗ Mun Gỗ Mun - Ryszard Kapuściński Gỗ Mun