Chương 10
ám Không bảo:
- Tao phải đổi tên.
- Sao vậy?
- Tên “Không” đi khai thác tài liệu cũng như không.
- Vậy đổi lại là gì?
- Tám Hữu. “Hữu” là có! Từ rày mày gọi tao là “Tám Hữu” nghe!
- Mày nhớ mấy cái kịch ôn binh của thằng Nguyễn Vũ và kịch “Giáo Sư Hoàng” của Bửu Tiến diễn ở nhà hát lớn Hà Nội không? Tụi nó chỉ bịa chớ có đéo gì. Ở ngoài đó còn bịa được huống gì mình đã vô tới đây. Úm ba la, ba ta cùng bịa!
Sau đó chúng tôi gặp thêm vài nhân vật có hụ hợ Đồng Khởi trong đó Ba Đào tỉnh đội trưởng có chân trong tỉnh ủy trước kia là cán bộ thông tin quận Thạnh Phú dưới quyền của Ba Thơ. Ba Đào và Hai Trung, sau này hục hặc tranh
giành ghế bí thư tỉnh ủy, “Chị Ba Đ” thay mặt giải quyết không ổn nên đưa Mười Kỷ vô Trung Ương, làm cả hai ngóng mỏ.
Ở văn phòng tỉnh đội của Ba Đào tôi gặp Bùi Thanh Khiết gốc thầy giáo xóm, đã từng sang Liên Xô học chính trị xã hội học cùng với Rúm Bảo Việt học đạo đức học.
Khiết có vợ có con nhưng không mang vợ con đi tập kết. Ra Bắc léng phéng với vợ người ta nên bị kỷ luật tống về Nam cho làm Huấn Học trong Bộ Chỉ Huy Giải Phóng của Trần Độ. Khiết có tài mọp và bợ, ngoài ra không có gì khác. Khi hắn làm Trưởng Phòng Chính Trị miền Tây thì tôi và Sơn Nam Phạm Anh Tài ở dưới quyền của hắn. Mỗi khi hắn đi lãnh chỉ thị lệnh về, hắn đọc nguyên không dám nói ngoài lề một tiếng.
Ở R với cấp bậc Trung Tá, y sợ đám tướng đầu bò Miền Bắc như sợ cọp. Bây giờ bị tống xuống đây nghe nói lãnh được chức Phó Chánh ủy Quân Khu 8 cũ do Lê Quốc Sản làm Tư Lệnh. Đến lúc Sản bị trực thăng bắn chết ở Đồng Tháp Mười, Khiết sợ quá chạy tọt xuống Bến Tre núp bóng dừa xanh để sống sót. Lúc đó, như tôi kể ở trên kia, Mỹ Tho không còn đất sống cho Quân Giải Phóng.
Ba Đào chỉ cho tôi được có một chi tiết: Hồi 1960 anh ta và chị Ba Định bị đuổi chạy không có nhà ở phải ra tận rừng Bến Giồng Cui thuộc xã Tân Trung bên mé sông Cái Hàm Lưông ẩn trốn. Đêm ngủ “bên nhau”, gối đầu lên trái dừa chuột khoét trong đó có con rít. Nó kẹp chị Ba sưng lỗ tai. Chỉ có thế. Hắn bảo tôi đi gặp bà Định để hỏi thêm. Hắn đãi tôi một bữa cơm. Bùi Thanh Khiết nói chuyện qua loa rồi tôi rút lui.
Vài hôm sau tôi gặp chị Sáu Nết, cũng là tỉnh ủy viên, phụ trách Hội Phụ Nữ Giải Phóng Tỉnh. Tôi tưởng sẽ được nhiều tài liệu về “đội quân đầu tóc” của chị, nhưng rốt cuộc chị lại đổ cho người khác “biết vụ đó nhiều hơn tôi”. Thầy đổ bóng, bóng lại đổ thầy.
Tôi phải lội lên An Thành một xã gần sát thị trấn Mõ Cày. Cơ quan của Phụ Nữ Giải Phóng đóng trong nhà một ông Nông Dân. Các xã vùng quanh đều nghe tiếng ông Nông Dân này. Vì nhà ông ai muốn tới thì tới, muốn đi thì đi ra vào không cần cho chủ nhà biết. Ông phục vụ Cách Mạng hết mình. Có đứa con gái cưng không cho đi cán bộ, cứ giữ riệt ở nhà vì sợ cô bé mang cái “bị” về. Sợ vậy nhưng cũng không khỏi. Ở nhà mà vẫn mang “bị” như thường. Đứa nhỏ đẹp lắm nhưng ông Nông Dân không biết cha nó là ai. Các bà Giải Phóng có vẻ lơ là không muốn nhắc chuyện “đấu tranh chánh trị” nhất là chuyện mấy bà bị lính cắt tóc (?). Mãi tôi mới tìm được một nhân chứng. Bà này bảo là sư thực thì không có ai bị cắt tóc vì không có cuộc “đấu tranh chánh trị” nào hết. Tôi mới vỡ lẽ ra. Cũng như bao nhiêu chuyện khác, đều do đài Hà Nội la ồm ồm mà ra cả. Nào chuyện Hội Văn Nghệ Giải Phóng họp đại hội văn nghệ toàn miền phát phần thưởng Cửu Long, nào chuyện ba phần tư, bốn phần năm đất đai và dân số giải phóng. Bây giờ tới chuyện súng Ngựa Trời và đạo Quân Đầu Tóc! Đài Hà Nội tài thật.
Tôi bèn nhờ liên lạc dắt tôi đến nhà Nữ Anh Hùng Tạ Thị Kiều, để tìm hiểu chiến thuật cướp hai, ba cái lô cốt chỉ bằng một con khỉ. Tôi đã gặp vị nữ anh hùng này ở Hà Nội và đã viết truyện Lửa Quê Hương. Nay về tận gốc thì chắc sưu tầm tài liệu càng phong phú lắm nên tôi đến tận nhà của cô. Gặp ông già bệnh tê liệt nằm giữa chòi. Vài bác nông dân trong xóm thấy người lạ đến thì xúm tới. Nhơn dịp tôi hỏi thăm về việc “dùng khi lấy bót của cô Kiều”. Bà con đều ngơ ngác không hiểu đó là chuyện gì. Nhưng tôi hiểu ngay đó là chuyện gì. Nên không hỏi nữa. Vì tôi biết rằng tất cả mọi anh hùng quân đội đều xuất thân từ một lò: Phòng Thi Đua Tổng Cục Chính Trị Bộ Tổng Tư Lệnh Hà Nội. Cái phòng này chuyên môn “bồi” công cho các anh hùng theo phương pháp rất duy vật là “ít xít ra nhiều”, biến “không thành có”. Nữ anh hùng Tạ Thị Kiều được một Thiếu Tá tên Hòa gốc Nam Kỳ “bồi” ngày đêm trước khi cô nàng ra mắt Bác. Bác Hồ lại “bồi” tiếp cho vài nhát nữa, cho nên cô trở thành anh hùng của Đồng Khởi Bến Tre, ngọn cờ đầu của Miền Nam! Một “nữ anh hùng” có lẽ chỉ thua hai Bà Trưng tí tẹo.
Một nét duy nhất tôi tìm được nơi quê hương của người “nữ anh hùng” này là con khỉ già ngồi chong ngóc bên góc
hè, không ai ngó ngàng tới. Tội nghiệp con vật không biết mình bị cưỡng bức đi vào lịch sử Đồng Khởi cùng với nữ chủ nhân hồi nào. Còn bót đồn? Vùng này từ xưa tới nay lính Sài gòn coi như là đất chó ăn đá gà ăn muối và không quan trọng về mặt quân sự nên không hề phí công phí sức cho một sự canh giữ nào.
Sau một vòng đi tìm “tài liệu”, tôi quay về gặp Tám Hữu (tức Tám Không vừa cải tên). Hữu cũng đi tìm. Hai đứa bổ sung cho nhau rồi mạnh ai nấy “sáng tác”.
Tám Hữu ghét tên cá rô cây Nguyên Vũ lắm. Hắn viết ngôn ngữ Nam Kỳ pha chè: Tố Hữu nào biết đấy là đâu, nhưng vở nào hắn rặn ra cũng được diễn ở nhà hát lớn Hà Lội.. Phen này Tám Hữu quyết vượt qua Nguyên Vũ. Tám Hữu làm luôn một loạt kịch ngắn diễn liên tục cả đêm, “để trả thù “.. Từ trong Nam gởi ra Hà Nội các vở sẽ được Hội Văn Học Nghệ Thuật của lão Đặng đón chào nhiệt liệt coi như công lao của đảng lãnh đạo. Kế đó là tên Bảo Định Giang chộp lấy “nâng niu” cho đánh máy, rồi len vô ngõ sau đem trình cho Tố Hữu. Nhất định Tố Hữu sẽ khen nức nở và cho diễn ở nhà hát nhớn. Hoài vọng của Tám Hữu rất to, nhưng đụng tình trạng khan tài liệu, hai đứa bàn với nhau là sẽ bịa trăm phần trăm.
Tôi sẽ sáng chế một loạt truyện ngắn, bút ký và một truyện dài về Đồng Khởi, còn soạn giả Tám Hữu thì dựng một vở kịch năm màn tên là “Quê Hương Vùng Lên”. Tám Hữu tìm một cái nhà ở gần chú Nhứt để khi cần thì đến tôi hoặc để tôi đến hắn bàn bạc “úm ba la hai ta cùng phịa”. Truyện đầu tiên của tôi là “Vũ Khí Mới”. Trong đó tôi mô tả con ngựa trời khạc ra lửa, giặc Mỹ chạy bò càn đứa đạp chông ba lá, đứa lọt hầm chông. Một tên Mỹ được chở về nhà thương, đang nằm trên giương bỗng nhiên hắn kêu rú lên rồi chết. Tại sao? Vì nhiễm độc chông ba lá có tẩm thuốc chế bằng cứt heo, nước đái trâu và cả chục thứ đồ ô uế khác Tôi đưa cho Ban Tuyên Huấn đánh máy cẩn thận, bỏ một bổn vô thùng đại liên coi như chiến công thứ nhất của nhà văn xứ Đồng Khởi.
Sau đó, nhà văn bèn thừa thắng xông lên, phịa luôn một “truyện vừa” lấy tên là “Tóc”. Đại khái là một cuộc đấu tranh chánh trị có tổ chức lãnh đạo rất chặt chẽ. Những cốt cán nào sẽ ra đương đầu với lính, đội nào sẽ bao vây xe tăng, đội nào xung phong, đội nào tiếp ứng. Bộ chỉ huy đặt ở đâu. Nếu tình thế thuận lợi thì sẽ đưa yêu sách gì, còn gặp bất trắc sẽ rút lui cách nào v.v…
Đạo quân kéo vào dinh quận, tôi mô tả y chang dinh quận Mỏ Cày là nơi rất quen thuộc thuở tôi còn là học trò. Tôi “cho” lính ra ngăn cản. Đạo quân hiên ngang tiến vào. Dinh quận phải đóng cửa, đạo quân đầu tóc làm hung, xe tăng trên tỉnh tiếp viện. Lính bắt loa kêu gọi. Chị em ta không nghe cứ ào ào xung phong. Lính bắt một số chị em cắt hết tóc rồi thả ra. Các chị em ta không chịu thua. Lính làm tới xúc chị em bỏ lên xe cây chạy chục cây số tống xuống cho chị em “tập thể dục” cặp giò cho biết mặt. Số chị em khác thì đưa ngực ra bịt họng ca-nông v.v… Cuối cùng lính thua phải nhận yêu sách: “Không được bắn cà-nông vào làng nữa.” Cuộc đấu tranh hoàn toàn thắng lợi. Chị em ra về phấn khởi một trăm phần trăm và họp bàn tổ chức cuộc đấu tranh sắp tới. Đó là tóm tắt truyện “Tóc” của Xuân Vũ năm 1965 (?).
Ở ngoài Bắc có ông nghị sĩ Quốc Hội tỉnh Tân An là Huỳnh Văn Gấm. Ông ta là họa sĩ, nhân nghe Tố Hữu báo cáo về tình hình đấu tranh chính trị (ba mũi giáp công gồm có mũi chánh trị) thì ông họa sĩ kiêm nghị sĩ hoặc nghị sĩ kiêm họa sĩ cũng thế, bèn sáng tác một bức tranh sơn dầu “Trái Tim Và Lòng Súng” vẽ một người phụ nữ đứng giăng tay ra trước họng cà-nông. Lúc tôi xem bức tranh này trưng bày ở Phố Tràng Tiền Hà Nội, tôi cũng khoái quá chừng. Tôi khâm phục phụ nữ miền Nam anh dũng lẫn tài năng của họa sĩ.
Nhưng bây giờ về trong Nam, tận gốc của cái làng anh dũng” kia thì tôi mắc cỡ quá chừng. Ba cái vụ đó chỉ có trên đài Hà Nội và trên môi của thi sĩ họ Tố thôi. Mặc dù mắc cỡ, tôi vẫn cố sáng tác một cái tiểu thuyết lấy tên Đồng Khởi gồm ba mươi chương. Tôi vơ vét vốn liếng từ thời kháng Pháp và tài liệu của báo Nhân Dân nhồi lại với những gì tôi thu lượm được trong cuộc săn lùng tài liệu vừa qua. Đồng thời với quyển tiểu thuyết, tôi viết những bút ký hoặc truyện ngắn gởi cấp tốc ra Bắc. Tôi còn nhớ một cái truyện ngắn được ngoài đó khen dữ, sau này khi về R tôi được một cậu ở Viện Văn Học, cho biết như trên. Truyện đó có tên là “Chú Cua Đồng, Chị ốc Bưu và Cô Đỉa Mén”. Mô tả một anh lính Mỹ sa lầy ở miền Nam bị cua kẹp, đỉa đeo và ốc bám chân. Anh ta loay hoay bắt, gỡ, né tránh, cuối cùng bị du kích “bùm”.
Cái thùng đạn đại liên của tôi đầy dần, rồi đầy ắp khi tôi trao cho Ban Công Tác Thành của Trần Bạch Đằng đem về R. Nếu in ra thì gồm có ba, bốn chục truyện ngắn, ba truyện vừa, một tiểu thuyết, một tập thơ song thất lục bát và bút ký rời, có thể lên tới hai ngàn trang. Vậy mà tôi quyết định vứt bỏ và về Sài Gòn, viết lại trang sách đầu tiên của một đời cầm bút: “Đường Đi Không Đến”.
Nhà chú Nhứt là nơi tôi đóng đô lâu nhất. Tôi cứ thả đi tìm tài liệu vùng quanh rồi về ngồi ở đó viết. Tên Nhái bén không dám “đuổi” hai ông “Rờ” nữa mà thụt luôn vì lời hăm của Tám Không.
Lúc ở Hà Nội tôi được đọc bản thảo thơ và truyện của Anh Đức, Trần Hiếu Minh, Nguyễn Thi, Giang Nam, Thanh Hải, Băng Tâm, Thủy Thủ, Lý Văn Sâm, Trang Thế Hy… Sự thực về kỹ thuật tôi chỉ thấy thích truyện “Thơm Râu Rồng” của Trang Thế Hy thôi còn mấy anh chàng khác thì viết xổi còn về kỹ thuật thì không mấy cao tay.
Cái Hòn Đất của Anh Đức cũng như cái Đất Nước Đứng Lên của Nguyễn Ngọc trước kia được coi như hai tác phẩm hàng đầu của văn học xã hội chủ nghĩa. Công bình mà nói thì tác giả rất giỏi ở cái lập trường. Hòn Đất rất phiến diện, còn Đất Nước Đứng Lên thì như một thằng ngố biết đi biết nói. Cả hai đều không có sức hấp dẫn vì không có nghệ thuật. Đến nay đâu có ai nhắc tới, tác phẩm lẫn tác giả, kể cả Tố Hữu.
Nhưng thôi, đó là chuyện của xã hội chủ nghĩa không phải của tôi. Xin cho qua. ớ đây lâu lâu bị chụp dù một phát. Lần đầu tiên tôi thật khiếp đảm. Khi còn ở trên lưng Trường Sơn tôi đã từng nghe cán bộ người Nam trên đường ra Bắc thăm Bác kể sơ sơ về các chiến thuật trực thăng vận mà rởn óc rùng mình, nào “Phượng Hoàng vồ mồi”, nào “Bủa lưới phónglao” v.v… Bây giờ tôi mới thấy thực tế..
Một lần, sau khi chạy lấy thân về, ngồi ở bờ ruộng nghỉ xả hơi, nhìn ra ngã tư Cái Quao tôi thiệt hoảng kinh hồn vía. Mỹ chụp luôn cả ban đêm. Từ Mỏ Cày ca-nông bắn nát vùng đất này chừng hai mươi phút rồi Dakota bay quanh thả pháo sáng, in như ban ngày. Kế đó là trực thăng đổ quân trong lúc ca-nông vẫn tiếp tục làm một vòng vây lửa chung quanh vùng đất hành quân.
Trong vòng nửa tiếng đồng hồ chúng rút gọn. Trong thời gian chúng lục soát mọi người không thể thoát ngoại trừ có hầm bí mật, nhưng không ai dám làm hầm bí mật ở vùng ngã tư Cái Quao. Chúng đã tóm được một ông bự. Tỉnh Ủy và địa phương ém nhẹm nên không ai biết rõ ông bự đó là ai nhưng trong hàng cán bộ thì xậm xịt với nhau, còn dân chúng thì đồn rằng một bầy đại tá trung tá ở ngoài Bắc đi tàu ngầm vào cặp bãi Cồn Chim ở Thạch Phú lội bộ về R. Vừa tới đây thì bị chụp. Tin này có lý, vì tại Hà Nội coi Bến Tre là bến đổ vũ khí và nhân sự. Chúng cứ đi liều, còn sống sót được bao nhiêu quý bao nhiêu, mất bao nhiêu trối kệ. Dòng họ gì mà xót thương.
Sáng hôm sau dân chúng tản ra thành hết. Nhiều người ở lại lượm được vô số dù pháo sáng đem bán cho cán bộ may mùng. Dù pháo sáng chỉ toàn màu trắng chớ không rằn ri như dù của quân nhảy dù. Tôi cũng tìm mua được một chiếc sau này về R trước khi ra Sài Gòn mới bỏ. Cán bộ nhìn thấy bãi chiến mà kinh tâm tán đốm. Chẳng may mà lọt vào “màn lưới” thì bị “phượng hoàng vồ” chớ không phương gì thoát...
Đám tướng Hà Nội, sau trận Ấp Bắc tưởng là quân Mỹ dễ xơi như quân Pháp..Me xừ Giáp có thể ngồi trong hầmvới cố vấn Trần Canh vừa nhẩm xà vừa bàn mưu tấn công Điện Biên Phủ nên cứ nhắm mắt xúi quân giải phóng và dân chúng miền Nam thừa thắng xông lên đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào. Đám tập kết cũng hồ hỡi hăm hở hăng hái về giải phóng miền Nam. Ba tư lệnh Khu 7, Khu 8 và Khu 9 về tới nơi chưa đấm đá gì được thì đã “rửa chân leo lên bàn thờ”. Đó là Nguyễn Văn Bảo (anh ruột Nguyễn Hộ), Lê Quốc Sản, Nguyễn Hoài Pho. Cả đám thay tên đổi họ mặc đồ bà ba đen, lưng giắt K54, nhưng cũng không khỏi bị Phượng Hoàng vồ.
Vùng tôi đang “bám trụ” là giữa quận Mỏ Cày và là cái rốn của đám đầu tỉnh. Trong thời kháng chiến đây cũng là trung tâm văn hóa của tỉnh. Nếu so sánh hai vùng giải phóng thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ thì chống Mỹ là một mảnh da lừa đang teo sắp sửa biến mất. Các cơ quan của tỉnh thời trước to lớn và phong phú gấp một ngàn lần bây giờ. Cơ quan di chuyển lớp đi bộ lớp đi ghe như một gánh hát cải lương. Ông “kép già ” Mười Huệ chủ tịch tỉnh, râu bạc đội nón mây của người Tiều làm rẫy, tay chống gậy đi đầu. Sau lưng ông nào là Đoàn Trưởng Thanh Niên, Nông Dân, Phụ Nữ, Thiếu Nhi Cứu Quốc, Văn Phòng, Giao Liên, Tuyên Truyền, nhà báo (hồi đổ tỉnh có riêng tờ báo lấy tên là Hi Sinh do ông Hồ Văn Thoại làm chủ nhiệm).
Nam thanh nữ tú áo hồng áo tía kéo nhau đi thành đoàn. Vừa đi vừa hò hét, ai thấy cũng muốn đi theo. Nhưng vấn đề tôi quan trọng nhất là TRÍ THỨC. Hồi thời đó rất đông trí thức tham gia cách mạng. Ông Đốc Thỉnh, ông Đốc Huệ, ông Đốc Thế, thầy Ngọc, thầy Hữu, thầy Chín, thầy Viễn, thầy Báu. Rất đông cán bộ có bằng cấp Tú Tài, Thành Chung. Phật Giáo, Công Giáo, Cao Đài (không có Hòa Hảo) đều có mặt. Cỡ lóc nhóc như tôi thì ôi thôi thôi thiếu chi… Nên nhớ rằng hồi đó đảng còn núp ló sau lưng các đoàn thể, chưa đám lòi mặt.
Còn bây giờ? Tỉnh ủy độc tài một mình một chợ cho nên không có ai theo. Đặc biệt không có trí thức và tôn giáo. Tỉnh ủy toàn là một đám bần cố hỉ. Chúng chia nhau “lãnh đạo” các đoàn thể. Nhưng đoàn thể thì chỉ có cái đầu còn mình thì không. Cả bọn trốn chui trốn nhủi. Đi tới đâu dân chúng chạy tránh như sợ bịnh dịch. Ngày trước cơ quan bộ đội đi đâu được dân chúng chào đón, nhường cho đóng trong nhà, gà vịt heo bò đãi đằng nồng nhiệt. Bây giờ cơ quan ở nhà hoang, bộ đội lủi ngoài rừng.
Tôi nhập gia thì phải tùy tục. Ăn ở phải giống y như địa phương. Sáng sớm thức dậy nấu cơm ăn bỏ bụng, ba lô, thùng sắt sẵn sàng gọn ghẽ. Hễ nghe có dấu hiệu “chụp” thì đem cái thùng tác phẩm đạp lút xuống mương và mang ba-lô tẩu như phi. Về sau thấy chiếc ba lô nặng quá, chạy đua với trực thăng không xuể, nên tôi nhờ mua thùng sắt đạn 37 ly, to gấp đôi thùng đạn đại liên. Tôi dồn radio, quần áo võng ni-lông vô đó luôn. Trước khi dông, đem đạp xuống bùn để nhẹ mình.
Một buổi sáng, tôi vừa thức dậy đã nghe tiếng con đầm già mang guốc từ Mỏ Cày rè rè bay xuống. Chú Nhứt nói:
- Nó “cầm đèn” soi thì nguy rồi cậu.
Con đầm già mang guốc mà lại cầm đèn. Tức là trời chưa sáng hẳn. Máy bay do thám L19 còn chớp đèn đỏ.
Nhanh như chớp, chú Nhứt nhảy xuống xuồng kêu:
- Cậu Hai, cậu Tám, đi!
- Đi đâu?
Chú Nhìn trỏ con đầm già. Nó vừa đến Tân Trung, tức là giáp ranh Hương Mỹ thì quay lại. Chú nói:
- Nó chụp vùng này.
- Sao chú biết?
- Mau lên!
Hai đứa tuột xuống xuồng. Chú bơi một hơi ra Giồng Võ, kẻo xuồng đút vô bụi vừa xong thì nghe tiếng máy bành bạch trên trời. Chú bảo:
- Tụi nó sắp đổ dù.
Trước mặt tôi lớp đàn lớp cán bộ đua nhau chạy băng đồng về phía Tân Trung. Chú Nhứt bảo:
- Vòng hẹp của nó là An Định An Thới, vòng rộng có thể mở tới Tân Trung. Mình phải chạy qua phía Ngãi Đăng thì mới ra ngoài vòng được.
Chạy được một lúc, chú dừng lại bảo:
- Hai cậu nhắm hướng đó mà dông nghe. Tui trở về.
- Tại sao vậy chú?
- Tôi trở về coi chừng nhà.
- Nhà gì mà coi chừng. Bộ chú bỏ nhà đi lính đốt hả?
Chú Nhứt khoác tay:
- Không! Tụi lính người mình không có như Tây hồi trước. Tây chuyên môn đốt nhà nhưng bây giờ lính không chơi cái kiểu đó. Tôi nói là sợ mấy “thằng ông nội” kìa.
- Mấy thằng ông nội nào?
- Tôi nói vậy cậu không hiểu sao? Tụi nó không chạy, lẩn lút ở lại. Nhà ai đi vắng, tụi nó vô quơ vài món tỉnh bơ. Kỳ rồi nó làm của tôi hết vài thùng đường mía cán rồi, không phải đường thốt nốt, chưa kịp bán, nó cất đùm. Tôi về thay áo trắng rồi chun vô hầm. Lính có tới tôi bò ra. Tụi nó đâu có làm gì. Chỉ sợ ba cái trực thăng thôi. Rủi mình bị lạc đạn nó chở về thành, đút vô nhà thương.
Tôi hơi lấy làm lạ. Ở ngoài Bắc muốn vô nhà thương của đảng phải trình lý lịch chớ đâu dễ vậy. Tôi hỏi:
- Có thiệt sao chú?
- Có chớ sao không có. Nó không có bắn dân. Chỉ chơi mấy ông mãnh thôi.
Một bầy trực thăng tới vùng ngã tư Cái Quan. Chúng đánh một vòng rồi hạ cánh từ từ, xuống thấp khỏi ngọn cây. Đây là lần đầu tiên tôi thấy nhiều máy bay như vậy. Máy bay dội bom, máy bay đầm già và trực thăng cùng một lúc trên trời đen như kiến cỏ.
Chú Nhứt bảo:
- Nhà tôi nằm ngoài vòng. Để tôi về nghe!
Nói xong chú khoác áo trắng vào và tự nhiên đi trên đường. Khi chú Nhứt về thì hai thằng tôi thấy bơ vơ. Rủi dù chụp tới đây thì biết đường đâu mà chạy. Thời may tôi nhớ ra. Đây là Cẩm Sơn, mà bà ngoại tôi cử tên ông ngoại tôi nên gọi là Tú San, và Ngãi Đăng là vùng bà con bên bà ngoại tôi. Cô ruột tôi cũng có chồng về đây. Hai mươi năm trước, mỗi lần bãi trường, cậu Tám tôi thường dắt tôi từ Minh Đức lên đây thăm bà cụ ngoại tức mẹ ruột của bà ngoại tôi.
Vùng Cẩm Sơn đất cát pha, uống nước giếng chớ không có sông chảy qua, nhưng cây cối vẫn xanh tươi lạ lùng. Nó trở thành một miền thân yêu của tuổi thơ tôi. Ở đây tôi rất được dòng họ cưng chiều và thương mến. Mỗi lần đến, ai cũng cho tiền và quà bánh trái cây mang không hết. Ít nhất tôi cũng được trên một đồng bạc gồm xu năm bạc cắc bỏ đầy túi. Bận đi thì ngoại tôi cho một cắc đi xe ngựa từ ngã ba Tân Trung đến tận nhà bà cụ. Bận về thì phải cuốc bộ ra ngã tư Tân Trung mới có xe. Chỉ tốn một cắc là về đến cầu Vĩ cách chợ Tân Hương nửa cây số. Có tiền trong túi, hai cậu cháu ghé lại tiệm Thầy Thẹo mua kẹo da trâu, dây nhợ, giấy bạch về làm diều, đạn bắn cu li, dây thun làm giàn thun bắn chim. Cứ mỗi lần đi Tú San về là có lắm trò chơi. Bây giờ trở lại đây, không biết đường đi và cũng không còn ai để xin tiền. Tất cả đều biến dạng, biến mất. Kể cả những cây dầu con ráy, cây sao cổ thụ cũng không còn. Thì làm sao tìm lại được dấu xe ngựa thời thơ ấu. Chúng tôi phải lội trong cỏ hoang vạch đường mà đi. Lại còn một nỗi sợ lựu đạn gài của du kích. Dân và cán bộ bị thương vì lựu đạn gài rất nhiều.
Nhưng cuối cùng rồi tôi cũng tìm ra một người bà con một cách bất ngờ. Bất ngờ là vì tôi đi tìm một người lại gặp người khác. Cuộc đời của tôi, luôn luôn có những bất ngờ. Người xa bảy, tám năm gặp lại và người xa hai mươi năm cũng gặp lại. Người xa ba mươi, bốn mươi năm cũng vẫn gặp lại như thường. Vì tình thương, tình yêu, tình người.
Người tôi gặp lại hôm nay là cậu Ba Khiêm con của bà Bảy, em ruột của bà ngoại tôi. Tôi và Tám Không vào một cái chòi xơ xác xin nước. Chủ nhà thấy hai ông cán mang “colt” thì có vẻ lơ là. Uống nước xong – nước giếng hình như cũng không còn mùi vị ngọt của thời xưa – quay ra đi một đổi thì có người chạy theo gọi, tôi đứng lại. Một ông già chừng năm mươi ngoài râu dài tóc bạc hỏi:
- Chú cho tôi hỏi chút. Xin lỗi… chú người ở đâu tới?
- Dạ, tôi ở trên An Định chạy chụp dù xuống đây.
- Tôi muốn hỏi gốc gác chú kia!
- Dạ tôi người Cầu Mống.
- Xin lỗi, chú là con cháu của ai?
- Dạ… cháu ông Cả Tụy, con của…
Tôi chưa kịp dứt tiếng, ông đã ôm chầm lấy tôi:
- Mày là thằng Triết, kêu Bảy Hưng, Tám Hà bằng cậu phải không?
- Dạ phải.
Ông già lôi tay tôi.
- Vô nhà, con! Hồi nãy tao ngờ ngợ. Mợ Ba mày nói đúng là mày, nhưng tao không tin. Khi mày vừa đi mợ Ba mày mới bảo tao chạy theo. Tao là cậu của mày. Con bà Bảy, kêu bà ngoại mày bằng dì ruột. Trời đất ơi! Tao nghe nói mày đi xuống miền Tây hồi năm 50 mà sao bây giờ lại lọt về đây?
- Dạ cháu đi xuống đó rồi tập kết luôn.
Tôi và Tám Không vô chòi. Cái cửa chòi, muốn khỏi đụng đầu, phải khom lưng.
Một cái hầm choáng gần hết lòng chòi. Nó như cái mả chôn người sống vĩ đại. Trên nóc hầm là mấy cái lư hương loe hoe ba cọng chân nhang. Liểng sơn mài lót dưới đất, ghế trường kỷ ba chân, ghế đai sứt tay. Một cảnh làm nát lòng. Kháng chiến đã làm cho đất nước tang thương, nhưng không bằng một phần mười giải phóng. Cậu Ba bảo:
- Bữa nay nó chụp miệt trên, dưới này êm. Có thể pháo Cầu Mống bắn chơi vài phát chớ không có gì nữa đâu. Ở đây ăn cơm. Cha chả. Mày “đi” lâu dữ ha!
Tôi ngồi ngơ ngáo không biết cậu Ba là ai nữa. Hồi trước có gặp cậu chăng thì cũng chỉ vài lần, tôi không thể nào nhớ được. Thấy vẻ mặt của tôi, cậu biết tôi không nhận ra cậu, nên cậu nhắc:
- Tao là con bà Bảy. Mày là cháu ngoại của bà Sáu. Nhớ chưa?
- Dạ cháu nhớ ra rồi. Ngoại cháu thứ Sáu. Bà Bảy với ngoại cháu giống y nhau. Hồi nhỏ cháu lầm.
- Mợ Ba lớn mày chết lâu rồi. Đây là mợ Ba nhỏ.
- Mợ biết cháu là vì hồi kháng chiến cháu có đóng cơ quan ở ngoài nhà bà Bảy. Hồi đó cháu cũng lớn rồi.
Tôi lơ mơ nhớ lại những chuyện xa vời, nếu không được cậu nhắc lại chắc quên luôn.
Chiều bữa đó tôi được ăn thịt vịt và uống rượu với cậu Ba. Tôi bàng hoàng hết cả người mỗi lần nhớ lại cảnh thổ ngày xưa. Cậu Ba đâu có cuộc sống xơ xác như vầy. Cậu có vẻ buồn rầu và cam chịu.
Cậu không để cho tôi có thì giờ hỏi về việc nhà cửa của cậu. Cậu bảo:
- Mày và chú kia cứ ở đây chơi vài ngày. Nếu tụi nó chụp tới đây, tao có hang cá trê chứa được hai người. Nếu không chịu xuống “hang trầm” thì tao biểu trẻ nhỏ dắt cho chạy. Hai đứa bây có giỏi giò không?
- Dạ cũng tạm được.
- Về đây có chạy đua với trực thăng lần nào chưa?
- Dạ mới sơ sơ cú này. Nhưng cháu dông sớm lọt ngoài vòng nên cũng khỏe.
Quả thật trời còn giúp vận. Cuộc chụp dù ở An Định chấm dứt ngay chiều hôm đó. Đến tối tôi mới yên tâm. Cậu Ba dắt tôi sang mấy cái chòi bên cạnh để “giới thiệu” thằng cháu với bà con. Đúng ra cậu không hãnh diện vì có thằng cháu “vô dân Tây đi tập kết” mới về mà là dắt cháu cho đi gặp lại dòng họ thất tán rã tan trong chiến tranh.
Đây là cậu Nhì con ông Năm bà Năm, cậu Chín con ông Ba bà Ba, cậu Năm con ông Hai bà Hai đều là cháu gọi ngoại tôi bằng cô ruột. Sau cùng là ông Nhứt. Bà Nhứt là em ruột của ngoại tôi. Bà Nhứt đã mất, ông Nhứt già yếu sống giữa chòi với đàn cháu nội. Đó là lũ con của cậu Trân. Cậu Trân cỡ tuổi với tôi và cùng học một lớp với tôi ở trường quận Mỏ Cày. Cậu ăn cơm quán ở một nhà ngay đầu cầu chợ quận.
Mỗi buổi chiều thứ bảy khi tôi ngồi xe hơi về Cầu Mống thì dọc đường, lối Cầu Đúc lớn hoặc Cầu Ông Ngò, cũng còn gọi là Cầu Giồng Võ, cũng gặp ông già chở xe đạp một đứa nhỏ về hướng Tú San. Rồi sáng thứ hai khi tôi trở lên trường thì cũng lại bắt gặp ông. Đó là ông Nhứt chở cậu Trân. Ba năm liền như vậy, đến khi tôi lên Bến Tre mới hết gặp cậu Trân và ông nữa, cho tới bây giờ.
Khi nhìn lại ông Nhứt thì tôi mới biết bao nhiêu năm tháng đã qua trong đời tôi. Ông đã quá già. Cậu Trân thì đang làm thầy giáo nơi cái trường trước kia cậu từng đi học và có một bầy con. Còn tôi thì lêu bêu với chức cán bộ Mùa Thu chẳng giúp ích gì cho cha mẹ cả.
Ông Nhứt tôi giữ tôi và Tám Không ở lại chòi rộng rãi và hầm chắc chắn. Ông bảo cháu nội đi lên vườn đốn dừa nạo đem về cho tôi uống. Ông nói:
- Cậu Trân mày trước kia thỉnh thoảng còn về thăm tao. Từ Đồng Khởi tới bây giờ nó không dám về nữa. Mợ mày phải ở luôn trên quận. Mấy đứa nhỏ này về chơi rồi cũng trở lên.
- Ông Nhứt ở nhà có một mình?
- Chung quanh đây toàn bà con, lo gì! Lên trên đó ở chung với con cháu thì vui rồi, nhưng mồ mả, bàn thờ ông bà bỏ lại đây ai nhang khói!
Tôi giật mình vì câu nói hồn nhiên, chân tình, nhưng lại có vẻ cảnh tỉnh thằng cháu hai mươi năm gia cư bất biết đi làm cách mạng cho ai nhờ? Hai mươi năm nay, tôi toàn ăn giỗ chực, ngủ nhà khính chớ đâu cổ cúng quải ông bà, đâu có săn sóc cửa nhà. Bây giờ về đây thấy cỏ cây mà ngậm ngùi tấc dạ.
Đồng Bằng Gai Góc Đồng Bằng Gai Góc - Xuân Vũ Đồng Bằng Gai Góc