Đồi Fanta epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 10 -
ột ngày bình thường có mười sáu lần kẻng khua. Thứ hai và thứ sáu mười bảy lần. Chủ nhật chỉ có hai lần báo thức và điểm số chiều. Kẻng tù là thứ đồng hồ đứng giờ nhất thế giới và lạnh lùng nhất thế giới. Nhưng nó gầm gừ dễ sợ nhất vẫn là lúc nó khua tù nhân thức dậy. Nó vừa đứt một hồi. 7 giờ tối, giờ sinh hoạt nhà. Chúng tôi lục đục kéo nhau về, đội nào ngồi ở khu vực đội đó. Mở đầu buổi sinh hoạt, Hòa đen bắt càng cho cả nhà đồng ca bản “Tăng gia”.
Lúa ngô ta gắng trồng
Sườn non cho tới bờ sông
Áo ta chưa ấm lòng
Thay sắn ta trồng bông
Anh em ơi góp công bao bàn tay
Đất nước ta ấm no rồi có ngày.
“Hát lớn lên,” Hòa đen vỗ tay nhịp và thúc giục. Toàn trại hát, nhà này hơn nhà kia một hai câu. Cán bộ không cần kiểm tra cũng biết trại viên đã sinh hoạt thứ hai nhờ bản “Tăng gia” vang vọng giữa rừng heo hút. Bài hát chấm dứt, Hòa đen kiểm điểm lại các vấn đề vệ sinh, trật tự của nhà tuần qua. Các đội trưởng báo cáo đội mình chấp hành nội quy trại, nếp sống văn hóa mới tốt. Nhà trưởng lưu ý trại viên luôn luôn giữ gìn cầu tiêu sạch sẽ, ăn ngủ đúng giờ giấc, thức dậy đúng kẻng báo, tập họp điểm số, lao động khẩn trương và tránh những vụ cãi cọ, ẩu đả. Trại viên nhất trí. Nhà trưởng yêu cầu hát bài “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng” để bế mạc buổi sinh hoạt.
Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông
Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công
Việt Nam
Hồ Chí Minh
Việt Nam
Hồ Chí Minh
Sinh hoạt nhà không quan trọng bằng sinh hoạt đội nên không cần làm biên bản và buổi sinh hoạt cũng nhanh chóng. Các trại viên sau buổi sinh hoạt học tập, lại ồn ào, náo động. Từ giờ phút này trại viên tha hồ sống với riêng mình: đánh cờ tướng, chơi đô mi nô, hát vọng cổ, kể chuyện tâm tình, hút thuốc, đi dạo ngoài sân, đi ngủ. Chẳng ai bắt tích cực và khẩn trương. Mai bím, Đồng thổi, Tí ngầu, Hòa đen, bây giờ thêm Tư pạc cú, đội trưởng đội 8 lâm sản, Sáu nẫu, đội phó đội 8 tụ tập quanh cái điếu cày. Tôi biết Mai bím sắp hết thuốc lào nhưng ở trại cải tạo, nó buông thả thuốc như một người hào sảng, khác hẳn những ngày ở Chí Hòa.
Tôi ngồi nghe dân vỉa chuyện trò một lát rồi thả ra ngoài sân. Trăng thật sáng và trời khá lạnh. Sắp Giáng sinh rồi. Lần đầu tiên tôi được ngắm trăng trên rừng. Ánh trăng tráng bạc lên lớp lá xanh tạo thành một thứ màu huyền ảo, trăng càng sáng, trời càng lạnh và rừng càng âm u. Hàng rào cao đánh đai tầm nhìn của tôi. Nếu đừng có hàng rào, tôi có thể nhìn vào rừng sâu heo hút. Người ta sợ chúng tôi con nít thiếu suy nghĩ, ham trốn trại ẩu tả, lạc vô rừng không biết lối ra sẽ chết đói hoặc cọp vồ nên phải rào kỹ. Hòa đen nghe ai nói, kể rằng, các trại sĩ quan ngụy ở khu vực Phước Long không bị rào cấm. Vẫn Hòa đen kể, hồi mới lên đây, khối thằng trốn trại nhưng không thằng nào thoát. Lạc vô rừng bị người Thượng bắt giải về trại. Tới bến xe bị bộ đội bắt gặp thộp cổ. Trốn trại ăn đòn kỹ lắm, mặt mày sưng vù, chân tay co quắp cả tháng. Đi phải lết, đứng phải vịn, còn bị bỏ ở hầm biệt giam. Do đó, ít đứa dám âm mưu trốn trại.
Tôi ngắm trăng, ngửa mặt cho trăng tráng lớp bạc lên mặt mình. Trăng nhìn tôi thật rõ. Chả hiểu trăng có thấy khuôn mặt tôi đã dãi dầu? Tôi đi trên đường trăng tù đày. Bước chân tôi đạp trăng. Trăng có đau dưới bước chân tù tôi đạp? Kẻng báo ngủ gầm gừ. Lúc tôi chưa thích ngủ, kẻng bắt tôi phải ngủ. Suốt đời, tôi không quên kẻng 5 giờ sáng báo thức, kẻng 5 giờ 15 phút tập họp, điểm số, kẻng 6 giờ tập họp bọn lao động, kẻng 9 giờ 30 giải lao, kẻng 9 giờ 45 vô lao, kẻng 10 giờ 30 thu cất dụng cụ, kẻng 11 giờ dứt lao, kẻng 11 giờ 30 nghỉ trưa, kẻng 1 giờ trưa báo thức, kẻng 1 giờ 15 tập họp lao động, kẻng 3 giờ 30 giải lao, kẻng 3 giờ 45 vô lao, kẻng 4 giờ 30 thu cất dụng cụ, kẻng 5 giờ dứt lao, kẻng 5 giờ 30 điểm số, kẻng 7 giờ sinh hoạt, kẻng 9 giờ 30 báo ngủ. Kẻng tù, thứ kẻng yêu ma, âm thanh của hồ ly, đã một lần nghe nó, sẽ bị ám ảnh trọng kiếp người. Bất hạnh cho những ai bị nghe kẻng tù. Bất hạnh cho tôi.
Ngọn đèn bão đã treo trên lối vô cầu tiêu. Tôi leo lên “lầu” bằng cái thang ngắn chôn chặt dưới nền nhà. Rồi tôi ngủ nhanh, quên bàn tay nhức, quên thân thể ê ẩm. Chắc chắn, Chúa ở với tôi và các Thiên thần được phái tới ru tôi ngủ vùi. Sáng hôm sau, tôi đi lao động. Không một chút đổi thay nề nếp sinh hoạt ở đây. Mai bím và tôi tiếp tục hạ cây bằng lăng. Hôm nay bàn tay tôi đau rát hơn hôm qua. Chúng tôi “khắc phục tối đa”, khắc phục cao, cao tới đỉnh cây bằng lăng ngót trăm tuổi. Chúng tôi chặt hết lớp rễ thứ nhất và đã đào bới lớp rễ thứ hai. Xuống sâu đất mềm, cuốc dễ dàng, xúc đất cũng đỡ vất vả.
- Mày ngủ ngon chứ, Vũ?
- Quên trời đất.
- Tốt, bọn lâm sản hứa cho tao miếng tôn. Nếu chiều nó đem về, tối nay tao sẽ gò cái cóng.
- Tụi nó lượm ở đâu?
- Bọn lâm sản đi tứ tung ngũ hành, không cần vệ binh canh giữ. Tụi nó gặp cả sĩ quan ngụy trong rừng lồ ô. À, tên ba mày là gì?
- Nguyễn Hữu Phúc.
- Tao sẽ nhờ tụi nó hỏi xem có ba mày cải tạo ở Phước Long không?
- Mày bảo phải dấu kín, mày lại nói toạc với chúng nó?
- Tao có khai ông Phúc là ba mày đâu mà sợ, ổng cấp bậc gì?
- Thiếu tá.
- Vái trời có ba mày trên này. Tụi nó sẽ nhắn tin ổng, ổng sẽ nhắn tin về má mày. Rồi má mày sẽ làm giấy xin tha mày, Vũ ạ!
Mai bím cho tôi một niềm hy vọng. Tôi có quyền hy vọng chứ. Tôi không hiểu tại sao Mai bím lo lắng cho tôi nhiều thế. Hỏi nó, nó đáp tỉnh bơ: “Tao đéo biết nữa.” Nó sợ tôi đói, nó sợ tôi mất ngủ, nó sợ tôi không kham nổi lao động, nó sợ tôi chết.
- Vũ này!
- Chi?
- Để khoan khoan hãy làm tượng Chúa, tao lo cái cóng trước nhé!
- Tùy mày.
- Tao hứa sẽ tặng mày ông Chúa, tao thề…
- Đừng thề, Mai bím. Mày hứa là đủ rồi. Thôi lao động đi.
Chúng tôi chặt lớp rễ thứ hai. Tôi ngó sang phía thằng nhóc. Nó đang hì hục bới đất. Nó có cái răng khểnh dễ thương. Má nó còn có cả đồng tiền nữa. Nó cười, hai đồng tiền lúm sâu, duyên đáo để. Tôi nhặt hòn đất ném trúng lưng nó. Nó giật mình, ngẩng đầu ngơ ngác. Khi biết tôi nghịch, nó toét miệng cười. Giờ giải lao, tôi băng sang chỗ nó làm quen. Nó mời tôi uống nước nóng hổi. Năm ra phan vừa châm đầy gô của nó.
- Em tên là gì?
- Hai, em đặt đại. Ma xơ em đặt, tên em là Phao lồ, tên ông thánh đấy ạ! Em khai với cán bộ tên Hai.
- Mấy tuổi?
- Ma xơ bảo em bảy tuổi.
- Xơ của em đâu?
- Bị đuổi về đời rồi. Em ở viện mồ côi anh ạ!
- Em bị bắt ở đâu?
- Vỉa hè Sài Gòn. Cách mạng đuổi tụi em khỏi viện mồ côi, tụi em đành đi ăn xin ở vỉa hè, rồi cách mạng lại bắt đưa lên đây, bảo tụi em phải cải tạo tư tưởng!
Hai cầm tay tôi:
- Ai cũng bị phồng rộp hết. Ít bữa nó xẹp đi, sẽ hết đau.
Nó xòe bàn tay nó khoe tôi:
- Tay em thành chai rồi anh ạ!
Tôi vỗ vai nó:
- Em có buồn không?
Hai chơm chớp mắt:
- Em nhớ Ma xơ!
Kẻng vô lao vẳng tới, Đồng thổi truyền lệnh lao động. Tôi rời Hai về gốc cây mình. Thỉnh thoảng, tôi quay sang chỗ thằng bé. Nó ngồi dưới gốc cây như một con cóc. Con cóc cầm dao cùn chặt rễ để hạ một cây cao vút. “Với sức người sỏi đá cũng thành cơm.” Với dao cùn và với sức người bảy tuổi, thằng Bé Hai tội nghiệp đã hạ vô số cây lớn nhỏ. Tuần lễ đầu trôi đi rất chậm, đủ làm cho những chỗ mọng nước lòng bàn tay tôi xẹp lép, chai lại và mình mẩy tôi hết ê ẩm. Đồng thổi, Tí ngầu chỉ dẫn chúng tôi tận tình nên khi cây bằng lăng ngã dài trên bãi, không gây ra tai nạn. Chúng tôi cảnh giác anh em trước khi chặt cái rễ cuối cùng. Cây bằng lăng gục ngã, kêu răng rắc, bứng hết những chú rễ nhóc, văng đất tung tóe lên mặt mũi tôi rồi nện một tiếng rầm xuống đất. Tôi nhìn “tác phẩm” của tôi. Một chút tự hào về sức lực của mình. Tôi không dám ngờ mình lại có thể hạ nổi cây bằng lăng to đến thế!
Hạ cây xong, chúng tôi phải chặt hết cành. Tổ chất đốt lôi cành đi, xếp thành đống. Chúng tôi chặt thân cây thành nhiều đoạn. Vẫn dao cùn! Chúng tôi mở miệng chém thật lớn. Rồi xúm lại khiêng xếp gọn một chỗ. Sau đó, mới hạ cây mới. Đồng thổi dạy tôi cách cho cây đổ về phía nào tùy theo ý mình. Tôi đã trở thành người hạ cây rừng chuyên nghiệp. Bây giờ, tôi thấy phần cơm của tôi không đủ. Lao động quá sức, tôi thèm ăn, phải hai ca cơm mới đủ. Nhưng tiêu chuẩn cơm của chúng tôi vẫn lưng lửng nửa ca. Tôi đói thường xuyên. Nhiều hôm đói hoa mắt, chân tay bủn rủn, cầm con dao không nổi. Mai bím xuống bếp xin thêm cơm cháy. Mà có thấm tháp gì. Mẩu cháy bằng ba đầu ngón tay đã là một ân huệ nghìn năm, bẻ đôi mỗi đứa nuốt gọn một miếng. No nê nhất trại chỉ có sáu thằng trật tự. Chúng nó không lao động mà thừa mứa cơm. Bọn trật tự được ra ngoài câu cá, đặt bẫy sóc thỏ, đánh rắn nên chúng nó bồi dưỡng béo mập, mạnh khỏe. Để đấm đá chúng tôi những cú oằn người. Bọn nhà bếp cũng no.
Tôi cố gắng chiến đấu với những trận đói bằng cách uống nhiều nước. Hễ đói là uống căng bụng. Chúng tôi đói quá đến nỗi nhiều đứa đã ăn cắp, ăn gian phần cơm của nhau, nhiều đứa tranh nhau vét nồi gây ẩu đả, cơm một dúm mà đòn no nê. Chúng tôi giữ cơm hơn cả giữ đời mình. Mai bím tìm đủ cách để kiếm cơm. Tôi từ chối không ăn cơm mồ hôi của nó. Tôi bảo phần cơm của tôi đủ rồi, cho nó vui lòng. Thực ra tôi rất thèm cơm. Mai bím vẫn chưa có cóng. “Chỉ cần có cóng là chúng mình đỡ đói,” Mai bím ao ước thế. Với chúng tôi, cái cóng hay cái hộp sữa Guigoz là hạnh phúc. Chưa đầy tuần lễ lao cải mà tôi thấy rõ cái thân phận của tôi, thấy rõ giá trị của miếng cơm. Chú Tường dặn tôi nên tập ăn ít. Chú chưa kịp giải thích nhưng nay tôi đã hiểu, ăn ít nhịn đói dễ hơn ăn nhiều và tránh được cái cảnh ăn cắp, ăn gian cơm và giành nhau vét nồi nhục nhã.
Tối nay, thứ sáu, chúng tôi sinh hoạt đội. Buổi chiều trước khi đi tắm, cán bộ đã lên lớp chúng tôi ngoài bãi, đánh giá lao động hàng tuần của từng đứa, biểu dương một vài đứa và cảnh cáo một vài đứa. Cán bộ nói tối nay bình bầu mức ăn cho công bằng, không ăn đồng đều nữa. Tiêu chuẩn gạo tháng sau của chúng tôi là 840 cân, bình quân mỗi trại viên là 15 cân, người tích cực cũng 15 cân, người lười biếng cũng 15 cân là không công bằng. Cán bộ chỉ thị cho Đồng thổi bình bầu bốn đứa ăn 18 cân, tám đứa ăn 13 cân rưỡi, còn bao nhiêu 15 cân. Đó là cái đinh của buổi sinh hoạt. Nhiều đứa đã làu bàu, chửi bới vu vơ. Nhiều câu khích bác đã ám chỉ những thằng sẽ ăn 18 cân.
Buổi tối, kẻng báo họp, ba đội sinh hoạt riêng rẽ. Lại hát bài “Tăng gia” lấy khí thế. Đội trưởng Đồng thổi chủ trì phiên họp. Đội phó kiêm thư ký Tí ngầu ghi chép biên bản. Đội có cuốn vở, đánh số kỹ lưỡng, mỗi phiên họp chép biên bản vào cuốn vở để trình cán bộ trực trại và quản giáo. Mở đầu, đội trưởng yêu cầu các tổ báo cáo.
Tổ trưởng tổ 1:
- Trong tuần qua tổ chúng tôi lao động tốt, chấp hành nội quy và mệnh lệnh cán bộ tốt. Hết.
Tổ trưởng tổ 2:
- Tổ 2 chúng tôi lao động hăng say, yên tâm cải tạo, ngoài ra không có ai vi phạm kỷ luật.
Tổ trưởng tổ 3:
- Tổ 3 rất tích cực, bảo quản dụng cụ tốt, không ai âm mưu trốn trại.
Tổ trưởng tổ 4:
- Tổ 4 chúng tôi tuần qua tư tưởng yên tâm cải tạo, lao động có năng xuất.
Đội trưởng:
- Xuyên qua báo cáo của 4 tổ, đội 1 tuần qua về mọi mặt đều khá. Cái khá nên phát huy, cái xấu phải dẹp bỏ để cải tạo tốt. Bây giờ bình bầu cá nhân xuất sắc.
Bốn cá nhân xuất sắc đã được cán bộ gợi ý là Đồng thổi, Tí ngầu, Năm ra phan và Đức méo được anh em bầu ngay, dơ tay cao nhất trí. Mục phê bình và tự phê bình thông qua nhanh vì không ai thích phê bình ai. Sang phần bình bầu thức ăn. Mỗi trại viên xưng tên mình, tổ mình, tự khai tinh thần lao động, chấp hành nội quy và xin mức ăn.
- Tôi là Bảy, tổ 2, tháng nay tôi lao động tích cực, không phạm kỷ luật, tôi xin ăn mức 15 cân.
- Ai đóng góp cho anh Bảy?
- Tôi là Tám, tổ 2, đồng ý với anh Bảy ở tinh thần lao động của anh và nhất trí bầu anh mức 15 cân.
- Nhất trí.
Cứ thế, 56 trại viên tự khai và 56 trại viên đóng góp. Kết quả, 4 trại viên hưởng mức 18 cân, 8 trại viên hưởng mức 13 cân rưỡi và 44 trại viên hưởng mức 15 cân. Số gạo 840 cân cung ứng đủ bốn thằng ăn 18 cân thì 8 thằng bị ăn 13 cân rưỡi. Trại viên xuất sắc ăn bớt của trại viên không xuất sắc. Thư ký Tí ngầu đọc biên bản:
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
Độc lập, Tự do, Hạnh phúc
Biên bản buổi họp đội ngày 19 tháng 12 năm 1975
Mở đầu, đội trưởng đội 1…
Buổi họp chấm dứt trong tinh thần học tập nghiêm chỉnh. Biên bản này đã đọc lớn cho cả đội nghe. Mọi người nhất trí.
Và buổi sinh hoạt bế mạc bằng bài hát “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng…” Tám thằng bị xuống ăn 13 cân rưỡi bảo bốn thằng ăn 18 cân là bọc bóc lột, bọn nịnh bợ, bọn lao động tích cực! Không khí ngột ngạt lời đay nghiến, xỏ xiên bóng gió. Nó khác hẳn hôm đầu tiên tôi đến. Cơm gạo làm thay đổi hết tình nghĩa. Nó biến yêu thương thành thù hận. Tôi được ăn 15 cân, tiêu chuẩn trung bình. Mai bím cũng vậy. Chúng tôi thoát khỏi vòng nghe chửi vu vơ.
Tôi đi ngủ trước khi nghe kẻng báo. Thằng Bé Hai leo lên chỗ tôi. Nó gọi tôi bằng anh xưng em. Nó có vẻ hợp tôi. Từ hôm tôi về đây, tôi thấy nó thường nằm im một chỗ, chẳng trò chuyện với ai, chẳng lăng xăng chờ ai. Quen tôi, nó hay tới chỗ tôi chơi và, dường như nó thích được tôi khoát tay lên vai nó hay xoa đầu nó. Phao lồ Hai hỏi tôi:
- Anh thích đấm bóp không?
- Không.
- Tưởng anh thích, em đấm bóp cho. Ở Mạc Đĩnh Chi chúng nó bắt em đấm bóp, em đâm ra có nghề.
- Em thuộc kinh gì không?
- Kinh Kính mừng.
- Đọc đi!
Phao lồ Hai ngó quanh quẩn rồi đọc hết “Kinh Kính mừng”. Lúc nó đọc kinh, khuôn mặt nó y hệt một thiên thần. Đôi mắt nó đen nháy, thăm thẳm một lối vào huyền nhiệm.
- Em năng đọc kinh lắm nhỉ?
- Dạ, tối nào em cũng đọc.
- Gặp Chúa không?
- Gặp hoài. Chúa ở cùng em, anh ạ! Nhờ Chúa em thoát chết mấy lần. Cây nó đổ cách em có tí xíu à.
- Em muốn về không?
- Về đâu hả, anh?
- Về nhà.
- Em đâu có nhà.
- Thì về viện.
- Người ta chiếm viện rồi, các ma xơ bị đuổi hết, em về đâu? Thôi, em ở đây tới ngày lớn khôn sẽ tính.
Phao lồ Hai dễ thương quá. Các bà phước đã không uổng công nuôi dưỡng thằng bé Hai. Nó khoe với tôi nó biết đọc, biết viết, biết làm tính. Nó bảo nghe bọn tù nhãi chửi thề nó sợ lắm. Bé Hai nhịn đói rất tài. Nó cam đành với phần cơm của trại phát, không ca cóng, không vét nồi, xin cháy.
- Anh ạ, nếu anh có đọc kinh, anh đọc lẩm bẩm thôi nhé!
- Sao vậy?
- Đọc rõ, nó bắt anh nhốt dưới hầm. Nó cấm đọc kinh. Anh có làm dấu cũng nhớ nhìn trước nhìn sau, ngộ đứa nào xấu bụng nó báo cáo anh là anh ăn đòn.
- Anh nhớ.
- Sắp Giáng sinh rồi anh ạ!
- Ừ.
- Anh em mình sẽ mừng Chúa.
- Chắc em nấu gô rau ốc, còn anh?
- Anh mừng Chúa cóng rau tầu bay luộc!
- Mình sẽ hát, nghe anh.
- Ừ.
Bé Hai chào tôi về chỗ của nó. Tôi nhìn nó bước xuống thang. Cái thang hợp với bé Hai lắm. Tôi có thêm bé Hai bầu bạn. Bé Hai làm tôi vui như Mai bím. Một thằng còn hồn nhiên, bé bỏng, một thằng chai lỳ tinh quá. Đêm nay tôi sẽ ngủ ngon. Chúc em thấy Chúa, bé Hai. Hôm sau, ở bãi lao động xảy ra nhiều chuyện. Những thằng bị ăn 13 cân rưỡi nhắm thằng Đức méo sinh sự. Chúng không dám đụng đội trưởng, đội phó và Năm ra phan. Tội nghiệp thằng Đức méo, ngừng tay một chút là hết thằng này giục “18 cân no bẫm, làm đi chứ” đến thằng kia hò “Đức méo mày tích cực 18 cân, mày không có quyền mệt mỏi.” Thêm được 3 cân do bình bầu, Đức méo bị hứng hàng vạn mũi tên đau buốt. “Đụ má nó ăn bớt của tao ký rưỡi đấy, để xem nó có mập không” thằng này chửi. “Coi chừng nó báo cáo lập công” thằng nọ rủa. Đức méo đành câm họng. Bọn mười ba cân rưỡi tự nhận yếu đuối, lười biếng, làm việc ấm ớ. Nếu Đồng thổi đốc thúc, chúng nó trả lời cù nhầy “ăn ít, làm ít”.
Mai bím khôn ngoan nhất. Nó không dây dưa chuyện thiên hạ. “Gây thù chuốc oán trong tù là ngu,” Mai bím nói, “ngon cơm là đục ba thằng trật tự.” Nó vẫn căm bọn trật tự. Buổi chiều, bọn lâm sản nhặt đâu miếng tôn đem về cho Mai bím. Mắt nó sáng rực. Nó cầm miếng tôn vẽ ra vô số điều. Hôm sau, chủ nhật, Mai bím lỉnh xuống nhà bếp, mượn đồ gò một cái cóng có nắp. Nó chỉ về vào hai bữa cơm. Mai bím “vừa tích cực vừa khẩn trương” gò cóng. Chập tối nó về, xách quai cóng đong đưa như xách một chiến thắng lớn.
- Ngon không mày? - Nó hỏi tôi.
- Ngon gì? - Tôi giả vờ hỏi lại nó.
- Cóng.
- Cóng có gì bên trong?
- Sao lại không!
Nó mở nắp cóng. Đầy nhóc cơm. Mai bím giải thích ngay:
- Cơm mồ hôi nghe mày. Tao biết mày ghét cái thứ chôm chĩa nên tao không muốn chôm chĩa đâu. Tao bổ củi mướn cho bọn bếp, nó trả công tao cóng cơm. Cá cả muối xả nữa.
Tôi cười, vỗ vai Mai bím:
- Mày ăn hết đi, tao đủ rồi.
Mai bím cáu kỉnh:
- Ông đã nói đây là cơm mồ hôi!
Tôi vỗ vai nó đều đặn hơn:
- Mồ hôi của mày, hiểu chưa? Mày bổ củi tốn sức, mày ăn đi.
Mai bím không chịu. Nó bắt tôi phải chia cóng cơm. Tôi bảo nó mời thêm bé Hai. Nó bằng lòng. Ba đứa tôi ăn thêm cóng cơm, Mai bím vui vẻ ra mặt. Thằng nhãi thật tốt bụng. Nó lo cho nó chưa xong còn thích lo cho tôi đủ thứ. Mai bím an ủi tôi:
- Đừng buồn, đâu sẽ vào đó.
Đồi Fanta Đồi Fanta - Duyên Anh Đồi Fanta