Chương 10
o không hiểu con người cá nhân, hoặc chỉ hiểu theo những phân tích máy móc, nông cạn của chủ nghĩa duy vật cơ giới của thế kỷ 19, nên các nước xã hội chủ nghĩa mới dám đặt ra những mục tiêu huênh hoang nhằm cải tạo con người trong vài thập kỷ nếu môi trường xã hội thay đổi. Nên mới gọi nhà văn là “kỹ sư tâm hồn”! Văn chương do con người làm ra để trao tặng cho con người một cách tự do nhất, ít bị ép buộc nhất. Chỉ có văn chương mới tôn trọng mọi giá trị của cá nhân, tôn trọng mọi lựa chọn của cá nhân kể cả những thành kiến phi lý của họ. Họ có quyền yêu mình hoặc ghét mình, tôn vinh mình hoặc nguyền rủa mình, chả sao cả. Người viết cứ viết người ghét cứ ghét kể cả cái quyền ném sách vào lửa. Cái mục đích “tải đạo”, “giáo dục” của văn chương không bao giờ lộ liễu, lộ liễu là văn chương tồi. Vả lại chính người viết cũng không có ý định ấy, họ viết bằng tâm sự thành thật của mình, những trải nghiệm đau đớn của mình, họ viết cho họ trước rồi cho độc giả sau, có khi họ cũng chả nghĩ đến những người sẽ đọc họ, viết mà chơi thôi, viết để giải sầu rồi tự mình ngậm ngùi với mình, ứa lệ với riêng mình. Chả trách ai cả, chả giận ai cả, cũng chả lên án một ai. Vì không có vật cản nào nảy sinh trong ta khi đọc nên chữ nghĩa của tác phẩm cứ mặc nhiên trôi vào tận những kẽ ngách trong cái tâm sự u uẩn, những khát vọng thầm kín của riêng ta, đọng lại trong ấy, rồi cứ thẩm thấu dần dần vào cái thế giới tinh thần của ta một cách vô thức, giúp ta nhận ra một vùng sáng mới lạ nào đó, gột rửa một vài thành kiến, thay đổi một vài quan niệm, và ta vẫn nghĩ một cách khoan khoái là chính tự ta đã chủ động thay đổi, tuyệt nhiên không theo lời chỉ bảo của một ai cả, của một học thuyết nào cả, hoặc nhập vào một cách bất chợt một phong trào thời thượng nào cả. Bất cứ cái gì xa lạ với bản tính của mình, với thói quen của mình, nói một câu, với những gì làm nên lai lịch của mình, chả sớm thì muộn đều bị đào thải để mình lại được trở về với cái nguyên gốc. Tôi được biết có một cụ linh mục yêu nước và cấp tiến được cách mạng tín nhiệm mời lên khu làm việc cho kháng chiến thời đánh Pháp. Những khi ngồi một mình cụ vẫn rất buồn vì ở trong rừng không có nhà thờ để cụ đi lễ và làm lễ. Cụ nhớ Chúa, nhớ bày chiên và nhớ cả những lời nói của đấng chăn chiên với bày chiên trong công việc của mỗi ngày. Khi cụ sắp mất cụ thiết tha yêu cầu được một linh mục đang coi sóc một xứ đạo nào đó tới rửa tội và xức dầu Thánh cho cụ. Lại một chuyện khác, khi tôi được tiếp xúc với một vị lãnh đạo cấp cao của Đảng khi ông đang còn làm việc, quả thật tôi đã từng nghĩ ông là con người kiểu mẫu của một xã hội tương lai, chả nói gì, nghĩ gì về mình, tất cả cho tổ quốc, cho sự nghiệp, cho nhân dân. Nhưng rồi ông bị mất chức vì không được bầu lại vào uỷ ban trung ương của Đảng, một chuyện rất bất ngờ với nhiều người. Khi đại hội công bố kết quả bầu cử, nghe nói ông đã oà khóc, rồi khóc thầm lén tới mấy năm, không đi đâu cả, không gặp ai cả vì tự cho mình đã bị sỉ nhục, đã mất hết danh dự. Lại là một con người khác, tầm thường hơn cái lúc còn đeo tấm bài ngà rất nhiều. Con người mặc nhiều lớp áo là con người giả, con người đã bị lột truồng mới là con người thật. Con người đã bong một lớp sơn phủ kín chỉ còn trần lại cái lõi của nó mới là thật. Cái vỏ có thể luôn luôn thay đổi nhưng cái lõi muốn thay đổi phải mất có khi gần một đời người. Ấy là chỉ dám nói là có thể thay đổi chứ không dám nói chắc là sẽ thay đổi. Chỉ vì con người ta không chịu thay đổi theo những tiêu chuẩn đã được quy định hoặc theo mức tăng trưởng thu nhập tính theo đầu người. Sự phát triển của con người theo chiều hướng tích cực phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống tự do và dân chủ để tự nó khẳng định chính nó, tự nó đánh thức mọi tiềm năng sáng tạo đang nhen nhóm ở trong nó. Về cái thế giới tinh thần của mỗi cá nhân hãy để cho mỗi cá nhân tự lo liệu lấy, nó không thích người khác can thiệp bằng bất cứ cách nào. Nó sẽ biết cách tự điều chỉnh để thích ứng dần với mối quan hệ mới một cách có lợi nhất.
Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất - Nguyễn Khải Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất