Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Đi Qua Hoa Cúc
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương 10 -
C
hị Ngà mỗi ngày một xanh xao, gầy vọt. Anh Ðiền sau một thời gian bám lẵng nhẵng theo chị năn nỉ, thuyết phục không xong, đã bắt đầu lảng ra. Từ đó, hai người gần như không nhìn mặt nhau nữa.
Dì Miên cũng đâm ra lầm lì, quạu quọ. Dì không còn thường xuyên ngồi trước bàn học như trước đây nữa, mà suốt ngày cùng với chị Ngà chui vào phòng rì rầm to nhỏ.
Trong đôi mắt ngây thơ của một đứa con trai mới lớn như tôi, chị Ngà chỉ biếng ăn, buồn bã và tiều tụy. Nhưng bà Sáu lại không nghĩ như vậy.
Một hôm bà kêu tôi lại, hỏi:
- Sao dạo này con bé Ngà xanh quá vậy cháu?
- Dạ, chỉ ốm.
Bà Sáu trầm ngâm một hồi rồi khẽ chép miệng:
- Không phải vậy đâu cháu!
Bà Sáu làm tôi thắc mắc quá chừng.
- Chứ tại sao hở bà? – Tôi tròn mắt.
Bà Sáu không trả lời thẳng câu hỏi của tôi. Mà thở dài:
- Khổ thân con bé! Oan hồn uổng tử nhập vào làm nó u mê!
Tiếng than kỳ bí và nhuộm đầy vẻ phiền não của bà khiến tôi lạnh người. Và để mặc bà ngồi một mình trong căn nhà tuềnh toàng, trống trải với đôi mắt lúc nào cũng ngó mông ra khoảng xa xôi như thể ngóng đợi ai, tôi lặng lẽ bỏ đi.
Những ngày này tôi chẳng biết trò chuyện với ai, trừ anh em thằng Chửng. Nhưng với anh em nó, tôi không thể bộc bạch hết gan ruột. Nhất là với một đứa bép xép như Chửng em. Câu chuyện của chị Ngà mà lọt vào tai nó, ngày hôm sau chắc cả làng biết hết.
Còn những người ở quanh tôi mặt mày nếu không ủ dột thì cũng khó đăm đăm, tôi chẳng có cách nào lại gần họ. Từ sau ngày vợ anh Ðiền đột ngột xuất hiện, chị Ngà và anh Ðiền mỗi người hình như rút hẳn vào một thế giới riêng, cuốn theo cả vẻ bình thản cố hữu trên gương mặt tròn trịa phúc hậu của dì Miên. Từ sáng đến chiều, ba người ăn uống, đi lại trong nhà như những chiếc bóng và để thoát ra khỏi bầu không khí u uất, ngột ngạt này, tôi thường chui rào qua chơi với anh em thằng Chửng hoặc bỏ đi tha thẩn một mình dọc các bờ cây hay ven suối, thường là đến tối mịt mới mò về.
Và trong một chiều lang thang vô định như vậy, tôi vô cùng kinh ngạc khi bắt gặp chị Ngà đang ngồi lẻ loi và âm thầm bên bờ suối vắng, lưng tựa vào gốc dương liễu ngày nào, dáng điệu thẫn thờ như không hề nghe thấy tiếng chân tôi.
Tôi biết từ trước đến nay chị Ngà chưa bao giờ ra suối một mình, vì vậy tôi không biết tại sao và từ lúc nào chị đã có mặt ở đây. Tôi nhìn bóng chiều chập choạng đang xuống dần trên hàng dừa nước, ái ngại bước đến bên chị, khẽ gọi:
- Chị Ngà!
Cặp mắt đờ đẫn, vô hồn của chị Ngà vẫn nhìn ra trước mặt.
Tôi đặt tay lên vai chị, ngậm ngùi:
- Chị Ngà!
Lần này thì chị chậm chạp quay lại.
- Trường đó hả? - Chị nói bằng giọng cũng không một âm sắc gì đặc biệt, nghe cứ mơ hồ như gió thoảng.
Tôi nhìn vẻ mặt bâng khuâng xa vắng của chị mà muốn khóc:
- Chị về đi! Trời sắp tối rồi, ở ngoài này lạnh lắm!
- Trường về trước đi! Lát chị về! - Giọng chị Ngà thì thầm.
- Không được! Chị phải về với em! – Tôi kỳ kèo - Ðể em đưa chị về!
Trước sự giục giã của tôi, chị Ngà chẳng tỏ phản ứng gì. Chị chỉ giương cặp mắt ngẩn ngơ nhìn tôi. Một lát, chị mấp máy môi:
- Trường biết hết chuyện của chị rồi hả?
Ðôi mắt chị Ngà không còn long lanh và ấm nóng như ngày nào nhưng tôi vẫn không đủ can đảm nhìn thẳng vào mắt chị. Tôi nhìn bâng quơ ra mặt suối và sau một thoáng ngập ngừng, tôi gật đầu “dạ” khẽ,mặc dù thật ra trong chuyện này có nhiều chỗ tôi hiểu rất lờ mờ.
Hôm qua, lúc ngồi ngoài hè, tình cờ nghe được câu chuyện giữa chị Ngà và dì Miên, tôi mới biết thêm một vài điều. Lúc đó, tôi tự bảo mình không nên nghe trộm nhưng đôi tai tôi lại cứ dỏng lên như tai mèo.
Tôi nghe tiếng dì Miên nói:
- Sao mày dại quá vậy?
Rồi tiếng chị Ngà thở dài:
- Tao cũng không biết.
- Mày yêu hắn ta à?
- Ừ.
- Hắn bảo với mày là hắn chưa có vợ phải không?
- Ừ.
Gần như tôi chỉ nghe thấy dì Miên nói. Chị Ngà có vẻ không còn đủ hơi sức để trò chuyện, chỉ uể oải đáp trả bằng những câu cụt ngủn.
Dì Miên lại hỏi:
- Bây giờ hắn tính sao?
Ðến đây thì tôi không nghe chị Ngà trả lời. Sự im lặng kéo dài một lúc lâu. Rồi tiếng dì Miên vang lên:
- Mày không nói, tao cũng biết! Hắn xúi mày nhận làm vợ bé hắn chứ gì?
Chị Ngà vẫn không đáp. Tiếng dì Miên rít lên:
- Thằng khốn nạn! Ðồ lường gạt!
- Tao sẽ không bao giờ nhìn mặt anh ta nữa! - Giọng chị Ngà nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát.
- Còn mày, - Giọng dì Miên đột ngột lo lắng – Mày phải tính sao chứ? Ðâu thể để kéo dài như vậy được! Rồi còn kỳ thi sắp tới nữa!
- Tao cũng chẳng biết nữa! - Giọng chị Ngà đượm mỏi mệt, nghe trầm buồn như tiếng chim khoắc khoải vẫn vang vọng những buổi trưa Bãi Cháy âm u.
Vẻ mặt chị Ngà lúc thốt ra câu đó chắc cũng bần thần như khuôn mặt chị đang nhìn tôi bây giờ. Nếu thỉnh thoảng chị không chớp mắt để cho những giọt lệ ứa ra và lặng lẽ lăn tròn trên má, tôi ngỡ chị đã hóa đá giữa mênh mông sầu muộn.
Thốt nhiên tôi bỗng nhói lòng khi nhớ tới bài ca hôm nào chị hát, cũng trên bờ suối kỷ niệm này, cũng chính tại gốc dương liễu chị đang ngồi xõa tóc. Bài ca như những lời tiên tri buồn bã:
Tôi là cánh hoa mỏng manh vì người mà tươi thắm
Cũng vì người mà tàn héo
Xin người hãy đến trên đôi chân mùa xuân ấm áp
Chớ để gió đông lẻn về thổi tắt ước mơ tôi.
Phải chăng trong những ngày hạnh phúc nhất của đời mình, chị vẫn linh cảm được những mầm mống của phản trắc và chia lìa:
Người hãy nâng đỡ trái tim tôi
Trên những ngón tay dịu dàng của người
Chớ hất hủi cũng đừng dập vùi
Nhược bằng hoa lá rụng
Có còn gì xuân tươi.
Chị đã cất lời nỉ non van xin số phận nhưng số phận vẫn làm ngơ. Gió đông trong hình thù một mái tóc quăn đã mang băng giá đến cho đời chị, đã thổi tắt ngọn nến ước mơ trong lòng chị một cách phũ phàng. Có còn gì xuân tươi, tôi nhìn gương mặt sầu héo của chị Ngà mà lòng quặn thắt.
Và thật bất ngờ, ngay vào lúc tôi định lên tiếng một lần nữa giục chị về, chị bỗng ôm choàng lấy tôi. Trong khi tôi còn đang sửng sốt, chị đã gục đầu lên vai tôi, nức nở?
- Trường tha lỗi cho chị nghen!
Bàng hoàng, thảng thốt, tôi không kịp nghe thấy tiếng đập của trái tim mình lúc đó. Tôi không rõ tôi đang lơ lửng trên tầng trời hạnh phúc hay đang chìm đắm dưới vô biên sầu muộn. Tôi chỉ biết vai áo mình đang ướt đẫm và trong nỗi tê tái cùng cực đó, tôi cố phân biệt và nắm bắt những ý nghĩa có thể có đằng sau lời xin lỗi ngậm ngùi của chị.
Thật ra chị chẳng hề có lỗi gì với tôi. Chị có lỗi với những giấc mơ đẹp đẽ và ngọt ngào của tôi thôi. Nhưng chị thì lại chẳng bao giờ biết được điều đó. Chị vẫn coi tôi như một đứa em. Những gì thuộc về tâm hồn tôi đều xa lạ với chị. Nhưng nếu vậy thì tại sao chị lại bảo tôi tha lỗi cho chị. Hay chị đã hơn một lần lẻn vào trong những giấc mơ tôi mà tôi không hề hay biết và như vậy, phải chăng cuối cùng chị đã phát giác ra nỗi lòng yêu dấu tôi hằng dành cho chị bấy lâu nay?
*******
Ngày hôm sau, chị Ngà biến mất.
Cả nhà náo loạn như có giặc. Sáng tinh mơ, tôi vừa mở mắt chưa kịp bước xuống đất đã bị dì Miên thộp cổ:
- Trường có biết chị Ngà đi đâu không?
Tôi ngơ ngác:
- Làm sao cháu biết được! Tối hôm qua chị Ngà vẫn ngủ với dì mà!
Dì Miên buông tôi ra, vẻ lo lắng:
- Nhưng sáng nay dì chẳng thấy chị Ngà đâu!
Bụng tôi thót lại:
- Dì đã tìm hết các nơi chưa?
- Tìm khắp rồi! Không thấy!
Tôi ngập ngừng:
- Hay chỉ về nhà?
Dì sẽ đi thành phố ngay bây giờ! - Giọng dì Miên căng thẳng, rồi dì hoang mang nói tiếp – Nhưng nếu chị Ngà về nhà, sao không mang theo một thứ gì, cũng chẳng báo cho dì biết?
Tôi không biết dì Miên hỏi tôi hay tự hỏi chính mình, và cũng không biết đáp trả như thế nào, tôi lầm lũi dắt xe đạp ra cổng chở dì lên đường lộ đón xe đò.
Khi tôi về tới nhà, không khí hoảng loạn đã tạm thời lắng xuống. Mọi ngưỡi đã tản đi đâu hết. Giờ này chắc ông tôi và anh Ðiền đang đi dọ dẫm hỏi thăm tin tức ở các nhà trong làng. Ðứng trong bếp nhìn ra, tôi thấy bà Sáu đang lui cui khấn vái trước nấm mộ hoang chỗ gốc duối nhưng tôi không gọi.
Lặng lẽ qua lên nhà trên, tôi lần tới trước bàn học chị Ngà, thẫn thờ ngồi xuống chiếc ghế chị vẫn thường ngồi.
Ðúng như dì Miên nói, khi bỏ đi chị Ngà chẳng mang theo một thứ gì. Quần áo, sách vở, đồ đạc vẫn còn nguyên. Ngay cả chiếc gương soi lẫn chiếc lược ngà chị thường tẩn mẩn nghịch ngợm mỗi khi ngồi học bài vẫn còn treo lửng lơ trên thanh cửa sổ.
Tôi nhìn ngắm mọi thứ bằng cặp mắt buồn rầu, linh cảm rằng những đồ vật vô tri kia sẽ mãi mãi không còn cơ hội chạm vào làn hương của người chủ cũ, rằng chị Ngà sẽ không bao giờ quay lại nữa.
Quả như tôi lo ngại, buổi trưa dì Miên tất tả trở về, dắt theo một người đàn bà đứng tuổi. Ðó là mẹ chị Ngà. Cả hai mặt mày thất sắc, vừa bước tới cổng đã hỏi rối rít:
- Ðã tìm thấy chưa?
Mọi người đều buồn bã lắc đầu. Lúc này ông tôi và anh Ðiền đã quay về sau những cuộc tìm kiếm vô vọng, kéo theo một lô một lốc những kẻ hiếu kỳ trong làng nghe tin chạy tới.
Và khi cái tin chị Ngà không có mặt ở thành phố và mẹ chị phải xuống tận làng tôi để tìm con lan ra thì mảnh sân trước nhà ông tôi trong thoáng chốc đã đông nghẹt người. Cả mẹ tôi và mấy đứa em tôi ở trên đường lộ cũng hối hả chạy xuống.
Tôi cũng nhìn thấy cả anh em thằng Chửng đang đứng lấp ló trong đám đông. Khi thấy tôi đưa mắt nhìn về phía tụi nó, Chửng anh khẽ vẫy tôi.
- Bộ mày biết tin gì hả? – Tôi bước lại gần nó, phập phồng hỏi.
- Tao nghi quá! - Chửng anh thì thầm.
Tôi hồi hộp:
- Nghi gì?
- Tao nghi chị Ngà mất tích có dính dáng đến con ma tóc dài!
- Ừ.
- Ừ là sao?
Chửng anh đột nhiên hỏi vặn khiến tôi đâm bối rối. Khi tôi buông ra tiếng “ừ” hờ hững kia không phải tôi tán thành nhận xét huyền hoặc của Chửng anh mà chính tôi đang nghĩ đến mối liên quan giữa sự mất tích của chị Ngà với con ma tóc dài theo một ý nghĩa khác. Tôi hiểu nếu không có những cuộc tình tự khuya khoắt ngoài vườn trước đây thì biến cố ngày hôm nay đã không xảy ra. Nhưng tôi lại không thể thổ lộ cho Chửng anh biết điều bí mật đó. Trong khi tôi ấp a ấp úng chưa biết giải thích với nó như thế nào thì dì Miên đã gọi giật:
- Trường!
- Dạ.
- Trường đang nói chuyện gì vậy? – Dì Miên nhìn tôi bằng ánh mắt dò xét.
- Dạ cháu có nói gì đâu!
Dì Miên vẫn chưa hết nghi ngờ:
- Trường có biết chị Ngà đi đâu không?
- Cháu đã nói với dì rồi! Cháu không biết!
Dì Miên nghiêm giọng:
- Cháu nói thật đấy chứ?
- Thật.
Trán dì Miên cau lại:
- Chẳng lẽ từ hôm qua đến nay Trường không gặp chị Ngà lần nào?
Tôi khịt mũi:
- Hôm qua cháu có gặp.
Dì Miên hỏi dồn:
- Gặp ở đâu?
Lúc này không chỉ dì Miên mà tất cả những cặp mắt chung quanh đều chĩa vào người tôi.
- Ở ngoài bờ suối. Chị Ngà đang ngồi một mình.
Tôi bồn chồn đáp và như sực nhớ ra điều gì kinh khủng, mặt tôi bỗng tái xám đi.
Cùng lúc đó trong đám đông có ai đó bất thần kêu lớn:
- Ra ngoài bờ suối mau!
Ngay lập tức, sau tiếng hô hoán, cả rừng người chen chúc nhau tuôn ra cổng và ùn ùn nhốn nháo kéo đi.
*******
Trên bờ suối, ngay chỗ gốc dương liễu chị Ngà thường ngồi, mọi người tìm thấy một chiếc dép. Ðôi dép màu xanh - một chiếc sấp, một chiếc ngữa – đang nằm lăn lóc trên bãi cỏ. Ðó là đôi dép của chị Ngà thường mang.
Cách đó một quãng, một dải lụa buộc tóc cũng nhanh chóng được phát hiện. Dải lụa ở dưới nước, vướng vào một cọng cỏ ven bờ nên bập bền mãi một chỗ. Ðó cũng là dải lụa của chị Ngà.
Ngay từ khi nhìn thấy đôi dép nằm chỏng chơ bên bờ suối, mẹ chị Ngà đã ngất xỉu. Mọi người phải xúm lại đỡ bà, người thoa dầu, người giật tóc. Mãi một lúc, bà mới tỉnh lại. Và giương đôi mắt thất thần nhìn mọi người, bà nghẹn ngào rên rỉ:
- Con ơi tội tình gì mà con phải ra nông nổi này hở con!
Tiếng khóc đau đớn xé lòng của người mẹ khiến tôi không cầm được nước mắt. Dì Miên đứng bên cạnh tôi cũng sì sà sì sụt. Anh em thằng Chửng cặp mắt cũng đỏ hoe.
Qua làn nước mắt, tôi thấy mặt mày ai nấy đều buồn dã dượi. Một vài phụ nữ trong làng dù không hề quen biết chị Ngà cũng tức cảnh sinh tình cất tiếng khóc theo. Chỉ có anh Ðiền là đứng tuốt đàng xa, mặt quay về hướng khác, nên tôi không rõ anh có nhỏ giọt nước mắt nào cho chị Ngà hay không.
Cuộc vớt xác được tiến hành ngay từ lúc mẹ chị Ngà ngất xỉu nhưng không thu lượm được kết quả gì.
Hai người đàn ông nổi tiếng bơi giỏi trong làng lao xuống dòng nước lặn hụp một hồi rồi trồi lên, lắc đầu ngán ngẩm.
Lại thêm hai người nữa xuống theo, vẫn công cốc.
Cho đến chiều tối, người ta vẫn chưa tìm thấy thi thể của chị Ngà. Một người nói:
- Có thể cái xác đã trôi xuống phía hạ lưu. Ngày mai phải chia con suối ra làm nhiều chặng mới tiện lùng sục!
Chẳng còn cách nào khác, mọi người đành ủ rũ chia tay.
Khi chúng tôi về đến nhà, ông tôi liền kêu dì Miên và tôi vào phòng tra hỏi. Trước sự chứng kiến của mẹ chị Ngà, dì Miên bùi ngùi thuật lại đầu đuôi câu chuyện, không giấu giếm một đều gì. Ðến lúc đó, mọi người mới biết nguyên nhân nào đưa đẩy chị Ngà đến hành động tuyệt vọng như vậy.
Còn tôi, khi nghe chị Ngà đã lỡ mang giọt máu oan nghiệt của anh Ðiền trong bụng, tôi mới ngỡ ngàng hiểu ra tại sao thời gian gần đây chị Ngà bỗng nbhiên thích ăn xoài xanh cũng như tại sao hôm trước bà Sáu lại nói với tôi những câu lấp lửng mơ hồ không tài nào hiểu nổi.
Ông tôi tính tình vô tâm, khoáng đạt, quanh năm suốt tháng mải lo chữa bệnh cứu người, chẳng hay biết gì về hành vi càn quấy của học trò. Bây giờ nghe dì Miên kể chuyện anh Ðiền, ông mới bàng hoàng bật ngửa. Nhưng đến khi ông cho đi tìm anh Ðiền để hỏi tội thì chẳng thấy anh đâu. Dường như biết trước những gì sẽ chờ đợi mình, anh đã nhân lúc lộn xộn nhảy xe đò trốn về Quán Gò mất biệt.
Tối đó, tôi không tài nào chợp mắt được. Hình ảnh của chị Ngà cứ ẩn hiện chập chờn trong đầu tôi như một ám ảnh khôn nguôi. Tôi nhớ lại ngày nào tôi nằm ngủ bên cạnh chị trong căn lều trại mỏng manh trên bãi biển Kỳ Hoà. Cái đêm bão bùng mưa gió ấy đã qua lâu rồi nhưng bây giờ nhớ lại tôi vẫn có cảm giác làn hương lạ đã từng làm tôi bồi hồi thao thức năm xưa như đang còn lẩn quất đâu đây. Rồi làn hương lạ ấy theo chân chị về trú ngụ ở nhà ông tôi gần suốt mùa hè năm nay, đã thổi vào trí não non nớt của tôi những giấc mơ đầu đời đẹp đẽ. Nhờ chị, tôi hiểu thế nào là nỗi khao khát ngọt ngào của trái tim mới lớn cũng như niềm hoan lạc khó bề lập lại của tâm hồn trong những chuyến phiêu lưu. Vậy mà bây giờ những giấc mơ của tôi đã tắt và chị cũng không còn. Tất cả cứ như là ảo ảnh. Nỗi tiếc nuối pha lẫn đắng cay ấy khiến tôi trằn trọc suốt đêm. Mãi đến gần sáng tôi mới thiếp đi, mắt đầy ngấn lệ.
Ngày hôm sau, hàng chục tay lặn trong làng được huy động vào việc tìm kiếm thi thể chị Ngà.
Người xem đứng đen kịt cả một quãng suối dài, lần này có thêm dân Bãi Cháy, dân xóm Cây Duối, cả dân trên xóm Ðầu Cầu.
Suối được chia thành nhiều khúc, dài xuống tận miệt dưới. Mỗi khúc, hai ba tay bơi giỏi luân phiên lặm hụp.
Nhưng cũng như hôm qua, công việc kỳ khu đó vẫn chỉ là cuộc kiếm tìm vô vọng. Chị Ngà như biến mất tăm dưới làn nước.
Một người nói:
- Hay cô Ngà đẹp quá, Hà Bá giữ lại làm vợ, không chịu trả!
Người khác bảo:
- Có thể cái xác kẹt đâu dưới gốc cây hay trong hố đá mò không ra! Nhưng chắc chắn ngày mai thế nào cũng nổi lên!
Chửng anh cũng nói với tôi như vậy:
- Ngày mai thế nào chị Ngà của mày cũng trồi lên mặt nước!
Tôi bán tín bán nghi:
- Làm sao mày biết được?
Chửng em xía vào:
- Cái đó ai chẳng biết! Qua ngày thứ ba, những xác chết trôi bao giờ cũng nổi lên!
Tôi không tin, đem hỏi bà Sáu, bà Sáu gật đầu:
- Xưa nay đều vậy, cháu ạ! Lời xác nhận của bà Sáu khiến tôi lo nghĩ suốt buổi chiều hôm đó. Cứ nghĩ đến cảnh chị Ngà đang từ từ nổi lên mặt suối với thân thể trương phình và khuôn mặt hum húp vì ngâm nước ba ngày, tôi không khỏi rùng mình đau đớn. Không, chị Ngà của tôi bao giờ cũng nõn nà, xinh đẹp thậm chí ngay cả khi chị không còn sống trên cõi đời này nữa.
Tôi đã quen nhìn thấy hình ảnh thơ mộng của chị Ngà khi chị ngồi hong tóc bên bờ suối hay khi chị ngồi ngẩn ngơ hàng giờ bên vàng hoa cúc trước sân. Chị là nàng Giáng Kiều bước ra từ trong bức tranh treo ở nhà bà tôi. Nàng Giáng Kiều có thể chết đi, nhưng đó phải là một cái chết đẹp. Nàng có thể bay về trời trong đôi cánh tha thướt chứ không thể từ dưới nước trồi lên trong dáng điệu phù nề.
Ngày mai chị Ngà sẽ nổi lên, ai cũng bảo như vậy. Và ai cũng mong như vậy. Nhất là mẹ chị, người đàn bà chỉ trong hai ngày đã bị nỗi đau khổ làm cho quắt lại như một quả cau khô.
Tất nhiên cả tôi, tôi cũng cầu mong điều đó. Nhưng tôi không đủ can đảm và nhẫn tâm chứng kiến giây phút người ta vớt chị lên như vớt một đám bèo trôi. Hình ảnh đẹp đẽ của chị trong ký ức tôi sẽ mãi mãi không bị méo mó, biến dạng đi như thân xác của chị. Những kỷ niệm về chị sẽ mãi mãi là ngôi sao xanh lấp lánh và không bao giờ tắt trong cõi lòng sầu muộn và nhiều mong nhớ của tôi. Và để làm được điều đó, tôi đành phải khăn gói về nhà ngay trong đêm nay, trước một ngày nữa lại bắt đầu.
Ông tôi và dì Miên chẳng hề ngăn cản, cũng không tỏ ra bất ngờ trước quyết định đột ngột của tôi. Ông tôi bảo:
- Ừ, cháu nên về nhà cho thần kinh bớt căng thẳng!
Dì Miên không nói gì, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt bùi ngùi, mệt mỏi.
Tôi chui rào chạy qua chia tay với anh em thằng Chửng.
Nghe tôi tính bỏ về nhà, Chửng em trố mắt ngạc nhiên:
- Sao mày không ở lại đến ngày mai coi người ta vớt xác!
Tôi trả lời Chửng em bằng một nụ cười buồn.
Chửng anh hỏi:
- Mày về luôn hay về mấy bữa?
- Tao cũng không biết.
- Nhà mày xuống đây gần xịt mà! - Chửng anh vỗ vỗ vai tôi - Nếu mày không xuống thì tụi tao thỉnh thoảng chạy lên chơi với mày!
Tôi lặng lẽ gật đầu và quày quả chạy về nhà để kịp thu dọn đồ đạc.
Sau khi chào từ biệt mọi người trong nhà, cả bà Sáu lẫn người mẹ tội nghiệp của chị Ngà, tôi ngậm ngùi quay lưng bước qua ngách cửa, vội vàng như người chạy trốn.
Nhưng khi băng qua sân, mắt chạm phải dãy cúc vàng từ nay không người nâng niu chăm sóc, lòng tôi bất giác chùng xuống và đôi chân bỗng dưng nặng nề không bước nổi.
Những cánh hoa vàng mỏng manh kia rồi đây biết sẽ đem lại niềm vui cho tâm hồn ai trong những ngày sắp tới khi chị Ngà đã vĩnh viễn ra đi và tôi cũng đang từ bỏ nơi này?
Chiều nay tôi ra đi, tuổi thơ tôi ở lại, mối tình đầu của tôi ở lại và màu hoa kỷ niệm kia cũng ngập ngừng ở lại. Ðừng buồn hoa cúc nhé, tao cũng như mày thôi, từ nay trở đi mỗi khi hoàng hôn buông xuống trái tim lẻ loi trong ngực tao sẽ luôn đớn đau khi nhớ tới một người...
*******
Ðã mười năm trôi qua kể từ ngày tôi đi qua hoa cúc. Mười năm, một quãng thời gian đủ để những nỗi đau nguôi ngoai và những vết thương lòng lành miệng. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn luôn nhớ tới hình bóng của chị Ngà cùng những gì chị đã in dấu vào tâm hồn tôi trong mùa hè năm ấy.
Niềm vui được sống gần gũi, được nhìn ngắm và được nghĩ vẩn vơ đến chị chưa kịp trọn vẹn thì nỗi buồn tủi lẫn tuyệt vọng khi thấy chị đem lòng yêu người khác ập tới, tiếp theo là nỗi đau mất mát trước sự ra đi của chị, có lẽ những trạng thái tình cảm mãnh liệt đó liên tiếp xảy đến với trái tim non nớt của tôi trong một thời gian ngắn buộc tôi lúc nào cũng nhớ đến chúng một cách sâu xa. Ở đời có những sự kiện, những khuôn mặt thoảng qua đời ta như cơn gió tình cờ, chẳng lưu lại một điều gì trong ký ức, nhưng cũng có những biến cố khắc sâu vào tâm hồn ta như dao chém vào đá, mãi mãi để lại trong trí não ta một vết hằn mà năm tháng chỉ đánh bóng nó lên chứ không thể làm cho nó phai đi.
Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in cái buổi chiều ảm đạm của mười năm về trước, cái buổi chiều mà tôi đã vô cùng đau lòng khi phải rời bỏ dãy hoa cúc trước sân nhà ông tôi, đó cũng chính là khi tôi ngậm ngùi chia tay tuổi nhỏ của mình để rồi không một lần ngoái lại.
Bữa đó tôi khăn gói về chân cầu Cẩm Lễ, hàn huyên với mẹ và mấy em chưa được mấy câu thì ngay sáng hôm sau tôi đã theo người chú họ xa vào sinh sống ở một thành phố phương Nam. Chú tôi từ nhỏ đã trốn nhà vào làm công nhân cao su ở một đồn điền trên Ban Mê Thuột, sau đó bỏ xuống Ðồng Tháp Mười khẩn hoang, rồi không hiểu sao lại lên Sông Bé làm nghề nuôi bò sữa. Cuối cùng, cho đến ngày về thăm quê và rước tôi đi, chú đã định cư tại Sài Gòn hoa lệ và hiện đang quản lý ba, bốn xưởng dệt lớn.
Tôi bằng lòng theo chú một phần là muốn đi xa nhưng phần khác, quan trọng hơn, là muốn trốn tránh ít ra là trong lúc đó cái nơi chốn đã gắn liền với những đau buồn trong quãng đời niên thiếu của tôi.
Tôi ở Sài Gòn học hành, đỗ đạt rồi ra đi làm, cuộc đời suôn sẻ, không lắm dốc nhiều đèo như những bạn bè cùng trang lứa.
Cứ mỗi một năm, có khi hai năm, thường là vào những dịp lễ tết, tôi đáp xe đò vượt gần ngàn cây số về thăm nhà. Những lúc về nhà dù không muốn giáp mặt với kỷ niệm cũ, tôi vẫn phải ghé thăm ông và thường tôi không bao giờ rảo bước ra sau vườn, càng không dám tha thẩn bên ven suối xưa, dẫu rằng bây giờ trên bờ suối, ngay chỗ gốc dương liễu năm nào chị Ngà bỏ rơi đôi dép xanh, đã mọc lên từ lâu một cái trang thờ ngày đêm nghi ngút khói.
Dạo đó, rốt cuộc người làng vẫn không tìm được xác chị Ngà. Sau ba ngày, chị vẫn không nổi lên. Người thì bảo chị được Hà Bá rước về thủy cung, làm công chúa. Người thì bảo do mưa động trên nguồn, xác chị bị cuốn phăng ra biển. Nhưng dù có suy diễn và đồn thổi cách nào, cuối cùng dân làng vẫn họp lại dựng một cái trang thờ bên suối để vong hồn chị được ấm áp khói nhang mà khỏi làm điều quấy nhiễu. Nghe đồn cái trang thờ đó rất linh thiêng, hễ ai thành tâm là cầu gì được nấy và bây giờ nó đã nổi tiếng ngang với đền Ông Lánh ở làng Hà Xuyên kế bên, bốn mùa khói nhang không ngớt.
Tôi không rõ vong hồn chị Ngà có thực sự linh thiêng hay không và nếu linh thiêng, phải chăng nó linh thiêng đến mức hình bóng chị cứ níu giữ chặt trái tim tôi khiến từ đó đến nay đã một thời gian dài trôi qua, tôi vẫn không thể nào quên được chị.
Dì Miên năm đó thi đỗ vào Ðại học Huế, theo ngành y khoa, tiếp tục sự nghiệp của ông tôi. Vài năm sau dì lập gia đình, chồng cũng là bác sĩ,và sống luôn tại Huế. Ông tôi từ sau vụ anh Ðiền không còn thu nhận học trò, lại rơi vào cảnh neo đơn. Bà Sáu thì bắt đầu lọm khọm, chậm chạp, chẳng đở đần ông được mấy tí, mẹ tôi phải cắt cử thằng em út tôi xuống ở với ông, phần theo học nghề thuốc, phần để ông sai vặt.
Còn hai đứa bạn thân thiết của tuổi thơ tôi, Chửng anh ra thành phố học nghề lái xe và trở thành tài xế xe đò liên tỉnh, Chửng em thì bỏ đi biệt. Nghe nói nó mê một cô đào trong một gánh hát về diễn ở làng, hôm trước gánh nhổ rạp, hôm sau nó biến theo luôn. Hình như về sau nó lấy được cô đào nọ và theo như lời thằng em út tôi nói thì đã có lần Chửng em dắt vợ ẵm con về thăm nhà, nhưng chỉ một lần đó thôi, về sau không thấy nó quay về nữa.
Câu chuyện này đến đây có thể coi như đã kết thúc. Tuy nhiên có một điều lạ mà tôi không thể không nhắc tới là gần đây trên đường về quê, lúc đi ngang một thành phố ven biển miền Trung, ngồi trên xe đò tôi thoáng thấy một người phụ nữ nom giống chị Ngà như tạc. Lúc đó xe đang băn qua một ngã tư, tốc độ không nhanh lắm nên tôi có thể nhìn thấy diện mạo người phụ nữ kia khá rõ. Chị đang dắt một đứa bé khoảng chín, mười tuổi len lỏi giữa các quầy bán trái cây bày bên ven lộ. So với hình ảnh của chị Ngà mà tôi còn lưu giữ trong ký ức thì da người phụ nữ này sạm hơn, tóc cũng ngắn hơn, cách ăn mặc tất nhiên khác nhiều nhưng khuôn mặt và nhất là ánh mắt thì đúng là khuôn mặt và ánh mắt của chị Ngà.
Sau phút bàng hoàng, tôi đập tay rầm rầm vào thành xe, bảo tài xế ngừng lại. Nhưng sau khi vọt xuống xe, băng ngược trở lại thì tôi không tìm thấy mẹ con người phụ nữ ấy đâu nữa. Hỏi thăm những người chung quanh một hồi, chẳng ai biết, rốt cuột tôi đành lủi thủi đón xe đi tiếp, lòng bán tín bán nghi, hoang mang vô kể.
Nếu người phụ nữ đo quả đúng là chị Ngà thì rõ ràng chị không chết như mọi người tưởng. Chị Ngà bơi rất giỏi, khó bề chết đuối. Hồi đó có người cho rằng chị Ngà buộc đá vào người, nhưng bây giờ sau khi tình cờ nhìn thấy người phụ nữ bên đường nọ, tôi đâm ra nghi ngờ cái kiểu suy diễn mơ hồ, vô căn cứ kia. Nếu chị Ngà buộc đá vào người thì chị không thể nào trôi ra biển và sớm muộn gì người ta cũng đã vớt được xác chị rồi. Rất có thể sau biến cố kinh thiên động địa kia, chị Ngà đã lén bỏ xứ vào đây, chấp nhận cảnh bôn ba lưu lạc nơi quê người, chờ ngày sinh nở.
Dù sao tất cả cũng chỉ là giả thuyết của riêng tôi. Sau ngày đó, tôi còn trở lại thành phố này nhiều lần nữa tuy nhiên vẫn chưa có cách nào tìm gặp lại mẹ con người phụ nữ đó. Nhưng tự trong thâm tâm, tôi vẫn tin rằng nếu chị Ngà còn ở đâu đó trên cõi đời này thì sớm muộn gì tôi cũng sẽ gặp lại chị. Chỉ không biết liệu với một niềm tin kỳ quặc như thế, con người ta có thể nuôi dưỡng và sống với nó được bao lâu!
Nguyễn Nhật Ánh
Thành phố Hồ Chí Minh 1995
Chương trước
Mục lục
Đi Qua Hoa Cúc
Nguyễn Nhật Ánh
Đi Qua Hoa Cúc - Nguyễn Nhật Ánh
https://isach.info/story.php?story=di_qua_hoa_cuc__nguyen_nhat_anh