Chương 10 : Ngày 12 Tháng Tám – Ngày Khủng Hhoảng
ào lúc 1 giờ sáng sớm ngày 12 tháng Tám, trả lời của Hoa Kỳ tới Đông Kinh qua đài sóng ngắn ở Cựu Kim Sơn. Trả lời đó được cả phe chủ chiến lẫn chủ hòa nóng nảy chờ đọi. Ở Bộ ngoại giao các viên chức chia nhau dịch vội vàng bức công hàm của Ngoại Trưởng Byrnes. Trong khi đó tại Bộ Chiến Tranh các sĩ quan bực dọc vì không hiểu được bức công hàm bằng Anh Ngữ.
Trong quân đội Nhật hiếm người biết tiếng Anh, nên công việc phiên dịch sang tiếng Nhật đòi hỏi một thời gian khá lâu. Công việc này Bộ ngoại giao làm một cách dễ dàng và mau lẹ hơn nhiều.
Viên bí thư nội các là Sakomizu sau khi đọc bức công hàm của Hoa Kỳ bị choáng váng vì những lời lẽ khắc nghiệt. Ông hốt hoảng kêu đến người bạn thân là Matsumoto, phụ tá của ngoại trưởng Togo. Rồi hai người cùng ngồi bàn tán và tìm hiểu ý nghĩa những lời lẽ của Hoa Kỳ, giữa khi cả thành phố Đông Kinh còn đang ngủ.
Đối với hai chính khách đó, trả lời của Hoa Kỳ có tính cách mập mờ và làm cho Nhật Bản phải thất vọng. Hòa Kỳ không hứa hẹn cũng không bác bỏ quyền tự chủ của Vua Nhật. Hoa Kỳ chỉ khẳng định rằng, Vua Nhật thuộc thẩm quyền của tư lệnh tối cao Đồng minh, và Ông này «sẽ thi hành những biện pháp thích ứng để khiến cho những điều khoản đầu hàng trở nên có hiệu lực». Sakomizu và Matsumoto lấy làm khó hiểu về điều khoản đó, và họ còn lo lắng về điều khoản «Theo tuyên ngôn Postdam, chính thể tương lai của Nhật Bản sẽ được thiết lập thể theo ý nguyện được phát biểu một cách tự do của nhân dân Nhật». Lo lắng vì qua câu này phe quân nhân chủ chiến có thể hiểu: Đồng Minh có thâm ý lật đổ ngai vàng ở Nhật, và do đó họ có lý do để tiếp tục cuộc chiến tranh.
Trong bữa ăn sáng họ bàn tán phải làm gì bây giờ. Matsumoto chỉ thấy có một sự lựa chọn duy nhất: «Chúng ta phải vận động cho hòa bình, cho dù phải chấp nhận toàn bộ điều kiện của Đồng Minh». Sakomizu gật đầu: «Đường lối đó hay hơn cả».
Khi bình minh ló dạng trên thành phố họlên xe tới gặp các cấp chỉ huy trực tiếp. Trước mặt Suzuki còn ngái ngủ, Sakomizu trổ tài hùng biện để thuyết phục: những điều kiện của Hoa Kỳ đều có thế chấp nhận được hết. Không buồn ngó ngàng gì đến bản dịch bức công hàm, vị Thủ Tướng già đó hứa với viên bí thư là ông sẽ yêu cầu nội các chấp nhận nội dung công hàm của Hoa Kỳ.
Matsumoto ít gặp khó khăn hơn đối với ngoại trưởng Togo. Tuy ý thức được những chiếc bẫy trong công hàm của địch, nhưngTogo đồng ý với viên phụ tá của Ông: lúc này Nhật Bản không còn có sự lựa chọn nào khác là phải chấp nhận những gì Đồng Minh đề ra.
Sau khi tiếp xúc với cấp chỉ huy, Sakomizu và Matsumoto nhẹ nhõm trở về văn phòng. Họ có cảm tưởng đã phối hợp được chính sách và chiến thuật để đối phó với phe chủ chiến trong những phiên họp sắp tới
Nhưng họ nghĩ lầm. Trong khi họ đang xúc tiến công việc thì những người khác vẫn mưu đồ phá hoại hành động của họ.
Cũng vào buổi sáng ngày 12 tháng Tám này, nhóm sĩ quan trẻ làm việc ở Bộ Chiến Tranh tới gặp Tướng Tham Mưu Trưởng Lục quân Amezu và đòi hỏi ông này phải lên tiếng bác bỏ đề nghị của Hoa Kỳ. Tại Bộ Tư Lệnh Hải quân đô đốc Toyoda cũng bị họ tới bao vây và đòi hỏi công khai phản đối nội dung công hàm của Hoa Kỳ.
Tướng Amezu và đô đốc Toyoda lâm vào tình trạng khó xử. Họ phải từ bỏ lập trường chủ chiến, thể theo Nhật hoàng đã ngỏ ý muốn thưomg thuyết đầu hàng với địch. Bây giờ những thuộc cấp lại đòi hỏi họ phải trở lại với lập trường chủ chiến và chống đối lại ý muốn của Nhật hoàng. Họ lại càng thấy khó xử vì Tướng Anami, người độc nhất có thể dẹp yên bọn sĩ quan hung hăng đó, đã biến mất đi đằng nào. Văn phòng Bộ trưởng Bộ Chiến tranh cho biết: Ông vắng mặt vì công vụ. Đô đốc Toyoda và tướng Umezu chỉ còn cách thi hành kế hoãn binh để chờ tướng Anami trở về Bộ.
Sáng ngày 12 tháng Tám này, tướng Anami không tới văn phòng làm việc. Ông lên xe tới tư dinh Thủ Tướng Suzuki. Ngồi bên ông là Bá tước Hiranuma, đối thủ số một của Ông. Hai con người đó lúc này liên kết với nhau là vì Hiranuma đã từ bỏ lập trường chủ hòa. Sau khi đọc công hàm trả lời của Hoa Kỳ, Hiranuma nhận thấy: chiếc ngai vàng vững chãi trên đất Nhật từ hai ngàn năm nay, đang bị lâm nguy trầm trọng. Để cứu vãn nó bằng bất kỳ giá nào Hiranuma bắt tay đối thủ để cùng nhau chặn đứng cuộc đầu hàng vô điều kiện. Họ cùng nhau thực hiện một nỗ lực cuối cùng nhằm phong tỏa việc làm của Bộ Ngoại Giao. Muốn thế họ tấn công vào yếu điểm của phe chủ hòa và trong trường hợp này là Thủ Tướng Suzuki. Bị hai con người đó dồn vào chân tường, Thủ Tướng Suzuki bị cô lập ở tư dinh quả không phải là người có thể đối phó được với họ.
Nhắc lại điều Ông đề ra từ lâu, Tướng Anami nói: «Trong mọi thỏa ước với địch,chúng ta phải đòi được quyền giải giáp quân lực Nhật, và không cho phép địch được quyền chiếm đóng chính quốc Nhật».
Hiranuma cảnh cáo: «Hoàng thượng có thể bị tổn thương nặng nề nếu chúng ta không xét lại những điều kiện của Đồng Minh».
Nêu điểm này, quả nhiên Suzuki cảm thấy nao núng ngay. Cũng như hầu hết dân Nhật, ông tôn thờ chủ nghĩa tôn quân, và sẵn sàng chết để giữ vững ngai vàng. Ông không lo sợ gì bằng bị tố cáo đã đồng lõa trong việc hạ bệ Hoàng Gia. Trước khi Anami và Hiranuma cáo từ, ông hứa với họ sẽ không nhượng bộ một ly nào trong vấn đề duy trì qui chế Nhật Hoàng.
Rời tư dinh Thủ Tướng,Tướng Anami tới tiếp xúc với bào đệ của vua Hirohito là Mikasa, được mệnh danh là «Ông Hoàng Đỏ». Mikasa là con người khác người thường, luôn luôn lưu tâm đến những quyèn lợi của quần chúng. Đối với những viên Cố vấn trong Hoàng Cung, Mikasa là Ông Hoàng nổi loạn.
Anami hy vọng thuyết phục Mikasa can thiệp và vận động với Hoàng huynh là Hirohito chặn lại quyết định đầu hàng. Anami tính lầm một cách đáng thương. Mikasa lịch sự ngồi nghe Anami trổ tài hùng biện. Khi Anami hết lời, Ông Hoàng Đỏ nói một cách tàn nhẫn: «Từ ngày xảy ra vụ Mãn Châu đến nay tôi chưa hề thấy quân đội một lần nào hành động theo ý muốn của Nhật Hoàng. Sự việc đã đến như ngày nay mà Ông còn muốn tiếp tục chiến tranh, tôi cho là không thể có gì dở hơn».
Bị mắng như một thiếu niên, Anami cúi đầu rút ra khỏi phòng. Ông thất vọng không thể nào tả nổi.Những lời của Mikasakia rất sâu xa tồn tại mãi trong tinh thần ông. Trở về văn phòng với Đại Tá Tùy viên Hayashi, Ông gậm nhấm lại những lời không thể ngờ đã thốt ra từ cửa miệng của Mikasa. Trong ba ngày qua,đây là lần thứ hai cá nhân ông bị tấn công và bị thương tổn nặng nề. Ở lần trước, trước mặt rất nhiều sĩ quan người em rể. Ông là Đại Tá Takeshi-ta đã tàn nhẫn bảo Ông nên tự sát nếu Ông chấp thuận cuộc đầu hàng. Lúc đó Ông tâm sự với viên bí thư: «Takeshi-ta nói với tôi những lời ác độc quá. Tôi đã gần sáu mươi tuổi rồi, chết không phải là việc khó chỉ có bọn trẻ các anh...». Anami khựng lại và không thể nói gì thêm nữa. Bây giờ đây những lời trách móc của Mikasa càng làm cho tâm tư ông thêm rối loạn tơi bời, khi ông bước chân vào hành lang Bộ Chiến tranh.
Ở đây nhóm sĩ quan mưu đồ nổi loạn đã cưỡng bách được tướng Umezu và Đôđốc Toyoda tới bệ kiến Nhật Hoàng. Hai Ông này cùng yêu cầu NhậtHoàng bác bỏ những điều kiện đầu hàng của Đồng Minh. Hirohito quan sát họ và đoán được ngay: Họ đang nói những lời mà một thế lực một nhóm người ẩn nấp nào đó, bắt buộc họ phải nói. Ông ngỏ lời cảm ơn họ đã lo lắng cho việc quốc gia rồi ra lệnh họ lui gót.
Mấy phút sau Hirohito triệu Hầu Tước Kido vào văn phòng để cùng ông phân tích tình trạng mới đang xảy ra ở phía quân đội. Nếu Umezu và Toyoda đã bị một thế lực nào đó bắt buộc phải đến đây, thì thế lực đó quả là đáng sợ; và tình trạng bất an ở lục quân và hải quân có thể trở nên nguy hiểm. Mối nghi ngờ của Hirohito hiển nhiên có lý do. Vào buổi trưa, phe nổi loạn chính thức xuất đầu lộ diện để chuẩn bị hành động.
Họ tới gặp tướng Anami tại văn phòng bộ trưởng, ngay sau khi Anami từ tư dinh Ông Hoàng Đỏ trở về với một tâm trạng buồn khổ cùng cực. Takeshi-ta, Hatanaka, Inaba và nhiều sĩ quan khác đứng chật văn phòng, ngang nhiên nói đến một cuộc đảo chính. Đại Tá Sato, một phụ tá của Anami nói chặn: « Đừng nói chuyện đảo chính lúc này». Đại Tá Hatanaka nổi nóng và hét lên: « Mi muốn theo bọn chúng chơi trò phản bội phải không?». Sato nhẩy bổ vào Hatanaka đã sẵn sàng nghênh chiến. Tướng Anami kịp thời can thiệp, dẫn hai đối thủ ra. Ông nói: «Quân chúng ta phải tin cẩn nhau, đoàn kết với nhau».
Cả gian phòng im lặng, Anami dịu dàng đề nghị: «Takeshi-ta theo tôi về nhà. Chúng ta sẽ cùng thảo luận với nhau về việc này». Nói rồi ông đứng dậy chậm chạp bước ra khỏi phòng. Ông chưa về nhà vội, lên đường ngay tới dự một phiên họp nội các. Ông vừa mới thi hành kế hoãn binh nhưng ông biết sớm muộn gì ông cũng phải đương đầu với bọn người bất mãn và đáng thương đó, và phải giải quyết vấn đề «đảo chính» của họ.
Anami quả thực ở trong một vị trí khó khăn, trên đe dưới búa. Những thuộc cấp của ông đòi hỏi ông phải chiến đấu để bảo vệ những gì còn lại của quốc gia. Những cấp chỉ huy ông lên án ông đang tìm cách phá hoại hòa bình và tương lai của dân tộc.
Trong tình trạng đó Anami quả không thể thỏa mãn được đòi hỏi của cả hai phía. Tuy Anami phản đối mọi thứ hòa bình vô điều kiện nhưng ông cũng phản đối mọi hình thức khởi loạn. Biết rằng bất kỳ lúc nào quân đội của ông cũng có thể nổ thành một cuộc bạo động, ông muốn vuốt ve bọn cầm đầu để họ án binh bất động. Trong thời gian đó ông sẽ tìm cách thâu hoạch những điều kiện hòa bình có lợi ích cho dân tộc. Theo ông nghĩ đó là cách độc nhất có thể ngăn cản những phụ tá đang hung hăng làm cản trở cuộc thương thuyết. Ông còn hy vọng đường lối hành động đó sẽ tránh được cho Nhật thêm đổ máu trong những giờ, những ngày sắp tới.
Nội các nhóm phiên họp khoáng đại vào lúc 3 giờ chiều. Tướng Anami và đồng minh ở giờ chót của Ông là bá tước Hiranuma chăm chú nghe bức công hàm của Hoa Kỳ do đài phát thanh Cựu Kim Sơn gửi đi Đông Kinh. Thủ Tướng Suzuki nói: đây chưa phải là bản Nhật ngữ chính thức, vì thế bản này vẫn có thể có những sơ hở phiên dịch. Sau đó ông hỏi ý kiến cử tọa Anami và Hiranuma nối tiếp câu truyện sáng nay với Thủ Tướng Suzuki, và nhắc lại mối lo âu của họ về sự tồn tại của nền quân chủ Nhật. Rồi từ đó tướng Anami nhắc lại lời đòi hỏi của Ông về một nền hoà binh có điều kiện.
Ngoại trưởng Togo sau nhiều ngày căng thẳng, mệt mỏi nên đã mất hết bình tĩnh. Ông chua chát nhận xét: «Đến lúc này mà còn đòi hỏi thêm điều kiện sẽ khiến cho Đồng Minh nghi ngờ sự đoàn kết trong nội bộ chính phủ Nhật, và thiện chí muốn thương thuyết của Nhật».
Sự bực tức tăng thêm, Togo đứng dậy khỏi ghế, đi về phía cửa: «Hành động như vậy là thiếu lý trí». Rồi dường như chịu hết nổi, Ông bước ra khỏi phòng họp, kéo xập cửa phía sau lưng.
Run lên vì giận, Togo nhấc ống điện thoại ở phòng kế bên gọi phụ tá Matsumoto để vấn kế, Matsumoto hiểu ngay một cuộc khủng hoảng đã xảy ra, ông đề nghị Togo hãy xin hoãn phiên họp trước khi nội các đi đến một quyết định. Không có giải pháp nào hay hơn, Togo liền chấp thuận và mở cửa trở lại phòng họp. Ông trở lại vừa đúng lúc đề đón nhận đòn cuối cùng.
Sáng hôm đó tướng Anami và bá tước Hiranuma kể như đã thành công. Tập trung mũi dùi vào Thủ Tướng Suzuki họ đã công phá đúng nhược điểm thành trì của đối phương. Nhà lãnh đạo già đã bị hồn xiêu phách lạc vì tai họa có thể đến với Hoàng Gia, nếu Nhật chấp thuận những điều khoản đầu hàng của Đồng Minh.
Vào lúc Togo trở lại phòng họp, ông vừa kịp nghe Suzuki lập lại những lý luận của phe chủ chiến.Suzuki không đầu hàng nữa. Hoảng hốt trước sự trở cờ đột ngột của Suzuki, Togo gồng hết mình để can thiệp trước khi xảy ra việc vô phương cứu vãn. Cố dịu giọng, ông ngắt lời Suzuki: «Những lời của Thủ tướng đáng để chúng ta suy nghĩ cẩn thận, nhưng chúng ta nên hiểu rằng, Nhật Bản không thể tiếp tục chiến tranh một cách vô trách nhiệm, không đếm xỉa gì đến hậu quả khốc hại của nó».
Togo tiếp tục nói để nắm giữ phần chủ động trong cuộc họp: «Trừ phi có một triển vọng thắng trận nào đó thì không kể, còn ngoài ra Nhật bắt buộc phải thương thuyết hòa bình. Vậy thời tôi đề nghị chúng ta hãy tạm hoãn phiên họp này, và vấn đề hôm nay sẽ được đem ra bàn lại sau khi nhận được điệp văn chính thức của Đồng Minh».
Một sự yên lặng nặng nề bao trùm phòng họp. Trong cử tọa có người lên tiếng tán thành rồi người ta đứng dậy chia tay nhau. Chiến thuật của Togo đã đem lại cho phe chủ hòa thêm thời gian hành động.
Ngoại trưởng Togo không thể yên lòng, ông đi tìm và gặp Suzuki trong phòng khách. Vị Thủ tướng lặng yên chịu trận, trong khi Togo hết lời trách cứ. Quá mệt mỏi, quá rối óc vì những sự tranh chấp phe phái nổi lên tứ phía, Suzuki không buồn trả lời Togo. Được thể Togo càng làm tới, đùng đùng bỏ đi và đe dọa sẽ từ chức, mặc cho kẻ khác lo liệu lấy việc hòa bình. Thất vọng về sự mềm yếu của Suzuki, bực tức vì sự ngoan cố của cặp Anami và Hiranuma, Togo quả thực cũng không biết làm gì bây giờ.
Lúc xế bóng Togo ghé Bộ Ngoại Giao của Ông. Các phụ tá van xin ông hãy về nhà ngủ một giấc đã, rồi sau hãy nói đến chuyện từ chức. Trước khi về nhà, Ông tới gặp Hầu tước Kido trình bày mọi chuyện. Ông khuyến cáo Kido phải yểm trợ Suzuki, để cho hàng ngũ phe chủ hòa khỏi bị xập đổ.
Trong khi đó tại Bộ Ngoại Giao, cái ngày dài nhất của phụ tá Matsumoto vẫn chưa chấm dứt. Sau khi nhận và phiên dịch bức công hàm của Hoa Kỳ, suốt ngày Matsumoto phải xử lý Bộ Ngoại Giao trong khi Ngoại trưởng Togo phải chiến đấu chống lại cả bạn lẫn thù. Bây giờ là buổi hoàng hôn ngày 12 tháng Tám, Matsumoto ngồi ở bàn giấy nghĩ cách tranh thủ thời gian để cho phe chủ hòa có thể củng cố lại hàng ngũ.
Matsumoto nhấc ống nói gọi sở Viễn thông thuộc Bộ Ngoại Giao và ra chỉ thị cho viên giám đốc:«Ông phải đích thân lưu ý đến mọi công điện của Đồng Minh được gửi tới Đông Kinh trong buổi chiều hôm nay. Nếu có công điện đó, Ông phải ghi là nhận được vào sáng ngày mai. Việc này phải tuyệt đối giữ bí mật». Viên Giám đốc tuân lệnh, Matsumoto đặt ống nói rồi ngồi xuống ghế, trong thâm tâm hy vọng: chút mánh lới vặt đó sẽ đưa lại cho phe chủ hòa thêm thời gian để tổ chức lại.
Vào lúc 6 giờ 40 phút chiều, thông điệp của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Byrnes gửi chính phủ Nhật bắt đầu tới sở Viễn Thông Bộ Ngoại Giao. Theo chỉ thị của Matsumoto, viên Giám đốc sở này để bức thông điệp nhận được vào lúc 7 giờ 10 phút ngày hôm sau. Rồi ông tạm cất nó vào tủ.
Một lát sau một bức điện văn khác cùng tới Đông Kinh chứng tỏ: mối lo của Matsumoto có căn bản thực tế. Điện văn này là của Okamoto đại sứ Nhật tại Thụy Sĩ từ hai ngày qua chăm chú thăm dò phản ứng của Đồng Minh đối với ý định đầu hàng của Nhật. Với một tâm trạng đầy ưu tư, đại sứ Okamoto báo động cho đồng bào ông một nguy cơ trầm trọng. Điện văn của ông như sau:
«Hoa Kỳ đang gặp khó khăn trong việc dung hòa lập trường của các quốc gia Đồng minh. Nga Sô và Truug Hoa muốn lật đổ nền quân chủ Nhật. Anh quốc chủ trương tạm thời thừa nhận Nhật Hoàng. Tờ Luân Đôn Thời báo chống lại chế độ Nhật Hoàng».
Bức điện văn của Okamoto có tác dụng một lời cảnh cáo. Trừ phi Nhật chấp nhận toàn vẹn Tuyên ngôn Postdam, Tổng thống Truman có thể bị thúc đẩy thay đổi lập trường. Tình trạng bế tắc ở Đông Kinh phải được khai thông một cách gấp rút.
9 giờ 30 tối, Thủ tướng Suzuki bước chân vào văn phòng Hầu tước Kido theo lời triệu thỉnh khẩn cấp. Kido duyệt xét lại tất cả những việc xẩy ra trong ngày và nói: «Nếu chúng ta không chấp nhận lập trường của Đồng minh... thì hàng trăm ngàn dân Nhật sẽ bị hy sinh trong cuộc chiến... Hơn nữa chính Hoàng thượng đã ra chỉ thị cho chúng ta phải xúc tiến hòa bình trên căn bản quan điểm của ngoại trưởng Togo». Hiểu rõ Suzuki, Hầu tước Kido muốn giải tỏa cho ông sự lo lắng đến qui chế tương lai của Nhật Hoàng và sự hãi hùng phải nộp Hirohito cho địch.
Lại một lần nữa, viên Đô đốc già cam kết sẽ khắc phục phe chủ chiến, và thi hành ý muốn của Hirohito. Kido tiễn Suzuki ra tận cửa, và khi trở lại văn phòng, ông yên trí hàng ngũ phe chủ hòa đủ vững chãi để đối phó với những khó khăn trong ngày giờ sắp tới.
Trong khi những nhà ngoại giao và quân sự mặc cả với nhau trước vấn đề chiến tranh và hòa bình thì thường dân Nhật vẫn theo nhau chết vì chiến tranh. Mười một ngày sau khi bị dội bom nguyên tử, lửa vẫn hãy còn ngùn ngụt ở Nagasaki. Những đoàn cấp cứu tiếp tục tìm kiếm người sống sót, ở khắp mọi chỗ họ gặp những xác chết.
Ba người lính thủy tiến vào Nagasaki để thi hành công tác cấp cứu thấy những giãy nhà xập đổ hai bên đường vẫn còn âm ỉ cháy. Cách vị trí bom rơi chừng hai cây số, xác chết la liệt, và từ đây tiến vào vị trí đó, số xác chếtmỗi bước càng thêm nhiều. Những nạn nhân bom nguyên tử chết với thân hình bị đốt cháy đen thui, hoặc bị bỏng sưng khắp mình.
Những người sống sót được đưa tới điều trị tại những thành phố lân cận. Thân hình của họ bị lửa làm cho vô cùng khủng khiếp và gần như mất hết nhân dạng.
Vào ngày thứ ba sau khi bị nạn, một sự kiện kỳ bí đã xẩy đến cho số ngưòi sống sót. Họ chết mỗi ngày một nhiều. Sau khi được trị bỏng và băng bó vết thương, họ tưởng được toàn mạng nhưng cái chết đã đến mọt cách bất ngờ.
Các bác sĩ đều ngơ ngẩn và không thể hiểu nổi cái hiện tượng kỳ bí đó. Một vị phải than thở: «Trường hợp này hoàn toàn khác hẳn với những trường hợp bị cháy bỏng khác. Người ta chết sau khi vết thương được chữa trị và tưởng như lành trở lại... Thật là một điều vô lý...»
Nhưng sự thật không vô lý chút nào. Đây không phải là nạn nhân của bom thường. Bị nhiễm quang tuyến gamma ở mức độ quá cao, nên các bộ phận trong người của họ bị tàn phá,máu bị hủy hoại. Họ phát triệu chứng đau bụng, nôn mửa, không biết đói, thiếu máu, rồi lần lần đi đến cái chết. Một kẻ thù vô hình đang lẩn quẩn trên cảnh hoang tàn của Hiroshima và Nagasaki. Nhưng ở những nhà lãnh đạo ở Đông Kinh, vẫn còn có người chủ trương tiếp tục cuộc chiến tranh.
Trong đêm 12 tháng Tám tại Bắc Kinh bên Hoa Lục, một nhóm quân nhân đang thu xếp chỗ ở tạm thời trên tầng lầu thượng của một tư gia. Vào lúc sáng sớm họ đã nhẩy dù xuống một cánh đồng hoang rồi bí mật lên xe về Bắc Kinh để thi hành một nhiệm vụ tế nhị.
Sau khi cởi bỏ bộ quân phục lấy được của kẻ thù, họ tức tốc lập một cơ sở phát thanh và bắt đầu ngay việc đánh tín hiệu cho trung tâm OSS ở Hsian.
Trung tá Jim Kellis cầm đầu nhóm quân nhân đó báo cáo: Ông và các thuộc viên lúc này đã thiết lập xong căn cứ tại nhà riêng của tướng Mung, chỉ huy một lực lượng lính Tàu đánh thuê cho Nhật Bản. Mung thỏa thuận hợp tác với Hoa Kỳ, nên đã đưa lậu cán bộ của OSS vào tận trung tâm vùng đất do Nhật kiểm soát. Như vậy bọn người OSS này đã ở vào một vị trí rất thuận lợi để kịp thời hành động khi Nhật Bản đầu hàng. Lúc này, Trung tá Jim Kellis đang ở sát nách tòa nhà chứa chấp một bộ tư lệnh Nhật vùng Hoa Bắc.
Đế Quốc Nhật Giãy Chết Đế Quốc Nhật Giãy Chết - William Craig Đế Quốc Nhật Giãy Chết