Chương 9
ẹ Lettie đang cầm que cời dồn những súc gỗ đang cháy lại trong chiếc lò sưởi lớn.
Bà Hempstock đang khuấy một cái nồi dáng khum tròn đằng đáy trên bếp lò bằng một chiếc muôi gỗ lớn. Bà đưa muôi lên miệng, thổi một cách điệu nghệ, húp, mím môi, thêm một nhúm gì đó rồi lại bỏ một vốc gì khác vào. Bà vặn nhỏ lửa lại. Rồi bà nhìn tôi, từ đầu tóc ướt mèm xuống đến hai bàn chân trần đang tím ngắt vì lạnh. Khi tôi đứng đó, một vũng nước bắt đầu loang ra trên mặt sàn lát đá quanh tôi, nước từ áo choàng ngủ nhỏ tí tách xuống vũng nước.
“Tắm nước nóng,” bà Hempstock nói. “Nếu không nó sẽ cảm nặng đấy.”
“Cháu cũng đã nói thế,” Lettie nói.
Mẹ của Lettie đã kéo sẵn một chậu tắm bằng thiếc từ dưới bàn bếp ra, đổ đầy nước bốc hơi nghi ngút vào từ cái ấm đen to tướng treo trên lò lửa. Mấy nồi nước lạnh được thêm vào cho đến khi bác tuyên bố nước đã đạt đến nhiệt độ hoàn hảo.
“Được rồi đấy. cháu vào đi,” bà Hempstock nói. “Nhanh lên nào.”
Tôi kinh hoàng nhìn bà. Tôi sẽ phải cởi đồ trước mặt người lạ sao?
“Chúng ta sẽ giặt đồ của con, phơi khô chúng cho con rồi vá cái áo choàng ngủ đó lại,” mẹ của Lettie vừa nói vừa lấy áo choàng ngủ trên người tôi đi, ẵm theo mèo con mà tôi vừa nhận ra là mình vẫn còn ôm rồi quay đi.
Tôi cởi thật nhanh bộ đồ ngủ bằng vải ni lông đỏ ra - đũng sũng ướt, còn hai ống quần giờ đã rách toạc và sẽ không bao giờ lành lặn lại được nữa. Tôi thò mấy ngón tay vào nước, trèo vào ngồi trong chậu tắm thiếc trước lò sưởi to trong căn bếp làm ta vững dạ đó rồi ngả người ra trong làn nước nóng. Hai bàn chân tôi bắt đầu rần rật khi có cảm giác trở lại. Tôi biết trần truồng là sai, nhưng dường như nhà Hempstock không để ý gì chuyện tôi trần truồng: Lettie đã bỏ đi, cầm theo bộ đồ ngủ và áo choàng ngủ của tôi; mẹ cô bé thì đang dọn bàn ăn, lấy ra dao, nĩa, thìa, những chiếc bình lớn nhỏ, dao lạng thịt và chiếc mâm gỗ.
Bà Hempstock đưa qua cho tôi một cốc đầy xúp múc trong cái nồi đen thui trên bếp lò ra. “Húp hết đi. Làm ấm người cháu từ bên trong cái đã.”
Xúp đậm đặc và làm ấm người. Trước giờ, tôi chưa từng nằm trong bồn tắm mà húp xúp. Đó là một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ. Húp hết cốc xúp, tôi trả nó lại cho bà cụ, rồi bà lại đưa cho tôi một bánh xà phòng trắng lớn với một chiếc khăn lau mặt và nói, “Giờ thì kì cọ đi. Chà cho sinh khí và hơi ấm trở lại trong xương tủy cháu nào.”
Bà ngồi xuống chiếc ghế bập bênh bên kia lò sưởi và khẽ đu đưa, mắt không nhìn tôi.
Tôi cảm thấy an toàn. Tôi thấy như thể những tinh hoa của tình cảm người bà đã kết tụ lại ở đúng nơi đó, vào đúng lúc đó. Tôi không sợ Ursula Monkton gì cả, bất kể mụ ta là thứ gì đi nữa, lúc đó thì không. Ở đó thì không.
Bác Hempstock mở cửa lò và lấy ra một cái bánh nướng có vỏ láng bóng màu nâu và lấp lánh, rồi đặt nó lên bậu cửa sổ cho nguội.
Tôi lau khô người bằng tấm khăn họ đem đến cho tôi, sức nóng từ lò sưởi cũng sấy khô người tôi chẳng khác nào dùng khăn lau, rồi Lettie Hempstock quay lại đưa tôi một thứ màu trắng lụng thụng như váy ngủ của con gái nhưng được may bằng vải bông trắng, có tay dài, vạt cũng dài quét đất và cả một chiếc mũ trắng. Tôi ngập ngừng chưa chịu mặc vào cho tới khi nhận ra đó là gì: áo ngủ. Tôi đã thấy hình mấy chiếc áo ngủ kiểu này trong sách. Nhóc Willie Winkie mặc áo này chạy lông nhông khắp thị trấn trong mọi cuốn sách đồng dao tôi từng có.
Tôi tròng áo vào. Chiếc mũ quá rộng so với tôi, sụp xuống che hết cả mặt, nên Lettie lại cất nó đi.
Bữa ăn tối thật tuyệt vời. Có một súc thịt bò, ăn kèm khoai tây nướng vàng giòn bên ngoài và trắng mềm bên trong, cùng rau gì đó tôi không nhận ra trộn với bơ, dù giờ đây tôi nghĩ có lẽ đó là cây tầm ma, có cả cà rốt nướng đen sì mà ngọt lịm (trước đó, tôi từng nghĩ mình không thích cà rốt nấu chín nên gần như không ăn cà rốt, nhưng hôm đó tôi cảm thấy mình can đảm nên đã thử và thấy thích đến nỗi cảm thấy thất vọng về món cà rốt luộc trong suốt tuổi thơ của mình). Về món tráng miệng, chúng tôi có bánh nướng nhân táo, nho khô nở mềm và hạt nghiền, trên cùng là một lớp dày sữa trứng vàng ruộm, béo và đậm đà hơn bất cứ thứ gì tôi từng nếm ở trường hay ở nhà.
Mèo con ngủ trên miếng đệm nhỏ bên lò sưởi cho đến cuối bữa ăn, rồi cùng một con mèo nhà có màu xám khói to bằng bốn lần nó ăn phần thịt vụn.
Trong khi chúng tôi ăn, không ai nói gì về chuyện đã xảy ra với tôi hay tại sao tôi ở đó. Các quý bà quý cô Hempstock nói về trang trại - cánh cửa dẫn vào nhà kho vắt sữa cần sơn lại, một con bò tên Rhiannon trông như đang bị khập khiễng chân sau bên trái, lối đi trên đường dẫn xuống bể chứa nước cần được dọn quang.
“Nhà chỉ có ba người thôi ạ?” tôi hỏi. “Không có người đàn ông nào sao?”
“Đàn ông!” bà Hempstock hú lên. “Ta chẳng biết đàn ông để làm cái gì! Không có việc gì trong trang trại này đàn ông làm được mà ta không làm nhanh gấp đôi và giỏi gấp năm lần cả.”
Lettie nói, “Thỉnh thoảng, ở nhà chị cũng có đàn ông. Họ đến rồi đi. Ngay lúc này thì chỉ có mấy người đây thôi.”
Mẹ cô bé gật đầu. “Đàn ông nhà Hempstock hả, chủ yếu họ ra đi tìm kiếm định mệnh và gây dựng cơ đồ của mình. Họ đã nghe tiếng gọi rồi thì không có gì giữ chân họ lại đây được cả. Họ có ánh nhìn xa xăm trong mắt và vậy là chúng ta mất họ, mãi mãi. Lần sau, có dịp là họ lại bỏ xuống thị trấn và thậm chí là thành phố, vậy là ngoài một tấm bưu thiếp thỉnh thoảng mới gửi về ra thì chẳng còn gì, dù chỉ là để cho thấy họ đã từng ở đây.”
Bà Hempstock nói, “Bố mẹ nó sắp đến đấy! Họ đang chạy xe tới đây. Họ vừa đi qua cây du nhà Parson. Mấy con lửng đã nhìn thấy họ.”
“Mụ ta có đi với họ không ạ?” tôi hỏi. “Ursula Monkton ấy ạ?
“Mụ ta ư?” bà Hempstock nói, lấy làm buồn cười. “Cái thứ đó hả? Không có mụ ta đi theo đâu.”
Tôi ngẫm nghĩ một lát. “Bố mẹ sẽ bắt con về theo, rồi mụ ta sẽ nhốt con trên gác mái, và khi mụ ta đâm chán rồi thì sẽ để bố giết con. Mụ ta nói vậy.”
“Mụ ta có thể đã nói với con như vậy, con yêu ạ,” mẹ của Lettie nói, “nhưng mụ ta sẽ không làm vậy hay làm bất cứ chuyện gì như vậy được đâu, nếu không thì tên ta không phải là Ginnie Hempstock nữa.”
Tôi thích cái tên Ginnie, nhưng tôi không tin điều bác nói nên không thấy an tâm. Chẳng mấy chốc, cửa vào bếp sẽ mở, bố sẽ quát tôi hay chờ đến khi chúng tôi vào xe mới quát tôi, rồi bố mẹ sẽ chở tôi về nhà ở đầu đường làng, và thế là tôi sẽ tiêu tùng.
“Xem nào,” bác Ginnie Hempstock nói. Khi họ đến thì chúng ta có thể đi vắng rồi. Họ có thể tới hôm thứ Ba tuần trước khi không có ai ở nhà.”
“Không có chuyện đó đâu,” bà cụ nói. “Đùa với thời gian chỉ làm mọi chuyện rắc rối thôi... Ta có thể biến thằng bé thành cái gì khác, vậy là họ sẽ không bao giờ tìm thấy nó dù có tìm kỹ thế nào đi nữa.”
Tôi chớp chớp mắt. Chuyện đó mà cũng được sao? Tôi muốn được biến thành cái gì đó. Mèo con đã ăn xong phần thịt vụn (thật ra thì có vẻ nó ăn còn nhiều hơn con mèo nhà) và giờ nó nhảy vào lòng tôi, bắt đầu kì cọ tắm táp.
Bác Ginnie Hempstock đứng lên, đi ra khỏi phòng. Tôi thắc mắc không biết bác đi đâu.
“Ta không thể biến cậu bé thành cái gì cả,” Lettie vừa nói vừa dọn những chiếc đĩa và thìa nĩa còn lại trên bàn. “Bố mẹ cậu bé sẽ đâm cuống cuồng. Và nếu họ bị con bọ chét khống chế, mụ ta sẽ cứ vậy mà tăng sự cuống cuồng đó lên. Thế rồi nhoáng một cái, ta sẽ phải nhờ cảnh sát mò dưới bể chứa nước tìm cậu bé. Hay tệ hơn. Dưới đại dương.”
Mèo con nằm xuống và cuộn tròn mình lại cho đến khi chỉ còn là một vòng tròn nhỏ dẹp lép lông đen mượt. Nó nhắm cặp mắt xanh sống động lại và vừa ngủ vừa rừ rừ.
“Thế nào?” bà Hempstock hỏi. “Vậy cháu gợi ý thế nào?”
Lettie ngẫm nghĩ, bặm miệng, kéo môi qua một bên. Cô bé nghiêng nghiêng đầu nên tôi nghĩ cô bé đang rà lại một lượt nhiều giải pháp khác nhau. Rồi mặt cô bé sáng lên. “Rọc và cắt có được không ạ?” cô bé hỏi.
Bà Hempstock khịt mũi. “Cháu là đứa con gái giỏi giang,” bà cụ nói. “Ta không nói là cháu không giỏi giang. Nhưng cắt... chà, cháu không làm được đâu. Chưa đâu, cháu sẽ phải cắt các mép ra cho chính xác rồi khâu lại mà không để lộ đường chỉ. Mà cháu sẽ cắt gì ra chứ? Con bọ chét sẽ không để cháu cắt mụ ta ra. Mụ ta không ở trong thớ vải. Mụ ta ở ngoài nó.”
Bác Ginnie Hempstock quay lại. Bác cầm theo áo choàng ngủ cũ của tôi. “Ta đã cho nó qua máy vắt nước,” bác nói. “Nhưng nó vẫn còn ẩm. Như vậy thì khâu mấy mép lại sẽ khó hơn. Ta sẽ không muốn may vá khi nó hãy còn ẩm đâu.”
Bác để áo choàng ngủ xuống bàn, trước mặt bà Hempstock. Rồi bác lôi trong túi trước tạp dề ra một cây kéo đen sì và cũ kỹ, một cây kim dài và một cuộn chỉ đỏ.
“Thanh lương trà và chỉ đỏ, ngăn mụ phù thủy đang vùn vụt bay,” tôi đọc. Tôi đọc được câu này trong sách.
“Cái đó được đấy, rất được việc,” Lettie nói, “nếu có phù thủy xuất hiện. Nhưng ở đây lại không có.”
Bà Hempstock đang săm soi áo choàng ngủ của tôi. Nó đã ngả nâu và bạc thếch, có miếng vải kẻ ô nâu đỏ ngang đằng trước. Đó là quà ông bà nội tặng tôi sinh nhật vài năm trước, lúc đó nó quá cỡ người tôi, trông buồn cười lắm. “Có lẽ...” bà cụ nói như thể đang trò chuyện một mình, “tốt nhất là bố cháu vui lòng cho cháu ở lại đây đêm nay. Nhưng muốn vậy thì họ không được giận cháu, hay lo lắng...”
Lúc này, khi cây kéo đen trong tay bà đang cắt xoẹt-xoẹt-xoẹt thì tôi nghe một tiếng gõ ở cửa trước, và bác Ginnie Hempstock đứng lên ra mở cửa. Bác ấy bước ra hành lang rồi đóng cửa lại sau lưng.
“Đừng để bố mẹ dẫn em về',” tôi nói với Lettie.
“Khẽ nào,” cô bé nói. “Chị đang làm việc ở đây, còn bà thì đang cắt vải. Em chỉ đang buồn ngủ, và bình yên. Và vui vẻ.”
Tôi còn lâu mới vui vẻ và cũng không buồn ngủ chút nào. Lettie chồm người qua bàn, nắm tay tôi. “Đừng lo,” cô bé nói.
Đúng lúc đó thì cửa mở ra, rồi bố mẹ tôi vào trong bếp. Tôi muốn bỏ trốn, nhưng mèo con cựa mình trong lòng làm tôi thấy vững dạ, Lettie thì mỉm cười với tôi một nụ cười trấn an.
“Chúng tôi đang tìm cậu con trai,” bố tôi nói, “và chúng tôi có lý do để tin rằng...” và khi bố đang nói vậy thì mẹ đã sải bước tới chỗ tôi. “Thằng bé kia rồi! Con yêu, bố mẹ lo muốn chết”.
“Con gặp rắc rối to rồi đấy!” bố tôi nói.
Xoẹt! Xoẹt! Xoẹt! Cây kéo đen cắt vải kêu lên, mảnh vải méo xẹo bà Hempstock cắt ra rơi xuống bàn.
Bố mẹ tôi khựng người lại. Họ ngừng nói, ngừng cử động. Miệng bố tôi vẫn há ra, mẹ tôi đứng trên một chân, bất động giống như mẹ là ma nơ canh ở tủ kính.
“Bà... bà đã làm gì bố mẹ con vậy?” Tôi không chắc mình có nên lo lắng hay không.
Bác Ginnie Hempstock nói, “Họ không sao đâu. chỉ cắt một chút rồi khâu một chút là mọi chuyện sẽ đâu vào đấy cả.” Bác chìa tay chỉ mảnh vải kẻ ô trên chiếc áo choàng ngủ bạc màu rơi trên bàn. “Đó là bố con và con trong hành lang, còn kia là bồn tắm. Bà đã cắt nó ra. Những thứ đó không còn thì không lý gì bố con lại giận con cả.”
Tôi không kể họ nghe chuyện ở bồn tắm. Tôi cũng không lấy làm lạ sao bác lại biết.
Lúc này, bà đang dùng chỉ đỏ xâu kim. Bà thở dài rất kịch. “Mắt người già,” bà nói. “Mắt người già mà.” Nhưng bà nhấm đầu sợi chỉ rồi xỏ qua lỗ kim mà không gặp phải khó khăn gì mấy.
“Lettie. Cháu cần biết bàn chải đánh răng của nó trông ra sao,” bà cụ nói. Bà bắt đầu khâu mấy mép áo choàng ngủ lại bằng những mũi chỉ li ti, cẩn thận.
“Bàn chải đánh răng của em trông ra sao?” Lettie hỏi. “Nhanh lên.”
“Nó màu xanh lá,” tôi nói. “Xanh tươi. Xanh như màu quả táo ấy. Nó không lớn lắm đâu. Chỉ là chiếc bàn chải đánh răng màu xanh lá, cỡ của em.” Tôi biết mình mô tả không được kỹ cho lắm. Tôi hình dung nó trong đầu, cố tìm thêm điểm gì đó tôi mô tả được để làm nó nổi bật lên so với mấy chiếc bàn chải khác. Không được. Tôi hình dung nó, thấy nó trong trí tưởng tượng cùng mấy chiếc bàn chải khác trong cái cốc có chấm đỏ và trắng bên trên chậu rửa mặt trong buồng tắm.
“Thấy rồi!” Lettie nói. “Làm giỏi lắm.”
“Gần xong rồi đây,” bà Hempstock nói.
Bác Ginnie Hempstock toét miệng cười khiến khuôn mặt tròn trịa, hồng hào sáng ửng lên. Bà Hempstock cầm kéo lên cắt một lần cuối và một đoạn chỉ đỏ rơi xuống mặt bàn.
Bàn chân mẹ tôi hạ xuống. Mẹ bước một bước rồi dừng lại.
Bố tôi nói, “Ừm.”
Bác Ginnie nói,"... và Lettie nhà chúng tôi rất vui vì con trai anh chị có thể đến đây ngủ lại. Tôi e là ở đây chúng tôi có hơi cổ lỗ một chút.”
Bà cụ nói, “Dạo này, chúng tôi có nhà vệ sinh trong nhà rồi. Tôi không biết người ta còn có thể hiện đại hơn cỡ nào nữa. Chứ với tôi thì có nhà xí ngoài vườn và bô để trong phòng là được rồi.”
“Nó ăn một bữa tử tế rồi đấy,” bác Ginnie nói với tôi. “Phải không con?”
“Có bánh nướng,” tôi nói với bố mẹ. “Để ăn tráng miệng.”
Trán bố cau lại. Bố trông có vẻ bối rối. Rồi bố thò tay vào túi áo khoác mặc đi xe, lôi ra cái gì dài dài có màu xanh lá và được quấn giấy vệ sinh ở phần đầu. “Con quên bàn chải đánh răng này,” bố nói. “Bố nghĩ con sẽ cần.”
“Nào, nếu nó muốn về nhà thì cứ để nó về,” mẹ tôi đang nói với bác Ginnie Hempstock. “Vài tháng trước, nó đến ngủ lại qua đêm ở nhà Kovacs, thế rồi đến chín giờ, nó gọi bảo chúng tôi đến đón nó về.”
Christopher Kovacs lớn hơn tôi hai tuổi và cao hơn tôi một cái đầu, nó sống với mẹ trong căn nhà gỗ lớn đối diện cổng vào đường làng chúng tôi, bên tháp nước xanh lá cũ. Mẹ nó đã ly dị. Tôi thích bà. Bà vui tính và chạy một con xe Volkswagen Beetle, chiếc đầu tiên tôi từng thấy, Christopher có nhiều cuốn sách tôi chưa được đọc, nó lại còn là thành viên trong câu lạc bộ Puffin* nữa. Tôi có thể đọc sách Puffin của nó nếu tôi đến nhà nó. Nó sẽ không bao giờ chịu cho tôi mượn về.
Trong phòng Christopher có chiếc giường tầng dù nó là con một. Đêm tôi ngủ lại đó, tôi được chia cho tầng dưới. Khi chúng tôi đã lên giường, mẹ Christopher Kovacs chúc chúng tôi ngủ ngon, tắt đèn phòng ngủ và khép cửa, thế rồi nó chúc đầu xuống và bắt đầu dùng khẩu súng nước giấu dưới gối xịt vào tôi. Tôi không biết phải làm gì.
“Lần này sẽ không giống như khi con đến nhà Christopher Kovacs đâu,” tôi ngượng nghịu nói với mẹ. “Con thích ở chỗ này.”
“Con đang mặc cái gì thế kia?” Mẹ ngơ ngác nhìn chiếc áo ngủ giống kiểu của nhóc Willie Winkie tôi đang mặc.
Bác Ginnie nói, “Thằng bé gặp chút sự cố. Nó mặc tạm cái đó để chờ đồ ngủ của nó khô.”
“Ồ. Tôi hiểu rồi,” mẹ tôi nói. “Thôi được, ngủ ngon nhé, con yêu. Chơi vui với bạn mới của con nhé.” Mẹ ngó xuống Lettie. “Nhắc lại xem tên con là gì nhỉ, con yêu?”
“Lettie ạ,” Lettie Hempstock nói.
“Có phải là viết tắt của Letitia không?” mẹ tôi hỏi.
“Thời còn học đại học, cô có quen một người tên Letitia. Tất nhiên ai cũng gọi cô ấy là Lettuce* cả.”
Lettie chỉ nhoẻn miệng cười mà không nói gì.
Bố tôi bỏ bàn chải xuống bàn trước mặt tôi. Tôi tháo giấy vệ sinh quấn phần đầu ra. Không lẫn vào đâu được, đó đúng là cây bàn chải xanh lá của tôi. Bên dưới lớp áo khoác dài đi xe, bố mặc chiếc sơ mi trắng sạch và không thắt cà vạt.
Tôi nói, “Con cám ơn bố.”
“Vậy,” mẹ tôi nói, “sáng mai chúng tôi phải đến đón nó lúc mấy giờ?”
Bác Ginnie nhoẻn miệng cười toe toét hơn nữa. “Ồ, Lettie sẽ dẫn nó về cho anh chị. Sáng mai, ta nên để chúng nó được chơi thư thả. Nào, trước khi anh chị về, tôi có ít bánh nướng lúc chiều...”
Rồi bác bỏ ít bánh nướng vào túi giấy, mẹ tôi lịch sự cầm lấy, rồi bác Ginnie tiễn bố mẹ ra cửa. Tôi nín thở cho đến khi nghe tiếng chiếc Rover chạy về lại đầu đường làng.
“Bà đã làm gì với bố mẹ con vậy ạ?” tôi hỏi. Và rồi, “Đây có thật là bàn chải của con không?”
“Nếu cháu đã hỏi thì,” bà Hempstock nói, giọng mãn nguyện, “đó là một việc cắt vá rất đáng nể đấy.” Bà giơ áo choàng ngủ của tôi lên: tôi không thấy được bà đã cắt đi một miếng ở đâu, hay khâu nó lại ở chỗ nào. Nó liền một mạch, không thấy được chỗ vá. Bà đưa tôi mẩu vải bà đã cắt ra trên bàn. “Buổi chiều của cháu đây,” bà cụ nói. “Cháu cứ giữ đi, nếu cháu muốn. Nhưng nếu là cháu, ta sẽ đốt nó đi.”
Mưa rơi tí tách lên cửa sổ và gió lay mấy khung cửa sổ kêu lạch cạch.
Tôi cầm miếng vải tưa mép lên. Nó vẫn còn ẩm. Tôi đứng lên, làm mèo con thức giấc, nó phóng đi và biến vào bóng tối. Tôi bước lại chỗ lò sưởi.
“Nếu con đốt cái này,” tôi hỏi họ, “chuyện đó có thật là đã xảy ra không ạ? Bố con có nhấn con xuống bồn tắm không? Con có quên mất chuyện đó từng xảy ra không?”
Bác Ginnie Hempstock không cười nữa. Giờ bác có vẻ lo lắng. “Con muốn sao?” bác hỏi.
“Con muốn nhớ,” tôi nói. “Vì chuyện đó đã xảy ra với con. Và con vẫn là con.” Tôi ném mảnh vải nhỏ vào lò sưởi.
Có tiếng lách tách, thế rồi mảnh vải bốc khói và cháy bùng lên.
Mình đã ở dưới nước. Minh túm lấy cà vạt của bố. Mình nghĩ bố sắp giết chết mình...
Tôi thét lên.
Tôi đang nằm trên mặt sàn lát đá phiến trong bếp nhà Hempstock mà lăn lộn và la hét. Tôi có cảm giác như đã giẫm chân trần lên than hồng. Cơn đau bỏng rát. Còn một cơn đau nữa, sâu trong lồng ngực, xa xăm hơn, không rát bỏng như vậy: chỉ là khó chịu, không phải rát bỏng.
Bác Ginnie đang ở bên cạnh tôi. “Có chuyện gì vậy con?”
“Bàn chân con. Nó đang bốc cháy. Nó đau quá chừng.”
Bác kiểm tra rồi nhấm nước bọt vào ngón tay, sờ vào cái lỗ trong lòng bàn chân tôi, chỗ tôi đã kéo con sâu ra hai hôm trước. Có tiếng xèo xèo rồi cơn đau trong chân tôi bắt đầu dịu đi.
“Trước giờ chưa từng thấy cái nào như thế này,” bác Ginnie Hempstock nói. “Làm sao mà con bị?”
“Trong đó có một con sâu,” tôi kể cho bác nghe. “Nó đã theo bọn con từ chỗ có bầu trời cam bằng cách đó. Trong chân con.” Rồi tôi nhìn Lettie đang khom xuống bên cạnh và giờ đang cầm tay tôi, và tôi nói, “Em đã đem nó về theo. Là tại em. Em xin lỗi.”
Bà Hempstock là người sau cùng đến bên tôi. Bà cúi xuống, kéo lòng bàn chân tôi đưa lên ánh sáng. “Xấu xa,” bà cụ nói. “Và rất khôn khéo. Mụ ta bỏ lại cái lỗ bên trong cháu để còn dùng lại. Nếu cần, mụ ta có thể nấp bên trong cháu, dùng cháu làm cánh cửa về nhà. Thảo nào mụ ta muốn giam cháu trên gác mái. Vậy thì. Ta hãy làm ngay hôm nay, chớ để ngày mai, như người lính trước khi đánh úp quân địch ấy.” Bà đưa ngón tay chọc vào cái lỗ trong bàn chân tôi. Nó vẫn còn đau, nhưng đã dịu đi một chút. Giờ thì bàn chân tôi có cảm giác rần rật ở bên trong.
Có gì đó phập phồng trong ngực tôi như một con bướm đêm nhỏ xíu, rồi nó nằm im.
Bà Hempstock hỏi, “Cháu can đảm lên được không?” Tôi không biết. Tôi không nghĩ là được. Tôi thấy hình như đêm đó, tất cả những gì tôi làm cho đến giờ phút này là chạy trốn mọi thứ. Giờ bà cụ đang cầm chắc cây kim đã dùng để khâu lại áo choàng ngủ cho tôi, và bà nắm chắc lấy nó, trông bà không giống như sắp khâu vá mà như thể bà đang định đâm tôi.
Tôi rụt chân lại. “Bà định làm gì thế ạ?”
Lettie siết chặt tay tôi. “Bà sẽ làm cho cái lỗ mất tiêu,” cô bé nói. “Chị sẽ nắm tay em. Nếu không muốn thì em không phải nhìn đâu.”
“Sẽ đau lắm,” tôi nói.
“Nói bậy,” bà nói. Bà kéo bàn chân tôi lại, để cái lỗ xoay về phía mình rồi đâm phập cây kim xuống... tôi nhận ra là không phải vào bàn chân tôi mà vào chính cái lỗ.
Tôi không thấy đau.
Rồi bà xoắn cây kim và rút nó về phía mình. Tôi kinh ngạc nhìn khi có gì đó anh ánh ở đầu mũi kim - mới đầu, nó trông như có màu đen, rồi mờ đi, rồi phản chiếu loang loáng như thủy ngân - được rút ra khỏi lòng bàn chân tôi.
Tôi cảm nhận được là nó đang ra khỏi chân mình - dường như cái cảm giác ấy đi lên một mạch trong người tôi, lên giò tôi, qua háng rồi qua bụng và ngực tôi. Tôi nhẹ cả người khi cảm thấy nó rời khỏi tôi: cảm giác rát bỏng dịu di, mang theo cả nỗi kinh hoàng của tôi.
Tim tôi đập thình thịch thật kỳ lạ.
Tôi nhìn bà Hempstock quấn thứ đó lại, nhưng không hiểu sao tôi vẫn không thể biết rõ cái mình đang thấy là gì. Đó là cái ống không có gì xung quanh cả, dài gần cả tấc, mảnh hơn giun đất, trông như lớp da lột của một con rắn trong mờ.
Thế rồi, bà cụ dừng tay. “Không muốn ra,” bà nói. “Nó đang cố thủ.”
Tim tôi lạnh ngắt như thể có một miếng đá lạnh chèn trong đó. Bà cụ hất cổ tay một cách thành thục, thế là cái thứ anh ánh đã lủng lẳng nơi cây kim (tôi nhận ra lúc này mình không nghĩ đến thủy ngân nữa mà nghĩ đến những vệt mỏng ánh bạc lũ ốc sên để lại trong vườn), không còn ở trong bàn chân tôi nữa.
Bà buông bàn chân tôi ra và tôi rụt chân lại. Cái lỗ tròn nhỏ xíu đã mất tăm như thể chưa từng có ở đó.
Bà Hempstock cười tủm tỉm sung sướng. “Mụ ta tưởng mụ ta khôn ngoan lắm hả,” bà nói, “để lại đường về nhà bên trong thằng bé. Vậy là tài tình hả? Ta không nghĩ vậy là tài tình. Ta coi cả lũ bọn chúng không đáng một xu.”
Bác Ginnie Hempstock lấy ra một lọ mứt rỗng để bà cụ bỏ phần đuôi cái thứ lòng thòng đó vào, rồi bác nâng lọ lên hứng phần còn lại của thứ đó. Cuối cùng, bà thả cái vệt vô hình anh ánh nơi cây kim xuống rồi đậy nắp lọ mứt lại, cổ tay xương xẩu hất một cái đầy dứt khoát.
“Ha!” bà lại thốt lên. Rồi lại, “Ha!”
Lettie hỏi, “Cháu xem có được không?” Cô bé cầm lọ mứt đưa lên ánh đèn. Bên trong lọ, cái thứ đó bắt đầu uể oải duỗi ra. Dường như nó đang trôi, như thể lọ chứa đầy nước. Nó biến hóa thành đủ màu khi bắt gặp ánh sáng, khi thì đen, khi thì bạc.
Tôi đã đọc thấy một thí nghiệm trong cuốn sách về những thứ bọn con trai có thể làm được, và đương nhiên tôi cũng đã từng làm: nếu ta lấy một quả trứng, dùng bồ hóng từ lửa nến bôi đen hết vỏ rồi bỏ vào lọ đựng trong suốt đầy nước muối, nó sẽ nổi lập lờ và sẽ trông như bạc: một thứ bạc khác thường, giả tạo, chỉ là được tạo ra từ ảo giác ánh sáng. Lúc ấy, tôi nghĩ đến quả trứng đó.
Lettie có vẻ mê mẩn. “Bà nói đúng. Mụ ta đã bỏ lại đường về nhà bên trong thằng bé. Thảo nào mụ ta không muốn thằng bé bỏ đi.”
Tôi nói, “Em xin lỗi vì đã buông tay chị ra, chị Lettie.”
“Ồ, thôi đi,” cô bé nói. “Mấy lời xin lỗi bao giờ cũng đến quá muộn, nhưng chị đánh giá cao thái độ đó. Và lần tới, em phải nắm chắc tay chị bất kể mụ ta ném gì vào mình.”
Tôi gật đầu. Lúc ấy, miếng đá trong ngực tôi có vẻ ấm lên rồi tan chảy, tôi bắt đầu cảm thấy bình an vô sự trở lại.
“Vậy,” bác Ginnie nói. “Ta đã có được đường về của mụ ta. Ta cũng đã giữ được thằng bé an toàn. Đêm nay làm được chừng ấy mà không gọi là xuất sắc thì ta cũng chẳng biết thế nào mới là xuất sắc nữa.”
“Nhưng mụ ta đã có được bố mẹ thằng bé,” bà Hempstock nói. “Và em gái nó nữa. Mà ta cũng không thể để mụ ta chạy rông được. Còn nhớ chuyện xảy ra thời Cromwell* không? Và trước đó nữa? Khi Rufus Mặt Đỏ* chạy rông ấy? Bọ chét thu hút sâu mọt.” Bà nói như thể đó là quy luật tự nhiên.
“Chuyện đó để mai hẵng hay,” bác Ginnie nói. “Nào, Lettie. Dẫn thằng bé đi tìm một phòng cho nó ngủ tạm đi. Nó đã trải qua một ngày dài rồi.”
Mèo con lông đen cuộn tròn trên ghế bập bênh bên lò sưởi. “Con đem mèo con theo được không ạ?”
“Em không đem,” Lettie nói, “thì nó cũng sẽ đi tìm em cho xem.”
Bác Ginnie đưa ra hai giá nến, kiểu có tay cầm tròn to, mỗi cái có một đụn sáp trắng không hình thù. Bác châm que đóm nơi lửa bếp rồi lần lượt truyền lửa từ que đóm đến hai bấc nến. Bác đưa một cây nến cho tôi, cái còn lại cho Lettie.
“Nhà mình không có điện hả chị?” tôi hỏi. Trong bếp có đèn điện, mấy bóng đèn kiểu cũ treo trên trần nhà, dây tóc sáng rực.
“Đằng nhà bên đó thì không có đâu,” Lettie nói. “Căn bếp thì mới. Gần như vậy. Nhớ vừa đi vừa lấy tay che trước nến kẻo nó tắt mất đấy.”
Cô bé nói vậy và khum tay che ngọn lửa nên tôi bắt chước làm theo rồi đi sau cô bé. Mèo con lông đen đi theo chúng tôi ra khỏi bếp, qua một cánh cửa gỗ sơn trắng, xuống một bậc thang, vào nhà trang trại.
Ở đó tối om, ánh nến hắt xuống những cái bóng to nên khi chúng tôi bước, tôi thấy mọi thứ như đang động đậy, bị những cái bóng xô đẩy và tạo thành hình thù, chẳng hạn như cái đồng hồ tủ, thú và chim nhồi bông (tôi thắc mắc không biết có đúng chúng là đồ nhồi bông không? Con cú đó động đậy hay chỉ vì ánh lửa nến mà tôi nghĩ nó đã ngoái đầu lại khi chúng tôi đi qua?) cái bàn trong hành lang và mấy cái ghế.
Tất cả đều động đậy và tất cả vẫn im lìm. Chúng tôi lên một lượt cầu thang, bước thêm vài bậc nữa rồi đi ngang một cửa sổ đang để mở.
Anh trăng tràn vào cầu thang, soi sáng hơn cả ánh lửa nến của chúng tôi. Tôi liếc nhìn lên cửa sổ và thấy trăng tròn. Bầu trời không mây, lấm tấm sao nhiều không đếm xuể.
“Mặt trăng kìa,” tôi nói.
“Bà thích trăng như vậy,” Lettie Hempstock nói.
“Nhưng hôm qua nó là trăng khuyết. Còn giờ thì tròn. Và hôm qua trời mưa. Hôm nay cũng mưa. Nhưng giờ thì không.”
“Bà thích trăng tròn soi sáng phía bên này căn nhà. Bà nói nó bình yên, nó làm bà nhớ thời con gái,” Lettie nói. “Mà ta cũng không bị vấp cầu thang.”
Mèo con nhảy từng bậc theo chúng tôi lên cầu thang. Thấy thế tôi nhoẻn miệng cười.
Ở trên cùng là phòng của Lettie, bên cạnh có một phòng khác, và chúng tôi bước vào. Một đám lửa đang cháy hừng hực trong lòng lò sưởi, soi sáng căn phòng bằng hai màu vàng và cam. Căn phòng ấm áp mời gọi. Chiếc giường có cọc ở bốn góc, lại có cả màn riêng. Tôi đã thấy giường kiểu như vậy trong phim hoạt hình, nhưng ngoài đời thực thì chưa bao giờ.
“Áo quần đã được soạn sẵn để sáng ra em mặc rồi,” Lettie nói. “Chị sẽ ngủ ở phòng bên nếu em muốn - cứ kêu lên hay gõ cửa nếu cần gì, rồi chị sẽ vào. Bà nói để em dùng nhà vệ sinh trong nhà, nhưng phải đi qua cả căn nhà thì xa lắm, em có thể bị lạc, nên nếu em cần đi vệ sinh thì có cái bô dưới gầm giường đấy, nó vẫn ở đó từ hồi nào đến giờ.”
Tôi thổi tắt nến, giờ chỉ còn ánh lửa lò sưởi thắp sáng cả căn phòng, rồi vén màn chui lên giường.
Căn phòng ấm cúng, nhưng chăn ga lại lạnh ngắt. Cái giường rung lắc khi có gì đó nhảy lên, rồi mấy bàn chân nhỏ xíu bước êm ái lên mấy tấm chăn, một cục lông bông xù, ấm áp ấp vào mặt tôi và mèo con bắt đầu rừ rừ khe khẽ.
Trong nhà tôi vẫn còn một con yêu quái, và trong một khoảnh khắc có lẽ đã được cắt ra khỏi thực tại, bố đã dìm tôi xuống bồn tắm và có lẽ đã cố trấn nước cho tôi chết. Tôi đã chạy hàng dặm qua bóng đêm. Tôi đã thấy bố hôn và sờ soạng cái thứ tự xưng là Ursula Monkton. Nỗi sợ hãi vẫn chưa rời bỏ tâm hồn tôi.
Nhưng trên gối tôi có một con mèo con, nó đang rừ rừ vào mặt tôi và khẽ rung rung theo mỗi tiếng rừ rừ và thế là chẳng mấy chốc, tôi đã ngủ thiếp đi.
Đại Dương Cuối Đường Làng Đại Dương Cuối Đường Làng - Neil Gaiman Đại Dương Cuối Đường Làng