Cô Giáo Minh epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 10 - Trong Bữa Tiệc
inh được đổi lên Vĩnh Yên.
Nhưng trong dịp tết, nàng vẫn giấu kín cái tin mừng ấy ở nhà chồng. Nàng định đến tận mùng bảy, là ngày nghỉ cuối cùng, mới nói ra. Như vậy dù bà Tuần muốn giữ nàng bằng gì cũng không kịp.
Chiều mồng sáu, các chị em bạn thân đặt một tiệc tiễn Minh tại nhà Xuân. Minh được chồng cho đi, vì nàng nói dối là phải họp hội đồng về việc học, trước ngày khai trường, và nhân tiện một người bạn mời ăn cơm. Bà Tuần bằng lòng, vì từ hôm năm mới, lúc nào bà cũng vui vẻ hể hả, dường như quanh năm, bà vẫn là bà mẹ chồng có lượng, và hay chiều con dâu vậy. Nhờ lẽ bà sợ rông, nên Minh được tháo khoán trong mấy hôm đầu năm.
Bữa tiệc hôm ấy rất vui. Chị em giở những chuyện cũ ngày còn đi học ra để nói, khiến ai nấy cười vang. Song, sau cuộc vui, mọi người đều ngậm ngùi cho số phận của Minh.
Hảo nói:
- Tôi đố các chị biết chị Minh được đổi là đáng mừng hay đáng lo?
Xuân đáp:
- Cái đó ta không thể biết trước, nhưng hiện nay chị Minh được xa hẳn nhà chồng, thì về phần riêng chị, hắn chị thấy nhẹ nhõm.
Minh cười, gật:
- Ở đời, tránh được cái khổ ngày nào, hay ngày ấy. Tôi sẽ được tênh tênh sống lại những ngày còn son.
Hảo lắc đầu:
- Nhưng tôi không nghĩ như các chị. Đành rằng các chị được ở riêng một nơi, thì bây giờ chị khổ sở bao nhiêu, chị mới biết cái đời chị ở Vĩnh Yên là sung sướng bấy nhiêu. Song, tôi tưởng khi nào nghỉ mà chị về nhà, thì mẹ chồng và em chồng chị vẫn chờ chị ở cửa, để làm cho chị khó chịu. Nhất là khi những người ấy biết là chị xin đổi vì họ. Thế thì chị tất phải khổ nhục bằng mười, mà khi ấy, chị phải xử lại một cách kịch liệt hơn.
Minh ngậm ngùi, thở dài. Thục đập tay xuống bàn, nói:
- Không trách tôi cứ chịu đắng chịu cay những lời của đời mai mỉa tôi là ế chồng. Kỳ thực tôi thấy những cảnh mẹ chồng nàng dâu ở xã hội mình mà tôi đâm ra sợ lấy chồng. Thà rằng một thân một mình suốt đời còn hơn.
Đức xua tay, nói:
- Cho nên tôi phục nhất chị tôi. Có lẽ các chị chưa gặp cảnh éo le như bà ấy. Tôi thấy trần đời bà ấy khổ có một. Không những mẹ chồng ác nghiệt mà chồng lại vũ phu, chơi bời, thế mà chị tôi gan, một mực chịu được.
Thục nói:
- Tại các bà ấy đúc theo cái khuôn cũ. Cô tôi cũng vậy. Giá như mình, thì mình bỏ về từ bao giờ. Vậy mà bà ấy cứ lăn lưng vào chịu sự nhẫn nhục. Nhất là về nhà, bà ấy vẫn nói tốt cho nhà chồng mới cáu chứ. Việc bà mẹ chồng hành hạ sờ sờ ra đó, bao nhiêu người biết mà hỏi thì bà ấy vẫn cứ nói là không.
Đức nói thêm:
- Chị tôi cũng vậy. Không biết các bà ấy nghĩ thế nào nhỉ?
- Tôi cho các bà ấy là hèn, là nhát, không dám đối phó lại, là vì các bà ấy không có nghề nghiệp, sểnh nhà chồng ra là chết.
Minh ngồi ngẩn người ra nghe, rất cảm động.
Bỗng Đức hỏi:
- Chị Minh, chị cũng nên xử trí ra sao, cho khỏi mang tiếng bọn có học mới chứ? Hay chị cũng xuất giá thì tòng phu gàn, phu dở để cho đúng với luân lý tốt ngàn xưa?
Xuân đỡ lời Minh, hỏi Đức:
- Vào địa vị chị, chị làm thế nào?
- Không bao giờ tôi nghĩ đến việc lập gia đình. Tôi là một người chán đời. Tôi không thể hợp tác được với bọn ngươi cổ hủ.
- Nhưng ít ra chị cũng có một cách đối phó hay hay chứ?
- Chị phải biết bao nhiêu người hỏi tôi mà tôi không nhận Iời, là vì những người ấy còn cha mẹ, nhất là còn mẹ. Ai muốn lấy tôi, thì phải bằng lòng cho tôi ở riêng ngay, không dính dáng gì với gia đình nữa.
Xuân hỏi:
- Ngộ người ta không cho?
Thục đứng dậy, vênh váo nói thay Đức:
- Không cho thì thôi, chúng tôi có cần lấy chồng đâu.
Xuân hỏi Thục:
- Chị vào địa vị chị Minh, thì chị làm thế nào?
- Thì ngay từ buổi đầu, tôi không để cho mẹ chồng áp chế. Tôi thì làm cho tung hoãng.
Minh cười, thở dài. Thục nói tiếp:
- Phải, tôi cứ nghĩ, thì hai cái mới cũ không bao giờ gặp nhau được. Để gần nhau, thì cả hai cũng bị hại. Sống thời nào, phải theo thời ấy, mới là hợp lẽ phải chứ cứ theo bo bo những thói cổ thì ai chịu được. Mình phải tỏ ra cho người cũ biết rằng mình mới, là mình hơn họ. Mình có học, mình phải tự trọng. Mình là người, mình phải có quyền.
Minh nói lời:
- Từ ngày lấy chồng, bây giờ tôi mới được nghe những câu hợp lý. Khúc nào người bị tù về tinh thần, nay được tạm tha!
Xuân lắc đầu, buồn bã:
- Cái vấn để kết hôn ở ta còn chưa giải quyết, thì bọn mình còn bị khổ.
Thục cáu:
- Thì việc của mình, mình cần ai giải quyết. Cứ như tôi, thì những lời bàn suông nói hão ở các báo là vứt đi hết. Phải có một đội cảm tử, biết hy sinh đời mình, hoặc hạnh phúc của mình thì các bà mẹ chồng mới đỡ tàn nhẫn được.
- Nghĩa là phải xảy ra nhiều vụ tự tử, nhiều vụ kiện ly dị hoặc nhiều người bỏ nhà trốn đi ấy à?
- Phải.
- Gớm, chị nói nghe mà rùng cả mình.
Thục giơ tay lên, cứng cỏi nói:
- Phải đạp đổ chế độ cũ, đoạn tuyệt với gia đình cũ.
Mình hăng hái, nói:
- Tôi rất đồng ý với chị Thục. Cái chế độ gia đình cũ đã làm tôi thành ra một người giận đời, bất đắc chí. Trước tôi hiền lành bao nhiêu, nay tôi liều lĩnh bấy nhiêu. Tôi đoán trước những tấn bi kịch. Mà tôi mong nó xảy ra nhanh chóng. Nếu tự nó không xảy ra ngay, tôi sẽ sửa soạn lấy. Xin các chị chờ.
Cả bàn tiệc trông theo nét ngậm ngùi của Minh, cảm động lắm.
Đồng hồ vừa điểm tám tiếng, câu chuyện đương nồng, bỗng cửa ngoài có tiếng gõ. Người nhà ra mở cửa vào nói với Minh:
- Thưa cô, cậu ấy đến đón cô.
Minh đỏ mặt, tức bực chạy ra. Thục nhìn theo lắc đầu, rồi nói rõ to:
- Ai nuốt mất chị Minh kia chứ!
Mọi người xua tay, Thục càng tức, lại nói to:
- Chị cứ bảo nó về, chốc nữa hãy đến đón, bây giờ còn sớm nhé.
Đoạn, Thục bưng miệng cười, rồi thì thầm:
- Thì mình cứ làm như mình tưởng là thằng xe đi đón mợ ấy chứ gì?
Minh hầm hầm, trở vào:
- Thôi, Tôi xin lỗi các chị. Tôi về. Chị em nói chuyện thế là đủ. Ở đời, ta nên làm nhiều hơn nói. Đời người đàn bà có chồng là đời mất tự do.
Hảo níu tay Minh, nghiến răng, nói:
- Mặc kệ, cứ ở đây xem họ làm gì nổi nào.
Xuân can:
- Thôi, ta không nên giữ chị Minh, chị bị giày vò, nó không hay gì cho ta cả.
Minh căm giận, rơm rớm nước mắt, gượng cười, chào các bạn, rồi đi. Xuân tiển ra cửa. Minh dặn:
- Rồi thỉnh thoảng chị lên chơi với tôi nhé. Anh Nhã biết, tin tôi đổi chưa?
Xuân gật:
- Đã, anh ấy khen chị làm rất phải.
- Bây giờ việc đã thành, tôi nói thực chị nghe rồi chị hỏi ý kiến anh ấy nhé. Trước tôi định nếu không đổi, thì quyết tôi sinh chuyện để ly dị. Ly dị không được nữa, thì tôi trốn đi đằng nào thì đi. Mà không trốn được, là tôi liều mạng.
Xuân nghe bạn, lè lưỡi rùng mình:
- Nhưng nay được đổi thế này là êm chuyện.
Một lát, Minh nói:
- Tôi gửi lời chào anh ấy, chị nói hộ tôi, và chị nhắn anh ấy biết rằng bài thơ "Khóc bạn” của anh ấy đăng báo, đã làm tôi cảm động.
Chị em nắm tay nhau, dùng dằng mãi, Xuân mới mở cửa.
Sanh đứng đợi ở hè, đương hút dở điếu thuốc lá và nhìn phố.
Một luồng gió lạnh thổi như đánh vào mặt, Minh thấy rét buốt đến tận xương.
Sanh bẽn lẽn cúi chào Xuân, rồi hai vợ chồng đi, không ai nói với ai một lời. Minh thì vẻ mặt trầm ngâm.
Hàng phố mới có một vài nhà mở cửa lấy ngày, nhưng cũng không có khách. Ngoài đường, người đi bộ rất ít.
Bỗng Sanh bảo vợ:
- Tôi gọi xe đi cho chóng, kéo mẹ mong.
Mình đáp:
- Thôi, đi bộ cho ấm. Tôi có chuyện muốn nói riêng với cậu, trước khi bẩm mẹ.
Sanh ngạc nhiên, nhìn vợ. Minh nói:
- Cậu ạ, tôi phải đổi.
Sanh đứng dừng lại, trợn mắt, nắm lấy cổ tay Minh. Minh thương hại chồng, dịu dàng nói:
- Phải, tôi phải đổi lên Vĩnh Yên.
- Lên Vĩnh Yên. Tại làm sao mợ phải đổi?
- Tôi không rõ.
- Thế mợ đã làm giấy xin ở lại chưa? Chắc rằng mẹ không bằng lòng cho mợ đi thế.
- Mẹ không bằng lòng, nhưng công việc như thế, thì cũng dành phải chịu chứ gì?
Sanh thở dài. Minh tiếp:
- Tôi định đến mơi mới bẩm mẹ. Trưa mơi tôi đáp xe lửa đi Vĩnh Yên.
- Nhưng mà mợ nên bẩm mẹ ngay, để xem mẹ có cách gì xin cho mợ ở lại không?
- Nghị định người ta làm rồi, chả còn cách nào nữa.
Hai người yên lặng một lát, Minh nói:
- Cậu có nhớ tôi không?
Sanh lại đứng dừng, nắm chặt tay vợ, âu yếm nhìn vợ mà không đáp. Minh thấy nét mặt thật của chồng tự nhiên nàng cảm động. Nàng rủ chồng đi vòng ra Bờ Hồ, để được lâu thì giờ nói chuyện, chồng đáp:
- Thôi mau mà về, trời này, ai lại rủ nhau đi chơi Bờ Hồ bao giờ.
Nghe tiếng chơi, Minh thấy nao nao cả lòng. Nào nàng có cốt rủ chồng đi chơi. Nàng chỉ nhân dịp để nói kỹ với chồng về việc gia đình và việc đổi chác. Muốn chiều vợ, Sanh phải đi theo.
Ngày trước, nàng vẫn ước đến khi lấy chồng, thì những ngày thường, nàng sẽ cùng chồng dạo chơi ở chổ này để ngắm cảnh và hóng gió. Nhưng nay nàng đã có chồng, mà lần này nàng đi với chồng ra Bờ Hồ hẳn hoi, thì chồng nàng lại là Sanh, mà cảnh thì lại vào rét. Chẳng có một ai qua lại trong chỗ người ta tấp nập chen nhau vào những buổi mùa hè. Bờ Hồ hình như thênh thang rộng rãi. Vành trăng lưỡi liềm lạnh lùng ngả gần sát vào bóng đen của rặng mái nhà lô nhô. Mặt nước xám rung động những vệt ánh đèn giãy giụa.
Trận gió lật tung tà áo. Minh đứng sát bờ cỏ, ngắm cảnh. Sanh thu hai bàn tay vào bọc, run cầm cập, nói:
- Tôi yếu chịu rét lắm. Ta vào phố trong đi.
- Cậu không chiều được tôi hay sao. Mơi tôi xa cậu rồi mà. Mấy khi cậu với tôi đã được rỗi rãi mà ngắm cảnh và bàn chuyện tự do như thế này. Cái cảnh tịch mịch, làm êm dịu tâm trí tôi.
- Nhưng từ lúc nghe tin mợ đổi, tôi cứ rối cả lòng cả ruột.
Minh thở dài:
- Vĩnh Yên với Hà Nội cách nhau có một bước đường, ngại gì.
- Đành vậy, nhưng tôi vẫn chưa biết tính thế nào đây.
- Tính gì?
- Tính việc ở nhà hay lên theo mợ.
Minh cau mặt:
- Cậu hãy nên ở nhà hầu mẹ, rồi ta sẽ liệu sau.
Nói câu đó, Minh sực tưởng tượng ngay đến những nỗi khó chịu của mình, nếu Sanh cũng theo lên. Người ta sẽ gọi Sanh là "ông giáo Minh", người ta sẽ nhạo Sanh là ông nột trợ. Nàng nói:
- Mẹ già, cần có người ở gần để hầu hạ. Tháng sau, cô Oanh về nhà chồng, nếu cậu lên ở với tôi ngay thì mẹ buồn.
Sanh bùi ngùi, thở dài.
Sanh khoác tay vợ như khoác tay bạn tri kỷ. Hai người đi song song, lúc hiện ra dưới ánh đèn, lúc ẩn vào trong bóng tối. Ai không thấy, không đoán là một cặp uyên ương sống nồng nàn những ái tình!
Bỗng Sanh bấm Minh và trỏ một gốc cây. Nàng nhìn theo khi trông rõ là người, nàng phải bật cười và tò mò, nàng kéo chồng đi lại gần để xem ai gàn dở đến nỗi ngồi đó mà hóng gió rét. Nhưng bỗng nàng giật mình, thốt dừng bước, ấn cánh tay chồng ra và cố đi lấp sau mặt chồng và kéo chồng đi rảo bước. Sanh ngạc nhiên, nói thầm:
- Người ấy mà, sợ gì?
Chàng tưởng vợ sợ, chứ nàng có sợ đâu. Chỉ vì người gàn dở ngồi hóng rét ấy chính là Nhã. Nhã ngồi trên bãi cỏ, tựa vào gốc cây, duỗi dài chân, hai tay khoanh trước ngực. Thật là một cái núi tương tư.
Khi đi đã xa, Sanh vừa cười vừa nói:
- Thằng cha muốn tự tử.
Câu nói đùa vô tình mà Iàm Minh dào dạt. Thì ra cũng như nàng, Nhã muốn tìm những cảnh tịch mịch để được êm dịu cái tâm hồn bị rầy lộn bấy lâu nay. Có lẽ lúc nào Nhã cũng nghĩ đến nàng, Nếu thật vậy, thì không ngờ nàng được sự sung sướng ấy.
Cô Giáo Minh Cô Giáo Minh - Nguyễn Công Hoan Cô Giáo Minh