Chương 10
ài ngày sau, tôi ăn tối với Maggie. Tôi đạp xe tới nhà cô ấy ở Greektown lúc chập tối. Nhưng sau bữa tối, sau vài chén rượu, tôi không còn muốn mạo hiểm loạng choạng đạp xe trở về ngang qua cây cầu trong thị trấn nữa. Bởi vậy tôi leo lên tàu điện ngầm cùng chiếc xe của mình.
Đây không phải chuyến đi đường dài về nhà, chỉ mất khoảng 10 hay 15 phút, nhưng tôi đi nhiều lần tới mức cảm thấy mọi thứ giờ chậm chạp không chịu nổi, và tôi thấy tiếc là đã không mang theo cuốn sách nào để đọc. Tôi nhìn chằm chằm vào hình ảnh phản chiếu của mình trên cửa sổ con tàu, vào những hành khách lên rồi xuống, những đường hầm lướt qua trước mắt. Tại sao người tôi chạm mặt lúc này không ai khác lại là Paula Moors? Cô ấy đang ngồi đối diện tôi, cách năm hoặc sáu hàng ghế về phía cuối tàu. Tôi không biết cô ấy đã ở đó bao lâu hay lên từ bến nào. Tôi nhìn chòng chọc vào gương mặt nghiêng nghiêng của cô ấy một lúc: mũi cao, hàm nhọn (nghe nói cô ấy đã đi chỉnh răng cho thẳng). Tóc cô ấy từng dài hơn bây giờ nhưng trông cô ấy chẳng thay đổi gì, nhất là khi tuôn ra những từ khủng khiếp như: “Tôi đang thiên về hướng không yêu anh”. Cái câu đấy mới hay ho làm sao! Thật là biết cách chọn từ!
Trong vòng sáu tháng, có thể là một năm, tôi không nhớ rõ nữa, tôi từng cảm nhận được sự vắng mặt của cô ấy cùng căn bệnh sâu răng trầm trọng. Chúng tôi từng có những cử chỉ thân mật trong đêm, cô ấy và tôi, những điều riêng tư được thổ lộ, những chuyện kín đáo được tiến hành và giờ đây cả hai chúng tôi ngồi câm như hến trên cùng một chuyến tàu điện ngầm. Tôi chẳng biết nữa, nhưng thứ tấn công tôi như thể một thảm kịch lúc tôi còn trẻ giờ đây dường như chân thực với cuộc sống một cách thảm hại. Không tuyệt vời hay buồn bực hay tục tĩu hay vui nhộn, chỉ đại loại là một việc như bình thường, sự bí ẩn của người nào đó xuất hiện và biến mất trong cuộc đời bạn suy cho cùng lại chẳng phải điều gì quá bí hiểm (họ phải đi đâu đó chứ nhỉ).
Và làm thế nào, tôi băn khoăn (một phụ nữ Đông Ấn xuống ở ga
Broadview), tôi có thể khiến Jesse vỡ ra điều này, làm sao tôi giúp được thằng nhóc tiến lên trong những tháng tới, thậm chí là năm tới, để đến điểm kết thúc ngon lành là một ngày tỉnh dậy, thay vì cảm giác hết chứng sâu răng, bạn thấy mình đang ngáp, đặt tay sau đầu và nghĩ: “mình phải đánh thêm một chiếc chìa khóa nhà hôm nay. Mình đang chơi một trò hơi nguy hiểm và chỉ có duy nhất một chiếc chìa khóa”. Những suy nghĩ tự do, tầm thường một cách tuyệt vời (Mình đã khóa cửa sổ tầng dưới chưa nhỉ?), sự hăng hái vượt qua vết thương, hồi ức về nỗi đau xa xôi tới mức bạn hoàn toàn không thể hồi tưởng vì sao nó tiếp diễn lâu đến vậy hay chuyện om sòm này là về cái quái gì, hoặc ai đã làm gì với cơ thể cô ta. Như thể sợi xích trên một chiếc mỏ neo vừa đứt (bạn hoàn toàn không nhớ mình đã ở đâu hay đang làm gì), bạn đột nhiên chú ý rằng những suy nghĩ của mình một lần nữa hoàn toàn là tài sản của bạn, giường ngủ của bạn không trống trải nữa nhưng đơn giản nó là của bạn, bạn có thể đọc báo, ngủ hay... tự hỏi bản thân rằng ngày hôm nay tôi cần phải làm gì vậy? À, chìa khóa cửa trước! Đúng thế.
Làm thế nào để giúp Jesse có những cảm giác đó?
Nhìn quanh chiếc tàu điện (một phụ nữ trẻ đang ăn gói khoai tây chip ngon lành), tôi để ý Paula đã rời tàu. Xuống ở ga trước đó. Tôi hơi bất ngờ khi nhận ra mình quên mất chuyện cô ta có mặt ở đó, cả hai chúng tôi đã huýt sáo khi đi qua những đường hầm tối đen, chúng tôi bận rộn tới mức cả hai - tôi chắc chắn cô ta cũng thế - đã dần quen và rồi hờ hững với sự hiện diện của người kia, tất cả chuyện này chỉ diễn ra trong vòng 5 phút. Làm thế nào - gì cơ? Thật kỳ cục làm sao. Tôi cho rằng đó là từ chính xác. Nhưng ngay đến suy nghĩ ấy cũng đã bị thế chỗ ngay lập tức. Khi dắt bộ chiếc xe đạp dọc sân ga, tàu điện chuyển bánh xa dần, tôi để ý rằng cô gái với gói khoai tây chip có niểng răng. Cô ta nhai rôm rốp với cái miệng há hoác ra.
* * *
Một hôm, chưa tới giờ chiếu Jesse đã dậy, tôi ăn mừng sự kiện này bằng việc cho nó xem bộ phim Dr. No (Tiến sĩ No) (1962). Đó là bộ phim về James Bond đầu tiên. Tôi cố giải thích cho nó sự phấn khích, thích thú mà những bộ phim về Bond mang lại cho khán giả khi lần đầu được công chiếu. Chúng dường như có một mùi hương quá tinh tế, quá tục tĩu. Tôi giải thích: Có những bộ phim ảnh hưởng chắc chắn đến con khi con còn trẻ, chúng mang đến cho con một trải nghiệm phong phú mà
con có thể sẽ khó tiếp nhận khi lớn hơn. Con “mua nó” theo cách mà con không thể nào thực sự lặp lại sau này.
Bây giở khi đi xem phim, tôi dường như quan tâm tới nhiều chuyện khác: người đàn ông cách vài hàng ghế phía trên đang nói chuyện với vợ, ai đó đang ăn nốt bắp rang bơ và ném chiếc túi vào lối đi giữa hai hàng ghế; tôi ý thức về chuyện bắt lỗi, về đoạn hội thoại tồi và các diễn viên hạng hai. Đôi khi tôi xem một cảnh có rất nhiều vai phụ và tự hỏi: Họ có phải diễn viên thực thụ không? Họ có thích thú việc được là diễn viên phụ hay là họ khổ sở vì không được mọi người chú ý? Ví dụ, có một cô gái trẻ ở trung tâm liên lạc ngay đoạn đầu phim Dr. No (Tiến sĩ No), cô ta có một hoặc hai lời thoại nhưng bạn không bao giờ thấy lại cô ta trong cảnh nào nữa. Tôi băn khoăn hỏi Jesse rằng chuyện gì đã xảy ra với tất tần tật những người kia trong những cảnh quay đông đúc ấy hay những cảnh quay tiệc tùng: Cuộc sống của họ sẽ như thế nào? Họ có bỏ nghề diễn và kiếm việc khác không?
Tất cả những điều này cản trở việc thưởng thức một bộ phim, vào những ngày xa xưa, con có thể bắn một phát súng ngay cạnh đầu bố, nó không cắt ngang sự tập trung và sự tham gia của bố vào bộ phim đang trải ra trên màn hình ngay trước mắt. Bố trở lại với những bộ phim cũ không chỉ để xem thêm một lần nữa mà còn hy vọng rằng; bố sẽ được tận hưởng cảm giác đã có trong lần đầu tiên xem chúng (không chỉ về những bộ phim, về tất cả mọi thứ).
* * *
Trông Jesse run rẩy khi nó ra ngoài hiên nhà. Đó lại là tháng Mười một, chỉ vài ngày trước sinh nhật 18 tuổi của nó. Làm sao chuyện đó có thể như vậy nhỉ? Dường như bây giờ sinh nhật nó đến bốn tháng một lần, cứ như thời gian đang dùng vũ lực để tống tôi xuống mồ vậy.
Tôi hỏi thằng nhóc về buổi tối của nó, vâng, dù chẳng có gì đặc biệt nhưng mọi thứ đều ổn. Tiện thể đã ghé qua thăm một người bạn. Ừ hử. Bạn nào?
Ngập ngừng. “Dean ạ”.
“Bố không biết Dean, đúng không nhỉ?” “Chỉ là một chiến hữu thôi ạ”.
Chiến hữu? (Khi nghe loại ngôn ngữ không hợp với hành xử thông thường, bạn chỉ muốn gọi cảnh sát). Nó có thể thấy tôi đang nhìn nó.
“Thế sau đó các con làm gì?” “Xem vài chương trình tivi ạ.”
Nghe câu trả lời của nó có cảm giác của một người đang cố tránh xa màn hình ra đa, một người không muốn trò chuyện để bị tóm gọn như một cái áo bị mắc lên đinh. Một phụ nữ với gương mặt già trước tuổi đi ngang qua đường.
“Cô ta nên nhuộm tóc,” Jesse nói.
“Hôm nay con có vẻ hơi yếu ớt”, tôi bảo. “Tối qua con đã uống thứ gì?” “Chỉ tí bia thôi ạ.”
“Không có chút rượu mạnh nào?” “À, dạ, một chút ạ.”
“Rượu gì?” “Tequila.”
“Tequila sẽ để lại dư vị rất khó chịu,” tôi nói. “Chắc chắn là vậy.”
Thêm một khoảng lặng. Đó là một ngày im lìm lạ lùng.
Tôi nói: “Có dính tới ít ma túy nào trong buổi tối uống tequila đó không?”
“Không,” nó đáp tự nhiên. Rồi: “Vâng, có ạ.” “Loại ma túy gì vậy, Jesse?”
“Con không muốn nói dối bố, được chứ ạ?” “Được.”
Một khoảng ngập ngừng. Chấm hết. Rồi nó tung ra: “Cocain.”
Người phụ nữ với gương mặt già cỗi quay lại con đường, mang theo
một túi nhựa nhỏ đựng hàng tạp phẩm.
“Con cảm thấy rất tệ,” nó nói. Lúc đó tôi nghĩ nó suýt bật khóc.
“Cocain có thể để lại trong con cảm giác rất bẩn thỉu, hèn hạ,” tôi nhẹ nhàng nói và đặt tay lên đôi vai gầy gò của nó.
Nó ngồi xuống nhanh chóng như thể phản ứng với việc tên nó bị cất lên dõng dạc lúc điểm danh. “Đúng thế, chính xác là như thế. Con cảm thấy thật bẩn thỉu, hèn hạ.”
“Chuyện này xảy ra ở đâu, nhà của Dean à?”
“Tên cậu ta không phải Dean”. Ngập ngừng. “Đó là Choo-choo.” Tên kiểu quái gi thế? “Choo-choo làm gì để kiếm sống?” tôi hỏi. “Cậu ta là một rapper da trắng”.
“Thế ư?”
‘'Vâng. Đúng thế”.
“Cậu ta đang viết nhạc kiếm tiền?” “Không hoàn toàn như vậy”.
“Vậy thì cậu ta là một tên buôn ma túy?”
Một khoảng lặng nữa. Một cuộc tập hợp của đám lính đã bỏ trốn từ lâu. “Con trở lại nhà anh ta tối qua. Anh ta cứ liên tục mời mọc”.
“Và con tiếp tục dùng nó?”
Thằng nhóc gật đầu, lặng người nhìn chằm chằm xuống con đường. “Trước đây con đã tới nhà Choo-choo chưa?”
“Con thực sự không muốn nói về chuyện ấy bây giờ,” nó nói.
“Bố không quan tâm liệu con có muốn nói chuyện này bây giở hay không. Con đã đến nhà Choo-choo trước đây bao giờ chưa?”
“Chưa. Con nói thật.” “Từng dùng cocain chưa?”
“Không giống như thế này.” “Không giống như thế này?” “Vâng".
Tôi nói, sau một lúc im lặng. “Chúng ta chưa từng có cuộc trò chuyện nào về việc này ư?”
“Về cocain?”
“Con biết rõ bố đang nói tới việc gì,” tôi nói. “Vâng, chúng ta đã nói.”
“Rằng nếu bố bắt gặp con dùng ma túy, thỏa thuận của chúng ta sẽ chấm dứt. Không chỗ ở, không tiền tiêu vặt, tất cả chấm hết. Con nhớ chứ?”
“Vâng.”
“Con nghĩ bố đang đùa?”
“Không, nhưng có một việc, bố ạ. Bố đừng ép con. Con đã nói với bố rồi.”
Tôi không đáp lại ngay tức thì câu nói đó. Một lúc sau, tôi nói: “Con đã gọi cho ai chưa?”
Nó nhìn tôi ngạc nhiên. “Làm sao bố biết?”
“Đó là việc người ta vẫn làm khi dùng ma túy. Họ gọi điện thoại. Và họ luôn xin lỗi. Con đã gọi cho ai? Gọi cho Rebecca?”
“Không.”
“Jesse?”
“Con đã thử. Nhưng cô ấy không nghe máy”. Nó ngồi sụp xuống ghế. “Chuyện này sẽ tiếp diễn trong bao lâu?”
“Con hít bao nhiêu cocain?”
“Cả đêm. Cậu ta cứ mang ra liên tục”.
* * *
Tôi đi vào nhà, lấy một viên thuốc ngủ từ ngăn tủ đựng tất của mình và mang nó trở ra với một cốc nước. Tôi nói: “Đây là lần trình diễn duy nhất, được chứ? Con lặp lại chuyện này một lần nữa, con sẽ trở nên tồi tệ vì nó”. Tôi đưa cho thằng nhóc viên thuốc, bảo nó nuốt.
“Cái gì vậy bố?”, nó hỏi.
“Không quan trọng! tôi đợi cho tới khi nó nuốt viên thuốc và bắt đầu chú ý tới tôi. Tôi nói: “Chúng ta sẽ không bàn về chuyện này ngay bây giờ, được chứ? Con hiểu ý bố đang nói gì không?”
“Vâng.”
Tôi ở cùng thằng bé cho tới khi viên thuốc ngủ làm nó gà gật. Và ba hoa.
“Bố có nhớ bài diễn thuyết trong bộ phim tài liệu Under the Volcano (Dưới núi lửa) không?”, nó hỏi. “Vị lãnh sự sẽ tiếp diễn ở đâu về những tàn tích của ông ta, về việc nghe mọi người đến rồi đi bên ngoài cửa sổ, gào tên ông ta đầy khinh bỉ?”
Tôi đáp tôi có nhớ.
Nó nói: “Điểu đó đã xảy ra với con sáng nay. Ngay khi tỉnh dậy. Bố có nghĩ con sẽ có kết cục giống ông ta không?”
“Không”.
Rồi nó đi lên gác. Tôi dọn giường và đắp chăn cho nó. Tôi nói: “Con sẽ thấy hơi chán nản, trì trệ khi tỉnh dậy”.
“Bố có giận con không?” “Có. Bố giận.”
Tôi luẩn quẩn ở nhà buổi chiều hôm đó. Nó xuống nhà lúc trời đã tối. Nó như một thằng chết đói. Chúng tôi gọi đồ ăn của Chicken Chalet. Khi ăn xong, lau sạch mỡ ở mép và ngón tay, nó nằm dài trên ghế.
“Con đã nói những chuyện ngu ngốc đêm qua”, nó thều thào. Rồi tiếp tục như thể nó cần phải hành hạ, tra tấn chính mình. “Đã có lúc con nghĩ mình là một kiểu ngôi sao nhạc rock.” Nó rên rỉ. “Bố có từng làm
điều gì tương tự thế này không?”
Tôi không trả lời nó. Nó muốn, tôi có thể kể, để nhử tôi vào tội a tòng, đồng lõa với nó. Nhưng tôi đã không tham gia trò chơi ấy.
Thằng nhóc kể: “Trời gần sáng khi con rời nhà Choo- choo. Chỉ toàn vỏ hộp pizza nằm lăn lóc mọi nơi, đây thực sự là một căn hộ bẩn thỉu, xin lỗi bố vì cách nói của con, nhưng đó là một đống rác thực sự. Con nhìn mình trong gương. Bố có biết con đang đội cái gì không? Một thứ đại loại như khăn rằn quấn quanh đầu”.
Nó trầm ngâm một lúc lâu hơn. “Bố đừng kể với mẹ được không?”
“Bố sẽ không giấu mẹ bất kỳ chuyện gì, Jesse ạ. Con kể gì với bố, bố sẽ nói lại với mẹ hết.”
Thằng nhóc điềm tĩnh nuốt từng lời của tôi. Gật gật đầu. Không ngạc nhiên, không phản kháng. Tôi không biết nó đang nghĩ gì, nhớ lại những điều nói đêm qua chăng, điệu bộ kỳ dị, vẻ tự cao tự đại thiếu hấp dẫn luôn là thứ phải khôn ngoan giữ kín. Tôi muốn làm trong sạch tâm hồn nó, để xua đuổi hình ảnh về những chiếc hộp pizza, những căn hộ dơ dáy và tất cả những thứ xấu xí mà nó nghĩ về bản thân khi về nhà bằng tàu điện ngầm lúc bình minh vừa ló rạng và mọi người xung quanh thì thơm tho, sạch sẽ, tỉnh táo đón ngày mới. Tôi đã muốn lôi hết ruột gan lòng mề của nó ra và gột rửa thật sạch bằng nước ấm.
Nhưng bên trong nó vui vẻ, hớn hở thế nào? Tôi băn khoăn. Cậu chàng với cuộc tản bộ thong dong. Liệu tôi có biết những căn phòng trong tòa nhà đó thực sự trông ra sao? Tôi nghĩ mình biết nhưng đôi khi, nghe nó nói chuyện điện thoại dưới nhà, tôi thấy sự xa lạ trong giọng nói: sự lỗ mãng chói tai, thậm chí thỉnh thoảng là sự tục tĩu và tôi tự hỏi mình rằng đó có phải là nó không, có phải con mình không? Hay đây chỉ là kiểu cách làm bộ làm tịch? Hoặc đó là gương mặt mà nó muốn tôi thấy? Cái đứa trẻ hít cocain kia là ai trong cái căn hộ dơ dáy ấy, tiến lên như một ngôi sao nhạc rock du côn ư? Tôi tửng gặp gã đó chưa?
Tôi nói: “Bố có vài thứ muốn cho con xem” và đi tới chỗ chiếc đầu DVD.
Với giọng nói rất yếu ớt, giọng nói không muốn “dây dưa” với bất kỳ ai, giọng nói chỉ để chờ đợi những người lạ mặt tát vào mặt, nó nói: “Con không nghĩ mình có thể xem một bộ phim ngay bây giờ, bố ạ”.
“Bố biết con không thể. Bởi vậy bố chỉ bật một cảnh thôi. Đây là một bộ phim của Ý. Bộ phim yêu thích của... bà nội. Bà từng bật đi bật lại nhạc nền của phim này ở ngôi nhà nghỉ hè của gia đình. Từ bến tàu, bố đi về phía ngôi nhà và nghe thấy những bản nhạc này vang lên trong ngôi nhà của chủng ta và bố biết... bà nội đang ngồi trên hiên tầng trên, uống một chút rượu gin pha lẫn tonic và thưởng thức đĩa hát này. Bố luôn nghĩ về bà khi nghe giai điệu này. Bố chẳng biết tại sao nhưng nó luôn làm bố hạnh phúc. Đó hẳn là một mùa hè tuyệt vời.
“Dù sao, bố sẽ cho con xem cảnh gần cuối phim. Bố nghĩ con sẽ hiểu tại sao nhanh thôi. Gã này do Marcello Mastroianni thủ vai, đã uống rượu và chơi gái, nói chung là phá hỏng cuộc đời mình đêm này qua đêm khác rồi cuộc đời anh ta kết thúc trên một bãi biển khi mặt trời mọc với một đám bạn tiệc tùng. Hình ảnh con với câu chuyện về những vỏ hộp pizza nằm la liệt khắp nơi trong căn hộ của Choo-choo làm bố nhớ tới bộ phim này.
“Đây là cảnh anh ta trên bãi biển, trong trạng thái lơ lửng, mặc những bộ trang phục tiệc tùng và anh ta nghe thấy một cô gái trẻ gọi mình. Nhìn quanh, trông thấy cô ấy, nhưng anh ta không thể nghe cô ấy nói gì. Cô gái quá xinh đẹp, quá tinh khiết, như là hiện thân của biển cả và của buổi sáng tinh khiết ấy, thậm chí có thể là hiện thân của bản thân anh ta thời thơ ấu. Bố muốn con xem cảnh này và ghi nhớ nó. Gã đàn ông này, cái gã trai tiệc tùng này, cuộc đời anh ta đã chết dần chết mòn, anh ta trên đường tụt dốc; anh ta biết điều đó, cô gái trên bãi biển biết điều đó. Nhưng còn con, cuộc đời của con vừa bắt đầu, tất cả đang ở phía trước. Đó là lỗi của con khi quăng đời mình đi”.
Tôi bật bộ phim La Dolce Vita (Cuộc sống ngọt ngào) (1960) của Federico Fellini và tua tới cảnh cuối, Mastroianni đi lang thang với phần mắt cá chân lúc dưới cát, cô gái ở bên kia một vũng nước nhỏ, cách khoảng gần 50 m và gọi anh ta. Anh ta nhún vai, khua tay tỏ ý: Tôi không hiểu. Rồi anh ta bắt đầu quay lưng đi; những người bạn đang đợi. Anh ta vẫy tạm biệt cô gái, cái vẫy tay hơi buồn cười, ngón tay của anh ta cong xuống. Giống như bàn tay không biết vì sao lại bị đông cứng lại. Cô gái nhìn anh ta bước đi; cô ấy vẫn mỉm cười, ban đầu là sự tử tế, nhưng sau là sự kiên quyết. Cô ấy dường như muốn nói: Được thôi, nếu đó là điều anh muốn. Rồi rất chậm rãi, cô gái hướng thẳng ánh mắt vào máy quay.
Cái liếc mắt như nói với khán giả rằng: Bạn này, thế còn cuộc đời của bạn thì sao?
“Một điều mà bố muốn nói với con về cocain,” tôi nói: “đó là nó sẽ khiến con luôn có kết cục giống thế này.”
Chúng tôi xem phim It’s a Wonderful Life (Cuộc sống tuyệt diệu) (1946) vào buổi sáng ngày hôm sau. Tôi biết lúc đầu nó sẽ ghét bộ phim: diễn xuất mạnh mẽ, đầy sinh lực, sự giả dối, những sai lầm, tính cách đáng mến, kiểu tôn thờ dè dặt của James Stewart. Jesse sẽ không thích bất kỳ tính cách nào trong số đó. Đặc biệt trong phim, James nhìn thế giới - mà chúng ta vẫn gọi là ở tuổi của ông ta - ồ vâng, nhìn thế giới như một nơi đại loại là “một tầng hầm mua bán khổng lồ.” Nhưng khi bộ phim chuyển sang hướng tăm tối và James Stewart phiền muộn vì nó (lão này thật phiền phức làm sao, giống như có người ném món đồ uổng vào mặt một người trong bữa tiệc của cha mẹ bạn), tôi biết Jesse sẽ thích mê đi, bất chấp chính bản thân nó. Nó muốn biết mọi chuyện kết thúc thế nào, nó phải biết vì lợi ích của chính bản thân nó, bởi vào lúc nào đó, câu chuyện trên màn ảnh có thể sẽ trở thành câu chuyện của nó. Và liệu ai có thể, ngay cả một đứa trẻ vị thành niên chán chường, suy nhược sau tàn tích của một đêm chìm đắm trong cocain và tequila, cưỡng lại những khoảnh khắc cuối cùng của bộ phim này?
* * *
Nó tìm được công việc rửa bát trong một nhà hàng ở đại lộ St. Clair Avenue, ngay rìa của khu nhà tôi từng lớn lên ở đó. Người phụ bếp, một cậu bé cao với hai má đỏ, giúp thằng nhóc có công việc này. Cái cậu Jack gì đó. Một “ca sĩ nhạc rap”. Tôi vẫn chẳng biết họ cậu ta nhưng thỉnh thoảng sau ca đêm, chúng kéo về nhà chúng tôi ở Khu phố người Hoa; bạn có thể nghe thấy chúng lặp đi lặp lại vài đoạn nhạc, gieo vần cho lời và cùng nhau “xấu xa” ở dưới tầng hầm. Lời bài hát bạo lực không thể tưởng tượng được, tục tĩu (chưa kể tới việc vay mượn). Tôi cho rằng bạn phải bắt đầu từ mốc nào đó. Nhưng sẽ hoàn toàn vô vọng khi chơi bản “I Want to Hold Your Hand”.
Tôi không nghĩ nó có thể làm người rửa bát đĩa quá bốn ngày. Không phải vì nó là kẻ trốn việc hay một thằng con trai ẻo lả, yếu đuối, nhưng công việc đó - công việc thấp hèn nhất trong nấc thang nhà hàng tám giờ cắm mặt vào những chiếc bát đĩa bẩn thỉu, những chiếc xoong, chậu
đóng cặn khiến tôi không thể tưởng tượng nổi thằng nhóc có thể ra khỏi giường, mặc quần áo, lên tàu điện ngầm và làm công việc đó tới tận nửa đêm.
Nhưng tôi lại một lần nữa sai lầm. Bạn nghĩ mình hiểu con hơn bất kỳ ai khác, tất cả những năm tháng lên lên xuống xuống cầu thang, sắp xếp giưởng chiếu rồi đắp chăn cho chúng, buồn khổ, hạnh phúc, thảnh thơi, lo lắng - nhưng thực ra bạn chẳng hiểu nổi chúng. Và cuối cùng, chủng sẽ luôn có thứ gì đó trong túi quần mà bạn không thể mường tượng được.
Sáu tuần sau, tôi vẫn chưa tin nổi chuyện này - nó thức dậy một buổi chiều, nhún nhảy vào trong bếp với bước đi nặng nề nhưng hạnh phúc và nói: “Con được thăng chức”. Hóa ra là Jack đã bỏ việc để sang nấu nướng cho một nhà hàng khác, và thằng con tôi, Jesse sẽ là người phụ bếp mới. Điều gì đó trong tôi như đang nới lỏng. Thật khó để nói đấy là cái gì. Đơn giản là sự hiểu biết, tôi đoán thế, rằng một khi nó phải làm, nó sẽ có thể làm cả công việc bần tiện nhất và gặt hái thành công từ việc ấy (không giống như bố nó).
* * *
Mùa đông đến, bóng tối sớm trùm lên những ô cửa sổ. Giữa đêm, một cơn bụi tuyết nhẹ rơi trên mái, khiến ngôi nhà hơi có vẻ cổ tích, giống như những chiếc bánh nướng đặt trên cửa sổ của cửa hàng. Nếu một người qua đường lại gần cửa sổ tầng hầm nhà tôi sau nửa đêm, anh ta có thể nghe thấy giọng nói giận dữ của hai cậu chàng cao lớn, ban ngày là những đầu bếp, tối đến là các rapper, cất giọng về nỗi nhục của việc lớn lên trong những khu nhà ổ chuột, tiêm chích heroin, cướp giật tại các cửa hàng, buôn bán súng ống, bố bán ma túy, mẹ là gái làng chơi nghiện ngập. Một bức chân dung tự họa hoàn hảo về thời thơ ấu của nó! (Trong khi cha Jack thực ra là một tín đồ được cải đạo theo Cơ Đốc giáo và là một con chiên ngoan đạo)
Từ nơi tôi đứng ở chỗ cao nhất đầu cầu thang dẫn xuống tầng hầm (một phần là để nghe trộm), tôi không thể làm gì khác ngoài việc nghe được hai đứa đã bắt đầu phát ra những âm thanh đại loại là - tôi không biết - thú vị. Chúng hòa hợp tốt, có sự đổng điệu, những thằng nhóc tập tọe này mặc những bộ quần áo rộng thùng thình. Chúa ơi, tôi bắt đầu nghĩ, có thể thằng oắt nhà tôi có tài năng chăng.
Một đêm trong lành, lạnh lẽo, một bầu không khí phấn khích, thích thú bay lên từ tầng hầm. Nhạc to, giọng đinh tai nhức óc. Nostalgia Đồi bại (cái tên hai đứa tự gọi mình lúc này) đã làm nổ tung tầng trên trong những chiếc mủ bóng chày, khăn rằn, quần thụng, kính chống nắng và những chiếc áo nỉ có mũ trùm đầu. Hai thằng bảnh chọe rất xấu đang trên đường tới buổi diễn đầu tiên của chúng.
Bố có thể đi cùng không?
Không. Thậm chí một cơ hội rất nhỏ cũng mảy may không có.
Chúng lao ra ngoài, đi đâu đó, cái đầu của Jesse giật lùi lại như một gã da đen đang đối phó với cảnh sát Los Angeles.
Và rất nhanh, dường như vậy, chúng lại đi biểu diễn, và chuyện ấy lặp đi lặp lại, trong những hộp đêm bẩn thỉu, dơ dáy với trần nhà thấp tịt và những quy định hút thuốc không ép buộc.
“Bố nghĩ lời ca khúc của bọn con thế nào?” một ngày nọ Jesse hỏi tôi. “Con biết là bố đã nghe”.
Trong nhiều tuần liền, tôi biết điều này sẽ xảy ra. Tôi nhắm mắt (theo nghĩa bóng) và đâm đầu xuống nước. “Bố nghĩ chúng rất xuất sắc”. (Chỉ tưới cây thôi và giữ lại nhà thơ T. S. Eliot cho riêng bạn.)
“Thật chứ?”, đôi mắt nâu của nó quét khắp mặt tôi, hòng tìm kiếm điểm bất thường.
“Bố có thể gợi ý vài điều không?”, tỏi nói.
Gương mặt nó tối sầm lại đầy vẻ nghi ngờ với thái độ: Cẩn thận lời nói của bố lúc này. Đây là điều người ta sẽ nhớ và còn viết về nó sau 50 năm nữa. Tôi nói: “Có thể con nên thử viết về điều gì gần gũi với cuộc sống của mình”.
“Ví dụ như cái gì?”
Tôi giả vờ ngẫm nghĩ một lúc (tôi đã diễn tập phần này). “Thứ gì đó khiến con có cảm xúc mãnh liệt.”
“Như cái gì ạ”.
“Như, nói ví dụ như, ừm, Rebecca Ng.”
“Cái gì cơ?”
“Viết về Rebecca.”
“Bố.” Đây là âm điệu trong giọng nói của một ông chú say xỉn muốn đưa cả gia đình ra ngoài lúc giữa đêm để “đi chơi”.
“Con biết câu Lawrence Durrell nói không, Jesse? Nếu con muốn quên hẳn một người phụ nữ, hãy đưa cô ta vào văn chương”.
Vài tuần sau, tôi tình cờ đứng ở đầu cầu thang khi thằng nhóc và Jack đang thảo luận xem chúng sẽ diễn ở đâu tối đó. Một buổi diễn sau nửa đêm (cùng với nửa tá các tiết mục khác) ở nơi mà tôi từng di cách đây 30 năm trước để tìm các cô gái.
Tôi chờ cho tới tận sau 11 rưỡi đêm, rồi lẻn ra ngoài trong khí trời giá rét. Đi tắt qua công viên (tôi cảm thấy mình như một tên trộm), xuyên qua Khu phố người Hoa (một đêm rác rưởi, những con mèo ở khắp mọi nơi), sau đó đi lên phố cho tới khi đến gần cửa hộp đêm đó.
Có một tá trai trẻ đứng ngoài cửa hút thuốc, nhả ra đầy một phổi khói vào bầu không khí ban đêm, cười nói huyên háo. Và khạc nhổ. Tất cả bọn chúng đang khạc nhổ. Có nó ở đấy, cao hơn một cái đầu so với hầu hết đám bạn.
Tôi trườn nhẹ vào chiếc ghế ngồi trong quán café trên phố nơi tôi có thể theo dõi mọi thứ xấu xa. Đó là buổi tối thứ Bảy ở Khu phố người Hoa, tất cả các quán ăn đêm có ánh đèn huỳnh quang xấu xí.
Năm phút trôi qua, sau đó là 15 phút, một đứa trong số chúng ưỡn người, có vẻ nó đang nói với ai đó trên gác, bên trong hộp đêm. Rồi Jack xuất hiện. Đúng là một đứa trẻ có gương mặt trong trẻo. Mọi cái đầu đều hướng về thằng nhóc. Hơi thở phả ra lạnh giá. Những cái rùng mình. Sau đó, đột nhiên cả đám lao vào bên trong, thằng cuối cùng búng mẩu thuốc hút dở theo một đường cung dài, duyên dáng vào đám xe cộ.
Tôi chờ cho tới khi cửa hộp đêm sạch bách mới chạy qua con phố đông đúc. Tôi thận trọng đi lên gác, tôi cảm thấy bầu không khí thay đổi, nóng hơn, nặng mùi hơn (như mùi của những con chó và mùi bia ôi) theo từng bước chân của mình. Tôi nghe thấy tiếng nhạc vang lên từ căn
phòng đằng sau. Chúng vẫn chưa diễn. Chờ ngoài cửa đến lúc chúng bắt đầu, tôi mới lẻn vào. Tôi lên trên cầu thang và đến một góc, có một gã trai trẻ đang ở chỗ bốt điện thoại thẻ ngước lên và ánh mắt chạm ngay mặt tôi. Đó là Jesse.
“Tớ sẽ gọi lại”, nó nói vào trong ống nghe rồi gác máy. “Bố”, nó nói như thể đang hoan nghênh tôi. Nó bước về phía tôi, mỉm cười, thân hình nó chặn ngang đường vào trong căn phòng. Tôi liếc trộm qua vai thằng nhóc.
“Kia có phải là nơi biểu diễn không?”, tôi hỏi.
“Bố không thể vào đó tối nay, bố ạ. Đêm nào đó nhưng không phải đêm nay”.
Nó xoay người tôi thật nhẹ và chúng tôi bắt đầu đi xuống cầu thang.
“Bố nghĩ nhóm Rolling Stones đã chơi ở đây”, tôi nói với vẻ đầy hy vọng nhưng cánh tay khỏe mạnh của nó (thằng nhóc mới khỏe làm sao!) đã dẫn tôi trở xuống, cho tới khi chúng tôi ra tới lề đường.
“Bố không thể ở đây nghe một bài thôi à?” tôi nài nỉ.
“Con yêu bố, bố ạ, nhưng đêm nay không phải đêm của bố”, nó nói.
Nhẹ nhàng trườn vào trong giường hai phút sau đó, tôi nghe vợ xoay mình trong bóng tối. “Anh bị bắt quả tang hả?” cô ấy hỏi.
Cha Con Và Những Thước Phim Cha Con Và Những Thước Phim - David Gilmore Cha Con Và Những Thước Phim