Chương IX
ự kiện trọng đại kế tiếp trong đời tôi là chuyến viếng thăm Boston vào tháng Năm, 1888. Như thể chỉ mới hôm qua, tôi nhớ những công việc chuẩn bị, chuyến khởi hành với cô giáo và mẹ tôi, cuộc hành trình, và cuối cùng là việc tới đích ở Boston. Cuộc hành trình này thật khác biệt so với chuyến đi Baltimore của tôi hai năm trước! Tôi không còn là một con bé bồn chồn, dễ bị kích động, đòi hỏi sự chú ý của mọi người trên tàu để tìm thú tiêu khiển. Tôi ngồi lặng lẽ bên cạnh cô Sullivan, chú ý với vẻ nôn nao những điều cô kể về các thứ cô nhìn thấy ở bên ngoài cửa sổ: dòng sông Tennessee xinh đẹp, những cánh đồng trồng bông vải rộng lớn, những ngọn đồi và những khu rừng, và những đám đông người da đen đang cười nói ở các nhà ga, vẫy tay chào những người trên tàu và đưa những viên kẹo và những cục bỏng ngô qua cửa sổ. Trên ghế đối diện với tôi là con búp bê lớn bằng giẻ của tôi, Nancy, mặc một chiếc váy bông kẻ mới và đội một cái mũ xếp nếp, đang nhìn tôi từ đôi mắt hạt cườm. Thỉnh thoảng, khi không quá tập trung vào những mô tả của cô Sullivan, tôi nhớ tới sự hiện hữu của Nance và bế nó lên, nhưng nói chung tôi tự xoa dịu lương tâm bằng cách tin rằng nó đang nằm ngủ.
Vì tôi sẽ không có dịp nói tới Nancy lần nữa, tôi muốn kể lại đây một trải nghiệm buồn của nó sau khi chúng tôi tới Boston không lâu. Nó phủ đầy đất bẩn – những thứ còn lại của những cái bánh bằng bùn mà tôi buộc nó phải ăn, dù nó không bao giờ cho thấy một sự thích thú đặc biệt nào đối với chúng. Chị thợ giặt ở Học viện Perkins bí mật mang nó ra ngoài để tắm cho nó. Điều đó là quá nhiều đối với Nancy tội nghiệp. Tiếp theo đó, khi tôi nhìn thấy nó, nó chỉ còn là một đống vải không hình thù, mà hẳn tôi sẽ không bao giờ nhận ra nếu không có đôi mắt hạt cườm nhìn tôi đầy oán trách.
Rốt cuộc, khi con tàu lăn bánh vào nhà ga Boston, như thể một câu chuyện cổ tích đã biến thành hiện thực. “Ngày xửa ngày xưa” chính là hiện tại; “đất nước xa xôi” chính là đây.
Chúng tôi tới Học viện Perkins dành cho người mù vừa đúng lúc tôi bắt đầu kết bạn với những đứa bé mù. Tôi vui sướng không thể tả khi thấy rằng chúng biết đọc bảng mẫu tự bằng tay. Thật là hân hoan khi được trò chuyện với những đứa trẻ khác bằng ngôn ngữ của chính chúng tôi! Cho tới lúc đó, tôi là một người ngoại quốc nói chuyện thông qua một người thông dịch. Trong ngôi trường nơi đã dạy dỗ Laura Bridgman, tôi là đang người ở trên đất nước của mình. Tôi mất một thời gian để thấu hiểu thực tế rằng những người bạn mới của tôi đều khiếm thị. Tôi biết tôi không thể nhìn thấy; nhưng dường như không có khả năng rằng tất cả những đứa trẻ nôn nao, đầy tình thương mến đang quây quần quanh tôi và nồng nhiệt tham gia những trò vui nhộn của tôi cũng là những người mù. Tôi nhớ sự ngạc nhiên và đau đớn tôi cảm thấy khi nhận ra rằng chúng đặt tay của chúng lên tay tôi khi tôi trò chuyện với chúng và rằng chúng đọc sách với những ngón tay. Dù tôi đã nghe nói về việc này trước đó, và dù tôi hiểu những khiếm khuyết của chính mình, nhưng tôi đã mơ hồ tưởng rằng vì chúng có thể nghe, chúng phải có một loại “thị lực thứ hai”, và tôi đã không chuẩn bị để phát hiện ra đứa trẻ này hay đứa trẻ khác cũng thiếu hụt món quà quý giá đó như tôi. Nhưng chúng tỏ ra hạnh phúc và hài lòng đến nỗi tôi đánh mất mọi cảm giác đau đớn trong niềm vui bè bạn.
Một ngày trải qua với đám trẻ mù khiến tôi cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong môi trường mới, và tôi nôn nóng nhìn từ trải nghiệm thứ vị này sang trải nghiệm thú vị khác trong lúc những ngày trôi qua vùn vụt. Tôi không thể hoàn toàn tự thuyết phục mình rằng còn nhiều phần thế giới khác nữa, vì tôi xem Boston là nơi bắt đầu và nơi kết thúc của sự sáng tạo.
Trong lúc ở Boston, chúng tôi đến tham quan đồi Bunker, và ở đó tôi đã học bài học lịch sử đầu tiên. Câu chuyện về những con người quả cảm đã chiến đấu trên mảnh đất nơi chúng tôi đứng khiến tôi vô cùng phấn khích. Tôi trèo lên đài tưởng niệm, đếm những bậc thềm, và tự hỏi khi tôi đi lên càng lúc càng cao rằng không biết những người lính có trèo lên những bậc thang vĩ đại này để bắn vào quân thù trên mặt đất bên dưới hay chăng.
Hôm sau chúng tôi tới Plymouth bằng đường thủy. Đây là chuyến du hành trên đại dương và trên một chiếc tàu hơi nước đầu tiên của tôi. Nó thật đầy tràn sức sống và chuyển động! Nhưng tiếng ầm ầm của động cơ khiến tôi nghĩ trời đang có sấm sét, và tôi bắt đầu khóc, vì tôi sợ rằng nếu trời mưa chúng tôi sẽ không thể ngồi ăn ngoài trời. Tôi nghĩ tôi chú ý tới tảng đá lớn nơi Những người hành hương [1] đã lên bờ hơn bất kỳ thứ gì khác ở Plymouth. Tôi có thể sờ vào nó, và có lẽ điều đó khiến việc Những người hành hương tới đây và những lao tâm khổ tứ và những việc làm vĩ đại của họ có vẻ có thật hơn đối với tôi. Tôi thường nắm trong tay một mô hình nhỏ của Tảng đá Plymouth mà một quý ông tốt bụng đã cho tôi ở viện bảo tàng Pilgrim Hall, và tôi đã đưa ngón tay dò theo những đường cong, vết nứt ở giữa và các con số “1620” chạm nổi của nó, và ôn đi ôn lại trong đầu tất cả những gì tôi biết về câu chuyện kỳ diệu của Những người hành hương.
Trí tưởng tượng trẻ con của tôi bừng lên chói lọi với sự nghiệp tuyệt vời của họ! Tôi lý tưởng hóa họ như là những con người quả cảm nhất và hào phóng nhất từng tìm kiếm một quê hương trên một miền đất lạ. Tôi nghĩ họ khát khao sự tự do cho đồng bào họ cũng như cho chính họ. Nhiều năm sau, tôi khá ngạc nhiên và thất vọng khi biết những hành động ngược đãi của họ, những hành động khiến chúng ta nhoi nhói niềm hổ thẹn, thậm chí ngay trong lúc chúng ta tôn vinh sự can đảm và nguồn sức mạng đã đem đến cho chúng ta “Đất nước đẹp tươi” này.
Trong số nhiều người mà tôi đã kết bạn ở Boston có ông William Endicott và cô con gái của ông. Sự tốt bụng của họ đối với tôi là hạt mầm mà từ đó nhiều hồi ức thú vị đã đâm chồi. Một hôm chúng tôi tới thăm ngôi nhà xinh đẹp của họ ở Trang trại Beverly. Tôi nhớ với niềm vui sướng tôi đã đi qua vườn hồng của họ ra sao, lũ chó của họ, con Leo to lớn và con Fritz bé nhỏ lông xoăn với đôi tai dài, đã ra chào đón chúng tôi thế nào, và Nimrod, con ngựa nhanh nhất trong đàn, đã thúc mũi vào đôi bàn tay của tôi để được vỗ nhẹ một cái và được cho một cục đường ra sao. Tôi cũng nhớ bãi biển, nơi lần đầu tiên tôi chơi đùa trên cát. Đó là thứ cát cứng mịn, rất khác với thứ cát rời rạc, sắc bén, lẫn lộn với tảo bẹ và vỏ sò ở Brewster. Ông Endicott kể cho tôi nghe về những con tàu lớn xuất phát từ Boston để tới châu Âu. Sau đó tôi còn gặp ông nhiều lần, và ông luôn là một người bạn tốt của tôi; thật sự, tôi đã nghĩ tới ông khi tôi gọi Boston là “Thành phố của Những quả tim nhân hậu.”
Câu Chuyện Đời Tôi Câu Chuyện Đời Tôi - Hellen Keller Câu Chuyện Đời Tôi