Chương 9 -
-Ông muốn cháu trả lời câu hỏi nào cơ?
- Tên cháu là gì?
- Tên cháu là Omar-Jo.
- Omar-Jo?... Hai chữ đấy chẳng gắn kết với nhau gì cả.
- Cháu tên là: Omar-Jo, đứa trẻ khăng khăng nói.
- Nó giống cái gì cơ chứ? Chả giống gì cả!
- Đó là tên của cháu.
- Ta sẽ gọi cháu là Joseph. Hoặc là Jo, nếu như cháu thích hơn. Một cái tên rút gọn mà mọi người sẽ nhớ ngay.
- Đừng có động đến tên của cháu!
Giọng của chú bé vang lanh lảnh. Cho dù với bản chất ngây thơ hồn nhiên của chú bé, Maxime hiểu rằng nó có thể bỗng chốc dựng lên một bức tường chống đối với kẻ xúc phạm đến mình.
- Ta không định làm cháu tức giận.
- Cháu tên là: Omar-Jo, cậu bé nhắc lại với giọng nhẹ nhàng hơn. Omar và Jo - cùng với nhau!
- Omar-Jo, người kia nhắc lại.
- Nếu ông muốn, ông có thể thêm một vần thứ ba vào tên của cháu.
- Vần thứ ba ư?... Vần nào cơ?
- Sau này cháu sẽ giải thích cho ông.
“Sau này”, Maxime thầm nhủ. “Mẹ ơi, nó nói cứ như nó ở hẳn đây! Nó tưởng đây là nhà nó rồi đấy”. Ông nhận thấy rằng mọi việc đã được vào đúng chỗ của nó; và từ nay trở đi, chiếc Sàn quay của ông sẽ không thể thiếu bàn tay khéo kéo của thằng bé này được.
- Tất cả các dịch vụ của cháu: Không mất tiền, không mất tiền! Omar-Jo hát.
Nó dọn dẹp gọn gàng tất cả những chổi cùn, rế rách cùng các vật khác; và quay sang Maxime nói:
- Cháu cũng sẽ làm một cuộc biểu diễn cho ông xem!
- Một cuộc biểu diễn?
Không để Maxime kịp phản ứng, cậu bé quay lại Sàn quay.
Kẹp giữa máy hát điện, quầy thu tiền và một lô lốc những đồ vật khác, nó tự làm đỏm với bất kỳ một vật gì trong tầm tay. Rồi nó tự hóa trang bằng những thứ còn lại sau khi vét vài hộp sơn.
Maxime quan sát cậu bé qua ô cửa kính của quầy thu tiền lại thấy dấy lên trong lòng một sự hồ nghi mà ông gạt bỏ ngay lập tức. Bấn loạn giữa những tình cảm trái ngược nhau. Từ khi thằng bé xuất hiện ở đây, ông luôn dao động giữa sự nghi hoặc và thiện cảm.
Ông đi tìm chiếc ghế trong vườn và quay lại ngồi đối diện trước Sàn quay trong khi chờ đợi thằng bé nghịch ngợm đặc biệt đó. Sự tò mò, sự sốt ruột của khán giả trước lúc mở màn dần dần cũng xâm chiếm ông.
Chiếc máy hát bắt đầu hoạt động. Một điệu nhạc tiết tấu nhanh vút cao thông báo sự xuất hiện của thằng bé nghịch ngợm.
Mái tóc da cam, hai má bôi đủ màu sắc, lông mi và đôi môi bôi đỏ, chổi lông buộc vào chỗ cánh tay bị cụt đem lại cho nó dáng vẻ một sinh vật kỳ lạ nửa người nửa chim; Omar-Jo giới thiệu mình bằng một vài vòng xoay tròn.
Tiếp đó nó đi lần lượt từ con ngựa này đến con ngựa khác trên Sàn quay; hôn chút lên mõm con ngựa hồng, trèo lên một con khác, rồi ngồi chễm chệ trên yên ngựa. Cậu bước vào, đi ra nhiều lượt trên chiếc xe ngựa, lần lượt đóng vai nhà vua rồi tên hầu, đức ông rồi tên ăn mày.
Toàn bộ vòng đua trở nên sôi động. Maxime hồi tưởng lại những tình cảm ngây ngất trước đây của ông, những nỗi niềm háo hức.
- Nhìn cháu kỹ vào!
Cậu bé nhảy hai chân chéo nhau xuống nền đất, tiến về phía Maxime, chân xếp hình thước thợ, vừa đi vừa lắc hông. Nó phác họa những hình tròn trong không khí nhờ vào một cây gậy vô hình; cởi rồi đội lại chiếc mũ vô hình; vung rồi vụt lưỡi liếm không khí thật nhanh.
Maxime phá lên cười.
- Đúng là thằng hề!
- Cháu không làm ông nhớ tới ai à?
Cậu bé giơ chiếc gậy và cái mũ vô hình ra, xếp chân tõe ra hướng ngoài; cuối cùng thì ngã bổ chửng, lưng đập xuống đất, hai chân chổng vó lên trời.
- Chaplin! Charlie Chaplin!... Đấy sẽ là tên thứ ba của cháu.
- Gì cơ?
- Omar-Jo Chaplin!
- Omar-Jo Chaplin?... Cháu không đùa đấy chứ?
- Cháu chỉ nghĩ tới chuyện đó.
Từ hồi còn bé, cậu đã coi “Charlot” là thần tượng, một người cũng bị con người và sự bất hạnh đối xử tệ bạc. Charlot - người luôn bặp bất hạnh nhưng luôn biết làm vui lòng người khác. Làm hề!
- Cháu thật sự tin đó là một ý tưởng hay à? Maxime hỏi.
Cái tên đó đối với ông thật không thích hợp. Nhất là ba cái tên hoàn toàn khác nhau này - chúng có nguồn gốc từ các nước, thậm chí là từ các châu lục khác nhau - biểu hiện chủ nghĩa thế giới mà theo ông thì chẳng có vẻ gì là hay ho cả.
- Đó là một ý tưởng rất hay. Nó sẽ đem lại cho ông nhiều tiền.
Cậu bé thừa hưởng từ tổ tiên - là người đi biển, là các nhà thương gia vô địch trong buôn bán, họ sáng chế ra các loại bàn bán hàng trên khắp vùng lân cận Địa Trung Hải từ thời Trung cổ, cậu có máu làm ăn sắc sảo.
- Rồi ông xem, cháu sẽ đem đến cho ông thật nhiều khách. Cháu sẽ làm cho họ cười... Cười đến chảy nước mắt!
Nó ngập ngừng ở từ cuối cùng. “Nước mắt” gợi lên quá nhiều máu đổ, quá nhiều bi kịch sống, quá nhiều mất mát đã phải trải qua, nó vội vàng chữa lại:
- Cháu muốn nói là: cười đau cả ruột. Họ sẽ lăn ra cười cho mà xem.
Ngày nào Omar-Jo cũng đến. Đây là thời kỳ nghỉ hè, nó có nhiều thời gian rỗi.
- Chúng ta sẽ dán những tấm áp phích lên xung quanh công viên. Cháu sẽ tự làm áp phích có in cả ba tên của cháu.
Lời nói của cậu bé nhanh chóng thành hiện thực, nó bao giờ cũng tìm được cách thực hiện ý tưởng của mình. Bị cuốn theo chiều hướng này, Maxime để mặc nó làm. Cả hai thống nhất với nhau về rất nhiều điểm; quyết định đóng cửa Sàn quay muộn hơn, mua đèn nhấp nháy về làm nên một vương miện lấp lánh xung quay vòm mái tròn.
Cái phần thưởng - kẹo mút và nhiều loại mứt kẹo khác - đã xuất hiện trở lại. Để hướng dẫn lũ trẻ đến đúng chỗ, hướng dẫn chúng ngồi lên ngựa, thắt chặt dây bảo hiểm, Omar-Jo luôn có mặt bên chúng, dưới các bộ đồ hóa trang đa dạng. Các bé trai và bé gái càng ngày càng đến một đông; nó dự tính con số sẽ tăng gấp nhiều lần trong buổi biểu diễn sắp tới.
Sau khi bọn trẻ ra về cả, một vài người lớn hồi tưởng về một thời thơ ấu đã không kìm nổi ý muốn làm một vòng đu quay ngựa. Thậm chí cả Maxime cũng ngạc nhiên thấy mình một ngày kia ngồi vắt vẻo trên con ngựa màu đỏ tím trong khi Omar-Jo ra roi đi xung quanh.
- Còn gia đình cháu? Cháu đã nói với ta là cháu có người nhà ở đây mà?
- Có dì chú cháu: Roise và Antoine. Họ có một cửa hiệu giặt.
- Họ nghĩ gì về chuyện cháu làm ở đây?
- Họ đồng ý để cháu làm. Cháu đang nghỉ hè mà.
- Ta thì muốn mọi thứ phải hợp lệ, ta không muốn gặp rắc rối.
- Cháu sẽ bảo họ đến gặp ông.
Bị dằn vặt về cuộc sống gia đình không đi theo chiều hướng như cô mong muốn - Rosie quyết định thay đổi dáng vẻ bề ngoài, tìm lại sự điệu đà nay đã mất. Cô cắt bỏ búi tóc, nhuộm đen mái tóc trắng. Đôi chân cô gọn gàng hơn trong bộ váy ít rộng hơn, bộ ngực thanh thoát, gọn gàng hơn dưới chiếc áo sơ mi bớt rộng đi. Chỉ ít lâu sau cô đã tán tỉnh được một anh chàng bán sách trẻ tuổi đem đồ đến giặt ở cửa hiệu vào thứ ba hàng tuần.
Cũng rất bận vì công việc buôn bán, Antoine và Rosie thấy nhẹ cả lòng khi được biết là “thằng bé bất hạnh vì chiến tranh” đó đã tìm được việc làm giải trí, có thể là có cả tiền nữa. Omar-Jo thuyết phục họ là sau kỳ tập sự, ông chủ Sàn quay sẽ tính công cho nó. Trong năm học, nó vẫn có thể dành một vài giờ mỗi tuần cho Sàn quay, cộng với các ngày chủ nhật và ngày lễ.
Một buổi chiều, vợ chồng Rosie quyết định đến tận nơi xem và để làm quen với ông chủ Sàn quay.
Họ chúc tụng lẫn nhau:
- Cháu của anh chị quả là một thằng bé rất tự lập!
- Đúng là Sàn quay của anh đẹp thật!
Ông thấy họ là người đáng tin cậy, biết điều. Đến lượt ông tìm cách trấn an họ, ông hứa sẽ đảm bảo cho thằng bé ăn những lúc nó làm việc ở chỗ ông.
Họ chia tay nhau trong lòng hoàn toàn hài lòng về nhau.
Tối tối, Omar-Jo và Maxime mỗi người đi một hướng trở về ngôi nhà của mình.
Thỉnh thoảng vì buổi làm việc tối kết thúc muộn, nó được phép ngủ lại nhà ông. Nó ngủ trên tràng kỷ ở phòng thứ hai của căn hộ.
Cậu Bé Lắm Chuyện Cậu Bé Lắm Chuyện - André Chedid Cậu Bé Lắm Chuyện