Chương 9
ừ Mandalay, thượng du của Burma, bạn có thể đi tầu tới Maymyo, nhà ga chính nằm trên đỉnh đồi của cái tỉnh ở ngay biên giới của cao nguyên Shan. Cảm giác thật là lạ lùng. Bạn vừa ra khỏi một thành phố đặc thù của phương Đông, với ánh mặt trời chói chang, với những cành cọ đầy bụi, với mùi cá, mùi gia vị và mùi tỏi, với những loại quả mọng nước vùng nhiệt đới và đám đông người da ngăm đen, và vì bạn đã quen với tất cả, bạn như đã mang theo mình cái không khí ấy lên tầu. Về mặt tâm lí, bạn vẫn còn ở Mandalay khi đoàn tàu dừng lại tại Maymyo, tức là trên độ cao 1200 met 1 so với mặt nước biển. Nhưng vừa ra ngoài là bạn đã như đã bước một thế giới khác hẳn. Bạn được thở một bầu không khí mát mẻ, trong lành, như ở Anh và xung quanh là những thảm cỏ xanh mướt, những bụi dương xỉ, những rặng thông, những người phụ nữ vùng sơn cước má hồng đứng bán những giỏ dâu mọng nước.
Tôi nhớ lại cảnh đó khi trở về Barcelona sau ba tháng rưỡi nằm ở mặt trận. Nhớ lại là vì cũng xảy ra cảnh thay đổi bất ngờ và làm người ta sửng sốt như thế. Không khí mặt trận vẫn còn bám mãi theo đoàn tầu trên suốt chặng đường tới Barcelona, cũng vẫn cảnh tượng bẩn thỉu, ôn ào, lộn xộn, quần áo rách nát, thiếu thốn, tình đồng đội và bình đẳng. Đoàn tầu đã đầy nhóc lính khi rời Barbastro rồi, thế mà ga nào cũng có người lên, đấy là những người nông dân với những bó rau, những con gà bị xách lộn đầu xuống dưới, với những bao tải buộc túm lại và vất khắp sàn tàu, sau này mới biết là đựng những chú thỏ còn sống nguyên – và cuối cùng là một bầy cừu, được lùa vào mọi góc trống trên toa. Lính tráng gào lên những bài hát cách mạng và thấy bóng cô nào bên đường là họ hôn gió hoặc đưa khăn mùi xoa nửa đỏ nửa trắng vẫy theo. Những chai vang, chai anis, một loại rượu rất khó uống của vùng Aragone, được truyền từ tay người nọ sang tay người kia. Với những cái túi đựng rượu làm bằng da dê của người Tây Ban Nha, người ngồi đầu toa có thể phun thẳng rượu vào mồm người ngồi cuối toa, đỡ được khối chuyện phiền phức. Ngồi cạnh tôi là một chú nhóc, mắt đen láy, chỉ khoảng mười lăm tuổi thao thao bất tuyệt suốt cả chặng đường, còn hai người đàn ông da rám nắng thì ngồi, miệng há hốc như nuốt lấy từng lời câu chuyện giật gân, mà tôi cho là bịa đặt một trăm phần trăm, của cậu ta. Sau đó mấy người nông dân này mở túi và mời chúng tôi uống loại rượu màu đỏ thẫm của họ. Mọi người đều rất vui vẻ, vui không bút nào tả xiết. Nhưng khi tầu rời Sabadell và đỗ lại ở Barcelona, thì những người xung quanh bỗng có thái độ xa cách và thù nghịch với chúng tôi và những người giống như chúng tôi chẳng khác gì tình cảm của những người ở Paris và London.
Bất kì ai từng tới Barcelona vài lần, cách nhau vài ba tháng, trong thời gian chiến tranh, đều nhận ra ngay những thay đổi bất thường ở đấy. Và điều ngạc nhiên là dù đến lần đầu vào tháng tám và trở lại vào tháng giêng năm sau hay đến vào tháng mười hai và trở lại vào tháng tư, như trường hợp của tôi, thì mọi người cũng đều nói có một chuyện như nhau: tinh thần cách mạng đã tiêu tan. Dĩ nhiên là những người đến đây vào tháng tám, khi máu trên đường phố vẫn chưa kịp khô và binh lính còn đóng trong các khách sạn sang trọng thì Barcelona vào tháng mười hai đã là thành phố tư sản rồi, nhưng với tôi, một người mới từ Anh sang thì thành phố vẫn là biểu tượng của giai cấp công nhân. Nhưng ngọn triều đã rút. Barcelona lại là một thành phố bình thường, tuy có bị chiến tranh làm cho sứt mẻ đôi chút, nhưng ưu thế của giai cấp công nhân thì đã biến mất từ lâu.
Diện mạo của đám đông thay đổi đến bất ngờ. Quần áo bộ đội và những bộ bảo hộ lao động màu xanh đã gần như biến mất hẳn, hầu như ai cũng mặc những bộ trang phục mùa hè may rất khéo, thợ may Tây Ban Nha có biệt tài về khoản này. Những người đàn ông béo tốt, thành đạt; những người đàn bà thanh lịch và những chiếc xe bóng lộn có mặt khắp nơi. (Hình như vẫn chưa được có xe riêng, tuy nhiên, có vẻ như tất cả những kẻ “ra hồn người” đều có thể sở hữu một chiếc). Sĩ quan Quân đội Nhân dân nhan nhản khắp nơi, hồi rời Barcelona tôi hầu như chưa trông thấy người nào. Cứ mười chiến sĩ thì có một sĩ quan. Một số người phục vụ trong các đơn vị dân quân và được đưa về đây chỉnh huấn, nhưng đa số là những thanh niên trẻ, vào các trường võ bị vì không muốn đi dân quân. Quan hệ của họ với chiến sĩ dưới quyền không hoàn toàn giống như quan hệ trong quân đội tư sản, nhưng phân biệt đẳng cấp thì rõ ràng là có, phụ cấp khác nhau, quân phục cũng khác nhau. Chiến sĩ mặc áo liền quần, vải thô, màu nâu, còn sĩ quan thì mặc đồng phục kaki, trang nhã, bó sát lấy người, giống như sĩ quan quân đội Anh, nhưng đẹp hơn một chút. Tôi ngờ rằng trong hai mươi người thì mới có một người từng ra mặt trận, nhưng anh nào cũng có một khẩu súng lục đeo kè kè bên hông, ngoài mặt trận có bao nhiêu tiền cũng không thể mua được một khẩu như thế. Khi đi trên đường, dân chúng cứ nhìn chằm chằm vào những bộ quần áo bẩn thỉu của chúng tôi. Dĩ nhiên là, giống như tất cả những người lính đã từng ở mặt trận vài ba tháng, bộ dạng của chúng tôi chắc là khủng khiếp lắm. Tôi biết mình trông chẳng khác gì một thằng bù nhìn giữ dưa. Chiếc áo khoác bằng da đã rách tơi tả, cái mũ len thì chẳng còn hình thù gì, đôi khi lại còn xệ xuống, che hết cả mắt, đôi ủng thì gần như chỉ còn phần trên. Tất cả chúng tôi, ít nhiều đều giống như thế, ngoài ra, tóc tai thì bù xù và cáu ghét nữa, trách gì dân chúng chẳng nhìn. Nhưng chuyện đó chỉ hơi làm tôi thất vọng thôi, có cảm tưởng rằng những chuyện lạ lùng nào đó đã xảy ra ở đây trong ba tháng qua.
Mấy ngày sau tôi còn phát hiện ra nhiều chỉ dấu chứng tỏ cảm tưởng ban đầu của mình là đúng. Thành phố đã biến đổi một cách sâu sắc. Có thể thấy ngay hai sự kiện chính. Một là dân chúng, tức là những người dân thường, đã hầu như không còn quan tâm đến chiến tranh nữa; thứ hai, xã hội đã lại chia thành kẻ giàu, người nghèo, thành giai cấp thượng lưu và hạ lưu như cũ.
Thái độ bàng quan đối với cuộc chiến làm người ta phải ngạc nhiên, thậm chí kinh tởm. Nó làm cho những người đến từ Madrid, thậm chí từ Valencia phát hoảng. Một phần là do Barcelona nằm quá xa mặt trận; một tháng sau, ở Tarragona, một thành phố sang trọng ngay trên bờ biển, nơi cuộc sống thường ngày hầu như không bị xoá trộn, tôi cũng thấy dân chúng có thái độ như thế. Quan trọng là, bắt đầu từ tháng giêng, số người tình nguyện trên khắp Tây Ban Nha đã giảm hẳn. Tháng hai ở Catalonia một không khí hào hứng diễn ra xung quanh cuộc tuyển quân lớn đầu tiên, nhưng số người nhập ngũ gia tăng không đáng kể. Chiến tranh mới kéo dài khoảng sáu tháng, thế mà chính phủ Tây Ban Nha đã phải dùng đến biện pháp bắt lính, sẽ là bình thường nếu đấy là chiến tranh ở nước ngoài, nhưng nội chiến thì lại là chuyện khác. Chắc chắn đấy là do người ta đã không còn hi vọng nhiều vào cách mạng như hồi đầu nữa. Các đoàn viên công đoàn tự động tham gia lực lượng dân quân và trong mấy tuần đầu đã đẩy quân phát xít đến tận Zaragoza vì họ tin rằng đang chiến đấu cho chính quyền của giai cấp công nhân. Nhưng càng ngày càng thấy rõ là chính quyền của giai cấp công nhân đã thất bại, và không thể trách những người dân thường, nhất là giai cấp vô sản thành phố, trong bất kì cuộc chiến tranh nào, nội chiến hay ở bên ngoài, thì đấy cũng là những người phải đăng lính trước tiên. Không ai muốn thua, nhưng đa số chỉ muốn làm sao chấm dứt cho nhanh. Có thể thấy điều đó ở khắp mọi nơi. Ở đâu cũng thấy người ta nói một câu chiếu lệ: “Cuộc chiến này khủng khiếp quá. Bao giờ mới kết thúc nhỉ?” Những người có ý thức chính trị hiểu rõ cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa phái vô chính phủ và phái cộng sản hơn là cuộc chiến chống lại Franco. Còn đối với đa số dân chúng thì thiếu lương thực là vấn đề quan trọng nhất. “Mặt trận” thì xa xôi huyền bí, đấy là nơi các chàng trai trẻ ra đi mà không trở về hoặc là trở về sau ba bốn tháng, túi rủng rỉnh tiền. (Binh lính thường được trả toàn bộ tiền lương khi đi phép). Những người bị thương, ngay cả khi họ phải chống nạng, cũng chẳng được mấy người quan tâm. Lính tráng không còn được hâm mộ nữa. Các cửa hàng, bao giờ cũng là hàn thử biểu của thị hiếu xã hội, cho ta thấy rõ điều đó. Khi tôi đến Barcelona lần đầu, các cửa hàng - nghèo nàn và tàn tạ - bán chủ yếu là đồ quân dụng. Quầy hàng nào cũng có mũ bộ đội, áo khoác, thắt lưng to bản, dao đi rừng, bi đông đựng nước, bao súng lục. Bây giờ các cửa hàng đều trông sang trọng hơn, nhưng chiến tranh đã lùi về dĩ vãng. Sau này, trước ngày lên đường trở lại mặt trận, tôi có đi mua sắm và phát hiện ra rằng một số thứ ngoài mặt trận không có không được nhưng lại rất khó mua.
Trong khi đó người ta lại tiến hành chiến dịch tuyên truyền có hệ thống nhằm chống lại lực lượng dân quân của các đảng phái và ủng hộ Quân đội Nhân dân. Tình hình thật là lạ lùng. Về lí thuyết, ngay từ tháng hai tất cả các lực lượng vũ trang đều đã hợp nhất vào Quân đội Nhân dân. Dân quân, đấy là nói theo giấy tờ, cũng là một phần của Quân đội Nhân dân, với những mức lương và quân hàm quân hiệu khác nhau..v.v.. và..v.v.. Các sư đoàn được thành lập trên cơ sở “các trung đoàn hỗn hợp”, bao gồm cả các đơn vị quân đội chính qui lẫn các đơn vị dân quân. Nhưng trên thực tế, chỉ có tên gọi là thay đổi mà thôi. Thí dụ như các đơn vị của P.O.U.M., trước đây là sư đoàn Lenin thì nay là sư đoàn 29. Đến mãi tháng 6 vẫn chỉ có vài đơn vị Quân đội Nhân dân đến được mặt trận Aragon, và kết quả là dân quân vẫn giữ được cơ cấu riêng và tính chất đặc thù của mình. Nhưng trên bức tường nào người ta cũng thấy khẩu hiệu do nhân viên chính phủ viết: “Chúng ta cần Quân đội Nhân dân!”, còn đài và báo chí cộng sản thì không ngừng tấn công, thậm chí đôi khi với những lời lẽ độc địa, chống lại lực lượng dân quân. Họ bảo là dân quân không được đào tạo bài bàn, thiếu tinh thần kỉ luật..v.v.. và..v..v.. còn Quân đội Nhân dân thì được gọi là “anh hùng”. Phần nhiều là do cách tuyên truyền như thế mà người ta có cảm giác xấu hổ vì đã tình nguyện ra mặt trận, trong khi cứ ở nhà chờ nhập ngũ lại có vẻ như được tán dương. Trong khi đó, chính lực lượng dân quân lại là người bảo vệ chiến tuyến, còn Quân đội Nhân dân thì đang luyện tập ở hậu phương, nhưng người ta đã cố tình bỏ qua chuyện này. Các đơn vị dân quân trở lại mặt trận đã không còn diễu qua thành phố với tiếng trống trận và cờ hoa nữa. Họ được đưa đi một cách lặng lẽ bằng tầu hỏa hay xe tải ngay từ lúc năm giờ sáng. Lúc đó một vài đơn vị của Quân đội Nhân dân cũng bắt đầu lên đường ra mặt trận; các đơn vị này, cũng như trước đây, vẫn được đưa tiễn một cách trọng thể. Nhưng việc đưa tiễn các đơn vị này, do mối quan tâm chung đối với cuộc chiến đã phai nhạt nhiều, cũng chẳng được hào hứng như xưa. Sự kiện là về mặt giấy tờ thì dân quân là thành phần của Quân đội Nhân dân đã được bộ máy tuyên truyền lợi dụng một cách khéo léo. Tất cả thắng lợi đều được tự động gán cho Quân đội Nhân dân, còn thất bại thì bao giờ cũng là do dân quân mà ra. Đôi khi có cả chuyện là một đơn vị được ca ngợi, rồi lại bị phê bình, chỉ vì khi thì người ta bảo đấy là Quân đội Nhân dân, lúc lại gọi họ là dân quân.
Ngoài tất cả những chuyện đó ra, tình hình xã hội cũng đã có những thay đổi rất đáng chú ý. Người không có kinh nghiệm thực tế thì thật khó mà hiểu được. Lần đầu tiên tới Barcelona, tôi nghĩ rằng thành phố này hầu như không có sự phân biệt giai cấp và không có cách biệt quá lớn về tài sản. Chắc chắn là tình hình đã trông có vẻ như thế. Chẳng mấy khi thấy người mặc diện, không có hiện tượng xun xoe hay đòi tiền trà thuốc, từ anh hầu bàn đến chị bán hoa hay gã đánh giày đều nhìn thẳng và gọi người đối diện là “đồng chí”. Lúc đó tôi đã không nhận ra rằng đấy chính là sự pha trộn giữa khát vọng và giả trá. Giai cấp công nhân tin vào cuộc các mạng đã khởi đầu nhưng không bao giờ kết thúc này, còn bọn tư sản thì sợ và tạm thời đóng giả làm công nhân. Trong những tháng đầu tiên, chắc chắn là phải có hàng ngàn người sẵn sàng chui vào bộ quần áo bảo hộ lao động và gào lên những khẩu hiệu cách mạng, muốn sống thì phải làm như thế. Bây giờ mọi sự đã trở lại bình thường. Nhà hàng và khách sạn sang trọng lúc nào cũng chật cứng, đấy là những người giàu có, được ăn đủ thứ sơn hào hải vị, trong khi giai cấp công nhân chạy ăn từng bữa, giá cả leo thang khủng khiếp mà tiền lương thì tăng không đáng kể. Ngoài chuyện mọi thứ đều đắt đỏ, còn không có cả hàng hóa nữa, mà cái này thì dĩ nhiên là bao giờ cũng ảnh hưởng đến người nghèo nhiều hơn người giàu. Nhà hàng, khách sạn có vẻ như chẳng gặp mấy khó khăn, muốn mua gì cũng được, nhưng trong các khu lao động thì người mua bánh mì, mua dầu ôliu và những nhu yếu phẩm khác phải xếp hàng dài cả mấy trăm mét 2. Trước đây tôi đã lấy làm ngạc nhiên vì Barcelona không có người ăn mày, nhưng bây giờ ở đây nhiều ăn mày lắm. Bên ngoài của hàng đồ ăn chế biến sẵn ở đầu phố Ramblas bao giờ cũng có một đám trẻ con chân trần đứng đợi, hễ có người ra là chúng bao vây và ngửa tay xin một ít đầu thừa đuôi thẹo. Ngôn ngữ “cách mạng” đã không còn được sử dụng nữa. Bây giờ, người ta ít khi gọi bạn là tú (anh) hay camarada (đồng chí), người ta thường sử dụng cách xưng hô cũ señor (ngài) hay usted (ông). Buenos días đã bắt đầu thay thế cho salud. Hầu bàn đã quay về với những chiếc áo sơ mi là cứng, còn người bán hàng thì lại có thái độ xun xoe như cũ. Hai vợ chồng tôi vào một cửa hàng dệt kim trên phố Ramblas để mua mấy đôi tất. Anh nhân viên bán hàng cúi gập người và liên tục xoa hai tay vào nhau, thái độ xun xoe còn hơn cả nhân viên bán hàng ở Anh hiện nay, mặc dù cách đây hai ba mươi năm họ vẫn thường làm như thế. Tiền lót tay đã ngấm ngầm quay trở lại. Các đội tuần tra của công nhân đã bị giải tán, lực lượng cảnh sát thời trước chiến tranh đã xuất hiện trở lại trên đường phố. Kết quả là hộp đêm và các nhà chứa sang trọng, mà một thời đã bị các đội tuần tra công nhân cấm chỉ, đã vội vã mở cửa trở lại 3. Mọi thứ đều nhằm thỏa mãn nhu cầu của những người có của, thí dụ nhỏ nhưng khá rõ là cảnh thiếu thuốc lá. Thiếu đến mức người ta bán cả những điếu thuốc vấn từ rễ cây cam thảo. Tôi đã thử hút một lần. (Nhiều người đã thử hút một lần). Franco chiếm giữ quần đảo Canary, khu vực trồng thuốc lá chính của Tây Ban Nha. Chính phủ chỉ còn trong kho số thuốc được sản xuất từ trước chiến tranh. Dự trữ còn ít đến mức cửa hàng bán thuốc chỉ mở mỗi tuần một lần. Phải xếp hàng vài tiếng đồng hồ và may lắm thì mới mua được một bao bé tí. Về lí thuyết, chính phủ không cho nhập thuốc lá vì sẽ làm hao hụt số vàng dự trữ dùng để mua vũ khí và những thứ cần thiết khác. Nhưng trên thực tế, việc nhập lậu các loại thuốc lá đắt tiền, như Lucky Strikes, vẫn diễn ra thường xuyên. Bọn buôn lậu tha hồ hốt bạc. Có thể công khai mua thuốc lá nhập lậu trong các khách sạn sang trọng, thậm chí ngay trên đường phố, tuy phải lén lút một chút, với giá là mười peseta (tiền lương một ngày của dân quân) một bao. Buôn lậu có lợi cho người giàu vì thế mà được lờ đi. Nếu có tiền, có thể mua đủ thứ, bao nhiêu cũng được, trừ mỗi bánh mì là món được phân phối tương đối nghiêm chính. Cách đây mấy tháng, khi công nhân còn kiểm soát hay có vẻ như còn kiểm soát tình hình, không thể nào xảy ra cảnh cách biệt giàu nghèo như thế được. Nhưng sẽ là bất công nếu quy tất cả cho sự thay đổi cho chính quyền. Một phần là do cuộc sống an toàn ở Barcelona, nếu thỉnh thoảng không có vài vụ không kích thì chẳng có gì gọi là chiến tranh hết. Ở Madrid tình hình khác hẳn, tất cả những người đã đến đấy đều nói như thế. Mối nguy hiểm treo trên đầu đã buộc mọi người phải có tinh thần đồng đội. Thật là kinh tởm khi thấy một người đàn ông béo tốt nhai chim cút trước mặt mấy đứa trẻ ăn xin, nhưng bạn sẽ khó gặp cảnh tượng đó khi súng đại bác gầm rú xung quanh.
Có lần, một hay hai ngày sau những trận đánh diễn ra trên đường phố, tôi có đi ngang qua một dãy phố sang trọng và nhìn thấy cửa hàng bánh kẹo bày đầy những loại bánh nướng và kẹo sang trọng với giá cao đến chóng mặt. Bạn có thể thấy những cửa hàng như thế trên phố Bond Street ở London hay Rue de la Paix ở Paris. Tôi nhớ mình đã phát hoảng và ngạc nhiên khi nghĩ rằng người ta có thể dùng tiền để mua những món hàng như thế ở cái đất nước bị chiến tranh tàn phá và nghèo đói này. Nhưng xin Chúa tha tội cho tôi vì đã làm ra vẻ cao đạo như thế. Sau mấy tháng thiếu thốn, tôi cảm thấy thèm đủ thứ món ngon, thèm rượu vang, thèm cốctai, thèm thuốc lá Mỹ và nhiều thứ khác nữa; phải công nhận là tôi đã chẳng từ bất cứ món hàng xa xỉ nào, miễn là có đủ tiền để mua. Trong tuần đầu tiên, trước khi diễn ra những trận đánh trên đường phố, tôi đã làm liền một lúc mấy việc liên quan với nhau. Thứ nhất, như đã nói, tôi lao vào hưởng thụ để bù cho những ngày kham khổ. Thứ hai, vì ăn nhiều, uống lắm mà tôi cảm thấy hơi mệt suốt cả tuần liền. Tôi cảm thấy khó chịu, thế là leo lên giường nằm suốt nửa ngày, vừa dậy đã lại chén một bữa ra trò và lại cảm thấy mệt. Cũng thời gian đó tôi đã bí mật đàm phán để mua một khẩu súng lục. Tôi rất cần một khẩu súng lục, khi đánh giáp lá cà súng lục hiệu quả hơn súng trường, nhưng khó kiếm lắm. Chính phủ chỉ phát súng lục cho cảnh sát và sĩ quan Quân đội Nhân dân, không phát cho dân quân. Phải tự mua, dĩ nhiên là bất hợp pháp, từ những kho hàng bí mật của bọn vô chính phủ. Rất nhiều rắc rối và phiền toái, nhưng cuối cùng, một anh bạn trong đội quân vô chính phủ cũng tìm cách mua được cho tôi khẩu súng lục tự động 26 li nhỏ tí, chẳng có mấy giá trị, chỉ có khả năng sát thương trong vòng chưa đến năm mét 4, nhưng có còn hơn không. Ngoài ra, tôi còn chuẩn bị rút khỏi lực lượng dân quân của P.O.U.M. và chuyển sang đơn vị khác với mục đích là được điều đến mặt trận Madrid.
Trước đây tôi từng nói với mọi người rằng sẽ đi khỏi lực lượng P.O.U.M. Nếu chỉ theo sở thích cá nhân thì tôi thích gia nhập đội quân vô chính phủ hơn. Khi đã là thành viên C.N.T. thì có nhiều khả năng là sẽ được gia nhập lực lượng dân quân F.A.I., nhưng có người bảo với tôi rằng F.A.I. muốn đưa tôi đến mặt trận Teruel chứ không phải Madrid. Nếu tôi muốn đến mặt trận Madrid thì tôi phải ra nhập Binh đoàn Quốc tế, mà như thế lại cần có lời giới thiệu của một đảng viên Cộng sản. Tôi tìm được một người bạn là đảng viên, đang công tác trong lực lượng y tế Tây Ban Nha và kể cho anh ta nghe trường hợp của mình. Anh ta có vẻ như rất muốn tuyển mộ tôi và bảo tôi nếu có thể thì thuyết phục thêm vài người Anh nữa trong lực lượng I.L.P. cùng đi với tôi. Nếu sức khỏe của tôi khá hơn thì tôi đã đồng ý ngay lúc ấy rồi. Bây giờ thật khó mà nói nếu tôi đi thì sẽ như thế nào. Có nhiều khả năng là tôi đã được đưa tới Albacete trước khi xảy ra những trận đánh trên đường phố ở Barcelona. Trong trường hợp đó, vì không thấy những trận đánh ở cự li gần, có thể tôi đã chấp nhận luận điệu tuyên truyền của chính phủ. Mặt khác, nếu tôi chịu sự chỉ huy của quân cộng sản trong thời gian diễn ra trận chiến ở Barcelona mà thâm tâm vẫn trung thành với đồng đội trong lực lượng P.O.U.M., thì hoàn cảnh của tôi thật là tiến thoái lưỡng nan. Nhưng tôi còn một tuần phép nữa, tôi rất muốn củng cố lại sức khỏe trước khi lên đường ra mặt trận. Ngoài ra — những chuyện vặt vãnh như thế lại thường quyết định số phận người ta — tôi phải đợi người thợ giày khâu xong đôi ủng mới. (Quân đội Tây Ban Nha không làm được những đôi giày to như của tôi). Tôi bảo người bạn đảng viên là sẽ quyết định sau. Còn bây giờ tôi muốn nghỉ đã. Thậm chí tôi còn nghĩ hay là chúng tôi, tức là tôi và bà xã đi tắm biển vài ngày. Thật là một ý tưởng hay! Nhưng tình hình chính trị cho thấy đấy là những việc không thể làm được vào lúc này.
Vì bên dưới vẻ ngoài của một thành phố ở hậu phương, bên dưới cảnh xa hoa và nghèo túng đang gia tăng của nó, bên dưới cảnh hào nhoáng của các đường phố với những quán bán hoa, những lá cờ đầy màu sắc, những biểu ngữ tuyên truyền và đám đông ồn ào của nó, ẩn chứa một cảm giác kinh hoàng và không thể nào lầm lẫn được về lòng hận thù và cuộc đấu tranh chính trị đang diễn ra. Dân chúng, dù thuộc trường phái nào, cũng đều tiên đoán: “Rắc rối đến nơi rồi”. Nguy cơ cũng đơn giản và dễ hiểu. Đấy là sự đối đầu giữa những người muốn đưa cách mạng tiến lên và những người muốn trì hoãn hoặc ngăn chặn – rút cục lại là sự đối đầu giữa những người vô chính phủ và những người cộng sản. Toàn bộ quyền lực chính trị ở Catalonia nằm trong tay các đơn vị P.S.U.C. và đồng minh của họ là lực lượng của phái Tự do. Nhưng còn lực lượng C.N.T. nữa, không biết là mạnh đến mức nào, trang bị kém hơn và mục tiêu cũng không rõ rệt bằng đối thủ, song lại đông và nắm giữ được những ngành công nghiệp then chốt. Trong tình hình phân bố lực lượng như thế, rắc rối là không thể tránh được. Chính quyền Catalonia, do P.S.U.C. kiểm soát, cho rằng muốn bảo vệ được địa vị của mình thì việc đầu tiên là phải tước vũ khí đang nằm trong tay công nhân C.N.T. Như tôi đã nói trước đây, giải tán các đơn vị dân quân là để nhằm mục đích đó. Đồng thời, người ta tiến hành khôi phục lại và tăng cường cho các lực lượng cảnh sát và bảo vệ vũ trang, có từ trước chiến tranh. Không có gì khó hiểu cả. Lực lượng bảo vệ vũ trang, tương tự như hiến binh ở các nước khác, trong gần một trăm năm qua vẫn làm nhiệm vụ vệ sỹ cho những người giàu có. Đồng thời, lại có lệnh thu hồi hết vũ khí do cá nhân nắm giữ. Lệnh đó đương nhiên là không được thực hiện, rõ ràng là chỉ có dùng vũ lực thì mới có thể tước được vũ khí của quân vô chính phủ. Suốt thời gian đó lại có tin đồn, thường là mơ hồ và mâu thuẫn vì báo chí bị kiểm duyệt, về những vụ đụng độ nhỏ xảy ra trên khắp vùng Catalonia. Ở một vài nơi cảnh sát vũ trang đã tấn công các vị trí của quân vô chính phủ. Ở Puigcerda, trên biên giới với Pháp, một đơn vị cảnh sát vũ trang được lệnh chiếm trụ sở Hải quan do quân vô chính phủ giữ. Antonio Martin, một người vô chính phủ nổi tiếng bị giết chết trong trận này. Những sự cố tương tự như thế từng xảy ra ở Figueras và theo tôi biết thì ở cả Tarragona nữa. Một loạt những cuộc bãi công không chính thức cũng đã xảy ra ở khu lao động ngoại ô. Có thời thành viên của C.N.T. và U.G.T. còn giết lẫn nhau. Đôi khi, sau những vụ giết chóc là những đám tang có tính khiêu khích với rất nhiều người tham gia, rõ ràng là có ý kích động hận thù chính trị. Một thời gian ngắn trước đây, có một thành viên C.N.T. bị hạ sát, và C.N.T. đã tổ chức một đám tang với hàng trăm ngàn người tham gia. Cuối tháng tư, ngay sau khi tôi tới Barcelona thì ông Roldan, một nhân vật xuất chúng của U.G.T. bị người của C.N.T. giết. Chính phủ hạ lệnh tất cả các cửa hàng đều phải đóng cửa và tổ chức một đám tang vô cùng lớn, chủ yếu là các đơn vị Quân đội Nhân dân tham gia. Đoàn đưa tang kéo dài đến hai tiếng đồng hồ. Tôi đứng trong cửa sổ khách sạn nhìn theo đoàn đưa tang mà lòng lạnh băng. Rõ ràng, đám tang chỉ là cách phô trương lực lượng, chỉ cần tiến thêm một bước ngắn nữa là sẽ có cảnh đầu rơi máu chảy. Ngay đêm đó vợ chồng tôi đã bị đánh thức bởi một tiếng nổ trên quảng trường de Cataluña, cách khách sạn của chúng tôi từ một đến hai trăm mét 5. Hôm sau chúng tôi nghe nói rằng một thành viên C.N.T. đã bị hạ sát. Thủ phạm được cho là người của U.G.T. Rất có thể là có bàn tay của những tên khiêu khích trong những vụ giết chóc này. Có thể thấy thái độ của báo chí tư sản ngoại quốc đối với mối thâm thù giữa cộng sản và vô chính phủ: họ nói rất nhiều về cái chết của Roland, nhưng vụ trả đũa sau đó thì bị ỉm đi.
Ngày 1 tháng 5 đang tới gần và người ta nói tới một cuộc biểu tình cực lớn, cả C.N.T. và U.G.T. sẽ cùng tham gia. Những người lãnh đạo của C.N.T., có thái độ ôn hòa hơn nhiều thành viên của họ, từ lâu đã tìm cách hòa giải với U.G.T.; mục tiêu của họ là hợp nhất hai tổ chức công đoàn thành một liên minh cực lớn. Ý tưởng là C.N.T. và U.G.T. sẽ cùng diễu hành và thể hiện tình đoàn kết của họ. Nhưng cuộc diễu hành đã bị huỷ bỏ vào phút chót. Rõ ràng là cuộc diễu hành sẽ dẫn tới bạo động. Kết quả là không có tổ chức kỉ niệm ngày 1 tháng 5. Thật là kì quặc. Barcelona, được gọi là thành phố cách mạng, có thể là thành phố duy nhất trong vùng phi-phát xít ở châu Âu không tổ chức kỉ niệm ngày này. Nhưng tôi công nhận là đã thở phào nhẹ nhõm. Theo kế hoạch thì người của I.L.P. sẽ cùng diễu hành với các đơn vị của P.O.U.M. và mọi người đều cho là sẽ có rắc rối. Tôi chẳng muốn dính líu vào những vụ đánh nhau vô nghĩa trên đường phố một tí nào. Bước đi trên đường phố, dưới những lá cờ đỏ với những câu khẩu hiệu làm chấn động lòng người để rồi bị hạ sát bởi một phát súng tiểu liên do một người hoàn toàn xa lạ bắn ra từ cửa sổ ngôi nhà bên cạnh – không, tôi nghĩ rằng cái chết của mình phải hữu ích hơn.
Chú thích
1.Nguyên văn 4000 feet - ND.
2.Hàng trăm yards (một yard dài 0,9144m) - ND.
3.Một số người nói rằng các đội tuần tra công nhân đã cho đóng cửa 75% nhà chứa trong thành phố.
4.Nguyên văn 5 yards – ND.
5.Nguyên văn một đến hai trăm yards – ND.
Catalonia-Tình Yêu Của Tôi Catalonia-Tình Yêu Của Tôi - George Orwell Catalonia-Tình Yêu Của Tôi