Cái Trống Thiếc epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Khán Đài
hính trong khi hát vỡ hết kính cửa sổ trong sảnh Nhà Hát thành phố, tôi đã tìm kiếm và tìm thấy cuộc tiếp xúc đầu tiên của mình với nghệ thuật sân khấu. Mặc dù bị phân tán bởi sự săn đón của Markus, mẹ tôi hẳn đã nhận thấy mối liên hệ trực tiếp giữa tôi với nhà hát, bởi vì khi mùa Giáng sinh đến, mẹ đã mua bốn vé xem hát: cho chính mẹ, cho Stephan và Marga Bronski và cho Oskar, và ngày chủ nhật cuối cùng của mùa Vọng, mẹ đưa chúng tôi đi xem một vở mừng Giáng sinh, cỗ đèn chùm bên trên dàn nhạc phô hết vẻ huy hoàng và tôi lấy làm mừng là tiếng hát của tôi đã không đập tan nó.
Ngay từ thời kỳ đó, đã có quá nhiều trẻ con. Ở những dãy ghế hạng ban- công, trẻ con đông hơn các bà mẹ, còn ở khoang cạnh dàn nhạc, hạng cao cấp dành cho những người giàu có vốn cẩn trọng hơn trong việc sinh sản, tỷ lệ ấy gần như cân bằng. Tại sao trẻ con lại không thể ngồi yên nhỉ? Ngồi giữa tôi và cu Stephan tương đối chỉnh chu, Marga tụt khỏi ghế, mặt ghế trống tự động bật lên, nó định trèo trở lại nhưng thấy đánh đu ở lan can thú hơn, loay hoay thế nào bị kẹp giữa mặt ghế gập và lưng ghế, bắt đầu la ầm lên tuy chỉ một thoáng và không to hơn lũ tiểu yêu xung quanh vì mẹ tôi đã khôn ngoan nhét đầy kẹo vào cái mồm đang ngoác ra của nó. Miệng mút kẹo và mệt nhoài vì đánh vật với cái ghế, buổi biểu diễn vừa bắt đầu được một lúc thì Marga quay ra ngủ, nhưng cứ hết một hồi lại phải đánh thức nó dậy để vỗ tay, điều mà nó làm hết sức nhiệt tình.
Hiển nhiên, vở diễn, Tôm Tí Hon, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với tôi và chinh phục tôi ngay từ đầu. Đạo diễn rất thông minh: không thấy Tôm Tí Hon đâu cả, chỉ thấy tiếng chú nói và thấy những người lớn chạy như đèn cù đuổi theo chú. Chú vô hình nhưng rất năng nổ. Này đây, chú ngồi trong tai ngựa, để cha bán cho hai y du thủ du thực được khá tiền. Chú hiên ngang đi dạo trên vành mũ của một trong hai y đó. Sau đó, chú chui vào một hang chuột rồi vào một vỏ ốc sên. Chú nhập bọn với một băng cướp, mai phục với chúng, rơi vào một đống rơm, bị một con bò nuốt cùng với một ngoạm rơm vào dạ dày. Nhưng con bò bị giết vì can tội nói bằng giọng Tôm Tí Hon. Tuy nhiên, dạ dày bò, trong đó có Tôm, bị vứt ra một đống rác và bị một con sói nuốt chửng. Tôm khéo léo dụ sói đến cướp nhà kho của cha chú và đúng lúc sói bắt đầu dở trò thì chú la rầm lên. Đoạn kết thì giống như trong truyện cổ tích: cha Tôm giết chết con sói ác, mẹ lấy kéo rạch bụng sói và Tôm Tí Hon nhảy ra, có nghĩa là khán giả nghe thấy tiếng chú reo lên: "Ôi, cha ơi, con đã ở trong một hang chuột, trong dạ dày một chị bò cái, trong bụng một con sói và bây giờ thì con sẽ ở lại nhà với cha!"
Đoạn kết làm tôi cảm động và khi tôi ngước nhìn mẹ, tôi thấy mẹ lấy mù-soa che mũi; giống như tôi, mẹ đã nhập thân vào hành động trên sân khấu. Mẹ là người dễ xúc động và trong mấy tuần sau, nhất là phần còn lại của mùa Giáng sinh, mẹ luôn ghì chặt tôi vào lòng, hôn hít và - lúc thì với giọng cười cợt, khi thì với vẻ ưu tư - gọi tôi là Tôm Tí Hon. Hoặc: Tôm Tí Hon bé xíu của mẹ. Hoặc: Tôm Tí Hon tội nghiệp, tội nghiệp của mẹ.
Mãi đến mùa hè 1933, tôi mới có dịp trở lại nhà hát. Câu chuyện đâm dở do một sự hiểu lầm về phía tôi, nhưng nó để lại một kỷ niệm sâu sắc trong tôi. Trong tai tôi đến giờ, vẫn còn vang lên những đợt sóng âm thanh dập dồn như sấm. Không, tôi không nói quá đâu, toàn bộ câu chuyện xảy ra ở Nhà Hát Opêra trong-rừng ở Zoppot, nơi mà mùa hè năm nào, thiên nhiên cũng có dịp hòa đồng với suối nhạc Wagner dưới trời đêm.
Thực ra, chỉ có mình mẹ là thích Ôpêra (Opéra)[1]. Matzerath thì thậm chí Ôpêret (Operette)[2] cũng không thưởng thức nổi. Jan theo đuôi mẹ, cũng rất mê các aria, tuy nhiên, trái với cái bề ngoài ra dáng nhạc sĩ, bác hoàn toàn điếc nhạc. Nhưng bác quen anh em nhà Formella, vốn trước là bạn đồng môn ở trường trung học Karthaus, hiện ở Zoppot và trông nom các đèn pha chiếu sáng con đường ven hồ và đài phun nước bên ngoài nhà Casino, đồng thời phụ trách luôn việc tạo hiệu quả ánh sáng cho Nhà Hát Opéra-trong- rừng.
Đường đến Zoppot chạy qua Oliva. Một buổi sáng
trong Công viên Lâu đài, cá vàng và thiên nga, mẹ và bác Jan Bronski trong Động Thì Thầm trứ danh. Sau đó, lại cá vàng và thiên nga nữa, rỗ ràng là ăn cánh với một tay phó nháy.Trong khi chụp ảnh, Matzerath kiệu tôi lên vai, tôi đặt cái trống lên đầu ông, sau này dán vào album hễ giở ra xem lại phì cười. Thế rồi tạm biệt cá vàng, tạm biệt thiên nga, tạm biệt Động Thì Thầm. Không phải chỉ trong Công viên Lâu đài mới là chủ nhật, mà cả ở bên ngoài cổng, trên chuyến xe điện đi về Glettkau, cả trong nhà Casino của Glettkau, nơi chúng tôi ăn trưa trong khi biển Baltic, như kẻ vô công rỗi nghề chẳng có việc gì làm, cứ mời chào mọi người xuống tắm; đâu đâu cũng là chủ nhật. Khi chúng tôi theo con đường dạo mát dọc bãi biển tới gần Zoppot, chủ nhật ra đón chúng tôi và Matzerath phải trả tiền vào cửa cho cả bọn.
Chúng tôi tắm ở Bãi Nam vì nghe nói đỡ đông hơn trên Bãi Bắc. Đàn ông thay đồ trong những phòng nam giới. Mẹ đưa tôi vào một phòng thay đồ nữ, ở đó mẹ (vốn đã bắt đầu sồ sề) lồng khối thịt của mình vào một bộ đồ tắm màu vàng rơm. Tôi thì phải ở truồng. Để tránh hàng nghìn con mắt trên bãi tắm, tôi lấy cái trống che của quý và sau đó nằm sấp trên cát. Nước biển Baltic mời gọi nhưng tôi không muốn xuống tắm mà ưng bắt chước con đà điểu giấu chim vào trong cát. Cả Matzerath và Jan Bronski nom đều lố bịch đến mức bi hài với cái bụng bắt đầu phệ, đến nỗi tôi thấy nhẹ cả người khi chiều đến, chúng tôi trở về phòng tắm, thoa dầu lên những chỗ rám nắng và mặc lại những bộ đồ chủ nhật của mình.
Cà-phê và bánh ngọt ở tiệm " Sao Biển". Mẹ muốn gọi một phần thứ ba ở cái bánh năm tầng. Matzeratn phản đối, Jan thì vừa đồng ý vừa phản đối. Mẹ gọi phần bánh của mình, cho Matzerath cắn một miếng, bón cho Jan một thìa và sau khi bồi dưỡng cho hai chàng, tọng nốt chỗ bánh kem bơ ngọt lừ còn lại vào dạ dày, từng thìa một.
Ôi bánh kem bơ thần thánh, ôi buổi chiều chủ nhật từ quang đến hơi vẩn mây [3], li ti những hạt đường kính! Nhưng nhà quý tộc Ba Lan đeo kính râm màu xanh lơ ngồi trước những ly nước ngọt mà họ không hề đụng tới. Các bà các cô mân mê những móng tay nhuộm tím và gió biển phả đến chúng tôi mùi băng phiến của những áo choàng lông thú mà họ thuê trọn mùa. Matzerath cho việc thuê áo như vậy là vớ vẩn. Mẹ cũng muốn thuê một cái, dù chỉ cho một buổi chiều. Jan thì quả quyết rằng giới quý tộc Ba Lan thật đáng ngán quá xá: mặc dầu nợ nần ngày càng chồng chất, họ đã thôi không nói tiếng Pháp mà chuyển sang trò chuyện bằng thứ tiếng Ba Lan thông tục nhất.
Chúng tôi không thể ngồi mãi ở tiệm "Sao Biển" mà ngắm những cặp kính râm màu xanh và những móng tay màu tím của giới quý tộc Ba Lan. Với cái bụng ních đầy bánh ngọt, mẹ cần vận động. Chúng tôi quay lại Công viên Casino, ở đó tôi phải cưỡi một con lừa và làm mẫu cho một "pô" ảnh nữa. Cá vàng và thiên nga - thiên nhiên còn nghĩ được ra cái gì khác nữa! - rồi lại cá vàng và thiên nga, phải chăng để cho nước ngọt còn có chỗ đắc dụng?
Giữa những cây thủy tùng được cắt tĩa (chúng không rì rào như người ta thường mô tả), chúng tôi gặp anh em nhà Formella, phụ trách ánh sáng của khu vực Casino và Nhà Hát Opéra-trong-rừng. Thoạt tiên, Formella-em tuôn ra những chuyện cười đã gặp trong quá trình hoạt động chuyên nghiệp thiết kế ánh sáng. Formella-anh đã thuộc lòng tất cả những chuyện đó, nhưng vi tình anh em, vẫn luôn cười đúng chỗ, phô ra bốn cái răng vàng (hơn người em một cái). Chúng tôi đến quán của Springer làm tí rượu gừng, tuy mẹ thích uống Kurfurst hơn. Rồi, vẫn không ngừng mở kho chuyện cười vô tận, Formella-em hào phóng mời chúng tôi ăn tối ở tiệm Papagei. Tại đây, chúng tôi gặp Tuschel, người sở hữu một nửa vùng Zoppot, một phần Nhà Hát Opéra-trong-rừng và năm rạp chiếu bóng, đồng thời là sếp của anh em Formella. ông rất hân hạnh được làm quen với chúng tôi cũng như chúng tôi rất hân hạnh được làm quen với ông. Tuschel không ngừng xoay xoay một chiếc nhẫn ở ngón tay, nhưng nó không phải là nhẫn ước hoặc nhẫn thần vì chẳng thấy có gì xảy ra, trừ việc Tuschel cũng xoay ra kể chuyện tiếu lâm, vẫn những chuyện chúng tôi đã nghe từ miệng Formella chỉ khác cái là rắc rối hơn vì ông ta ít răng vàng hơn. Mặc dầu thế, cả bàn đều cười rộ vì lẽ chính Tuschel kể chứ không phải ai khác. Chỉ có mình tôi là vẫn nghiêm trang, cố làm ông ta cụt hứng bằng nét mặt vô cảm của mình, ôi, những nhịp cười ran ran (tuy là giả tạo), như những ô kính kiểu đít chai ở vách ngăn che chỗ chúng tôi ngồi ăn, chúng mới khéo gây cảm giác sung mãn làm sao! Tuschel cảm kích ra mặt, kể thêm vài chuyện vui nữa, gọi Goldwasser, thứ rượu mạnh đặc sản của Danzig, rồi lâng lâng trong hơi rượu và tiếng cười, đột nhiên xoay nhẫn theo chiều ngược lại. Lần này thì có chuyện xảy ra thật. Tuschel mời tất cả chúng tôi đến Nhà Hát Opéra- trong-rừng; tiếc rằng ông không cùng dự được, ông có cuộc hẹn, đại loại như thế, nhưng ông xin chúng tôi vui lòng nhận chỗ, chỗ dành riêng, ghế đệm bọc da hạng lô, cháu bé có thể ngủ trong đó nếu cháu mệt; và với một chiếc bút chì máy bằng bạc, ông viết mấy chữ theo tự dạng Tuschel trên một tấm danh thiếp Tuschel; cái này sẽ mở tất cả các cửa - và quả đúng như thế.
Những gì xảy ra tiếp theo có thể kể gọn trong vài câu: một buổi tối mùa hè ngào ngạt hương thơm, Nhà Hát Opéra-trong-rừng bán hết vé, đầy người nước ngoài. Trước cả khi mở màn, muỗi đã kéo đến. Và chỉ tới khi con muỗi cuối cùng - nó bao giờ cũng đến muộn một chút, ra cái điều lịch sự mà - báo hiệu sự có mặt của mình bằng một tiếng vo ve khát máu, cuộc biểu diễn mới thực sự bắt đầu. Đó là vở Người Hà Lan Bay. Một con tàu, nom có vẻ trộm vặt hơn là cướp biển, trôi vào từ khu rừng đã cho Nhà Hát Opéra-trong-rừng cái tên của nó. Các thuỷ thủ bắt đầu hát với cây rừng. Tôi ngủ thiếp đi trên ghế nệm bọc da của Tuschel và khi tôi thức dậy, các thuỷ thủ vẫn hát, hay có thể đó là những thuỷ thủ khác: "Hoa tiêu, hãy canh chừng… " nhưng Oskar lại quay ra ngủ một lần nữa, trong lúc thiu thiu còn sung sướng nhận thấy mẹ để hết tâm trí vào Người Hà Lan, cùng lướt trên sóng cả, ngực phập phồng xúc động theo, đúng tinh thần Wagner chân chính. Mẹ không nhận thấy Matzerath và anh Jan của mẹ đã lấy tay che mặt và đang xẻ những khúc gỗ các cỡ khác nhau và cả tôi nữa cũng đang tiếp tục truồi qua kẽ ngón tay Wagner. Rồi bỗng nhiên Oskar tỉnh ngủ hẳn vì có một người đàn bà đứng một mình giữa rừng, la thét. Nàng có mái tóc vàng và nàng la thét bởi vì một ngọn đèn chiếu (chắc là do Formella điều khiển) làm nàng lóa mắt. " Không!" nàng kêu. "Khốn khổ thân tôi!!" và: "Ai làm tôi đau đớn thế này?" Nhưng Formella, người đang làm nàng đau đớn, vẫn không chịu xoay đèn chiếu sang hướng khác. Tiếng kêu của người đàn bà cô đơn - về sau, mẹ gọi nàng là một ca sĩ độc tấu - nhỏ dần thành một tiếng thổn thức nghẹn ngào, để rồi lại cất lên trong một chuỗi nốt cao vút tựa những tia óng ánh bạc vọt lên từ một đài phun nước, khiến lá cây cũng phải sớm tàn úa nhưng lại chẳng làm gì được luồng đèn chiếu của Formella. Một giọng xuất sắc nhưng vô tác dụng. Đã đến lúc Oskar phải can thiệp, định vị cái nguồn sáng ác độc kia và, tiêu diệt nó chỉ bằng một tiếng kêu tầm xa duy nhất, thậm chi còn trầm hơn cả tiếng vo ve dai dẳng của đàn muỗi.
Thực tình tôi đâu có định gây ra một cú chập mạch, tóe lửa, tắt điện tối om và một vụ cháy rừng tuy được dập tắt nhanh chóng nhưng đã gây kinh hoàng như thế. Tôi chẳng được lợi gì: chẳng những tôi bị lạc cả mẹ lẫn hai đấng trượng phu giật mình tỉnh giấc trong cơn hỗn loạn, mà còn mất luôn cả cái trống nữa.
Cuộc gặp gỡ lần thứ ba này của tôi với sân khấu đã khiến mẹ tôi nẩy ra ý nghĩ cho tôi vào rạp xiếc (sau tôi hôm ở Nhà Hát Opéra-trong rừng, mẹ đã bắt đầu "thuần hoá" được Wagner qua những bản cải biên dễ trên dương cầm). Điều này được thực thì vào mùa xuân năm 1934.
Oskar không có ý định làm nhàm tai quý vị bằng những chuyện về các tài tử đu bay lao vút trong không trung như những vệt ánh bạc, về những con hổ dữ tợn hoặc về sự khéo léo khôn tả của những chú hải cẩu. Không có ai lộn cổ từ trên vòm rạp. Không có nhà dạy thú nào bị cắn đứt bộ phận cơ thể nào. Và lũ hải cẩu chỉ làm đúng những gì chúng được dạy: tung hứng vớì bóng và được thưởng cá trích tươi mà chúng đớp ngay trên không. Tôi mắc nợ rạp xiếc nhiều giờ hạnh phúc và một sự kiện tối hệ trọng trong đời tôi là cuộc gặp gỡ với Bebra, nghệ sĩ hề nhạc chơi bản Jimmy the Tiger trên những cái chai và chỉ huy một nhóm người tí hon.
Chúng tôi gặp nhau ở khu chuồng thú. Mẹ và hai chàng kỵ sĩ của mẹ đang để cho lũ khỉ chơi trò khỉ với họ. Hedwig Bronski - trời đi vắng, bữa ấy lại nhập bọn - đang chỉ cho hai đứa con xem đàn ngựa con. Sau khi một con sư tử ngáp với tôi, một con cú thách tôi đọ mắt với nó và tôi đã chớp mắt trước. Oskar tiu nghỉu lỉnh đi, tai nóng bừng, lòng tự ái bị tổn thương sâu sắc; nó lủi vào giữa hai cái nhà lăn, cái vàng cái trắng: ở đây, ngoài mấy chị dê lùn buộc ở cọc, chẳng có con vật nào khác.
Ông mặc quần có dải đeo, đi dép lê, tay xách một xô nước. Mắt chúng tôi giao nhau khi ông đi qua và ngay lập tức, chúng tôi nhận ra nhau, ông đặt xô nước xuống, nghiêng cái đầu to sang một bên và tiến về phía tôi. Tôi đoán ông phải cao hơn tôi đến mười phân.
"Chà, nhìn thử coi!" Có một nốt thèm muốn trong cái giọng the thé của ông. " Ngày nay, bọn trẻ lên ba đã dám quyết định thôi lớn ". Thấy tôi không trả lời, ông nói tiếp: "Tên ta là Bebra, hâu duệ trực hệ của Hoàng tử Eugene. Cha của người là vua LouisXIV, chứ không phải là một là người vùng Savoie như người ta nói sằng." Tôi vẫn im, nhưng ông bất cần, cứ liến láu: "Đến kỳ sinh nhật thứ mười, ta mới quyết định thôi lớn. Muộn còn hơn không."
Thấy ông thành thật như thế, tôi cũng tự giới thiệu, song không ba hoa gì về tộc phả của mình. Tôi chỉ là Oskar, thế thôi.
"Tốt, Oskar thân mến, chú mày chắc phải mười bốn, mười lăm rồi. Có khi mười sáu cũng nên. Sao, mới chín tuổi rưỡi thôi ư? Chú nói thật đấy chứ?"
Đến lượt tôi đoán tuổi của ông. Tôi cố tình đoán thật thấp.
"Anh bạn trẻ thật khéo nịnh. Ba mươi lăm là chuyện ngày xưa. Tháng tám này, ta sẽ mừng sinh nhật lần thứ năm mươi ba. Ta vào cỡ tuổi ông nội chú đấy."
Oskar khen những miếng nhào lộn kiểu hề xiếc của ông, ca ngợi tài năng âm nhạc của ông. Điều đó khơi dậy tham vọng trong tôi và tôi bèn biểu diễn một ngón nhỏ của riêng mình. Ba bóng đèn là mục tiêu đầu tiên. "Bravo, bravissimo [4]!" Me-xừ Bebra reo lên, và muốn nhận Oskar vào gánh xiếc ngay tắp lự.
Cả cho đến nay, thỉnh thoảng tôi vẫn còn tiếc là mình đã từ chối. Tôi thoái thác nói: "ông Bebra, ông biết đấy, em thích làm khán giả hơn. Em bí mật luyện ngón nghề của mình, tránh xa mọi tiếng vỗ tay hoan hô. Nhưng em thích vỗ tay hoan hô những tiết mục của ông." Me-xừ Bebrra giơ một ngón tay trỏ nhăn nheo lên, răn bảo tôi: "Oskar thân mến ạ, hãy tin lời một người đồng nghiệp từng trải. Loại chúng ta không có chỗ trong đám khán giả đâu. Chúng ta phải biểu diễn, chúng ta phải điều khiển cuộc chơi. Nếu không, những kẻ khác sẽ điều khiển chúng ta. Và lúc đó, họ sẽ không nhẹ tay đâu."
Mắt ông trở nên già như những ngọn đồi và tiếng thì thầm của ông như trườn vào trong tai tôi: "Đấy, họ đang đến đấy. Họ sẽ tiếp thu cánh đồng cỏ nơi chúng ta dựng rạp. Họ sẽ tổ chức những cuộc rước đuốc. Họ sẽ dựng những khán đài, đứng đầy trên đó và từ trên những khán đài đó, họ sẽ rao giảng thảm họa của chúng ta. Hãy cẩn thận, bạn trẻ ạ. Hãy giữ sao để luôn luôn ngồi trên khán đài, chứ đừng bao giờ đứng trước khán đài."
Nghe thấy có ai gọi tên tôi, Me-xừ Bebrra nhấc cái xô lên: "Họ đang tìm chú mày đấy, bạn trẻ ạ. Chúng mình sẽ gặp lại nhau thôi. Chúng mình quá nhỏ bé nên chẳng thể lạc nhau đâu. Bebra này luôn luôn nói: những người nhỏ bé như chúng mình bao giờ cũng có thể kiếm được một chỗ ngay cả trên những khán đài đông đúc nhất. Phải, Bebra hậu duệ trực hệ của Hoàng tử Eugene nói thế đấy!"
Miệng gọi Oskar, mẹ bước ra từ sau một cái nhà lăn vừa kịp để nhìn thấy Me-xừ Bebra hôn lên trán tôi. Rồi xách xô nước lên, ngúng nguẩy đôi vai, ông đi về phía nhà lăn của mình.
" Các người thử tưởng tượng xem," mẹ giận dử nói với Matzerath và vợ chồng Bronski, " Nó đi đánh đu với bọn lùn. Và một thằng quỷ lùn lại hôn lên trán nó. Hy vọng là điều đó không có ý nghĩa gì."
Với tôi thì cái hôn trên trán ấy mang rất nhiều ý nghĩa. Những biến cố chính trị xảy ra trong những năm sau đó xác nhận những lời tiên tri của ông: thời kỳ của những cuộc rước đuốc và diễu 'hành qua khán đài đã bắt đầu.
Tôi nghe theo lời dặn dò của Me-xừ Bebra, còn mẹ tôi cũng phần nào làm theo lời cảnh báo mà Sigismund Markus đã nói với mẹ ở ngõ Binh Công Xưởng và ngày thứ năm nào cũng tiếp tục nhắc lại. Mặc dầu mẹ không đi Luân Đôn với Markus - mà có đi thì tôi cũng không phản đối - mẹ đã ở lại với Matzerath và chỉ gặp Bronski có mức độ thôi, nghĩa là ở phố Thợ mộc do Jan chi và trong những chầu xì-cạt tại nhà ngày càng tốn kém hơn cho Jan vì bao giờ bác cũng thua. Theo lời khuyên của Markus, mẹ đã đặt cược vào Matzerath tuy không tăng mức lên gấp đôi và năm 1934, Matzerath đã vào Đảng. Nhưng tuy gia nhập các lực lượng trật tự tương đối sớm, ông vẫn không bao giờ leo cao hơn cái chức đội trưởng. Cũng giống như mọi sự kiện bất thường khác, lần đề bạt này là một dịp để làm một chầu xì-cạt trong gia đình. Chính bữa đó, khi nhắc lại những nhận xét mà bấy lâu ông vẫn cảnh báo Jan Bronski về chuyện bác ấy làm việc ở sở Bưu Chính Ba Lan, Matzerath lần đầu tiên đã lên giọng nghiêm nghị pha lần chút lo lắng.
Ngoài chuyện đó ra thì chẳng có thay đổi gì lớn. Bên trên chiếc dương cầm, bức chân dung Beethoven, tặng phẩm của Greff, bị cất khỏi cái đinh và thay vào đó, cũng treo vào cái đinh ấy, là một tay Hitler mặt mũi cũng u ám như thế. Matzerath, vốn chẳng thích loại nhạc trang nghiêm, muốn tống khứ hẳn tay nhạc sĩ điếc ấy đi. Nhưng mẹ tôi yêu những bản xô-nát (sonathe) chậm rãi của Beethoven, mẹ đã tập hai, ba bản trong số đó trên cây dương cầm nhà chúng tôi với nhịp độ còn chậm hơn cả chỉ định, nên mẹ khăng khăng một mực là nếu Beethoven không ngự bên trên đi-văng thì cũng phải trên tủ buýp-phê. Thế là bắt đầu cuộc đối đầu ảm đạm nhất trong mọi cuộc đối đầu: Hitler và bậc thiên tài, mặt đối mặt mắt chọi mắt. Đôi bên chẳng bên nào thích thú với tình thế này.
Từng bước một, Matzerath tích cóp nên bộ đồng phục đảng viên của mình. Nếu tôi nhớ không nhầm thì bắt đầu là cái mũ mà cả vào lúc đẹp trời, ông cũng thích đội thật nghiêm chỉnh, với "quai gió" thít dưới cằm đàng hoàng. Một thời gian, kèm theo mũ, ông mặc sơ-mi trắng, cà-vạt đen hoặc blu-dông da với băng tay đen. Rồi ông mua chiếc sơ-mi nâu đầu tiên và chỉ một tuần sau đó, ông lại muốn mua quần cưỡi ngựa màu rêu và đôi ủng cao. Mẹ phản đối việc mua sắm đó và phải mất mấy tuần nữa, bộ- đồng phục mới hoàn tất.
Mỗi tuần đều có nhiều dịp để diện đồng phục, nhưng Matzerath thấy chỉ cần dự các cuộc biểu tình ngày chủ nhật trên Đồng cỏ tháng Năm cạnh Cung Thể thao là đủ. Nhưng trong những dịp này, ông rất nguyên tắc, không khoan nhượng, ngay cả lúc thời tiết xấu nhất cũng dứt khoát không chịu mang ô khi mặc đồng phục. "Nhiệm vụ là nhiệm vụ, schnaps là schnaps", ông nói. Câu đó thành cơm bữa, chúng tôi nghe đến nhàm tai. Mỗi sáng chủ nhật, sau khi chuẩn bị đồ ăn cho bữa chiều, ông ra khỏi nhà. Điều này đặt tôi vào một tình thế lúng túng vì Jan Bronski nhanh chóng nắm lấy tình thế chính trị mới và, với tư cách là thương dân chính hiệu, lại năng đến thăm mẹ tội nghiệp của tôi bị bỏ mặc trong khi Matzerath đi diễn tập và điều hành.
Liệu tôi có thể làm gì khác ngoài việc lánh đi? Tôi không muốn quấy rầy hoặc nhòm trộm hai người trên đi-văng. Ngay sau khi ông bố vận đồng phục của tôi vừa đi khuất và trước lúc ông thường dân, mà hồi đó tôi đã coi là bố đễ, kịp đến, tôi lắng lặng ra khỏi nhà và vừa dạo trống vừa đi về phía Đồng cỏ tháng Năm.
Quý vị sẽ hỏi tôi: tại sao lại nhất thiết phải là Đồng cỏ tháng Năm? Xin hãy tin tôi: ngày chủ nhật, chẳng có trò vè gì ngoài cảng, đi dạo trong rừng thì tôi không khoái lắm và hồi đó, nội thất Nhà thờ Thánh Tâm chưa hấp dẫn tôi. Kể ra cũng còn có đám hướng đạo sinh của Greff, nhưng thú thật là dù quý vị có gọi tôi là tên cảm tình Đảng, tôi vẫn thích những hoạt động ở Đồng cỏ tháng Năm hơn cái món khiêu dâm ức chế của các cuộc họp bạn hướng đạo sinh.
Bao giờ cũng có một bài diễn văn, hoặc của Greiser [5] hoặc của Löbsack, trưởng ban đào tạo của quận. Greiser không bao giờ gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Y quá ôn hòa và sau này bị thay thế ở cưong vị gauleiter (quận trưởng) bởi một tay người xứ Bavaria cứng rắn hơn tên là Forster [6] Nếu không vì cái lưng gù của Löbsack thì tay người Bavaria kia khó lòng ngoi lên được ở cái hải cảng miền Bắc này của chúng tôi. Công nhận giá trị của Löbsack, coi cái bướu của y như một dấu hiệu của trí thông minh sắc sảo, Đảng cử y làm trưởng ban đào tạo của quận. Y rành, công việc của mình. Trong khi Forster chỉ biết hô "Trở lại Reich"[7] bằng cái giọng Bavaria trọ trẹ, thì Löbsack để tâm đi sâu vào chi tiết. Y nói thạo mọi thổ ngữ của Danzig, kể những chuyện vui về Bollerman và Wullsutzki [8] và biết cách trò chuyện với cánh công nhân bốc dỡ hàng ở cảng Schichau, dân vô sản ở Ohra, đảm trung lưu ở Emmaufl SohidlitZ Bürgerwiesen và Praust. Thật thú vị khi nghe con người nhỏ bé này (bộ đồng phục nâu làm cái bướu của y càng thêm nổi bật) đối dáp với những lời chất vạn yếu ớt của những đảng viên Xã hội hoặc sự hùng hổ của mấy cha Cộng sản say bia.
Löbsack có chất dí dỏm. Chất dí dỏm ấy, y chắt ra từ cái bướu mà y gọi bằng đúng tên của nó; dân chúng bao giờ cũng khoái cái đó. Tôi thà mất cái bướu chứ không đành lòng nhìn Cánh tả lên nắm chính quyền, y khẳng định. Rõ ràng y chẳng dễ gì để mất cái bướu của mình, nó đã cố định ở đó. Vậy là cái bướu thắng và tổ chức của y cũng thắng theo - từ đó có thể rút ra kết luận: một cái bướu là cơ sở lý tưởng cho một ý tưởng.
Khi Greiser, Löbsack hoặc sau này Forster nói, họ đều đứng trên khán đài mà nói. Đó là cái thứ khán đài mà ông Bebra nhỏ con đã ca ngợi. Do vậy, từ lâu tôi đã coi Löbsack, y - gù - đầy tài năng diễn thuyết trên khán đài, như một sứ giả của Bebra, người mặc đồng phục nâu đứng trên khán đài chiến đấu vì sự nghiệp của Bebra và cũng là sự nghiệp của tôi.
Khán đài là cái gì? Bất kể nó được xây dựng cho ai, một cái khán đài phải có sự đối xứng. Và cái khán đài ở Đồng cỏ tháng Năm của chúng tôi rành là đối xứng. Từ đằng sau ra đằng trước, sáu chữ thập ngoặc xếp cạnh nhau, rồi một dãy cờ phướn, rồi đến một hàng ngang lính SS vận quân phục đen, quai mũ nghiêm chỉnh nịt dưới cằm, rồi hai hàng SA tay nắm chặt khoá thắt lưng trong khi hát hoặc trong khi diễn giả nói, rồi mấy hàng ghế cho các đồng chí Đảng mặc đồng phục ngồi; đằng sau bục diễn giả, lại các đồng chí Đảng, các lãnh tụ các hội phụ nữ với vẻ mặt h-i-ề-n m-ẫ-u, các đại diện của Thượng viên, các khách từ Reich, và chánh cẩm hoặc đạl diện của ông ta.
Phía trước của khán đài được làm trẻ lại bởi Đoàn Thanh niên Hitler hay chính xác hơn, bởi các đội kèn đồng của Đội Thiếu niên Hitler và Đoàn Thanh niên Hitler địa phương. Trong một số cuộc biểu tình, một dàn đồng ca hỗn hợp, cũng được bố tri rất đối xứng, hô những khẩu hiệu hoặc hát những bài ca ngợi gió đông "tốt hơn mọi ngọn gió khác để làm tung bay cờ" (xem lời ca).
Bebra, người đã hôn trán tôi, cũng từng nói: " Oskar, đừng bao giờ làm khán giả đứng trước khán đài. Chỗ của những người như chúng ta là ở trên khán đài."
Thông thường, tôi có thể kiếm được một chỗ trong đám các bà thủ lĩnh các hội phụ nữ. Khốn thay, trong các cuộc mít-tinh, các bà không bao giờ ngơi tay vuốt ve tôi vì mục đích tuyên truyền. Tôi không thể len vào giữa đám kèn trống dưới chân khán đài vì chính cái trống của tôi bị các nhạc công nhà binh từ chối. Tôi cũng đã thử tìm cách tiếp xúc với trưởng ban đào tạo Löbsack, nhưng thất bại. Thật đáng buồn, tôi đã nhìn nhầm người.. Y chẳng phải là sứ giả của Bebra như tôi đã kỳ vọng và mặc dầu mang trên lưng cái bướu đầy hứa hẹn, y hoàn toàn không hiểu nổi tầm cỡ thực sự của tôi.
Một ngày chủ nhật, tôi lên khán đài, đến trước mặt y (y đang đứng bên bục diễn giả), giơ tay chào theo kiểu của Đảng, ngước nhìn thắng vào mặt y một lúc, rồi nháy mắt thì thầm: "Bebra là lãnh tụ của chúng ta!" Nhưng chẳng hề có một sự khải thị nào cả. Không, y cũng vỗ vỗ tôi y hệt các bà của các hội phụ nữ Quốc Xã và cuối cùng sai người đưa Oskar xuống khỏi khán đài, vì đã đến giờ y phải đọc đít-cua. Tôi được giao cho hai đại diện của Liên đoàn Thiếu nữ Đức, các mụ này suốt buổi mít-tinh cứ hỏi về cha mẹ tôi hoài.
Bởi vậy chả có gì lạ là vào mùa hè năm 1934, tôi bắt đầu vỡ mộng về Đảng - mà hoàn toàn không phải vì cuộc đảo chính Roehm. Càng ngắm cái khán đài từ phía trước, tôi càng nghi ngờ tính đối xứng của nó mà cái bướu của Löbsack không đủ để giảm thiểu. Dĩ nhiên, sự chỉ trích của Oskar trước hết nhằm vào đám nhạc công đánh trống thổi kèn. Và trong một cuộc "biểu tình vào một ngày chủ nhật oi ả tháng 8 năm 1935, tôi đã đọ sức với ban kèn đồng ngồi dưới chân khán đài.
Matzerath ra khỏi nhà lúc chín giờ. Tôi đã giúp ông đánh bóng đôi ghệt da màu nâu để ông kịp xuất phát đúng giờ. Mới sáng ra mà trời đã nóng không chịu nổi va ngay cả trước lúc ông ra ngoài nắng, chiếc áo sơ-mi đảng viên của ông đã có những vệt mồ hôi sầm sẫm loang dần ở dưới nách. Đúng chín rưỡi, Jan Bronski đến trong bộ đồ mùa hè, mỏng và sáng màu, chân đi giày màu xám nhạt rất nhã, có đột nhiều lỗ, đầu đội mũ rơm. Jan chơi với tôi một lúc, nhưng ngay cả trong khi chơi, mắt bác vẫn không rời mẹ (mẹ đã gội đầu từ đêm qua). Tôi mau chóng nhận ra rằng sự có mặt của mình khiến hai người khó nói chuyện: có một cái gì cứng đơ trong tư thế của mẹ và một vẻ lúng ta lúng túng trong cử chỉ của Jan. Rành là bác cảm thấy gò bó trong chiếc quần mùa hè của mình. Vậy nên tôi tìm đường lỉnh, theo dấu chân của Matzerath, mặc dầu tôi không lấy ông làm mẫu mực. Tôi thận trọng tránh những phố có đông người vận đồng phục đang trên đường đến Đồng cỏ tháng Năm và lần đầu tiên, tiếp cận bãi tập từ phía sân quần vợt bên cạnh Cung Thể thao. Nhờ đi đường vòng như thế, tôi có dịp nhìn bao quát được phía sau khán đài.
Quý vị đã bao giờ thấy một khán đài từ đằng sau chưa? Tôi xin mạo muội gợi ý: tất cả mọi người, nam cũng như nữ, đều nên làm quen với hậu cảnh của một khán đài trước khi được tập hợp để đứng ở đằng trước nó. Tất cả những ai đã từng nhìn kỷ một cái khán đài từ phía sau, sẽ tự khắc miễn dịch với mọi trò phù thuỷ được tiến hành dưới bất kỳ hình thức nào trên các khán đài. Điều này cũng áp dụng với hậu cảnh ban thờ của các giáo đường, nhưng đó lại là chuyện khác sẽ bàn sau.
Oskar, vốn sẵn thiên hướng thích đi sâu triệt để, không chỉ bằng lòng với việc nhìn thấy cái xấu xí trần trụi của giàn giáo. Nhớ lời của ông thày Bebra, nó đi về phía khán đài. Công trình này vốn được xây dựng nhằm phô mặt trước cho thiên hạ chiêm ngưỡng, nhưng lần này, nó tiếp cận mặt sau thô kệch của nó. Ghì chặt cái trống bất ly thân, nó lách mình giữa những cây cột thẳng đứng, va đầu vào một cái xà ngang chòi ra, bị một cái đầu đinh làm xước đầu gối. Nó nghe thấy tiếng ủng của các đồng chí Đảng cồm cộp trên đầu và lát sau, tiếng giày nhẹ nhàng hơn của đại diện các hội phụ nữ. Cuối cùng, nó tới chỗ mà cái nóng tháng tám lên đến độ ngột ngạt nhất. Dưới chân khán đài, về phía trong, nó tìm được một góc kín, từ đó, khuất sau một tấm gỗ dán, nó có thể tha hồ thưởng thức phần âm thanh hay ho của cuộc tập hợp chính trị mà không bị những cờ xí và đồng phục làm vướng mắt.
Và như vậy tôi ngồi thu lu bên dưới bục diễn giả. Bên trái, bên phải và trên đầu tôi là những tay trống trễ của Đội Thiếu niên và những tay trống lớn hơn của Đoàn Thanh niên Hitler, hấp him mắt - tôi chắc thế - dưới ánh nắng chói loà. Và rồi đến đám quần chúng. Tôi ngửi thấy họ qua những kẽ giữa những ván gỗ. Họ đứng đó, chen vai thích cánh trong những bộ đồ chủ nhật. Họ đi xe điện hoặc cuốc bộ đến, một số mang theo cả vợ chưa cưới xem như một bữa chiêu đãi, tất cả những người đó đều muốn có mặt vào lúc người ta đang làm lịch sử, cho dù có phải mất cả buổi sáng.
Không, Oskar tự nhủ, không thể để họ đến uổng công. Nó ghé mắt vào một lỗ hổng ở ván gỗ và thấy một đám nhộn nhạo đang từ Đại lộ Hindenburg tiến lại gần. Họ đang đến! Những hiệu lệnh vang lên trên đầu nó, tay nhạc trưởng vung gậy chỉ huy, các nhạc công đưa những chiếc kèn bóng loáng lên môi và chỉnh lại mỏ kèn. Rồi ban quân nhạc trẻ bắt đầu pòm pem pí pem nghe phát gớm. « Tội nghiệp Brandt chiến sĩ SA, tội nghiệp Quex đoàn viên Thanh niên Hitler [8], các người đã chết vô ích," Oskar chua xót nghĩ thầm.
Như để xác nhận khúc ai điếu của Oskar tưởng niệm những tử sĩ của phong trào, một hồi ca rùng cà rùng dồn dập trên mặt trống da bê trộn vào lổn nhổn với tiếng t’rompet. Phóng mắt nhìn theo lối đi xuyên qua đám đông dẫn tới khán đài, tôi lờ mờ thấy những bộ đồng phục từ đằng xa đang tiến lại. "Hỡi dân chúng", Oskar cất tiếng, "hỡi dân chúng của ta! Giờ thì hãy nghe ta đây!".
Trống tôi đã ở tư thế sẵn sàng. Với phong thái uyển chuyển thiên thần, tôi vung dùi dạo một tiết tấu van-xơ (valse) vui vẻ đầy chất nghệ thuật, gợi lên hình ảnh thành Vienna và sông Danube, càng lúc càng vang to hơn cho đến khi trống cái 1 và trống cái 2 của ban nhạc thiếu niên bị hút vào điệu van-xơ của tôi và cả các trống định âm của bọn lớn hơn cũng bắt vào khúc dạo đầu của tôi với trình độ kỹ thuật không đồng đều. Dĩ nhiên, đây đó vẫn có những đứa ngoan cố, hơn nữa, lại điếc đặc, cứ tiếp tục bùm- bum, bùm-bum, trong khi tôi đang lái chúng vào tiết tấu ba phách mà người bình dân rất yêu thích. Oskar đã sắp sửa bỏ cuộc thì bọn t’rompet chợt bừng tỉnh và, ôi Danube, sông Danube, tiếng sáo vút lên sao mà xanh rười rượi! Chỉ có hai tên cầm đầu đội kèn và đội trống là không chịu tuân phục điệu van-xơ nữ chúa và tiếp tục hô những lệnh dở hơi của chúng. Nhưng tôi đã phế truất chúng, âm nhạc lúc này là của tôi. Đám bình dân tỏ ra đầy lòng biết ơn. Những nhịp cười rộ lên ở ngay gần khán đài, đây đó, tôi nghe thấy tiếng hát, và, ôi Danube đẹp xanh, và trên khắp quảng trường cho đến tận Đại lộ Hindeunburg, xanh rười rượi, và Công viên Steffens, xanh rười rượi, tiết tấu của tôi nhảy nhót, được chiếc micrô trên đầu phóng lên cực đại. Và khi, tay vần say sưa đánh trống, tôi ghé mắt vào cái lỗ ván nhìn ra khoảng trống, tôi thấy là dân chúng khoái khúc nhạc van-xơ của tôi, họ đang tung tăng nhảy nhót như có cái gì giậm giựt trong bắp chân; đã có chín cặp - và kìa! một cặp nữa - vào cuộc khiêu vũ, quyện vào nhau bởi điệu van-xơ nữ chúa. Lạ thay, chỉ có Löbsack là bất bình với nhịp ba của tôi; y xuất hiện, theo sau là một lô một xốc quan chức Đảng vận đồng phục nâu, Forster, Greiser, Rauschning và một số khác, lối đi của họ đến khán đài bị đám đông làm nghẽn. Löbsack đứng đó tức sôi lên. Y đã quen được nghênh đón đến khán đài trong tiếng nhạc hành khúc ngang bằng sổ ngay. Những âm thanh phù phiếm này làm lung lay niềm tin của y vào dân chúng. Qua lỗ ván, tôi quan sát nỗi đau của y. Một -luồng gió thổi qua cái lỗ. Mặc dầu có nguy cơ bị đau mắt mất thôi, tôi đâm ra thương hại y và chuyển sang một điệu Charleston [10]:Jimmy the Tiger. Tôi bắt vào cái nhịp mà Hề Bebra đã gõ trên những chai nước khoáng rỗng, nhưng bọn nhạc công thiếu niên phía trước khán đài không biết điệu charleston. Chúng thuộc một thế hệ khác, làm sao chúng biết được điệu charleston và Jimmy the Tiger? Cái mà chúng đang thì thùm trên trống - ôi Bebra, bạn thân yêu của tôi! - không phải là Jimmy the Tiger, đó đích thị là bát nháo và đội kèn thì đang thổi khúc Sodom và Gomorrah. Mặc kệ, đội sáo nghĩ vậy. Thằng trùm đội kèn chửi thề vung tứ linh. Ấy thế nhưng bọn nhạc công trống-kèn-sáo đã chơi hết mình, đem lại niềm vui cho trái tim Jimmy trong cái nóng ngột ngạc của tháng tám hùm beo này, và cuối cùng hàng ngàn đồng chí đồng bào thân mến chen chúc quanh khán đài cũng hiểu ra đó là chú hổ Jimmy kêu gọi dân chúng tham gia vào điệu nhảy charleston.
Tất cả những ai lúc nãy chưa nhảy, vội vàng giành lấy những bạn nữ cuối cùng còn có thể giành được. Riêng Löbsack phải nhảy với cái bướu của mình vì xung quanh y, chẳng còn một đại biểu nào của phái đẹp và các thủ lĩnh phụ nữ khả dĩ giúp được y thì lại ở tít xa, trên những chiếc ghế gỗ cứng của khán đài. Mặc dầu vậy, theo lời khuyên của cái bướu, y vẫn nhảy, cố gỡ thể diện cho cái khúc nhạc Jimmy gớm ghiếc và cứu những gì còn có thể cứu được.
Nhưng tình thế đã đến nước không thể cứu vãn được nữa. Các đồng chí đồng bào vừa nhảy vừa rời khỏi Đồng cỏ Tháng Năm và chẳng mấy chốc, nơi đây đã vắng teo. Các đồng chí đồng bào đã cùng chú hổ Jimmy biến vào những khoảng đất rộng của Công viên Steffens gần đấy. Tại đó, họ tìm thấy rừng sâu mà Jimmy đã hứa hẹn; tại đó, hổ đi lại trên những bàn chân có móng vuốt bằng nhung, một cánh rừng thế phẩm cho các con trai con gái của dân tộc Đức mới vài phút trước đây còn chen chúc quanh khán đài. Bay biến rồi luật pháp và trật tự. Những phần tử có đầu óc văn hoá hơn thì rút về Đại lộ Hindenburg, ở đó cây cối được trồng lần đầu tiên vào thế kỷ XVIII, ở đó vẫn những cây ấy bị chặt hạ vào năm 1807 khi thành phố bị quân của Napoléon bao vây rồi một loạt cây mới lại được trồng vào năm 1810 để chào mừng Napoléon. Trên mảnh đất lịch sử ấy, đám người khiêu vũ vẫn còn có thể lợi dụng phần nhạc của tôi vì không ai tắt micro ở phía trên tôi. Tiếng trống tôi vang xa đến tận Cửa Oliva. Chung cuộc, các chàng trai ưu tú ở dưới chân khán đài, với sự giúp sức của chú hổ xổng chuồng của Jimmy, đã xua được tất thẩy khỏi Đồng cỏ Tháng Năm trừ những bông cúc.
Ngay cả khi tôi để cái trống của mình hưởng những phút nghỉ ngơi xứng đáng, những tay trống thiếu niên vẫn cứ tiếp tục. Phải một lúc sau nữa, ảnh hưởng âm nhạc của tôi mới nhạt dần.
Oskar không thể rời chỗ ẩn náu ngay lập tức: các nhân viên SA và SS bỏ cả hơn tiếng đồng hồ hết đá vào các ván gỗ lại chọc khuấy các kẽ hở, làm thủng lỗ chỗ những bộ đồng phục nâu và đen. Hình như họ đang tìm một cái gì bên dưới khán đài, có lẽ một tên Xã hội hoặc một toán Cộng sản phá hoại. Tôi sẽ không kể những thủ thuật và thao tác lẩn tránh của tôi. Chỉ cần nói rằng họ không tìm thấy Oskar vì họ đâu phải là đối thủ của nó.
Cuối cùng, tĩnh lặng ngự trị trong cái mê cung bằng gỗ này của tôi; chỗ này ước chừng rộng bằng cái bụng con cá voi trong đó Jonah [11] đã ngồi ba ngày trời với chiếc áo tông đồ bê bết mỡ cá voi trên lưng. Nhưng Oskar đâu phải là thánh tông đồ, nó đã bắt đầu thấy đói. Chẳng có Thượng Đế để phán bảo: "Hãy đứng dậy và đi đến Nineveh, truyền đạo cho tnành phố lớn đó". Cả đối với tôi nữa, Thượng Đế cũng chẳng cảm thấy cần phải làm cho một quả bầu mọc lên để rồi sau đó lại cho một con sâu đục ruỗng nó. Tôi chẳng hơi đâu mà khóc thương quả bầu Kinh Thánh hay thành Nineveh cho dù nó có mang tên Danzig đi nữa. Tôi nhét cái trống rất chi là phi - Kinh Thánh vào dưới áo chui đầu và tập trung vào những vấn đề rắc rối của tôi. Thận trọng né tránh những xà dầm trên đầu và những cái đinh chồi lên, tôi tự lực lần mò ra khỏi những khúc ruột của một cái khán đài dành cho những cuộc mít - tinh và biểu tình các loại, song ngẫu nhiên lại có kích thước của một con cá voi nuốt thánh tông đồ vào bụng.
Ai rỗi hơi để ý đến một thằng nhóc ba tuổi miệng huýt sáo đi men Đồng cỏ Tháng Năm hướng về phía Cung Thể Thao? Đằng sau sân quần vợt, bọn đồng diễn với tôi ở chân khán đài đang vừa đeo trống, kèn, sáo vừa nhảy lò cò. Bị phạt rồi, tôi nhận xét khi thấy chúng nhảy lóc cóc theo nhịp còi của thằng trùm. Tách hắn khỏi bộ sậu xúm xụm lại của y, Löbsack đang đi tới đi lui, một mình với cái bướu của mình. Quay đằng sau trên gót ủng mỗi lần tới đầu mút, y dần dần tróc hết rễ dám cỏ và hoa cúc trên đường đi.
Bữa trưa đã dọn lên bàn khi Oskar về tới nhà. Có hămbơgơ với khoai tây luộc, bắp cải đỏ và bánh pútđinh - sôcôla với kem vani làm món tráng miệng. Matzerath chẳng nói chẳng rằng. Mẹ thì nghĩ tận đâu đâu. Buổi chiều, có một cuộc cãi vã trong gia đình về chủ đề ghen tuông và sở Bưu Chính Ba Lan. Tối đến, một cơn dông giải nồng, rồi mưa rào đột ngột với khúc độc tấu trông tuyệt vời bằng mưa đá làm bè đệm. Cái trống đã mệt nhoài của Oskar lúc này có thể nghỉ ngơi và lắng nghe.
Chú thích:
[1] Ôpêra (Opéra): là loại nhạc kịch cổ điển. Opéra là một loại hình nghệ thuật biểu diễn, cũng là một dạng của kịch mà những hành động diễn xuất của nhân vật hầu hết được truyền đạt toàn bộ qua âm nhạc và giọng hát. Opéra bắt đầu xuất hiện và biết đến nhiều vào tầm khoảng những năm 1600. Nhìn chung nó có sự liên kết với âm nhạc cổ điển của phương Tây.
[2] ÔPêrét (Opérette): Operetta tiếng Pháp: [opérette]; Tiếng Đức: [operette]; tiếng Tây Ban Nha: [opereta] là một dạng Opéra nhẹ với những đoạn thoại nói, và những ca khúc, nhảy múa cùng được dựng trong một bản nhạc kịch cổ điển.
[3] “Quang đến vấn mây” là cụm từ thông dụng thường thấy trong các bản tin thời tiết
[4] Hoan hô, giỏi, cực giỏi!
[5]Arthur Gireiser: Chủ tịch Thượng viện Danzig từ năm 1934, ký hiệp ước với Nazi (Quốc xã) hóa một hiệp ước bình thường hoá quan hệ Ba Lan Dzansing. Sau thế chiến II, bị xét xử là tội phạm chiến tranh và kết án tử hình.
[6] Albert Forsier: Quận trưởng thu lĩnh Nazi của Danzig từ 1936. Ngày 1/9/1939. tuyên bố những điều khỏan của Hiệp ước Tự do là vô giá trị và tuyên bố sáp nhập Danzig vào nước Đức Quốc Xã với chính y là người cai quản duy nhất.
[7] Nước Đức Quốc Xã
[8] Bllerman và Wullsutzki: hai nhân vật trong những truyện cười dân gian phổ hiến ở Danzig, biến trưng cho hai thành phần Đức (Bollerman) và Ba Lan (Wullsutzki).
[9] Brandt và Quex: hai nhân vật chính trong các truvện và phim tuyên truyền của Đức Quốc Xã, được tô vẽ như những điển hình lý tưởng cúa tổ chức Thanh niên Hitler và SA, hy sinh cho sự nghiệp Nazi.
[10] Mội điệu nhảy thịnh hành vào những năm 1920.
[11] Một tông đồ người Hêbrơ không tuân lệnh Chúa phái đi Nineveh, trái lại đáp tàu đi Tarshish, giữa đường gặp bão và bị các thủy thủ vứt xuống biển, rồi bị một con cá voi nuốt vào bụng, lưu lại trong đó ba ngày (Theo sách Jonah, Cựu Ước).
Cái Trống Thiếc Cái Trống Thiếc - Günter Grass Cái Trống Thiếc