Chương 10: Con Người Thật Đằng Sau Bức Chân Dung Của Thủ Tướng
au nhiều tháng làm việc trong những phòng khách chật chội của nhà vua và Hoàng hậu, vẽ xong chân dung cho tất cả nhân vật của hoàng gia, Francisco cho chuyển đồ đạc sang tư dinh làm việc cho Thủ tướng Godoi. Ở đây, anh cảm thấy không khí đỡ nặng nề ngột ngạt hơn.
Trong thời gian vẽ chân dung cho nhà vua và Thủ tướng, Francisco Goya có dịp thấy đất nước đã được cai trị như thế nào.
Anh hết sức ngạc nhiên khi thấy đức vua dùng thời gian của mình để chơi đùa với con cái, sưu tầm các loại đồng hồ bỏ túi và đi săn. Hoàng hậu thì suốt ngày chuyện vãn với bọn người hầu và mặc thử những bộ lễ phục.
Tuy chỉ một mình, nhưng Godoi nắm việc triều chính rất chặt chẽ. Những sứ thần, quan chức cao cấp và tướng lĩnh luôn luôn đến tường trình công việc với ông ta. Tư dinh của Thủ tướng không khi nào vắng khách.
Ngay những kẻ gièm pha, cho rằng ông ta làm thế để củng cố địa vị và quyền lực, cũng không thể chối cãi là ông ta làm việc rất cần mẫn, có trách nhiệm. Đêm đêm, ông ta thường làm việc rất khuya.
Đối với họa sĩ, một người mẫu như thế, thật khó định hình trên mặt vải. Vì những buổi ngồi vẽ luôn bị gián đoạn, mà đến tâm lý, tình cảm biểu lộ trên sắc mặt cũng luôn thay đổi, khiến ông ta trở thành nhiều kiểu người, khó nắm bắt những nét gì thuộc về bản chất. Nhiều lúc Francisco phải vẽ bằng trí nhớ và buộc lòng phải làm việc theo một thời gian biểu do thực tế đòi hỏi. Cách làm việc như vậy vừa mệt, vừa phức tạp lại kém hiệu quả.
Cuối cùng hai người đồng ý áp dụng quy ước chung. Thủ tướng chấp nhận cho Goya ở lại vẽ trong cả các cuộc tiếp xúc của ông ta.
Vì vậy, công việc của họa sĩ tiến triển nhanh và có hiệu quả hơn. Francisco cố gắng không quan tâm gì đến việc tiếp khách của Thủ tướng. Nhưng vào buổi chiều ngồi mẫu, Don Manuel tiếp một vị sứ thần nước Pháp làm anh chú ý. Vị này vừa trình quốc thư lên cho nhà vua xong, liền vội đến để bàn chuyện bang giao giữa hai nước với vị nguyên thủ Tây Ban Nha.
Viên sứ thần nói:
- Ngài Thủ tướng vừa gửi công hàm cho ngài tổng tài thứ nhất về việc nước ngài cần vũ khí trang bị cho ba sư đoàn chiến đấu?
- Tôi hy vọng tướng quân Bonaparte có thể cung cấp vũ khí cho chúng tôi. Như ngài đã thấy, súng bộ binh và đại bác của chúng tôi đã quá cũ kỹ, không còn sử dụng được. Nếu phải đối phó với một cuộc vũ trang bạo loạn tôi lo rằng quân đội không đủ sức mạnh để có thể đè bẹp nó.
- Lấy gì đảm bảo vũ khí viện trợ sẽ không dùng để chống lại nước Pháp?
- Ngài có thể tin ở lời cam kết của chúng tôi. Tướng quân Bonaparte biết rõ tôi là người trước nay vẫn cảm phục ngài và là một người bạn tốt của nước Pháp.
Viên sứ thần cất tiếng cười.
- Tướng Bonaparte là một người phức tạp, thưa ngài Don Manuel. Ngài chẳng bao giờ để bị chi phối bởi tình cảm quá mức. Và, tôi buộc lòng phải thú nhận là ngài tổng tài thứ nhất chưa chấp nhận một thỏa ước viện trợ nào cả.
- Vâng... Tôi hiểu hoàn cảnh của ông ta hiện nay. Bonaparte không thể mở rộng lãnh thổ nước Pháp lên gấp ba lần bằng cách chỉ tin vào những hứa hẹn. Tôi nghĩ thế.
- Ngài Thủ tướng là một con người thực tế. Tôi rất cảm phục ngài.
- Tôi có đủ thực tế để tự hỏi rằng ngài tổng tài sẽ dành cho tôi một giải pháp ra sao trong vấn đề này, nếu ông ấy từ chối không viện trợ vũ khí, thì tôi lo rằng không thể chống trả lại lực lượng bạo loạn lâu hơn nữa. Dân chúng đang bị kích động và có thể trở nên rất nguy hiểm. Tướng Bonaparte có đề xuất gì về phía chúng tôi không?
- Tướng quân Bonaparte đề xuất với ngài Thủ tướng là mong ngài chấp nhận cho sự đồn trú của hai binh đoàn gồm tám mươi ngàn quân, trên mảnh đất Tây Ban Nha. Lực lượng ấy sẽ giúp ngài giữ an ninh đất nước.
Godoi bỗng cất tiếng cười:
- Và theo ngài, như vậy ngài tổng tài là một người thực tế? Dù ông ấy có đưa sang đây hai trăm ngàn quân cũng chưa chắc đã đủ để bóp nghẹt một cuộc cách mạng. Phải nói thẳng là nhân dân nước tôi còn nghi ngờ thái độ của ông ta. Họ nghĩ ông ấy sẽ thôn tính Tây Ban Nha, sáp nhập nó vào nước Pháp.
- Nhưng còn ngài, thưa Thủ tướng Don Manuel, ngài có đồng tình với những lo ngại của nhân dân ngài không?
- Tôi đã nói với ngài rằng tôi tự coi mình là thân hữu của ngài tổng tài thứ nhất mà.
Francisco không dám chắc điều anh đang nghĩ về ẩn ý trong câu trả lời của Godoi. Anh tự hỏi phải chăng ông ta muốn nói là đến một thời điểm thích hợp, ông ta sẽ từ bỏ Hoàng đế Charles IV và Hoàng hậu Mari Louise để phụng sự người Pháp?
- Tôi vững tin rằng, - Thủ tướng nói tiếp - chỉ một thời gian ngắn tuyên truyền thuyết phục, nhân dân nước tôi sẽ chấp nhận sự có mặt của quân đội Bonaparte trên đất nước Tây Ban Nha. Trong khi chờ đợi, tôi khuyên ông ấy phải kiên nhẫn, cần gì phải gây ra những cuộc xung đột vô ích.
- Những diều ngài nói đều có lý và đúng sự thật. - Viên sứ thần trả lời - Tôi sẽ tường trình không chậm trễ chi tiết cuộc hội đàm giữa chúng ta về Paris.
- Và ngài sẽ nhắc lại yêu cầu của tôi về viện trợ vũ khí?
- Tôi sẽ không quên điều ấy.
Rồi họ chia tay, sau những lời chúc tụng niềm nở.
Thủ tướng ngồi lặng hàng giờ. Đột nhiên nắm chặt tay vịn ghế bành, ông ta gọi to:
- Ngài Goya?
- Thưa ngài, tôi đây.
- Tôi cho rằng ông không quên mọi cuộc hội đàm riêng trong tư dinh Thủ tướng đều là chuyện tôi mật của nhà nước.
- Dĩ nhiên như vậy. - Francisco nói nhỏ, vẻ khó chịu. Anh hối hận vì đã để ý nghe cuộc hội đàm.
- Và kẻ thù của nước Tây Ban Nha, dù ở trong hay ngoài biên giới, vẫn tung những món tiền cực lớn để nắm được những bí mật ấy. - Thủ tướng Godoi lầm bầm nói thấp giọng với vẻ thâm hiểm.
- Xin ngài nâng cao cằm lên một chút, hai cánh tay cứ buông xuôi tự nhiên. Thưa ngài... thế, thế đấy, ngồi đúng tư thế cũ... tốt lắm. Kẻ nào tìm cách bán những bí mật ấy là phạm tội phản bộ tổ quốc. - Goya nói một cách bình tĩnh - Nhưng có một số người lại không giữ miệng được. Họ cứ muốn tỏ ra là người thông thạo tình hình trong nước nên đã để lọt những bí mật đó qua bạn bè. Như vậy không kém phần nguy hiểm.
- Chỉ bọn trẻ tuổi nông nổi và những kẻ rồ dại mới hay đưa chuyện như vậy, thưa ngài.
Francisco cảm thấy rất khổ tâm phải trả lời lễ độ kẻ mà anh khinh ghét, kẻ đang trắng trợn đe dọa anh. Nhưng anh cũng không quên rằng nếu không tỉnh táo và khôn ngoan, nếu có những hành động kinh suất thì dù là một sơ hở nhỏ cũng có thể mất đầu. Còn ngài Thủ tướng thì không khỏi ngạc nhiên, khi thấy một người như Goya, nổi tiếng là nóng nảy và dễ bị kích động, lại tỏ thái độ điềm tĩnh và từ tốn đến như vậy.
- Nhà chức trách Tây Ban Nha biết rằng từ nhiều năm nay, họa sĩ Francisco Goya vẫn tỏ ra trung thành tận tụy với số phận đãt nước. - Thủ tướng nhận xét.
- Xin Thủ tướng giữ nguyên dáng ngồi cũ... vâng, xưa nay tôi vẫn là một người yêu nước, Và hiện nay, tôi vẫn không thay đổi...
- A... - Thủ tướng Godoi vừa thở ra một hơi dài, vừa đột ngột dứng dậy - Ta tạm nghỉ một lát! Mời ông uống với tôi một ly rượu.
Không bao giờ Francisco uống rượu trong lúc làm việc. Nhưng anh nghĩ, lúc này nhận lời là khôn ngoan hơn. Anh bước tới nhận ly rượu Don Manuel đưa cho.
- Ông nói với tôi, ông là một người yêu nước. Tôi cũng vậy, tôi chỉ nghĩ đến hạnh phúc, sự an toàn và con đường cứu nguy cho đất nước.
Francisco nghĩ thầm, nếu hạnh phúc đất nước đồng nghĩa với quyền uy cá nhân, thì Thủ tướng đã nói thật.
- Tôi tin tưởng rằng, - Godoi nói tiếp - việc cứu vãn tình thế nguy ngập của đất nước phải tùy thuộc vào mối bang giao với nước Pháp. Tôi cho rằng ông đã nghe đồn đại về tướng quân Bonaparte. Người ta đoán ông ta đang có ý đồ tự xưng làm Hoàng đế nước Pháp.
- Một vài người bạn ở Anh và ở Áo cũng cho tôi biết tin ấy. - Goya thận trọng trả lời.
- Tôi không hiểu dư luận ấy có căn cứ không, nhưng riêng tôi cho là có. Mỗi sắc lệnh mới ban hành của Bonaparte đều chỉ rõ khả năng ấy. Nhưng điều chủ yếu là trong lúc này, ông ta đang mạnh nhất châu Âu.
Godoi thao thao thuyết giảng:
- Tôi vẫn nghĩ nếu Bonaparte đem quân xâm lược Tây Ban Nha, thì chỉ trong vòng một tháng ông ta sẽ có thể làm chủ đất nước này. Có những đất nước hùng mạnh hơn ta nhiều mà cũng không thể đương đầu nổi. Còn chúng ta, chúng ta không hy vọng giành được thắng lợi trong một cuộc chiến không cân sức, mà ngay cả người Phổ và người Áo cũng đã nếm mùi thất bại.
- Đối với một công dán bình thường như tôi, những ý kiến của ngài hết sức đúng đắn. Hơn ai hết, ngài thừa hiểu chúng ta phải giữ mối quan hệ hữu hảo với người Pháp.
Francisco Goya hiểu rằng Thủ tướng đang thăm dò và thử thách anh, vì cho rằng anh đã nắm được ý đồ sách lược sâu hiểm của ông ta. Và Francisco cũng biết chống đối công khai hoặc lừa gạt một người như Godoi là việc ngu ngốc. Thành thật là tốt hơn hết.
- Thưa ngài, cơ quan mật vụ chắc đã tường trình là tôi không tán thành những đường lối, chính sách của ngài trước đây.
Godoi không kìm nổi kinh ngạc, ông im lặng chờ đợi.
- Giờ đây được biết rõ ý đồ của ngài. - Goya nói tiếp - Tôi hoàn toàn nhất trí về chủ trương liên minh với người Pháp. Tôi không giấu cảm tình với nước Pháp và tôn kính một nhân vật lớn như tướng quân Bonaparte.
Don Manuel trầm ngâm suy nghĩ, ông ta bỏ ngay ý tưởng cho đây là thủ đoạn giả dối của Goya.
Báo cáo của cơ quan mật vụ đã nhiều lần nói rõ thái độ thân Pháp rất công khai của họa sĩ. Điều đó đúng sự thật. Mặt khác, ông cũng thấy, do đối lập về quan điểm ấy mà quan hệ giữa họa sĩ với nữ công tước Alper trở nên hết sức căng thẳng.
Tuy vậy, Godoi vẫn nhấn thêm:
- Tại sao ông lại có cảm tình với người Pháp, ngài Goya? Tôi biết phần lớn các nhà văn và nghệ sĩ bạn ông đều coi Bonaparte như một tên bạo chúa?
- Có thể ông ta cũng là một bạo chúa thật, nhưng một khi đất nước vừa ra khỏi tình trạng hỗn loạn, việc thi hành những biện pháp cứng rắn, nhằm duy trì trật tự là điều cần thiết. Tôi biết một cách chính xác rằng cách mạng đã thiết lập những nguyên lý tự do bình đẳng, bác ái cho xã hội Pháp. Đã là một thời nhân dân Pháp được hưởng những quyền đó và Bonaparte đã tuyên thệ không bao giờ phản bội lý tưởng cao cả ấy, và đã giữ lời hứa.
Don Manuel mỉm cười. Ông đã nhận xét và đánh giá đúng họa sĩ. Anh ta là một nghệ sĩ say sưa với những lý tuởng cao đẹp. Anh ta không hiểu rằng bình đẳng và tự do mà người Pháp ban cho các nước bị chinh phục, sự thật chỉ là ảo tưởng.
- Tôi thành thật hoan nghênh ông đây. Và tôi cũng tự hỏi, tại sao chúng ta có cùng chung quan điểm mà ông lại chưa dồng ý cùng đứng với tôi trên lập trường phục vụ vương quốc Tây Ban Nha?
Với những lý lẽ có hàm ý, ông ta muốn đề nghị Goya giúp đỡ trong công việc phức tạp ấy. Có nghĩa là anh sẽ trở thành một cánh tay của cơ quan mật vụ, một điệp viên nằm giữa bạn bè, dò xét thái dộ và hành động của họ, để báo cho nhà cầm quyền. Goya thừa biết, với việc tống họ vào tù, dùng những cực hình tra tấn. Chính phủ, theo lời Godoi vừa nói, sẽ dùng những biện pháp gì để làm họ thay đổi chính kiến. Anh còn đủ tỉnh táo để tự ghìm mình xuống, và trả lời khô khốc:
- Bạn bè tôn trọng quyền tự do tư tưởng của tôi. Và họ cũng mong được tôi đối xử lại như vậy.
Don Manuel nhìn họa sĩ hồi lâu, cố giấu sự tức giận. Con người này không có nguy hiểm nhưng cần phải giám sát chặt chẽ.
Goya đã bình tĩnh lại, uống cạn ly rượu, đứng lên và nói nhẹ nhàng:
- Tôi rất vui lòng về cuộc đàm thoại ngắn ngủi này. Nào, ta lại bắt đầu vào việc.
° ° °
Francisco vẫn giữ xưởng vẽ riêng và để Giuanito ở lại đấy, còn anh ở trong nội điện.
Người ta dành cho anh một căn lầu nhỏ bên cạnh tư thất quan ngự giám. Mặc dù, những nghi thức phiền toái trong sinh hoạt cưng đình đè nặng cách sống, anh không thể nghĩ đến việc chuyển đi nơi khác, vì công việc bận rộn liên miên.
Trong những dịp hiếm hoi, anh trở về căn nhà cũ, hoặc đến quán rượu Rodas, gặp lại bạn bè. Anh thấy họ có vẻ dè dặt, xa lánh anh. Hầu hết bạn bè anh lúc trước đều gia nhập những tổ chức hoạt động của nữ công tước Alper, chống âm mưu thôn tính của nước Pháp đối với Tây Ban Nha. Những cuộc vận động chính trị ấy đang nổi lên như một phong trào yêu nước sôi nổi. Còn Giuanito, vẫn có thái độ thẳng thắn và tin cậy như trước, nói cho anh biết là nữ công tước không bao giờ bỏ lỡ dịp phê phán vạch mặt anh như đối với một tên phản bội. Nàng rêu rao anh là chà đạp lý tưởng chiến đấu trước kia, để cam tâm làm một kẻ nô bộc tầm thường của triều đình. Những lời buộc tội làm Goya tức giận, nhưng xét cho cùng anh không thể không thấy trong đó một phần sự thật.
Anh hy vọng sẽ có dịp gặp nàng để giải quyết những ngộ nhận quá đáng này. Và cuối cùng dịp may mà anh mong đợi đã đến.
Đó là vào buổi tổ chức vũ hội hóa trang trong cung vua.
Trước giờ khai mạc dạ hội, Goya chặn gặp nàng trong một dãy hành lang hẹp. Nữ công tước không thể làm ngơ như không thấy anh. Nàng nhìn anh.
- Kính chào họa sĩ Goya, xin ngài tránh đường cho tôi đi.
Francisco không nhúc nhích.
- Đã lâu lắm, tôi chờ dịp được thưa chuyện với công nương.
Đứng thẳng người kiêu kỳ, nàng nói nhỏ với giọng gay gắt:
- Tôi nghe ông đây.
Lẽ ra đây chính là lúc để anh thanh minh những điều bị ngộ nhận. Nhưng, đột nhiên anh lại cau mặt và nói bằng giọng chua chát:
- Tại sao công nương thù ghét tôi?
- Tôi không yêu cũng không ghét ông. - Nữ công tước trả lời, cố ra vẻ thành thật.
- Không đúng. Công nương bằng mọi cách đã phỉ báng, bôi nhọ thanh danh tôi khắp nơi. Nhưng tôi không buộc tội công nương trước khi được giải thích về những chuyện ấy.
- Có một lúc. - Nữ công tước nói - Cũng như nhiều người khác, tôi tin tưởng ngài là người đấu tranh cho lý tưởng tự do. Nhưng ngài đã chọn con đường của những vinh quang phù phiếm. Những bức chân dung nhà vua ngài thể hiện rất đẹp, mặc dù có hơi quá thiên về biểu hiện tính cách riêng. Nhưng, có điều ngài không thể chối cãi là ngài dang ăn miếng bánh của những kẻ áp bức nhân dân.
Điều nhận xét của nữ công tước đã đánh trúng điểm yếu của Goya. Tuy vậy, anh cũng chống trả:
- Vậy thì tôi có thể làm gì? Cứ tiếp tục vẽ tranh biếm họa, đả kích, để người ta tịch thu và ném hết vào lửa? Hay cứ phải vẽ những bức tranh làm cho Don Manuel run sợ, rồi chính hắn lại tống tôi vào ngục tối? Tôi có thể phụng sự cái gì với cách hy sinh để làm vui lòng công nương? Hay chỉ múa may như một con rối dưới sự điều khiển của bàn tay nhiều tham vọng của công nương?
- Chẳng có việc làm nào của ngài hiện nay làm tôi thấy cảm phục cả. Từ ngày ngài chọn con đường hiếu danh của những kẻ cơ hội, thú thật tôi cũng mất luôn chút tín nhiệm đối với ngài và sự nghiệp nghệ thuật của ngài.
- Công nương tự coi mình là quan tòa và lên án tôi chăng?
- Tất cả mọi công chúng Tây Ban Nha, có ai không phải là quan tòa đối với một nghệ sĩ? - Nàng nói với một nụ cười khó hiểu.
- Nghệ thuật của tôi không sợ những lời khích bác không chân chính.
Maria Cayettana hiểu là mình đã đi hơi quá xa đề tài cần thiết.
- Đối với nghệ thuật của tôn ông, tôi vẫn kính phục sâu sắc. Tôi xin bảo đảm điều ấy.
Nữ công tước nói rất chân thành và sự thay đổi thái độ đột ngột của nàng làm Goya ngẩn người ra, hơi thở như nghẹn lại trong lồng ngực. Anh ngập ngừng:
- Xin đa tạ công nương.
- Đáng tiếc là tôn ông đã phí hoài một vũ khí đấu tranh để có thể phụng sự tốt hơn cho quyền lợi đất nước. Nhưng đó lại là chuyện riêng, rõ ràng, đối với ngài, tôi không hề có ý định đóng vai trò cố vấn chính trị.
Rồi nở một nụ cười nhạo báng, nàng quay bước trên đôi giày gót cao, thong thả bỏ đi không hề nhìn lại một lần.
Bức Tranh Maja Khỏa Thân Bức Tranh Maja Khỏa Thân - Samuel Edwards Bức Tranh Maja Khỏa Thân