Bẫy-22 epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Wintergreen
levinger đã chết. Đó là thiếu sót cơ bản trong triết lý sống của gã. Mười tám máy bay hạ độ cao qua một đám mây trắng xóa ngoài khơi Elba vào một buổi chiều trên đường về sau chuyến đưa sữa hằng tuần tới Parma; chỉ có mười bảy chiếc thoát ra khỏi đám mây đó. Không tìm thấy chút dấu vết nào của chiếc còn lại, dù ở trên trời hay dưới mặt nước phẳng lặng màu ngọc bích. Không một mảnh vụn. Các máy bay trực thăng đã lượn vòng quanh đám mây trắng cho đến tận lúc mặt trời lặn. Đến đêm thì đám mây bị thổi đi, và đến sáng thì không còn Clevinger nữa.
Vụ biến mất đó quả là kinh hoàng, chắc chắn cũng kinh hoàng như Âm Mưu Vĩ Đại ở Lowery Field, khi tất cả sáu mươi tư người trong một doanh trại đã biến mất đúng vào ngày lĩnh lương và không bao giờ còn được nghe đến nữa. Trước khi Clevinger bị bắt cóc khỏi sự tồn tại một cách tài tình như thế, Yossarian đã cho rằng mấy gã đó đơn giản là đã đồng lòng quyết định cùng nghỉ không phép một hôm. Thực ra, y đã rất phấn khích trước vụ này, có vẻ như một vụ bỏ trốn tập thể khỏi bổn phận thiêng liêng, tới mức y đã hân hoan chạy ra ngoài báo tin cho cựu binh nhất Wintergreen.
“Thế chuyện đó có gì mà hứng thú đến vậy?” cựu binh nhất Wintergreen nhếch mép cười khinh bỉ, gác chiếc giày quân đội bẩn thỉu lên cái thuổng và cáu kỉnh uể oải ngả lưng vào thành của một trong những chiếc hố vuông sâu mà đào chúng là chuyên môn quân sự của gã.
Cựu binh nhất Wintergreen là một gã ma lanh nhỏ thó thích sự mâu thuẫn. Lần nào trốn đi nghỉ không phép thì gã lại bị tóm và bị phạt phải đào rồi lấp những hố sâu, dài và rộng đều mét tám trong một khoảng thời gian tòa quy định. Mỗi khi hoàn thành án phạt, gã sẽ lại trốn đi nghỉ không phép. Cựu binh nhất Wintergreen chấp nhận vai trò đào và lấp hố với lòng tận tụy không oán than của một người yêu nước đích thực.
“Sống thế này cũng đâu có tệ,” gã nhận xét đầy vẻ triết lý. “Và chắc là phải có ai đó làm việc này chứ.”
Một mặt, gã đã đủ khôn để hiểu rằng trong thời chiến thì đào hố ở Colorado không phải là một nhiệm vụ gì tệ lắm. Bởi vì nhu cầu về hố cũng không lớn lắm nên gã có thể đào và lấp với một tốc độ thư thái, và hiếm khi gã làm quá sức. Nhưng mặt khác cứ bị ra tòa án binh thì gã lại bị giáng cấp xuống thành binh bét. Gã tiếc đứt ruột về chuyện bị giáng cấp này.
“Làm binh nhất quả là rất thú vị,” gã tha thiết hồi tưởng. “Tôi từng có một chức danh - anh biết ý tôi rồi đấy - và tôi từng ở trong những nhóm người xuất sắc nhất.” Mặt gã tối sầm lại đầy vẻ cam chịu. “Nhưng giờ thì tất cả đều đã không còn nữa,” gã nói. “Lần tiếp theo tôi vượt rào thì sẽ chỉ còn dưới tư cách của một thằng binh bét, và tôi biết là sẽ không còn được như trước nữa.” Đào hố thì chẳng có tương lai gì. “Nghề này thậm chí còn chẳng ổn định. Cứ thi hành án phạt xong là tôi lại mất việc. Sau đó muốn có lại việc ấy thì tôi lại phải vượt rào. Và thậm chí tôi còn không thể làm như thế mãi được. Có một cái bẫy. Bẫy-22. Tôi mà vượt rào lần nữa thì sẽ bị giam trong quân lao. Tôi không biết tôi sẽ thành ra cái gì. Không cẩn thận thì có khi tôi còn bị điều ra nước ngoài.” Gã không muốn cứ phải đào hố suốt đời, mặc dù chừng nào còn đang có chiến tranh thì gã cũng không phản đối và coi đó là một phần đóng góp cho chiến thắng. “Đó là vấn đề nghĩa vụ,” gã nhận xét, “mỗi người chúng ta đều có nhiệm vụ riêng phải thực hiện. Nhiệm vụ của tôi là liên tục đào hố, và tôi đã làm tốt tới mức tôi vừa được đề nghị được trao huân chương Hạnh Kiểm Tốt. Nhiệm vụ của anh là lang chạ quanh trường sĩ quan và hy vọng chiến tranh sẽ kết thúc trước khi anh tốt nghiệp. Nhiệm vụ của những người lính ở ngoài chiến trường là chiến thắng, và tôi chỉ mong họ làm nhiệm vụ của họ cũng tốt như tôi đang làm nhiệm vụ của tôi đây. Sẽ là không công bằng nếu như tôi phải ra nước ngoài và thực hiện nhiệm vụ của họ, có phải không?”
Một ngày kia, cựu binh nhất Wintergreen đục vỡ một đường ống nước khi đang đào hố và suýt chết đuối trước khi được câu lên trong trạng thái gần như bất tỉnh. Có tin đồn rằng đó chính là dầu, và thượng sĩ White Halfoat đã bị tống cổ khỏi căn cứ. Chẳng mấy chốc tất cả những ai kiếm được xẻng đều xông ra đào như điên để tìm dầu. Đất bụi bay tứ tung; cảnh tượng đó gần như giống hệt buổi sáng ở Pianosa bảy tháng sau đó sau đêm Milo ném bom cả phi đoàn với tất cả máy bay mà gã tích trữ được trong xanh đi ca M&M của mình, cũng như sân bay, kho đạn và gara sửa chữa máy bay, và tất cả những người còn sống sót đều đổ ra ngoài dùng cuốc chim bổ xuống mặt đất rắn chắc để đào hố trú ẩn, phủ lên đó những miếng giáp được chôm từ kho đựng đồ sửa chữa ở sân bay và những vuông vải bạt chống nước tả tơi vốn là tấm che cửa sổ lều chôm được của nhau. Thượng sĩ White Halfoat bị điều đi khỏi Colorado ngay khi có tin đồn đầu tiên về dầu và cuối cùng đã nghỉ chân ở Pianosa với tư cách là người đến thay cho trung úy Coombs, tay này đã ra trận với tư cách là khách mời chỉ để xem chiến trường thế nào và đã chết trên bầu trời Ferrara trong cùng máy bay với Kraft. Lần nào nhớ đến Kraft, Yossarian cũng cảm thấy tội lỗi, tội lỗi là bởi vì Kraft đã bị giết khi Yossarian yêu cầu quay lại lần thứ hai để ném bom, và tội lỗi là bởi vì Kraft đã phải bối rối đầy vô tội trong Cuộc Nổi Dậy Atabrine Huy Hoàng khởi đầu ở Puerto Rico trong giai đoạn đầu của chuyến bay đầu tiên của bọn họ ra nước ngoài và kết thúc ở Pianosa mười ngày sau đó với việc Appleby nghiêm trang sải bước vào phòng cần vụ để báo cáo về việc Yossarian từ chối uống thuốc Atabrine. Viên trung sĩ ở đó đã mời gã ngồi xuống.
“Cảm ơn anh, trung sĩ, tôi nghĩ là tôi sẽ ngồi,” Appleby nói. “Tôi sẽ phải đợi khoảng bao lâu nữa? Tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong ngày hôm nay để sáng mai tôi có thể hoàn toàn sẵn sàng và khỏe mạnh để ra chiến trường ngay khi cần.”
“Gì cơ sếp?”
“Cái gì cơ, trung sĩ?”
“Câu hỏi của sếp là gì?”
“Tôi sẽ phải đợi khoảng bao lâu nữa thì mới có thể vào gặp thiếu tá được?”
“Chỉ cần đợi đến khi ông ấy đi ra ngoài ăn trưa là được,” trung sĩ Towser đáp lời. “Sau đó thì anh có thể vào ngay.”
“Nhưng ông ấy sẽ không còn ở đó nữa, có phải không?”
“Phải, thưa sếp. Thiếu tá Major sẽ không quay lại phòng làm việc của mình cho đến sau bữa trưa.”
“Tôi hiểu rồi,” Appleby quyết định một cách đầy băn khoăn. “Thế chắc là tôi nên quay lại sau bữa trưa thì hơn.”
Appleby bối rối ra khỏi phòng cần vụ. Vừa bước ra ngoài, gã nghĩ là gã đã nhìn thấy một sĩ quan cao, đen trông hơi giống Henry Fonda vừa nhảy ra khỏi cửa sổ lều cần vụ và lỉnh đi mất hút sau góc lều. Appleby dừng khựng lại nheo mắt. Một mối ngờ vực đầy lo âu tấn công gã. Gã tự hỏi liệu có phải gã đã phát bệnh sốt rét rồi không, hoặc tệ hơn, là đã phát bệnh vì Atabrine quá liều. Appleby đã uống Atabrine gấp bốn lần liều kê đơn vì gã muốn trở thành phi công giỏi gấp bốn lần những phi công khác. Mắt gã vẫn còn nhắm tịt khi trung sĩ Towser vỗ nhẹ lên vai và bảo với gã rằng gã có thể vào nếu muốn bởi vì thiếu tá Major vừa đi ra ngoài rồi. Lòng tự tin của Appleby đã quay trở lại.
“Cảm ơn anh, trung sĩ. Ông ấy sẽ sớm quay về chứ?”
“Ông ấy sẽ quay về ngay sau bữa trưa. Khi đó anh sẽ phải đi ra ngoài ngay lập tức và đợi ở ngoài cửa cho đến khi ông ấy rời đi ăn bữa tối. Thiếu tá Major không gặp bất cứ ai ở trong phòng làm việc khi ông ấy đang có mặt ở đó.”
“Trung sĩ, anh vừa nói gì vậy?”
“Tôi nói rằng thiếu tá Major không gặp bất cứ ai trong phòng làm việc khi ông ấy đang có mặt ở đó.”
Appleby trừng mắt nhìn trung sĩ Towser và thử lại lần nữa với vẻ nghiêm túc. “Trung sĩ này, có phải anh đang cố lừa tôi bởi vì tôi mới đến phi đoàn này còn anh đã ở đây lâu rồi không?”
“Ồ không thưa sếp,” viên trung sĩ kính cẩn trả lời. “Đó là chỉ thị được giao cho tôi. Anh có thể hỏi thiếu tá Major khi anh gặp ông ấy.”
“Đó chính là điều tôi định làm, trung sĩ. Khi nào tôi có thể gặp được ông ấy?”
“Không bao giờ.”
Mặt đỏ tía tai vì bẽ bàng, Appleby viết báo cáo về Yossarian và những viên thuốc Atabrine lên một tờ giấy mà trung sĩ đã đưa cho, rồi nhanh chóng rời đi, tự nhủ rằng hình như Yossarian không phải là kẻ duy nhất ở đây mặc quân phục sĩ quan mà lại bị điên.
Đến khi đại tá Cathcart tăng số nhiệm vụ lên năm mươi lăm thì trung sĩ Towser đã bắt đầu ngờ rằng hình như tất cả những ai mặc quân phục sĩ quan ở đây đều bị điên. Trung sĩ Towser là một gã gầy gò xương xẩu tóc vàng nhạt tới mức gần như không màu, má hóp và răng to như kẹo dẻo trắng. Gã là người điều hành cả phi đoàn này và chẳng vui vẻ gì khi phải làm việc đó. Những người như Hungry Joe quắc mắt nhìn gã đầy căm thù buộc tội, và Appleby bắt gã phải gánh chịu sự đối xử thô lỗ thù địch khi giờ gã đã vững chắc trở thành một phi công giỏi và một tay vợt bóng bàn chưa thua ai điểm nào. Trung sĩ Towser điều hành cả phi đoàn này bởi vì không có ai khác điều hành nó. Gã cũng chẳng quan tâm đến chiến tranh hay việc thăng tiến. Gã chỉ quan tâm đến những con bọ cánh cứng và đồ gỗ Hepplewhite.
Từ lúc nào không biết, trung sĩ Towser đã rơi vào thói quen nghĩ về người chết ở trong lều của Yossarian theo đúng lối nghĩ của Yossarian - một xác chết ở trong lều của Yossarian. Thực ra thì không phải là như vậy. Anh ta chỉ đơn giản là một phi công thay thế đã bị giết ngoài chiến trường trước khi chính thức trình diện nhận nhiệm vụ. Anh ta đã dừng lại ở lều điều hành để hỏi đường tới lều cần vụ và đã bị điều ra chiến trường ngay khi đó bởi vì đã có quá nhiều người bay đủ ba mươi lăm nhiệm vụ theo tiêu chuẩn ngày đó tới mức đại úy Piltchard và đại úy Wren không gom được đủ người cho các phi hành đoàn theo quy định của liên đoàn bay. Bởi vì anh ta chưa bao giờ chính thức gia nhập phi đoàn, nên anh ta cũng không bao giờ có thể chính thức rời đi, và trung sĩ Towser có cảm giác rằng những thư tín có liên quan tới gã trai xấu số đó sẽ mãi mãi bị đẩy qua đẩy lại như vậy.
Tên anh ta là Mudd. Đối với trung sĩ Towser, người luôn có ác cảm với bạo lực và sự lãng phí, thì không có gì phí phạm hơn việc đưa Mudd bay suốt một chặng đường dài qua đại dương chỉ để bị nổ tung thành từng mảnh trên bầu trời Orvieto chưa đầy hai giờ sau khi anh ta tới phi đoàn. Không ai nhớ được anh ta là ai và trông anh ta như thế nào, đại úy Piltchard và đại úy Wren thì lại càng không, hai gã này chỉ nhớ được rằng có một sĩ quan mới đã xuất hiện ở lều điều hành vừa đúng lúc để bị giết và cả hai đều đỏ ửng mặt bối rối mỗi khi câu chuyện về xác chết trong lều của Yossarian được nhắc lại. Những người duy nhất có thể đã thấy Mudd, những người trên cùng máy bay đó, đều đã bị nổ tan xác cùng với anh ta.
Yossarian, trái lại, biết chính xác Mudd là ai. Mudd là một người lính xa lạ đã không có một cơ hội nào cả, bởi vì đó là điều duy nhất mà mọi người biết về tất cả những người lính xa lạ - họ đều không có một cơ hội nào cả. Họ phải chết. Và người chết này thực sự xa lạ, mặc dù đồ đạc của anh ta vẫn nằm nguyên một đống ở trên giường xếp trong lều của Yossarian, gần như không thay đổi gì kể từ khi anh ta vứt chúng lại đó ba tháng trước vào cái ngày anh ta đến mà không bao giờ được ghi nhận là đã đến - tất cả đều dính đầy chết chóc chỉ chưa đầy hai giờ sau đó, cũng giống như tất cả đều dính đầy chết chóc sau đó một tuần trong Trận Vây Thành Bologna Vĩ Đại khi mùi thối rữa của cái chết giăng ướt nhẹp trong không khí cùng lớp sương mù mùi lưu huỳnh và thế là tất cả những ai theo lịch bay ra trận đó đều đã ngấm đẫm.
Không thể trốn được trận Bologna một khi đại tá Cathcart đã xung phong điều liên đoàn bay của mình tới đánh những kho đạn dược mà những máy bay ném bom hạng nặng ở lục địa Ý đã không thể phá hủy được vì chúng phải bay rất cao ở trên. Mỗi ngày chờ đợi đều đào sâu hơn ý thức về việc họ sắp phải bay trận ấy và đào sâu hơn nỗi u sầu. Niềm tin mãnh liệt và dai dẳng rằng cái chết sắp đến đã đều đặn phát tán cùng những trận mưa không ngớt, độc địa ngấm vào bộ dạng ốm yếu của từng người như vết ăn mòn của một căn bệnh đang len lỏi. Tất cả mọi người đều bốc mùi formaldehyde. Không có chỗ nào để cầu cứu, ngay lều quân y cũng không, bởi vì trung tá Korn đã ra lệnh đóng cửa lều quân y để không ai có thể báo ốm như khi tất cả bọn họ báo ốm vào một ngày không mưa vì mắc phải một thứ dịch tả bí hiểm nào đấy khiến họ lại phải hoãn bay thêm một lần. Khi các vụ báo ốm bị đình chỉ và cửa lều quân y bị đóng đinh khóa chặt, bác sĩ Daneeka đã tranh thủ những lúc tạnh mưa để ngồi chênh vênh trên chiếc ghế đẩu cao, lặng lẽ thấm thía cơn bùng phát lạnh lẽo của nỗi sợ hãi với một thái độ trung lập não nề, ngủ gật như một chú diều mốc u sầu dưới một bảng hiệu viết tay báo điềm gở do đại úy Black dán đùa vào cánh cửa đã đóng của lều quân y nhưng bác sĩ Daneeka cứ để đó bởi vì nó không phải là một trò đùa. Tấm bảng được đóng khung bằng phấn màu đen và có nội dung: “ĐÓNG CỬA CHO ĐẾN KHI CÓ THÔNG BÁO SAU. GIA ĐÌNH CÓ NGƯỜI CHẾT.”
Nỗi sợ hãi tràn ngập khắp nơi, đến tận phi đoàn của Dunbar, Dunbar thò đầu vào hóng qua cửa lều quân y giữa một buổi chiều nhập nhoạng và kính cẩn nói với hình thù mờ ảo là bác sĩ Stubbs đang ngồi trong bóng tối đặc quánh bên trong trước một chai whisky và một bình thủy tinh đựng đầy nước lọc tinh khiết.
“Ông ổn chứ?” gã hỏi đầy vẻ quan tâm lo lắng.
“Kinh khủng,” bác sĩ Stubbs trả lời.
“Ông đang làm gì ở đây vậy?”
“Đang ngồi.”
“Tôi cứ tưởng là không có ai báo ốm nữa.”
“Đúng vậy.”
“Thế thì sao ông vẫn ngồi đây?”
“Tôi có thể ngồi được ở đâu nữa? Không lẽ lại ở câu lạc bộ sĩ quan chết tiệt cùng với đại tá Cathcart và trung tá Korn? Anh có biết tôi đang làm gì ở đây không?”
“Đang ngồi.”
“Ở phi đoàn này, ý tôi là vậy. Không phải ở trong lều. Đừng có mà tài lanh. Anh có thể hiểu được một bác sĩ thì phải làm gì ở phi đoàn này không?”
“Ở các phi đoàn khác thì họ cần phải đóng chặt cửa lều quân y lại,” Dunbar nhận xét.
“Nếu có bất cứ ai bị ốm bước qua cửa này thì tôi sẽ cho anh ta ở lại mặt đất,” bác sĩ Stubbs thề. “Tôi đếch thèm quan tâm xem bọn họ nói gì nữa.”
“Ông không thể cho bất cứ ai ở lại mặt đất,” Dunbar nhắc. “Ông không biết có lệnh à?”
“Tôi sẽ tiêm một phát cho anh ta đo ván rồi cho anh ta nghỉ bay luôn.” Bác sĩ Stubbs phá lên cười nhạo báng khi nghĩ về triển vọng đó. “Họ nghĩ họ có thể ra lệnh xóa sổ chuyện báo ốm mà được à. Bọn khốn nạn. Ồ, lại tiếp tục này.” Mưa lại tiếp tục rơi, đầu tiên là xuống cây cối, sau thì xuống những vũng bùn, rồi, nhẹ nhàng, như những tiếng thì thầm an ủi, lên nóc lều. “Cái gì cũng ướt nhẹp,” bác sĩ Stubbs nhận xét đầy ghê tởm. “Ngay cả hố tiêu và hố tiểu cũng tắc để phản đối. Cả thế giới khốn nạn này đang bốc mùi như một nhà mồ.”
Sự im lặng dường như không đáy khi ông dứt lời. Đêm xuống. Cảm giác cô độc mênh mông.
“Ông bật đèn lên đi,” Dunbar gợi ý.
“Không có đèn. Tôi không muốn bật máy phát điện. Tôi từng rất hào hứng với việc cứu mạng người. Giờ tôi tự hỏi điều đó thì có nghĩa lý quái gì đây, bởi vì đằng nào tất cả bọn họ chẳng phải chết.”
“Ồ, có nghĩa lý chứ, có mà,” Dunbar vỗ về ông.
“Có ư? Nghĩa lý gì vậy?”
“Nghĩa lý ở đây là ông phải cố giữ cho bọn họ đừng chết càng lâu càng tốt.”
“Ừ, nhưng vậy có nghĩa lý gì, bởi vì đằng nào tất cả bọn họ chẳng phải chết?”
“Bí quyết là đừng có nghĩ về điều đó.”
“Vứt béng cái bí quyết đó đi. Thế nghĩa lý là cái quái gì vậy?” Dunbar lặng im trầm ngâm một lúc. “Bố ai mà biết được?” Dunbar không biết. Bologna đáng ra phải khiến cho Dunbar vui vẻ mới đúng, bởi vì ở đây phút thì chần chừ trôi đi còn giờ thì lê thê như thế kỷ. Nhưng thay vì thế, nó lại hành hạ gã, bởi vì gã biết mình sắp bị giết.
“Anh muốn có thêm codeine thật à?” bác sĩ Stubbs hỏi.
“Đó là cho Yossarian bạn tôi. Anh ta chắc chắn mình sẽ bị giết.”
“Yossarian ư? Yossarian là thằng quái quỷ nào vậy? Mà tên kiểu quái gì mà lại là Yossarian? Có phải anh ta là thằng cha say khướt và gây sự với trung tá Korn ở câu lạc bộ sĩ quan bữa trước không?”
“Đúng rồi. Anh ta là giống Assyria.”
“Hóa ra là thằng khốn điên khùng ấy.”
“Anh ta không điên lắm đâu,” Dunbar nói. “Anh ta thề sẽ không bay tới Bologna.”
“Tôi cũng có ý đó,” bác sĩ Stubbs đáp. “Tên khốn điên khùng đó có lẽ là kẻ tỉnh táo duy nhất còn sót lại.”
Bẫy-22 Bẫy-22 - Joseph Heller Bẫy-22