Chương 9 -
à Bê đon đả bước tới:
- Ông biết là ai không ông Ba Tâm?
Ông Tâm trách:
- Biết chớ. Cô thật tệ khi khồng hề nói gì với tôi.
Bà Bê phân bua:
- Ông toàn điện thoại cho cậu Bằng, tôi có muốn nói gì với ông cũng không được.
Ông Tâm lảng sang chuyện khác:
- Bằng về chưa?
- Tôi đã cho người đi gọi. Chắc cậu cũng sắp về.
- Tối nào nó cũng bỏ nhà thế à?
Bà Bê vội nói:
- Dạ đâu có. Nếu biết ông về, chắc chắn tối hôm qua cậu ấy đã ở nhà.
Ông Tâm chưa kịp nói gì, thì nhóc Xê chạy vào khoanh tay:
- Dạ, có bà Hai, cậu Yên sang thăm ông Ba.
Môi hơi nhếch lên, ông bảo:
- Họ biết tin hay thật.
Trước khi bước đi, ông nói như ra lệnh:
- Phượng Hy ở lại ăn cơm với gia đình chúng tôi nhé.
Bà Bê trả lời thay cô:
- Vâng, Hy sẽ ở lại ạ.
Đợi ông Tâm khuất bóng, bà Bê mới hỏi:
- Lúc nhìn thấy cháu, ông ấy có nói gì không?
- Chú ấy hỏi Phượng Huyền là gì của cháu.
Bà Bê thở dài:
- Ông ấy còn nặng tình quá.
Hy bùi ngùi:
- Nghe tin mẹ cháu đã mất. Chú Tâm khóc như con nít.
Bà Bê nói:
- Cũng là duyên số cả. Nếu hồi đó.... Mà thôi, vào phụ dì một tay.
Phượng Hy ngoan ngoãn đi theo bà Bê. Cô vừa nhặt rau, vừa bâng quơ hỏi:
- Anh Bằng đi đâu suốt đêm dì nhỉ?
Giọng bà Bê chợt hằn hộc:
- Tới nhà con... chồn hôi ấy chớ đâu nữa. Con quỷ ấy có bùa mê mà.
Hy tò mò:
- Chú Tâm có biết mối quan hệ nầy không?
- Có ai nói đâu mà biết. Ối! Thây kệ cậu ấy. Để rồi cháu xem, chẳng mấy chốc sẽ rã đám cho coi.
Phượng Hy cười cười:
- Cần gì dì phải rủa xả bà ta cho mỏi miệng.
Bà Bê cũng cười:
- Đành là vậy, nhưng không rủa thì đâu phải đàn bà.
Ngừng tay nhổ lông gà, bà hạ giọng:
- Cháu không thích Bằng chút xíu nào thật à?
Hy đỏ mặt:
- Không.
Bà Bê cắc cớ:
- Không hay là chưa?
Phượng Hy vặt rụi cọng quế:
- Điều đó có nghĩa gì đâu, khi ông ta chỉ nhìn cháu bẳng nửa con mắt.
Bà Bê bỗng lảng đi:
- Hôm nay được nghỉ, sao cháu sang đây sớm dữ vậy? Ở bển lại có chuyện à?
Phượng Hy bỗng ngập ngừng:
- Chắc dì biết một bí mật nào đó của cậu Hai và mợ Phụng cháu?
Bà Bê ngừng tay:
- Cháu muốn nói bí mật gì?
Hy liếm môi:
- Nguyên nhân khiến hai người luôn xung đột với nhau?
Thấy bà Bê lặng thinh, cô hỏi tiếp:
- Phải vì anh Long không?
Bà Bê buột miệng:
- Cháu đã biết rồi à? Ai nói với cháu vậy?
- Chính anh Long nói.
Bà Bê ngạc nhiên:
- Đây là điều nên dấu, sao nó lại nói với cháu kìa.
Phượng Hy đắn đo:
- Ảnh muốn có người hiểu và chia xẻ buồn vui với mình, dầu sao cháu cũng là bà con.
Bà Bê nhíu mày:
- Nghĩ cũng tội. Vừa lọt lòng mẹ, thằng bé đã bị hất hủi. Bà Bảy và cậu Hai Thọ ép mợ Phụng đem cho đứa nhỏ, rồi phao lên sinh khó, nó đã chết, nhưng mợ ấy không chịu.
Phượng Hy thắc mắc:
- Vậy là mọi người đã biết Long không phải con cậu Hai từ đầu à? Sao cậu Hai lại cưới mợ Phụng?
Bà Bê vặn vòi nước:
- Lúc sinh thời, ông ngoại cháu và bà của mợ Phụng hùn hạp làm ăn, họ có chung gần cả chục chiếc ghe, gọi là ghe bầu chạy chở hàng hầu hết khắp vùng sông nước miền Tây. Chính vì không muốn phân chia vốn liếng, nên hai người đã làm sui gia.
Bà Bê kể:
- Hồi trẻ, cậu Hai Thọ hiền lành, khờ khạo lắm. Chuyện gì cũng nhất nhất nghe lời cha mẹ. Trái lại, mợ Phụng lại hết sức sắc sảo, khôn ngoan. Khổ một nổi, về nhà chồng mới dăm tháng đã đi sinh. Đêm ấy, cậu Thọ nổi điên lên, phải tìm quên qua men rượu. Còn bà Bảy viện cớ đi chùa để khỏi đưa đứa con dâu hư hỏng tới nhà bảo sanh.
Cười khẩy một tiếng nghe khô khốc, bà Bê nói tiếp:
- Chùa chiền làm chi, cúng kiến làm gì mà ác, khi đòi đem cho thằng bé, rồi phao lên là nó chết từ trong bụng. Dì nói thiệt, bà ngoại cháu ác nên cô Huyền mới nhận quả đó.
Phượng Hy xốn xang trong lòng, cô hỏi tiếp:
- Vậy còn ông ngoại cháu, ổng phản ứng ra sao?
Bà Bê ngạc nhiên:
- Ủa! Bộ cháu không biết là sau khi cưới dâu một tháng, ông Bảy bị tai biến mạch máu não, chỉ nằm một chỗ thôi à?
Hy vỗ trán:
- Có nghe mẹ cháu nói, nhưng cháu quên.
- Chính vì ông Bảy nằm một chỗ nên bà Bảy mới quyết định mọi việc trong nhà. Nhưng mợ Phụng cũng đâu có vừa. Từ nhỏ mợ ấy đã theo ông bố làm ăn, nên việc điều hành tàu bè mợ rất rành. Hầu như hoạt động của đội ghe bầu, mợ Phụng nắm giữ, còn cậu Thọ chả biết ất giáp gì. Biết tâm nguyện của ba mình muốn giữ nguyên đội ghe, nên cậu Hai đành bấm bụng ở với mợ Phụng, nhưng mâu thuẫn giữa hai người ngày càng sâu đậm.
Hy nhíu mày như cố nhớ:
- Mẹ có kể về đội ghe bầu của ông ngoại, nhưng sao bây giờ cháu không thấy?
Bà Bê ngậm ngùi:
- Còn đâu nữa mà thấy! Sau khi ông Bảy mất, cô Ba Huyền bỏ nhà ra đi, đội ghe ấy cái hư mục, cái đem bán và số còn lại bị bão đánh đắm hết.
Phượng Hy thở ra:
- Mợ Phụng và cậu Hai không hề có tình yêu mà phải chịu đựng nhau ngần ấy năm. Khổ thật! Đã không thương sao lại không ly dị nhỉ?
Bà Bê ra vẻ sành đời:
- Vì họ có nhiều cái chung quá, họ không muốn chia.
Rồi bà hạ giọng:
- Nhưng bây giờ khác rồi! Cậu Thọ đã có con trai nối dõi, thằng Long khó sống trong nhà đó lắm.
Phượng Hy chép miệng:
- Chuyện trong nhà cháu mà dì rành thật.
Bà Bê thản nhiên:
- Thành phố nầy bằng cái khăn tay. Ra đường là đụng người quen. Chuyện nhà cháu dì đương nhiên phải biết, vì anh Quỳ làm ở bển là anh bà con với dì. Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa mà. Sao, còn thắc mắc gì nữa không?
Hy chưa kịp trả lời thì Bằng xuống. Anh càu nhàu:
- Chú Ba về hồi nào? Sao dì không gọi tôi?
Bà Bê phân trần:
- Ổng về tới đây khoảng một giờ khuya. Nghe chó sủa rồi nghe gọi ơi ới, tôi sợ muốn chết vì không biết có chuyện gì. Mở cửa cho ổng vào, nói ba điều bốn chuyện là đã hai giờ. Làm sao tôi gọi cậu ngay lúc đó được chớ.
- Thì sáng điện thoại sớm cho tôi.
Bà Bê trề môi:
- Xin lỗi cậu. Tôi không thuộc số điện thoại nhà... con đó.
Liếc vội về phía Hy, Bằng nói:
- Sao dì không lên phòng khách hợp cùng anh Yên và má kể tội tôi với chú Ba?
Bà Bê mai mỉa:
- Là đầy tớ, tôi đâu có dám.
Bằng lầu bầu:
- Đúng là đàn bà.
Nhìn bằng dậm chân bước trở lên, Phượng Hy tủm tỉm cười. Dường như anh bị quê độ, khi dì Bê bật mí chuyện "Đêm qua anh ở đâu" trước mặt cô. Mã đã yêu sao còn sợ quê nhỉ?
Phượng Hy chợt ngậm ngùi. Cô chưa vướng vào lưới tình để biết tình yêu có mùi vị thế nào. Nhưng sáng nay, trái tim cô chợt xao động vì những lời tha thiết đến cháy bỏng của Long, và vì những giọt lệ muộn màng của ông Tâm khóc người đã mất.
Vượt Dòng Thời Gian Vượt Dòng Thời Gian - Trần Thị Bảo Châu