Chương 9
ột buổi chiều đi làm về, mở thùng thư riêng, tôi thấy thư của Giôn gửi tôi. Linh tính cho tôi thấy có chuyện gì đó không bình thường. Tôi vội mở cửa vào nhà và bóc thư anh ra xem.
“Phụng vô vàn thương yêu,
"Khi Phụng đọc lá thư này thì tôi đang bay đến Hawaii. Việc đi Hawaii tôi đã nói với Phụng từ lâu. Tôi không bao giờ muốn đi khỏi khu phố yên tĩnh mà tôi đã sống bao nhiêu năm rồi. Và, hơn thế nữa, ở đó lại có Phụng đang sống. Nhưng những kỷ niệm tàn bạo của chiến tranh đã hành hạ tôi mười mấy năm nay kể từ khi tôi rời Việt Nam về Mỹ vào mùa hè năm 1972. Tôi là một tên giết người man rợ trong cuộc chiến này. Tôi còn nhớ, và nhớ đến cả khi tôi chết rồi, cái mùa hè khủng khiếp năm 1970 ở Đà Nẵng. Đơn vị tôi đóng ở một làng Việt Nam nhỏ bé và nghèo đói, một đêm chúng tôi bị du kích phục kích. Ba người bạn của tôi bị chết, họ bị giết bằng dao. Sáng hôm sau, chúng tôi tiến hành một trận càn vào cái làng Việt Nam đó. Tôi đã bóp cò vào những người dân vô tội. Và dù tôi có bóp cò vào những người đã giết những người bạn tôi thì tôi vẫn là kẻ giết người. Những người Việt Nam có quyền bắn hoặc chém chúng tôi. Bởi họ bảo vệ cho chính họ, bảo vệ tự do của dân tộc họ. Còn chúng tôi, chúng tôi đến đó để tiến hành cuộc chiến tranh độc ác chống lại một dân tộc yêu hòa bình. Suốt mười mấy năm qua, tôi sống trong điên loạn. Nhưng tôi không muốn chết. Tôi muốn sống để làm gì đó chuộc lại tội lỗi của mình. Nhưng tôi, hình như không làm được. Hình như Chúa lấy sự trừng phạt tôi để trả thù cho những người Việt Nam đã bị tôi và những người lính Mỹ khác giết hại. Phụng thương yêu, khi tôi gặp Phụng, tôi ngỡ Phụng sẽ giúp tôi đi qua được những cơn đau thần kinh của tôi. Tôi yêu Phụng. Tôi đã im lặng chờ đợi. Và, tôi đã đau khổ giãi bày. Nhưng tôi không có được tình yêu của Phụng. Phụng đừng nghĩ rằng tôi trách Phụng. Tội lỗi tất cả là do tôi.
Tôi sẽ đi Hawaii, tôi sẽ tìm đến một hòn đảo nhỏ trong quần đảo ấy để mong sẽ quên đi được nước Mỹ. Từ khi biết nghĩ cho đến trước khi tôi sang Việt Nam, tôi luôn tự hào về nước Mỹ. Một sự tự hào trở thành ngạo mạn. Nhưng sau những năm tháng ở Việt Nam, tôi cay đắng hiểu ra không phải thế. Tôi đã lầm. Cũng như hàng triệu người Mỹ đã lầm. Tôi sẽ đến hòn đảo nhỏ đó để viết lại toàn bộ những kỷ niệm và suy nghĩ của tôi về chiến tranh Việt Nam, về những người Việt Nam và về nước Mỹ trong cuộc chiến này.
Hãy hiểu sự ra đi này của tôi. Hãy nhớ đến tôi. Tôi sẽ nhớ về Phụng với tình yêu đau khổ của tôi và với những gì Phụng đã dành cho tôi. Hãy cho phép tôi được hôn Phụng trong nỗi buồn khủng khiếp của tôi. Tôi cầu mong một ngày nào đó Phụng sẽ trở về quê hương Việt Nam của Phụng, bởi tôi tin, Phụng không bao giờ là người phản bội lại nhân dân mình.
Giôn”
Đọc xong lá thư của Giôn, tôi ngồi im lặng mãi. Hoàng hôn đã trùm xuống thành phố. Qua ô cửa, tôi nhận ra một mảnh trời đỏ ối như một vết tấy đỏ. Trăm ngàn ý nghĩ khác nhau giày vò trong đầu tôi. Đúng, Giôn nói đúng, tôi sẽ trở về Tổ quốc yêu dấu của tôi, bởi tôi là người đang đấu tranh cho lợi ích của Tổ quốc mình. Thế là Giôn đi rồi, tôi cảm thấy hẫng hụt. Tôi cảm thấy nỗi buồn đang gặm nhấm tôi. Tôi hiểu anh hơn bao giờ hết vào lúc này. Có thể nước Mỹ không cứu nổi anh, có thể tôi cứu được anh bằng tình yêu của riêng tôi. Nhưng Giôn ơi! Anh có hiểu cho tôi được không? Anh có biết rằng tôi cũng phải sống những giây phút cô đơn đến khủng khiếp tưởng không thể nào chịu được. Người tôi yêu, không biết anh còn sống hay đã ngã xuống như bao đồng đội và nhân dân tôi. Anh giờ này đang ở đâu? Có thể anh đã không còn yêu tôi. Mà có nhớ đến tôi cũng chỉ là nỗi nhớ của sự căm thù và nguyền rủa. Nhưng tôi đã yêu anh ấy, tôi yêu đến ngơ ngác và nức nở. Tôi đã đánh mất anh để còn Tổ quốc. Trong cuộc chiến tranh này, không phải chỉ mình tôi mất mát, mà tất cả mọi người Việt Nam.
Tôi cần Giôn trở về, tôi đã yêu sự đau khổ và ân hận của anh.
Tôi ngồi nghĩ về anh rất lâu. Sau đó tôi đi xuống phòng anh. Tôi gục đầu vào cánh cửa phòng anh. Trước kia, mỗi lần tôi đến thăm anh, anh luýnh quýnh như một đứa trẻ ra mở cửa. Con Túc lúc nào cũng đứng sau anh kêu lên khe khẽ. Bây giờ anh đã đi mất rồi. Tất cả chợt trở nên vắng lặng đến hoảng sợ.
Có tiếng chân người đi về phía tôi và dừng ngay sau tôi. Tôi vẫn gục đầu vào cánh cửa im lặng.
- Thưa cô, cô có phải là cô Phụng? - Tôi nghe có tiếng một người già khẽ hỏi. Tôi ngẩng đầu lên và nhận ra trước mặt tôi là một cụ già.
- Thưa cụ, vâng ạ.
- Ông Giôn có để chìa khóa phòng ông ta cho cô. Ông ta nhờ cô coi giúp phòng trong thời gian ông ấy đi vắng.
- Thưa cụ, anh Giôn có nói với cụ khi nào anh ấy trở lại không ạ?
- Ông ấy không nói gì cả - Ông nói và móc túi lấy chùm chìa khóa đưa cho tôi.
- Cám ơn cụ.
- Không có gì. Thôi chào cô.
- Dạ, cám ơn cụ.
Khi cụ đi khuất, tôi mở cửa phòng Giôn.
Tất cả vẫn thế. Trên chiếc bàn làm việc của anh vẫn còn một chiếc giỏ đan bằng mây đựng vỏ một trái u-ét (US) và những chiếc vỏ đạn M16. Cạnh đó là tấm tranh lụa một cậu bé Việt Nam đang ngồi trên lưng trâu thổi sáo. Sau khi đi một vòng trong căn phòng của anh, tôi ngồi xuống chiếc ghế mà tôi vẫn thường ngồi, mỗi khi đến thăm anh. Tôi cứ lặng lẽ như thế cho đến khi bóng đêm đã đổ đầy ngôi nhà.
Trở về phòng mình, tôi gọi điện cho Giêm.
- Giôn đi rồi, anh Giêm ạ - Tôi buồn bã nói với Giêm.
- Tôi vừa nhận được thư của Giôn chiều nay.
Rồi cả hai chúng tôi im lặng rất lâu trên máy điện thoại.
- Anh có biết địa chỉ nơi Giôn đến không? - Tôi hỏi.
- Không. Nhưng cứ để Giôn đi. Như thế tốt cho anh ấy. Rồi anh ấy sẽ trở lại Phụng ạ, không lâu đâu.
- Anh tin như thế không?
- Anh ấy là bạn của tôi hơn mười năm nay rồi. Phụng có biết Giôn yêu Phụng lắm không?
- Vâng.
- Tình yêu của Phụng sẽ cứu rỗi linh hồn anh ấy.
- Tôi biết. Nhưng... - Tôi thở dài.
- Tôi hiểu Phụng. - Giêm nói nhỏ.
- Thỉnh thoảng anh gọi điện cho tôi, Giêm nhé - Tôi nói - Tôi cảm thấy mệt mỏi.
- Đừng buồn nhiều Phụng ạ. Phụng đi nghỉ đi. Tôi và Morisa sẽ đến thăm Phụng.
- Cám ơn anh và chị Morisa.
Vòng Nguyệt Quế Cô Đơn Vòng Nguyệt Quế Cô Đơn - Nguyễn Quang Thiều Vòng Nguyệt Quế Cô Đơn