Chương 6
húng tôi thành thật thừa nhận rằng lòng ghen tuông của ông chanoie Borda không phải hoàn toàn sai lạc. Ở Pháp về, Fabrice hiện ra trước mắt bà bá tước như một người khách phương xa khôi ngô tuấn tú, mà trước đây bà có quen biết nhiều. Nếu anh tỏ tình, hẳn bà đã yêu anh, chẳng phải là đối với việc làm của anh và con người anh, bà đã từng say sưa khâm phục, có thể nói là khâm phục không giới hạn hay sao? Tuy nhiên Fabrice ôm hôn bà nồng nhiệt với lòng biết ơn trong trắng, với thần tình trung hậu cho nên bà thấy tự tởm mình nếu tìm trong ấy một tình cảm khác với tình con đối với mẹ. “Thật ra! Bà bá tước tự nhủ - Một vài người bạn từng biết ta ở triều đình hoàng thân Eugène cách đây sáu năm, có thể còn cho ta là xinh, hơn nữa đang độ tuổi xuân, nhưng đối với nó, ta là một phụ nữ đáng kính rồi và… đứng tuổi nếu phải nói mà không sợ xúc phạm lòng tự ái của ta”. Nữ bá tước tự lừa mình về giai đoạn hiện tại trong cuộc đời bà, nhưng không phải tự lừa theo lối của những phụ nữ tầm thường. Bà nói thêm: “Vả lại, ở tuổi nó, người thường nghĩ quá đáng về sự tàn phá của thời gian, một người từng trải việc đời hơn sẽ…”.
Nữ bá tước lúc ấy đang đi lại trong phòng khách, bà dừng lại trước một tấm gương và mỉm cười. Phải biết rằng từ mấy tháng nay lòng bà xao xuyến thực sự vì bị một nhân vật lạ lùng tấn công. Không lâu sau khi Fabrice đi Pháp, bà bá tước tuy không tự thú hoàn toàn, vẫn bắt đầu nghĩ nhiều đến anh và rơi vào một trạng thái phiền muộn sâu sắc. Tất cả những gì bà làm, bà đều thấy không lý thú, có thể mạnh dạn nói là nhạt nhẽo. Bà tự bảo Napoléon có thể dùng Fabrice làm sĩ quan phụ tá để được lòng nhân dân Ý, bà kêu khóc: “Ta mất nó rồi. Ta không được gặp lại nó nữa. Nó sẽ viết thư cho ta nhưng mà mười năm nữa ta còn là gì đối với nó?”.
Bà đi Milan trong trạng thái tâm hồn đó, bà hy vọng tìm thấy ở đây những tin tức trực tiếp về Napoléon và biết đâu không có những tin tức về Fabrice dội lại. Không tự thú nhận, nhưng con người hoạt động ấy bắt đầu thấy chán cuộc sống đơn điệu của mình ở nông thôn, bà nói: “Đó là tránh chết, chứ đâu phải là sống!” Ngày nào cũng bị nhìn những cái mặt phấn đó của ông anh, ông cháu Ascagne, của những tên hầu phòng của họ! Những cuộc du ngoạn trên hồ mà không có Fabrice thì ra thế nào! Niềm an ủi độc nhất của bà là ở tình thân của bà hầu tước. Tuy nhiên, bà hầu tước lớn tuổi hơn và chán đời, sự giao thân với bà ấy cũng bắt đầu giảm lý thú.
Cảnh ngộ của bá tước Pietranera phu nhân lạ lùng như thế đấy! Fabrice đi xa, bà không hy vọng gì ở tương lai. Lòng bà cần được an ủi và cần có cái mới. Đến Milan, bà đâm ra mê say nhà hát opéra thời thượng, bà đến ngồi một mình qua những giờ dằng dặc ở nhà hát Scala, trong buồng lô của tướng Scotti, người bạn cũ. Những người bà tìm gặp để biết tin tức về Napoléon và quân đội của ông, bà thấy tầm thường và thô bạo. Về nhà, bà đàn không bài bản trên chiếc phong cầm cho đến ba giờ sáng. Một tối ở nhà hát Scala bà đến buồng lô của một bà bạn hỏi tin nước Pháp, thì người ta giới thiệu bá tước Mosca, bộ trưởng ở Parme. Đó là một người dễ mến, và người ấy nói về nước Pháp và Napoléon một cách khiến cho lòng bà có những lý do mới để tin tưởng hoặc lo ngại. Tối hôm sau nữ bá tước trở lại buồng lô ấy, con người thông minh kia lại đến và suốt buổi diễn, bà thích thú nói chuyện với ông. Từ ngày Fabrice ra đi, bà chưa có được một buổi tối nào sống động như tối đó. Cái người đàn ông làm vui lòng bà đó là bá tước Mosca Della Rovere Sorezana lúc bấy giờ là bộ trưởng chiến tranh, bộ trưởng công an và bộ trưởng tài chính của quận vương Parme lừng danh, là Ernest IV, nổi tiếng về những điều nghiêm khắc mà cánh tự do của Milan cho là tàn bạo. Mosca khoảng từ bốn mươi đến bốn mươi lăm, nét mặt cứng cỏi không có chút nào oai vệ, vẻ người giản dị, vui vẻ thoạt trông đã dễ ưa. Giá vương chủ của ông không kỳ quặc bắt ông rắc phấn lên tóc, coi như một đảm bảo về lòng trung thực chính trị, thì ông hãy còn là một người đẹp trai. Vì ở Ý, người ta ít sợ xúc phạm tính phô trương, cho nên người ta chóng đi đến thân mật và dễ nói những điều riêng tư. Nếu thấy xúc phạm nhau thì có cách sửa chữa là không đi lại với nhau nữa. Lần thứ ba gặp nhau, bà Pietranera nói với bá tước Mosca:
— Này bá tước, sao ông lại dùng phấn? Ôi phấn! Một người như ông, dễ mến, còn trẻ, đã từng chiến đấu ở Tây Ban Nha với chúng tôi, mà lại dùng phấn ư?
— Là vì tôi không ăn cướp cái gì ở đất Tây Ban Nha ấy mà ngày nay lại cứ phải sinh sống. Ngày ấy tôi chỉ say danh vọng, chỉ có lời khen tặng của tướng Pháp Gouvion Saint Cyr, người chỉ huy của chúng tôi, là đáng kể đối với tôi thôi. Khi Napoléon sụp đổ, tôi mới biết rằng trong khi tôi ăn của nhà để phụng sự Hoàng đế thì ông bố giàu trí tưởng tượng của tôi cầm chắc tôi sẽ là tướng, cho nên xây trước cho tôi một dinh thự trong thành Parme. Năm 1813 tất cả gia tài của tôi gồm có một tòa lâu đài phải hoàn thành và một món phụ cấp.
— Món phụ cấp ba nghìn năm trăm francs như chồng tôi.
— Bá tước Pietranera là trung tướng. Với tôi, thiếu tá kỵ binh khổ, phụ cấp chỉ đến tám trăm francs thôi, mà cũng chỉ mới được trả kể từ khi tôi làm bộ trưởng tài chính.
Ở trong buồng lô, chỉ có chủ nhân là một bà tư tưởng thuộc loại tự do cấp tiến nhất, cuộc đàm thoại cứ tiếp diễn trung thực như vậy. Được hỏi về cuộc sống của mình ở Parme, bá tước nói:
— Ở Tây Ban Nha, dưới quyền chỉ huy của tướng Saint Cyr, tôi xông tên lưới đạn để được huân chương và chút ít vinh dự sau đó, ngày nay tôi ăn mặc như một anh kép diễn trò để có một mức sống kiêu xa và mấy nghìn francs bổng lộc. Khi đã vào cuộc, không chịu nổi sự kiêu căng hỗn xược của bọn quan trên, tôi muốn leo lên một địa vị cao nhất. Tôi đã đạt. Nhưng mà những ngày hạnh phúc nhất của tôi là những ngày tôi thỉnh thoảng được về Milan. Tôi cho rằng ở đây quả tim đạo quân Ý của quý vị hãy còn đập.
Sự thành thực, sự phớt đời trong lời lẽ của vị bộ trưởng đó khi nói về một ông vua mà ai cũng kiêng sợ, khêu gợi tính hiếu kỳ của nữ bá tước. Nghe chức vụ của ông, trước bà tưởng sẽ tìm thấy một tay sính chữ đầy vẻ quan trọng, không ngờ lại gặp một người lấy làm xấu hổ vì địa vị trọng yếu của mình. Mosca hứa sẽ cho bà biết tất cả những tin tức về nước Pháp mà ông có thể thu thập trong những tháng kế tiếp trận Waterloo, đó là một sự tiết lộ nghiêm trọng, vấn đề đối với nước Ý bây giờ là tồn tại hay không tồn tại, ở Milan ai cũng lên cơn sốt, sốt vì hy vọng hoặc vì lo sợ. Thế mà có một người ăn nói chẳng giữ gìn về một địa vị mà rất nhiều người muốn tranh giành, và là nguồn sống duy nhất của ông ta, giữa cảnh náo loạn chung, bá tước phu nhân tìm hỏi về con người đó.
Người ta cho phu nhân biết nhiều điều lạ lùng, kỳ quặc và khá hấp dẫn. Người ta nói: “Bá tước Mosca Della Rovere Sorezana sắp trở thành thủ tướng và là sủng thần công khai của Ranuce Emext IV, quận vương chuyên chế của công quốc Parme và là một trong những quận vương giàu nhất châu Âu. Giả ông ta chịu khó vờ trịnh trọng hơn một chút thì ông đã leo lên chức vụ tối cao đó rồi, người ta nói hoàng thân thường lên lớp ông về mặt đó.
“Thưa điện hạ! Ông ta ngang nhiên đáp - Cung cách của tôi thế nào thì có can thiệp gì đến điện hạ, nếu như tôi tiến hành tốt những công việc của ngài?"
Hạnh phúc của vị cận thần ấy. Người ta nói thêm - Thế mà cũng có gai nhọn ở dưới đấy! Phải lấy lòng một quận vương, tuy là người thông minh và biết phải chăng đấy, nhưng từ khi lên ngôi tôn thì đâm ra hoảng hốt, hay nghĩ vặt như một mẹ đĩ vậy!
Ernest IV chỉ can đảm ở chốn trận mạc. Trên chiến trường hàng vài chục lần ông ta dẫn một đoàn quân xông lên tiến công, như một tướng lĩnh dũng cảm. Từ khi phụ vương Ernest III băng hà, ngài trở về giang sơn của mình, ở đấy hại cho ngài thay! Uy quyền của ngài vô giới hạn, ngài nổi lên công kích điên cuồng cánh tự do và chủ nghĩa tự do. Rồi ngài tưởng tượng người ta thù ghét ngài, cuối cùng, trong một phút cáu kỉnh, ngài ra lệnh treo cổ hai nhân vật thuộc phái tự do, có lẽ chẳng phạm tội gì đáng kể, người xúi giục ngài là một thằng khốn nạn tên là Rassi, một thứ Bộ trưởng tư pháp.
Từ cái phút tai hại đó, cuộc đời của hoàng thân thay đổi. Người ta thấy ông day dứt vì những ngờ vực kỳ quặc. Ông chưa đến năm mươi nhưng mà sự sợ hãi đã làm cho ông có thể nói là quắt lại, đến nỗi khi ông nói về những người Jacobins và dự định của ủy ban chỉ đạo của họ ở Paris, thì người ta thấy ông có dáng một ông lão tám mươi. Ông rơi trở lại những nỗi lo ngáo ộp thời thơ ấu. Viên sủng thần Rassi tư khấu (tức là chánh án tối cao) tác động ông được chỉ vì ông luôn sợ hãi, khi hắn thấy lo ngại về uy thế của hắn thì hắn vội vàng phát giác một âm mưu phiến loạn loại đen tối nhất và hoang đường nhất. Ba mươi chú dại dột tụm đầu đọc một số báo Người lập hiến chăng? Rassi tuyên bố đó là những kẻ âm mưu phiến loạn khét tiếng, niềm khủng khiếp của toàn xứ Lombardie. Vì ngục thành đó cao quá, người ta nói đến sáu mươi sải tay, cho nên từ xa đã nhìn thấy nó giữa đồng bằng, người ta thuật nhiều điều kinh tởm về nhà ngục ấy và hình thù của nó, khiến cho mọi người khiếp đảm nhìn nó thành ra mụ ác hậu của cái đồng bằng tăm tắp từ Milan đến Bologne.
Một khách đi đường khác nói với bá tước phu nhân: “Bà có tin được không? Ban đêm, Ernest IV run rẩy trên tầng lầu thứ ba ở cung điện của mình, do tám mươi cấm binh canh giữ, những tên lính này cứ mười lăm phút lại hét lên cả một câu cấm canh trọn vẹn. Tất cả cửa phòng đều có mười chốt trong và các buồng lân cận ở phía trên cũng như ở bên dưới đều đầy ắp những lính tráng, thế mà nhà vua vẫn cứ sợ lũ Jacobins. Một tấm ván sàn cọt kẹt một tiếng, tức thì nhà vua chụp ngay mấy khẩu súng ngắn, tưởng có một tên thuộc phái tự do núp dưới giường ngài. Liền đó tất cả chuông báo thức trong cung điện reo lên và một viên phụ tá chiến trường phi ngựa đến đánh thức bá tước Mosca. Vào cung điện, vị bộ trưởng công an ấy chẳng làm gì để phủ định cuộc mưu sát, trái lại, mang khí giới đầy đủ, chỉ đi một mình cùng với hoàng thân, ông soát xét tất cả các góc, xó, dòm dưới mọi giường, tóm lại tiến hành một loạt hành động buồn cười, xứng với một bà già. Giá những cách đề phòng ấy tiến hành ở cái thời đẹp đẽ mà hoàng thân chiến đấu và chẳng hạ sát ai bằng gì ngoài súng đạn, thì hẳn chính ngài cho là mất thể thống. Hoàng thân là một người thông minh, ngài lấy làm nhục về sự cẩn thận đó, ngay lúc tiến hành, ngài cũng có cảm tưởng những biện pháp đề phòng kia là lố bịch, buồn cười, nguồn gốc cái uy tín vô biên của bá tước Mosca là ở chỗ dùng hết tài khéo để tránh cho hoàng thân khỏi phải thẹn thuồng trước mặt ông. Đích thân Mosca, nhân danh là bộ trưởng công an đã khẩn khoản yêu cầu phải soát xét dưới giường tủ, người ta nói là còn lục cả các bao đàn contrebasses nữa. Và chính hoàng thân đã chống lại và chế diễu tính chu chi của ông bộ trưởng.
Bá tước Mosca nói: Đây là một sự đánh cuộc. Điện hạ hay nghĩ đến những bài thơ châm biếm mà bọn Jacobins sẽ ném lên đầu chúng tôi nếu chúng tôi để điện hạ bị ám sát. Chúng tôi không chỉ bảo vệ ngọc thể, chúng tôi còn bảo vệ danh dự chúng tôi. Tuy nhiên quận vương chỉ bị mắc lừa một nửa, bởi vì nếu có ai trong thành phố cao hứng nói rằng tối hôm qua hoàng cung đã thức một đêm trắng, thì quan án tối cao Rassi sẽ đưa con người đùa dai ấy đến ngục thành ngay, một khi đã ở trong cái lầu cao thoáng gió đó, như người Parme thường nói thì phải đợi một sự mầu nhiệm nào xảy ra, người ta mới nhớ đến kẻ bị tù. Vì ngài là một quân nhân, và khi ở Tây Ban Nha, ngài đã hai mươi bận cầm súng ngắn tự giải cứu trong những trường hợp bất ngờ, cho nên điện hạ ưa bá tước Mossa hơn Rassi, một người mềm lưng và hèn hạ hơn nhiều.
Những tù nhân khốn nạn của ngục thành nói trên được giữ trong bí mật tuyệt đối và người ta kháo chuyện nhiều về họ. Những người tự do cho rằng theo một cái lệ mà Rassi đặt ra, những cai tù và cha rửa tội được lệnh giảng giải cho họ tin rằng đổ đồng mỗi tháng, có một người tù bị hành quyết. Ngày ấy, bọn tù được phép leo lên sân thượng cái tháp khổng lồ, cao sáu mươi sải để nhìn một đoàn người kéo đi, trong đó có một tên mật thám đóng vai tù nhân bị giải đến pháp trường. Những chuyện đó và hàng chục chuyện cùng loại không kém chân thực khiến bá tước phu nhân rất chú ý, hôm sau bà hỏi tỉ mỉ bá tước Mosca và giễu cợt ông sôi nổi. Bà thấy bá tước dễ ưa và khẳng định với bá tước ông đúng là một quái vật không tự biết mình.
Một hôm, về quán trọ bá tước tự nhủ: Nữ bá tước Pietranera không chỉ là một phụ nữ mê hồn, mà khi buổi tối ta ngồi với nàng ở buồng lô của nàng, ta còn quên được một vài sự việc trên đất Parme làm nhói lòng ta! “Mặc dù dáng người có vẻ dễ dãi, phong độ hào hoa, quan thượng thư này không có một tâm hồn kiểu Pháp, ông không biết quên những phiền muộn. Khi đầu giường ông có một cái gai, nhất thiết ông phải bẻ gai và châm nó vào tay chân rung động của mình cho đến lúc nó tù đi”. Tôi xin lỗi về cái câu dịch từ tiếng Ý đó.
Sáng hôm sau cái ngày bá tước khám phá ra điều đó, mặc dù đi Milan vì công việc, ông cũng thấy ngày quá dài, ông không thể ở yên một chỗ, ông đi hết nơi này đến nơi khác khiến cho mấy con ngựa kéo xe mệt lử. Vào khoảng sáu giờ chiều, ông cưỡi ngựa đi đến đường dạo mát, ông hy vọng gặp bá tước phu nhân Pietranera ở đấy. Không tìm thấy phu nhân, ông sực nhớ kịch viện Scala mở cửa lúc tám giờ. Ông đi vào đó, thấy không quá mươi người trong gian phòng mênh mông. Ông cảm thấy thẹn thẹn về sự có mặt của mình. “Đã già dặn bốn mươi lăm tuổi, ta đâu có thể liều lĩnh làm những việc mà một cậu thiếu úy cũng lấy làm hổ thẹn?" Cũng may là không ai ngờ cả! Ông lánh đi và cố giết thì giờ bằng cách dạo qua các phố xinh xắn chung quanh nhà hát, các phố ấy đầy những quán cà phê đông nghịt khách vào giờ đó, trước mỗi quán, một đám đông những kẻ tò mò chễm chệ trên ghế tựa đặt giữa đường, vừa ăn kem lạnh, vừa bình phẩm khách qua đường.
Bá tước là một khách qua đường đáng chú ý, cho nên ông hân hạnh được người ta nhận ra và kéo lại. Ba hay bốn lão trái gió, loại không thể từ khước vội vã, đã lợi dụng thời cơ để “yết kiến” vị bộ trưởng có uy quyền lớn. Hai người trong bọn đã đưa kiến nghị, người thứ ba tạm bằng lòng với những lời khuyên bảo dài dòng về đường lối chính trị của ông.
“Thông minh lắm thì không ngủ, quyền thế lắm thì không thể đi dạo chơi”. Bá tước nói thế. Ông trở lại nhà hát và nẩy sáng kiến thuê một buồng lô ở hàng thứ ba, từ buồng này có thể nhìn sâu vào buồng lô thứ hai mà không bị ai để ý, ở buồng lô đó ông hy vọng thấy nữ bá tước đến. Chờ đợi hai tiếng đồng hồ, gã si tình ấy không thấy quá lâu. Chắc chắn là sẽ không bị bắt chộp, ông ta sung sướng lao ngập người vào trò liều lĩnh điên dại của mình. Ông tự bảo: Người ta giá phải chăng trước hết là vì không thể làm những trò trẻ con lý thú đó?.
Cuối cùng bá tước phu nhân đến. Nâng ống nhòm lên, bá tước Mosca quan sát say sưa: Trẻ trung, lộng lẫy, nhẹ nhàng như con chim. Ông nghĩ thầm: “Nàng chưa đến hăm lăm. Kiều diễm ở nàng chỉ là điều mê hơn thứ yếu, làm sao tìm thấy ở một nhân vật nào khác cái tâm hồn luôn luôn thành thực ấy, cái tâm hồn không bao giờ chịu hành động thận trọng tự cao trọn vẹn vào ấn tượng buổi đầu cái tâm hồn chỉ chực được lôi cuốn vào cái mới lạ? Bây giờ ta mới hiểu vì sao bá tước Nani dại gái như vậy”.
Khi nghĩ đến việc chinh phục cái hạnh phúc trước mặt, thì bá tước tìm ra những lý lẽ tuyệt diệu để mà si dại, nhưng đến khi xét lại tuổi tác của mình và những mối lo âu đôi khi rất buồn trong cuộc sống, ông không thấy có những lý lẽ vững vàng như thế nữa. “Một người khéo mà mất khôn vì sợ hãi đã ban cho ta một cuộc sống huy hoàng và nhiều tiền bạc để phò tá hắn, nhưng nếu ngày mai, hắn bãi chức ta thì ta trở lại già cả, nghèo nàn, nghĩa là bị khinh thường hắt hủi nhất đời, một nhân vật quý hóa quá đáng làm quà cho bá tước phu nhân!” Những ý nghĩ ấy đen tối quá, bá tước xua đuổi để trở về với bà Pietranera. Ông nhìn phu nhân không biết chán, và để nghĩ về nàng cho thoải mái, ông không xuống buồng lô của nàng. “Nàng đến với Nani chỉ để làm bẽ mặt thằng Limercati ngu đần ấy mà thôi, người ta nói với mình như thế, vì thằng này không chịu thích một nhát kiếm hoặc khiến người ta đâm một nhát dao vào tên đã giết chồng nàng. Ta thì ta sẵn lòng đấu hai mươi bận vì nàng”, Bá tước sôi nổi kêu lên.
Ông luôn nhìn đồng hồ nhà hát, cái đồng hồ có những cây kim sáng rực nổi bật trên nền đen dùng để báo cho khán giả biết năm phút một lần cái lúc họ có thể đến buồng bạn. Bá tước nghĩ thầm: “Ta không thể ngồi quá nửa tiếng trong buồng nàng, vì ta mới quen nàng. Nếu ngồi lâu hơn, ta sẽ làm bia cho công chúng và nhờ tuổi tác của ta, nhờ nhiều hơn nữa ở mái tóc rắc phấn chết tiệt của ta, ta sẽ có cái lốt hấp dẫn của một Cassandre[48]. Một ý nghĩ mới chợt đến buộc ông quyết định: “Nếu nàng rời bỏ buồng lô để đi thăm ai thì ta thiệt biết bao nhiêu vì ta đã quá dè xẻn chính cái thú vui ấy”. Ông đứng lên để xuống buồng có nữ bá tước, bỗng nhiên ông thấy không buồn đi nữa. “Ái chà! Cái này mới hay đây! Ông kêu lên tự chế nhạo mình, và dừng lại ở thang gác. Ta bỗng đâm ra rụt rè e ngại! Đã hăm lăm năm nay có bao giờ như thế đâu?”.
Hầu như phải gắng gổ lắm, ông mới vào lô nữ bá tước được. Như một người tri ý, ông lợi dụng trạng thái đã diễn ra, không cố làm ra vẻ ung dung thoải mái, không mượn một câu chuyện lý thú để tỏ ra hóm hỉnh thông minh. Ông có gan giữ dáng mà rụt rè, ít nói, ông dùng sự thông minh của mình hé cho người ta thấy mình lúng túng, làm như vậy mà vẫn giữ cho không rơi vào lố bịch buồn cười. “Nếu nàng ác cảm thì ta đi đứt. Chao! Tóc đầy phấn như thế mà rụt rè, nếu không có phấn thì chẳng hoa râm là gì! Tuy nhiên, sự thực là như vậy, cho nên nó chỉ có thể lố lăng khi ta thêm thắt vào, hoặc ta phô trương”. Ở lâu đài Grianta, nữ bá tước đã nhiều phen ngấy cuộc đối diện với những mái tóc rắc phấn của ông anh, thằng cháu và mấy nhân vật đứng đắn chán ngắt trong vùng, cho nên bà không chú ý mái tóc của anh si tình mới này.
Bà bá tước hóm hỉnh nhờ vậy mà không bật cười lúc bá tước Mosca đi vào, bà tỏ ra chỉ chú ý đến những tin tức về nước Pháp mà Mosca bao giờ cũng dành riêng cho bà khi vào buồng lô. Chắc là ông có bịa đặt. Khi thảo luận tin tức với bá tước, tối ấy bà Pietranera để ý đến ánh mắt của ông và nhận thấy là đẹp và ân cần niềm nở. Bà nói:
— Tôi tưởng tượng là Parme, giữa những tên nô bộc của bá tước, bá tước không để cho cái nhìn của ngài đượm vẻ dễ ưa như vậy, bởi vì nếu thế thì hỏng tuốt còn gì, và bọn chúng sẽ có ít nhiều hy vọng không bị treo cổ.
Vẻ bình dị hoàn toàn ở một con người được coi là nhà chính trị số một của nước Ý rất lạ lùng dưới con mắt bá tước phu nhân, bà lại còn cho là ông ta có duyên. Cuối cùng vì ông ăn nói hay và nồng nhiệt, bà không lấy làm phật ý về việc ông muốn đóng vai người hâm mộ mình trong một buổi tối, không hậu quả.
Đây là một bước tiến dài và rất nguy hiểm, ở Parme thì ông bộ trưởng không gặp người phụ nữ nào nhẫn tâm chối từ, ở đây cũng may bá tước phu nhân mới từ Grianta đến được mấy hôm, trí óc hãy còn đặc nỗi chán chường trong cuộc sống nông thôn. Bà như đã quên bông đùa. Và tất cả những gì thuộc cảnh sống phong lưu bay bướm mà bà gặp lại như nhuốm một vẻ mới do đó trở thành thiêng liêng. Bà ở trạng thái chấp nhận tất, không hề thoáng có ý nghĩ chế nhạo một gã si tình đã bốn mươi lăm và nhút nhát. Giá lui đến tám hôm sau thì sự táo tợn của bá tước hẳn đã được đón nhận một cách khác hẳn.
Ở nhà hát Scala, đi thăm hỏi qua nhau trong các buồng lô, lệ thường người ta chỉ ngồi vài mươi phút, bá tước ngồi suốt buổi tối trong buồng mà ông có diễm phúc gặp bà Pietranera. “Người đàn bà này đem về cho ta tất những cuồng si của tuổi trẻ!” Ông nói. Nhưng ông cũng cảm thấy tất cả nỗi nguy hiểm. “Tính cách là trọng thần quyền uy vô thượng ở cách đây bốn mươi dặm có làm cho người ta tha thứ sự dại dột này không? Ở Parme ta buồn chán bao nhiêu!”. Tuy nhiên cứ hết khắc này đến khắc khác ông tự hứa sẽ đi ra.
— Thưa phu nhân! Ông cười nói với nữ bá tước —Tôi phải thú nhận là ở Parme, tôi chết buồn, chết chán, bởi vậy phải cho phép tôi say sưa những thú vui mà tôi tìm thấy trên đường. Cho nên, phu nhân cho phép tôi đóng vai si tình bên cạnh người trong một buổi tối, không hậu quả. Chao ôi! Trong vài hôm nữa tôi sẽ ở rất xa cái buồng lô đã giúp tôi quên hết mọi nỗi ưu tư, và chắc phu nhân sẽ nói cả phép lịch sự nữa.
Tâm hồn sau cuộc đi thăm quái đản ở buồng lô nhà hát Scala và sau nhiều biến cố nhỏ kể ra thì quá dài, bá tước Mosca thực sự yêu say đắm. Còn phu nhân Pietranera thì đã nghĩ rằng tuổi tác chẳng trở ngại gì nếu thấy người ta quả đáng yêu. Họ đang ở trạng thái ấy thì có tin gọi bá tước Mosca trở về Parme. Làm như nhà vua ở một mình đâm lo sợ! Phu nhân Pietranera trở về Grianta, trí tưởng tượng của bà không tỏ vẻ cho thắng cảnh ấy nữa, bà thấy ở đấy vắng vẻ quá. Bà tự hỏi: “Ta quyến luyến người này rồi sao? Mosca viết thư mà không biết bịa gì, sự vắng mặt đã cất cánh trí tuệ ông, thư ông dí dóm, đọc thấy vui vui. Ông làm một việc là lạ mà bà tước phu nhân cũng cho là hay, ông phái người đến bỏ thư ở các hòm thư tại Côme, Lecco và Varèse hoặc một thị trấn xinh xinh nào khác ở vùng quanh hồ, để tránh những lời bình luận của hầu tước Del Dongo ngài vốn không ưa trả cước phí [49]. Bá tước làm thế vốn là mong người mang thư đi được mang thư phúc đáp trở về. Ông đạt nguyện vọng.
Rồi thì những ngày nhận thư là những ngày đáng ghi nhớ của nữ bá tước. Những người liên lạc đưa tới nào hoa, nào quả, và những quà nhỏ ít giá trị nhưng làm vui lòng bá tước phu nhân và người chị dâu. Nghĩ đến bá tước, bà cũng đồng thời nghĩ đến uy quyền lớn của ông, bà sinh tọc mạch, muốn biết tất cả những gì người ta nói về ông, chính những người phái tự do cũng phải thán phục tài năng ông.
Người ta nói xấu ông chủ yếu vì người ta coi ông là lãnh tụ của đảng bảo hoàng cực đoan ở triều đình Parme, mà đảng tự do thì người cầm đầu là một con mụ có lắm mưu mô, có khả năng làm tất, có khả năng thành công nữa, mụ hầu tước Raversi giàu sụ. Quận vương rất chú ý không để cho đảng không cầm quyền thất vọng, ông biết rằng bao giờ ông cũng là người chủ, dù lập một nội các gồm toàn những người lui tới ở phòng khách bà Raversi cũng thế thôi. Ở Grianta, người ta kể hàng nghìn chi tiết về những mưu đồ đó. Bá tước Mosca thì người ta diễn tả như một bộ trưởng tài năng nhất và là một con người quen hành động, ông vắng mặt thì nữ bá tước cũng quên đi nghĩ đến mái tóc phấn tượng trưng cho sự lạc hậu và buồn rầu, đó là chi tiết không có tác dụng gì một tục lệ ở triều đình mà nơi đó thì vai trò của ông rực rỡ. Nữ bá tước nói với bà hầu tước:
— Triều đình là một cái gì buồn cười nhưng vui đáo để, đó là một trò chơi lý thú, nhưng phải thừa nhận luật lệ của nó. Có đời nào người ta nghĩ đến việc phản đối luật lệ buồn cười của bài whist chứ? Tuy nhiên, một khi quen đánh rồi thì bắt được đối phương ôm cả bộ bài lên tay cũng thú đấy chứ.
Bá tước phu nhân thường nghĩ đến người đã viết bao nhiêu bức thư dễ ưa kia. Ngày nhận thư là một ngày thú vị, và lấy xuồng đi đến những khu cảnh đẹp trên hồ để đọc, ở Pliniana, Bélan hay trong rừng của dòng họ Sfondrata. Những thư ấy hình như ở ít nhiều làm phu nhân khuây khỏa về sự vắng mặt của Fabrice, ít ra là bà không thể không chịu cho bá tước say mê mình, chưa quá một tháng, bà đã nghĩ đến bá tước Mosca với một tình cảm trìu mến. Về phần bá tước Mosca, ông gần như trung thực khi ông đề nghị với phu nhân được đánh đổi chức vị bộ trưởng lấy cuộc sống bên cạnh bà ở Milan hoặc một nơi nào khác. “Tôi có bốn trăm nghìn francs! Ông nói thêm - Thế là hai chúng ta có mười lăm nghìn francs lợi tức đồng niên”. Bà bá tước nghĩ thầm: “Mình sẽ có buồng lô, có ngựa, xe trở lại…”. Đó là những mơ mộng thú vị.
Những vẻ đẹp tuyệt vời trên hồ Côme lại cuốn hút bà Pietranera. Bà đến ngồi trên bờ mơ tưởng cuộc sống huy hoàng kỳ lạ có thể trở lại với bà dù trông bên ngoài không thấy có khả năng ấy nữa. Bà thấy mình lại ở trên con đường dạo mát Corso ở Milan, sung sướng và vui nghịch như dưới thời phó vương. “Trời xuân hay ít nhất là cuộc đời linh hoạt sẽ bắt đầu trở lại với ta!”.
Một đôi khi trí tưởng tượng bốc lửa khiến nữ bá tước không nhìn thấy đôi điều, nhưng ở bà, không bao giờ có những ảo tưởng tự tạo do hèn nhát. Đó là một người đàn bà thành thật với mình trước hết. “Ta có hơi lớn tuổi nên chắc sẽ không làm cái gì ngông dại, đành vậy, nhưng mà lòng ham muốn bằng người, nó cũng tạo nên ảo tưởng như tình yêu, sẽ đầu độc cuộc sống của ta ở Milan! Sau khi chồng ta mất, cảnh nghèo khó thanh cao của ta được mọi người ca ngợi, cũng như việc ta từ chối hai cái gia tài lớn. Cái anh chàng bá tước Mosca tội nghiệp của ta không có nổi đến một phần hai mươi cái sang giàu mà hai thằng ngốc Limercati và Nani mang đặt dưới chân ta. Cái món trợ cấp quả phụ mỏng manh, chật vật lắm mới đòi được, kẻ hầu người hạ thải về, việc nầy có tiếng vang lớn, cái phòng nhỏ trên gác năm mà thu hút đến trước cổng những vài chục xe tứ mã, tất cả những cái ấy ngày xưa gây nên một cảnh tượng lạ lùng. Nhưng mà ngày nay thì dù khéo léo bao nhiêu, ta cũng không tránh khỏi những giờ phút bực mình nếu cũng chỉ với món trợ cấp quả phụ đó, ta trở về sống lại ở Milan trong cảnh sung túc tầm thường của người thị dân bằng số lợi tức mười lăm nghìn francs còn lại cho Mosca sau khi từ chức. Một trở lực mạnh mẽ, mà tính đố kỵ của kẻ khác sẽ lợi dụng làm một vũ khí ghê gớm, là cái việc bá tước có vợ, mặc dù đã cách cư với vợ từ lâu. Vụ cách cư ấy ở Parme ai cũng biết, nhưng ở Milan là một tin mới, và người đời sẽ cho là tại ta. Cho nên, nhà hát Scala đẹp đẽ của ta, hồ Côme thần tiên của ta… vĩnh biệt! Đành vĩnh biệt!”.
Mặc dù thấy trước như vậy, nhưng giá bá tước phu nhân có chút ít của cải, hẳn bà đã chấp nhận sự từ chức của bá tước Mosca. Bà tưởng tuổi xuân đã vãn và bà sợ cảnh cung đình, về phần Mosca điều này ở phía bên này dãy núi Aples sẽ cho là thậm vô lý, bá tước Mosca mà được bà cho phép từ chức thì sẽ lấy làm sung sướng quá. Nếu không hẳn thế thì ít ra, đó là điều mà ông đã làm cho bà bạn của ông tin chắc. Trong tất cả những bức thư của ông, ông đều cầu xin một cách cuống cuồng, ngày càng cuống cuồng, một cuộc hội kiến ở Milan, ông được toại nguyện. Một hôm ở Milan, bá tước phu nhân nói với bá tước Mosca:
— Thề nguyện với anh rằng em yêu anh say đắm là dối trá, em sẽ sung sướng bao nhiêu nếu ngày nay quá ba mươi tuổi em cũng yêu được như ngày xưa thuở hăm hai! Nhưng em đã thấy sụp đổ bao nhiêu cái mà em tưởng là vĩnh cửu rồi! Đối với anh, em có một tấm lòng trìu mến vô hạn, em tin cậy anh hoàn toàn, trong tất cả đàn ông, anh là người em quý nhất.
Bá tước phu nhân tưởng mình tuyệt đối thành thật, nhưng ở đoạn cuối lời tuyên bố, có một sự dối trá nho nhỏ. Nếu Fabrice muốn thì có lẽ anh đã vượt lên trên tất cả trong quả tim phu nhân. Trong con mắt của bá tước, Fabrice chỉ là một chú bé, ông đến Milan ba hôm sau khi anh nhỏ nông nổi đó đi Navare, và ông vội vàng can thiệp cho anh ta với nam tước Binder. Bá tước nghĩ rằng lưu vong là một việc không tránh được.
Bá tước không đến Milan một mình. Trong xe ông còn có công tước Sanseverina Taxis, một ông già bé nhỏ, xinh xắn, sáu mươi tám tuổi, tóc hoa râm, rất lễ phép, rất sạch sẽ, giàu có thì vô hạn nhưng quý tộc thì chưa vừa. Chỉ mới từ đời ông nội ngài làm tổng quản lý lợi tức quốc gia Parme và tích lũy bạc triệu. Thân sinh ngài vận động được bổ nhiệm làm sứ thần cùa quận vương Parme ở triều đình nước X. Qua cuộc luận lý như sau: “Điện hạ cấp ba mươi nghìn francs cho sứ thần của ngài ở X, nhưng ông ấy lu mờ. Nếu điện hạ chiếu cố ban cho tôi chức vị ấy, tôi chỉ nhận sáu nghìn francs tuế bổng. Tiêu phí của tôi ở triều đình X sẽ không bao giờ dưới một trăm nghìn francs đồng niên và người quản gia của tôi sẽ nạp hai nghìn francs mỗi năm cho quỹ của bộ ngoại giao Parme. Với số tiền ấy, triều đình muốn cử ai làm tham tán sứ quán cũng được cả và tôi không đòi hỏi được biết gì về những bí mật ngoại giao, nếu có. Mục đích của tôi là làm cho cái gia huy của tôi bóng lộn lên, vì nó hãy còn mới quá, và tô vẽ nó bằng một trong những chức vị lớn trong nước”.
Vị công tước hiện nay là con của quan sứ thần đó, ông trót vụng về tỏ ra có cảm tình với đảng tự do và từ hai năm nay ông rất khổ tâm về việc ấy. Thời Napoléon vì cứ khăng khăng ở nước ngoài, ông đã mất hai mươi ba triệu, thế mà từ khi trật tự ở châu Âu được khôi phục, ông cũng vẫn không được thưởng cái băng nhất đẳng bội tinh gì đó đã từng tô điểm chân dung bố ông. Thiếu cái băng ấy ông phiền muộn mỏi mòn.
Ở Ý, khi đôi tình nhân đã đến bối cảnh thân mật theo sau tình yêu thì không có những trở ngại sĩ diện đối với nhau nữa. Cho nên rất hồn nhiên, Mosca nói với người phụ nữ mình say đắm:
— Tôi có hai hay ba kế hoạch xử trí để hiến cho em, cái nào cấu tạo cũng khá cả. Tôi chỉ mơ tưởng đến đó ba tháng nay:
Một là tôi xin từ chức và chúng ta sẽ sống như những thị dân bình thường ở Milan, ở Florence, ở Naples hay ở đâu tùy em. Chúng ta có mười lăm nghìn francs thực lợi đồng niên, không kể những ân huệ mà quận vương còn tiếp tục ban ít lâu nữa.
Hai là em hạ cố đến ở cái xứ mà tôi có ít nhiều thế lực, em mua một trang ấp, ấp Sacca chẳng hạn, có nhà ở xinh xắn, giữa một khu rừng nằm trên bờ sông Pô, em có thể lấy văn tự bán ký xong trong vòng tám hôm. Hoàng thân sẽ mời em dự triều nghi. Tuy nhiên đến chỗ này ta thấy có một trở ngại rất lớn. Người ta sẽ tiếp nhận em sốt sắng ở triều đình, sẽ không có ai ho he gì trước mặt tôi, vả lại vương phi đang cho là mình đau khổ và vì em, tôi đã giúp bà nhiều việc. Nhưng tôi nhắc em một trở ngại căn bản, quận vương hoàn toàn ngoan đạo mà số kiếp tôi xui nên tôi trót có vợ, điều này em cũng biết. Từ đó có cả một khối những bất tiện chi tiết. Em là quả phụ, đó là một danh vị đẹp cần đánh đổi với một danh vị khác, và đây là nội dung đề nghị thứ ba của tôi.
Ta có thể kiếm một đức ông chồng mới không bận bịu cho em. Nhưng trước hết, hắn phải cao tuổi, bởi vì có lẽ đâu em không cho tôi nuôi cái hy vọng được kế vị hắn? Cho nên tôi đã giao ước về vụ hôn nhân đặc biệt này với công tước Sanseverina Taxis, tất nhiên là chưa cho ông ấy biêt tên của công tước phu nhân tương lai. Ông ta chỉ biết là bà đó sẽ làm cho ông ta trở thành sứ thần và sẽ cho ông cái băng nhất đẳng, mà ngày xưa ông bố đã có, còn ông con ngày nay thì không có cho nên hóa ra người bất hạnh nhất trên đời. Ngoài cái đó ra thì ông công tước không đến nỗi ngốc lắm, ông may áo quần và đặt làm tóc giả tại Paris. Ông hoàn toàn không phải là một người có những dự tính hiểm ác, ông thực sự tin là danh dự vốn ở cái băng bội tinh và ông biết xấu hổ vì của cải. Năm ngoái, ông ta đến đề nghị với tôi cho ông lập một bệnh viện để lấy cái băng ấy. Tôi đã chế giễu ông ta, trái lại, ông ta không chế giễu tôi khi tôi đề nghị một cuộc hôn nhân. Điều kiện đầu tiên của tôi dĩ nhiên là không bao giờ ông được đặt chân trở lại thành phố Parme.
— Nhưng anh có biết cái điều anh đề nghị với em là quá vô đạo hay không? Nữ bá tước nói.
— Cũng chẳng vô đạo hơn những việc người ta làm ở triều đình chúng tôi và hai mươi triều đình khác. Chính quyền chuyên chế có cái tiện là làm cho cái gì cũng trở nên thiêng liêng đối với nhân dân, mà một sự lố bịch người ta không nhận thấy thì còn lố bịch vào đâu được? Đường lối chính trị của chúng tôi trong vòng hai mươi năm tới là kiêng sợ những người Jacobins, sợ ghê gớm! Mỗi năm chúng tôi mỗi lo họa 93[50] sẽ xảy ra vào năm sau.
Tôi hy vọng em sẽ nghe những bài diễn văn tôi đọc vào những buổi tiếp tân lớn, về vấn đề đó! Hay lắm đấy! Tất cả những gì làm giảm đi chút ít mối lo sợ đó sẽ tuyệt vì đạo đức đối với những người quý tộc và những kẻ ngoan đạo. Mà ở Parme thì ai không quý tộc hoặc không ngoan đạo đều đã ở tù hoặc đang soạn hành lý để vào tù. Em hãy tin rằng cuộc hôn nhân này chỉ bị dị nghị khi tôi thất sủng mà thôi. Chúng ta xếp đặt thế nào quý hồ không lừa đảo ai, đó là điều thiết yếu, tôi nghĩ thế. Chúng ta lấy ân sủng của quận vương làm nghề nghiệp mà thôi để chuẩn y, là bà công tước tương lai phải xuất thân quý tộc.
Năm qua, chức vị của tôi, tính tất, đã đem lại cho tôi một trăm linh bảy nghìn francs, thu hoạch cho tôi tổng cộng thế là được một trăm hai mươi hai nghìn. Nào em hãy chọn đi: Hoặc là sống một cách vương giả dựa vào món tiền một trăm hai mươi hai nghìn francs để tiêu xài, một trăm hai mươi hai nghìn ở Parme thì cũng bằng bốn trăm nghìn ở Milan, nhưng phải chịu lấy một người mà em chỉ nhìn thấy mặt ở lễ cưới và mang cái tên khá khổ của người đó. Hoặc sống một cuộc đời thị dân bình dị vớí mười lăm nghìn francs ở Florence hay ở Naples, bởi vì tôi cũng đồng ý với em, người ta đã tôn quý em nhiều quá ở Milan, sự ham muốn sẽ dầy vò chúng ta và có lẽ sẽ làm chúng ta khổ sở bực bội. Tôi hy vọng cuộc sống phú quý ở Parme sẽ có đôi sắc thái mới lạ, cả đối với con mắt của em đã từng nhìn thấy triều đình hoàng thân Eugène. Biết nó rõ trước khi bỏ mà đi thì cũng hay. Đừng tưởng rằng tôi tìm cách lái sự lựa chọn của em, về phần tôi thì tôi đã chọn dứt khoát: Tôi thích sống ở tầng gác tư với em hơn là tiếp tục cảnh sống sang trọng này một mình.
Ngày nào đôi tình nhân cũng thảo luận về khả năng cuộc hôn nhân khác thường kia. Bá tước phu nhân gặp công tước Sanseverina Taxis ở vũ hội kịch viện Scala và thấy ông ta cũng dễ coi. Vào một trong những cuộc trao đổi cuối cùng, bá tước tóm tắt những đề nghị của mình như sau:
— Phải quyết định đi, nếu chúng ta muốn sống nốt cuộc đời của chúng ta một cách nhẹ nhõm và không già trước tuổi. Hoàng thân đã chuẩn y. Sanseverina là một nhân vật khả quan chứ không đến nỗi tồi. Ông ta có cái dinh thự đẹp nhất ở Parme và một gia tài không giới hạn. Ông sáu mươi tám tuổi và có một đam mê điên cuồng là cái băng bội tinh nhất đẳng. Nhưng một vết lớn làm hỏng cuộc đời ông, đó là việc ngày xưa, ông đã mua một pho tượng Napoléon bán thân do Canova tạc, giá mười nghìn francs. Tội lỗi thứ hai của ông nó sẽ làm cho ông chết mất nếu em không cứu, là ông đã cho Ferrante Palla vay hai mươi lăm đồng Napoléon, Ferrante là một anh điên nhưng cũng hơi hơi là một thiên tài, mà chúng tôi đã tuyên án tử hình lâu nay, cũng may là tuyên án vắng mặt. Cái anh chàng Ferrante ấy đã làm hai trăm câu thơ trong cuộc đời mình, hai trăm câu không có thơ nào sánh kịp. Tôi sẽ đọc cho em nghe một hôm nào, tuyệt vời như Dante.
Hoàng thân sẽ phái Sanseverina đến triều đình X, ông ấy sẽ cưới em ngày ông lên đường và sang năm thứ hai cuộc hành trình mà ông gọi là sứ trình, ông sẽ nhận cái băng choàng nhất đẳng, không có nó ông không sống nổi. Em sẽ tìm thấy ở một người anh lớn chẳng khó chịu tí nào, ông sẽ ký trước tất cả những giấy tờ mà tôi muốn, vả lại em muốn thỉnh thoảng gặp ông ta hay không muốn gặp gì hết cũng tùy em. Ông ta cũng không thiết có mặt ở Parme, nơi ông nội ông ta trưng thầu thuế và bản thân ông bị vướng víu với tiếng đồn là thuộc phái tự do. Rassi, tên đao phủ của chúng tôi báo ông ta có mua báo Người lập hiến dài hạn, và điều vu khống ấy trong một thời gian dài là một trở ngại đáng kể, khiến hoàng thân không chấp thuận việc ông cử công tước làm đại sứ.
Sao lại bảo nhà viết sử có lỗi khi họ ghi lại trung thành những chi tiết nhỏ nhặt nhất mà người ta kể với họ? Phải đâu lỗi của họ nếu các nhân vật bị cám dỗ bởi những say đắm, mà thương hại thay, họ không dự phần! Và đã rơi vào những hành động phi đạo lý sâu sắc? Đúng là những việc như thế không xảy ra nữa ở một xứ mà đam mê duy nhất sống sót trong các đam mê là lòng ham tiền, phương tiện của phô trương.
Ba tháng sau những sự kiện thuật trên đây, công tước Sanseverina Taxi phu nhân làm cho triều đình Parme ngạc nhiên về tính ân cần dễ dãi và sự trong sáng cao đẹp ở trí tuệ của phu nhân. Nhà bà là chỗ hẹn lý thú nhất trong thành phố, không đâu so sánh nổi. Đó là điều mà bá tước Mosca đã hứa hẹn với quận vương. Hai phu nhân danh vị cao nhất ở triều đình giới thiệu công tước phu nhân với quận vương trị vì Ranuce Ernest IV và vương phi, quận vương và vương phi đã tiếp kiến phu nhân một cách rất trân trọng. Công tước phu nhân háo hức muốn gặp vị hoàng thân quyết định vận mệnh của người mình yêu, muốn làm vui lòng ngài và đã thành công quá mức. Bà gặp một người cao lớn nhưng hơi thô, tóc, râu mép và râu má dày rậm của ông, theo các triều thần thì có màu vàng óng ả, ở nơi khác, có lẽ sắc màu mờ nhạt của nó sẽ gợi lên cái danh từ xấu xa là râu đay. Giữa một khuôn mặt to bự, nhô thấp thấp một cái mũi quá nhỏ, như mũi phụ nữ. Tuy nhiên công tước phu nhân thấy là muốn nhận ra những nét xấu xí ấy phải tìm tòi phân tích chi tiết gương mặt của hoàng thân. Còn nói chung thì ông vẫn có vẻ là một người thông minh, cương nghị. Dáng điệu hoàng thân không phải là không oai, nhưng nhiều khi ông muốn áp đảo người đối diện, những lúc đó, chính ông trở nên lúng túng và hết đứng trên chân này lại đứng trên chân kia, luôn luôn đu đưa như một quả lắc. Tuy nhiên Ernest IV có một cái nhìn xoắn sâu và oai vệ. Đôi tay của ông cử động một cách cao nhã, lời nói của ông mực thước, cô đọng.
Mosca đã nói trước cho công tước phu nhân biết trong phòng khách của quận vương có một bức chân dung Louis XIV toàn thân và một cái bàn kiểu scagliola xứ Florence rất đẹp. Phu nhân thấy sự học đòi quá rõ. Hoàng thân tìm học cái nhìn của Louis XIV, lời nói cao nhã của Louis XIV và ngài tựa người vào cái bàn scagliola để có dáng điệu của Joseph II. Sau mấy lời chào hỏi công tước phu nhân, ngài ngồi xuống để cho phu nhân có thể dùng cái ghế đẩu dành cho hạng mình. Ở triều đình đó, chỉ có những bà công tước, những bà nữ vương tước và những mệnh phụ vợ các quan đại thần Tây Ban Nha là có quyền ngồi, những bà khác phải chờ quận vương hay vương phi bảo, để giữ sự cách biệt của vị thứ, bao giờ các bậc chí tôn này cũng chú ý để một thời gian ngắn trôi qua rồi mới mời những bà không phải công tước ngồi xuống. Công tước phu nhân nhận thấy có đôi lúc hoàng thân học đòi Louis XIV có phần lộ liễu.
Ernest IV mặc một cái áo lễ đúng mốt, may tại Paris. Từ thành phố mà ngài ghét cay ghét đắng ấy, người ta gửi đến cho ngài mỗi tháng một áo lễ, một áo ngoài và một cái mũ. Nhưng ngày hôm tiếp công tước phu nhân, ngài xen trộn quần áo một cách kỳ quặc và mặc một cái quần chẽn đỏ, một đôi bít tất tơ và một đôí giầy không cổ lấy kiểu ở mấy chân dung vua Joseph II[51].
Hoàng thân tiếp bà Sanseverina niềm nở. Ngài nói với phu nhân những lời thông minh và tế nhị. Tuy nhiên bà vẫn nhận thấy rõ ngài giữ gìn mực thước.
— Em có biết vì sao không? – bá tước Mosca hỏi nữ công tước khi phu nhân bệ kiến trở về - Là vì Milan là một thành phố lớn hơn và đẹp hơn Parme, ông sợ nếu tiếp em ân cần nồng nhiệt như tôi mong đợi và như ông đã cho tôi cái hy vọng ấy thì ra dáng một anh chàng tỉnh nhỏ đang mê hồn trước vẻ kiều diễm của một bà lớn từ thủ đô về. Ngoài ra, chắc chắn ông còn bực dọc về một đặc điểm mà tôi không dám nói với phu nhân; Hoàng thân không thấy bà nào ở triều đình ngài có thể địch được với phu nhân về nhan sắc. Tối hôm qua, trước khi đi ngủ, đó là đề mục trao đổi duy nhất với quan hầu phòng nhất đẳng Pernice, ông này vốn xử tốt với tôi. Tôi đoán trước sẽ có một cuộc cách mạng nhỏ trong nghi lễ. Kẻ thù lớn nhất của tôi trong triều đình là một tên ngu đần, người ta gọi là tướng Conti. Em hãy tưởng tượng xem một tên gàn bát sách có lẽ cả đời chỉ dự trận một ngày thôi, nhưng lại căn cứ vào đó để bắt chước dáng đi lối đứng của vua Frédéric vĩ đại. Hơn thế, hắn định tái bản tính ân cần cao quý của tướng Lafayette, bởi hắn là lãnh tụ của đảng Tự do ở đây. (Có Chúa mới biết những người tự do thế nào!).
— Em có biết tướng Fabio Conti ấy, - nữ công tước nói – Em có trông thấy hắn ta ở gần Côme hắn cãi cọ với bọn sen đầm.
Phu nhân thuật lại một sự kiện nhỏ mà bạn đọc có lẽ còn nhớ.
— Một ngày kia, phu nhân sẽ biết trí tuệ của phu nhân có lĩnh hội hết những cái sâu sắc trong nghi lễ của chúng tôi không, chẳng hạn các tiểu thư chỉ được phép có mặt ở triều đình sau khi có chồng. Ấy, hoàng thân có một niềm tự hào yêu nước nóng bỏng về sự hơn hẳn của thành phố Parme đối với tất cả các thành phố khác, nóng bỏng đến nỗi tôi dám đánh cuộc là ngài sẽ tìm cách tiếp nhận vào cung đình cô bé Clélia Conti, con gái của Fabio Conti ấy. Cô bé đến xinh và tám hôm về trước còn được coi là con người đẹp nhất trong đất nước của hoàng thân.
— Tôi không biết! Bá tước nói tiếp - Những điều ghê tởm người ta công bố về quận vương có bay đến lâu đài Grianta hay không. Người ta diễn tả ông như một quái vật, một con yêu tinh. Trên thực tế thì Ernest IV đầy những đức tính tốt nhỏ và ta có thể nói thêm rằng nếu ông ta cũng có khả năng không thụ thương như Achille, thì ông sẽ là một vương chủ kiểu mẫu. Nhưng trong một cơn buồn chán và giận dữ, đồng thời cũng để phần nào bắt chước vua Louis XIV chặt đầu nhân vật kiệt xuất nào không biết của đám giặc Fronde[52], mà người ta tìm thấy sống yên ổn và ngang tàng trong một trang trại gần Versailles năm mươi năm sau cuộc loạn ấy, Ernest IV đã cho treo cổ hai nhân vật phái tự do một hôm nào đó. Hình như bọn dại dột ấy tụ họp định kỳ để nói xấu hoàng thân và tha thiết cầu trời rắc ôn dịch xuống thành Parme để cho họ thoát ách tên bạo chúa. Tiếng bạo chúa được xác minh. Rassi gọi thế là phiến loạn. Hắn buộc quan tòa tuyên án tử hình và việc hành hình một trong hai người đó, bá tước L. diễn ra quá tàn nhẫn. Việc này xảy ra trước khi tôi đến.
“Từ cái giờ phút tai hại ấy! Bá tước hạ giọng nói tiếp - Hoàng thân thường lên những cơn hoảng hốt không xứng đáng với một người đàn ông, nhưng lại là nguồn ân sủng duy nhất đối với tôi. Không có sự sợ hãi chủ đạo ấy thì tài năng của tôi sẽ bị coi là quá cộc cằn, cứng nhắc đối với triều đình nhung nhúc kẻ ngu này. Phu nhân có tin nổi là hoàng thân dòm dưới các gầm giường trước khi lên ngủ hay không? Và ngài chi một triệu, một triệu ở Parme bằng bốn triệu ở Milan để có một tổ chức an ninh mẫn cán. Công tước phu nhân ạ, tay trùm an ninh ghê gớm đó đang đứng trước mặt phu nhân. Bằng công cụ an ninh, tức là bằng sự sợ hãi, tôi trở thành bộ trưởng bộ chiến tranh và bộ trưởng bộ tài chính. Và vì bộ trưởng bộ chiến tranh và bộ trưởng của tôi trên danh nghĩa, tôi đã làm cho bá tước Zurla Contarini được nhận bộ ấy, ông ta làm việc như một con bò kéo cày u mê, ông có cái thú viết mỗi ngày tám mươi bức thư. Sáng nay tôi cũng vừa nhận được bức thư trên đó bá tước Contarini sung sướng tự tay mình ghi số 20.715”.
Công tước phu nhân Sanseverina được bệ kiến vương phi Calara Paolina, vì chồng có một nhân tình, một người đàn bà khá xinh đẹp, nữ hầu tước Balbi. Vương phi tự cho mình là người phụ nữ đau khổ nhất trần gian, có lẽ do đó mà bà hóa ra người đáng chán nhất. Nữ công tước đứng trước một phụ nữ cao lớn và rất gầy, chưa đầy ba mươi sáu mà có vẻ như kẻ năm mươi. Một gương mặt đều đặn và thanh tú, có cặp mắt to, tròn, cận thị làm hại chút ít, vẫn có thể coi là đẹp nếu vương phi không tự bỏ bê nhan sắc. Bà tiếp nữ công tước một cách rụt rè e lệ, sự rụt rè rõ rệt đến nỗi mấy triều thần đối lập với bá tước dám nói vương phi có vẻ là người đến bệ kiến, còn công tước phu nhân lại là nữ vương chủ. Công tước phu nhân bị bất ngờ và khó xử không biết tìm đâu ra những câu, những tiếng để đặt mình ở một vị trí thấp hơn vị trí mà vương phi tự đặt vương phi vào. Bà phi tội nghiệp thực ra không kém thông minh, để cho bà tự tin và bình tĩnh, công tước phu nhân không biết cách nào khác hơn là mớm một cuộc bình luận về thực vật học và kéo dài nó ra. Vương phi quả là thông thạo về môn ấy, bà có những lồng kính đẹp với vô số cây cỏ nhiệt đới. Công tước phu nhân chỉ muốn gỡ một nước bí cho mình, không ngờ đã chinh phục vĩnh viễn vương phi Clara Paolina, lúc đầu vương phi rụt rè ngần ngại, về sau thì tự nhiên thoải mái đến nỗi bất chấp nghi lễ, phi kéo dài cuộc tiếp kiến lần đầu này đến một giờ mười lăm phút. Hôm sau công tước phu nhân sai mua một số thực vật phương xa xứ lạ và nghiễm nhiên tự nhận là một người say mê thực vật học.
Vương phi sống rất gần gũi với đức cha Landriani đáng kính, tổng giám mục thành Parme. Đó là một người thông thái, hơn thế một người thông minh, một người rất lịch sự, nhưng khi ông ngồi trên chiếc ghế màu đỏ sẫm (vị trí đặc quyền của ông) đối diện với vương phi, vây quanh có các phu nhân tiếp tân và hai phu nhân tùy tùng thì cảnh tượng thật lạ lùng. Ông cố đạo có mớ tóc dài trắng phau lại còn nhút nhát, ít lời hơn vương phi nữa, ngày nào họ cũng gặp nhau, thế mà tất cả những cuộc tiếp kiến đều bắt đầu bằng mười lăm phút dằng dặc trong im lặng. Đến nỗi một bà tùy tùng, nữ bá tước Alvizi đã trở thành hầu như một người sủng ái, bởi vì bà có cái thuật khuyến khích họ phá tan bầu không khí im lặng và nói chuyên với nhau.
Cuộc tiếp kiến cuối cùng là cuộc tiếp kiến của điện hạ đông cung thế tử. Thế tử cao lớn hơn cha và rụt rè hơn mẹ. Ngài đang tuổi mười sáu, ngài giỏi về khoáng sản học. Ngài đỏ bừng mặt khi thấy bà công tước bước vào và ngài mất phương hướng đến nỗi không nghĩ ra câu nào để nói với bà mệnh phụ diễm lệ ấy. Thế tử là một người rất đẹp trai, ngài sống hầu như trong rừng, với một chiếc búa trên tay. Khi công tước phu nhân đứng lên để chấm dứt cuộc tiếp kiến lặng lẽ này thì thế tử la lớn:
— Trời ơi! Phu nhân xinh quá!
Bà khách không cho như thế là thiếu trang nhã.
Vài ba năm trước khi bà công tước Sanseverina đến Parme, bà hầu tước Balbi, thiếu phụ hăm lăm tuổi, có thể được coi là mẫu người hoàn thiện nhất của vẻ đẹp Ý. Bây giờ thì cũng vẫn là đôi mắt đẹp nhất đời và những điệu bộ duyên dáng nhất ấy, nhưng nhìn gần, làn da nữ hầu tước mang vô số những nếp nhăn nhíu nhỏ khiến cho phu nhân có vẻ như một bà già trẻ. Nhìn với khoảng cách nhất định chẳng hạn như khi bà ở trong buồng lô nhà hát, người ta thấy bà hãy còn là một người có nhan sắc, và đám bình dân cho là quận vương có khiếu thẩm mỹ cao. Tối nào ngài cũng đến nhà hầu tước phu nhân Balbi, nhưng thường chẳng mở miệng nói gì, còn người thiếu phụ tội nghiệp thấy hoàng thân chán ngán như vậy thì gầy mòn đi một cách dị thường. Hầu tước phu nhân tự cho là một người tinh tế vô song và luôn luôn có nụ cười ngụ ý, bà có hàm răng đẹp tuyệt trần và vì không có óc phán đoán, bà cứ cười hú họa, mong cho người ta hiểu một cái gì khác những lời bà nói, qua một nụ cười có ý tứ. Bá tước Mosca nói rằng chính những nụ cười liên miên, nở ra trong khi bụng chỉ muốn ngáp dài, đã làm cho da mặt bà nhăn nheo tợn như vậy.
Bà Balbi xen vào mọi việc và nhà nước không tiến hành một vụ giao dịch nào một nghìn francs mà không có một kỷ niệm gì cho hầu tước phu nhân (tiếng kỷ niệm này là một tiếng lương thiện ở Parme). Người ta đồn bà có sáu triệu francs đặt lãi ở Anh, nhưng thực ra, gia sản mới mẻ của bà mới lên đến một triệu năm trăm nghìn thôi. Bá tước Mosca nhận bộ tài chính là để tránh những thủ đoạn tinh xảo của phu nhân và có được sự lệ thuộc của bà ta. Mối cảm xúc duy nhất của bà là sự lo sợ, trá hình thành tính keo kiệt bẩn thỉu. Đôi lúc, bà nói với hoàng thân: ”Tôi sẽ chết trên ổ rơm." Lời ấy làm cho hoàng thân rất bực bội. Công tước phu nhân để ý thấy trong phòng đợi lộng lẫy vàng son của dinh thự Balbi chỉ thắp có một cây nến mỡ bò chảy mỡ trên mặt bàn cẩm thạch quý giá, còn các cửa phòng khách thì đầy những vết tay đen đủi của bọn kẻ hầu. Bà nói với ông bạn:
— Bà ấy tiếp tôi như đang mong đợi ở tôi một món thù lao năm mươi francs.
Sự thành công của công tước phu nhân có ít nhiều bị gián đoạn bởi cuộc tiếp kiến của người phụ nữ khôn khéo nhất ở triều đình, nữ hầu tước Raversi nổi tiếng, một người mưu toan xúc xiểm lành nghề, đứng đầu đảng đối lập với đảng của Mosca. Nữ hầu tước muốn lật đổ ông, càng muốn lật đổ mấy tháng gần đây, bởi vì bà ta là cháu công tước Sanseverina, bà sợ cái di sản sẽ bị sắc đẹp của tân công tước phu nhân gặm nhấm nặng.
“Con mụ Raversi không phải là một người đàn bà đáng coi thường!" Bá tước nói với người yêu. Tôi nghĩ cái gì mụ ấy cũng dám làm cho nên tôi cách cư với vợ tôi chỉ vì cô ả cứ khăng khăng bắt nhân tình với hiệp sĩ[53] Bentivoglio một nhân tình của con mụ ấy.
Nữ hầu tước Raversi là một người đàn bà cao lớn, tóc đen nhánh, dáng dấp như đàn ông, đáng ý những viên kim cương bà đeo từ sáng sớm và lớp phấn đỏ trát lên đôi má. Bà tự nhận trước là kẻ thù của công tước phu nhân và khi tiếp phu nhân tại nhà, bà tự đặt cho mình nhiệm vụ khai chiến. Qua những bức thư công tước Sanseverina viết từ X. Công tước tỏ ra mê tơi các chức vụ sứ thần, nhất là say sưa với hy vọng nhận băng choàng bội tinh thượng đẳng, đến nỗi gia đình ông lo ngại ông để một phần gia tài cho bà vợ đang ngập người dưới những tặng phẩm mà ông gửi về. Bà Raversi dù xấu xí đúng cách vẫn có một nhân tình là bá tước Balbi, con người điển trai nhất tại triều, thường bà ấy muốn gì thì được nấy.
Công tước phu nhân có nếp sống hào hoa nhất. Lâu đài Sanseverina lâu nay vẫn là một lâu đài tráng lệ nhất của thành Parme, trong dịp nhận chức sứ thần và rắp ranh nhận băng choàng nhất đẳng, công tước lại tiêu những số tiền kếch sù để sửa sang cho nó đẹp thêm, chính công tước phu nhân điều khiển công việc tu bổ.
Bá tước đoán đúng. Ít hôm sau cuộc bệ kiến của công tước phu nhân, tiểu thư Clélia Conti được tiến triều, người ta phong cho cô làm nữ chanoie.
Để giảm nhẹ miếng đòn mà cái ân huệ kia có vẻ đánh vào uy tín của bá tước, công tước phu nhân tổ chức lễ khánh thành cái vườn dinh thự và dùng sự ân cần săn sóc đầy ý vị, phu nhân đã đưa Clélia mà bà gọi là cô bạn nhỏ của mình ở hồ Côme, lên địa vị hoàng hậu của buổi hội. Những chữ cái đầu tiên của cô như tình cờ mà hiện lên trên các vật dụng pha lê quan trọng. Tuy hơi mơ màng một chút, cô bạn trẻ cũng rất dễ mến trong cách cô nói về sự việc nhỏ xảy ra gần hồ Côme và lòng biết ơn nóng hổi của cô. Người ta bảo cô rất ngoan đạo và ưa vắng vẻ. Bá tước Mosca nói: “Tôi cuộc rằng cô bé đủ thông minh để biết xấu hổ về ông bố mình”. Công tước phu nhân biến cô thiếu nữ ấy thành một người bạn, bà cảm thấy ưa thích cô, bà không muốn tỏ ra ghen tị và rủ cô tham gia tất cả những cuộc vui của mình, chung quy đường lối xử thế của phu nhân là tìm cách giảm nhẹ mọi hằn thù đối với bá tước.
Cuộc đời rất tươi đẹp đối với công tước phu nhân. Bà cảm thấy vui thích giữa cảnh sống cung đình mà bão táp luôn luôn đáng sợ. Bà tưởng như đang bắt đầu lại cuộc đời. Bà quyến luyến bá tước một cách âu yếm và bá tước thì sướng như điên trong hạnh phúc. Cái vị trí dễ chịu này đã tạo ra cho ông một sự bình tĩnh tự tin tuyệt đối trước những quyền lợi thuộc tham vọng riêng của mình. Vì thế công tước phu nhân đến đây chưa quá hai tháng, bá tước đã nhận sắc phong và những vinh dự thủ tướng, vinh dự này hầu ngang với những vinh dự dành cho hoàng thân.
Bá tước hoàn toàn làm chủ ý chí của hoàng thân, những người Parme được thấy một bằng chứng khiến họ giật mình.
Cách thành phố mười phút đường về mé đông nam, đứng sừng sững cái vòng thành nổi tiếng biết bao trên đất nước V, với ngôi tháp cao ba mươi lăm sải nhìn thấy từ xa. Tháp ấy theo kiểu lăng Adrien ở Rome do những người dòng họ Farnèse cháu của Paul III xây dựng vào đầu thế kỷ XVI. Tháp to, dày đến nỗi trên sân thượng đỉnh tháp người ta đã xây dựng một tòa lâu đài cho quan trấn thủ thành và một nhà lao mới, lấy tên là tháp Farnèse. Cái nhà lao xây dựng để đón trưởng nam của quận vương Ranuce Ernest II, cái ông hoàng đã trở thành nhân tình sủng ái của bà kế mẫu, cái nhà lao ấy được cho là đẹp và lạ lùng nhất nước. Công tước phu nhân hiếu kỳ đã đến viếng cảnh. Ngày ấy trời oi nồng, nhưng lên trên cao, phu nhân thấy có gió mát, lấy làm thích thú và ở lại mấy tiếng đồng hồ liền. Người ta vội vàng mở các cửa buồng trên tháp Farnèse.
Công tước phu nhân gặp trên sân thượng tháp lớn một anh tù đáng thương thuộc cánh tự do, anh này đang đến đó hưởng thụ nửa giờ phép đi dạo mà người ta ban cho tù ba ngày một lần. Chưa tập được tính kín đáo cần thiết ở một triều đình chuyên chế, khi trở về Parme phu nhân nói về cái người ấy và cuộc đời của hắn, mà hắn đã kể cho bà nghe. Cánh của nữ hầu tước Raversi bèn độp ngay câu chuyện của bà công tước và kể đi kể lại ở nhiều nơi, rất mong nó làm cho hoàng thân chột dạ. Cũng đúng là Ernest IV thường nói điều cốt yếu là phải đập mạnh vào trí tưởng tượng của người ta. “Mãi mãi là một từ lớn! Ngài nói- Và ghê gớm, ở Ý ở các nơi khác”. Do đó, suốt đời ngài không ân xá bao giờ.
Đi thăm tòa thành về được tám hôm, công tước phu nhân nhận được một bức thư thuyên giảm tội danh do quận vương và bộ trưởng ký, trong đó tên người được hưởng đặc ân để trống. Người tù mà phu nhân điền tên sẽ được trả lại tài sản và được phép sang Mỹ sống những ngày còn lại trên đời. Phu nhân viết tên anh tù đã nói chuyện với phu nhân. Khốn thay! Người ấy hầu như là một tên bất lương, một đứa khiếp nhược, chính vì những điều khai thú của nó trước kia mà anh Ferrante Palla nổi tiếng bị kết án tử hình.
Việc ân xá lạ lùng này đã đưa phu nhân Sanseverina lên một vị trí vô cùng lý thú. Bá tước Mosca sướng điên người, thời kỳ này là một thời kỳ rực rỡ nhất trong đời bá tước, một thời kỳ có ảnh hưởng quyết định đối với vận mệnh Fabrice. Anh chàng này thì vẫn ở Romagnano, gần Novare, lo xưng tội, lo săn bắn, không đọc cuốn sách nào, bận săn đón một phụ nữ quý tộc, đúng theo những điều khoản của huấn thị. Công tước phu nhân thì vẫn hơi bực về điểm ràng buộc cuối cùng ấy. Một dấu hiệu khác cũng không hay cho bá tước tí nào là phu nhân tuy hết sức thành thực với bá tước về tất cả mọi vấn đề trên đời, và nói lớn trước mặt bá tước những ý nghĩ thầm của mình, thế mà riêng khi nói về Fabrice với ông thì không bao giờ không chọn tiếng, xếp lời trước đã. Một hôm bá tước nói:
— Nếu phu nhân thích vậy thì tôi sẽ viết thư cho ông anh quý hóa của phu nhân ở hồ Côme và nếu tôi và các bạn tôi ở X chịu khó nhọc một chút, chúng tôi sẽ buộc được ông hầu tước Del Dongo đó xin ân xá cho người cháu dễ thương của phu nhân. Nếu đúng như vậy tôi đâu có dám nghi ngờ nếu đúng là Fabrice ít nhiều có hơn bọn thanh niên cưỡi ngựa anglais đi dạo trên các đường phố Milan thì anh ta sẽ sống như thế nào nhỉ, khi mới mười tám tuổi, anh ta không làm gì và có triển vọng chẳng có gì làm suốt đời? Nếu thượng đế ban cho anh một ham muốn say sưa về một cái gì đó, dù chỉ là thú câu cá đi chăng nữa, tôi cũng vui lòng tôn trọng. Nhưng anh sẽ làm gì ở Milan sau khi được ân xá? Anh sẽ cưỡi một con ngựa mua từ bên Anh, vào một giờ nào đó rồi vào giờ khác vì không biết làm gì, anh sẽ đến nhà một ả nhân tình mà anh không yêu bằng con ngựa của anh… tuy nhiên, nếu phu nhân ra lệnh, tôi sẽ cố tạo lối sống ấy cho cháu phu nhân.
— Em muốn hắn là sĩ quan, nữ công tước nói.
— Em định khuyên một vị vua chúa giao một chức vụ, vào lúc nào đó sẽ trở thành quan trọng cho một thanh niên có khả năng hưng phấn, lại đã tỏ rõ sự hưng phấn của mình đối với Napoléon đến mức xông đến Waterloo để theo ông ta ư? Em hãy nghĩ đến tình cảnh của tất cả bọn chúng tôi, nếu ở Waterloo, Napoléon chiến thắng! Lúc ấy chúng ta không có những người tự do để lo ngại, đành thế, nhưng vua chúa các cựu triều chỉ có thể tiếp tục trị vì nếu chịu cưới con gái các vị thống chế của hoàng đế. Vậy, nếu Fabrice theo nghiệp võ thì tiền đồ của Fabrice sẽ như con sóc trong lồng quay, chạy nhảy nhiều mà không đi tới được bước nào. Anh ta sẽ phiền muộn bị những sĩ quan bình dân trung niên thời nay, nghĩa là có lẽ trong vòng năm mươi năm tới, khi chúng ta đang còn sợ sệt và tôn giáo chưa được phục hồi, là không có khả năng hưng phấn và kém thông minh.
Tôi đã nghĩ đến một điều, nhưng điều này thoạt tiên sẽ làm em giẫy nảy và sẽ làm tôi khó nhọc không biết bao nhiêu, khó nhọc không phải chỉ trong một hôm, một việc liều lĩnh tôi muốn làm vì em. Nhưng em hãy nói, nếu em biết, có việc điên cuồng liều lĩnh nào mà tôi không làm để được thưởng một nụ cười.
— Cái gì vậy? Nữ công tước hỏi.
— Thế này đây! Chúng ta đã từng có ở Parme ba vị tổng giám mục thuộc dòng họ phu nhân: Ascagne Del Dongo người đã viết văn, năm 16… bao nhiêu đó, Fabrice năm 1699 và một vị Ascagne thứ hai, năm 1740. Nếu Fabrice muốn làm cố đạo và khiến người ta chú ý bằng những đức tính bậc nhất, thì tôi sẽ đẩy nó lên chức giám mục ở một nơi nào đó, rồi tổng giám mục tại đây, nếu ảnh hưởng của tôi còn lâu dài, tất nhiên. Có thể phản bác có cơ sở là tôi có làm bộ trưởng đủ lâu dài để thực hiện cái kế hoạch đẹp đẽ đòi hỏi một thời gian nhiều năm đó không? Quận vương có thể chết, ngài cũng có thể thiếu tế nhị bãi chức tôi. Dẫu sao đó là cách duy nhất nhờ đó tôi có thể làm cho Fabrice một cái gì xứng đáng với phu nhân.
Hai bên còn tranh luận nhiều, sáng kiến của bá tước, công tước phu nhân chẳng thích tí nào. Bà nói với bá tước:
— Anh hãy chứng minh lại cho em thấy rằng không thể có tương lai nào khác đối với Fabrice.
Bá tước chứng minh. Rồi ông nói thêm:
— Em tiếc bộ quân phục rực rỡ, nhưng tôi biết làm thế nào!
Công tước phu nhân đòi một tháng để suy nghĩ. Sau đó bà thở dài phục tùng quan điểm đứng đắn của quan thượng thư. Ông lặp lại: Hoặc cưỡi một con ngựa anglais với dáng kênh kiệu trong một thành phố lớn nào đó hoặc nhận một chức nghiệp không phụ dòng dõi của mình, ngoài hai con đường đó, tôi không thấy con đường nào ở giữa. Khốn thay một người quý phái không thể làm thầy thuốc, cũng không thể làm thầy kiện, thế mà thời đại lại thuộc về lũ thầy kiện thầy cò!
Phu nhân hãy nhớ! Bá tước nói tiếp, là phu nhân có khả năng tạo cho người cháu của phu nhân, tại các đường phố Milan, cái kiếp sống hưởng thụ của những thanh niên giàu có nhất cùng lứa tuổi.
Khi anh ấy được ân xá, phu nhân cho anh ta mười lăm, hai mươi, ba mươi nghìn francs, cũng chẳng sao, cả phu nhân lẫn tôi đều không có ý định chắt bóp dành dụm gì mà!
Bà công tước ưa vinh quang, bà không muốn cho Fabrice chỉ là một gã xài của tầm thường, bà trở lại với kế hoạch của người yêu.
— Hãy lưu ý! Bá tước nói. Là tôi không định làm cho Fabrice trở thành một cố đạo gương mẫu như em thấy nhan nhản. Không! Anh ấy phải là một nhà quyền quý, một vương tôn công tử trước hết. Nếu anh ta thích dốt thì anh ta cứ việc dốt nát hoàn toàn, sẽ không vì thế mà anh ta không trở nên giám mục rồi tổng giám mục, nếu hoàng thân còn coi tôi là một người có ích.
Nếu đề nghị của tôi! Bá tước nói thêm, mà được lệnh của phu nhân hạ cố chuyển thành sắc lệnh bất di dịch thì không nên để cho Parme nhìn thấy cái người được chúng ta che chở lại ở một địa vị thấp hèn. Nếu ngày nay anh ta chỉ là linh mục tầm thường thì địa vị sau này của anh ta sẽ khiến cho người ta khó chịu. Cho nên anh ta chỉ nên đến Parme với bít tất tím[54] và một dàn giá khả quan. Như vậy mọi người sẽ đoán cháu phu nhân tất phải trở thành giám mục và sẽ không ai lấy làm chối sau này.
Phu nhân hãy nghe tôi, gửi Fabrice đi học thần học và sống ba năm ở Naples. Trong lúc học viện thần học nghĩ anh ta có thể đi thăm Paris hay Luân Đôn tùy thích, nhưng không được đến Parme.
Câu này như dội một gáo nước lên người nữ công tước.
Bà Sanseverina phái một liên lạc viên đến Fabrice và hẹn gặp ở Plaisance. Có cần nói là người liên lạc ấy mang tất cả những phương tiện tài chính và những giấy thông hành cần thiết?
Fabrice đến Plaisance như cơn lốc. Anh chạy đi đón nữ công tước và ôm hôn bà một cách bồng bột khiến bà cảm động ứa nước mắt. Bà thấy nhẹ nhõm vì không có mặt bá tước, từ khi hai người yêu nhau, đây là lần đầu tiên phu nhân có cảm giác đó.
Fabrice cảm động khôn xiết về những kế hoạch nữ công tước đã xây dựng vì anh rồi sau đó thì đâm ra buồn phiền. Từ trước đến nay anh vẫn hy vọng là vụ Waterloo dàn xếp xong, anh sẽ vào quân đội. Điều khiến bà công tước chú ý nhiều làm cho hình ảnh Fabrice cao đẹp hơn bao nhiêu trước con mắt lãng mạn của bà, là anh chàng khăng khăng từ chối lối sống nhàn tản, lối sống “dạo quán cà phê” trong một thành phố lớn.
— Anh hãy tưởng tượng đi trên con đường dạo mát yêu chuộng ở Florence hay ở Naples với những con ngựa anglais thuần chủng, nữ bá tước nói. Buổi tối, một cỗ xe ngựa, một phòng khách xinh đẹp …
Nữ công tước diễn tả say sưa cuộc sống hạnh phúc dung tục đó và thấy Fabrice từ chối một cách cao đạo. Bà nghĩ thầm: “Đúng là một anh hùng!”.
— Sống êm ái như vậy mười năm để được gì? Fabrice nói. Rồi sẽ như thế nào? Sẽ là một thanh niên đứng tuổi phải nhường bậc trên thềm cho một chú nhóc đẹp trai nào đó, chú bắt đầu trình diện thiên hạ cũng trên lưng một con ngựa anglais, chứ gì?
Thoạt đầu, Fabrice gạt phăng cái kế hoạch vào nhà thờ, anh nói đến việc đi New York làm công dân và quân nhân nước cộng hòa Mỹ. Bà công tước nói:
— Anh sai lầm to! Anh sẽ không tìm được chiến tranh ở đó, và anh cũng sẽ rơi vào cuộc sống “dạo quán cà phê”, lại không trang nhã, không đàn hát, không yêu đương như ở ta. Hãy nghe cô, cảnh sống ở Mỹ đối với cô cũng như đối với anh, đều buồn tẻ.
Bà giải thích cho Fabrice hiện tượng sùng bái vị thần đôla ở Mỹ và sự kính trọng phải có đối với người thợ thủ công thành phố, họ quyết định tất cả bằng lá phiếu của họ. Cô và cháu trở lại kế hoạch vào Nhà Thờ.
— Trước khi phản ứng, hãy cố hiểu bá tước đòi hỏi ở anh cái gì, không cần, tuyệt nhiên không cần phải làm một ông cố đạo đáng thương, ít nhiều gương mẫu, ít nhiều đạo đức như ông abbé Blanès. Hãy hình dung lại các tổng giám mục ông của anh. Hãy đọc những lời ghi chép về cuộc đời của họ, trong bản phụ lục gia phả. Đối với tên tuổi của anh thì trước hết phải sống như một bậc công hầu mới hợp lý, phải cao nhã, hào hoa, phải là kẻ bảo vệ công lý, phải như người được chỉ định sẵn để đứng đầu giới… và suốt đời chỉ làm một việc bất lương nhưng bất lương mà thật có ích lợi.
— Thế là tất cả mơ ước của cháu đều cuốn theo dòng nước! Fabrice nói và thở dài não ruột. Một sự hy sinh quá đau đớn. Cháu thú thật là cháu đã không nghiệm ra cái tình trạng kinh tởm bồng bột và thông minh từ nay ngự trị ở các vua chúa chuyên chế, dù rằng người ta bồng bột và thông minh để phụng sự họ.
— Anh phải biết rằng một lời tuyên ngôn, một háo hức của con tim có thể đẩy người bồng bột vào đảng phái đối lập với đảng phái suốt đời hắn phục vụ.
— Cháu mà bồng bột! Họ vu cáo cháu một điều kỳ quặc thật! Đến yêu đương cháu cũng không biết nữa là!
— Thế ư? Công tước phu nhân buột miệng.
— Khi cháu săn đón một phụ nữ, dù cho phụ nữ ấy thuộc dòng đài các và ngoan đạo, cháu cũng chỉ nghĩ đến họ khi nào cháu trông thấy họ mà thôi.
Lời thú nhận ấy gây một cảm giác lạ lùng cho bà công tước. Fabrice nói thêm:
— Cháu xin cô một tháng để từ biệt phu nhân C ở Novare và việc này khó hơn, để từ bỏ những mộng ảo của cả đời cháu. Cháu sẽ viết thư cho mẹ cháu, bà tốt lắm, chắc sẽ đến thăm cháu ở Belgirate, trên bờ hồ Majeur thuộc đất Piémontaise. Và ngày thứ ba mươi mốt kể từ ngày hôm nay, cháu sẽ lẻn đến Parme.
— Ấy chớ! Đừng đến Parme! Nữ công tước thét. Bà không muốn bá tước Mosca thấy bà nói chuyện với Fabrice.
Lần sau hai người gặp nhau ở Plaisance. Lần này công tước phu nhân không bình tĩnh: Giông tố đã nổi ở triều đình, cánh nữ hầu tước Raversi hầu như đại thắng lợi, tướng Fabio Conti, thủ lĩnh cái mà ở Parme người ta gọi là đảng tự do, có khả năng thay thế bá tước Mosca. Trừ cái tên của người đối thủ ngày càng được hoàng thân sủng ái, còn thì nữ công tước nói tất với Fabrice. Bà lại tranh luận lần nữa về tiền đồ mà Fabrice có thể đạt tới, dù đang có triển vọng mất sự che chở vô cùng hiệu lực của bá tước, Fabrice kêu to:
— Cháu sẽ sống ba năm ở viện thần học Naples. Nhưng vì trước hết cháu phải là một công tử và cô không bắt cháu sống cảnh khắc khổ của một học viện chủng viện đức hạnh, cho nên việc lưu trú ở Naples đó không làm cháu sợ hãi chút nào, sống ở đấy cũng sẽ không thua gì ở Romagnano. Xã hội trưởng giả ở nơi này bắt đầu thấy cháu có vẻ Jacobins. Trong lúc lưu vong, cháu nhận thấy cháu không biết gì cả, không biết cả đến chữ La tinh đến chính tả. Cháu từng có dự định học lại ở Novare, cháu sẵn lòng học thần học ở Naples. Đó là một khóa học phức tạp.
Công tước phu nhân rất bằng lòng, bà nói:
— Nếu ông bá tước và cô bị đuổi đi, chúng tôi sẽ đến thăm anh tại Naples. Nhưng anh đã đồng ý mang bít tất tím trong khi chưa có gì thay đổi, thì bá tước vốn là người rất hiểu biết nước Ý hiện nay, bá tước cậy tôi trao anh một ý kiến: Người ta dạy gì, anh tin hay không tin mặc, nhưng đừng bao giờ cãi lại. Hãy tưởng tượng người ta dạy cho anh luật đánh bài whist mà xem! Anh có cái gì về luật đó không nào? Tôi có nói với bá tước là anh có đức tin và ông cho thế là tốt, điều ấy có ích ở cõi đời này và ở cõi đời kia. Tuy nhiên, nếu anh đã tin thì đừng để rơi vào thói tầm thường nói về Voltaire, Diderot, Raynal một cách ghê tởm, cũng như về những anh người Pháp mất trí đã báo trước chế độ lưỡng viện. Những tên đó, anh cần ít nhất, mà khi phải nói đến thì hãy mỉa mai một cách lạnh lùng, đó là những người bị bác bỏ từ lâu rồi, sự công kích của họ không còn hiệu lực gì nữa. Hãy nhắm mắt mà tin tất cả những gì người ta dạy ở viện. Hãy nhớ là có người ghi chép tỉ mỉ mỗi thắc mắc của anh, người ta tha thứ một vụ nhân tình nhân ngãi nếu được tiến hành xuôi thuận, nhưng không tha thứ một hoài nghi đâu. Tuổi tác sẽ loại bỏ yêu đương mà gia tăng ngờ vực. Hãy nắm vững nguyên tắc đó mà xử sự trong việc cải hối. Anh sẽ mang một bức thư giới thiệu đến một vị giám mục, quản lý của giáo chủ tổng giám mục hạt Naples. Anh sẽ chỉ xưng với người ấy thôi vụ phiêu lãng của anh ở Pháp và sự có mặt của anh ở vùng lân cận chiến trường Waterloo ngày 18 tháng sáu. Mà phải vắn tắt mới được, phải thu nhỏ lại, xưng thú ra chỉ là để cho người ta đừng trách cứ anh đã giấu mà thôi. Lúc đó anh hãy còn trẻ dại quá mà!
Ý kiến thứ hai mà bá tước ký thác là cái này: Nếu anh thấy có một lý lẽ xuất sắc, một lối đối đáp tất thắng có thể thay đổi chiều hướng cuộc đàm thoại thì cũng đừng để cho cám dỗ bởi cái tính hiếu thắng hiếu danh, hãy cứ im lặng, những người tinh ý sẽ đọc thấy sự sáng suốt của anh trong con mắt. Khi anh đã là giám mục rồi, chừng ấy hãy tỏ ra thông minh cũng chưa muộn.
Fabrice ra mắt Naples với một cỗ xe khiêm tốn và bốn tên hầu người Milan do bà cô phái đến. Sau một năm học tập, không ai bảo anh là người thông minh, người ta coi anh là một công tử dại dột thế gia chăm chỉ, rộng rãi, có phần phóng đãng.
Cái năm ấy khá vui vẻ đối với Fabrice nhưng lại rất cực nhọc đối với công tước phu nhân. Bá tước có đến ba bốn lần kề miệng vực. Hoàng thân nằm ốm nên càng sợ sệt hơn bao giờ hết, ngài tưởng đuổi bá tước Mosca đi là trút bỏ được nỗi hận thù quanh những vụ hành hình diễn ra trước khi bá tước vào Chính phủ. Rassi là ý trung nhân cần giữ trước hết. Những nguy nan đe dọa bá tước càng khiến công tước phu nhân gắn bó với ông một cách mê mẩn, bà không nghĩ đến Fabrice nữa. Để cho việc rút lui có khả năng xảy đến sẽ diễn ra không bẽ bàng lắm, phu nhân thấy khí hậu Parme không hợp với mình chút nào, khí hậu này quả có hơi ẩm ướt như toàn cõi Lombardie nói chung.
Rốt cuộc, bá tước Mosca thắng sau những quãng thời gian thất sủng có khi kéo dài đến hai mươi hôm không được quận vương tiếp kiến riêng, tuy mình là thủ tướng. Bá tước cử tướng Fabio Conti, được coi thuộc phái tự do, làm trấn thủ ngục thành nhốt những người tự do bị Rassi kết án.
Mosca nói với người yêu: Nếu Conti xử sự rộng lượng với tù nhân thì người ta sẽ cho hắn lui về như một gã Jacobins mà chính kiến làm quên mất bổn phận làm tướng, nếu hắn tỏ ra hà khắc, tôi nghĩ rằng hắn sẽ nghiêng về thái độ này, hắn sẽ hết là thủ lĩnh của đảng hắn và sẽ chuốc sự thù oán của tất cả các gia đình có con bị tù. Cái thằng cha đáng thương hại đó biết lấy vẻ mặt dại khờ vì kính cẩn khi thấy hoàng thân đến gần, nếu cần thiết thì nó sẽ thay áo bốn lần trong một ngày, hắn có thể tranh cãi một vấn đề về nghi thức nhưng quả hắn không có năng lực đi theo một đường lối có thể cứu hắn. Dẫu sao, còn có tôi”.
Việc cử tướng Fabio Conti chấm dứt cuộc khủng khoảng nội các, ngày hôm sau người ta kháo sẽ có một tờ báo bảo hoàng cực đoan ở Parme.
— Tờ báo đó sẽ làm nảy ra biết bao cuộc tranh chấp. Công tước phu nhân nói.
— Sáng kiến lập tờ báo đó của tôi có lẽ là một kiệt tác! Bá tước vừa đáp vừa cười. Tôi vờ như miễn cưỡng để quyền điều khiển mất dần vào tay bọn quá khích điên cuồng. Tôi đã quy định những mức lương rất hậu cho những người biên tập. Người ta sắp đưa đón xin việc từ khắp mọi nẻo, vụ này sẽ giúp ta yên ổn được vài tháng và người ta sẽ quên những nguy hiểm vừa đe dọa tôi. Những nhân vật trịnh trọng như P và D đã xếp hàng rồi.
— Nhưng tờ báo ấy sẽ là một sự vô lý rợn người.
— Tôi mong thế, Hoàng thân đọc báo mỗi buổi sáng và phục ngất cái học thuyết của người dựng nên tờ báo là tôi. Về những chi tiết thì ngài có thể tán thành hay không thích. Dẫu sao, trong thì giờ ông dành cho công việc, việc đọc báo này cũng chiếm mất đi hai tiếng đồng hồ, đõ cho ta cái đã. Tờ báo sẽ tự gây cho mình nhiều rắc rối, nhưng đến khi những lời khiếu nại nghiêm túc nổi lên nghĩa là chừng chín mười tháng nữa thì nó đã nằm trọn vẹn trong tay bọn quá khích điên cuồng. Cái đảng làm rầy cho tôi sẽ phải trả lời, còn tôi, tôi sẽ nêu mấy thắc mắc với tờ báo. Thâm tâm tôi, thà là nói bậy một trăm điều gớm ghiếc còn hơn treo cổ một người. Ai mà nhớ điều nói bậy trong một số công báo nào đó hai năm sau? Chứ còn con cái và gia đình kẻ bị treo cổ thì sẽ nuôi một mối hằn thù kéo dài cho đến lúc tôi chết và có lẽ làm giảm tuổi thọ của tôi.
Công tước phu nhân luôn luôn say mê một cái gì đó, luôn luôn hoạt động, không lúc nào chịu ngồi rỗi, bà thông minh hơn toàn thể triều đình Parme, nhưng bà thiếu nhẫn nại, thiếu kiên gan để thành công trong một vụ mưu tính. Tuy nhiên bà cũng đến độ say sưa theo dõi được quyền lợi của các phe phái, bà cũng bắt đầu có uy tín bên cạnh hoàng thân Vương phi đương vị Clara Paolina sống giữa vinh quang, nhưng đồng thời cũng bị trói buộc bởi một nghi lễ cổ lỗ, nên tự cho mình là người khốn khổ nhất đời. Công tước phu nhân chầu chực săn sóc vương phi và dự định chứng thực cho phi thấy là phi không đến nỗi khổ như vậy. Nên biết rằng hoàng thân chỉ gặp vợ trong bữa ăn tối, bữa ăn tối diễn ra trong ba mươi phút, còn thì hàng tuần, ngài không nói với vợ một câu nào. Bà Sanseverina cố thay đổi cung cách ấy. Bà làm cho hoàng thân thấy vui vui, và bà biết cách bảo toàn sự độc lập tự chủ của mình, cho nên càng khiến cho hoàng thân thích thú. Bà không thể nào giữ cho không bao giờ chạm một kẻ nào trong số những kẻ ngu nhung nhúc ở triều đình, dù có muốn thế đi nữa. Vì hoàn toàn vụng về ở mặt đó, cho nên bà bị hạng triều thần tầm thường căm ghét, lũ này đều là bá tước hoặc hầu tước, thường thường hưởng năm nghìn francs lợi tức. Phu nhân hiểu rõ tai họa ấy ngay từ những ngày đầu và chỉ chăm làm vui lòng quận vương và vương phi, mà phi thì có uy thế tuyệt đối với đông cung thế tử.
Công tước phu nhân biết cách làm vui lòng quận vương và lợi dụng việc ngài chú ý đặc biệt từng lời từng tiếng của mình để làm bẽ mặt những quan chầu thù ghét mình. Từ khi Rassi xúc xiểm hoàng thân làm những điều dại dột kia, mà những dại dột làm đổ máu thì không sửa chữa được một đôi khi ngài sợ hãi, nhiều lúc ngài buồn chán và buồn chán thì dễ sinh ghen tị, ngài cảm thấy không có gì vui và đâm ra bực bội khi nghĩ rằng những kẻ khác vui thú, cảnh hạnh phúc của người khác làm ngài sôi máu. Công tước phu nhân nói với người yêu: “Hãy giấu chuyên yêu đương của chúng mình” và bà để cho hoàng thân đoán rằng bà cũng chỉ còn yêu mến bá tước vừa phải thôi, tuy ông là người rất đáng mến.
Sự phát hiện đó đã làm cho quận vương có được một ngày sung sướng.
Thỉnh thoảng nữ công tước nói hở đôi tiếng về dự định mỗi năm bỏ ra ít tháng để dạo thăm đất nước Ý mà bà chưa được biết, bà sẽ thăm Naples, Florence, Rome. Không có gì làm nhọc lòng hoàng thân cho bằng hình thái đào ngũ đó, chỗ yếu đuối nhất của ngài là ở đấy, những hành động gì có thể qui nguyên nhân ở sự khinh rẻ đối với kinh thành ngài đều như đâm nhói tim ngài. Ngài cảm thấy mình không có phương tiện gì để giữ phu nhân Sanseverina cả, mà phu nhân lại là ngôi sao sáng chói nhất giữa các phụ nữ thành Parme. Từ các nông thôn lân cận, người ta quay trở về dự các ngày thứ năm của phu nhân, điều này quả thật hiếm có đối với tính lười biếng của người Ý. Những ngày thứ năm đó đúng là những ngày hội, hầu như bao giờ công tước phu nhân cũng có một cái gì mới lạ và ý vị để hiến cho khách. Hoàng thân khao khát được đến dự một thứ năm đó, nhưng làm cách nào đây? Tự đến một tư thất như thế ư? Đó là một điều mà cả tiên vương lẫn ngài đều chưa hề làm!
Một thứ năm nào đó, trời mưa và rét. Từ lúc quận công[55] nghe tiếng xe ngựa làm rung chuyển thềm điện, những xe cộ ấy kéo đến lâu đài Sanseverina phu nhân. Hoàng thân thấy ức không chịu được. Những người khác vui đùa còn ngài là vương chủ, ở trên hết cả mọi người, đáng lẽ phải vui chơi hơn tất cả mọi người, riêng ngài lại phải chịu cảnh buồn chán! Ngài bấm chuông gọi viên sĩ quan phụ tá, cần có thì giờ để bố trí mười hai mật vụ trên đường phố nối cung điện của quận vương với lâu đài Sanseverina. Sau một tiếng đồng hồ mà hoàng thân coi như một thế kỷ, qua đó có dễ đến hai mươi lần ngài toan ra đi bừa, bất kể gươm đao không cần phòng bị, cuối cùng ngài hiện ra ở phòng khách thứ nhất của phu nhân Sanseverina. sấm sét đánh vào phòng khách đó cũng không làm cho người ta kinh ngạc bằng! Trong chớp mắt và theo từng bước tiến của hoàng thân, những phòng khách vui nhộn ồn ào đó thảng thốt im hơi lặng tiếng, những con mắt mở to hơn thường lệ dán lên người hoàng thân. Triều thần có vẻ bối rối. Chỉ có công tước phu nhân là không có dáng ngạc nhiên. Cuối cùng khi những người hiện diện đã hoàn hồn và bắt đầu nói năng, thì điều lo toan chính của họ là giải đáp vấn đề quan trọng này: Nữ công tước có được báo trước cuộc thăm viếng này hay cũng bị bất ngờ như mọi người?
Hoàng thân được hưởng vui thú. Còn chúng ta hãy xem sau đây tính bồng bột của nữ công tước và uy thế vô biên mà những lời bóng gió xa xôi về chuyện đi, ở được ném ra khéo léo đã tạo nên cho phu nhân.
Hoàng thân khi ra về đã nói với nữ công tước những lời êm đẹp trong khi bà đưa tiễn ngài, bà bỗng nảy ra một ý lạ kỳ mà dám tự nhiên cứ nói thẳng ra, như một điều thông thường nhất:
— Giá Điện hạ vui lòng nói với vương phi ba bốn câu trong những lời vàng ngọc mà điện hạ ban rộng rãi cho tôi đó, thì chắc chắn ngài sẽ khiến cho tôi sung sướng hơn là ngài nói tại đây rằng tôi xinh đẹp. Bởi vì dù có được gì trên đời đi nữa, tôi cũng không muốn cho vương phi nhìn một cách ác cảm cái ân huệ mà Điện hạ vừa hạ cố ban cho tôi.
Hoàng thân nhìn chằm chằm nữ công tước rồi buông một câu cụt ngủn:
— Hình như tôi có quyền đi đâu tùy tôi thích.
Công tước phu nhân đỏ mặt. Nhưng rồi bà nói ngay:
— Tôi chỉ có ý tránh cho Điện hạ hoài công ngự giá bởi vì ngày thứ năm này là ngày thứ năm cuối cùng. Tôi sắp sửa đến ở Bologne hoặc Florence mấy hôm.
Khi phu nhân trở về các phòng khách, mọi người đều tưởng bà đang ở trên đỉnh cao chót vót của ân sủng, không biết rằng bà vừa làm liều một việc mà xưa nay chưa ai dám làm ở Parme. Bà ra hiệu cho bá tước, bá tước bỏ bàn bài, đi theo bà vào một phòng khách nhỏ có đèn sáng nhưng vắng vẻ.
— Phu nhân đã làm một việc rất táo bạo! Bá tước nói. Mà hẳn tôi không dám khuyên làm. Nhưng đối với những người thực sự say đắm, hạnh phúc làm tăng tình yêu, cho nên nếu sáng mai em đi thì chiều mai tôi đi theo em. Tôi nán lại chỉ vì cái của nợ là bộ tài chính mà tôi đã dại dột gánh lấy, nhưng trong bốn tiếng đồng hồ sử dụng hợp lý, người ta có thể chỉnh đốn bao nhiêu ngân quỹ. Ta trở lại các phòng khách thôi em ạ, hãy cứ tha hồ phô trương, cái lốt tướng quốc của ta không dè dặt. Có lẽ đây là cuộc ra mắt cuối cùng của chúng ta ở thành phố này. Con người ấy dám làm tất, nếu y tưởng là bị thách thức. Y sẽ bảo như thế là làm gương. Khi quan khách ra về, chúng ta sẽ nghĩ cách phòng bị ở đây cho em trong đêm nay, tốt nhất là em đi ngay về biệt thự Scala của em ở gần trên sông Pô, nơi có lợi thế là chỉ cách khu vực thuộc Áo nửa tiếng đồng hồ.
Tình yêu và lòng tự ái của nữ công tước đã trải qua những giây phút thần tiên, bà nhìn bá tước rồi mắt bà giàn giụa lệ. Một quan thượng thư oai quyền tột bậc, giữa đám quan chầu quây quần tôn thờ người không kém tôn thờ quận vương mà nay từ bỏ tất để đi theo mình, và từ bỏ một cách thanh thản như vậy!
Về giữa đám quan khách, phu nhân vui như điên. Tất cả đều cúi cạp mình trước mặt bà.
Triều thần kháo với nhau: Hạnh phúc làm thay đổi công tước phu nhân quá, khó mà nhận ra bà, bây giờ mới thấy cái tâm hồn La mã coi thường mọi thứ ấy hạ cố thưởng thức cái ân huệ phi thường mà vương chủ đã ban riêng cho mình!
Cuối buổi tiếp khách đêm, bá tước đến bên công tước phu nhân: Tôi cần báo với phu nhân một vài tin tức. Tức thời những người vây quanh nữ công tước tránh ra xa.
Bá tước nói tiếp: Về điện, hoàng thân đến cung vương phi, hãy đoán xem sự ngạc nhiên của vương phi khi được báo có chồng đến. Hoàng thân nói: ”Tôi đến tường thuật với phu nhân một tối rất thích, đúng vậy, mà tôi được tham gia ở nhà Sanseverina phu nhân. Chính bà ấy nhờ tôi mô tả chi tiết cách bà ta sửa sang tòa lâu đài ám khói kia cho vương phi nghe."
Thế rồi hoàng thân ngồi xuống và mô tả các buồng khách của em từng cái một.
Ông ta đã ở cung bà vợ hơn hai mươi lăm phút khiến vương phi khóc lên vì sung sướng, dù thông minh vương phi cũng không tìm ra được một lời đối đáp tương xứng trong cuộc đàm thoại mà hoàng thân đã muốn giữ cho nhẹ nhàng thân mật.
Dù những người tự do ở nước Ý nói thế này thế nọ, quận vương không phải là một người ác. Đành rằng ông có bỏ tù một số khá đông trong bọn họ, nhưng đó là vì sợ sệt và đôi khi ông nhắc lại, như để khuây khỏa những kỷ niệm nào đó, giết chết quỷ dữ vẫn tốt hơn là để quỷ giết mình. Rạng ngày hôm sau cái đêm chúng tôi vừa thuật lại, ông rất vui vẻ. Ông đã làm hai việc tốt: Đi buổi tối thứ năm và nói chuyện với vợ. Lúc ăn tối, ông lại nói chuyện với bà. Tóm lại cái thứ năm đó của phu nhân Sanseverina đã đưa đến một cuộc cách mạng hậu cung vang dội khắp thành Parme. Con mụ Raversi sửng sốt, còn công tước phu nhân thì được hai lần vui lòng, được giúp ích cho người tình và được người tình yêu quý hơn bao giờ hết.
— Tất cả do một ý nghĩ thiếu thận trọng chợt đến với em, nữ công tước nói với bá tước. Đến ở Rome hay ở Naples, chắc em được tự do hơn, nhưng làm sao tìm được những cuộc có hấp dẫn đến thế? Không, bá tước thân yêu ạ, đúng như vậy, và chính anh tạo ra hạnh phúc cho em.
Chú thích:
1 Cassandre: Nhân vật hài kịch Ý, biểu hiện bằng một ông già cả tin bị một người lừa phỉnh.
2 Trước khi một người Anh phát minh ra cách lấy bưu phí qua con tem mà người gửi mua dán lên thư, thì bưu phí do người nhận thư trả khi nhận thư. Không muốn nhận thư thì không trả tiền.
3 Tức năm 1793, năm cách mạng dân quyền Pháp đưa vua Pháp (Louis XVI) lên đoạn đầu bài.
4 Joseph II: Hoàng đế Đức khoảng cuối thế kỷ XVIII
5 La Fronde: Đám giặc nhỏ bọn quý tộc gây ra chống triều đình trong lúc Lui XIV vị thành niên.
6 Nguyên văn: Chevalier, tước quý tộc ở cuối bảng, dưới tước nam (baroa) mà nhiều triều đại châu Âu sử dụng. Sách ta quen dịch hiệp sĩ, không cần đương sự có tinh thần nghĩa hiệp hay không.
7 Ở Ý những thanh niên có đỡ đầu hoặc thông thái trở thành monsignor (đức ông) và prêlat (cha cố cấp cao) nhưng vẫn không là giám mục, họ mang bít tất tím. Họ chưa thề nguyện và có thể bỏ bít tất tím và cưới vợ (chú thích của tác giả).
8 Tức quận vương Ernest IV. Parme là thủ phủ của công quận Parme - Plaisance (Duché Del Dongo Parme et Plaisance) thành lập từ giữa thế kỷ XVI, đến 1859 thì hòa mình quốc gia Ý lần đầu tiên thống nhất. Vì lãnh chúa ở đây tước truyền đời là quận công, nhưng trị vì một đất nước tự trị, cho nên triều thần gọi quận công, công tước, hoàng thân, "vương tước, quận vương, vương chủ, tiền vương, đức vua đều được. Tác giả đã dùng thay đổi và thường thường nhại quần thần, dùng những danh vị cao nhất.
Tu Viện Thành Parme Tu Viện Thành Parme - Stendhal Tu Viện Thành Parme