Trong Mưa Núi epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 8: Trước Khi Xuống Núi
hi những cơn mưa đầu tiên xốc bụi mù trên ruộng nẻ chân chim và nhân dân Lào làm xong Bun hốt nậm (Hội tưới nước), các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam bắt đầu chia thành từng tổ về các làng Lào, góp sức làm ruộng. Mỗi người một gia đình, anh em cùng cày, bừa, cấy với dân Lào. Cấy xong, có thể dồn quân đi đánh năm ba trận, lại phân tán về làng cũ để gặt hái. Dân nuôi trong những ngày lao động, dân cho lúa cõng trút vào kho đơn vị, dân còn bày cho học tiếng Lào, chữ Lào và dặn dò cách ăn ở sao cho được lòng người.
Nhiều gia đình nhận anh bộ đội Việt làm con nuôi, long trọng làm lễ phuk khẻn (buộc cổ tay). Sau đó anh đi xa có quà gửi theo, mỗi lần về thăm được cả làng mừng đón.
Nếu anh với cô gái Lào duyên dáng nào đó trót phải lòng nhau thì cha mẹ cũng sẵn lòng gả, chỉ phiền một nỗi là cấp chỉ huy cấm rất ngặt nghèo! Sau vài ba năm vừa chiến đấu vừa dân vận như thế, mỗi chiến sĩ Quân tình nguyện được luyện thành một cán bộ xây dựng cơ sở. Anh quen từ cụ già quên tuổi đến em bé trong nôi, biết tập cho du kích bắn súng đánh mìn, góp ý được với cán bộ xã thôn về việc lãnh đạo, bàn thành thạo với cả làng cách làm ruộng tốt và ăn ở vệ sinh. Gặp lúc nguy nan nhất anh vẫn còn một chỗ dựa không thể lay chuyển, đó là "nhà mình, làng mình" trên đất nước Triệu Voi.
Nhớ lại những năm ấy, tôi định xây dựng "cơ sở" để cắm rễ lâu dài ở khu vực cơ động này. Mở đầu, tôi muốn tìm hiểu kỹ ấp Năm xã Nú. Tôi đến chào ông già làng cũ kỹ suốt ngày ngồi bên bếp lửa, làm quen với số cán bộ xã ấp ngoài mấy anh đã đón tiếp, ghi một ít tư liệu về dân tộc Kor, cố học gấp tiếng Kor.
Sau đợt sốt rét thứ hai bên sông Cà-nâng, tôi không dám vội gắng gượng đi rẫy đi rừng với bà con. Đồng chí giao liên đến làng đã kể tôi ốm nằm dọc đường một mình, thêm mặt mũi tôi còn xanh lè, cho nên tôi mó tay vào việc gì cũng lập tức bị chặn: "Đợi lành đã, anh Bốn".
Được ngày nắng ráo, tôi đánh bạo tắm giặt một chầu, vẫn nơm nớp lo cảm lạnh và bị sốt rét phản kích, may là chẳng sao cả. Phơi đồ chỗ bìa rừng, ngồi sưởi nắng, gác máy bay và trông chừng mưa luôn thể.
Công tác ít mệt nhất là tập bài hát và trò chơi cho thiếu nhi. Các em gái trai lớn nhỏ xúm lại đông dần.
Phần lớn các em mập mạnh, mặt sáng sủa. Một số bị ngứa lở ngoài da, tôi lấy thuốc đỏ ra bôi, ấy là thứ còn lại nhiều nhất sau những đợt biếu xén dọc đường. Rồi tôi bị hẫng liên tiếp: tôi hát thử một bài sắp dạy, các em hát theo luôn. Thử bài khác, cũng vậy, cả những bài khó như Miền Nam có Liên khu Năm" hay "Cây trúc xinh" cũng nhiều em biết. Chà chà, cứ tưởng bở! �
Tôi bèn tổ chức thi hát để xem các em có bao nhiêu vốn: các em hát một bài, tốp ca hay đơn ca đều được, tôi sẽ đáp lại một bài, ai cạn trước là thua. Không ngờ các em rất giàu, có đến 8 bài hát chung, mười bài hát từng nhóm, nhiều bài tiếng Kor mà tất nhiên tôi không biết.
Tôi moi óc cố nhớ tất cả những bài hát từ hồi là Thanh niên cứu quốc, là bộ đội, giành được phần thắng nhờ những bài của trường Lục quân và của đất quan họ Bắc Ninh mà các em chưa biết.
Cuộc thi hát kéo dài ngoài trời lúc chiều, lại nối tiếp ban đêm chung quanh bếp lửa công cộng ở chỗ rộng nhất trong nóc, dùng làm noi họp ấp. Người lớn ngồi vây vòng ngoài cười đùa, nhắc, khuyến khích. Từ buổi ấy tôi có thêm một loạt bạn thân nhỏ tuổi. Tôi đi đâu các bạn bám theo đấy.
Thật tình, tôi không sao quen được với kiểu nhà ngột thở ở đây. Ăn cơm trưa vẫn bị tối. Anh Mười phải uốn cong một khúc sợi mây chưa chẻ, nông lớp lá mây lợp nhà lên thành một lỗ hình bán nguyệt, ánh sáng mới soi vào được, lờ mờ. Tôi muốn buộc tăng treo võng ngủ bên ngoài, lại thôi vì sợ mất lòng bà con.
Chuột nhiều, mạt gà bọ chét nhiều, muỗi nhiều tuy đêm lắm khói, gián to nhỏ thì vô số. Xem lại súng ngắn, tôi trút ra được chừng năm chục gián con nằm trong bao da và cả trong nòng súng để nhấm nháp lớp mỡ heo rừng chùi súng. Đêm ngủ trên võng, tôi thường thức dậy xoa mạt gà bò ngứa mặt hay phủi gián chui vào trong tấm đắp. Không khí luôn luôn hôi nồng mùi tre gỗ mục, mùi cứt chuột, mùi nước đái trẻ con mà khói củi dày đặc ban đêm không át nổi.
Không đợi mời, tôi thường ghé lại các chỗ hội họp. Lửa sáng chập chờn. Những người mặc áo quần đen ngồi thành từng khối không rõ đường nét, chỉ nhô ra những khuôn mặt và bàn tay nhạt màu hơn trên nền đen, nói thong thả và trầm giọng bằng tiếng Kor. Hễ thấy tôi đến, họ chuyển sang tiếng Kinh, hoặc một anh nào gần nhất dịch cho tôi hiểu.
Gặp một cuộc họp toàn đàn ông bàn về sản xuất. Phải chọn giống khoai để trồng trên rẫy vừa suốt. Sửa soạn trồng mỗi gia đình hai ngàn gốc sắn, thiếu sẽ bị đói. Sắn trồng rẫy cũ khi mới phá dồn lên đây nay đã to củ cần nhắc cả ấp ăn sắn nhiều cơm ít. Lúa giống năm nay phải trút cả vào kho chung của ấp, không được để riêng từng buồng. Một bác giảng cho tôi vì sao: mỗi lần nghe con khóc đòi cơm, các bà cầm lòng không đậu lại xúc lúa giống ra giã, mùa rẫy vừa rồi bị thiếu giống rất nặng, phải đi mượn ấp khác. Các ấp đã giúp đủ thứ rồi, vay mượn thêm nữa thật khó coi.
Tôi đắn đo hồi lâu mới khuyên bà con sửa nhà, làm nhiều cửa chống lên như người Kinh cho không khí và ánh sáng lọt vào. Một ông buột miệng: "Để hỏi già làng thử coi". Người bên cạnh gạt phắt: "Già làng, chi cũng già làng!", tiếp một tràng tiếng Kor cáu kỉnh. Có lẽ kiểu nhà này do ông già làng vạch ra đây.
Tôi mang máng cảm thấy từ khi ấp Năm bị buộc phải bỏ ruộng xuống khu dồn phát rẫy, lên đây cũng làm rẫy, các tục xưa gắn liền với nghề rẫy đang dần dần trỗi dậy, kéo theo oai quyền của các cụ già gần suốt đời "cày bằng dao, trồng bằng lửa", ưa cúng vái quanh năm...
Họ bàn cãi chùng nửa giờ. Tôi không hiểu gì, rất lo xảy ra va chạm phong tục. Một bác trung niên đột ngột nói tiếng Kinh: - Làm nhà gấp hồi mới lên, gió núi lạnh quá... Đồng ý với anh Bốn hết rồi đó, trồng khoai xong tụi tôi làm cửa nhiều nhiều. Con nít bị ghẻ khóc cả đêm. Người lớn không muốn vô nhà, anh thấy ở ngoài miết đó.
Tôi không ngờ một việc tưởng khó lại được bà con ưng ý gọn gàng như vậy! Đêm khác, tôi ghé vào chỗ phụ nữ đang họp. Một chị đùa ngay: "Đàn bà bàn công tác bắt ốc đây!". Các bà các chị ban ngày mặc bộ bà ba đen cho ruồi vàng và dĩn đỡ đốt đêm ngồi quanh lửa thường cởi trần, thấy tôi đến mới vơ áo mặc vào. Họ đang lo lắng về bệnh trẻ em. Tôi nhắc lại quyết định của giới đàn ông làm cửa chống, họ cười. "Tán thành hết hết!". Nhân đó, tôi khuyên lập nhóm giữ trẻ của ấp. Các chị địu con trên lưng đi làm, bắt con phơi nắng phơi mưa tội nghiệp, nó dễ đau ốm hơn mình. Chị Hương kể lể ngay như sắp khóc:
- Mình mất mấy đứa, còn một đứa đau miết, mình thương lắm. Đeo con phơi nắng cực khổ, mình không biết bỏ cho ai giữ. Để ở nhà, đi kiếm rau kiếm củi một chặp cũng sợ con khóc, lo về mau không kịp kiếm thứ chi. Ưng cái ban giữ con nít lắm đó!
Lại một chị xôn xao. Không ai lo ngại người giữ trẻ thiếu trách nhiệm: các chị có con mọn sẽ thay đổi nhau giữ con mình và con các bạn. Một chị quay lại giọng rất dịu:
- Cán bộ nói thử, tàu bay tới, súng lớn bắn, làm răng đem con nít chạy hết? Con nít nhiều, người coi ít ít...
Tôi khuyên làm nhà trẻ chỗ rừng kín, hơi xa rẫy và nóc, đào hầm hàm ếch vào sườn núi dựng. Như thế còn yên ổn hơn khi mẹ con cùng ở ngoài rẫy hay trong nóc. Buổi trưa mẹ bận không về, người giữ sẽ cho ăn cơm, cháo, hay bột gạo.
Không ngờ các chị hỏi rất kỹ cách làm bột gạo trẻ em. Tôi đã quấy bột cho các cháu nhiều lần mà chưa bao giờ hỏi cách sản xuất bột tám. Đành phải nói chung chung là ngâm gạo cho mềm, bỏ cối giã nhỏ, rây lấy bột, phơi hay sấy khô. Tôi hẹn sẽ làm thử một mẻ bột trước để bày lại các chị, nhung chưa biết kiếm đâu ra muối để các cháu thích ăn bột. Trẻ em khóc ngằn ngặt, được tí nước muối chấm vào miệng là chép chép môi, nín ngay...
Những cuộc lân la bàn góp với người lớn và tập hát cho trẻ em đưa đến một hậu quả không ngờ.
Buổi sáng thứ tư kể từ khi đến, tôi ra máng nước đánh răng ưa mặt xong, chui vào nóc bỗng thấy chỗ sạp để ba-lô chật kín. Bà con đặt ở đấy năm sáu cái mâm tròn bằng mây đan có đế, mỗi mâm bày mội chậu nhôm đựng cơm ghế sắn, một bát canh to, vài thứ gì nữa tùy mỗi bếp, tất cả đều bốc hơi nóng hổi. Mấy chị nữa đang bưng mâm đến. Tôi hoảng hồn, kêu:
- Thôi các chị ơi, tôi ăn với anh Mười, đừng bưng tới nữa để nguội hết.
- Anh ăn chút chút thôi, nhà ăn sau.
Anh Mười cười, bảo tôi ăn phép mỗi mâm một tí cho bà con vui lòng:
- Họ thấy anh thương đồng bào, họ thương lại anh.
Tôi vội vàng ăn phép, đúng dậy nhanh để các chị bưng về cho gia đình ăn sáng. Tất cả các món đều không muối. Tôi nhận ra trong những bát canh rau má, ngọn khoai, củ môn thường có chim, cá, ốc, thịt gì như sóc hay chồn, và mâm nào cũng có một chén to ớt sả giã chung dùng thay muối. Tôi cồn cào xúc động suốt ngày ấy.
Tưởng chỉ một lần sẽ thôi, nhưng sáng hôm sau tôi lại phải ăn phép như thế. Đành nhờ anh Mười anh Liễu nói hộ bà con cho tôi tự nhiên như con cháu về thăm nhà. Và những bữa cơm một người mười mâm được chấm dứt.
Tôi đi chặt củi ngoài rẫy với anh Liễu, trong khi chờ đủ khỏe để trồng khoai và sửa nhà với đồng bào.
Rẫy ở đây trải vắt qua hai sườn núi, lắm đá, ít đất. Tôi gặp lại một nét đã khiến tôi ngạc nhiên hôm mới đến: nhiều thân cây cháy nằm chắn ngang con đường mòn, khác với lệ thường làm rẫy phải chừa đường đi. Nhìn kỹ mới nhận thấy những thân cây ấy được xếp để chia đám rẫy phát chung thành nhiều khoảnh hình chữ nhật hay vuông. Mỗi gia đình nhận một khoảnh để trồng tỉa, nạo cỏ suốt lúa, vun gốc sắn và đào ăn.
Làm mệt lại nghỉ. Khi cần tôi sẽ chữa sốt rét bằng mai ba ba xem sao. Năm 1950, trường Lục quân về đóng ở vùng dân tộc Mường phía Tây Thanh Hóa, tôi dứt sốt khá lâu nhờ mấy thang thuốc nam của bà cụ Mường trong làng, từ đấy rất phục thuốc gia truyền của đồng bào vùng cao. Thấy tôi vã mồ hôi và thở phì phò, Liễu vội giục tôi nghỉ.
Hai giờ chiều, một anh về ấp xách theo con mang nhỏ lông vàng óng, nặng chùng 6-7 cân. Nó đứng trên bậc đá cạnh vực sâu, lớ ngớ không chạy được, anh đến đập chết luôn.
Anh hỏi tôi ăn được thứ này không. Được lắm chứ.
Khi tôi rủ mọi người nấu ăn chung, sao coi bộ ai ai cũng lơ lơ. Anh Mười nói bận sửa nhà kho, biến luôn. Chính người xách con thịt về cũng tần ngần.
Một ông già đi qua nói:
- Thứ ni cữ. Dân đây không ăn thịt mang.
Đám thanh niên cãi ồn ào:
- Cữ chi mô, ăn mang luôn chớ, bữa con thịt nhỏ, không muốn ăn...
Tôi đoán họ còn ngại nhưng xấu hổ không muốn nói thật. Dù phải cố tránh va chạm, nhưng lần này tôi muốn thử xem mức độ mê tín của bà con ở đây tới đâu, cứ để mặc Liễu đi lấy dao, nồi, thớt. Rốt cuộc chỉ có Liễu với tôi cùng xẻ thịt.
Chúng tôi đốt lửa chỗ bìa rừng thui con mang. Da nó còn non, chảy ra như hồ dán dính tay, khi cạo lông thì da cũng tuột theo luôn, đáng lẽ phải lột da và lông bỏ đi mới đúng. ông già ban nãy dặn phải làm thịt, nấu và ăn ngoài nóc, nếu muốn đem vào ăn trong nhà phải lách qua cửa hông. Ông nói có vẻ rụt rè, ngường ngượng.
Liễu cười, bỏ nhỏ. "Các ông không dám cản đâu, sợ dân chê lạc hậu". Chúng tôi bỏ hết đầu, chân, ruột, còn lại chặt to miếng, hầm một nồi cháo bự.
Ngoài trời khói bốc thẳng lên cao, không tỏa rộng và loãng di dưới mái nhà như khi nấu trong nóc. Tôi cầm một cành cây rậm lá, để ống nước bên bếp, sẵn sàng giập tắt lửa khi nghe tiếng máy bay. Liễu bàn:
- Ta cứ đem ào vô nhà nấu, anh Bốn! Mấy ông già cằn nhằn cũng xong hết rồi. Hễ thắc mắc chi, cứ lên ủy ban mà kiện!
- Không nên anh ơi. Tôi là khách ở xa tới, các ông bà già ghét thì công tác khó lắm. Mà sao đồng bào ở đây kiêng thịt rừng?
- Thứ khác ăn hết. Riêng con mang là ma của người chết xấu, túc là chết tai nạn đó. Nó đi kêu khóc cùng rừng, đồng bào cứ không ăn, gia đình tôi không kiêng thứ chi cả... Thanh niên tụi tôi nhiều khi phải làm ẩu. Ông già cắm lá cữ, con cái cứ đưa người vô nhà. Nhà bày ra cúng, bỏ đi chơi. Cấm ăn thứ chi, cứ đem về nhà nấu thứ đó!
- Vợ anh có phàn nàn chi không?
- Hà hà, sợ, không dám nói!
Hai anh Hương và Mười bạo phổi hứa ăn chung, khi cháo chín đều rút lui cả, kêu no. Liễu và tôi đánh chén nứt bụng. Thịt mang con giống thịt thỏ, trắng, mềm hơn gà có mùi nồng riêng của giống mang. Chúng tôi không kịp ra rẫy kiếm sả, ớt, rau thơm, nếu có sẽ ngon hơn nhiều. Cố hết mức chỉ cạn nửa nồi. Anh Hương có lẽ ngượng, cuối bữa ra nói chuyện chơi rồi bung nồi cháo, lách qua cửa hông vào cất trong nhà. Sáng hôm sau hâm lại anh liều ăn phép một chén. Liễu với tôi thanh toán nốt. Chất bổ vào người có khác, đêm ấy tôi ngủ rất ngon, không bị "hồn người chết xấu" quầy cựa trong bụng. Hôm sau thấy khỏe thêm nhiều.
Và bà con trong ấp đối với tôi vẫn vui thân y như hôm qua, chẳng có gì khác cả. Riêng cánh trai trẻ đến rủ tôi đi đây đó nhiều hơn, kể chuyện nhiều hơn. Có thể hai chúng tôi vừa giúp "phái mới" trong ấp thắng thêm một điểm nhỏ trong cuộc đấu tranh dai dẳng chống mấy vị chúa làng, già làng, thầy cúng, ông đồng, tuy đã lép vế nhưng chưa chịu bó tay ngậm miệng.
Một mảnh giấy của Đảng ủy 32A báo cho tôi đến trạm đồng chí Quân gần ấp Sáu xã Nú có việc gấp. Đảng ủy 32A là mật danh của Đảng ủy khu vực thí điểm phát động quần chúng giành lại đồng bằng của Liên khu, gồm ba huyện Tiên Phước, Tam Kỳ, Bình Sơn, do một đồng chí ủy viên Thường vụ Liên khu ủy làm bí thư.
Chưa biết rõ việc gì và kéo dài bao lâu, tôi vẫn hỏi đường và đi ngay sáng sớm một mình.
Các bạn nhỏ của tôi đã truyền tin cho nhau, kéo ra đợi tôi ngoài nóc. Một dãy trẻ em xếp hàng dài, đợi lâu trong khi tôi buộc ba-lô, biếu các gia đình quen vài thứ kỷ niệm. Bước ra đã thấy một loạt tay giơ sẵn như hoa nở dọc hàng rào, dễ thương hết sức, từng em còn nhắc tên để tôi nhớ lâu. Tôi ân hận vì chưa kiếm được cái rây và muối để làm bột tám, chỉ hứa khi quay lại sẽ cố làm thử.
Đường qua ấp sáu băng ngang ba đám rẫy đã suốt, rơm tươi gặp nắng sớm lên càng nổi màu vàng lộng lẫy, phơi những lá vàng diệp dát vào sườn núi xanh. Thung lũng bên dưới còn đọng đầy sương mù như một biển sữa, những ngọn cây từ dưới sâu chọc lên hiện mờ mờ thành chuỗi mấu đá ngầm. Đỉnh núi xa nhô lên bên kia thung lũng, không có chân nên dễ tưởng rất gần. Tới đoạn đường xuống dốc, tôi chìm vào lớp khói lạnh phủ tê tê trên mặt, dưới đặc và trên loãng. Dãy cây chừa lại dọc bìa rẫy giống một đoàn người lội qua nhấp nhô. Đồng hồ như lùi lại, tôi đi hồi lâu trong ánh đùng đục của giờ gà gáy, tuy ngửng lên vẫn đoán được trên đầu đang có mặt trời cao một con sào chiếu sáng.
Tôi vào trại của lực lượng, đón giao liên. Đây là hậu cứ của một đại đội thuộc tỉnh Quảng Nam, thường để lại một trung đội làm ruộng rẫy. Nay chỉ có vài người ốm trông nhà, anh em đã xuống làm ruộng ở nà ông Phố cách đây một tiếng rưỡi đường núi, chỗ đồng bào xã Nú vỡ hồi xưa. Chỉ mới có bộ đội đến đấy, vừa cày cấy vừa chống càn, bắn máy bay, đợi khi dưới đồng bằng "mở ra" thật mạnh mới đưa đồng bào Thượng xuống cùng làm.
Một nhóm công tác y tế cũng ghé vào trại nghỉ trưa đun nước uống trong cái mũ sắt Mỹ treo sẵn trên bếp.
Tôi đến làm quen, được giới thiệu cô Mai em ruột anh Liễu, là y tá đã ra miền Bắc học và trở về năm ngoái.
Mai chưa đến 20 tuổi, người béo lẳn, da hơi nâu, có mấy răng viền vàng, tóc đuôi chồn kép cao trên gáy, mặc bà ba đen. Nói tiếng Kinh cũng đúng giọng như Liễu cười giòn khi thắng luôn mấy ván tu-lơ-khơ.
Quá trưa giao liên mới đi qua, tôi theo về trạm Quân cách trại lực lượng không xa nhung đừơng vào rất kín: "Mình không có người gác như lực lượng, dễ bị địch úp, pháo bắn, phải ở chỗ thiệt vắng". Trạm chỉ nghe nhắn sơ sơ. anh Bốn đợi ở dây để gặp một đoàn cán bộ đi xuống.
Trạm này nằm trên "đường dây ngang" từ đồng bằng lên Liên khu bộ, chỉ có ba nguời, hai ngày một lần đi "trực dưới" và "trực trên" dẫn khách và chuyển công văn, hàng hóa. Nay trạm truởng đi vắng. Nhà sàn nhỏ, chỉ nhỉnh hơn cái chòi rẫy. Sạp phủ bằng vỏ cây dày, nhám, nhiều lồi lõm. Mái lợp lá mây.
Hai cậu Hùng và Lý, giao liên người Kor, mau chóng có cảm tình khi tôi giở sổ tay ra hỏi, ghi thêm các từ và câu tiếng Kor. Hùng đã gặp tôi chỗ chòi rẫy bên sông Cà nâng, nay rất chịu khó dạy tiếng dân tộc mình. Lý cao lớn hơn, nói tiếng Kinh không sõi mấy lo cơm nước cho cả ba.
Trong đêm không đèn, tôi treo võng nằm hỏi dông dài. Sau bốn tháng ruỡi leo núi và ở núi, đây là lần đầu tiên tôi được dịp chuyện trò thoải mái với các đồng chí glao liên. Dọc Trường Sơn hay ở các trạm gần Liên khu bộ, giao liên dẫn khách đến trạm và chỉ chỗ cắm lều xong là về nhà mình ngay. Một số trạm dựng nhà nghỉ cho khách, thường tách xa chỗ ở của giao liên nên hai bên khó quen nhau.
Anh em trạm này tự làm rẫy mà ăn, chỉ được cấp thêm gạo bắp khi công tác đột xuất quá nhiều hoặc phải dời trạm đi xa vì đừơng dây bị lộ. Mỗi năm được phát một bộ bà ba, vài quần đùi áo lót, mỗi tháng được một lon ruỡi muối. Trên hứa phát nhựa đi mưa nhưng chưa có. Nguời ướt không sao, chỉ lo ướt túi giấy tờ và gừi hàng cõng trên lưng.
Họ nhận xét về khách qua lại cũng nhiều.
Cán bộ từ khu xuống thường đứng đắn, có kỷ luật, đối xử như người thân. Bộ đội qua đường cũng tốt, hay giúp đỡ trạm, nhưng cũng hay làm ẩu: đốt lửa không đúng giờ, mượn dao nồi của trạm rồi bỏ lung tung. Khó nhất là anh em thanh niên mới rút từ đồng bằng lên.
Tới đâu họ cũng hỏi làng nào, xã nào, cách đồn địch bao xa, đường này kia đi đâu... Giao liên phải giữ bí mật, thế là họ cáu, nói nặng lời. Chưa quen đi núi và không có đủ những trang bị để ở núi, họ phàn nàn và đòi hỏi nhiều. Lại có những cơ sở đồng bằng khuyến khích thanh niên lên núi bằng cách nói trên ấy sướng lắm, đi ô-tô và thắp đèn điện, do đó nhiều cậu đem theo com-lê, mũ phớt, giày da, mấy cô xách giỏ nhựa đựng áo dài màu và dép cao gót, không lo sắm sửa tăng võng dao nồi.
Một đoàn như thế đến trạm, giao liên vất vả đủ điều.
Như để minh họa cho câu chuyện của Hùng và Lý, hôm sau trạm trưởng Quân dẫn về một đoàn ngót hai chục người, có đủ bộ đội, thanh niên mới rút lên, cả phụ nữ ẵm con. Họ đến không đúng ngày quy định vì đi rất chậm, qua sông suốt chật vật, đến nơi đã mệt nhoài.
Lập tức nhà trạm tí xíu bị tràn ngập. Đồ đạc vất bừa ra đầy sàn, trẻ con khóc và ỉa đái, người nằm ngồi chặn hết lối đi. Nồi nước chè để uống trong một ngày cấm lửa bị cạn ngay tức khắc. Mấy cây rừng giữ nguyên để che mắt máy bay L.19 bị chặt chan chát. Khói bốc lên bùng bùng cả trong bếp và bên ngoài dù lệnh cấm được hét to nhiều lần. Tất cả soong nồi dao rựa chạy hết ra khỏi trạm, đến tối chúng tôi phải cầm đuốc đi tìm lấy về làm bữa, đến bốn giờ sáng lại đi tìm lượt nữa. Bó chè tươi và giỏ sắn ghế mới kiếm từ rẫy về không còn lại tí gì, khách cứ miệng hỏi tay lấy rất thoải mái.
Mấy đồng chí còn chìa giấy ra đòi trạm cấp gạo tuy những nơi nhận gạo đã được hẹn trước, đây không có gì để phát. Trạm trưởng Quân phân trần mãi không xuôi, len lỏi vào nóc nhà cầu cứu tôi.
Sẵn bộ râu nhiều ngày chưa cạo, kính trắng và quân phục ka-ki, tôi đeo thêm súng ngắn và túi dắt vào người, trịnh trọng đến hỏi đồng chí trạm trưởng có việc gì cần giải quyết đấy. Vẫn đóng kịch như thế, tôi tỏ ý thông cảm với các đồng chí gặp lụt lội vất vả, nhắc lại nơi lãnh gạo đã quy định, động viên "toàn thể anh chị em hãy tự giác chấp hành kỷ luật phòng không bảo mật vì lợi ích của trạm và của bản thân nữa". Tôi cố ý nói chữ thật nhiều. Những lời quát tháo chuyển sang cáu kỉnh, rồi càu nhàu rồi lẩm bẩm, rồi tắt hẳn cùng với các ổ khói lửa mới nhen. Lát sau đã nghe tiếng cười đùa tăng dần. Sau bữa cơm tối, nhóm bộ đội mời tôi ăn bánh uống trà từ đồng bằng mang lên, gặng hỏi tình hình thế giới và trong nước mới nhất mà chính tôi cũng mịt mù. "Chà, lâu nay cái đài hếtpin...".
Đoàn cán bộ mà tôi chờ đợi chính là đoàn của anh Bảy Lộc (tức Bảy Hữu) trong Thường vụ Liên khu ủy, một đồng chí lãnh đạo rất dễ mến dễ gần mà chúng tôi quen gọi là anh Bảy râu vì có bộ râu quai nón thật oai.
Anh sẽ trực tiếp chỉ đạo khu vục 32A một thời gian để rút kinh nghiệm cho toàn Liên khu. Trong đoàn có bốn anh thuộc Ban tuyên huấn. Tôi được quyết định nhập luôn vào nhóm này, không đi thực tế vùng núi nữa.
Tôi vừa vui mừng vừa tiêng tiếc. Có lẽ suốt đời tôi sẽ mang tâm trạng vui và tiếc như thế. Đuổi theo cuộc sống mới, cứ băn khoăn chưa trả được bao nhiêu món nợ trong quãng đời đã qua. Ngồi viết chuyện cũ lại luôn luôn bị những người mới việc mới vẫy gọi phía trước.
Con đường xuống đồng bằng còn phải qua lắm bước nữa, cứ như xe lửa làm ma-nơ ở nhà ga trước khi chạy hẳn.
Chúng tôi dầm mưa suốt ngày, men các sườn cao đi về hướng Tam Kỳ. Thung lũng dài và hẹp của mỏ vàng Bồng Miêu hiện ra mờ mờ dưới kia, mé tay trái. Một lúc tạnh và có nắng, tôi thấy đồng bằng thấp thoáng bên kia đèo với một bãi cát trắng đục dưới trời xanh lơ, lại biến nhanh trong mưa.
Suối êm trong bỗng hóa thác bùn là một điệp khúc tinh quái lặp hàng ngàn lần của mưa núi. Đoàn chúng tôi bị một luồng nước ống cắt làm đôi. Một tiểu đội đặc công đi sau cách chừng trăm bước không còn tìm thấy thân cây bắc làm cầu đã chìm dưới nước đục, hú gọi thì đoàn đi trước không nghe được gì trong tiếng mưa quất trên rừng và trên đầu. Họ dừng lại, buộc tăng sửa soạn nghỉ đêm. Nửa giờ sau cây cầu từ từ nhô dần trên dòng bùn, anh em vội tháo tăng, vượt suối.
Tối mịt mới bì bõm lội đến ấp Bốn xã Cót ở bí mật.
Nóc này dựng cao hơn chỗ anh Liễu, chúng tôi chen chúc buộc võng hai ba tầng trên hành lang và treo ba-lô đến trĩu cả mái nhà. Các cô gái Kor bắc nồi lên bếp hộ chúng tôi - lệ làng cấm người ngoài tự tay đặt nồi đun nấu - xong phải rút lui vào buồng để chúng tôi đỡ tê chân vì không còn chỗ cựa quậy.
Hôm sau, lại hành quân dưới mưa. Càng xuống gần đồng bằng, đường càng ít mòn, rậm, lắm gai và vắt. Đạn súng cối nổ dồn dập phía bên trái. Rồi pháo từ xa bắn đến, hai khẩu 105 ly. Địch càn dưới chân núi. Lệnh truyền xuống: nhẩm cho thuộc mật khẩu và ám tín hiệu, qua các rẫy trống phải đi xa nhau mỗi người 15 mét.
Cơ quan 32A chỉ là một chòi nhỏ cũ nát trong rừng.
Đi hơn một tiếng nữa sẽ đến thôn Tứ Mỹ thuộc xã Kỳ Sanh (phần trên của xã Tam Hiệp cũ). Chúng tôi buộc tăng, đi chặt cây sửa lại nhà, làm chỗ họp, lao ngay vào chuẩn bị cho hội nghị mở rộng của Đảng ủy. Tiếp đó lại mở lớp học nghị quyết cho cán bộ huyện Tam Kỳ.
Tôi bận liên miền, mãi đến ngày 7-12-61 mới được xuống Tứ Mỹ, thôn giải phóng đầu tiên của Quảng Nam, giúp đội võ trang công tác ở đấy. Anh Cầm hói trán ở văn phòng 32A cười cười:
- Cậu còn may hơn mình, mới tới nửa tháng đã được dạo bờ ruộng và gỡ đỉa bám chân. Mình quanh quẩn trên sườn núi ba tháng rồi, khi nào thèm đi đường phẳng chỉ có cách leo lên sạp mà đi!
Những đợt trời đất sụt sùi đã thưa dần, nhẹ dần nhưng chưa dứt hẳn. Phần nhiều là mưa lâm râm, "mưa gieo cải". Mùa mưa 61 đối với tôi khá dài, vì tôi rời Hà Nội lên đất Lào là nơi mưa đến sớm, cuối mùa còn ở vùng giáp ranh Quảng Nam là nơi mưa chấm dứt muộn hơn.
Tôi dịch một đoạn nhật ký của những ngày háo hức chờ xuống núi.
Ngày 29-11
Đi chặt củi đốt, phần lớn các thân cây đổ bị mục mềm đến mức có thể dùng làm gối. Chúng tôi đến đỉnh một ngọn đồi phủ những lùm bụi non, trông thấy đồng bằng bên kia đèo, bị che một nửa bởi rặng núi dăng màn.
Một dòng sông xóm mạ bạc. Cây lá xanh ngồn ngộn.
Những mái nhà chữ nhật bị khuất một phần. Lưỡi cát viền ven sông. Bãi biển màu trắng nhờ nhờ rất xa phía chân trời. Lần đầu tiên tầm nhìn của tôi phóng thẳng xuống vùng đồng bằng rất đỗi thân yêu đang bị địch kìm kẹp.
Đang xảy ra điều gì dưới lớp lá xanh ấy. Những con người đang sống dưới mái nhà kia đang nghĩ gì? Lời kể của các đồng chí chỉ nung trắng thêm trí tưởng tượng.
Họ nói đến sự hung ác của địch với vẻ miễn cưỡng hoặc thờ ơ, đấy là chuyện cơm bữa, nhắc lại làm gì, khêu lại nỗi đau xót làm gì. Tôi nghĩ đến số cán bộ bị bật lên núi và không trở xuống được, nỗi uất ức và cả nỗi tuyệt vọng của họ. Họ nhận ra tùng khúc sông cong hay từng mái nhà lấp ló, biết những đau khổ của đồng bào, nhưng họ cứ phải nhìn xuống một cách bất lực, phải ẩn nấp để sống sót, mà chính họ lại là những người đã giành giật được vùng đất này khỏi tay bọn Pháp bằng máu của mình! Tôi thèm thuồng hít thở những luồng gió dường như ẩm và mặn, gió từ biển thổi lên. Tôi sung sướng được nếm mùi một điếu thuốc rê (thuốc bối), một miếng đường đen còn dính những mẩu rơm. Tôi ngắm một cô gái mặc bà ba đen may cổ tròn và bụng eo, ống tay áo chật bó sát cánh tay người. Tôi say mê nghe và ghi những chuyện kể về đồng chí và nhân dân dưới kia. Và tôi thú nhận rất thẳng thắn rằng tôi ham công tác đồng bằng hơn dù có lắm hiểm nguy. Tôi rời miền Nam từ 19 tuổi, đã sống thời kháng chiến ở nước bạn, niềm thương nhớ đối với xứ sở trở nên gay gắt không sao nguôi được. Trong các tác phẩm của tôi, phần phân tích tâm lý các nhân vật người Việt còn kém cỏi. Tôi cần hiểu thực tế của quê hương sau một vốn tích lũy kha khá về cuộc sống ở nước khác, vùng khác. Tôi thèm được như N. hay S.: họ có thể viết truyện về người nông dân tỉnh quê của họ, còn tôi thì chịu. Mất gốc thật là khốn khổ! Thật xấu hổ khi nhớ rằng trong những năm qua tôi ăn nói và sinh hoạt như một người chính gốc ở miền Bắc, rằng tôi hiểu đất và người ở Lào và miền Bắc rõ hơn là hiểu quê tôi, rằng trong những cuộc họp đồng hương người ta nhận ra tôi nhiều hơn là tôi nhận ra người cùng sinh quán.
Bây giờ đồng bằng đang hút tôi như khối nam châm.
Triển vọng có thể về đấy công tác ba tháng, một hạnh phúc. Tôi sẽ trở lên núi với vốn hiểu biết mới về vùng đất quê hương, về tỉnh tôi, với sức mạnh tinh thần mới được tiếp thêm.
14 giờ
Đọc những dòng này, mong các bạn ở vùng cao đừng chê trách tôi là "đứng núi này trông biển nọ". Chỉ xin nhớ lại hồi ấy cuộc tiến công và nổi dậy giành lại đồng bằng, cuộc giao chiến đẫm máu và dai dẳng nhất ở miền trung đã diễn ra ngay dưới chân dãy Trường Sơn, nơi địch dựng lên vô số phòng tuyến bao vây căn cứ rừng núi. Bước xuống đồng bằng là phá vây cho vùng Thượng, là lao ngay vào trận đánh giáp lá cà giành đất giành dân sẽ kéo dài rất nhiều năm nữa.
Tôi được đi phát động quần chúng ở xã thôn đồng bằng để rút kinh nghiệm. Công tác ấy cuốn hút tôi đi mãi vùng này qua vùng khác, năm này qua năm khác, chỉ lên núi họp từng đợt ngắn lại xuống ngay. Bài vở và báo cáo gửi về Ban tuyên huấn đuợc viết tại đồng bằng, sổ tay ghi chép chôn giấu duới đồng bằng, bị thuơng bị bệnh đều chữa ở đồng bằng. Hiểu biết của tôi về các dân tộc Thuợng không tăng thêm bao nhiêu trong những năm tiếp sau.
Có nhiều điều hồi 1961 lịch sử chưa kết luận hoặc tôi chưa hiểu nổi những kết luận ấy, chỉ đem lòng tin bù cho trình độ non kém. Về sau sẽ có những cảnh sống và con ngừơi dần dần thay đổi, những sự kiện được đánh giá lại, những chủ trương phải uốn nắn, những chi tiết mà nguời kể cho tôi ghi cảm thấy cần cải chính.
Đợi soạn xong nhữmg bộ chính sử thật hoàn hảo để làm chỗ dựa thì có lẽ tôi đã quên hết chuyện cũ. Vì thế, tôi xin gửi đến các bạn trẻ tuổi tập ghi chép riêng tư này về một mùa mưa sống trên rừng núi, mới đấy mà đã lùi xa non một phần tư thế kỷ.
Đà Nẵng, Xuân Giáp Tý.
Trong Mưa Núi Trong Mưa Núi - Phan Tứ Trong Mưa Núi