Tố Tâm epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Ông Song An Hoàng Ngọc Phách Với Quyển Tố Tâm​
ột cái quan niệm chung của các nhà viết tiểu thuyết kim thời, là dựa vào những tình tiết mà mình đã nhận thấy trong cảnh đời của mình hoặc của một hạng nguời ở quanh mình, rồi nhân đó xếp thành một câu chuyện. Câu chuyện đó muốn gọi là tâm lý tiểu thuyết, hay ái tình tiểu thuyết, chẳng qua chỉ là một sự giải phẫu khôn khéo, những tình cảm ở tận đáy lòng nguời đương thời không có thì giờ quan sát được cùng nhận thấy. Lối viết chuyện này từ năm sáu năm lại đấy đã là một cái khuynh hướng; khuynh hướng đó có ba lẽ tạm giải được là:
Ảnh hưởng của quyển văn tâm lý xuất hiện truớc nhất ở nước ta là quyển Tố Tâm.
Ảnh hưởng càng ngày càng mạnh của văn học sử nước Pháp.
Điều kiện sinh hoạt.
Tôi hẵng tạm bỏ qua lẽ trên để nói về hai cớ dưới, rồi nhân hai cớ đó, tôi sẽ nói đến cái địa vị của quyển Tố Tâm trong văn giới nước ta ngày nay.
*​
Khoảng năm 1925, cùng với những sách dịch thuật ở chuyện Tàu ra, các nhà văn lúc bấy giờ có viết chuyện cũng dựa vào sự báo ứng, cái thuyết nhân quả, là ảnh hưởng của những pho tiểu thuyết Tàu. Đừng nói gì biền ngẫu là lối văn đắc dụng trong buổi ấy, đến các tình cảm mà một vài tiểu thuyết gia đã hơi thoát đuợc cái sáo thường, có phác ra vẽ ra cũng là những tình cảm thô sơ hay là quá ư gian giảo. Nguời đọc buổi đó cũng không cầu kỳ cho lắm. Quý hồ giọng văn nghe êm tai, bi ai réo rắt, tả một thứ tình cảm lâm ly hay viển vông mơ mộng, dầu có đúng với sự thục hay sai sự thực, cái đó chẳng có quan hệ gì. Chỗ đó là một cái di tích còn lại của cái ảnh hưởng xấu xa của những thơ phú, từ khúc. Nếu tôi xét đoán không lầm thì văn học Pháp ngày ấy chưa đuợc nhiều nguời hâm mộ lắm. Người đọc chưa biết thưởng thức những chỗ tuyệt diệu của thứ văn lãng mạn vào buổi đó cũng không đuợc công chúng hoan nghênh. Phải, trong cái đời an nhàn tự túc, ai hoài hơi đâu mà để ý đến những chỗ phiền phức tỷ mỷ trong lòng người, ai cần biết cái thi ca của vũ trụ. Vả lại tuy không chịu thú nhận cùng ai, mà cũng như chịu đè nén dưới cái tâm lý cổ, không dám mạnh bạo hồ nghi. Thật là một sự tín nhiệm của cả một dân tộc đúng giữa hai cái văn minh Đông phương và Thái Tây mà không tự biết. Cái tâm trí của người viết cho lẫn nguời đọc buổi ấy là cái tâm trí còn nặng nề những lý thuyết cổ, không còn biết sáng kiến là gì nữa và cũng không hiểu sáng kiến là gì. Truớc cái tình thế ấy, đột nhiên quyển Tố Tâm ra đời.
Ta nên nghiêng mình trước tác giả cuốn văn tâm lý ấy, vì ông đã mở một kỷ nguyên mới trong văn giới nước ta về buổi đó.
*​
Ông Song An Hoàng Ngọc Phách, người viết ra quyển Tố Tâm là một thiếu niên học thức giàu tình cảm, ưa văn chương, lại có tính quan sát chuyện đời.
Những tình cảm mà ông sẵn có được nơi huấn luyện rất thích hợp là Trường Cao đẳng Sư phạm. Ham đọc sách về khoa triết lý lại sẵn lòng hâm mộ Paul Bourget nên phương pháp viết truyện của ông là một phương pháp khoa học có trật tự hẳn hoi, có kết quả xác đáng, chỗ đó ai cũng công nhận như thế. Mà cũng bởi ông học rộng, xem sách nhiều nên khối óc ông già về triết lý và một đôi khi trông nhân tình thế thái, ông có vẻ bi quan, vẻ bi quan này có thể khiến người ta đến chán nản hết thảy mọi sự ở đời mà đâm ra yếm thế, vì quá đi vào trong những sự thật ở đời. Ông biết vậy, nên tuy trước vũ trụ im lìm, ông thấy sợ, (sợ cái tối vĩnh tối đại của Hóa công) theo lời Pascal, một nhà triết học đã viết: "Le silence de ces espaces infinis m’effraie"; dịch là:"vẻ lặng lẽ trong những khoảng vô tận làm cho tôi phát sợ" mà ông vẫn tín nhiệm đời, tin ở ông, biết ông "hơn cái vô cùng vô cực đó ở chỗ ông "có tri giác biết Tạo hóa là to, có cảm tình biết yêu nhau là sướng" nên ông kiềm chế được ngay những lúc tâm hồn bạc nhược. Lại cũng vì ông đọc nhiều sách Tây nên ông chịu ảnh hưởng rất nhiều của phái lãng mạn, nhất là của Vigny trong thứ can đảm âm thầm (stoiscisme) và Lamartine về tính hay mơ mộng những tình tuyệt thú. Rồi một ngày kia, góp nhặt những ý tưởng lạ trong các sách ông đọc qua, ký ức những điều đã quan sát trong đám thiếu niên mà ông thường giao thiệp, lại tự muốn đảm đương cái chức trách nặng nề, là giáo dục người bằng khoa tâm lý, ông viết ra quyển Tố Tâm, một thiên tình sử mà ông do dự mãi không muốn đem ra xuất bản.
Về công dụng của quyển sách này ra sao sau này tôi sẽ bàn đến, bây giờ tôi xin nhập đề nói về nội dung quyển Tố Tâm.
*​
Cái cảm tuởng của tôi, sau khi đọc xong quyển Tố Tâm là một câu hỏi hoài nghi như sau này: Tố Tâm có thể có được không? và cái ái tình giữa Đạm Thủy và Tố Tâm có thể thực hiện trên giải đất chữ s này không, hay chỉ là một bức tranh tuyệt đẹp ca ngợi cái ái tình của một đôi trai gái? Xin trả lời rằng: Không.
Một người có những tình cảm phong phú như Tố Tâm phải tìm thấy trong những bộ tiểu thuyết về Pháp văn. Tố Tâm là hình ảnh của Julie d’ Étanges trong Nouvelle Héloise, của Corrine [1], của Atala [2], nói tóm lại, của hạng đàn bà mà cái tình của họ lại chú vào những chỗ khác thường, nên rốt cuộc họ chỉ là một sự hy sinh tuẫn tiết. Cái tình này dù thật, hay chỉ là tưởng tượng, mà ra đã giúp nhà văn viết nên những thi ca cực hay, cực ảo não, những chuyện cảm động tha thiết, khiến người ngoài cuộc hồ nghi những lý tưởng tốt đẹp trong đời. Đối với những hạng nguời không ưa phấn đấu, chịu cho hoàn cảnh nó lôi kéo đi, lại lấy cớ vì còn có bức thành to tướng của luân lý, của xã hội ngăn cản, trách nhiệm gia đình phải lo; đối với những người ấy quyển Tố Tâm đã là một người bạn đồng chí, một cái linh hồn thứ hai (une âme soeur) của họ. Quyển tiểu thuyết này theo ý tôi chỉ là bức vẽ rất sáo cho những nguời hay mơ mộng cái đồi tiêu thuyết. Nhưng lại là một bức vẽ cổ lắm rồi. Thiếu niên năm 1925 với thiếu niên năm 1934 không giống nhau nữa. Quan niệm của bạn trẻ trong buổi mới đối với ái tình, hay đối với gia đình, xã hội, đã thay đổi. Cũng vì một lẽ đó nên tấm lòng hâm mộ của họ đối với Tố Tâm không được sốt sắng như xưa.
Trái với Tố Tâm, người đàn bà ưa mơ mộng, không biết đến thực tình xã hội, người đàn bà trong xã hội mới ngày nay không còn có một cái quan niệm như thế nữa. Họ có thể quên không muốn biết đến cái đời lý tưởng cao xa, khó tìm đến được đó để sống với những sự thực ở đời. Cái trí xét đoán đã khiến họ nom rõ mặt thật của xã hội, biết những chỗ yếu của mình nên không để mắc lừa vào tình duyên như thế.
Nói thế không phải tôi có ý bảo rằng đàn bà buổi đời mới không nên để tâm ao ước cái đời chung tình. Không, họ có thể, và cần nên có một quả tim chung tình, nhưng không nên ép lòng quá lắm như Tố Tâm. Bỏ ra ngoài cái tư tưởng vị kỷ đáng thương của loài người, tôi cho Tố Tâm không biết đến lý đoán, chỉ nghe theo tấm lòng, nên những việc làm sôi bầu máu nóng công phẫn của một bạn gái ít nhu nhược hơn nàng, nàng lại nhận cho là một sự rất thường, mà sẵn lòng tha thứ. Tỷ như biết Đạm Thủy có vị hôn thê rồi mà vẫn yêu. Mà nào có thế, Đạm Thủy tuyệt nhiên không hiểu lòng nàng mà khinh nàng ra mặt nên mời dấm dúi những cái thư, những bức ảnh "văng mạng" vào ví giấy, viết những lời châm chích mà nàng tha thứ cho cả, lại cho thế là vì lòng yêu của bạn. Thì ra ở nước nào, ở thế kỷ nào cũng vậy, bạn gái là người dễ lợi dụng nhất...
Còn Đạm Thủy? Đạm Thủy là tiêu biểu cho hạng người câu nệ, còm lưng dưới những thành kiến cũ rích, không dám vượt lên trên dư luận... Đạm Thủy đã tìm đến một người đàn bà yếu ớt về linh hồn mà thí nghiệm cái tình mơ mộng xây trong óc tưởng tượng của mình rồi lại vì tính sợ khổ không dám hy sinh cho bạn...
Kết luận - Trong văn giới nước ta ngày nay những sách viết có công phu như sách Tố Tâm dầu có lắm chỗ không hợp với quan niệm mới, nhưng ta cũng phải nhận thấy chỗ giá trị của nó và biết ơn tác giả.
Vì vậy nên lúc bình luận văn chương, tuy mỗi người đứng về một phương diện mà bàn, kẻ bảo hay, nguời chê dở, nhưng tựu trung ai cũng phải công nhận rằng, một quyển sách mà đời còn có người nói đến có thể tự phụ là một quyển sách "còn sống ở đời".
SONG VÂN (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link.)
Thanh Nghệ Tĩnh,19 Octobre 1934.
In lại sau sách Tố Tâm in lần thứ tư.
Nxb. Nam Ký, Hà Nội, 1937; tr. 135-141.​
______
(*) Song Vân: Nhà phê bình.
[1] Corinne: nhân vật nữ trong cuốn tiếu thuyết Corinne ou l'Italie (1807) của nữ văn sĩ Pháp De Stael.
[2] Atala: nhân vật nữ trong cuốn tiểu thuyết cùng tên (1801) của nhà văn Pháp Chateaubriand.
Tố Tâm Tố Tâm - Song An Hoàng Ngọc Phách Tố Tâm