Chương 8
on đường Nguyễn Văn Thoại, tôi có cảm tưởng xa và dài tít tắp, thật ra con đường xuyên rừng cao su ấy chỉ giới hạn từ đầu trường đua Phú Thọ đến ngã tư bảy Hiền. Từ trường đua Phú Thọ, đi xuyên rừng có nhiều ngách rẽ, qua một khoảng ruộng có những cột truyền tin của quân đội có thể sang khu ông Tạ rồi từ khu Ông Tạ sang đường Trương Minh Giảng, cổng xe lửa số 6.
Thuở đó, vùng này hồi giữa thế kỷ 20, trong thời buổi tân tiến nhưng vẫn còn hoang vu lắm, nhà cửa lèo tèo, ruộng nương và ao hồ, mồ mả nhấp nhô. Nói tóm lại nơi đó chỉ những người nghèo hoặc người Bắc mới di cư mới tìm đến ở. những con đường đi xuyên ngang khu cư xá sĩ quan đường Bắc hải hoặc Tô Hiến Thành ra chợ Hoà Hưng còn là những con đường gập ghềnh sỏi đá. Vượt qua đó còn rất nhiều lùm cây, bụi cỏ, vũng nước tù, ao rau muống, mồ mả nhấp nhô. Bên cạnh cư xá sĩ quan mới xây là nghĩa địa Đô Thành. Tôi và Hoài Nam tối đèo nhau bằng xe đạp từ vườn hoa lài Bình Thới sang khu cư xá bình dân ở đường Trương Minh Giảng kiếm ăn. Có thằng nào có nghề ngỗng gì mà kiếm ăn hoặc kiếm ra tiền đâu. Kiếm ăn đây có nghĩa là ăn bám, là " bấu xấu " bạn bè, xem thằng nào có ăn thì xin xỏ để nhét vào cái dạ dầy thường xuyên lép kẹp, có khi hai ngáy không có gì ăn. Nằm lã người trên căn gác gỗ ọp ẹp. Muốn có cảnh cơm hàng cháo chợ cũng phải có tí tiền còm. Thơ thì không nhai được mà văn cũng không gặm được. đói đầu gối phải bò. Tôi nằm goác gác bên này thều thào hỏi Hoài Nam:
- Mình đã nhịn đói mấy ngày rồi nhỉ?
- Chính xác là hai ngày, tức là bốn bữa, không kể hai bữa sáng điểm tâm.
- Sư mày thế là sáu bữa, tao chết mất, vô lý thật, không lẽ mình lại chết đói, người ta nói miền Nam là vựa lúa gạo cho cả nước kia mà....
- À, chuyện đó của người ta, mày và tao có chết đói thì đất nước này cũng chẳng xấu mặt đi tí nào....Sư mày, cũng tại mày...
- Tại tao cái gì?
- Hai ngày trước đáng lẽ thì no rồi, mày có tính sĩ diện hão nên mới ra nông nỗi này.....
Tôi yếu ớt xua tay:
- Thôi, đừng nhắc đến chuyện đó nữa, đúng rồi tao ngu, tao dại, cũng vì liêm sĩ của mình. nhai nhải như chó nhai giẻ rách.....
Buổi chiều hai ngày trước, đúng vào chiều thứ bảy. Tôi nói với Hoài Nam rằng bà nội tôi có thể đã về bà cô tôi chơi. bà nội tôi có lương hưu của ông nội, thế nào bà nội cũng cho tiền.
Tôi hí hửng đạp xe chở Hoài Nam tới. Hoài Nam đứng chờ xe ngoài đường để tôi vào bà cô một mình. Bà nội tôi hôm ấy lại không có mặt ở nhà cô. nhưng cô tôi đang làm cơm dưới bếp, đương nhiên là những món ngon không chê được, vì ông chú dượng tôi là một tay ăn nhậu quý tộc, luôn luôn cơm gà cá gỏi, phải chính bàn tay khéo léo của cô tôi làm mới ngon miệng ông. trên lò nướng một con gà quay thơm lừng, nhỏ mỡ tong tong. Bụng tôi thì đang đói, nếu tôi được một bát cơm và một miếng thịt gà bây giờ thì hạnh phúc biết bao. Tôi chờ cô mời ở lại ăn cơm. Tôi nghe cô hỏi:
- Cháu đến thăm bà nội, còn việc gì nữa không?
- Dạ thưa không.
- Đáng lẽ hôm nay thì cô mời cháu ở lại ăn cơm với cô, nhưng vì chú có mời khách.....
- Không sao đâu cô, cháu về, bạn cháu còn đứng chờ ngoài đường.
- Ờ cháu về đi, hôm khác lại cô chơi.
Tôi ra khỏi nhà cô, bụng đói cồn cào, thèm miếng thịt nhỏ dãi. Hoài Nam vẫn đứng đó, hắn hì hửng:
- Màu ăn no một bụng rồi phải không. có mang phần ra cho tao không, mùi gà quay thơm điếc cả mũi.
- nếu tao có ăn tao đã nhớ đến mày rồi.
- Đâu đưa đây?
- Nhưng tao không ăn!
- Sao kỳ " dzậy ", sao không ăn, gà quay thì nhất định phải ăn với bánh mì rồi, mày thủ ra một miếng là gọn nhẹ thôi.
- Tao không thể làm việc ấy được, còn liêm sĩ còn sĩ diện tao.
- Mình đang đói, đồ ngu.
Đúng rồi, sự thật là như thế, nhưng tôi không thể làm được. Hai đứa chúng tôi suýt nữa cãi nhau to. bây giờ đành nằm đây, đói đã hai ngày rồi. Đầu óc mờ mịt đến độ không tả nổi con gà quay nó ngon như thế nào....khi đó thì chịu thật.
Hoài Nam đã lổm ngổn bò dậy:
- Bây giờ mình phải tính chứ!
- Tính gì?
- Kiếm ăn, ô hay cái thằng này bắt đầu mê sảng rồi hả?
- Kiếm ăn ở đâu?
- Đến nhà Dương Nghiễm Mậu, may ra nhà chị nó còn chén cơm nguội.
- Thì đi, nhưng đường xa quá
- Mình đi tắt. ngay đầu trường đua mình băng ngang khu truyền tin, qua cống bà Xếp là tới nó ngay
- Chắc tao đạp không nổi rồi
- Mỗi thằng sẽ đạp một quãng.
- Vậy cũng được.
Hai đứa chúng tôi lết xuống nhà, phải nói là cố gắng lết. Tôi nhìn cái xe đạp, thất vọng liền:
- Mày coi, xe xẹp lốp rồi.
- Mình ra mượn bơm cuẩong già sửa xe ngoài đầu đường, sửa xe ế quá khách đã về hết rồi. vả lại mấy lần bơm nhờ ông ta, ông ta cằn nhằn:
- Tao mở tiệm để kiếm ăn, ngày nào cũng mượn bơm thì cả nhà tao đến chết đói mất thôi. Ruột xe của mày bị lủng rồi, kiếm tiền vá đi thôi. Có bơm cũng vô ích, chỉ đi được một quãng thôi.
Cả tuần lễ nay tôi vá nổi chiếc xe. Hoài Nam lại hỏi:
- Quanh đây mình không mượn ai được cái bơm à?
- không vì chẳng có ai có, xe bò của người ta có bánh gỗ, đai sắt đâu có cần bơm. Vài chiếc xe thổ mộ cũng đâu cần bơm.
- Khốn nạn thật, nhưng mình cũng phải đi, mình không thể chết đói được.
Cuối cùng chúng tôi cũng kiếm một cái ống cao su, mở đầu van, cắm ống cao su vào thổi, có chút hơi vào bánh xe. Hai thằng tiếp hơi nhau. Cái bánh xe có thể đi được, nhưng chở nhau thì không được.
Tôi đề nghị:
- Thằng ngồi thằng đẩy vậy, mỗi thằng ngồi một quãng.
- Đành vậy
Tôi cuộn sợi cao su bỏ vào túi:
- Nếu hết hơi mình lại bơm nữa.
Đến gần 9 giờ đến nhà Dương Nghiễm Mậu. Hoài Nam ra đời sớm, anh không ngoan khi phải ứng phó. Anh vào thẳng vấn đề với Dương nghiễm mậu:
- Bọn tớ đói, nhà cậu có cơm nguội cho chúng tớ ăn đỡ, không cần thức ăn, muối hay nước tương là được rồi....
- Còn cơm đó, nhưng ít quá sợ các cậu không đủ no.
- Cũng được mà, bọn tớ sắp sỉu, xe đạp hai thằng chở nhau lại xịt lốp tới được đây mệt quá là mệt.
Dương Nghiễm mậu mau mắn chia đều phần cơm trong nồi cho hai thằng:
- Ăn đỡ đi, mình ra ngoài quán uống cà phê rồi mua thêm cái gì ăn. này mang chiếc xe vá đi, đừng lo, tớ trả tiền cho.
Dương Nghiễm Mậu với tay lên tủ sách, anh lấy xuống một quyển sách dầy, giở trang ra, anh lấy một số tiền, những tờ giấy bạc phẳng phiu:
- Chẳng nhiều nhặn gì, đây là nhữn g đồng bạc tớ để dành để giúp đỡ bạn bè. các cậu thiếu thốn cứ đến tớ, đừng để đoói quá như hôm nay.
Tôi thực sự cảm động và chẳng bao giờ quên được hình ảnh nghĩa cử này.
Chúng tôi đi bộ ra nhà anh Lý Hoàng Phong uống cà phê. Nhà hai bên dẫy phố đều còn là nhà chệt, có nhà còn làm bằng ván lợp tôn, giống như những căn nhà ở khu ông Tạ. Từ Lăng Cha cả phi trường Tân Sơn Nhất ra đây, cổng xe lửa số 6 là đường Trương Minh Ký, hai bên đường còn đất bỏ hoang ao mọc rau muống.
Uống xong ly cà phê đen đậm đặc và hút hết mấy điếu thuốc lá Ruby. Dương Nghiễm Mậu giục chúng tôi:
- Thôi về đi, tháng bảy ta này là tháng mưa ngâu, trời dễ mưa lắm.
Thế là chúng tôi chưa kịp nói chuyện văn nghệ gì với Dương nghiễm Mậu. Chúng tôi dừng ở đầu đường mua hai ổ bánh mì dài to, bánh mì xẻ ra rắc muối tiêu và xịt xì dầu, chị bán bánh mì phải kêu lên:
- Thôi các bố ơi! Xịt xì dầu ít thôi, hết mẹ nó cả chai rồi.
Chúng tôi cười trừ, nghèo mà, không mua được bánh mì thịt, ăn ổ bánh mì không xịt nước tương cho đỡi vã thôi. Bánh mì nóng bỏ vào ngực áo, ấm cả bụng. tôi nói với hoài Nam:
- Về nhà, mình ngồi trên gác ăn bánh mì nghe mưa rơi thì thật thơ mộng.
- Cha ơi cha đạp xe mau lên, trời sắp mưa đên nơi rồi.
Tôi rạp mình xuống đạp xe. Qua khỏi ông Tạ, qua khỏi xóm đạo cùng tiếng cầu kinh ran ran buổi tối, trời chuyển mưa, hạt mưa mỗi lúc một nặng hạt, rồi trận mưa rào đổ xuống. Nơi này đồng không mông quạnh. không thể có một nơi nào để trú ẩn. trước mặt tôi lại có một vũng nước lớn như cái ao. Sấm chớp nhoang nhoáng. Tôi hét lên để Hoài nam nghe thấy:
- Xuống đây thôi.
Hoài Nam cũng kêu lên:
- Ổ bánh mì của tao.
- Làm sao?
- Ướt mẹ hết cả rồi, giải quyết ngay thôi.
Cái bánh mì của tôicũng ướt mèm, nắm trên tay bây giờ như nắm một cũc đất sét, nó nguyên dạng trở lại cục bột:
- Giải quyết liền.
Chúng tôi không cần nhai ổ bánh mì, mà tự nó có thể chui vào miệng và chảy qua cổ họng. Chỉ một loáng khi trời còn mưa to, sấm chớp nhoang nhoáng chúng tôi đã gải quyết xong hai ổ bánh mì, hình như vẫn còn thòm thèm.
Chúng tôi d8át xe đi vòng, men theo vũng lội, mồ mả ngổn ngang. nhưng rồi cũng ra đến đường cái, không phải đường nguyễn Văn Thoại mà đường Tô Hiến Thành, tôi đã nhìn thấy khu trường đua.
Tôi có cảm tưởng tất cả nước của bốn phương trời đều dồn về đây, đổ ập xuống một khu phú Thọ nhỏ bé này. người tôi lạnh run, răng đập vào nhau lập cập:
- Mình tới Phú Thọ rồi.
- Tới Bình Thới còn mệt, thô để tao chở mày.
Hai đứa chúng tôi đến căn thuê trời đã khuya, mưa dút, nhưng chúng tôi vẫn còn ướt như chuột lột. ngưòi tôi khó chịu và tự nhiên cổ khản đặc. Hoài Nam nói:
- Mày đi ngủ thôi, ngủ được một giấc thì đỡ.
Tôi nằm xuống sàn gác và mê man đi trong giấc ngủ nặng nề....
Hình ảnh mẹ tôi sao mà cô đơn thế trong sân bay. Bà như một người đi xe đò chứ không phải đi máy bay. Giữa những người sang trọng, mẹ toôi chỉ mặc cái áo bà ba, quần thâm. Tay xách cái bị quần áo và cái chiếu cuốn lại xỏ tay. Con em gái bé bỏng tôi mặc cái áo và cái quần lủng đít. Không có cái váy đầm cho nó, xung quanh những người sang trọng quần nọ áo kia. tôi gào lên trong nước mắt.
- Mẹ ơi! thê thảm quá mẹ ơi!
Một bàn tay ai đó lay vai tôi. Tôi nửa mê nửa tỉnh mắt vẫn còn nhoà nước. Tôi nhận ra khuôn mặt của Hoài Nam, tôi nói như vẫn còn torng cơn mê sảng:
- Không quên....tao không bao giờ quên.....
Tiếng Hoài Nam bên tai tôi:
- Mày sốt suốt đêm qua, mày la to quá, mê sảng gì đó. Bà chủ nhà cho mượn lọ dầu con hổ. mày bị cảm mưa rồi.
Người tôi vẫn nóng hừng hực, cổ khát khô và môi khô ran. Tôi xin một hớp nước. Hoài Nam nói với tôi:
- Tao phải tìm cái gì cho mày ăn đỡ, còn tiền, ăn rồi mày cứ nằm nhà, tao đi chạy, mày cầm mấy viên thuốc.
Bà cụ Chắt, mẹ chủ nhà đi lên, cụ bưng hai tô cơm, có chút đồ ăn, hình như mỗi tô có một miếng trứng chiên:
- Hai cậu ăn đi, đừng có ngại. Cậu Long đêm qua sốt quá, đánh gió kiểu Bắc Kỳ, tóc rối với gừng nóng.
Tôi cảm động, lối đánh gió này mẹ từng làm cho tôi khi tôi cảm sốt. Sao bây giờ nhìn bà cụ Chắt tôi nhớ mẹ vô vàn, đôi mắt cụ Chắt sắp loà, trước mặt cụ, trên vành khăn dây thả xuống một mảnh khăn vải mùng để che bụi. Bàn tay xương xẩu của bà cụ sờ trên trán tôi như bàn tay của người mẹ Tội nghiệp ngưòi nóng quá, tôi đánh gió xong nhẹ đi ngay ấy mà Sao câu nói ấy giống câu nói của mẹ tôi đến thế. tôi muốn khóc. Đêm hôm qua về hai cậu gặp mưa đây mà, cậu Nam cũng phải coi chừng để ý đến sức khoẻ, ăn cơm đi để lấy sức.
Miệng tôi nhạt nhẽo, tôi không thể nuốt nổi, tôi nhường cho Hoài nam. Cụ Chắt lại nói. Được rồi, nhát nữa tôi nấu cho cậu Long bát cháo hành, ra được mồ hôi là khoẻ ngay. Đừng có ngại, mình giúp đỡ nhau là chuyẹn thường. Cậu Nam bận công việc cứ đi, ở nhà tôi lo cho cậu Long, bạn bè có ai gọi đến, may mà người ta giúp đỡ gì được chăng.
Bà cụ Chắt nói bằng lời chí tình. Hoài Nam đi, tôi dặn với:
- Nếu tiện mày sang nhắn duật tới chơi.
- Được, mày đừng lo, càng đông bạn bè càng tốt.
Tôi ngẫm nghĩ hoài đến câu nói của bạn. Câu nói vô tình có thể bạn tôi đã quên rồi, nhưng cũng thật đúng với hoàn cảnh chúng tôi hồi ấy. Thuở của bát cơm Phiếu Mẫu, thuở tình nghĩa bạn bè keo sơn như kết nghĩa vườn đào. Thật tình tôi nuối tiếc thời gian ấy. Thuở có những vị thuốc thần diệu thoa bóp chữa lành những vết roi cuộc đời. Có những lúc chán đời, tôi nghĩ chẳng bao giờ còn nữa, trong một đời sống lắm bon chen. Điều tôi nghĩ có thể đúng và cũng có thể sai. nhưng tôi thì đủ tư cách để nói lên điều như thế. Có những điều phải nhớ không bao giờ quên, không viện dẫn bất cứ lý do gì để quên đi những điều ấy. Trừ khi bạn mắc cơn bệnh quên Alzheimer.
Tôi bình phục mau chóng sau lần đánh gió bằng phương pháp dân tộc.
Buổi trưa Nguyễn Nhật Duật đến cùng với Nguyễn Minh Thành, người bạn mới quen ở khu xóm đạo Nam Hải. Thành còn trẻ, kém tôi một tuổi nhưng rất là " ông cụ non ". Anh thường nói câu của Lão Tử: " Phải tốn cho đời một sợi lôngchân cũng không được " và anh thường nói đến thuyết vô vi.
Chúng tôi gọi Minh thành là Lão Tử. Nhưng đời sống thực của Minh Thành không phải thế. Anh có lòng bác ái của người TCGiáo. Vì chính anh là người đạo gốc. Tôi nhận thấy mấy viên thuốc cảm của nguyễn Minh Thành cùng với tâm trạng nhận bát cháo hành của bà cụ Chắt.
Tôi tuy còn váng vất lao đao, nhưng vẫn nói với bạn:
- Sức trâu nước của tôi. dễ gì mà cơn cảm xoàng này vật ngã được.
- Mình đi cà phê Con Nhạn được chứ?
- Được thôi.
- Duật có xe đạp, tôi cũng có xe đạp, tôi đèo cậu.
Cà phê Con Nhạn ở trong khu vườn Lài, bốn phía trống lúc nào cũng lộng gió. Quán cà phê bình dân, không tên, chúng tôi đặt cho quán là cà phê Con Nhạn, vì trên vách nhà bằng tôn, có đục hình bầy chim nhạn, hình đục vụng về của một người nào đó không phải nghệ nhân, nhưng cũng nhận ra đó là con chim nhạn. Quán lại có một đặc biệt khác là pha phin, cái phin nhôm méo mó, chứ không pha vợt như các quán bình dân khác.
Bà chủ quán có đứa con gái nhỏ lúc nào cũng thấy ôm một con búp bê lem luốc nhồi bông, con búp bê quái dị bị cụt đầu, được ráp cái đầu giả bằng trái cóc, trái ổi. Suốt ngày đứa bé ôm búp bê ra vườn lài hái hoa kết thành xâu đeo quanh cái đầu giả. Có lần tôi hỏi bà chủ quán. Bà chủ quán, mẹ đứa bé trả lời, giọng nam Kỳ:
- Ối, cháu nó không có đồ chơi, nhặt đâu được con búp bê của ai đó liệng đi, nó mang về " nuôi ". Con khùng, có lần tôi đã liệng đi, nó lại lượm về, mặc nó vậy. Nuôi một con búp bê cụt đầu thiệt xui xẻo, tôi mới bị giật hụi nè.....
- Nhưng đầu nó có kết vòng hoa.
- Ối chuyện con nít hơi sức đâu.....
Câu chuyện bị bỏ lửng.
Tôi nói với Nguyễn Nhật Duật, mà tôi gọi là " nhà phê bình văn học " vì anh đang học triết rằng tôi sẽ viết thêm một truyện ngắn về con búp bê cụt đầu, cái đầu giả được kết hoa. Duật nói, ừ hay lắm, viết đi. nhưng rồi tôi quên mất suốt nhiều năm trời, quên cho tới bây giờ mới nhớ lại, khi bạn bè mỗi thằng lưu lạc một phương trời. Nguyễn Phương Thành muốn thành con cá hồi bơi ngược dòng thác để trở lại quê hương, nơi đã sinh trưởng ra anh. Nguyễn Nhật Duật thì sau 30 năm dạy học bị cắt đi một bên lá phổi và đã chết đầu năm 2000, sau tết Canh Thìn 11 ngày. tôi là một lão già lẩm cẩm bệnh tai biến mạch máu não, khó tính ưa chửi sảng.
Thuở Mơ Làm Văn Sĩ Thuở Mơ Làm Văn Sĩ - Nguyễn Thụy Long Thuở Mơ Làm Văn Sĩ