II - Người Cầm Giáo Và Đám Thân Cận
ashington. Mưa. Giá rét. Thảng hoặc mới lấp loé một tia nắng đơn côi. Trước tiên, tôi thẳng tiến đến "Nhà thịt bò Blacky". Ở đây mọi tin nhanh và nhiều hơn ở dinh tổng thống. Mười giờ sáng. Vào giờ này Bobby đang ăn sáng.
Tôi tìm thấy anh ta ở gian chính, cách không xa con vẹt hôi thối từ bờ Amazon. Bobby đã ăn món bít tết và đang thưởng thức món bánh táo và cà phê. Trông thấy tôi, anh ta chồm dậy, đem đôi môi dinh dính hôn lên tôi, rồi ấn tôi ngồi vào bàn anh ta.
- Sao, có một mình? "Hoa hậu Đại Britain" của cậu đâu rồi? Ai đá ai? Cậu đá cô ta hay cô ta đá cậu?
- Cô ấy về Anh rồi.
- Nhanh thế. Thế cô ta ngốn của cậu hết bao nhiêu?
- Chẳng mấy đồng dime nào cả.
- Thế cơ à! Vậy ra cô ta yêu cậu vì đôi mắt đẹp đẽ kia ư?
- Sao lại không thể có nhỉ?
- "Người đẹp hoa hậu" thường không yêu đương gì hết. Cô ta chọn đàn ông có tính toán cả.
- Chả lẽ lại không có ngoại lệ? Thôi được, xin đủ. Nhà Trắng dạo này ra sao?
- Nhộn nhạo. Bận bịu. Ai cũng sửa soạn lên đường. Ở lại thủ đô chỉ có Robert Kennedy và Mac Namara.
- Họ không bãi chuyến đi à? Lấy cành cây chọi gậy nhọn? Công toi thôi. Tớ vừa ở Dallas đến hôm qua. Công việc chuẩn bị đón tiếp ròn rã hết sức. Nước bọt, truyền đơn, biểu ngữ và những thứ bẩn tạp khác được sửa soạn thừa thãi cho JFK.
Bobby nhìn chằm chằm vào tôi:
- Tớ không hiểu nổi cậu, Serge ạ. Cậu là dân Texas, làm việc cho người Texas giàu có nhất mà lại chửi rủa Texas như thế!
- Danh dự và tiếng thơm của tổng thống đối với tớ còn quý hơn Texas.
Kêu quá? Không sao, Bob nuốt được. Đó là sở thích của anh ta.
- Ái chà, mở mồm thế đấy! May là người Texas không nghe thấy cậu nói.
- Khi có họ, tớ tránh nói vậy. Kennedy được tớ yêu mến ngấm ngầm. Tớ dõi theo ông ấy đâu phải là năm đầu tiên. Giờ mới được may mắn ở gần. Ông ấy có khoẻ không? Tâm trạng có tốt không?
- Có vẻ khỏe, nhưng trông rầu rầu.
- Sao vậy?
- Không biết được.
- Thôi đi, đừng phỉnh. Cậu thì cái gì chả biết.
- Thì mọi cái mà lại, - Bob hồng mặt lên vì mãn nguyện - Có những cái mà những kẻ phàm tục biết thì nguy hiểm.
- Có lẽ cậu nói bóng nói gió cái gì đó. Đừng lâu la nữa, nói đi!
- Tớ chẳng định nói cái gì với cậu cả. Mà cũng chẳng có gì để nói.
- Nhìn mắt cậu là biết! Khai ra! Sao, Jackie không đi à?
- Đâu? Mọi cái đều đúng ruýp. Đi chứ, quần áo đã sửa soạn rồi.
- Mac Namara từ chức phải không?
- Không, Mac Namara vẫn ở lại. Cậu nhầm lung tung. Chỉ nghe hơi nồi chõ.
- Thế ai từ chức?
- Dean Race. Bob Kennedy sẽ làm Bộ trưởng Ngoại giao. Nhưng giờ mới chỉ là tin đồn thôi.
- Chỉ có thế thôi à? Không còn gì hơn để nói ahy sao? Thế còn cái vụ ám sát tổng thống?
- Vụ ám sát nào?
- Vụ không xảy ra đấy. Ở Chicago, trong trận bóng đá mà Kennedy không tới ấy.Tội phạm bị tóm với khẩu súng trường tự động và không hiểu sao lại được thả. Cậu có nghe chi tiết gì về chuyện đó không?
- Nghe ở đâu mới được chứ? Ơn Chúa, tớ không làm việc ở FBI. Tớ sợ thò mũi vào công việc của Hoover lắm. Còn cậu, Serge ạ, tớ không khuyên… Tớ đã báo cho ông chú là cậu đã nhận đặt hàng rồi. Chú tớ vui và sai nói với cậu là sẳn sàng ký hợp đồng vào thời gian thuận tiện. Giờ là phần cậu quyết định đấy. Khi nào cậu có thể đi Los Angeles được?
- Không sớm đâu. Phải sau chuyến đi Texas.
Bobby đã phun hết. Anh ta uống nốt cà phê và đi kiếm tin tức mới. Chẳng mấy chốc tôi cũng rời "Nhà thịt bò Blacky". Con vẹt không ưa tôi tự trong lòng. Khi tôi đi ngang qua, nó gào lên ghê quá.
Ra khỏi tiệm, tôi chưa muốn gọi cho Barbara. Tôi rẽ vào một khách sạn gần nhất, thuê gọi Stradford trên sông Eve. Lại Barbara đến bên máy. Tôi chỉ kịp nói câu chào là Barbara đã tuôn ra ầm ầm: Em buồn. Em nhớ. Em yêu. Em đợi. Khi nào anh tới? Anh có khỏe không? Anh ở đâu đấy? Anh đang làm gì bây giờ? vân vân. Tôi mất đến năm phút để trả lời những câu hỏi cái gì, thế nào, tại sao. Nghe hết rồi, cô hỏi:
- Anh Serge, em không thích giọng anh tý nào. Anh đang không vui phải không, anh yêu?
- Phải, anh đang nghĩ không hay về em, Barbara ạ.
- Về em? Làm gì có chuyện ấy.
- Cả về bản thân anh nữa, anh cũng nghĩ không hay. Anh với em kỳ quặc thật. Chẳng giống tình nhân chút nào. Nó làm sao ấy. Đâm bổ đến nhau rồi lại chạy đi mỗi người một ngả.
- Anh đã hết yêu em rồi sao?
- Không. Anh còn chưa kịp yêu em cho ra trò. Nhìn em ít quá, nói với em ít quá. Với anh, kẻ duy vật thô thiển thì điều ấy trái khoáy quá.
- Cám ơn, anh đã nói thật, anh Serge ạ.
- Em không hiểu anh rồi, Barbara. Anh yêu em ngay cả bây giờ, nhưng khi chúng mình bên nhau thì anh còn yêu mạnh gấp trăm lần. Anh cần em, cưng ạ. Rất cần. Không có em, anh không thể sống được. Bay đến với anh nhé.
- Không đời nào. Anh sẽ bay đến đây.
- Ừ, cứ cho là như thế. Rồi sau thì sao?
- Rồi sau ta sẽ nghĩ ra cái gì đó.
- Ta có thể nghĩ ra cái gì? Anh muốn, anh phải sống ở đây, ở nước Mỹ. Không ở đâu khác được. - Serge, em muốn khóc đây này. Chúng mình phải làm gì bây giờ?
- Phải gặp nhau.
- Phải đấy. Nhất thiết rồi. Mà chóng lên mới được. Khi nào anh bay đến với em?
- Hễ khi nào tổng thống kết thúc chuyến đi Texas. Vào chủ nhật hoặc thứ hai. Không muộn hơn.
- Anh còn gọi điện nữa không?
- Nhất định rồi. Ôm hôn, em thương yêu nhé.
- Yêu em đi, anh Serge. Em tốt lắm. Anh không tìm được ai tốt hơn em đâu. Và anh cũng là người tốt nhất. Tạm biệt nhé, anh yêu!
Tôi treo ống nghe lên, cười hết cỡ. Chắc Barbara giờ cũng đang mỉm cười.
Em tuyệt lắm! Em tốt nhất.
Cô ấy đi như vậy là đúng. Đúng vì nhiều nguyên nhân. Có một nguyên nhân không phải hạng bét là tôi bị trói chân trói tay bởi chuyến đi của JFK. Giá giờ còn ở đây thì cô ấy làm gì? Cứ lẽo đẽo theo tôi khắp Texas à? Loại trừ rồi.
…Robert Scott cung cấp dồi dào tin tức cho tôi về Nhà Trắng, những tin tức mà ở địa vị lính mới, bản thân tôi không thể săn được. Pamela Tener, nữ thư ký báo chí của Jackeline, đã thò ra với anh bạn Bob một bí mật nho nhỏ của cặp vợ chồng Kennedy. Cái bí mật ấy tôi ghi theo lời Scott là như thế này:
- Jackie, anh muốn thấy em đặc biệt hấp dẫn ở Texas - có vẻ như tổng thống nói thế.
- Việc em ăn vận thế nào với người Texas là rất quan trọng. Anh đặc biệt lo ngại Dallas.
- Anh làm sao vậy, John? - Jackie phì cười. Sao anh lại quan tâm đến việc ăn vận của em?
- Em biết không, ở Dallas, tại các bữa tiệc, vợ các đảng viên Cộng hòa giàu có sẽ diện áo lông thủy thát sang đến tối mắt và đeo xuyến kim cương sáng lóa. Em hãy ăn mặc cho giản dị để tỏ cho người Texas biết thế nào là thẩm mỹ.
Jackeline thấy thích cái suy nghĩ ấy. Mặc lên mặc xuống trong phòng mình xong, bà ta sang phòng chồng trưng vô số quần áo, y phục, mũ mãng dành cho Texas. Kennedy tán đồng mọi cái.
- Tuyệt lắm! Em sẽ hạ tức thì các mệnh phụ loè loẹt vợ các tay cao bồi.
Jackeline sung sướng với tâm trạng vui vẻ của chồng và bà quyết định lợi dụng tâm trạng ấy.
- Nếu như việc hình thức em làm sao phải hấp dẫn ở Dallas, - bà ta nói, - thì sao lại lúc nào cũng cứ phải đi xe mui trần? Gió làm rối mất kiểu tóc thì sao? Anh yêu ơi, ta đi xe có mui chứ?
Kennedy nghiêm túc và kiên nhẫn giải thích quyết định đi xe mui trần của mình:
- Sự xuất hiện công khai của tổng thống và phu nhân trước công chúng, cũng như sự chăm sóc của em ở nhà là nguồn sức mạnh chính trị của anh. Người ta phải được trông thấy em không phải sau lớp kính bày hàng, không phải qua lớp mui che trong suốt. Phải can đảm đi qua đám đông. Và đi qua chầm chậm hẳn hoi cho mọi người nhìn thấy rõ chúng ta.
Câu chuyện thoáng qua với vợ về kiểu tóc lắng sâu vào lòng tổng thống. Vào thứ tư, 20 tháng Mười một, ông ta hai lần gọi điện cho Pamela Tener và bàn bạc kỹ với cô ta một vấn đề quan trọng: làm thế nào giữ cho kiểu tóc Jackeline thoát khỏi gió Texas. Pamela khuyên ông nên gắn mui che vào xe. Tổng thống nói là không được ẩn trong mui như thế được. Phải hiện diện trước dân chúng mà không có bất cứ vật cản nào hết, tất nhiên, nếu như trời không mưa. Sau ông nói đến mũ phụ nữ, đến khăn áo, nhưng chẳng mấy chốc thì mù tịt. Ông không rành những chuyện đó lắm. Cuối câu chuyện, ông đùa vui: "Cô cứ thử đi với Dave Paul khắp Washington lấy một giờ trong xe mui trần, cô Pamela ạ, rồi xem thử đầu tóc thế nào".
Đấy, hóa ra là cái việc làm tổng thống băn khoăn hơn cả trước chuyến đi đến các bang của bọn điên cuồng là chuyện ăn vận và kiểu tóc của vợ. Thật không giống với Kennedy gì cả. Bob nói phét. Bịa chuyện. Nhưng mà cũng có thể như thế lắm. Tính nết của giới quyền thế của thế gian này làm sao mà đoán nổi.
Tôi im lặng nghe câu chuyện Bob kể rồi nói:
- Tổng thống không sợ cái đáng ra phải sợ. Tớ giá ở địa vị ông ấy, thì không mạo hiểm đi Texas lúc này làm gì. Bob, cậu dặn trước tổng thống một lần nữa nhé: chuyến đi Texas có thể phải trả giá bằng tính mạng ông ấy đấy.
- Đấy là đề tài cấm kỵ. JFK không rút bỏ quyết định của mình đâu.
- Lạ nhỉ! Lạ quá!…
- Đừng lo! Tổng thống am hiểu hơn chúng mình chuyện ở đâu, khi nào và đối với ai thì phải có những biện pháp an ninh… Cậu đã xếp vali chưa?
o O o
Thứ năm 21 tháng Mười một mong chờ đằng đẳng! Êkíp Kennedy và nhóm báo chí của Nhà Trắng được lệnh sẳn sàng chiến đấu. Một giờ nữa chúng tôi sẽ bay đi Texas. Đại diện giới báo chí lớn của Washington, New York, Chicago, Philadelphie, Boston và San Fransisco đã phóng đi miền Nam rồi. Họ sẽ đón chiếc máy bay của tổng thống "Không lực-1" ở San Antonio, Lindal Johnson cũng đã bay đi. Ông ta là dân gốc Texas, sẽ nghênh tiếp tổng thống trên đất Texas cùng với thống đốc Connelly.
Tổng thống tỉnh dậy vào giờ giấc thường lệ và từ phút đó trở đi, các nhân viên Nhà Trắng đua nhau theo dõi từng bước đi của tổng thống. Ai cũng muốn đoán biết ý muốn của ông ta để thực hiện nó một cách tốt nhất. Ai cũng muốn chứng tỏ sự nhỏ bé của mình so với sự vĩ đại của ông. Ừ, mà sao lại không gập lưng trước một con người như vậy được? Làm sao lại không bái phục, không sùng kính ông được? Bởi Kennedy không chỉ là một tổng thống chung chung, mà là vị tổng thống giàu nhất trong số tất cả ba mươi lăm tổng thống Mỹ. Con trai một trong những triệu phú bự nhất đất nước. Anh của các triệu phú. Chồng của một triệu phú. Lương một trăm nghìn đôla một năm. Kinh phí cho những chi tiêu hàng ngày - năm mươi đôla. Kinh phí đi lại - bốn mươi đôla. Kinh phí để nuôi dưỡng Nhà Trắng - bảy triệu. Vào ngày bước sang tuổi bốn mươi lăm của tổng thống, ngày 29 tháng Năm năm nay, cha Kennedy đã tặng con một món quà trị giá năm triệu đôla.
Ông ta vẫn còn chưa xuống. Hơi chậm một chút. Người hầu phòng sửa soạn quần áo, giày dép và các thứ khác cho ông. JFK kéo căng cái áo chỉnh hình cứng nhắc trên lớp áo lót, loại đặc biệt có nơi hạn chế cử động, nhưng có lợi cho xương sống bị tật của ông. Dưới chân là những đôi giày da hươu các loại đế khác nhau. Ông thắt cẩn thận chiếc cravát giản dị. Cắm vào đó chiếc ghim cài cố hữu tượng trưng cho tuổi trẻ. Trên chiếc ghim ấy có dập hình chiếc tàu phóng lôi "PT-109" mà hồi chiến tranh, Kennedy đã từng chỉ huy.
- Carolina! John!
Một cậu bé và một cô bé chạy tới bố, sóng hàng bên trái và bên phải, tay nắm tay bố, cô cậu cùng bố đi xuống nhà ăn.
Khi ăn, JFK chỉ nhìn Carolina và John. Ông ta chỉ nói chuyện với con. Ông ta đùa, cười. Đối với trẻ con, sự quan tâm ấy khác thường lệ lắm. Chúng cảm thấy như được ở trên tầng trời thứ bảy. Giọng nói vui vẻ líu ríu của chúng tràn ngập phòng ăn kiểu cách.
Jackeline còn chưa xuống. Bà ta xức dầu bóng lên mái tóc sẽ phải chịu đựng thử thách trong chiếc xe mui trần dưới bầu trời âm u của Texas, theo như các nhà khí tượng dự báo.
Lúc chín giờ rưỡi, người cận vệ của Carolina xuất hiện ở cửa. Đã đến giờ đi học. Cô bé lách khỏi bàn chạy đến hôn bố.
- Tạm biệt bố nhé!
- Tạm biệt con, Carolina ạ! - ông ta nói âu yếm hơn mọi khi.
Carolina đi ra.
Tổng thống chau mày đọc tờ giấy gì đó mà cô thư ký kiều diễm Eveline Lincoln trao cho.
- Cái quỷ gì thế này? - ông hỏi với giọng bực tức và phẩy tay với tờ thông báo thời tiết mà tướng Mác-hiu gởi cho ông. - Khi thì nóng, khi thì lạnh. Thật ra thì thế nào? Hãy kiểm tra xem.
Eveline bổ đến bàn điện thoại thư ký quyền năng của mình. Vào mười giờ bốn mươi hai phút, cô ta báo cáo với tổng thống là ngày 22 và 23 tháng Mười một ở Texas sẽ rất nóng.
- Nóng ư? - JFK giận dữ kêu lên. Mặt ông ta xệch đi vì đau khổ.
Eveline Lincohn ngạc nhiên nhìn tổng thống. Ông đã từng không sợ cái nóng chính trị ghê người ở nước Cộng hòa Dominique, đã dùng bàn tay sắt ký lệnh phong tỏa Cuba, có nguy cơ gây ra thảm họa hạt nhân, ấy vậy mà giờ đây…
JFK với lấy ống điện thoại gọi người quản gia của Jackeline và ra lệnh:
- Hãy cho gói trang phục mùa hè nhé!
Than ôi, không thể thay đổi gì nữa rồi. Hành lý đã ở trên máy bay lên thẳng. Jackeline mắc vào bẫy rồi. Bà ta trông chờ một Texas mát mẻ. Bà ta sẽ ra sao trong bộ y phục lông màu hồng dưới trời Texas như thiêu như đốt? Đấy, một chuyến đi may mắn thế đấy! Cái đồ nỡm Mác-hiu! Kennedy gọi dây nói cho viên tướng và chửi rủa ông ta. Rồi, run lên vì giận dữ, ông cho triệu đến Phòng bầu dục một trong những phụ tá của mình - Ken O. Donnor.
- Ken - này, anh hãy ném vào sọt rác tất cả những dự đoán thời tiết dài hạn của Lầu Năm góc đi. Ta sẽ định hướng theo các thông báo của sân bay địa phương. Hoặc là sẽ ký thác ở cô Lincohn. - Ông ta lại chửa rủa. - Nóng mà!… Thế lúc trước các anh ở đâu hết cả, những nhà dự báo thông min tài ba?
Êkíp của tổng thống phân chia chỗ ngồi trên các máy bay lên thẳng. Những người ở nhà tiễn đưa những người ra đi. Thời tiết không có vẻ ngày hội tí nào. Trời thấp, mây chỉ. Ngọn tháp đài kỷ niệm George Washington trông chỉ rõ một nửa. Mưa lạnh lấm tấm.
Toàn êkíp đã có mặt. Chúng tôi đợi tổng thống và phu nhân ông ta.
Kennedy không muốn nhận thấy mưa. Không mũ, không áo, với cái cặp đen sờn trong tay, mắt nhìn Nhà Trắng không ngừng, ông bước vào chiếc trực thăng số một.
Cuối cùng, Jackeline đã hiện ra. Trong tay bà ta là bó hoa hồng trắng vừa mới cắt. Cả người bà ta toát lên màu trắng lóa: bộ áo dài trắng màu tuyết, áo bành tô loại nhẹ, rất ấm, trắng màu hoa huệ.
JFK thở ra nặng nề, rủa thầm một câu, ném cái nhìn ác nghiệt sang viên tướng không quân Mác-hiu.
- Cất cánh!
Những cánh quạt khổng lồ của chiếc trực thăng bắt đầu vòng quay và ba chiếc máy bay nối đuôi nhau bốc lên trên Nhà Trắng, trên Washington.
Chúng tôi đỗ xuống căn cứ không quân Andrew. Vợ chồng Kennedy chia tay với cậu John bé nhỏ. Cậu bé tuyệt vọng trề môi khóc, khẩn cầu qua nước mắt:
- Bố ơi, mẹ ơi, cho con đi với. Nào!
- Không, không được! - tổng thống nói. - Không được! - ông ta nhắc lại và quay lại phía người cận vệ, ra lệnh: - Chăm sóc trẻ nhé, ông Foster!
Trước đó chưa bao giờ ông ta nói những lời tương tự với người cận vệ.
John được đưa đi. Tổng thống và đoàn tùy tùng chuyển sang chiếc máy bay lớn có biểu tượng sao và vạch ở đuôi. Mười một giờ năm, "Không lực-1" đã ở trên không. Cơ quan mật vụ đã đặt mật hiệu cho chiếc kỳ hạm này là "Thiên thần". Nó nặng hơn một trăm tấn. Được chế tạo theo đơn đặt hàng đặc biệt ở hãng Boeing. Nghe nói Kennedy đích thân theo dõi việc trau chuốt nó, nên các cộng sự mới gọi "Thiên thần" là "sự kế tiếp của chính tổng thống". Cánh hơi vát về phía sau, thân được sơn màu xanh lơ. Bốn mươi sáu ô cửa sổ, phía trên đó, trên nền trắng là dòng chữ xanh đậm: "Hợp chủng quốc Hoa Kỳ". Bên trong "Thiên Thần" được chia làm vài ngăn. Ở phần đầu, phần mũi, bao bọc bởi những cần điều khiển bọc da đen và vô số đồng hồ đo, do phi công bậc nhất John Xu-in-đan và bốn nhân viên của kíp bay làm bá chủ. Sau lưng họ là hệ thống liên lạc, đầy ắp những máy móc điện tử: những máy điện báo, các thiết bị mã hóa, đầu mối điện thoại, v.v… Ở ngăn thứ ba là quầy điểm tâm. Ngăn thứ tư là nơi ở cho kíp lái. Ngăn thứ năm, rộng rãi hơn là phòng khách cho hành khách đi theo tổng thống: ba mươi chiếc ghế tiện lợi và hai chiếc bàn văn phòng có máy chữ chạy điện và cánh cửa lớn, đóng kín mít dẫn vào ngăn thứ sáu, ngăn rộng nhất. Đấy là phòng làm việc của tổng thống. Tiếp theo là hành lang và phòng ngủ có bồn tắm. Xa hơn nữa, ở phần đuôi máy bay, là ngăn cuối cùng: một quầy điểm tâm nữa và sáu chiếc ghế dành cho các sĩ quan phụ tá của tổng thống và các nhân viên hạng trên của cơ quan mật vụ.
Ở khắp mọi chỗ, dù có nhìn đi đâu trên tường phòng khách hay trên bát đĩa, trên vải bọc ghế, trên bảng số điện thoại hay trên các tấm thảm, đều có biểu tượng vàng của tổng thống. Hệt như của các vua chúa cũ. Tất cả các máy bay khác đều nhường đường cho "Thiên thần". Từ giây phút này, khi nó rời mặt đất, tất cả các máy ra đa và các trạm đặc biệt của cơ quan mật vụ đều dõi theo nó. Nếu như nhân viên bậc trên Roy Keleman không báo về là "Thiên thần" đang qua một trạm kiểm soát nào đó thì người ta sẽ nổi còi báo động ngay.
Tất cả những điều ấy tôi được Bobby Scott cho biết. Anh ta đã nhiều lần bay với tổng thống cả trong nước lẫn ra nước ngoài. Anh ta hoan hỉ kể tôi nghe chuyện "Thiên thần" đến đứt hơi.
Tôi với anh bạn ngồi ở ngăn thứ năm với các phóng viên khác, các hạ và thượng nghị sĩ bang Texas và các thành viên trong êkíp tổng thống: các trợ lý đặc biệt và các bí thư. Ầm ĩ, vui vẻ. Khói um. Có thể nói bất cứ chuyện gì, chẳng ai hơi đâu mà để ý. Cánh cửa rộng của gian phòng tổng thống mở ra, và trên ngưỡng cửa hiện ra Kennedy với điếu xì gà dài và mảnh trên miệng:
- Đã yên vị đâu vào đấy chưa, các cậu?
Bob kịp trả lời sớm nhất, vui vẻ nhất. Anh ta đứng phắt dậy báo cáo:
- Rất tốt, thưa tổng thống. Xin cám ơn.
Cửa lại đóng vào. Bob mỉm cười sung sướng:
- Tớ chưa bao giờ thấy tổng thống điềm tĩnh, tự tin như hôm nay. Một khởi đầu tuyệt đẹp. Tớ tin rằng đây sẽ là chuyến đi quan trọng nhất của ông.
John Xu-in-đan lái con tàu. Mặt phi công cừ khôi này bị nắng gió làm đỏ lên, trông dữ tợn ghê gớm.
Dân chu du bình thường, theo như thống kê khẳng định, ít thành nạn nhân của các tai nạn máy bay hơn các giới quý phái. Các bộ trưởng, vua chúa, độc tài, tổng thống cứ chết hoài. Ai biết được, nhỡ có kẻ nào đặt mìn vào cái "pháo đài" bay này?
Tướng Mác-hiu ngại thò mũi ra khỏi cái ổ của mình gần chỗ các phi công. Từ phòng ngủ của tổng thống vẳng đến giọng nói phấn khích của Jackeline và của cô thư ký Pamela Tener. Pamela nói tiếng Anh, còn Jackeline nói tiếng Tây ban nha.
Jackeline đang tập dượt bài phát biểu của mình trước dân Texas. Buổi phát biểu ấy sẽ diễn ra, theo kịch bản vạch sẳn, ở San Antonio trước đám thính giả đông đảo của Hội liên hiệp các công dân Mỹ La tinh. Jackeline dĩ nhiên trông đợi rằng những người Nam Mỹ sau khi nghe tiếng mẹ đẻ từ miệng đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, sẽ bị chinh phục.
JFK ngồi sau bàn viết của phòng khách lớn xếp đầy giấy tờ quan trọng. Tôi cầm chắc là mỗi một tờ giấy đều có dấu đặc biệt "Ngoại giao. Chỉ dành cho tổng thống", "Quân sự. Chỉ dành cho tổng tư lệnh tối cao". JFK đọc hết tờ này sang tờ khác, đặt sang một bên một cách cẩu thả.
Thượng nghị sĩ Ranph Yarborough như ngồi trên kim. Và thèm khát muốn giải bày tâm sự với bất cứ người nào, dù là ký giả. Nhìn sang chúng tôi, ông ta đi thẳng vào đề:
- Cái lão Connelly là đồ thủ đoạn nhỏ mọn, đồ âm mưu! Chỗ cho lão ta không phải là dinh thống đốc, mà ở ổ găng-xtơ. Tôi tin là cả Johnson cũng tham gia vào âm mưu chống tôi.
Các phóng viên hỏi:
- Thưa thượng nghị sĩ, ngài định nói đến âm mưu nào vậy?
- Connelly đang định làm nhục tôi ở buổi đón tiếp tổng thống ở Ostin. Làm nhục một thượng nghị sĩ vai vế hàng trên! Một đảng viên Dân chủ chân chính duy nhất ở Texas! Người ta đã từng trừng phạt tôi về chuyện tôi đã bỏ phiếu đề cử Kennedy lên cương vị tổng thống tại đại hội đảng, người ta đã tước cái vị trí hợp pháp của tôi trong đoàn đại biểu. Cả bây giờ người ta cũng đang tìm cách trừng phạt tôi, khi mà Kennedy đã đạt được mục đích. Tất cả chuyện ấy là do bàn tay Connelly và bọn đồng cánh. Tôi nhớ hết! Ở đại hội đảng, Connelly đã có công lôi bạn lão là Lindon Johnson vào Nhà Trắng. Bây giờ Connelly sẽ ngồi tại bữa tiệc long trọng ở Ostin với tổng thống, còn tôi sẽ chẳng có lấy một chỗ cho lịch sự, mặc dù tôi đã bán vé cho bữa ăn này, được mười một nghìn đôla.
Cám cảnh cho Yarborough! Cám cảnh cho vị đảng viên Dân chủ chân chính! Mà ông ta đâu có phải thuộc loại người tồi nhất của Texas đâu!
Một trong các ký giả, John Mattiat, người đặc biệt chăm chú lắng nghe thượng nghị sĩ và ghi chép lời ông ta, đã đổ thêm dầu vào lửa.
- Ngài có thái độ thế nào đối với việc này? - anh ta hỏi. - Nhận cái tát sao?!
Yarborough bị điểm trúng huyệt, đã nói ra hết những gì ông ta nghĩ về thống đốc Connelly.
Thượng nghị sĩ sôi người. Anh chàng ký giả thì ghi ghi chép chép. Ngày mai trên trang nhất các báo Mỹ sẽ xuất hiện những tiêu đề và những bài báo thuật lại chuyện trên cái Nhà Trắng đang bay kia, khi nó vừa rời khỏi Washington, đã bùng ra một vụ tai tiếng chính trị, có nguy cơ phết lên toàn bộ chuyến đi Texas của tổng thống.
Cả hạ nghị sĩ Henry Gondalet cũng không ưa thống đốc Connelly. Có điều là không nói toạc hết ra như Yarborough. Ngồi cạnh hạ nghị sĩ Tiger Teed, ông ta thận trọng phàn nàn, nhưng đến mức mà các phóng viên không nghe thấy:
- Giờ ta bay về thành phố quê hương tôi San Antonio, đến với cử tri của tôi đấy. Chúng ta phải củng cố các vị trí chính trị của mình. Tuy nhiên, Connelly đã khéo mưu mẹo sao cho toàn bộ chuyến đi này sẽ không mang tính cách chính trị. Tổng thống sẽ không đặt vòng hoa ở Alamo. Ở San Antonio có trường học duy nhất trong cả nước mang tên Kennedy, vậy mà tổng thống mất dịp long trọng khai trương nó - vì chương trình vạch ra có sự tham gia của thống đốc không cho phép. Tổng thống chỉ lưu lại San Antonio có hai giờ đồng hồ, còn ở Dallas, trong thành lũy của những kẻ thù thâm căn cố đế của ông, thì những ba tiếng đồng hồ. Xét cho cùng, thử hỏi đảng viên Dân chủ Connelly đứng về phía nào vậy?
Các ký giả hoan hỉ khi vụ xích mích giữa các quan phụ mẫu Texas và của đất nước đã bung ra, không còn che đậy gì cả. Chuyến du ngoạn buồn tẻ bỗng biến thành giật gân.
Cuộc bay từ Washington đến San Antonio, thành phố đầu tiên của Texas, kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ, và suốt thời gian ấy, như bây giờ tôi còn nhớ láng máng, tôi luôn nghe thấy giọng nói hung hăng của vị thượng nghị sĩ đầu bạc và trông thấy khuôn mặt khinh thị, căm tức, môi nhợt ra của ông ta.
Một lần nữa, cửa phòng làm việc của tổng thống lại mở. Kennedy bước vào phòng khách và tựa sườn lên thành ghế mà hạ nghị sĩ Gondalet đang ngồi.
Hạ nghị sĩ Gondalet chìa cho tổng thống xem "Newsweek" (Tuần tin tức) số mới:
- Ngài đã xem cái này chưa?
Trên trang cuối tạp chí có in bài báo của Moli "Có thể phá đi một hình ảnh hay không?". Đó là bài công kích Kennedy kịch liệt, chống lại chính sách của chính phủ ông, bảo vệ cuồng nhiệt cho Barry Goldwater và điên cuồng kêu gọi cử tri bang Arizona phá nhào tất cả những gì Kennedy đang làm và ủng hộ tất cả những gì mà Barry Goldwater mới toanh, "lãnh tụ của dân tộc", hình ảnh của Hoa Kỳ năm 1963, đề xuất.
Kennedy lướt mắt qua bài báo và vui vẻ, cởi mở cười:
- Khá lắm.
Lời nói ông ta quả là chân thành. Hình như ông ta thực tế còn sung sướng, khi kẻ thù đề cử ra để chống lại ông, một nhân vật nâu-xám rõ ràng: Barry Goldwater. Một kẻ như thế không đáng sợ đối với ông ta. Quanh Barry, các thế lực cánh hữu đang làm rùm beng chính trị lên còn hay nữa kia. Cả nước Mỹ đã thấy tên cực đoan điên rồ ấy, thần tượng của bọn phân biệt chủng tộc, của bọn Ku-Klux-Klan [10] định đẩy đất nước vào vực thẳm như thế nào. Nếu Barry được đảng Cộng hòa đề cử ra tranh chức tổng thống trong cuộc bầu cử năm 1964 sắp tới, thì ông ta, Kennedy sẽ thắng với đa số phiếu tuyệt đối.
Tôi lý giải cho mình cái cười và câu nói "Khá lắm" của ông ta như vậy. Hạ nghị sĩ Goldalet quyết định tận dụng tâm trạng phấn chấn của Kennedy.
- Thật không công bằng gì cả, - ông ta nói, - khi mà tổng thống chỉ ở San Antonio có hai giờ đồng hồ, mà ở Dallas những ba giờ. Thưa ngài tổng thống, ở nơi chúng tôi có trường học duy nhất trong nước mang tên ngài. Thậm chí ở Boston[11] cũng không thấy có điều đó. Ngài nên tới đó.
Kennedy lúng túng nhìn sang phụ tá của mình, Lary O'Brien, người chịu trách nhiệm về mọi quan hệ với các nhà hoạt động ở Capitol, và nói:
- Thời gian của chúng tôi rất sít sao. Thành ra phải bỏ bớt một số cái ra khỏi chương trình.
- Thế thì để sau này vậy.
O'Brien đứng sau lưng tổng thống ra hiệu cho Goldalet không kỳ kèo nữa mà nên im. Cuộc mặc cả về vấn đề "cực kỳ quan trọng" có hay không dành năm phút cho trường học mang tên Kennedy đã chấm dứt, vì ở phía chân trời San Antonio đã hiện ra.
Tiếc là những ai đã bỏ phiếu cho Goldalet và Kennedy không được thấy, được nghe những sự việc "quan trọng" đến thế nào được tổng thống và hạ nghị sĩ bàn đến. Những người ngưỡng mộ JFK nói rằng ông ta thông minh, nhìn xa trông rộng, rất am hiểu con người, biết đánh giá một cách tỉnh táo và thực tế tình hình trong nứoc và trên toàn thế giới, hiểu rất rõ con tàu của mình phải né tránh cái gì, ở đâu, khi tìm đường đến "những ranh giới mới". Có lẽ nói chung, điều đó đúng. Nhưng tôi quả là không may. Hiện giờ, khác với Bobby Scott, tôi không phát hiện ra ở JFK những phẩm chất người ta gán cho ông ta. Tôi nhìn ông ta, lắng nghe và muốn thốt ra: "Thật hoài, thưa ngài tổng thống, ngài đã đánh giá Barry và những kẻ ủng hộ hắn ta thấp đến thế. Bọn chúng đã huơ rìu trên đầu ngài rồi đó, mà không hiểu sao ngài vẫn chưa nhận ra".
Tôi muốn nói, nhưng không thể. Cho dù tôi có đánh bạo nói ra, tổng thống và mọi người xung quanh hẳn sẽ nhìn tôi như nhìn một thằng mất trí.
Phía dưới máy bay là đồng bằng, San Antonio oi ả bừng lên mọi sắc cầu vồng. Trên nó bầu trời sa mạc nhợt màu, không hình hài trải ra.
"Thiên thần" bắt đầu hạ cánh. Bobby Scott chạy từ trong buồng hút thuốc ra. Tội cậu ta nuốt nhiều khói quá, nói thả cửa quá ngoài hàng lang, đến nỗi màu hồng đã biến mất sạch khỏi đôi má mịn màng măng tơ của cậu ta, cái màu hồng luôn giúp ích cho cậu ta trong đời. Không sao, chẳng mấy chốc sẽ phục hồi thôi. Sức khỏe tay này chúa lắm.
…LBG đã bay đi San Antonio trước tổng thống khá lâu. Đó là theo đúng lễ nghi của chuyến đi. Ông ta là dân gốc Texas, phải cùng với thống đốc ra đón tổng thống. Hai mươi sáu nhà kinh doanh trong đoàn đại biểu long trọng chính thức của Phòng thương mại, chỉ chực lách lên phía trước. Nhưng LBG lịch sự, tươi cười xếp họ vào đúng chỗ. Phía trước, ông ta để thống đốc với vợ, Tổng chưởng lý Texas Kary, vợ mình, bà Berd, cố vấn chính trị riêng Cliff Cator, trợ lý Liz Capentor và cô thư ký trẻ đẹp Mary Fem. Ông ta làm điều ấy thông thạo, lẹ làng. Những việc như thế ông ta rất am hiểu.
Một phút trước khi "Thiên thần" đỗ xuống, ông ta đã để ý có hai vị đang cãi nhau kịch liệt, chỉ chực ẩu đả. LBG biết rõ cả hai người. Đó là thị trưởng San Antonio Macalister và nhân viên phái đến của cơ quan mật vụ, LBG chạy lại chỗ họ, ôm lấy họ vừa cười vừa hỏi:
- Chuyện gì thế, các cha? Bất đồng chi vậy?
- Thưa ngài phó tổng thống, người này đã lừa chúng tôi. Ông ta thủ theo cái máy ảnh và đã chụp trộm chiếc xe Lincoln của tổng thống và chiếc Cadillac của sở mật vụ mà chúng tôi vừa mới điều đến từ Washington chiều hôm qua. Điều ấy tuyệt cấm. Tôi đã đòi cho xem thẻ phóng viên, nhưng hóa ra là gã này chẳng có giấy tờ gì trong người cả.
- Ê, anh chàng Washington kia! Nói năng cho nó cẩn thận. Tôi không phải là cái gã nào cả, mà là thị trưởng San Antonio. Thị trưởng! Đây là thành phố của tôi, của tôi! Tôi không cho phép ai, kể cả tổng thống, chứ đừng nói cái thớ anh chỉ huy tôi. Nghe chưa?
Lindon Johnson trong suốt ba mươi năm ở Capitol còn nổi tiếng là biết hòa giải những kẻ kình địch nhau. Đôi khi người ta nói về ông như sau: "Lindon sinh ra để mà gắn chặt những gì dễ đứt tung ra". Trong tức khắc, ông ta đã thu xếp xong sự hiểu lầm và cho cả hai người, thị trưởng thành phố và nhân viên mật vụ vào hàng ngũ quan khách danh dự. Và mãn nguyện với những gì đã làm được.
Trời ơi! Tôi buồn làm sao khi viết về những chuyện như vậy! Cần phải viết! Trong tất cả những chuyện vụn vặt chúng ta đều được phản ánh đúng như sự thật. Tất cả những gì đã diễn ra cho tới giờ, tất cả những gì sẽ xảy ra sau đó ở San Antonio, Houston, Dallas, trong lòng "Thiên thần" và cả ở Washington đều là máu thịt của chúng ta, là nội tâm của chúng ta, là tập tục của chúng ta, là lối suy nghĩ của chúng ta. Tấn thảm kịch ở Dallas như tờ giấy quì đã làm hiện lên bản chất thường ngày của chúng ta.
Theo Dấu Chân Những Người Tàng Hình Theo Dấu Chân Những Người Tàng Hình - Alexsandr Avdeenko Theo Dấu Chân Những Người Tàng Hình