Chương 9 Mồi Thơm Và Thú Dữ
hư những người ham mê thú vui săn bắn, Đoàn Phong cùng bọn sáu người thân tín ruổi ngựa ra ngoài ải khi họ vừa đến Nam Quan.
Gió thổi hun hút từ cửa ải lên mạn bắc.
Thận trọng, viên chủ tướng mở rộng tấm bản đồ mà ông đã nghiên cứu mỗi đêm đến độ gần như thuộc lòng từng nét.
Bản đồ xưa đến hơn một trăm năm, giấy vàng khè, nếu không được bồi lại, phất thêm một nước cậy và thếp ở ngoài bìa một nước sơn thì đã rách nát từ lâu.
Những nét vẽ, những chữ ghi chú còn rõ ràng. Trên thực tế, những cánh rừng, những hẽm núi vẫn không thay đổi.
Vậy là những lời chỉ dẫn của ông đồ làng Nhị Khê có thể được vâng theo đầy đủ.
Đây là chỗ đóng quân, đó là nơi dành cho đối phương hạ trại. Và dọc theo những cánh rừng này là đường chạy dài của giặc.
Đoàn Phong kết luận sau khi giải thích từng điểm cho bốn vị “chuyên viên”:
- Đó! Thú dữ sắp đến nơi rồi, anh trông cậy hoàn toàn vào tài đặt mồi thơm của các chú. Thắng hay bại, sống hay chết, vinh hay nhục đều ở một trận này. Đừng để sơ xẩy nhé!
Hai anh em họ Đặng và hai chú cháu họ Đào rủ nhau đi xem xét lại từng thế đất và bàn bạc vào chi tiết. Những gì người xưa dặn dò trên giấy, họ đều thấy có thể làm được dưới mặt đất.
Đặng Chấn Khởi lên tiếng trước tiên:
- Bác yên trí đi. Anh em tôi, ai có phận nấy, sẽ lo cho bác chu đáo. Không lộ được và cũng không hư hỏng được. Người ngoài tinh mắt đến đâu cũng không trông thấy. Và điều quan trọng là sẽ không có chuyện cháy nửa vời như ở Thượng Phương cốc 1 ngày xưa đâu.
Em cam đoan với bác quân ta cứ việc đi lại tự nhiên trong hầm, giặc không thể nào biết được. Trời có mưa to, hầm cũng không ngập nước…
Đoàn Huy và Tường Vân sóng cương cùng đi thăm thú trước hai con đường ven núi mà họ có nhiệm vụ, mỗi người một bên, săn đuổi giặc.
Đường vắng tanh, không một bóng người. Không cả một tiếng chim, tưởng chừng như loài này có linh tính biết trước nơi đây không phải là chỗ an toàn trong những ngày sắp tới.
Nhưng cây rừng vẫn reo vui, ánh nắng vẫn đổ xuống dịu dàng. Và lòng hai người trẻ tuổi tràn ngập một niềm hạnh phúc họ chưa từng được hưởng cũng như chưa bao giờ tưởng tượng đến.
Huy rụt rè hỏi bạn đồng hành một câu gần như vô nghĩa:
- Sau trận này, Tường Vân có định đi đâu không?
- Em…
Buột miệng xưng em, nàng ửng đôi má chữa thẹn:
- Tôi phải về Nhị Khê ngay. Còn anh?
- Tôi hả? Tôi cũng về Nhị Khê luôn, được không?
- Ai mà biết!
- Tôi sẽ xin phép thầy tôi về thăm hai bác ít ngày.
- Phải đấy! Chúng ta sẽ… tha hồ vui. Tha hồ chơi những trò con nít.
Mặt trời chênh chếch chiếu hai bóng người ngựa song song. Bất giác họ cùng nhớ đến ván đáo ở đầu làng bữa nọ. Vô tình hay hữu ý, Tường Vân đã khiến cho hai đồng tiền đứng song song sát vào nhau ở giữa nửa hình cầu khoét trên mặt đất.
Họ cùng thích thú, cùng say sưa trong một không khí hơi ngượng ngập.
Tường Vân nghiêng đầu hỏi khi hai người lỏng dây cương cho ngựa đi bước bên nhau một lúc khá lâu:
- Thế bao giờ anh đinh trở về Hồng Thị?
- À, tôi ở Nhị Khê… hầu hai bác bao lâu cũng được. Còn chờ thầy tôi mà. Xong việc quân, thầy tôi sẽ cáo lão về vườn y như lời chỉ dậy của bác trai. Rồi thầy tôi về Nhị Khê thăm bác. Hôm nào thầy tôi về Hồng Thị, tôi sẽ theo về.
Đến một chỗ hơi khó đi, đường mấp mô, dây leo chằng chịt, Huy ân cần dặn bạn:
- Hôm đánh nhau, mình đuổi giặc về đêm Tường Vân phải cẩn thận cho lắm nhé.
- Anh đừng lo. Con ngựa của tôi hay vô cùng. Nó khôn như người. Ban đêm, dù không có trăng, nó cũng thấy đường. Và đường nào đã đi qua một lần là nó nhớ.
- Nhưng Tường Vân cũng đừng theo giặc quá xa đấy.
- Vâng. Nhưng thế nào tôi cũng tóm mấy thằng tướng Tầu cho chúng nó biết tay mới được.
Cuộc rong chơi kỳ thú của đôi bạn trẻ kéo dài trong mấy ngày mà họ được coi là vô sự. Trong thời gian ấy, những người còn lại trong đoàn quân phạt Bắc trần lực ra mà làm việc.
Một hệ thống đường hầm được tạo ra dưới sự chỉ dẫn mới lạ của họ Đào. Đây là một dịp nghìn năm mới có một lần để cho Trọng Tường cảm thấy cái nghề bậy bạ của mình thế mà cũng giúp được cho nước nhà không ít.
Ngắm nghía công trình vén khéo, y xoa tay đắc chí nói với cả Hoành:
- Ngày xưa, tao định truyền nghề cho thầy mày mà ông ấy nhất định không nghe. Trong lúc say, tao có nói mấy câu hằn học, cứ tưởng là lời nói sằng, nay ngẫm ra thấy cũng có lý.
- Chú nói sao hả chú?
- Tao cáu quá nên bảo ông ấy thế này: Anh đừng tưởng nghề của tôi là một nghề hèn. Chả có nghề nào hèn cả, chỉ có người mới hèn mà thôi. Ngay cả đến nghề… làm quan cũng chẳng phải là một nghề bẩn thỉu!
Cả Hoành cười ha hả:
- Lúc bấy giờ, chắc chú say lắm rồi phải không?
- Ừ say! Nhưng cũng còn tỉnh chán. Tao nói thêm: Làm quan mà biết lo đến nơi đến chốn cho dân thì cũng được người ta trọng mà gọi là cha mẹ dân, chứ đâu có xấu xa gì. Như tôi, đào tường khoét ngạch mà không lấy của phi nghĩa thì đâu có phải là một tên ăn trộm nhơ bẩn!
Phía kia, anh em họ Đặng chạy đi chạy lại chỉ bảo hoặc nhúng tay vào làm cho đến khi công việc được thật vừa ý.
Chấn Khởi cười bảo em:
- Đúng như ông cụ già xứ Lạng đã nói, chơi cái trò này không thể nói bao nhiêu là đủ. Thực ra, bao nhiêu cũng vừa, và giá có thêm thật nhiều nữa cũng chẳng thừa, phải không chú?
- Vâng. Em thấy như thế này, đốt mới sướng tay. À, anh nhỉ…
- Sao?
- Tưởng tượng đến đám cháy nay mai, em bỗng liên tưởng đến làng Cháy ở huyện mình. Em nghĩ lẩn thẩn, dễ thường ngày xưa các cụ mình cũng phá giặc Ân bằng địa lôi cũng chưa biết chừng. Chỗ con ngựa sắt của Đức Phù Đổng Thiên Vương thét ra lửa đến nỗi cháy hết cả một làng biết đâu không phải là chỗ các cụ cho nổ địa lôi phục!
Đoàn Phong đã hết lo quân Minh bất thần kéo đến khi cạm bẫy chưa giăng xong. Bây giờ lại lo chúng không chịu tới. Miễn sao chúng đừng nấn ná đến mùa đông!
Quân do thám chạy ngựa ngày đêm về báo:
- Chúng đã truyền hịch đi mọi nơi, rao hễ ai bắt được cha con Mạc Đăng Dung thì được thưởng cho quan tước và hai vạn lạng bạc.
Chúng hẹn trước trong vòng năm hôm nữa chúng sẽ vào cửa Nam Quan.
Mọi người xoa tay, khoan khoái:
- Muốn tới à? Cứ việc! Chúng ông đã sẵn sàng nghênh tiếp rồi đây!
--------------------------------
1 Đời Tam Quốc, Gia Cát Khổng Minh dùng mẹo đốt cha con Tư Mã ý ở Thượng Phương cốc. Địa lôi đang nổ thì tắt vì trời đổ mưa.
Ông Đồ Làng Nhị Khê Ông Đồ Làng Nhị Khê - Chân Phương Ông Đồ Làng Nhị Khê