Chương Kết -
on đường xa lạ, thêm một chuyến đi về nữa, đã trở thành một con đường quen thuộc. Gặp lại những chân đèo, những khúc quanh, những dốc phà. Gặp lại những dấu chân trên bãi cát, miền biển xanh mênh mông, màu nắng vàng chói lọi. Thêm nhiều tuần trôi quạ Pleiku trong khoảng thời gian này, có một vài chuyện lạ. Như Mỹ Dung là một khách hàng mới của quán Nhớ. Nếu quán Nhớ đổi chủ, Mỹ Dung sẽ là bà chủ mới. Chúng tôi mới đề cập sơ sơ tới vấn đề này. Cũng chưa đi tới một quyết định, một thỏa thuận nào. "Nếu muốn nhường quán cho người khác thì đừng nhường cho ai, nhường cho tôi". Mỹ Dung nói. "Rất có thể. Để tôi coi". Tôi trả lời. Thấy tôi giao thiệp Mỹ Dung, mọi người càng xa lánh. Tôi cũng mặc. Tất cả, bỗng nhiên không còn gì quan trọng, Tôi hỏi Mỹ Dung: "Bộ chị muốn ở đây mãi mãi?". Người đàn bà: "Tôi không còn biết đi tới đâu nữa, già rồi, mệt rồi. Đất này được cái yên tĩnh. Nó hợp với những người ở tuổi tôi, chứ lại không hợp với Ngọc đâu". Một người sống quẫy động như Mỹ Dung bỗng muốn tìm kiếm cho đời mình cái phẳng lặng của mặt nước Biển Hồ. Đó là một chuyện lạ.
Chuyện lạ thứ hai: cuộc hôn nhân giữa Khoa và Hồng Hạnh đã được sửa soạn. Chưa ai nhìn thấy họ cặp đôi với nhau nhưng tin đồn đã lan rộng. Cuối cùng những người con gái nhà lành liên kết thành một mặt trận đã đánh thắng đứa con gái tỉnh nhỏ sống theo sức xô đẩy của tâm hồn. Chắc Hồng Hạnh đang kiêu hãnh lắm, hả hê sung sướng lắm. Thư cũng vậy. Họ đã đinh ninh mất Khoa về tay tôi. Bây giờ họ mừng rỡ vì đã cướp lại được Khoa, giữ đựơc Khoa ở lại với cái phía bên này, đẩy tôi sang cái phía đối diện. Tôi nghe tin, vừa vui vừa buồn. Đời sống Pleiku lại hiện hình trong mấy lời hát.
Nơi đây, những chân người đi dăm bảy bước lại trở về chốn cũ, nhưng nơi đây cũng là những phố thấp chạy xuống một thung lũng, những phố cao mở lên một ngọn đồi, đường với đường thật gần nhưng đường với đường chia lìa không đoàn tụ. Cuối cùng là những trận mưa buổi chiều và Pleiku là một niềm bâng khuâng phảng phất trong tâm hồn như một lớp mù sương.
Khoa không đến quán Nhớ nhưng có nhờ Vận chuyển cho tôi một lá thư ngắn. Nói muốn gặp một lần cuối cùng. Cuối cùng. Tôi ghét nhất cái danh từ này. Cuối cùng. Cuối cùng. Người ta còn nói được gì với nhau khi sự tan vỡ đã hoàn toàn không thể hàn gắn. Tôi bằng lòng gặp Khoa. Một buổi trưa. Vận đến chở tôi đến chỗ hẹn. Trời không mưa. Nhưng bầu trời xám thấp. Bầu trời thấp là hình ảnh một mái tóc rũ, mái tóc phủ lên khuôn mặt Pleiku đăm đăm cặp mắt buồn phiền. Xe ra khỏi tỉnh. Vận nói bâng quơ:
- Mọi chuyện vẫn có thể cứu vãn được.
Tôi không nói gì. Nín thinh, nhìn núi, nhìn rừng. Không phải là cái vấn đề cứu vãn. Chỉ là Pleiku trong một khoảng khắc nào đó, đã trở thành xa lạ với tôi, và ngược lại, tôi với nơi chốn này cũng chỉ còn là một bóng hình xa lạ. Cuộc chia lìa không phải là người với người. Mà người với nơi chốn. Không bao giờ tôi quên được Pleiku, nhưng tôi sẽ bỏ đi. Tâm trạng như thế này, nhưng hành động thì ngược lại.
Như đoán được ý tôi, Vận hỏi:
- Bao giờ đi?
Tôi nói trong gió tạt, dưới trời thấp, tiếng nói tan biến mau chóng và trống trải lan rộng.
- Đi đâu?
- Bạn bè không sắp mất Ngọc sao?
- Có thể. Sắp.
Vận cười:
- Phải có tiệc tiễn biệt.
- Nếu tôi đi sẽ là đi âm thầm không ai hay.
Qua một đồn binh chiếc xe rời khỏi con đường lên tỉnh, rẽ xuống một con đường thấp hơn. Mặt nhựa bị tróc trên nhiều khoảng lớn. Cỏ dại tràn chiếm. Đất đồi hai bên bờ đường rắn lạnh và đỏ khé. Mặt đất như một dung nhan người đàn bà sắp về chiều chằng chịt những nếp nhăn là những cái rãnh do nước mưa nhiều mùa soi mòn. Bốn phía chung quanh Pleiku trống trải hắt hiu chạy dài tới những chân núi. Những ngọn cỏ, những cánh đồi, những giải mây này rồi sẽ xa lắm, trong một đám ký ức mịt mùng, tôi bâng khuâng nghĩ thầm. Một chuyến đi nào đó, đã ở trong tôi.
Vận đang ngồi bên cạnh, rồi Vận cũng sẽ chỉ còn là một bóng núi quá khứ.
Con đường càng khó đi hơn. Chiếc xe hục hặc vật vã. Rồi chiếc xe chao đi, lao xuống. Con đường thấy hẳn và lượn vòng theo một sườn đồi dựng thành. Đã tới Biển Hồ. Biển Hồ ở phía bên kia một ngọn đồi. Vận ngừng xe lại giữa khoảng đất trống. Vận chỉ tay lên ngọn đồi, um tùm:
- Nó ở trên đó.
Tôi nắm tay Vận:
- Lên với tôi chứ.
- Không. Có thêm thằng này vô, hai người nói gì với nhau được.
Cũng đúng. Khoa muốn gặp riêng tôi. Trong một cuộc gặp gỡ không thể có người thứ ba. Bởi vậy mà Khoa không tới quán Nhớ và đã phải cất công lên chờ tôi ở Biển Hồ. Trong một khoảng khắc tôi nhận thức được tất cả tầm quan trọng của lần họp mặt này. Hỏi Vận:
- Anh chờ ở đây sao?
- Tôi trở về chơi với mấy thằng bạn ở đồn binh. Một tiếng đồng hồ có xong không?
Xong là xong cái gì? Xong cho tôi hay xong cho Khoa? Tôi cười buồn:
- Làm sao tôi biết được?
Vận nhìn đồng hồ tay:
- Thôi, cứ cho là một tiếng đi, rồi tôi sẽ lại đón.
Chiếc xe nổ máy, Vận ôn tồn:
- Khoa không muốn chấm dứt đâu. Ngọc hiểu như thế không?
- Tôi hiểu.
- Tụi này không muốn mất Ngọc.
Tôi chớp mắt, cảm động. Sự cảm động của tôi rất thành thật. Có những người bạn chung thủy như Vận, cuộc sống buốt lạnh có ấm áp được phần nào. Có những tấm lòng thắm thiết, không đổi thay như Vận, những mùa mưa Pleiku sẽ đỡ sầu thảm, những cơn gió Pleiku sẽ đỡ buốt lạnh. Và không chừng vì cái không khí bằng hữu ấm áp vây bọc, tôi sẽ ở lại với Pleiku, mãi mãi. Thành ra cuối cùng, chỉ có tình bạn là toàn vẹn, tốt đẹp. Không bao giờ nó khiến ta phải đau đớn. Nó có thể đem lại sự buồn bã, nhưng một buồn bã dịu dàng không bao giờ là một vết thương đau đớn. Nếu Khoa cũng chỉ như Vận. Trong giới hạn, trong vị trí một người bạn? Bây giờ tôi mới cảm thấy ân hận, đã để Khoa đi xa hơn. Và vì đã quá đi xa, Khoa mới ngồi chờ tôi ở trên kia. Tôi đi lên với Khoa trên một lối đi nhỏ ẩn ẩn hiện hiện giữa hai bờ cỏ rậm. Một cặp tình nhân từ phía trên đi xuống. Tưởng không gặp ai, họvừa đi vừa ôm nhau thật chặt. Người con gái úp mặt vào vai anh con trai. Tôi phải đằng hắng họ mới giật mình buông nhau ra. Anh con trai đeo trên vai một cái máy chụp hình. Chắc nhiều tấm hình đã được chụp giữa thắng cảnh thơ mộng. Khoa cũng đã chụp cho tôi rất nhiều hình ở Biển Hồ. Đủ kiểu. Tôi tựa vào gốc cây, nhìn lên trời cao, nhìn xuống hồ thấp. Tôi đứng dưới chân tượng Phật bà, với những giải mây của nền trời mùa thu sau lưng. Những tấm hình kỷ niệm. Pleiku cuối cùng chỉ là một kỷ niệm. Một ngày không xa lắm, những tấm hình tôi do Khoa cất giữ trang trọng sẽ bị đốt cháy. Vì Khoa đã có những tấm mới, những tấm hình Hồng Hạnh.
Khoa ngồi trên một hòn đá, quay lưng lại. Mặt hồ xanh biếc, phẳng tắp như một tấm gương. Tôi đến đứng sau lưng Khoa. Chợt nhớ lại phút chia tay với Đạo ở bến xe Quy Nhơn. Thêm một lần chia tay nữa. Sống chỉ là một chia tay như thế này sao? Nơi chốn nào là nơi chốn xum họp?
Tôi cất tiếng trước:
- Anh Khoa chờ em lâu chưa?
Khoa giật mình quay lại và vội vã đứng lên.
- Vận đưa em tới?
- Vâng.
- Vận đâu?
- Đi rồi. Hẹn một giờ sau sẽ quay lại.
Hai chúng tôi nhìn nhau. Cả hai cùng thấy nhau tiều tụy. Nhưng tôi vẫn đẹp, vẫn diễm ảo, vẫn duy nhất trước mắt Khoa. Cái nhìn bàng hoàng của Khoa cho tôi biết như thế. Những tấm hình có thể sẽ bị đốt, nhưng tôi, trong trí nhớ Khoa, sẽ hơn những tấm hình. Khoa sẽ cất tôi vào một xó góc nào đó trong tâm hồn chàng. Thành một nỗi nhớ một niềm đau quen thuộc, dịu dàng, mãi mãi. Tôi cũng như vậy, dù ở bất cứ nơi nào.
- Chúng mình ngồi xuống đây nhé.
- Vâng.
Phiến đá là chỗ ngồi cũ. Ở đây, chúng tôi nhìn thấy toàn cảnh Biển Hồ. Tầm mắt ném đi, lướt trên mặt hồ, tới tận bờ hồ bên kia. Biển Hồ nhìn từ cao, lọt thỏm giữa một vùng mênh mông đậm đặc. Một cái giếng lộ thiên. Do thiên nhiên đào ra. Những tình yêu đã mang nhau tới đây. Nghiêng mình và tự soi ngắm. Lòng giếng sâu thẳm như nền trời. Tình yêu không bao giờ hiện rõ khuôn mặt.
- Nghe nói em đau?
Tôi nói cho Khoa khỏi thắc mắc:
- Thường thôi, em đã khỏi. Anh vẫn mạnh?
Câu hỏi, câu trả lời bỗng trở nên kiểu cách. Người ta thường kiểu cách với nhau như thế, khi sự tan vỡ đã có. Tôi muốn chảy nước mắt.
- Anh muốn gặp em?
Khoa gật, châm thuốc lá. Khoa là của những tiếng cười, cái nhìn tươi sáng, nét mặt rạng rỡ. Sự buồn bã làm Khoa vụng về, lúng túng. Khoa không còn là Khoa nữa, dù trên chỗ ngồi cũ và Biển Hồ vẫn bình yên, vẫn xanh biếc trước mặt.
Lúc này là buổi chiều. Lúc đẹp nhất, thơ mộng nhất của Biển hồ. Chiều thả xuống, chiều dăng lưới, giam nhốt tâm hồn và thần trí vào cái khối sầu mênh mông bát ngát của chiều. Chiều dâng lên, linh hồn chiều là cái đáy hồ thăm thẳm, chiều lên gặp trời, sự gặp gỡ vô hình biến thành một ngưng đọng, rưng rưng giữa lưng chừng không gian. Sự vật vang ngân, không cùng trong thứ tiếng nói huyền dịu của im lặng. Trong tôi, bỗng nhiên là một lo lắng không đâu. Tạo vật lớn lao khiến con người giữa nó chỉ còn là một cây kim bé nhỏ. Tôi sống một cảm giác rợn ngập. Chúng tôi chưa biết hỏi tiếp câu chuyện với nhau như thế nào. Phút chia tay đắm chìm trong xúc động. Chia tay nào cũng vậy, ở một sân ga, một bóng tầu, hay trên ngọn đồi nhìn xuống một mặt hồ.
Nhưng trên một cảm thấy nào đó, phút chia tay cũng phơi bầy một vẻ nhạt nhẽo và gắng gượng không dám thú nhận. Người ta không còn gì để nói với nhau. Trên một tình yêu đã chết.
- Ông bà chụp một tấm hình.
Tiếng nói của người thợ chụp hình ném tới sau lưng chúng tôi. Khoa cau mày quay lại. Người thợ chụp hình còn trẻ tuổi, đã đưa cao cái máy lên trước tầm mắt.
Khoa quát lớn:
- Không.
Người thợ chụp hình không chịu bỏ đi. Y nài:
- Hình mầu. Lấy ngay. Bốn trăm một tấm.
Khoa đứng vùng lên:
- Tôi bảo không. Anh có đi ngay không?
Người thợ chụp hình buông máy, nghiêm mặt:
- Đi thì đi. Ông làm gì mà nóng quá thế.
Khoa hậm hực ngồi xuống. Chưa bao giờ tôi thấy Khoa có một thái độ khó chịu như vậy. Tươi cười bình tĩnh, khả ái với tất cả mọi người, thân hay sơ, đó là Khoa. Tình yêu làm Khoa đổi khác. Vui hơn, sung sướng hơn, dễ thương hơn. Sự thất vọng cũng làm khoa đổi khác. Như tôi đang thấy. Trên một chiều hướng ngược lại. Chỉ mấy ngày không gặp nhau, có như là Khoa đã già đi hơn mười tuổi. Người thợ chụp hình bỏ đi. Ngoài hai chúng tôi, trên đồi không còn ai. Tôi chợt nhớ lại lần đi chơi đầu với Khoa mà nơi hẹn hò là Biển Hồ. Cũng một buổi chiều như buổi chiều này. Anh thợ chụp hình chừng như cũng vẫn là anh thợ chụp hình của buổi chìêu cũ. Hôm đó lần đầu tiên Khoa dám nắm lấy tay tôi lúc dắt tôi từ chân đồi đi lên. Sự hồi hộp mới mẻ còn làm Khoa lúng túng trong từng cử chỉ nhỏ nhặt. Chúng tôi đi quanh quẩn chân tháp, nhìn lên tượng Phật. Khoa mất tự nhiên vì chung quanh hai đứa còn rất đông người đến thăm viếng danh lam thắng cảnh. Có cả một bầy nữ sinh nhỏ tuổi nữa. Khoa không nói được gì nhiều. Nhưng tình yêu chân thành tỏ lộ trong cái nhìn, trong im lặng. Rồi chúng tôi tìm được một phiến đá ở chỗ khuất lánh nhất. Chúng tôi đã ngồi xuống phiến đá ấy, cùng ngó xuống hồ, dưới trời chiều mênh mông. Lúc về tới thị xã, Pleiku đã lên đèn. Trời lạnh, mưa phùn bắt đầu, thả giọt. Những mặt đường ướt át. Khoa đưa tôi về tới quán. Vào nhà.
Huyền hỏi:
- Đi đâu về vậy?
- Biển Hồ.
- Chỉ có hai người?
Tôi trừng mắt với con nhỏ:
- Bộ mày cho ta đi chơi với một mình anh Khoa không đủ sao?
Nó nhún vai.
Thêm một buổi chiều nữa, tự buổi chiều hôm đó. Trận mưa phùn của buổi chiều nào mở ra một chân trời. Tới chiều nay, cái chân trời ấy đã khép kín. Khoa bứt những cọng cỏ vò nát chúng trong lòng tay.
- Mấy hôm nay quán ra sao?
Tôi đáp, vắn tắt:
- Vắng.
- Sao vậy?
Khoa đã hiểu tại sao. Nhưng cứ hỏi. Tôi đáp:
- Anh không đến nữa, mọi người cũng bắt chước anh, không đến luôn.
- Mọi người là những ai?
- Tất cả.
Khoa nói, như xin lỗi:
- Mấy hôm nay, anh bận quá.
Tôi nhìn những thân cỏ bị vò nát dưới chân chúng tôi. Nói gì được với nhau nữa. Những thân cỏ đã bị vò nát. Và lát nữa, về tới thị xã, sẽ lại có trận mưa phùn buồn rầu thả giọt.
- Anh gặp em có chuyện gì?
- Anh muốn nói với em một vài điều. Trước nhất là dù thế nào, anh cũng không thay đổi.
Khoa nói vậy, nhưng Khoa đã thay đổi. Tôi biết vậy. Chính Khoa cũng biết rõ ràng như vậy. Trong một khoảnh khắc, bỗng nhiên tôi muốn có một cố gắng. Đó là hai chúng tôi cùng cố gắng lãng quên, bỏ qua, tất cả mọi chuỵên đã xảy ra.
Chuyến đi Quy Nhơn, hai lần đến tìm Đạo ở khách sạn, tất cả những chuyện này chúng tôi đều không nghĩ tới chúng nữa, và chúng tôi sẽ bắt đầu lại với nhau, tất cả từ đầu. Nhưng tôi biết sự thật sẽ chẳng bao giờ là như thế. Hình ảnh Đạo mãi mãi rồi sẽ ở giữa chúng tôi, và sự ám ảnh đó mãi mãi rồi sẽ làm cho chúng tôi đau đớn.
- Em không đựơc như anh đâu.
Khoa bàng hoàng:
- Thế là thế nào?
- Em lúc thế này lúc thế nọ. Em chẳng còn là đứa con gái anh nhìn thấy. Anh đã nhìn lầm,thấy lầm về em, từ đầu.
- Em chỉ cần hứa với anh...
Tôi nắm lấy tay Khoa, không để cho chàng nói tiếp nữa:
- Không phải thế. Một lời hứa chẳng có nghĩa lý gì hết. Anh nên sống khác đi. Anh đừng nên đến quán Nhớ làm gì nữa. Thời giờ của anh bây giờ là để dành riêng cho một người. Người đó không thể là em.
Khoa bực bội:
- Không có người nào hết.
- Vậy mà em lại nghe nói anh sắp lấy Hồng Hạnh.
Khoa ngập ngừng:
- Gia đình anh muốn thế. Anh không muốn thế.
Một phút im lặng. Trong tôi, hình ảnh một đám cưới hiện ra, một đám cưới tỉnh nhỏ với bầu không khí và những màu sắc vừa quê mùa vừa cảm động của nó. Một người con gái đang bước dần từng bước tới ngày vui lớn nhất của đời mình. Người con gái đó là Hồng Hạnh. Ngồi trong quầy hàng, với tơ lụa óng ả vây quanh. Hồng Hạnh đang đếm từng ngày, đang mong từng buổi. Cái nhìn bâng khuâng, trái tim đập mạnh, nhìn ra con phố thân quen trước mặt, trong một cảnh trí đã có, không đổi thay, từ những tháng ngày nhỏ dại, Hồng Hạnh chắc đang sống trước, từ bây giờ với cái ngày nàng bước lên một chiếc xe hoa về nhà chồng. Tất cả đều chưa tới, nhưng tất cả đã được xếp đặt, trong tưởng tượng. Tiệm hàng được làm đẹp bằng những lớp vôi mới trên những vì tường. Những tấm thịêp hồng được gởi đi. Bà con thân thuộc ở các tỉnh xa nhận được tin vui đều lục tục kéo về. Rồi đám cưới với những bữa tiệc hân hoan kéo dài trong những lời chúc tụng bay bướm. Một đám cưới. Một chiếc nhẫn. Một tờ hôn thú. Chẳng bao giờ tôi có được cho tôi những cái thứ đó. Những cái đó đang tới dần, chậm chạp nhưng chắc chắn với Hồng Hạnh. Và tôi là người con gái tỉnh nhỏ duy nhất đứng trên một bờ đường, nhìn những đám cưới của những người con gái khác đi qua.
Khoa hỏi, làm bộ thản nhiên:
- Em có gặp Hồng Hạnh?
- Nhìn thấy nhau thôi. Trong mấy lần em đi qua tiệm tơ lụa.
Tôi bật cười, nhớ lại nét mặt thù nghịch của đứa bạn gái cùng trường:
- Ngày xưa ngồi chung một bàn đấy nhé. Bây giờ không chào hỏi nhau nữa.
Tôi cười lớn hơn:
- Tại anh đó.
Khoa thở dài:
- Mọi chuyện đều tại em gây ra thì đúng hơn. Anh vẫn đinh ninh điều anh mong ước sẽ tới, không thể không tới. Bây giờ anh không còn biết nói với gia đình như thế nào.
Khoa nhắc lại câu chàng đã nói:
- Nhưng lấy Hồng Hạnh thì không bao giờ có chuyện đó.
- Tại sao?
- Vì em còn ở đây, thế nào rồi chúng mình cũng sẽ gặp nhau.
Chúng tôi vẫn phải gặp nhau thật. Pleiku nhỏ quá, chỉ dăm bảy phố cao, chỉ một vài phố thấp. Những người không muốn nhìn thấy mặt nhau, bởi càng muốn lãng quên, mãi mãi rồi vẫn phải đụng đầu nhau trên một vài ngả đường nhất định. Như thế, nếu cứ sống chung với nhau một bầu trời, một khí hậu Pleiku, người ta còn có chung với nhau, vĩnh viễn một cảnh tượng hàng ngày. Chung một đám bè bạn. chung. Những buổi nắng. Những chiều mưa. Chung. Những lời hát kia trong bài hát ấy. Đi dăm bước đã về chốn cũ, một buổi chiều mưa, lòng bỗng bâng khuâng. Chung. Ngọn núi phía Khôngntum, nhìn thấy từ xa, in hình lên nền trời.
Chung, những ngọn đồi những thung lũng gần vây bọc, ở đó, người ta bắt buộc phải nghĩ tới nhau từng buổi sáng thức dậy, và bởi vậy mà chuyện cũ và kỷ niệm sẽ chẳng bao giờ nhận chìm được hoàn toàn, vào lãng quên. Tôi hiểu được nỗi khổ tâm của Khoa. Đồng thời cũng nhìn thấy cho hai chúng tôi một cách thức giải quyết duy nhất.
Nửa giờ sau, tôi đứng lên. Chiều muộn. Trời cao thả xuống Biển Hồ thêm nhiều lượng bóng tối nữa. Mặt nước im lạnh, thăm thẳm ghê rợn. Khoa lặng lẽ đi theo tôi xuống bãi đất trống, nơi Vận đã trở lại. Chiếc xe Jeep rời khỏi vùng địa hình diễm lệ của Biển Hồ cùng một lúc với một trận mưa phùn bắt đầu bay nghiêng trên một Pleiku hoàng hôn. Rồi là đường về thị xã, với đồn binh ở một đầu khúc quanh, những hàng rào giây thép gai cắt những sườn đồi thành nhiều khúc và những hạt nước ly ty làm mờ khung kính. Không ai nói với ai một lời nào. Sự im lặng của Khoa hàm chứa một ý nghĩa rõ rệt. Khoa không đổi thay. Khoa vẫn chờ đợi. Biển Hồ còn đó nguyên vẹn, phố thấp là phố láng giềng, phố cao là phố hàng xóm. Khoa còn hy vọng và Khoa nhẫn nhục chờ đợi. Hồng Hạnh để đó, đám cưới xẩy ra. Khoa tựa lưng vào đồng minh cuối cùng là thời gian. Cho sóng gió qua đi. Cho dư luận lắng dần. Để tôi nghĩ lại.
Tôi đã nghĩ. Nhiều buổi chiều. Nhiều đêm dài. Gặp Khoa ở Biển hồ là một ngày đầu tuần. Cuối tuần, tôi đi cùng với Chấn và Huyền xuống Quy Nhơn. Bà chủ khách sạn nán lại chờ tôi, chưa vào Sài gòn, khách sạn cũng chưa nhường lại cho người khác. Chấn giới thiệu Huyền với mẹ. Gặp lại tôi, thấy lại con, bà chủ khách sạn mừng rỡ, đón hai chị em vào nhà. Hai chị em được mời lên nghỉ trưa ở căn phòng sang trọng nhất. Tôi nhìn thấy sự sung sướng của Huyền, một sự sung sướng nó muốn che dấu nhưng tràn đầy trong từng cử chỉ nhỏ nhặt. Buổi chiều, Chấn đưa Huyền ra bãi biển. Tôi ở lại khách sạn, nói chuyện với bà chủ nhà. Trong khi hai chị em nghỉ trưa trên lầu, chàng trẻ tuổi chắc đã bày tỏ tình yêu đầu với mẹ. Bà chủ khách sạn hỏi thăm về gia đình tôi. Tôi trả lời hết mọi câu hỏi của người đàn bà về gia cảnh mình. Hai chị em mồ côi từ thuở nhỏ, họ hàng thân thích đều thất lạc ở xa. Bà chủ khách sạn nói như thế thì mọi chuyện đều dễ dàng, cuộc tình của Chấn và Huyền bà không phản đối, hôn lễ càng tổ chức sớm được ngày nào càng tốt chừng nấy, bà nói điều quan trọng là hai đứa nó yêu nhau và thành thực muốn trở thành vợ chồng.
Thế là xong, là yên cho đời Huyền. Nghĩ cũng lạ lùng. Chuyện thật bất ngờ. Ở quán Nhớ, mỗi buổi sáng còn nằm trên giường, tôi đã nghe thấy cái tiếng chân của Huyền. Tiếng chân nặng, tất tưởi, vất vả. Cái dáng đi của em gái tôi cũng vậy. Chẳng khoan thai, không ung dung đài các chút nào. Cái tướng nó như thế. Nghĩ nó phải khổ hơn tôi mới đúng.
Cuộc sống đã chứng minh ngược lại.
Đời sống tôi muốn nói là tuổi trẻ. Tuổi trẻ tôi muốn nói là thứ tuổi trẻ vững mạnh sáng láng của những người như Chấn như Huyền. Không phải là thứ tuổi trẻ đau xanh bệnh của tôi, của Thập, của Nhạc. Những giọt cà phê thả xuống một lòng ly mờ khói, tiếng nhạc thảm lẫn trong tiếng mưa thầm, những ánh đèn vàng vọt, thoi thóp của quán Nhớ, suốt bấy lâu đã nhận chìm chúng tôi vào một vũng lầy không ra thoát. Bây giờ, tôi mừng vì bãi biển Quy Nhơn đang lòa nắng, trời Quy Nhơn đang xanh biếc, và Huyền đang đi dạo với người yêu của nó, trên một bãi cát cũng quang đãng, cũng xa rộng như đời sống của chúng nó sau này. Hai chị em sắp xa nhau rồi đấy. Nhưng mà có những xa cách cần thiết phải chấp nhận. Cho mọi người cùng sống. Tôi xa Khoa, cũng trên tinh thần này. Rồi Khoa sẽ hiểu. Không phải bây giờ. Tất nhiên. Nhưng sau này khi tôi đã bỏ đi. Khoa sẽ hiểu.
Vấn đề nhường lại khách sạn không đặt ra nữa. Quán Nhớ đóng cửa, Huyền sẽ về sống ở Quy Nhơn. Mỗi tuần nó sẽ vượt đèo An Khê lên Pleiku thăm chồng. Cho tới khi Chấn được đổi về gần nhà hay được giải ngũ. Tôi tưởng phải ở lại Quy Nhơn lâu hơn. Không ngờ mọi chuyện được giải quyết êm đẹp, mau chóng.
Tôi nói với bà chủ khách sạn:
- Sáng mai, tôi phải về.
Bà chủ khách sạn kêu lớn:
- Ủa, bà chủ không ở lại đây sao?
- Thưa không, tôi phải về.
- Em Chấn được nghỉ phép ba ngày. Thứ tư cháu mới phải về đơn vị.
- Tôi biết. Tôi về một mình.
- Bà để Huyền ở lại đây với chúng tôi. Tôi muốn coi cô ấy như con cái chúng tôi, kể từ giờ phút này, nếu bà không thấy gì bất tiện.
Tôi để Huyền ở lại. Nó ở đâu cũng vẫn hơn là ở giữa bầu không khí quạnh quẽ và phiền muộn của quán Nhớ. Buổi chiều. Nắng đã nhạt trước hè đường khách sạn. Huyền và Chấn còn ở ngoài bãi, chưa về. Tôi ra khỏi nhà hàng. Quy Nhơn không đổi khác, với những cây lao xao nắng gió và những hồi chuông kéo dài theo những bánh xe lăn. Một chiếc cyclo chở tôi tới nhà Luận. Người đạo sĩ râu tóc vẫn ngồi ở chỗ cũ, trong ngôi nhà cổ tịch lặng không một tiếng động, giữa những cuốn sách xếp chồng. Da mặt Luận rám nắng. Nói mới đi biển về, sau mấy ngày ở đảo. Luận hơi ngạc nhiên thấy tôi trở lại Quy Nhơn và trở lại một mình. Nhưng giữ ý. Luận không đá động gì đến Đạo. Luận mời tôi ngồi chơi, vẫn một chồng sách làm ghế, kể cho tôi về mấy ngày ở đảo. Đêm, theo đám dân chài đi đánh cá, trên một mặt biển sáng ngời lân tinh. Ngày, ngủ đầy giấc trên một chòi canh, giữa những bóng dừa lả ngọn. Cuộc sống của Luận thế mà sướng. Một cô độc thoát tục. Ở ngoài mọi hệ lụy. Ngăn cách với đời bằng một rừng sách trong đó là cuộc viễn du êm đềm của trí tuệ qua những ngày tháng nhẹ thênh. Tôi nghe, cười
- Nếu tôi được là đàn ông như anh.
Luận cười theo:
- Hận vì mình là đàn bà phải không? Vấn đề không phải là đàn ông hay đàn bà. Chỉ là mình biết mình muốn gì và sống theo như thế.
Một giờ sau, tôi cáo từ ra về. Luận đưa tiễn tôi ra cổng. Lúc đó, Luận mới hỏi:
- Đạo đâu?
Tôi nhìn đi chỗ khác.
- Tôi không gặp. Từ lần trước gặp anh.
Luận nhìn tôi đăm đăm:
- Đạo ở đây với tôi thêm hai ngày nữa rồi trở về Sàigòn. Lúc đi, chỉ nói thế, không cho tôi biết địa chỉ. Ngọc biết chứ?
Tôi lắc đầu:
- Không, anh ạ. Đạo không nói, tôi cũng không hỏi.
- Tôi vừa nói với Ngọc vấn đề là mình biết mình muốn gì. Một con đường có trăm phương nghìn ngả. Nhưng đi mãi, rồi ta vẫn tìm kiếm thấy. Ngọc hiểu tôi muốn nói gì chứ?
- Vâng. Tôi hiểu.
Luận đứng nhìn theo tôi một quãng xa rồi mới lững thững quay vào. Về tới khách sạn, Huyền và Chấn cũng vừa từ bãi biển trở về. Bữa cơm ăn ở phòng trong, thân mật ấm cúng. Thật khuya hai chị em mới lên phòng. Chúng tôi nói chuỵên với nhau tới khuya. Tôi dỗ Huyền ở lại thêm mấy ngày nữa, nói thế nào tôi cũng xuống đón. Huyền khóc:
- Chị Ngọc đánh lừa em.
Tôi ôm lấy con nhỏ:
- Chị đánh lừa em hay không cũng chẳng quan trọng gì. Đời sống của em bây giờ là với Chấn ở đây. Đừng nghĩ đến quán Nhớ của chúng mình nữa. Quán Nhớ không còn nữa.
Sáng hôm sau, Huyền đưa tôi ra xe. Huyền và Chấn nắm tay nhau nhìn tôi đi. Khi tới lưng đèo An Khê, tôi đã quyết định xong. Pleiku chỉ còn thấy tôi, thêm một ngày nữa.
Lá thư viết cho Khoa khá dài. Tôi viết được nó dễ dàng, trong tiếng mưa thả đều trên mái. Ngồi với Khoa cả tiếng đồng hồ ở Biển hồ, tôi không nói được gì. Vĩnh biệt đẹp nhất cuối cùng vẫn bằng một lá thư. Lá thư được viết trong đêm. Một mình dưới ánh đèn. Trong thư tôi nói tôi phải bỏ đi, tôi đã nghĩ kỹ từ sau buổi chiều chia tay ở Biển hồ, sự bỏ đi nếu không là một giải đáp tốt đẹp cho người lên đường, ít nhất cũng là một giải quyết êm thắm cho những người ở lại. Êm thắm cho Khoa, cho Thư, cho Hồng Hạnh. Pleiku phải là Pleiku, mãi mãi. Như những hình ảnh trong bài hát ấy. Người ta đi trên những con phố tình thân, đi dăm bước đã trở về chốn cũ. Người ta gặp ở đây những người con gái má đỏ môi hồng, sống phẳng lặng dưới một vòm trời quen thuộc. Tôi đã ở ngoài. Bước chân đi hoang của tôi đã đi trên những con đường khác, và khi người ta cảm thấy mình đã thay đổi thực sự, người ta không còn lý do gì sống nữa với một nơi chốn ngưng đọng không bao giờ đổi thay.
Tôi không nói với Khoa tôi đi đâu. Chỉ nói KHoa đừng kiếm tìm vô ích. Tôi chúc Khoa ở lại sung sướng, may mắn. Cuối thư, tôi nhờ Khoa chuyển dùm lời chào từ biệt đến tất cả những bạn hữu đã từng lui tới quán Nhớ. Tôi nói không chừng một ngày tôi sẽ trở về thăm Pleiku, nhưng ngày ấy chắc còn xa lắm, và khi đó tôi hy vọng bạn bè không còn nhìn tôi bằng những cặp mắt lạnh nhạt như bây giờ nữa.
Lá thư viết ban đêm, sau khi đã thu xếp xong một vài chuyện bắt buộc phải thanh toán trước bất cứ một chuyến đi xa nào.
Ở Quy Nhơn về, tôi đến ngay nhà Mỹ Dung.
Người đàn bà vẫn tiếp tôi trong căn phòng ngủ diễm lệ của nàng. Tôi vào thẳng vấn đề. Và vấn đề được giải quyết dễ dàng mau chóng.
- Đồng ý là sang lại quán Nhớ cho tôi. Nhưng sao sang gấp thế.
- Hôm nay là ngày cuối cùng của tôi ở Pleiku.
Mỹ Dung cười:
- Bỏ Pleiku đi tới chân trời góc biển nào?
Tôi nói đùa theo:
- Vì là chân trời góc biển nên chưa biết là chân trời góc biển nào.
- Tôi phải trả cho Ngọc bao nhiêu đây?
Quán Nhớ với những bàn ghế để lại đáng giá hơn một triệu. Ít nhất là như thế. Tôi chỉ đòi tám trăm ngàn.
- Sao rẻ thế? Bộ vừa sang vừa cho sao?
- Quán đang vắng khách. Chị lấy cho là may rồi. Cũng chẳng rẻ lắm đâu.
- Bây giờ thì tôi chưa đủ tiền. Sáng mai tôi đưa tới quán được không?
- Trước giờ tôi ra máy bay là được.
Mỹ Dung đưa chân tôi xuống đường, như lần trước. Nàng không hỏi tôi một câu nào về Đạo. Thành ra người duy nhất tôn trọng đời sống riêng tư của tôi cuối cùng lại là Mỹ Dung. Nghĩ cũng dễ hiểu. Nàng đã là nạn nhân của dư luận. Nàng đã đứng ở phía đối nghịch với dư luận. Tôi trở về quán Nhớ sau đó. Để lại tất cả cho Mỹ Dung, tôi chỉ mang theo quần áo, và những đồ dùng cần thiết, tất cả xếp vừa hai cái valy. Tôi làm cái công việc dọn dẹp, cố gắng thản nhiên bình tĩnh, cố gắng nhận chìm mọi xúc động lưu luyến với một nơi chốn thân yêu sắp rời bỏ. Nhưng lúc gỡ khỏi tường bức chân dung mình do Dã Thụy vẽ trước khi tạ thế, tôi không cầm được nước mắt. Bức họa vẽ chưa xong, cái dở dang lưng chừng là hình ảnh cuộc đời và tuổi trẻ chúng tôi sớm nở nên cũng sớm tàn, giữa một nắng mưa thù nghịch.
Không hiểu bằng cách nào, tôi đã mở được máy nghe nhạc. Một giọng hát quen, một bài hát cũ, Tà áo văn quân của Phạm Duy Nhượng:
... Một chàng phiêu lãng
Ôm đàn tới giữa đời
Mộng chưa tàn khúc...
Câu hát tự nhiên làm tôi thổn thức. Ôm đàn tới giữa đời: một khúc hát phù du, khoảnh khắc. Rồi thôi. Thật đúng với hình ảnh của Đạo, cuộc đời của Dã Thụy. Đúng cả với tình yêu của tôi.
Buổi sáng cuối cùng. Đây, buổi sáng lên đường. Ban mai của Pleiku vẫn vậy: nhợt nhạt và run rẩy lạnh. Chín giờ, Mỹ Dung tới. Trao tiền cho tôi xong, Mỹ Dung hỏi:
- Xong chưa?
Tôi chỉ hai chiếc va ly:
- Đã. Tôi đang chờ chị tới rồi đi.
- Ai đưa Ngọc ra phi trường?
- Tôi đưa tôi đi.
Mỹ Dung xua tay:
- Không được. Để tôi đưa đi.
Tôi đưa lá thư viết gửi Khoa cho người đàn bà:
- Nhờ chị một việc. Chị chuyển dùm thư này cho Khoa.
Mỹ Dung đón lấy chiếc phong bì:
- Thư từ biệt? Sao không gặp?
- Tôi nghĩ như thế là hơn.
Tôi ra khỏi quán Nhớ. Cửa quán khóa lại. Chìa khóa giao cho Mỹ Dung. Tiếng khóa bập mạnh. Tiếng động khô khan, tàn nhẫn. Rồi đường ra phi trường. Phố thấp, phố cao, ướt át. Những lùm cây thấp lướt thướt. Những con phố tình thân lùi dần, sau bánh xe lăn. Tới một quãng, tầm mắt đột nhiên mở rộng, màn mưa bất chợt trở thành một bối cảnh kín trùm. Tôi ngồi cạnh Mỹ Dung, người đàn bà tôn trọng sự im lặng của tôi, chúng tôi cùng không nói một lời nào, cho tới khi xe ngừng lại trước cửa vào phi trường. Buổi sáng muộn thêm. Mưa vẫn là những đường tơ trắng xóa bay nghiêng, nhưng trời trên đầu sáng dần cho những vai núi, những lưng đồi hiện ra.
Mười giờ. Một tiếng động ầm ỹ, lúc có lúc mất, rồi một vệt dài chọc trần mây, hạ thấp, lan dần, ở đầu phi đạo. Mỹ Dung đặt tay lên vai tôi:
- Máy bay tới rồi đó.
Tôi nắm lấy tay Mỹ Dung, nói mà không biết nói rõ rệt với ai:
- Cho tôi gởi lời chào tất cả.
Mỹ Dung gật, cái nhìn thân mến âu yếm:
- Đừng bận tâm cho những cái bỏ lại. Những cái bỏ lại không còn ý nghĩa gì hết với người lên đường. Hãy sống ngay, từ lúc bây giờ, với cái sắp gặp.
Người đàn bà đẩy nhẹ tôi đi. Nàng cười:
- Cho gửi lời hỏi thăm anh Đạo.
Tôi sững người:
- Anh Đạo?
Mỹ Dung ung dung, vẫn nụ cười tinh quái trên môi:
- Phải. Anh Đạo. Cho tôi gửi lời hỏi thăm, đừng quên. Thôi Ngọc đi. Chúc Ngọc may mắn.
Mấy bay cất cánh năm phút sau đó. Trên không phận Cù Hanh, tôi nhìn xuống phía dưới. Rừng núi, đồi nương Pleiku, từng phiến xanh thẫm, từng tảng đỏ thắm như trong một họa phẩm nhiều màu của Dã Thụy, phơi bầy dưới màn mưa bay nghiêng. Máy bay đổi chiều. Dưới đất quay theo. Tôi bàng hoàng trong một khoảng khắc trước sự đảo lộn chớp mắt của phương hướng kéo theo sự đứt rời hoàn toàn với nơi chốn. Nước mắt tôi một giọt ứa ra, chảy xuống. Rồi Pleiku không nhìn thấy nữa. Những con phố tình thân đã nhạt nhòa chìm khuất dưới nền mây trùng trùng. Tôi tháo giây lưng an toàn, tựa đầu vào thành ghế, hai mắt nhìn thẳng. Mây bay chuyển hướng một lần nữa. Rồi hạ thấp. Sống trước đi với cái sắp tới. Mỹ Dung nói. Chúc Ngọc nhiều may mắn. Mỹ Dung, cám ơn chị. Cũng xin lỗi nữa, vì khi em gặp Đạo rồi chắc em sẽ quên hết, quên những con đường cao, quên những con phố thấp và những trận mưa phùn chỉ còn lại một tiếng động rì rào bỏ lại sau lưng.
Sàigòn 1974
Mai Thảo
Ôm Đàn Tới Giữa Đời Ôm Đàn Tới Giữa Đời - Mai Thảo Ôm Đàn Tới Giữa Đời