Chương 9
HỦY ĐỨNG GIỮA SÂN TRƯỜNG, NÀNG THẤY cảnh vật khác lạ. Nhìn xuống tà áo, Thủy cảm như có vết đen trên tà áo trắng nữ sinh của nàng. Vết đen mơ hồ chỉ thoáng hiện trong tâm tưởng. Thủy cố bắt, cố khám phá vết đen nhưng vết đen mỗi lần nàng cố khám phá thì nó lì mất. Và Thủy quên nó đi nó lại hiện ra trêu tức nàng.
Thủy muốn phát điên vì vết đen mơ hồ đó. Nàng hiểu vết đen là tên phù thủy nhắc nhở nàng biết rằng nàng không thể quên được sự thê thảm đã xảy ra ở phòng tạm giữ. Phải. Không thể quên được, Thủy rùng mình nhớ lại một biến chứng lạ: Sáng nay nàng đã phải nhăn nhó khi tiểu tiện.
Và Thủy quay gót, cắp cặp bước khỏi sân trường. Thủy len lén như một đứa ăn cắp đang chạy trốn. Trường học lúc đó mới lác đác vài học sinh lớp khác, Thủy chưa gặp người bạn quen nào nên nàng hơi yên lòng.
Về tới nhà, Thủy quăng cặp xách, nằm vật trên giường khóc nức nở. Căn nhà nhỏ cô đơn. Bọn em nàng đi học cả. Bố nàng đang làm việc trong phi trường. Thủy khóc một mình. Tiếng khóc ai oán giã từ một cái gì quý giá nhất của cuộc đời.
Khóc chán chê, Thủy ngồi dậy. Nàng mím môi suy nghĩ một lát rồi lặng lẽ bước xuống cầu tiêu. Thủy phân vân mãi mới dám “thử” xem biến chứng lạ buổi sáng còn hay hết. Nàng muốn ngã gục ở cầu tiêu vì biến chứng lạ vẫn còn. Đau đớn hơn, xót xa hơn là khác.
Thủy tái mặt. Tim muốn ngừng đập. Nàng khó nhọc lết từng bước lên nhà. Thủy nằm bất động trên chiếc giường đệm. Cơn sốt bắt đầu hành hạ nàng? Cơn sốt tạo thành bởi sự sợ hãi và thù hận. Thủy mê man cho tới khi ông Thuận tan sở và bọn em nàng tan học về nhà.
Ông Thuận rối rít xoa trán con gái:
- Con bị cảm à?
Thủy đã tỉnh sau một giấc ngủ. Nàng ngạc nhiên nghe bố mình hỏi. Thủy nhăn nhó:
- Con có ốm đau gì đâu?
Rồi nàng vươn hai tay, chụp lấy cổ ông Thuận khóc sướt mướt:
- Bố ơi!
Vẫn giọng nói êm đềm ngập đầy tình thương, ông Thuận hỏi:
- Có gì đau đớn con cứ kể bố nghe.
Thủy nghẹn ngào:
- Con mất hết cả rồi, bố ạ!
- Con bị mất cắp à?
- Không...
- Thế sao?
Thủy buông cổ ông Thuận ra:
- Bố có từ bỏ con không?
Ông Thuận kinh ngạc:
- Con nói sao?
- Bố có từ bỏ con không?
Ông Thuận chợt nghĩ tới chuyện ma quỷ ám ảnh, ông không tin chuyện ma quỷ nhảm nhí. Nhưng có thể phòng tạm giữ nhiều kẻ chết oan linh hồn không thoát ra được ở lì lại để ám ảnh những người yếu bóng vía. Con gái ông chắc bị ma phòng tạm giữ ám ảnh rồi. Ông Thuận lại hỏi:
- Con nói sao?
- Bố có từ bỏ con không?
- Sao con nói thế hở, con? Bố thương con, thương các con của bố. Bố còn sống lâu lắm, sao con nói gở thế?
- Con...
- Nói đi con?
- Con khổ lắm bố ơi!
Ông Thuận nuốt nỗi buồn ừng ực:
- Tại bố không kiếm được nhiều tiền, lỗi tại bố mà con...
- Không phải thế đâu.
- Thế tại sao?
- Tại con. Con đã...
Ông Thuận hỏi dồn:
- Con đã sao, đã sao?
Thủy ngồi dậy:
- Bố ơi, mai con nghỉ học.
- Con muốn đi làm để có tiền mua áo đẹp hở con?
- Không.
- Con nghỉ học bố không buồn đâu. Nghèo quá hết muốn học. Bố hồi nhỏ cũng vậy. Người ta cứ bảo càng nghèo, càng học giỏi. Nhưng bố nghĩ nghèo quá học hết nổi, phải không con.
- Không, bố ơi con nghỉ học vì...
- Vì sao?
Thủy ngập ngừng:
- Con nói bố có từ bỏ con không?
Ông Thuận trầm ngâm:
- Con muốn đi theo một đứa con trai nào hở, con?
- Không!
- Hay con đã...
Thủy lắc đầu nguây nguậy:
- Bố hiểu lầm con rồi, bố hiểu lầm con rồi...
Ông Thuận vỗ vai con gái:
- Thế con đã... sao?
Thủy nhìn bố. Đôi mắt nàng tóe ra những ánh hằn học, khiến ông Thuận hết bình tĩnh nổi:
- Nói đi, nói mau lên con!
Thủy ôm chầm lấy bố. Rồi nàng đẩy bố ngã xuống đất. Thủy ôm mặt, tức tưởi:
- Chúng nó đã hãm hiếp con!
Ông Thuận lồm cồm bò dậy. Ông ngơ ngác. Miệng lấp bấp và chỉ kêu nổi mỗi tiếng:
- Trời!
Thủy buông đôi tay ra. Ông Thuận hỏi nhỏ:
- Chúng nó hãm hiếp con?
- Vâng.
- Thật vậy ư, hở trời?
Bỗng ông buột miệng hai tiếng ngớ ngẩn:
- Rồi sao?
Thủy khép nép dựa lưng vào cảnh cửa. Nàng mở then cài, muốn chạy trốn khỏi gia đình. Ông Thuận hiểu ý con gái, dịu giọng:
- Con đừng sợ, rồi sao hở con?
Thủy ngó xuống chân, nói thật nhanh:
- Rồi sáng nay...
- Sao?
- Con đi tiểu thấy sót!
Ông Thuận thắt ruột lại:
- Bố hiểu rồi, để bố mua thuốc chích cho con. Khốn nạn, toàn những quân khốn nạn. Bố tiếc mình đã già.
Thủy tròn xoe đôi mắt:
- Bố không từ con à?
- Con có lỗi gì đâu?
- Con đã bị...
Ông Thuận giơ tay vẫy con gái lại sát mình:
- Thôi con, quên chuyện đó đi.
Thủy bước lại chỗ nàng đứng. Ông Thuận dang đôi tay rộng ôm lấy thân hình mảnh mai của đứa con gái. Ông xoa lưng con, vỗ về:
- Quên đi, quên đi con. Phải ngoảnh mặt làm ngơ con ạ. Xã hội mình đang sống, những người lương thiện đều bị hãm hiếp cả, đâu phải riêng con.
- Khó quên lắm bố ơi! Con định quên nó nhưng nó cứ lẩn quẩn trong tâm hồn con, trên tà áo trắng của con.
- Bố buồn khổ quá chừng. Ước gì còn trẻ để có thể cầm súng xả vào bọn khốn nạn đó?
- Bố cho con nghỉ học.
- Con muốn nghỉ thì nghỉ.
Ông Thuận vực con gái lên giường ngủ. Còn ông, ông lại ngồi bên cửa, hút thuốc lá đen. Ông ngồi rất lâu, không thở dài, không chép miệng. Cuộc đời ông đã chui vào con ốc chết. Con ốc chết phơi vỏ trên bàn và không bao giờ ước mong nó hồi sinh để trôi dạt trên các bãi cát hoặc lênh đênh trong lòng đại dương.
Vỏ con ốc chết là nơi trú ngụ của một cuộc đời kể như đã bỏ đi. Lòng ông Thuận có lúc dậy sóng nhưng cơn sóng nhỏ chỉ bằng hòn gạch lớn làm nên. Ông chua xót, tủi phận và thù hằn lắm mà ông cố bình tĩnh trước mặt con gái. Người bố hèn nhát im lặng, thúc thủ khi con gái bị ức hiếp. Sự câm nín nào đau khổ hơn.
Ông Thuận vò nát gói thuốc ném vào khoảng tối. Trời bên ngoài mù mịt. Ông Thuận khép cửa. Tiếng ken két gợi cho Thủy nhớ tiếng ken két của phòng tạm giữ. Những khuôn mặt của những con điếm, của những thằng du đãng hiện ra, Thủy ôm mặt rên rỉ:
- Ôi, khổ quá!
Tiếng rên rỉ của nàng lọt vào tai ông Thuận. Ông nói vọng sang giường con gái:
- Ai chẳng có lần đau khổ.
Thủy trở mình:
- Nhưng có chuyện nào đau khổ bằng chuyện của con.
Ông Thuận thở dài:
- Con chưa lớn, biết bao chuyện đau khổ trên đời mà so sánh. Thôi ngủ đi, ngủ đi con, ngoan.
Ông Thuận vắt tay lên trán:
- Ngày xưa mẹ mày bị lính Lê Dương hãm hiếp mẹ mày chỉ muốn tự tử. Rồi phải sống chịu khổ con ạ!
Thủy không nói thêm. Sấm sét ngoài trời nổi dậy. Lát sau trời đổ mưa. Mưa trút nước nên ông Thuận không nghe tiếng rên rỉ của con gái. Ông lẩm bẩm:
- Ngày mai con ngõ lại nhớp nhúa hơn. Mưa với nắng cũng thế thôi.
Nước Mắt Lưng Tròng Nước Mắt Lưng Tròng - Duyên Anh Nước Mắt Lưng Tròng