Chương 9: Jean Jacques Roussea (1712–1778)
ean Jacques Rousseau từ trần mười một năm trước khi cuộc cách mạng Pháp bùng nổ, nhưng ông được xem như người đã châm ngòi cho cuộc cách mạng lịch sử đó. Những tư tưởng ông viết ra luôn luôn nhấn mạnh đến các quyền lợi của người nghèo, quyền tự do bình đẳng của mỗi công dân trong nước, những vấn đề này đã tạo nên được một ảnh hưởng vĩ đại trong đầu óc quần chúng và đối với lịch sử về sau của thế giới, ông đã biểu lộ bản chất đặc biệt không những chỉ trong những tác phẩm nói về sự xấu xa của xã hội mà còn trong những lý thuyết về giáo dục của ông, sự kiện này làm những người đương thời sửng sốt cho là quá “Mới” cũng như đã gây nên một ảnh hưởng lớn lao. Cuộc đời của Rousseau, với những đam mê kỳ lạ, những phiêu lưu sinh động và cuối cùng là chứng loạn trí, tất cả điều này cấu tạo ông một bẩm chất phi thường và biến hoá trong công trình vĩ đại của ông.
Thiên tài Rousseau có liên hệ với bịnh điên thì không có tính cách tầm thường, và chắc chắn không có một thí dụ nào hấp dẫn hơn là những giấc mơ kỳ quái của một bộ óc siêu việt để rồi cuối cùng bị che phủ bằng một đám mây điên loạn, đã từng đưa đường dẫn lối đến tự do cho những dân tộc bị nô lệ và soi sáng những con đường mới cho sự khám phá về đạo đức chưa được theo đuổi đến nơi đến chốn.
Rousseau sinh tại Genève ngày 28 tháng Sáu năm 1712, con trai thứ hai của một người làm đồng hồ và kiếm thêm tiền cho ngân khoản thiếu thốn bằng cách dạy khiêu vũ trong lúc rỗi rảnh. Mẹ ông mất hai tuần sau khi ông ra đời, và suốt mười năm thơ ấu ông sống hạnh phúc với cha, người vú nuôi Jacqueline và một người dì, mọi người cùng tìm cách lấp đầy sự thiếu thốn tình mẫu tử của ông.
Cha ông đã dạy ông thưởng thức những áng văn cổ cũng như những tiểu thuyết suy nhược của thời đó. Nhưng năm 1722, cha ông dính liếu vào một vụ kiện bắt buộc ông phải chọn một trong hai giải pháp, hoặc là chịu đi lưu đày hay là phải chịu ở tù. Cha ông chọn giải pháp thứ nhất và đi Lyons, giao cậu con trai lại cho người em chăm sóc. Chú Bernard cũng có một đứa con trai trạc tuổi Rousseau và cả hai đều được gởi tới Boissy để theo học với Lambercier vị mục sư trong tỉnh đó. Vị mục sư khả kính này ở chung nhà với cô em gái độ chừng ba mươi tuổi. Cậu bé Rousseau bất thần yêu cô gái đáng làm chị của ông, và chính ông sau này thú nhận rằng sự đam mê trẻ con đó lại có tác dụng mạnh mẽ đối với cá tính suốt cả cuộc đời mình. Có vẻ phóng đại hơn, chúng ta có thể cho rằng sự xao động tình cảm thuở ban đầu của ông đã tạo cho cuộc đời niên thiếu Rousseau có một khoảng thời gian tình ái đầy sóng gió.
Cũng trong thời gian đó, ông trở về nhà chú Bernard để tập việc với một chưởng khế và sau đó học nghề thợ chạm trong vòng ba năm. Nhưng phong cách ôn hoà u sầu của cậu bé không thích hợp với không khí ồn ào náo nhiệt trong phòng chạm. Ông học hội hoạ, nhưng cũng học luôn những thói hư tật xấu của những bạn bè thuộc thành phần hỗn tạp. Ông chủ là người khó chịu nên Rousseau cảm thấy lòng kiêu hãnh cũng như năng lực ông bị lợi dụng một cách tàn nhẫn, vì thế ông bỏ đi.
Rousseau mong đợi xã hội đón tiếp ông như một con người nổi loạn chống lại những phương thức của cuộc sống bình thường. Nhưng mọi người đều lơ là với ông và không còn cách nào hơn là xin đến Cofignon cách Genève một đoạn đường ngắn. Tại đây, ông gặp một giáo sĩ Công giáo đã vẽ ra những bức tranh chói lọi về sự vững chắc của Giáo hội Thiên Chúa giáo và cuộc đời sẽ giản dị biết bao nếu chúng ta là một tín đồ Công giáo. Vũ trụ có một chương trình. Và chính ông, Jean Jacques Rousseau sẽ tìm ra chỗ đứng thích hợp với ông.
Ông được gởi đi Annecy, tại đây bà De Warens, một người mới vừa nhập đạo sẽ nuôi ông và giúp đỡ Rousseau trong thời gian học đạo. Ông đến ở nhà bà ta và thỉnh thoảng làm thư ký riêng hay theo làm bồi cho bà. Lúc đó, Jean Jacques được mười sáu tuổi, đã là một cậu thanh niên với đôi mắt ngời sáng, tóc đen, da trắng, chân tay rắn chắc, và một ý chí phấn đấu dẻo dai cũng như tự tin về chính mình. Bà chủ của ông là một quả phụ hai mươi tám cái xuân xanh, tóc vàng xám, có nhiều tiền, tánh tình rộng rãi. Bà ta thuộc một loại người không bao giờ cảm thấy hạnh phúc nếu không có chương trình nào để hoạt động xã hội hay giúp đỡ một người nào, và tự nhiên là sự thích thú của bà ta gia tăng khi người đó là một thanh niên dễ thương lại có vẻ ái mộ bà ta.
Nhưng chàng ta còn trẻ, và lòng ái mộ của tuổi trẻ khó mà tế nhị thâm trầm được. Ông quá hiền lành hay quá ghen tuông. Ông quá tự tin, và không thành công vì sự nhút nhát quá độ. Ông tự tin một cách đáng ghét.
Chuyện kể lại rằng, ông phải đi Turin với ông bà Sabran. Cả ba người bắt đầu đi bộ từ Annecy đến Turin. Chúng ta không thể nào biết được sự liên hệ tình cảm giữa Rousseau và bà De Sabran, nhưng bà De Sabran đã có những nét phác hoạ về ông. Nhưng sau chuyến đi này Rousseau có chuyện lục đục với bà De Warens và ông phải ra khỏi nhà bà này.
Sau đó, Rousseau đến ở với bá tước De Gouvon, và được đối xử hết sức tử tế. Tại đây một thời gian ngắn, ông bất chợt muốn gặp bà De Warens, điều này khiến ông vô lễ để bị đuổi đi và được tự do trở lại Annecy. Bà chủ ông vui vẻ đón tiếp ông trở về, nhưng chẳng bao lâu lại bắt ông phải đến chủng viện St. Lazare để hoàn tất việc học. Sự liên lạc hai người có vẻ kỳ lạ. Ông là người giúp việc chỉ được lãnh một số thù lao nhỏ. Nhưng bà lại bảo bọc cho ông học hành, dạy ông âm nhạc và được ông đặt cho một cái tên thân mật là “Mẹ”. Ông lại tiếp tục tạm xa bà và một thời gian sau đi lang thang ông lại quay về. Ông lại rời chủng viện St. Lazare với một người bạn học nhưng lại bỏ ban dọc đường để quay về Annecy thì được biết bà De Warens đã đi rồi. Một thời gian ở Savoie để dạy âm nhạc tại Neuchâtel và tổ chức một buổi hoà nhạc tại Lausanne, ông trở thành một thơ ký của tu viện trưởng ở giáo đường Hy Lạp. Với lá thư giới thiệu của một nữ đại sứ Pháp tại Soleure, ông đi Paris, và nơi đây ông có dịp giao thiệp cùng xã hội thượng lưu trí thức, học được những phong cách thanh nhã, bỏ đi những gì thô lỗ đã từng làm bạn bè nổi giận lúc ông còn ở quê nhà. Cuối cùng, năm hai mươi tuổi được tin bà De Warens đang ở tại Chambery, ông phải vượt qua gần nửa nước Pháp để đến gặp bà.
Cuộc gặp gỡ của họ thật là chan hoà yêu thương, ông lại trở thành người yêu của bà và họ cùng tham gia vào hội nghiên cứu hoá học, âm nhạc và nghệ thuật.
Năm 1738, bà chọn “Les Charmettes”, một miền quê gần Chambery để Rousseau có thể phục hồi sức khoẻ sau một cơn bịnh nặng. Tuy nhiên Rousseau lại có một chương trình khác, ông nhất định đi Montpelier để dưỡng bịnh. Bà De Warens khám phá ra rằng công việc chữa bệnh của ông chỉ là một cái cớ để gặp bà De Larnage và như thế là tan vỡ sự thân mật giữa hai người Khi Rousseau lang thang trở lại Les Charmettes, ông biết địa vị ông đã có người thay thế trong lúc vắng mặt. Thản nhiên ông kiếm chỗ dạy học và năm 1741, trở về thủ đô Paris.
Năm này kết thúc thời kỳ ăn chơi vô dụng của Rousseau. Từ đây về sau, thiên tài ông bắt đầu bộc lộ.
Tại Paris, ông làm quen với Diderot một văn sĩ lừng danh thời bấy giờ, đang làm chủ bút tờ Encyclopedie và các bạn ông trong nhóm The Dupins, sự quen biết này rất có lợi cho ông. Qua sự giới thiệu của những người bạn trong nhóm Dupins, ông tìm được chức thơ ký ở Toà đại sứ Pháp tại Venice, và ông lại trở về Paris năm 1745. Ông soạn thảo một tài liệu về ký âm pháp và đã được Hàn Lâm Viện tiếp nhận không mấy niềm nở. Tiếp theo vở nhạc kịch Les Muses Galantes của ông được mang ra trình diễn và Diderot dành cho ông vài mục viết trên báo.
Năm 1742, ông gặp một cô thợ may, Therese le Vasseur và sau đó ông cưới làm vợ. Theo quyển Những lời thú tội (Les Confessions) thì đây là “một người mẹ xấu xí, ngu ngốc, đần độn và đáng ghét”. Thật khó mà tìm được một điểm nào quyến rũ, nhưng họ cũng có với nhau năm đứa con, tất cả đều bị bỏ vào viện mồ côi “để tiết kiệm ngân quỹ”. Nhưng con người bất bình thường đó sau này lại có thể viết một bài khái luận cảm động và mới mẻ nhất về đời sống trẻ mồ côi cũng như sự giáo dục thời bấy giờ!
Trong những năm này, ông không ngớt viết lách, nhưng mãi đến năm 1750, ông mới gặt hái được thành công, đoạt được giải thưởng Luận Văn của Hàn Lâm Viện Dijon với đề tài “Sự tiến hoá của nghệ thuật và khoa học giúp cho việc thanh lọc đạo đức hay làm đạo đức suy đồi”. Với chủ đề này, Rousseau cho rằng Khoa Học và Nghệ Thuật chỉ làm cho con người có cái dáng đẹp đẽ ở bề ngoài, còn bên trong thì độc ác, ích kỷ và biết cách che đậy những điều tồi bại ấy. Sự thành công thứ hai của ông to tát hơn, với vở ca kịch ngắn Le Devin du Village, ông được cấp luôn lương bổng và được một chỗ làm tai triều đình Pháp. Sự nghiệp thay đổi này đã giúp ông thấy nhiều điều xấu, những khuyết điểm và sự phi lý mà triều đình Pháp thường phô trương trước những cặp mắt đói khát của dân chúng. Một thời gian sau, ông từ chối tiền phụ cấp và địa vị ở triều đình mặc dù đó là nơi ông không phải lo nghĩ về vấn đề sinh sống hàng ngày.
Sau đó ít lâu, ông xuất bản tác phẩm Luận văn về nguồn gốc và nền tảng của sự bất bình đẳng giữa loài người (Discours sur l’origine et le fondement de l’inégalité parmi les hommes) và cũng năm 1754, ông lại thăm viếng Genève, tại đây, ông tuyên bố từ bỏ đạo Thiên Chúa. Khi trở về Paris, ông nhận lời ở trong ngôi nhà nhỏ “The Hermitage” gần Montmorency của bà d’Epinay, bạn của con rể bà Dupin. Tại đây, ông viết Julie hay là nàng Heloise mới (Julie ou La nouvelle Heloise), ra đời năm 1761 và đã gặt hái thành công tức khắc mặc dù bị kết án là vô đạo đức vì chứa đựng những xu hướng quá tự do cũng như nêu lên quyền của người nghèo và bổn phận của người giàu.
Trước khi quyển Julie hay là nàng Heloise mới được xuất bản, ông gây gỗ với bà d’Epinay và những bạn bè của bà, rồi dọn đi đến ở tại Montlouis gần đó, nơi đây ông được sự giúp đỡ của Công Tước và nữ Công Tước ở Luxembourg.
Năm 1762, quyển Dân ước Luận (Le Contract Social) là một quyển sách chính trị nói về nhân quyền và dân quyền. Trong sách này, Rousseau đòi hỏi một chính thể cộng hoà với phổ thông đầu phiếu và đưa ra những yêu sách của một công dân là Tự Do, Bình Đẳng và Huynh Đệ, cũng như ông nhấn mạnh đến chủ quyền của nhân dân trong một nước. Chính tác phẩm này đã trở nên một ngòi pháo nổ cho cuộc cách mạng và là “Kinh Thánh” cho hầu hết các chính trị gia trong thời kỳ Cách Mạng 1789 tại Pháp mà điển hình rõ rệt qua nhà cách mạng Robespierre.
Cũng trong năm đó, ông cho xuất bản quyển Emile hay là về giáo dục (Emile ou de l’Education), gồm những tư tưởng cách mạng trong vấn đề giáo dục con trẻ, đưa ra một thứ “Tôn giáo Tự nhiên” thay vì Thiên Chúa giáo, đề cập đến sự dạy dỗ đứa bé từ thuở lọt lòng đến lúc trưởng thành và đây là một tư tưởng mới mẻ chưa nghe ai nói đến bao giờ.
Quyển sách đã là nguyên nhân của những cuộc tranh luận mạnh mẽ, vì Rousseau đưa ra những phương pháp ít có tính cách mô phạm khuôn khổ trong việc huấn luyện và phát triển những năng khiếu trí tuệ, thể chất và đạo đức của đứa trẻ. Và quyển sách tất nhiên là gây được ảnh hưởng trong những năm về sau đối với những nhà giáo dục tên tuổi cấp tiến như Froebel và Pestalozzy.
Sau khi xuất bản quyển Emile, Rousseau bị de doạ bỏ tù nên ông phải chạy sang Luerdon và sau đó đến Motiers, được Frederick đại đế, một người yêu chuộng nghệ thuật bảo bọc hết mình. Rousseau tấn công lại những đối phương trong quyển Lettres de la Montagne (1763), và hậu quả đương nhiên là ngay cả Thuỵ Sĩ cũng khó cho ông dung thân nên Rousseau phải chạy sang nương náu bên Anh Quốc và được sự giúp đỡ của triết gia David Hume (giống như trường hợp của văn hào Voltaire). Suốt đoạn đường phiêu bạt này, bà vợ Therese đáng thương đã theo ông, nhưng điều thú vị là bà được James Boswell hộ tống đi London. Và London đã làm cho Rousseau nổi tiếng, ngay cả trong các quán cà phê và các phòng tranh, người ta luôn luôn để ý và bàn tán về những thái độ kì lạ của con người lừng danh này. Theo lệnh Hoàng Gia, một buổi trình diễn nghệ thuật được tổ chức tại Druvy Lane dưới quyền chủ toạ danh dự của ông.
Nhưng chứng bịnh thần kinh của ông bắt đầu bộc phát, Hume phải đưa ông xuống miền Wooton ở Derbyshine, tại đây ông đã làm cho hàng xóm ngạc nhiên bằng cách mặc một bộ quần áo diêm dúa của Mỹ. Lúc này, ông cũng viết được gần hết tác phẩm Những lời thú tội, đó là một tài liệu kỳ lạ của một con người truỵ lạc; đã tự thuật lại cuộc đời của ông từ thuở nhỏ cho đến ngày rời khỏi hồ Bienne. Ông trở về Pháp năm 1762, sau một cuộc gây gỗ dữ dội với Hume. Lang thang từ nhà người này sang người khác để mong giúp đỡ, thân thể xác sơ, gây gỗ với tất cả mọi người và rồi cũng như bị ám ảnh bởi những sự dày dò ma quái lúc nào cũng thầm thì một cách tuyệt vọng trong trí óc ông.
Năm 1770, ông hoàn tất tác phẩm Những lời Đối thoại (Dialogues) và tiếp theo là quyển Những cuộc đi dạo của kẻ cô độc (Promenades d’un Solitaire), có lẽ đây là một tác phẩm hay nhất của ông vì được xem như một công trình nghệ thuật. Sách này được xem như đã bổ khuyết cho tác phẩm Những Lời Thú Tội và ca tụng phong cảnh thiên nhiên cũng như nhiều bài bình luận về các vấn đề phức tạp của đời sống, sự đạo đức, giàu nghèo, sống chết. Qua tác phẩm này chúng ta biết ông đã từng ở Thuỵ Sĩ, Menilmontant, ở đảo Saint–Pierre, ở hồ Bienne, Gentilly, Dauphine, Paris và trường vỏ bị Clignancourt.
Năm 1778, một nhà kinh tài giàu có tặng ông một ngôi nhà tại Ermenonille, nơi đây ông có thể sống yên lành trong những năm không có Therese, người đã chung tình với ông suốt bao nhiêu năm để rồi làm cho ông đau đớn và trở nên điên loạn vì sự giao thiệp công khai của bà ta cùng tên giữ ngựa. Những gì mà Therese đã phản bội ông là một sự kiện kết thúc việc cả thế giới đã chống đối ông vào thời đó.
Ngày 02 tháng Bảy năm 1778, người ta tìm thấy xác ông với gương mặt đẫm máu và sưng vù. Các y sĩ cũng không thể nào chứng minh được là ông chết vì bệnh phong hay vì tự sát.
Một trong những nhà cải cách vĩ đại của thế giới đã chết một cách lạ lùng và bi đát. Rousseau chống đối mạnh mẽ thời đại ông vì ý thức rằng, chính thể quân chủ chuyên chế là một sự bất hạnh to tác nhất cho đại đa số quần chúng, và ông có đủ lý do để nói như vậy. Mặc dù cuộc đời không có ý niệm nhiều về trách nhiệm đạo đức, ông cũng vẫn có thể viết một quyển sách giáo khoa thánh thiện và rất có giá trị để dẫn dắt thanh thiếu niên. Tác phẩm Xã ước (Social Contract) của ông được diễn tả như một quyển sách đã gây hứng khởi say mê cho tác phẩm Treatise on Government của Locke. Theo như nhà quý tộc Morley nói “Nhờ vào công trình của ông hơn bất cứ người nào khác của nước Pháp đã vùng lên từ sự suy tàn làm bạc nhược tất cả mọi hệ thống xã hội chính trị để tìm thấy lại sinh lực hầu tránh khỏi sự huỷ diệt bên trong cũng như sự xâu xé bên ngoài”.
Trên bình diện văn chương, ông đã là cha đẻ của phong trào văn chương lãng mạng tại Pháp. Chateaubriand, George Sand đã để lại những áng văn óng ả bay bướm với những câu chuyện tình tuyệt đẹp đều là môn đệ của ông, cũng như hầu hết triết gia, văn thi hào Đức, Nga đều chịu ảnh hưởng của ông như Kant, Goethe, Tolstoi, Fichte, Herder, Schiller.
Nói cách khác thực tế hơn, chính Rousseau đã khơi mào cho cuộc Cách Mạng Pháp 1789, mặc dù hơn một phần tư thế kỷ trôi qua trước khi những kết quả cụ thể thành hình.
Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới - Đỗ Châu Huyền-Hoàng Trí Đức Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới