Chương 7: Sư Tử Và Cuốn Sách
uestura ở Castello là một tòa nhà quyến rũ. Như nhiều văn phòng thị chính ở Venice, Sở cảnh sát trong quá khứ là một dinh thự và sự tồn tại ngày xưa cả nó được những thanh song ở các cửa sổ Ma-rốc của nó tiết lộ. Dù là vậy, Nora cũng sẽ vui nếu đến thăm nó chỉ một lần này thôi.
Hóa ra không phải vậy. Sự vận hành chậm chạp của nền hành chính ở Venice có nghĩa rằng đây là lần thứ sáu trong vòng bốn tuần cô đến đây. Cô đã điền hết mẫu đơn này đến mẫu đơn khác, tất cả đều có những cái tên và con số không hiểu được. Cô đã xuất trình từng giấy tờ hay chứng chỉ một ghi lại đời cô, từ giấy khai sinh đến giấy phép lái xe. Và mỗi lần cô tiếp xúc một cảnh sát khác nhau, thuật lại chuyện của mình từ đầu, đối phó với những phản ứng đi lại một vẻ ngờ vực ra mặt đến sự dửng dưng rõ ràng. Quý cô người Anh này không hiểu sao cũng được cho học việc với các thợ cả ở Murano, và giờ cần một giấy phép cư trú và một giấy phép làm việc. Mỗi cảnh sát có một cách giải thích khác đi về hoàn cảnh của cô. Cô phải có một địa chỉ nhà thuê ở Venice, rồi sau khi cô có được giấy phép cư trú, lúc đó cô sẽ xin cấp giấy phép làm việc. Không, một người khác nói, cô ta phải được cấp giấy phép làm việc trước, rồi đưa cho ông chủ của cô xác nhận, lúc đó cô sẽ đủ điều kiện thuê chỗ ở trong sestiere, rồi cô có thể xin một giấy phép cư trú.
Mình muốn thét lên.
Cung cách của Nora đã thay đổi sau những lần đến này từ thái độ thân thiện, có chút ngạo mạn của cô gái tóc vàng mà suốt đời cô thấy rất hợp với giới viên chức đến thái độ không khoan nhượng, khắt khe của một bà già cay nghiệt. Tiến trình xin giấy phép của cô, dù vậy, vẫn y như cũ, giữ nguyên tình trạng bất động hoàn toàn.
Mình có một giấc mơ lặp đi lặp lại như ở đó mình lênh đênh trên mặt phá, tợp lấy không khí, nhưng không thể bơi lên mặt nước vì bị cột chặt với hàng lớp lớp quan liêu.
Hôm nay, một ngày thu đẹp tuyệt trần, cô bước qua cánh cửa Sở cảnh sát với một sự cương quyết đanh thép. Vẻ mặt cô căng cứng những nụ cười giả tạo.
Mình đã ở Venice một tháng tròn rồi. Mình phải lo vụ này cho xong.
Tháng rồi đã trôi qua với sự co giãn kỳ lạ vẫn là nét đặc trưng của những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời. Một mặt, thời gian lên đi với một tốc độ khiến Nora ngạc nhiên. Mặt khác, cô không thể tin nổi là chỉ với một bốn tuần trước thôi cô đang sống tại Belmont, giữa những mảnh vỡ của cuộc hôn nhân đã chết. Cô đã làm việc cật lực tại xưởng từ hôm thứ Hai đầu tiên ấy, khi cô bước vào đó với cái vẻ của một người ngày đầu tiên đến trường. Cô đã buộc tóc trong một chiếc khăn choàng đầu và mặc cái quần jeans cũ nhất để cố gắng hòa mình càng nhiều càng tốt. Chuyện đó giờ chẳng giúp được gì. Nóng đến nỗi trong vòng nửa giờ cô đã phải tháo cái khăn choàng đầu và mặc quần jeans, chân trần và áo vest mà làm việc, để thấy những bình luận có thể đoán trước được từ những người khác.
Nhưng nói chung, ngày đầu tiên của Nora tại xưởng vừa mệt nhoài vừa vui vẻ. Hầu hết đàn ông đều thân thiện có ý tứ theo cái cách khiến cô bất ngờ rằng họ đã được Adelino chỉ thị. Hai trong số những thợ thổi thủy tinh trẻ hơn, một cặp đẹp trai có phần nào như một bộ đôi, rất thân thiện, sẵn lòng giúp đỡ và theo dõi tiến bộ của cô bằng cặp mắt đen đánh giá. Cô ra về khi những người khác về, tự chúc mừng mình đã không phạm lỗi lớn nào ngày hôm đó, và làm lấy hài lòng khi hai đồng nghiệp trẻ mời đi uống nước cùng mọi người. Adelino không đi cùng bọn họ, nhưng cho là cô an toàn trong bọn mà Nora cảm kích đi theo xuôi Fondamenta Manin đến một quán rượu sáng đèn ấm cúng mời chào. Các thợ cả rõ ràng là những khách quen, vì mười chai bia Peron ‘như thường lệ’ của họ đã sẵn trên quầy bar như mấy chai màu xanh lá trong bài hát (Ten Green Boltles là bài hát dành cho trẻ em rất phổ biến ở Anh). Nora ngồi phịch xuống cái ghế ở quầy bar mà Roberto hào hoa mời và vặn đầu quanh cần cổ nhức mỏi. Cô nghe thấy vài người trong cánh đàn ông nhóm họp đùa chuyện đấm bóp cho cô và cô mỉm cười hùa theo.
Mình phải làm quen với mấy trò đùa phá rối và trò đùa kiểu ở phòng thay đồ. Mình không được dần rút lui vì tất cả ấy. Đây là thế giới của đàn ông – đã luôn như thế - và mình phải học cách ăn khớp với nó. Không cư xử kiểu công chúa.
Cô ấn chai bia Peronu lạnh lên trán còn nóng và ửng hồng bởi nụ hôn của lò lửa, và cảm thấy cái lạnh đông lại dễ chịu nhỏ giọt xuống bên má. Cô tợp một hơi dài bia lạnh và khi môi cô chạm chai và răng cô va lanh canh vào thủy tinh, cô nghĩ đến tính kế tục trong nghề của người làm thủy tinh. Ở đây trong tay cô là một cái tương đương với những vật phẩm do Corradino và các đồng nghiệp của ông làm, nhưng giờ đây được sản suất hàng loạt, tái chế, vô hồn và tiện dụng. Phía trên quầy rượu kênh MTV đang gào thét, cắt ngang dòng suy nghĩ của cô, rồi Roberto gật đầu ra hiệu cho cô qua một cái bàn nhỏ bên góc mà Luca tìm được. Nora ngồi xuống, mỉm cười, và trả lời các câu hỏi của họ về London, Chelsea FC và Robbie Williams theo trật tự ấy. Đến lượt mình, cô được biết cả hai anh chàng đều là con trai thợ thổi thủy tinh.
"Thật ra", Luca nói, "Roberto đây có lịch sử thổi thủy tinh lâu đời nhất trong tất cả bọn tôi ở đây, dù hắn là đứa trẻ nhất".
"Nhưng là người tài năng nhất". Roberto nói thêm, cái cười toe toét ngây thơ của y giảm bớt vẻ khoe khoang.
"Thật ra chuyện đó đúng một cách khó ưa". Luca phản công. "Ông già Adelino lúc nào cũng giả vờ khen cậu thôi".
"Ông ấy nói tôi thừa hưởng ‘hơi thở’ của gia đình", Roberto nhún nhường giải thích cho Nora.
"Phải", Luca bịt mũi, "Tớ nghĩ tớ biết ý ông ấy muốn nói gì. Cậu thối".
Roberto bợp tai Luca và cả hai cười ầm lên. Nora dịch người trong ghế và bỗng cảm thấy mình già vô cùng. Mấy anh chàng này hấp dẫn, nhưng có chút… non nớt? Cô kéo cuộc trò chuyện trở lại điểm mình quan tâm và nói Roberto. "Gia đình anh à? Họ vẫn trụ lại trong nghề à?"
"Mãi mãi. Đúng ra là từ thế kỉ mười bảy kia. Ông tổ tôi, Giacomo del Piero, hồi đó là thợ cả của chính xưởng chúng tôi".
Thế kỉ thứ mười bảy! Corradino cũng đã có thể có mặt ở đó nữa! Hai người đàn ông này có thể đã quen biết nhau?
"Tôi cho là", Nora bắt đầu một cách hờ hững, nén lại sự phấn chấn của mình, "hồi ấy ở đây có nhiều xưởng khác nhau?"
"Không", Luca nói, người xem ra có chút trí thức hơn đồng nghiệp của mình, "Hồi ấy, ở Murano chỉ có một xưởng thủy tinh. Venice vẫn còn là một nước Cộng hòa nên sẽ dễ dàng hơn khi kiểm soát độc quyền theo cách ấy. Tất cả thợ thổi thủy tinh ở Venice đã sống và chết ở đây sau khi xưởng được dời đến vào năm 1291. Thật ra họ bị đe dọa tội chết nếu cố bỏ đi. Và nếu có ai thoát được thì gia đình họ sẽ bị tù đày hay sát hại để buộc kẻ bỏ trốn phải trở về". Luca dừng lại để nhấn mạnh sự ghê tởm này và nốc một ngụm bia. "Sau khi quốc gia – thành thị sụp đổ, có nhiều xưởng nữa phát triển ở đây; có chừng ba trăm xưởng trong thành hồi ấy. Nhưng rồi Murano suy tàn khi độc quyền ngành thủy tinh mất đi và các xứ khác biết cách làm ra thủy tinh tốt. Vào năm 1805, phường hội thủy tinh đã bị bãi bỏ, các lò nung đóng cửa và nhưng thợ thủ công lang thang khắp châu Âu".
"Ngày nay nghề này khác rồi", Roberrto chen vào, "Vào thời Giacomo, mọi đồ thủy tinh đều được làm ra ở đây, từ cái chai đơn giản nhất", y huơ chai Peroni như lặp lại chính suy nghĩ của Nora, "đến những tấm gương tinh xảo nhất. Giờ thì, mỗi ngày đồ thủy tinh được sản xuất trong những nhà máy chai khổng lồ ở Đức, hay Dulux ở Pháp hay Palaks ở Thổ Nhĩ Kỳ. Phao cứu sinh duy nhất của chúng tôi là thị trường chất lượng cao – ‘nghệ thuật’, nếu cô muốn nói thế. Khách du lịch là khách hàng duy nhất của chúng tôi, và xưởng của chúng tôi chỉ chiếm được một phần nhỏ trong thị trường đó. Hiện nay cạnh tranh khốc kiệt. Thật ra", đến đây y nhìn Nora một cách suy đoán, "cô thật may mắn được nhận vào".
Nora cụp mắt xuống khi Roberto nốc một ngụm bia. Cô thấy lúng túng, gần như bị coi thường, nhưng Roberto nói tiếp.
"Thế nên cô có thể nói Giacomo là người giỏi nhất hồi ấy". y kết luận, "vì ông là thợ cả của xưởng duy nhất".
Cô để ý thấy Roberto nói về sử xưa như thể nó chỉ cách đây không quá một nhịp tim. "Anh nói về ông ấy cứ như là anh đã gặp ông ấy rồi vậy", cô nói, nhận ra cái gì đó trong tình cảm của chính mình.
"Mọi người dân ở Venice đều thế cả." Roberto mỉm cười. "Nơi đây quá khứ ở khắp xung quanh. Nó chỉ mới xảy ra hôm qua đây thôi".
Nora nhận ra mối liên hệ với ông vua của y mà cô đã cảm thấy đối với Corradino. Và điều này giúp cô quyết định. Cô sẽ chia sẻ lịch sử của mình. "Tất cả chuyện này này quả thực kỳ lạ, vì ông của tôi cũng đã làm việc ở đây, khoảng thời gian ấy. Chắc hẳn ông biết Giacomo. Tên ông là Corrado Manin, còn được biết là Corradino. Anh đã bao giờ nghe tên ông ấy chưa?"
Mặt Roberto bỗng nhiên lặng phắc. Y và Luca nhìn nhau một cái. "Chưa", y nói cộc lốc. "Xin lỗi. Một Peroni nữa?" Y tức thì đứng lên và đi qua quầy rượu mà không chờ câu trả lời.
Nora sững sờ, mặt cô rần rần như bị tát. Điều gì làm y khó chịu vậy? Cô quay ra Luca, kẻ đang rạng rỡ với cô một cái cười duyên dáng. "Đừng để ý Roberto. Gã có hơi buồn cười trong chuyện ông tổ của gã. Nghĩ ông ấy sở hữu xưởng. Gã luôn bắt Adelino đề bạt hồ sơ của mình, và bán thủy tinh để giới thiệu dòng họ del Piero. Có lẽ tưởng cô đang cố chen chân vào."
"Nhưng… Tôi không… Tôi…"
"Thật ra, chuyện đó tuyệt mà. Quên đi. Gã lại rồi kìa".
Khi Roberto quay lại với ba chai Peroni nữa thì Nora cố hết sức đặc biệt duyên dáng, phỉnh nịnh y bằng cách hỏi về thủy tinh khi cố chuộc lại lỗi lầm của mình, dù cô vẫn chưa hoàn toàn rõ mình đã làm gì sai. Roberto trở nên bớt căng thẳng và tỏ một số dấu hiệu là đã dịu đi, nhưng còn một điều khác nữa – thời gian trôi qua và y đang trở nên say khướt. Đã muộn rồi và Nora bắt đầu băn khoăn về chuyến tàu về lại Venice thì cô chợt nhận ra là Luca đã bỏ đi nhà vệ sinh khoảng hai mươi phút rồi và không quay lại. Cô liếc quanh quán rượu nhưng chẳng thấy gã đâu cả, và hơn nữa, tất cả các thợ cả khác cũng đã về rồi. Cô không thấy ai quen cả.
Ôi Chúa ơi.
Nora thở dài nóng nảy. Cô bỗng dưng bị đưa trở lại St Martin’s mười năm trước, khi nhiệm vụ chẳng vui vẻ gì của cô là phải lùa mấy người bạn sướt mướt về nhà vì họ đã say bí tỉ. Dĩ nhiên lúc này đây cô không phải làm việc đó, ở tuổi cô, cho gã say khướt này? Cô rủa thầm và nắm cánh tay Roberto, giúp y lảo đảo ra bên ngoài. Y hơi loạng choạng bên bờ kênh, và cô băn khoăn không biết y có nôn không, nhưng rồi y mỉm cười phóng đãng và bất thình lình lao tới cô, dữ dội cắm môi lên môi cô.
Phản ứng của Nora có kiểu như thời Victoria đến nỗi nó khiến cô ngạc nhiên. Cô xô gã ra và giáng cho gã một cái tát nhức ngối đến suýt hất gã xuống kênh. Chuyện đó khiến Roberto tỉnh rượu hẳn. Những nét đẹp của gã biến mất khi đôi môi đẹp cong lên thành một nụ cười khẩy, và Nora đột nhiên thấy sợ. "Thôi nào", gã nói, sán tới lần nữa. "Cô nợ tôi cái gì đó, đồ gái hư nhà Manin".
° ° °
Nora quay lại và bỏ chạy.
Cô dừng bước cho đến khi đến được trạm Farovaporetto, nhưng cô chợt nảy ra ý nghĩ là cả Roberto cũng sẽ đi đường này, vì đó là fermata gần nhất trên đảo. Run rẩy và nóng ruột, biết mình là người duy nhất chờ, cô vẫy một chiếc xuồng máy đi ngang và trả thêm rất nhiều tiền để trở về khách sạn.
Ngày hôm sau và suốt nhiều ngày nữa cô đã gặt hái phần thưởng của mình. Roberto đã làm phần việc của y – giờ thì không một ai nói chuyện với cô nữa. Cô băn khoăn không biết y đã kể cho tất cả họ nghe gì về cô tệ đến độ cả Luca niềm nở cũng gần như không nhận mặt cô. Roberto hoặc là phớt lờ cô, hoặc cố làm cho đời cô thêm khó khăn bằng những biểu hiện nóng nảy hay thù hận nhỏ nhen. Đồ nghề của cô thường lạc mất, các thử nghiệm thủy tinh nho nhỏ của cô thấy bị đập vỡ. Với nghi ngờ ngày một tăng, Nora nhận ra rằng mình đang bị ức hiếp. Cô bắt đầu cảm thấy chính nỗi sợ mà cô đã thấy hồi đi học khi cô chạm trán mấy đứa con gái lớp sáu mắt kẻ đậm đen gọi cô là ‘hippy’ vì mái tóc dài của cô. Cô chưa bao giờ hình dung được là một người đàn ông lại có thể nhỏ nhen đến thế với một phụ nữ đã khước từ sự quyến rũ của mình. Cô đã cho là sau sự việc xảy ra, cô chỉ đơn giản là không còn nằm trong tầm ngắm của Roberto nữa thôi. Đôi khi cô thấy một cái lạnh nơi cổ và quay lại thì thấy y đang nhìn cô chằm chằm với vẻ căm hận lạnh lùng, đến nỗi cô cảm thấy chắc chắn có cái gì đó không bình thường ở y – cái gì đó còn hơn cả sự cự tuyệt tình dục làm y căm giận cô.
Nhưng có thể là cái gì đây? Mình hầu như không quen y. Y bị mất cân bằng?
Giờ thì cô chẳng còn ai, trừ một người dịu dàng tên Francesco – kẻ thỉnh thoảng, không cười, chỉ cho cô cách làm việc của mình cho đúng và rồi đáp lại lời cảm ơn của cô bằng một cái gật đầu nhút nhát. Cô biết tất cả họ đang chờ cô đầu hàng và về nhà. Cô thấy Adelino thỉnh thoảng khi ông xuống tầng xưởng, và hoan nghênh sự có mặt của ông như cô vẫn hoan nghênh sự xuất hiện của một giáo sư trong những giờ ra chơi dài ở trường. Cô biết rằng, khi ông có mặt, trò bắt nạt sẽ dừng. Cô biết ông kiểm tra sự tiến bộ của cô, nhưng đến nay ông chưa có cớ nào để nói với cô về điều ấy.
Nhưng trong cái bong bóng đơn độc của mình, cái lọ tĩnh lặng kín mít của riêng mình, cô biết công việc của mình đang khá lên. Khi không có mặt đồng nghiệp hay những cuộc chuyện trò thì thủy tinh trở thành bạn của cô. Cô bắt đầu hiểu nó theo cách mà cô sẽ không thể hiểu nếu bị những lời giễu cợt và chuyện trò làm xao lãng. Nhiệm vụ của cô ở giai đoạn này không có gì ngoài nấu chảy thủy tinh, làm sạch tạp chất, và thỉnh thoảng thổi bong bóng. Cô không có nhiệm vụ tạo hình hay nặn những quá những thứ thô sơ nhất, nhưng cô làm nguội và nung lại đôi chút. Vậy nhưng cô bắt đầu thấy hợp chất Silic và cát này như một cái gì đó sống và hữu cơ. Cô hiểu rằng nó thở - hít vào oxy cũng tham lam như bất kỳ sinh vật nào đang sống. Nó có tâm trạng – từ đỏ rực đên vàng mật đến trắng pha lê. Nó có kết cấu. Đôi khi trôi chảy như nước đường, có lúc lại rắn như thép đã tôi. Cô có thể tin chắc là vào thời Corradino, người ta đã làm dao bằng thủy tinh – chí mạng, im lặng. sạch sẽ.
Corradino. Cô nghĩ đến ông liên miên. Cô cảm thấy như thể thủy tinh gắn liền họ, là nó được kéo ra giữa họ cho đến khi mối liên lạch mảnh và căng như tơ đàn violongxen, ấy vậy mà vẫn âm vang một nốt trầm, dài qua hàng thế kỷ.
Ông ấy bầu bạn với mình trong khi những người khác trò chuyện quanh mình. Mình trò chuyện với ông.
Thấm từng chút một, tiếng Ý của Nora đã khá hơn và nhanh chóng xuất sắc. Khi tháng thử việc kết thúc, cô đến gặp Adelino, người bày tỏ niềm vui trước tiến bộ của cô và nguyện vọng được ở lại của cô. Nhưng ông lo là cô vẫn chưa có được giấy phép làm việc, và có vẻ như đặc biệt yêu cầu cô xin cho được giấy phép, như thể chính ông đang chuẩn bị cho một thời khóa biểu nào đó được giữ kín.
Vậy là Nora trở lại Đồn cảnh sát. Khi bước vào sảnh cô kiên quyết sẽ không ra về nếu không lấy được giấy phép. Cô kiên nhẫn chờ trong khu vực đã được chỉ định, đọc hàng đống tờ rơi và áp phích về những mối hiểm họa của ma túy, các hướng dẫn dành cho thuyền máy, tội phạm đường phố. Cuối cùng khi cô được chỉ qua một văn phòng phía trong. Nora thở dài khi thấy gã cảnh sát trẻ bảnh bao ra tiếp cô là người mà cô chưa quen, và cô chuẩn bị lặp lại toàn bộ câu chuyện lần nữa.
Anh chàng này, dù có cung cách đường đột, xem ra biết nhiều hơn những người đã đi qua trước đó. Y có vẻ khá quen thuộc với trường hợp của cô. Cô thấy bất ngờ về chuyện đó đến độ phải nửa giờ sau cô mới nhận ra là mình đã gặp y rồi.
Nhiều năm sau cô vẫn nhớ chính xác cái khoảnh khắc khi cô nhận ra điều này. Y xem xét kỹ hồ sơ của cô và hình như nhận ra một sự sai khác. Y nhìn từ giấy khai sinh của cô qua tờ đơn yêu cầu cấp giấy phép làm việc rồi hơi nhíu mày.
"Thưa cô". Y lật lật mấy tờ giấy. "Ở đây trong đơn xin của mình cô đã điền tên mình là Nora Manin". Y hơi khựng lại ở cái tên nước ngoài. "Nhưng trong khai sinh của cô tại Ospedali Civili Riuniti ở Venice này thì cô tên là Leonora Angelina Manin. Cô cố thể giải thích điều này cho tôi không?"
"Đó là chữ viết tắt. Vì tôi được nuôi nấng ở Anh nên mẹ tôi đặt tên Anh theo tên Ý của tôi".
Viên cảnh sát gật đầu, mắt nhìn mấy mẫu đơn. "Tôi hiểu. Nhưng cô hiểu cho, tôi sẽ cần cô điền mẫu đơn này lần nữa với tên thánh của cô". Y đứng lên và lôi ra một mẫu đơn màu da bò khác từ một ngăn tủ hồ sơ gần đó.
Nora cố kiềm chế cơn thịnh nộ. "Tôi chỉ cần sửa mẫu đơn này thôi được không?"
Đáp lại, viên cảnh sát trẻ kiếm cây bút của mình, mở nắp và đặt nó dứt khoát trước mặt cô.
Nora sôi sục lên khi điền lại mẫu đơn lần nữa, nhẩm tính đây là lần thứ tư mình làm việc này. Mỗi lần đều vì một sai sót vặt vãnh như cái này đây. Tệ hơn nữa, tờ này đã được Adelino ký, vậy là giờ cô phải nhờ ông làm lai, có nghĩa là ít nhất một chuyến đến đây nữa. Nora rủa thầm tờ đơn, nguyền rủa thành phố, rủa gã cảnh sát có móng tay sạch sẽ là một kẻ ưa làm khó dễ đến độ bắt cô phải chịu đựng thử thách gay go này. Cuối cùng khi điền xong, cô nhìn y kiểm tra cẩn thận tờ đơn, căm giận y.
"Tốt, được rồi". Cuối cùng y nói. Y trả lại tờ đơn. Khi làm vậy y nói, với nét thân thiện đầu tiên của mình, "Cô biết không, Leonora là một cái tên hay hơn Nora nhiều. Và nó là tên phù hợp cho một người Venice. Thấy không". Y chỉ con Sư tử của Thánh Mark, trang trí trên đầu tờ đơn của Nora. "Sư tử, II Leone, Leonora". Y ngước mắt nhìn Nora lần đầu tiên, và cuối cùng cô cũng đã nhận ra. Y là người đàn ông ở Pieta, người đã liếc nhìn cô tại buổi hòa nhạc Vivaldi.
Cô tự hỏi không biết y có nhận ra mình không trước khi cô nhận ra cái y vừa nói về tên mình. Cô thấy ấn tượng vì đó là điều ngược lại với cái tên Stephen đã nói với cô – tên Leonora phô trương và kiểu cách. Ở đây thì không thế. Ở đây nó phù hợp. Ở đây Nora là một cái tên xa lạ, một tên Anh, một cái cớ để bình phẩm. Cô đang trở thành một người Venice. Cô nhìn người đàn ông đã gợi ý sự hiển linh này và mỉm cười.
Y mỉm cười đáp lại rồi tức thì sự chuyên nghiệp trở lại. Y nhìn lại xuống mấy tờ đơn. "Cô vẫn đang ở khách sạn Santo Stefano?"
"Vâng".
Viên cảnh sát hít vào một hơi thật sâu, tạo ra cái âm thanh riêng biệt đó, mà trong bất kỳ ngôn ngữ nào cũng biểu thị một tốn kém ghê gớm.
"Tôi biết. Tôi đang tìm một căn hộ". Nora cảm thấy sự cấp bách hơn ai hết. Tiền bán Belmont đang tan nhanh, và một tháng trong một khách sạn đã chẳng giúp được gì.
Viên cảnh sát trông trầm ngâm. "Tôi có quen một người có thể giúp cô. Em họ tôi là người môi giới cho một số căn hộ ở San Marco. Nếu cô cần, tôi có thể chỉ cho cô vài chỗ. Hay là cuối tuần nhé? Tôi được nghỉ vào thứ Bảy?"
Nora cảm thấy nghi ngại. Ký ức buổi tối với Roberto và Luca vẫn còn in đậm trong tâm trí cô. Nhưng người đàn ông này là một viên chức. Mà cô lại cần một căn hộ. Tuy nhiên cô quyết tâm thu xếp các cuộc gặp gỡ tương lai trong sự an toàn vào ban ngày.
"Ba giờ có được không?"
Y gật đầu.
"Ở đâu?" cô hỏi.
Y đứng dậy mở cửa cho cô. "Cantina Do Mori được không? Hai Người Ma-rốc? Ở San Polo?"
Còn đâu khác được nữa. Một quán nước ít người biết đên, cổ xưa và không thay đổi. Với một khách du lịch, y đã có thể gợi ý Florian’s. Cô cảm thấy hãnh diện. "Tuyệt lắm".
Y chìa tay ra và cô chuẩn bị ra về, và khi cô cầm bàn tay y thì y nói, "Tôi là cảnh sát Alessandro Bardolino".
Cô mỉm cười. "Thế thì ở Do Mori, cảnh sát Bardolino".
Và Leonora Manin ra khỏi Questura, một lần nữa vẫn chưa có giấy phép làm việc.
Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano - Marina Fiorato Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano